CHƯƠNG 14
Đức Giê-hô-va cung cấp “giá chuộc cho nhiều người”
1, 2. Kinh Thánh miêu tả thế nào về tình trạng của con người, và giải pháp duy nhất để thoát khỏi tình trạng đó là gì?
“Mọi tạo vật vẫn cùng nhau than thở và chịu đau đớn” (Rô-ma 8:22). Sứ đồ Phao-lô dùng những lời này để miêu tả tình trạng đáng buồn của chúng ta. Theo quan điểm của con người thì dường như không có lối thoát cho sự đau khổ, tội lỗi và cái chết. Nhưng Đức Giê-hô-va không bị giới hạn giống như con người (Dân số 23:19). Đức Chúa Trời của công lý đã cung cấp một giải pháp để cứu chúng ta thoát khỏi tình trạng đáng buồn của mình. Đó chính là giá chuộc.
2 Giá chuộc là món quà lớn nhất mà Đức Giê-hô-va ban cho nhân loại, qua đó chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết (Ê-phê-sô 1:7). Nhờ giá chuộc mà chúng ta có triển vọng sống vĩnh cửu, dù ở trên trời hay dưới đất (Lu-ca 23:43; Giăng 3:16; 1 Phi-e-rơ 1:4). Nhưng giá chuộc là gì? Giá chuộc dạy chúng ta điều gì về công lý hoàn hảo của Đức Giê-hô-va?
Tại sao cần có giá chuộc?
3. (a) Tại sao cần có giá chuộc? (b) Tại sao Đức Chúa Trời không cho phép con cháu của A-đam sống đời đời bất kể tội lỗi của họ?
3 Vì tội lỗi của A-đam nên rất cần có giá chuộc. Do bất tuân với Đức Chúa Trời, ông đã truyền lại cho con cháu bệnh tật, đau khổ và cái chết (Sáng thế 2:17; Rô-ma 8:20). Đức Chúa Trời không thể đơn giản lờ đi những gì đã xảy ra. Nếu để cho con cháu của A-đam sống đời đời bất kể tội lỗi của họ, hẳn ngài đang lờ đi điều luật mà chính ngài lập ra: “Tiền công mà tội lỗi trả là sự chết” (Rô-ma 6:23). Nếu Đức Giê-hô-va không giữ tiêu chuẩn công lý của chính mình thì tình trạng hỗn loạn và vô luật pháp sẽ lan tràn khắp vũ trụ.
4, 5. (a) Sa-tan đã cáo buộc Đức Chúa Trời như thế nào, và tại sao ngài phải đáp lại những cáo buộc của hắn? (b) Sa-tan cáo buộc những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va điều gì?
4 Như đã xem trong chương 12, sự phản nghịch trong vườn Ê-đen đã nêu lên những vấn đề nghiêm trọng hơn. Sa-tan bôi nhọ thanh danh của Đức Chúa Trời. Hắn đã cáo buộc ngài là kẻ nói dối, độc tài và tước đi quyền tự do của các tạo vật mà ngài dựng nên (Sáng thế 3:1-5). Qua việc khiến cho Đức Chúa Trời dường như không thể thực hiện ý định của ngài là làm trái đất có đầy người công chính, Sa-tan gán cho ngài cái mác là kẻ thất bại (Sáng thế 1:28; Ê-sai 55:10, 11). Nếu Đức Giê-hô-va không đáp lại những thách thức ấy của Sa-tan thì nhiều tạo vật thông minh có thể bắt đầu nghi ngờ ngài là Đấng Cai Trị tốt nhất.
5 Sa-tan cũng cáo buộc những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Hắn cho rằng họ phụng sự ngài chỉ vì động cơ ích kỷ và nếu gặp thử thách thì không ai sẽ tiếp tục trung thành với ngài (Gióp 1:9-11). Việc chứng minh lời cáo buộc của Sa-tan là sai quan trọng hơn nhiều so với việc giải thoát con người khỏi tình trạng đau khổ. Vì thế, Đức Chúa Trời quyết định đáp lại những cáo buộc của Sa-tan. Nhưng làm sao ngài có thể vừa làm thế và vừa giải cứu nhân loại?
