Kết cuộc sẽ ra sao khi bạn đứng trước Ngai Phán Xét?
“Khi Con người ngự trong sự vinh-hiển mình mà đến với các thiên-sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh-hiển của Ngài” (MA-THI-Ơ 25:31).
1-3. Về vấn đề công lý, chúng ta có lý do nào để lạc quan?
‘CÓ TỘI HAY VÔ TỘI?’ Nhiều người thắc mắc khi nghe báo cáo về một vụ kiện nào đó. Các quan tòa và ban hội thẩm có thể cố gắng thật thà, nhưng công lý có thường thắng thế không? Chẳng lẽ bạn chưa từng nghe nói về sự bất công trong tiến trình xét xử? Sự bất công này không có gì là mới lạ cả, như chúng ta thấy trong ví dụ của Giê-su nơi Lu-ca 18:1-8.
2 Dù bạn trải qua kinh nghiệm nào về sự xét xử của loài người đi nữa, hãy chú ý lời kết luận của Giê-su: “Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công-bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài...! Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội-vàng xét lẽ công-bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức-tin trên mặt đất chăng?”
3 Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ lo liệu sao cho tôi tớ Ngài cuối cùng được xét xử công bằng. Giê-su cũng đóng một vai trò trong việc xét xử, đặc biệt là trong thời kỳ này vì chúng ta đang sống trong “ngày sau-rốt” của hệ thống gian ác hiện tại. Chẳng bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ dùng Con đầy quyền năng của ngài để tẩy sạch sự gian ác khỏi trái đất (II Ti-mô-thê 3:1; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8; Khải-huyền 19:11-16). Chúng ta có thể hiểu thêm về vai trò của Giê-su qua một trong những ví dụ cuối cùng của ngài, thường được gọi là ví dụ về chiên và dê.
4. Chúng ta đã hiểu thời điểm của ví dụ về chiên và dê như thế nào, nhưng tại sao bây giờ chúng ta lại chú ý đến ví dụ này? (Châm-ngôn 4:18).
4 Từ lâu nay chúng tôi nghĩ rằng ví dụ này miêu tả Giê-su lên ngôi làm Vua vào năm 1914 và phán xét từ lúc đó—những ai chứng tỏ giống như chiên được sống đời đời, dê bị chết đời đời. Nhưng khi xem xét lại ví dụ này, chúng tôi thấy cần phải điều chỉnh sự hiểu biết về thời điểm và hàm ý của ví dụ này. Sự điều chỉnh này nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc rao giảng và ý nghĩa bên trong phản ứng của người ta. Để xem sự hiểu biết sâu sắc hơn về ví dụ này được đặt trên nền tảng nào, chúng ta hãy xem xét những gì Kinh-thánh cho biết về Đức Giê-hô-va và Giê-su, cả hai với tư cách là Vua và Đấng xét xử.
Đức Giê-hô-va là Đấng xét xử Tối cao
5, 6. Tại sao nghĩ rằng Đức Giê-hô-va vừa là Vua vừa là Đấng xét xử là điều thích hợp?
5 Đức Giê-hô-va cai trị vũ trụ và có quyền trên mọi tạo vật. Vì không có bắt đầu và cuối cùng, ngài là “Vua muôn đời” (I Ti-mô-thê 1:17; Thi-thiên 90:2, 4; Khải-huyền 15:3). Ngài có quyền lập luật và thi hành luật đó. Nhưng quyền của ngài bao hàm vai trò làm Đấng xét xử. Ê-sai 33:22 nói: “Đức Giê-hô-va là quan-xét chúng ta, Đức Giê-hô-va là Đấng lập luật cho chúng ta, Đức Giê-hô-va là vua chúng ta, chính Ngài sẽ cứu chúng ta!”
