Một cuốn sách thực dụng cho đời sống hiện đại
Trên thế giới ngày nay, rất nhiều người thích đọc những cuốn sách khuyên bảo. Nhưng những cuốn sách ấy thường bị lỗi thời và ít lâu sau phải được tu chỉnh hay thay thế. Còn về Kinh-thánh thì sao? Kinh-thánh được hoàn tất cách đây gần 2.000 năm. Tuy nhiên, thông điệp nguyên thủy của Kinh-thánh đã không bao giờ cần tu bổ hay cập nhật hóa. Một cuốn sách như thế có thể nào đưa ra lời hướng dẫn thực dụng cho thời chúng ta không?
CÓ NGƯỜI nói không. Bác sĩ Eli S. Chesen giải thích tại sao ông cảm thấy Kinh-thánh đã lỗi thời: “Không một ai sẽ tán thành việc dùng một sách giáo khoa hóa học ấn hành năm 1924 để dạy một lớp hóa học ngày nay”.1 Lý luận này có vẻ hợp lý. Nói cho cùng thì kể từ thời Kinh-thánh được viết ra, người ta đã biết được nhiều về sức khỏe tâm thần và cách cư xử của con người. Vậy làm thế nào một cuốn sách cổ xưa như thế có thể tỏ ra thực dụng cho đời sống hiện tại?
Những nguyên tắc muôn thuở
Đành rằng thời thế đã đổi khác, nhưng nhu cầu căn bản của con người đã không thay đổi. Trong suốt lịch sử, người ta đều cần được yêu thương và trìu mến. Người ta muốn được hạnh phúc và muốn đời sống mình có ý nghĩa. Họ cần được khuyên bảo về cách đương đầu với áp lực kinh tế, làm sao xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc và làm sao dạy dỗ con cái để có luân lý đạo đức. Kinh-thánh có lời khuyên đáp ứng những nhu cầu căn bản ấy (Truyền-đạo 3:12, 13; Rô-ma 12:10; Cô-lô-se 3:18-21; I Ti-mô-thê 6:6-10).
Lời khuyên trong Kinh-thánh phản ảnh sự ý thức sâu sắc về bản tánh con người. Chúng ta hãy xem xét một vài thí dụ về những nguyên tắc rõ rệt và không lỗi thời của Kinh-thánh, rất thực dụng cho đời sống hiện đại.
Sự hướng dẫn thực dụng cho hôn nhân
Tạp chí UN Chronicle nói rằng gia đình “là đơn vị lâu đời và căn bản nhất; mối liên kết tối quan trọng giữa các thế hệ”. Tuy nhiên, ‘mối liên kết tối quan trọng’ này đang tan rã với một tỷ lệ đáng ngại. Tạp chí này nhận xét: “Trong thế giới ngày nay, nhiều gia đình gặp phải những vấn đề nan giải đe dọa đến sinh hoạt gia đình và tệ hơn nữa đến chính sự tồn tại của gia đình”.2 Kinh-thánh đưa ra lời khuyên nào để giúp gia đình tồn tại?
Trước hết, Kinh-thánh nói nhiều về cách vợ chồng nên đối xử với nhau thế nào. Thí dụ, Kinh-thánh nói về người chồng: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó” (Ê-phê-sô 5:28, 29). Người vợ được khuyên phải “kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33).
Chúng ta hãy xem những người muốn áp dụng lời khuyên ấy trong Kinh-thánh phải làm gì. Người chồng nào yêu vợ mình “như chính thân mình” thì không ghen ghét hay hành hung vợ. Chồng sẽ không đánh đập vợ cũng không dùng lời nói hoặc tình cảm làm khổ vợ. Thay vì thế, người chồng phải tôn trọng vợ và chăm lo cho vợ y như cho bản thân mình vậy (I Phi-e-rơ 3:7). Như thế, người vợ cảm thấy mình được chồng yêu và hôn nhân được vững bền. Qua cách này, người chồng nêu gương tốt cho con cái về cách cư xử với phái nữ. Mặt khác, người vợ nào “kính” chồng không hạ phẩm cách người hôn phối bằng cách luôn miệng chê trách hay chỉ trích chồng. Vì được vợ kính, người chồng cảm thấy mình được tin cậy, chấp nhận và quí trọng.