Giá chuộc—Một điều tương xứng
6. Kinh Thánh dùng một số từ nào để miêu tả phương tiện Đức Giê-hô-va dùng nhằm giải cứu nhân loại?
6 Giải pháp của Đức Giê-hô-va không những thương xót mà còn công bằng. Không người nào có thể nghĩ ra một giải pháp vừa đơn giản vừa khôn ngoan như thế. Trong Kinh Thánh, giải pháp này được diễn đạt bằng các từ khác nhau, chẳng hạn như chuộc, được hòa thuận và cầu hòa (Ga-la-ti 3:13; Cô-lô-se 1:20; Hê-bơ-rơ 2:17). Nhưng những lời của Chúa Giê-su nói có lẽ diễn đạt rõ nhất về giải pháp này: “Con Người đã đến không phải để được người khác phục vụ, mà để phục vụ người khác và hiến mạng sống mình làm giá chuộc [từ Hy Lạp, lyʹtron] cho nhiều người”.—Ma-thi-ơ 20:28.
7, 8. (a) Từ “giá chuộc” trong Kinh Thánh có nghĩa gì? (b) Điều gì cho thấy giá chuộc đòi hỏi sự tương xứng?
7 Giá chuộc là gì? Từ Hy Lạp được dùng ở đây bắt nguồn từ một động từ có nghĩa là “thả ra, phóng thích”. Từ này được dùng để nói đến số tiền phải trả để các tù nhân chiến tranh được phóng thích. Vậy về cơ bản, giá chuộc được định nghĩa là điều gì đó được trả để mua lại một thứ. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, từ “giá chuộc” (koʹpher) bắt nguồn từ một động từ có nghĩa là “che phủ”. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời bảo Nô-ê là ông phải “phủ” (một dạng từ tương tự) chiếc tàu bằng nhựa đen (Sáng thế 6:14). Điều này giúp chúng ta hiểu rằng chuộc cũng có nghĩa là che phủ tội lỗi.—Thi thiên 65:3, chú thích.
8 Một từ điển Kinh Thánh giải thích rằng từ này (koʹpher) “luôn nói đến sự tương đương”, hay sự tương xứng. Do đó, để chuộc, hay che phủ tội lỗi, thì giá trả phải hoàn toàn tương xứng, hay hoàn toàn che phủ, những thiệt hại do tội lỗi gây ra. Vì thế, Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên quy định: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân”.—Phục truyền luật lệ 19:21.
9. Tại sao những người có đức tin dâng thú vật làm vật tế lễ, và Đức Giê-hô-va xem những vật tế lễ đó như thế nào?
9 Từ thời A-bên, những người có đức tin nơi Đức Chúa Trời đã dâng thú vật làm vật tế lễ cho ngài. Khi làm thế, họ nhìn nhận mình là người tội lỗi và cần được tha thứ, và cũng cho thấy họ có đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời là ngài sẽ giải thoát họ khỏi tội lỗi qua “dòng dõi” được hứa trước (Sáng thế 3:15; 4:1-4; Lê-vi 17:11; Hê-bơ-rơ 11:4). Đức Giê-hô-va hài lòng về vật tế lễ của họ và chấp nhận họ là tôi tớ của ngài. Tuy nhiên, vật tế lễ mà họ dâng không thể che phủ tội lỗi của họ vì thú vật thấp kém hơn con người (Thi thiên 8:4-8). Do đó, Kinh Thánh nói: “Huyết của bò đực và của dê không thể xóa được tội lỗi” (Hê-bơ-rơ 10:1-4). Những vật tế lễ ấy chỉ là hình bóng tượng trưng cho giá chuộc sắp đến.
Một “giá chuộc tương xứng”
10. (a) Người hy sinh mạng sống làm giá chuộc phải tương xứng với ai, và tại sao? (b) Tại sao chỉ cần một người hy sinh mạng sống để làm giá chuộc?