6 Tôi tớ Đức Chúa Trời từ lâu đã nhận biết Đức Giê-hô-va là Đấng xét xử các vụ án và vấn đề. Thí dụ, sau khi “Đấng đoán-xét toàn thế-gian” cân nhắc bằng chứng về sự gian ác của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, ngài phán quyết là các dân ở đó đáng bị hủy diệt, và ngài cũng thi hành sự phán quyết công bình đó (Sáng-thế Ký 18:20-33; Gióp 34:10-12). Chúng ta thật được an tâm biết bao khi biết được Đức Giê-hô-va là một Đấng xét xử công bình, luôn luôn thi hành được các phán quyết của mình!
7. Khi xử sự với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va đã hành động như thế nào trong tư cách Đấng xét xử?
7 Trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va đôi khi xét xử một cách trực tiếp. Chẳng lẽ vào thời đó bạn lại không cảm thấy an tâm khi biết rằng một Đấng xét xử hoàn toàn đang quyết định các vấn đề hay sao? (Lê-vi Ký 24:10-16; Dân-số Ký 15:32-36; 27:1-11). Đức Chúa Trời cũng ban cho “luật-pháp” mà tất cả những điều ghi trong đó đều làm tiêu chuẩn để phán xét (Lê-vi Ký 25:18, 19; Nê-hê-mi 9:13; Thi-thiên 19:9, 10; 119:7, 75, 164; 147:19, 20). Ngài là “Đấng đoán-xét toàn thế-gian” cho nên sự kiện đó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:23).
8. Đa-ni-ên đã có sự hiện thấy nào liên quan đến vấn đề này?
8 Chúng ta có lời chứng của “người chứng kiến” liên quan đến vấn đề này. Nhà tiên tri Đa-ni-ên nhận được một sự hiện thấy về những con thú hung dữ tượng trưng cho các chính phủ hay đế quốc (Đa-ni-ên 7:1-8, 17). Ông nói thêm: “Các ngôi đã đặt, và có Đấng Thượng-cổ ngồi ở trên. Áo Ngài trắng như tuyết” (Đa-ni-ên 7:9). Hãy lưu ý là Đa-ni-ên thấy các ngôi “và Đấng Thượng-cổ [Đức Giê-hô-va] ngồi ở trên”. Hãy tự hỏi: ‘Có phải Đa-ni-ên ở đây đang chứng kiến Đức Chúa Trời lên làm Vua không?’
9. Một ý nghĩa của việc ‘ngồi trên’ ngôi là gì? Hãy cho thí dụ.
9 Khi chúng ta đọc về một người nào “ngồi ở trên” ngôi, chúng ta có thể nghĩ là người đó bắt đầu làm vua vì Kinh-thánh đôi khi nói như vậy. Thí dụ, “[Zimri] lên ngôi rồi vừa ngồi xuống ngai, ông...” (Các Vua I 16 11, bản dịch Nguyễn thế Thuấn; [I Các Vua 16:11] II Các Vua 10:30; 15:12; Giê-rê-mi 33:17). Một lời tiên tri về đấng Mê-si nói: “Chính người sẽ... ngồi cai-trị trên ngôi mình”. Vì thế, ‘ngồi trên ngôi’ có thể có nghĩa là lên làm vua (Xa-cha-ri 6:12, 13). Đức Giê-hô-va được miêu tả là vị Vua ngồi trên ngôi (I Các Vua 22:19; Ê-sai 6:1; Khải-huyền 4:1-3). Ngài là “Vua muôn đời”. Song khi ngài biểu lộ một khía cạnh mới của quyền thống trị, chúng ta có thể nói là Ngài đã lên làm Vua như thể ngài ngồi lại trên ngôi một lần nữa (I Sử-ký 16:1, 31; Ê-sai 52:7; Khải-huyền 11:15-17; 15:3; 19:1, 2, 6).