Lời khuyên ấy có thực dụng trong thế giới hiện đại không? Điều đáng chú ý là những người chuyên môn nghiên cứu về gia đình ngày nay đã đi đến cùng một kết luận. Một giám đốc phụ trách chương trình cố vấn gia đình ghi nhận: “Trong những gia đình bền vững nhất mà tôi biết đến, người cha và mẹ có mối liên lạc mật thiết và đầy yêu thương... Mối liên hệ chính yếu và mật thiết này có vẻ giúp cho con cái được yên tâm”.3
Trải qua nhiều năm, lời khuyên của Kinh-thánh về hôn nhân đã chứng tỏ đáng tin cậy hơn nhiều so với lời khuyên của biết bao nhiêu cố vấn gia đình có thiện chí. Thật ra thì cách đây không lâu, nhiều chuyên gia khuyến khích người ta ly dị để nhanh chóng và dễ dàng giải quyết một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ngày nay, nhiều chuyên gia khuyên giục người ta cố sao cứu vãn hôn nhân. Nhưng họ chỉ thay đổi lối suy nghĩ sau khi thấy những tai hại trong nhiều gia đình bị đổ vỡ.
Ngược lại, Kinh-thánh đưa ra lời khuyên thăng bằng và đáng tin cậy về hôn nhân. Kinh-thánh nhìn nhận rằng một người có thể ly dị trong một vài hoàn cảnh đặc biệt nào đó (Ma-thi-ơ 19:9). Đồng thời Kinh-thánh cấm việc ly dị vô căn cứ (Ma-la-chi 2:14-16). Kinh-thánh cũng lên án việc thiếu chung thủy (Hê-bơ-rơ 13:4). Kinh-thánh nói rằng người nào kết hôn thì phải gắn bó với người hôn phối: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”a (Sáng-thế Ký 2:24; Ma-thi-ơ 19:5, 6).
Lời khuyên trong Kinh-thánh về hôn nhân vẫn còn thích hợp ngày nay y như vào thời Kinh-thánh được viết ra. Khi vợ chồng yêu thương, kính trọng lẫn nhau và xem hôn nhân là mối liên quan mật thiết giữa hai người, thì hôn nhân sẽ tồn tại, và cả gia đình cũng tồn tại nữa.
Sự hướng dẫn thực dụng cho các bậc cha mẹ
Cách đây vài chục năm, nhiều bậc cha mẹ—vì nghe theo những “khái niệm mới mẻ” về cách dạy dỗ con cái—tưởng rằng mình “bị cấm không được cấm”.8 Họ sợ rằng con cái sẽ bực bội và bị khủng hoảng tinh thần nếu cha mẹ đặt qui luật cho nó. Dù có thiện ý, nhưng nhiều nhà cố vấn về cách dạy dỗ con cái bảo các bậc cha mẹ rằng họ chỉ nên sửa trị con cái một cách hết sức dịu dàng. Nhưng nhiều nhà cố vấn ấy nay đang xem xét lại tầm quan trọng của vấn đề kỷ luật, và nhiều cha mẹ đang lo lắng muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, Kinh-thánh vẫn cho lời khuyên rõ ràng và thăng bằng về cách dạy dỗ con cái. Cách đây gần 2.000 năm, Kinh-thánh nói: “Các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Danh từ Hy Lạp được dịch là “sửa-phạt” có nghĩa là “dạy bảo, huấn luyện, chỉ dẫn”.9 Kinh-thánh nói rằng sự sửa phạt hay chỉ dẫn này cho thấy cha mẹ yêu con (Châm-ngôn 13:24). Con cái phát triển rất tốt khi được hướng dẫn rõ ràng về mặt đạo đức và khi được dạy phân biệt phải trái. Nhờ được sửa trị, chúng biết cha mẹ chăm lo đến chúng và đến việc sau này chúng sẽ trở thành người như thế nào.
Nhưng cha mẹ chớ nên lạm dụng quyền hành hay là “roi răn-phạt” của họb (Châm-ngôn 22:15; 29:15). Kinh-thánh cảnh giác: “Cha mẹ đừng trách mắng con cái quá nặng nề, khiến chúng nản lòng” (Cô-lô-se 3:21, Bản Diễn Ý). Kinh-thánh cũng công nhận rằng việc đánh đòn thường không phải là cách dạy dỗ hữu hiệu nhất. Châm-ngôn 17:10 nói: “Lời quở-trách thấm sâu vào người khôn-ngoan, hơn là trăm roi đánh vào kẻ ngu-muội”. Ngoài ra, Kinh-thánh khuyến khích cha mẹ sửa trị trước để phòng ngừa. Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:19 khuyên bảo cha mẹ nên lợi dụng những lúc bình thường để ghi tạc những tiêu chuẩn đạo đức vào lòng con mình. (Cũng xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7).