10 Sứ đồ Phao-lô viết: “Trong A-đam mọi người đều chết” (1 Cô-rinh-tô 15:22). Do đó, giá chuộc đòi hỏi một mạng sống của một người hoàn hảo giống như A-đam (Rô-ma 5:14). Để đáp ứng công lý hoàn hảo của Đức Giê-hô-va thì chỉ một người hoàn hảo, là người không bị di truyền tội lỗi và cái chết từ A-đam, mới có thể làm “giá chuộc tương xứng”, tức một người hoàn hảo tương đương với A-đam (1 Ti-mô-thê 2:6). Không nhất thiết phải có hàng triệu người hoàn hảo hy sinh mạng sống để làm giá chuộc cho từng người bất toàn. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Bởi một người [A-đam] mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết” (Rô-ma 5:12). Và “bởi một người mà có sự chết” nên Đức Chúa Trời đã cung cấp một sắp đặt để cứu chuộc nhân loại “bởi một người” (1 Cô-rinh-tô 15:21). Bằng cách nào?
“Giá chuộc tương xứng cho mọi người”
11. (a) Người làm giá chuộc sẽ “nếm trải cái chết vì mọi người” như thế nào? (b) Tại sao A-đam và Ê-va không thể nhận được lợi ích từ giá chuộc? (Xem chú thích).
11 Đức Giê-hô-va đã sắp đặt một người hoàn hảo sẵn sàng hy sinh mạng sống. Rô-ma 6:23 nói: “Tiền công mà tội lỗi trả là sự chết”. Người sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để làm giá chuộc sẽ “nếm trải cái chết vì mọi người”. Nói cách khác, người ấy sẽ trả tiền công cho tội lỗi của A-đam (Hê-bơ-rơ 2:9; 2 Cô-rinh-tô 5:21; 1 Phi-e-rơ 2:24). Điều này sẽ mang lại những lợi ích tuyệt vời. Qua việc xóa bỏ bản án tử hình cho con cháu biết vâng lời của A-đam, giá chuộc sẽ loại bỏ nguyên nhân gây ra tội lỗi và sự chết.a—Rô-ma 5:16.
12. Hãy minh họa làm thế nào việc trả một món nợ có thể mang lại lợi ích cho nhiều người.
12 Hãy xem một minh họa: Giả sử anh chị sống ở một thị trấn mà hầu hết mọi người đều làm việc trong một nhà máy lớn. Anh chị và hàng xóm được trả lương cao và có đời sống thoải mái. Nhưng sau đó, nhà máy phải đóng cửa. Tại sao? Vì người quản lý nhà máy đã ăn cắp tiền của công ty, khiến công ty bị phá sản. Hậu quả là anh chị và hàng xóm không có việc làm và không thể trang trải đời sống. Chỉ vì sự tham nhũng của một người mà vợ chồng, con cái và chủ nợ của công ty lâm vào cảnh điêu đứng. Có cách nào để giải quyết vấn đề này không? Có! Một người đàn ông tốt bụng và giàu có quyết định giúp đỡ. Ông thấy nhà máy mang lại lợi ích cho thị trấn. Ông cũng thấy thương những công nhân làm việc tại đó và gia đình của họ. Vì thế, ông đã trả hết nợ và mở lại nhà máy. Việc xóa bỏ khoản nợ ấy đã giúp đỡ rất nhiều cho các công nhân, gia đình họ và những chủ nợ. Tương tự, việc Chúa Giê-su trả khoản nợ cho tội lỗi của A-đam mang lại lợi ích cho hàng triệu người.
Ai cung cấp giá chuộc?
13, 14. (a) Đức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc cho nhân loại bằng cách nào? (b) Giá chuộc được trả cho ai, và tại sao điều đó lại cần thiết?