10. Một nhiệm vụ chính của các vua Y-sơ-ra-ên là gì? Hãy cho thí dụ.
10 Nhưng đây là điểm chủ yếu: Một nhiệm vụ chính của các vua thời xưa là xét xử các vụ án và đưa ra phán quyết (Châm-ngôn 20:8; 29:14). Hãy nhớ lại việc phán xét khôn ngoan của Sa-lô-môn khi cả hai người đàn bà đều nói rằng họ là mẹ ruột của một đứa bé (I Các Vua 3:16-28; II Sử-ký 9:8). Một trong những đền đài ở cung điện là “hiên để ngai, là nơi người xét-đoán”, cũng được gọi là “hiên xét-đoán” (I Các Vua 7:7). Giê-ru-sa-lem được miêu tả là nơi “có lập các ngôi đoán-xét” (Thi-thiên 122:5). Rõ ràng, ‘ngồi trên ngôi’ cũng có thể có nghĩa là thi hành quyền xét xử (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13; Châm-ngôn 20:8).
11, 12. a) Việc Đức Giê-hô-va ngồi xuống, đề cập nơi Đa-ni-ên đoạn 7, có nghĩa gì? b) Những đoạn khác khẳng định như thế nào về việc Đức Giê-hô-va ngồi xuống để phán xét?
11 Bây giờ chúng ta hãy trở lại nơi mà Đa-ni-ên thấy ‘Đấng Thượng-cổ ngồi ở trên’. Đa-ni-ên 7:10 nói thêm: “Sự xét-đoán đã sắm-sẵn, và các sách mở ra”. Đúng vậy, Đấng Thượng cổ đang ngồi phán xét về vấn đề thống trị thế gian và xét thấy là Con người xứng đáng để cai trị (Đa-ni-ên 7:13, 14). Rồi chúng ta đọc rằng “Đấng Thượng-cổ đã đến, sự xét-đoán đã ban cho các thánh”, tức những người được xét là xứng đáng để cai trị cùng với Con người (Đa-ni-ên 7:22). Sau hết “Pháp đình an tọa” và kết án cường quốc cuối cùng (Đaniel 7 26, bản dịch Nguyễn thế Thuấn).a
12 Do đó, việc Đa-ni-ên thấy Đức Chúa Trời ‘ngồi trên ngôi’ có nghĩa là ngài đến để phán xét. Trước đó Đa-vít có ca: “Chúa [Đức Giê-hô-va] binh-vực quyền-lợi và duyên-cớ tôi; Chúa ngồi tòa mà đoán-xét công-bình” (Thi-thiên 9:4, 7). Và Giô-ên có ghi: “Các nước khá dấy lên, khá lên trong trũng Giô-sa-phát, vì ở đó là nơi ta [Đức Giê-hô-va] sẽ ngồi đặng phán-xét hết thảy các dân-tộc xung-quanh”. (Giô-ên 3:12; so sánh Ê-sai 16:5). Cả Giê-su lẫn Phao-lô đã ở trong hoàn cảnh bị xét xử, trong đó có một người trần ngồi xử một vụ kiện và đưa ra phán quyếtb (Giăng 19:12-16; Công-vụ các Sứ-đồ 23:3; 25:6).
Vai trò của Giê-su
13, 14. a) Nhờ điều gì mà dân tộc Đức Chúa Trời biết chắc là Giê-su sẽ lên làm Vua? b) Khi nào Giê-su ngồi trên ngôi, và ngài đã cai trị từ năm 33 công nguyên trở đi theo nghĩa nào?
13 Đức Giê-hô-va vừa là Vua vừa là Đấng xét xử. Còn Giê-su thì sao? Vị thiên sứ báo tin việc ngài sanh ra đã nói: “Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài... nước Ngài vô-cùng” (Lu-ca 1:32, 33). Giê-su sẽ là đấng vĩnh viễn thừa kế ngôi vua của dòng Đa-vít (II Sa-mu-ên 7:12-16). Ngài sẽ cai trị từ trời, vì Đa-vít nói: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi [Giê-su] rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù-nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi. Đức Giê-hô-va từ Si-ôn sẽ sai đến cây phủ-việt về sự năng-lực ngươi: Hãy cai-trị giữa các thù-nghịch ngươi” (Thi-thiên 110:1-4).