Lời khuyên trong Kinh-thánh cho các bậc cha mẹ rất là rõ ràng và không lỗi thời. Con cái cần được sửa trị một cách nhất quán và đầy yêu thương. Kinh nghiệm hằng ngày cho thấy lời khuyên ấy đạt được kết quả.c
Vượt qua những trở ngại gây chia rẽ
Ngày nay loài người bị chia rẽ bởi những trở ngại về chủng tộc, quốc gia và sắc tộc. Những bức tường nhân tạo này gây ra chết chóc cho nhiều người vô tội trong chiến tranh trên khắp thế giới. Qua tiến trình lịch sử, thì quả thật rất ít triển vọng là một ngày nào đó mọi người khác chủng tộc và quốc gia sẽ được xem và đối xử bình đẳng với nhau. Một chính khách Phi Châu nói: “Bí quyết nằm trong lòng chúng ta”.11 Nhưng sửa đổi tấm lòng con người không phải là điều dễ làm. Tuy nhiên, hãy xem thông điệp Kinh-thánh động đến lòng người và khuyến khích cách cư xử bình đẳng như thế nào.
Vì Kinh-thánh dạy rằng Đức Chúa Trời “đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người”, nên không thể có chủng tộc này cao trọng hơn chủng tộc kia (Công-vụ các Sứ-đồ 17:26). Kinh-thánh cho thấy chỉ có một chủng tộc duy nhất—chủng tộc loài người. Kinh-thánh còn khuyến khích chúng ta “bắt chước Đức Chúa Trời”, và Kinh-thánh nói về ngài: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:1; Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35). Sự hiểu biết này đã kết hợp những người xem trọng Kinh-thánh và thực sự cố gắng sống theo những sự dạy dỗ trong Kinh-thánh. Kinh-thánh tác động đến tấm lòng tới mức độ sâu đậm nhất, và phá bỏ những bức tường nhân tạo gây chia rẽ người ta. Hãy xem một thí dụ.
Khi Hitler gây chiến ở khắp Âu Châu, có một nhóm tín đồ đấng Christ—Nhân-chứng Giê-hô-va—đã cương quyết từ chối không giết người vô tội. Họ không “giá gươm lên” hại người đồng loại. Họ giữ vững lập trường này vì họ muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Ê-sai 2:3, 4; Mi-chê 4:3, 5). Họ thật lòng tin những điều Kinh-thánh dạy dỗ—tức là không một quốc gia hay chủng tộc nào tốt hơn quốc gia hay chủng tộc nào cả (Ga-la-ti 3:28). Vì lập trường hiếu hòa này, Nhân-chứng Giê-hô-va ở trong số những người đầu tiên bị đưa vào trại tập trung (Rô-ma 12:18).
Nhưng không phải tất cả những người cho rằng mình theo Kinh-thánh đều giữ vững lập trường này. Ít lâu sau Thế Chiến II, Martin Niemöller, tu sĩ Tin lành người Đức, viết như sau: “Người nào muốn tìm cách đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về [chiến tranh] thì không biết, hay không muốn biết, Lời Đức Chúa Trời... Qua các thời đại, các giáo hội tự xưng theo đấng Christ đã nhiều lần chúc phước cho chiến tranh, quân lính và vũ khí và... cầu nguyện cho kẻ thù họ bị tiêu diệt trong cuộc chiến là điều rất trái với đạo đấng Christ. Chính chúng ta và tổ tiên chúng ta phải chịu lỗi về mọi điều này, nhưng chắc chắn đó không phải là lỗi của Đức Chúa Trời. Và chúng ta là tín đồ đấng Christ ngày nay phải hổ thẹn trước một nhóm bị gọi là dị giáo như Các Học Viên Kinh-thánh [Nhân-chứng Giê-hô-va]; cả trăm cả ngàn người trong số đó đã bị nhốt vào trại tập trung và [ngay cả] chết vì từ chối không đi lính và không chịu bắn giết người khác”.12
Cho đến ngày nay, rất nhiều người biết Nhân-chứng Giê-hô-va vì tình anh em của họ, tình yêu thương này đoàn kết người Ả-rập và người Do Thái, người Crô-a-tia và người Serb, người Hutu và người Tutsi. Tuy nhiên, các Nhân-chứng sẵn sàng công nhận rằng họ có sự hợp nhất, không phải vì họ hay hơn người khác, mà vì họ được thúc đẩy bởi quyền lực của thông điệp Kinh-thánh (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).