13 Chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể cung cấp ‘Chiên Con, là đấng cất tội lỗi của thế gian’ (Giăng 1:29). Thay vì phái bất cứ thiên sứ nào để giải cứu nhân loại, ngài đã phái một đấng có thể đáp lại một cách tốt nhất và mãi mãi những lời cáo buộc của Sa-tan về tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã thực hiện một sự hy sinh cao cả là phái Con một của ngài, người mà “ngài đặc biệt quý mến”, xuống thế (Châm ngôn 8:30). Con của Đức Chúa Trời đã sẵn sàng “từ bỏ tất cả” (Phi-líp 2:7). Điều này có nghĩa là ngài sẵn sàng từ bỏ mọi thứ mình có ở trên trời. Đức Giê-hô-va đã làm phép lạ để chuyển sự sống Con ngài vào lòng một trinh nữ Do Thái tên là Ma-ri (Lu-ca 1:27, 35). Khi làm người, ngài mang tên Giê-su. Nhưng Kinh Thánh cũng gọi ngài là A-đam sau cùng vì ngài hoàn toàn tương xứng với A-đam (1 Cô-rinh-tô 15:45, 47). Thế nên, Chúa Giê-su có thể hy sinh mạng sống để làm giá chuộc cho loài người tội lỗi.
14 Giá chuộc đó sẽ được trả cho ai? Thi thiên 49:7 cho biết giá chuộc được trả “cho Đức Chúa Trời”. Nhưng Đức Giê-hô-va là đấng cung cấp giá chuộc, vậy tại sao giá chuộc lại được trả cho ngài? Điều này có giống như việc lấy tiền từ túi này bỏ sang túi khác không? Hoàn toàn không. Hãy nhớ là giá chuộc dạy chúng ta một điều rất quan trọng về công lý của Đức Giê-hô-va. Bằng cách ban Con yêu dấu làm giá chuộc, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài luôn theo sát tiêu chuẩn hoàn hảo của ngài về công lý, ngay cả khi ngài phải trả một giá rất đắt.—Sáng thế 22:7, 8, 11-13; Hê-bơ-rơ 11:17; Gia-cơ 1:17.
15. Tại sao Chúa Giê-su cần phải chịu đau đớn và chết?
15 Vào mùa xuân năm 33 CN, Chúa Giê-su đã sẵn sàng chịu nhiều đau đớn để có thể trả giá chuộc. Ngài để cho người ta bắt, cáo buộc sai, kết tội và đóng đinh trên cây khổ hình. Chúa Giê-su có nhất thiết phải chịu nhiều đau đớn đến vậy không? Có. Vì ngài cần chứng minh là Sa-tan đã sai khi cho rằng không tôi tớ nào của Đức Chúa Trời sẽ giữ trung thành với ngài. Điều đáng chú ý là Đức Chúa Trời không để cho Chúa Giê-su bị Hê-rốt giết khi ngài còn là em bé (Ma-thi-ơ 2:13-18). Nhưng khi trưởng thành, Chúa Giê-su đã có thể đương đầu với những đòn tấn công đến từ Sa-tan với sự hiểu biết trọn vẹn về các vấn đề liên quan.b Dù bị đối xử tệ, Chúa Giê-su vẫn giữ “trung thành, vô tội, không ô uế, tách biệt khỏi những người tội lỗi” (Hê-bơ-rơ 7:26). Qua đó, ngài đã chứng minh một lần và mãi mãi rằng Đức Giê-hô-va có những tôi tớ giữ lòng trung thành bất kể thử thách. Vì thế, không có gì ngạc nhiên là ngay trước khi chết, Chúa Giê-su đã thốt lên: “Mọi việc đã hoàn tất!”.—Giăng 19:30.
Hoàn tất công việc cứu chuộc
16, 17. Chúa Giê-su đã làm gì khi “trình diện trước mặt Đức Chúa Trời vì chúng ta”, và tại sao?
16 Chúa Giê-su vẫn chưa hoàn tất công việc cứu chuộc của mình. Vào ngày thứ ba sau khi Chúa Giê-su chết, Đức Giê-hô-va đã làm ngài sống lại (Công vụ 3:15; 10:40). Qua phép lạ tuyệt vời này, Đức Giê-hô-va không những ban thưởng cho Con ngài vì đã trung thành phụng sự mà còn cho người Con ấy cơ hội để hoàn tất công việc cứu chuộc với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:4; 1 Cô-rinh-tô 15:3-8). Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Khi Đấng Ki-tô đến với tư cách thầy tế lễ thượng phẩm,… ngài vào nơi thánh, không phải với huyết dê và bò đực tơ mà với huyết chính mình, một lần đủ cả, và giải cứu chúng ta vĩnh viễn. Vì Đấng Ki-tô chẳng vào nơi thánh do tay con người dựng nên, là bản sao của nơi thánh thật, mà vào tận trong trời, để hiện nay trình diện trước mặt Đức Chúa Trời vì chúng ta”.—Hê-bơ-rơ 9:11, 12, 24.