14 Khi nào việc đó xảy ra? Khi làm người, Giê-su đã không cai trị với tư cách là Vua (Giăng 18:33-37). Năm 33 công nguyên, ngài chết, được sống lại và lên trời. Hê-bơ-rơ 10:12 nói: “Đấng nầy, đã vì tội-lỗi dâng chỉ một của-lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời”. Giê-su có quyền năng nào? “[Đức Chúa Trời] làm cho [ngài] ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế-lực, mọi quân-chủ... và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội-thánh” (Ê-phê-sô 1:20-22). Vì Giê-su lúc đó có vương quyền trên các tín đồ đấng Christ, Phao-lô có thể viết rằng Đức Giê-hô-va “đã giải-thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối-tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu-dấu Ngài” (Cô-lô-se 1:13; 3:1).
15, 16. a) Tại sao chúng ta nói rằng Giê-su đã không lên làm Vua của Nước Đức Chúa Trời vào năm 33 công nguyên? b) Khi nào Giê-su bắt đầu cai trị trong Nước Đức Chúa Trời?
15 Tuy nhiên, lúc bấy giờ Giê-su chưa hành động với tư cách là Vua và Đấng xét xử trên các nước. Ngài được ngồi cạnh Đức Chúa Trời, chờ đến khi ngài có thể hành động với tư cách là Vua của Nước Đức Chúa Trời. Phao-lô viết về ngài: “Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên-sứ nào rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng nào ta để kẻ thù nghịch làm bệ dưới chơn ngươi?” (Hê-bơ-rơ 1:13).
16 Nhân-chứng Giê-hô-va đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy là giai đoạn chờ đợi của Giê-su đã chấm dứt vào năm 1914, khi ngài lên ngôi làm vua Nước Đức Chúa Trời trên các từng trời vô hình. Khải-huyền 11:15, 18 nói: “Từ nay nước của thế-gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị-vì đời đời”. “Các dân-tộc vốn giận-dữ, nhưng cơn thạnh-nộ của Ngài đã đến”. Đúng thế, các dân tộc biểu lộ sự giận dữ với nhau trong Thế chiến I (Lu-ca 21:24). Chiến tranh, động đất, dịch lệ, đói kém và những biến cố tương tự mà chúng ta đã thấy từ năm 1914 xác định là Giê-su hiện đang cai trị trong Nước Đức Chúa Trời, và ngày tàn của thế gian sắp đến (Ma-thi-ơ 24:3-14).
17. Tới đây chúng ta đã chứng minh những điểm then chốt nào?
17 Để tóm tắt lại: chúng ta có thể nói là Đức Chúa Trời ngồi trên ngôi với tư cách là Vua, nhưng theo một nghĩa khác ngài có thể ngồi trên ngôi để phán xét. Năm 33 công nguyên, Giê-su ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, và bây giờ ngài làm Vua Nước Trời. Nhưng có phải Giê-su, hiện đang làm Vua, cũng làm Đấng xét xử không? Và tại sao chúng ta nên quan tâm đến điều đó, đặc biệt vào thời kỳ này?
18. Có bằng chứng nào cho thấy rằng Giê-su cũng sẽ là Đấng xét xử?
18 Đức Giê-hô-va, đấng có quyền bổ nhiệm các quan án, đã chọn Giê-su làm Đấng xét xử hội đủ tiêu chuẩn của Ngài. Giê-su chứng tỏ điều này khi ngài nói về những người bắt đầu được sống theo nghĩa thiêng liêng: “Cha cũng chẳng xét-đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán-xét cho Con” (Giăng 5:22). Tuy nhiên, vai trò phán xét của Giê-su không chỉ bao hàm việc phán xét như thế thôi, vì ngài là đấng xét xử người sống và người chết (Công-vụ các Sứ-đồ 10:42; II Ti-mô-thê 4:1). Phao-lô có lần tuyên bố: “[Đức Chúa Trời] đã chỉ-định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian, bởi Người [Giê-su] Ngài đã lập, và Đức Chúa Trời đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về đều đó cho thiên-hạ” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:31; Thi-thiên 72:2-7).