Sự hướng dẫn thực dụng góp phần làm cho tâm thần mạnh khỏe
Sức khỏe tâm thần và tình cảm thường ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác. Thí dụ, những cuộc nghiên cứu khoa học đã xác định được hậu quả của tính nóng giận. Bác sĩ Redford Williams, Giám đốc Ngành Nghiên cứu Hành vi ở Trung tâm Y khoa của Viện Đại học Duke, và vợ là Virginia Williams, viết trong sách Anger Kills (Tính nóng giận làm chết người) như sau: “Phần lớn bằng chứng cho thấy có nhiều lý do vì sao những người hay nóng giận thường bị bệnh tim (cũng như những bệnh khác) hơn người khác, kể cả việc họ có ít bạn bè hơn, họ bị xúc động mạnh khi lên cơn nóng giận, và vì họ làm nhiều điều có hại cho sức khỏe”.13
Hàng ngàn năm trước khi có những cuộc nghiên cứu khoa học này, Kinh-thánh dùng những lời lẽ tuy giản dị nhưng rõ ràng để liên kết trạng thái tình cảm của chúng ta với sức khỏe thể xác: “Lòng bình-tịnh là sự sống của thân-thể; còn sự ghen-ghét là đồ mục của xương-cốt” (Châm-ngôn 14:30; 17:22). Lời khuyên trong Kinh-thánh rất khôn ngoan: “Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận-hoảng”, và “Chớ vội giận” (Thi-thiên 37:8; Truyền-đạo 7:9).
Kinh-thánh cũng đưa ra lời khuyên hợp lý để kiềm chế tính nóng giận. Thí dụ, Châm-ngôn 19:11 nói: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”. Từ Hê-bơ-rơ dịch là “khôn-ngoan” xuất phát từ một động từ ám chỉ việc “hiểu biết lý do” tại sao điều gì đó xảy ra.14 Lời khuyên khôn ngoan là: “Hãy suy nghĩ trước khi hành động”. Cố gắng tìm hiểu lý do tại sao người khác nói hay hành động một cách nào đó có thể giúp ta dễ bỏ qua hơn—và ít nóng giận hơn (Châm-ngôn 14:29).
Một lời khuyên thực tế khác được tìm thấy nơi Cô-lô-se 3:13, câu này nói: “Hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau”. Trên đời này, ai cũng gặp những điều làm mình bực bội. Câu “hãy nhường-nhịn nhau” có nghĩa là chúng ta nên chấp nhận những điều mà chúng ta không thích nơi người khác. “Tha-thứ” có nghĩa không cưu mang hờn giận. Đôi khi bỏ qua những cảm nghĩ cay đắng tốt hơn là nuôi dưỡng trong lòng; cưu mang hờn giận chỉ làm cho chúng ta bị nặng gánh thêm mà thôi.—Xem khung “Sự hướng dẫn thực dụng cho mối quan hệ giữa người đồng loại”.
Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy sự khuyên bảo và hướng dẫn ở nhiều nơi. Nhưng Kinh-thánh là sách có một không hai. Lời khuyên của Kinh-thánh không phải là giả thuyết, cũng không bao giờ có hại cho chúng ta. Thay vì thế, lời khuyên của Kinh-thánh đã chứng tỏ “rất là chắc-chắn” (Thi-thiên 93:5). Hơn nữa, lời khuyên của Kinh-thánh áp dụng cho mọi thời đại. Dù Kinh-thánh được hoàn tất cách đây gần 2.000 năm, nhưng lời Kinh-thánh vẫn còn thực dụng. Và lời khuyên trong Kinh-thánh hữu dụng cho mọi người, bất kể màu da hay nơi sinh sống. Lời Kinh-thánh cũng có quyền lực—quyền lực để cải thiện con người (Hê-bơ-rơ 4:12). Vì thế, đọc Kinh-thánh và áp dụng các nguyên tắc trong cuốn sách đó có thể nâng cao phẩm chất đời sống bạn.
[Chú thích]
a Từ Hê-bơ-rơ da·vaqʹ, ở đây được dịch là “dính-díu”, “bao hàm ý nghĩa bám víu vào một người nào trong tình âu yếm và chung thủy”.4 Trong tiếng Hy Lạp, từ dịch là “dính-díu” ở Ma-thi-ơ 19:5 có liên hệ với chữ có nghĩa là “dán keo vào”, “kết dính”, “nối chặt lại với nhau”.5
b Vào thời Kinh-thánh được viết ra, chữ “roi” (Hê-bơ-rơ, sheʹvet) có nghĩa là “cây gậy”, như gậy của người chăn chiên.10 Theo nghĩa này, roi quyền hành chỉ đến sự hướng dẫn đầy yêu thương, chứ không phải sự hành hung khắc nghiệt. (So sánh Thi-thiên 23:4).
c Hãy xem các chương “Dạy dỗ con cái từ thuở thơ ấu”, “Giúp con cái ở tuổi thanh thiếu niên phát triển”, “Có đứa con ngỗ nghịch trong gia đình không?” và “Che chở gia đình bạn khỏi bị ảnh hưởng tai hại” trong sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
[Câu nổi bật nơi trang 24]
Kinh-thánh đưa ra lời khuyên rõ rệt, hợp lý về đời sống gia đình
[Khung nơi trang 23]
Đặc điểm của những gia đình lành mạnh
Cách đây vài năm, một nhà giáo dục cũng là nhà chuyên môn nghiên cứu về gia đình đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến hơn 500 cố vấn gia đình. Bà xin họ cho biết về những đặc điểm mà họ nhận thấy nơi các gia đình “lành mạnh”. Điều đáng chú ý là những đặc điểm mà họ thường thấy nhất đã được Kinh-thánh khuyến khích cách đây lâu lắm rồi.
Đặc điểm thứ nhất là việc trò chuyện cởi mở, kể cả những cách hữu hiệu để giải quyết các mối bất hòa. Người tổ chức cuộc thăm dò ý kiến ghi nhận rằng những gia đình lành mạnh thường theo biện pháp là “không ai đi ngủ khi còn giận người khác”.6 Tuy nhiên, cách đây hơn 1.900 năm, Kinh-thánh khuyên bảo: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26). Vào thời Kinh-thánh được viết ra, người ta tính một ngày là từ lúc mặt trời lặn ngày này cho đến lúc mặt trời lặn ngày sau. Vậy thì rất lâu trước khi các chuyên gia hiện đại nghiên cứu về gia đình, Kinh-thánh đã khuyên một cách khôn ngoan: Hãy nhanh chóng giải quyết những mối bất hòa—trước khi ngày này qua đi và ngày khác bắt đầu.
Tác giả thấy rằng những gia đình lành mạnh “không nêu lên những vấn đề có thể đưa đến gây gỗ ngay trước khi đi ra ngoài hay trước khi đi ngủ. Nhiều lần tôi nghe câu ‘đúng lúc’ ”.7 Các gia đình ấy đã vô tình lặp lại lời châm ngôn trong Kinh-thánh được viết cách đây hơn 2.700 năm: “Lời bàn đúng lúc chẳng khác gì trái táo vàng trên đĩa bạc” (Châm-ngôn 15:23; 25:11, Bản Diễn Ý). Lời ví von này có thể ngụ ý nói đến những đồ chưng bằng vàng có hình trái táo đặt trên mâm chạm bằng bạc—những đồ quí giá và tuyệt đẹp trong thời Kinh-thánh. Câu này cho biết những lời nói đúng lúc có giá trị và tốt lành biết bao. Trong những hoàn cảnh căng thẳng, lời nói đúng lúc thật vô giá thay! (Châm-ngôn 10:19).
[Khung nơi trang 26]
Sự hướng dẫn thực dụng cho mối quan hệ giữa người đồng loại
“Các ngươi khá e-sợ [bực mình, NW], chớ phạm tội; trên giường mình hãy suy-gẫm trong lòng, và làm thinh” (Thi-thiên 4:4). Trong đa số những vụ xích mích, có lẽ tốt hơn là nên kiềm chế lời nói, như thế tránh được những cuộc cãi cọ sôi nổi.
“Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay” (Châm-ngôn 12:18). Hãy suy nghĩ trước khi nói ra. Những lời nói thiếu suy nghĩ có thể làm người khác bị tổn thương và hủy hoại tình bạn.
“Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm” (Châm-ngôn 15:1). Muốn đáp lời một cách êm nhẹ, chúng ta phải biết tự chủ, và điều này thường làm cho vấn đề bớt căng thẳng và khuyến khích những mối quan hệ hòa thuận.
“Khởi đầu tranh-cạnh, ấy như người ta mở đường nước chảy; vậy, khá thôi cãi-lẫy trước khi đánh lộn” (Châm-ngôn 17:14). Điều khôn ngoan là bạn nên rút lui khỏi một tình trạng gay go trước khi bạn nổi giận.
“Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội” (Truyền-đạo 7:9). Cảm xúc thường đi trước hành động. Người nào dễ giận là người ngu muội, vì tính này có thể khiến họ nói hoặc làm những điều thiếu suy nghĩ.
[Hình nơi trang 25]
Nhân-chứng Giê-hô-va ở trong số những người đầu tiên bị đưa vào trại tập trung