19. Tại sao nói rằng Giê-su ngồi xuống với tư cách Đấng xét xử là điều đúng?
19 Vậy chúng ta có lý do chính đáng không khi kết luận rằng Giê-su ngồi trên ngôi vinh hiển trong vai trò cụ thể của một Đấng xét xử? Có. Giê-su nói với các sứ đồ: “Đến kỳ muôn vật đổi mới, là khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh-hiển của ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 19:28). Mặc dù Giê-su hiện đang làm Vua của Nước Trời, hoạt động kế tiếp của ngài được nói đến nơi Ma-thi-ơ 19:28 sẽ bao gồm việc ngồi trên ngôi để phán xét trong thời kỳ Một Ngàn Năm. Lúc đó ngài sẽ phán xét tất cả nhân loại, người công bình và người không công bình (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Ghi nhớ điều này sẽ có lợi khi chúng ta chú ý đến một trong những chuyện ví dụ của Giê-su liên quan đến thời kỳ này và đời sống của chúng ta.
Ví dụ này nói gì?
20, 21. Các sứ đồ hỏi Giê-su điều gì có liên quan đến thời kỳ chúng ta, và đưa đến câu hỏi nào?
20 Không lâu trước khi Giê-su chết, các sứ đồ hỏi ngài: “Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”? (Ma-thi-ơ 24:3). Giê-su tiên tri về những diễn biến quan trọng trên đất xảy ra trước khi ‘sự cuối cùng sẽ đến’. Ngay trước sự cuối cùng đó, các nước sẽ “thấy Con người lấy đại-quyền đại-vinh ngự trên mây trời mà xuống” (Ma-thi-ơ 24:14, 29, 30).
21 Nhưng dân ở các nước đó sẽ ra sao khi Con người đến trong sự vinh hiển? Chúng ta hãy tìm hiểu qua chuyện ví dụ về chiên và dê được bắt đầu với những lời: “Khi Con người ngự trong sự vinh-hiển mình mà đến với các thiên-sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh-hiển của Ngài. Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài” (Ma-thi-ơ 25:31, 32).
22, 23. Điểm nào cho thấy là ví dụ về chiên và dê đã không bắt đầu ứng nghiệm vào năm 1914?
22 Ví dụ này có áp dụng khi Giê-su lên ngôi làm vua vào năm 1914, như chúng ta từ lâu đã hiểu không? Ma-thi-ơ 25:34 hẳn có nói về ngài là Vua, cho nên điều hợp lý là ví dụ này chỉ đến thời kỳ kể từ khi Giê-su lên làm Vua vào năm 1914. Nhưng ngay sau đó ngài đã làm sự phán xét nào? Đó không phải là sự phán xét “muôn dân”. Đúng hơn, ngài chú ý đến những người tự cho là họ hợp thành “nhà Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:17). Phù hợp với Ma-la-chi 3:1-3, Giê-su, với tư cách sứ giả của Đức Giê-hô-va, thanh tra và phán xét các tín đồ đấng Christ được xức dầu còn lại trên đất. Đó cũng là lúc để kết án các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ là những tôn giáo giả dối cho mình là “nhà Đức Chúa Trời”c (Khải-huyền 17:1, 2; 18:4-8). Nhưng không có điều gì cho thấy là lúc bấy giờ, hoặc từ lúc đó, Giê-su ngồi phán xét muôn dân để quyết định cuối cùng ai là chiên hay dê.
23 Nếu chúng ta phân tích hoạt động của Giê-su trong ví dụ này thì chúng ta nhận thấy cuối cùng ngài mới phán xét muôn dân. Ví dụ này không cho thấy rằng việc phán xét này sẽ kéo dài trong nhiều năm, như thể mỗi người chết trong các thập niên qua đều đã trải qua sự phán xét là bị chết đời đời hoặc được sống đời đời. Dường như phần đông những người đã chết trong các thập niên gần đây đều đi vào mồ mả chung của nhân loại (Khải-huyền 6:8; 20:13). Nhưng, ví dụ này miêu tả thời kỳ mà Giê-su phán xét “muôn dân” là những người sống vào lúc đó và đứng trước sự phán xét của ngài.
24. Khi nào thì ví dụ về chiên và dê sẽ ứng nghiệm?
24 Nói một cách khác, ví dụ này chỉ về tương lai khi Con người sẽ đến trong sự vinh hiển. Ngài sẽ ngồi phán xét những người đang sống vào lúc đó. Ngài sẽ phán xét tùy theo sự kiện họ chứng tỏ mình thuộc thành phần nào. Khi ấy sự “phân biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác” sẽ được thấy rõ (Ma-la-chi 3:18). Riêng về việc tuyên bố và thi hành phán quyết thì sẽ được thực hiện trong một thời gian hạn định. Giê-su sẽ phán quyết công bằng dựa trên những gì mà mỗi người cho thấy về chính mình (Cũng xem II Cô-rinh-tô 5:10).
25. Ma-thi-ơ 25:31 miêu tả gì khi nói về Con người ngồi trên ngôi vinh hiển?
25 Vậy thì điều này có nghĩa là việc Giê-su ‘ngồi trên ngôi vinh-hiển của ngài’ để phán xét, được nói đến nơi Ma-thi-ơ 25:31, áp dụng cho thời kỳ trong tương lai khi vị Vua quyền năng này sẽ ngồi xuống để tuyên bố và thi hành phán quyết trên các nước. Đúng vậy, cảnh Giê-su phán xét nơi Ma-thi-ơ 25:31-33, 46 có thể so sánh với cảnh ở Đa-ni-ên đoạn 7, nơi mà Vua đang trị vì, tức Đấng Thượng cổ, ngồi xuống để thi hành vai trò Đấng xét xử.
26. Chúng ta thấy có sự giải thích mới nào về ví dụ này?
26 Hiểu ví dụ về chiên và dê theo cách này cho thấy là sự phán xét chiên và dê là việc trong tương lai. Nó sẽ xảy ra sau khi “sự tai-nạn”, đề cập nơi Ma-thi-ơ 24:29, 30, bùng nổ và Con người ‘đến trong sự vinh hiển’. (So sánh Mác 13:24-26). Lúc đó, vào giai đoạn chót của toàn thể hệ thống gian ác, Giê-su sẽ mở phiên tòa xét xử và thi hành sự phán quyết (Giăng 5:30; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-10).
27. Chúng ta nên chú ý tìm hiểu điều gì về ví dụ cuối cùng của Giê-su?
27 Bài này giúp chúng ta hiểu rõ thời điểm của ví dụ của Giê-su, cho thấy khi nào chiên và dê sẽ được phán xét. Nhưng điều này ảnh hưởng chúng ta là những người sốt sắng rao giảng tin mừng về Nước Trời như thế nào? (Ma-thi-ơ 24:14). Điều này có làm công việc của chúng ta kém phần quan trọng, hoặc có mang đến một trách nhiệm nặng hơn không? Chúng ta hãy xem sự hiểu biết này ảnh hưởng chúng ta như thế nào trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Từ được dịch là “Pháp đình” nơi Đaniel 7 10, 26 cũng được thấy nơi E-xơ-ra 7:26 và Đa-ni-ên 4:37; 7:22.
b Về việc tín đồ đấng Christ thưa kiện ra tòa, Phao-lô hỏi: “Sao lấy những kẻ không kể ra chi trong Hội-thánh làm người xét đoán [theo nghĩa đen “ngồi tòa”]?” (I Cô-rinh-tô 6:4).
c Xem Revelation—Its Grand Climax At Hand!, trang 56, 73, 235-245, 260, do Hội Tháp Canh xuất bản.
Bạn có nhớ không?
◻ Làm sao Đức Giê-hô-va vừa là Vua vừa là Đấng xét xử?
◻ ‘Ngồi trên ngôi’ có thể có hai ý nghĩa nào?
◻ Trước đây chúng tôi nói gì về thời điểm của Ma-thi-ơ 25:31, nhưng có lý do nào để điều chỉnh quan điểm này?
◻ Khi nào Con người ngồi trên ngôi, như Ma-thi-ơ 25:31 cho thấy?