17 Đấng Ki-tô không thể mang huyết của mình lên trời (1 Cô-rinh-tô 15:50). Thay vì thế, ngài mang điều mà huyết ấy tượng trưng, tức giá trị hợp pháp của mạng sống hoàn hảo mà ngài đã hy sinh. Rồi ngài trình giá trị của mạng sống đó lên Đức Chúa Trời để làm giá chuộc cho con người tội lỗi. Đức Giê-hô-va có chấp nhận sự hy sinh đó không? Có. Điều này được thấy rõ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN khi thần khí thánh được đổ trên khoảng 120 môn đồ ở Giê-ru-sa-lem (Công vụ 2:1-4). Dù đây là một sự kiện rất hào hứng, nhưng đó chỉ là khởi đầu của vô số điều tuyệt vời mà giá chuộc mang lại.
Lợi ích của giá chuộc
18, 19. (a) Hai nhóm người nào nhận được lợi ích từ giá chuộc? (b) Những người thuộc “đám đông lớn” nhận được một số lợi ích nào từ giá chuộc ngay bây giờ và trong tương lai?
18 Trong thư gửi cho tín đồ ở Cô-lô-se, Phao-lô giải thích rằng nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời vui lòng cho con người được hòa thuận lại với ngài. Phao-lô cũng cho biết có hai nhóm khác nhau được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Ông gọi họ là “vật ở trên trời“ và “vật ở dưới đất” (Cô-lô-se 1:19, 20; Ê-phê-sô 1:10). “Vật ở trên trời” là 144.000 tín đồ đạo Đấng Ki-tô có hy vọng làm thầy tế lễ ở trên trời và làm vua cai trị trái đất cùng với Chúa Giê-su (Khải huyền 5:9, 10; 7:4; 14:1-3). Họ sẽ cùng làm việc với Chúa Giê-su để dần dần áp dụng lợi ích của giá chuộc cho nhân loại biết vâng lời trong giai đoạn một ngàn năm.—1 Cô-rinh-tô 15:24-26; Khải huyền 20:6; 21:3, 4.
19 “Vật ở dưới đất” là những người có triển vọng sống vĩnh cửu trong địa đàng. Khải huyền 7:9-17 miêu tả họ là “một đám đông lớn”, là những người sẽ sống sót qua “hoạn nạn lớn” sắp đến. Nhưng họ không phải đợi đến lúc đó mới nhận được lợi ích từ giá chuộc. Họ đã “giặt và tẩy trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Nhờ thể hiện đức tin nơi giá chuộc nên họ đã nhận được nhiều điều tốt lành từ Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, ngài xem họ là công chính và là bạn của ngài! (Gia-cơ 2:23). Nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su, họ có thể “dạn dĩ đến gần ngôi của lòng nhân từ bao la” (Hê-bơ-rơ 4:14-16). Khi phạm tội, họ được ngài tha thứ (Ê-phê-sô 1:7). Dù bất toàn, họ vẫn có được một lương tâm trong sạch (Hê-bơ-rơ 9:9; 10:22; 1 Phi-e-rơ 3:21). Vậy họ không cần phải chờ đến tương lai mới có thể có mối quan hệ hòa thuận với Đức Chúa Trời, nhưng họ có được điều đó ngay bây giờ! (2 Cô-rinh-tô 5:19, 20). Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, họ sẽ dần dần “được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát” và cuối cùng sẽ “có sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 8:21.
20. Việc suy ngẫm về giá chuộc tác động thế nào đến cá nhân anh chị?
20 “Cảm tạ Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Ki-tô” về giá chuộc! (Rô-ma 7:25). Nguyên tắc về giá chuộc tuy đơn giản nhưng lại vô cùng khôn ngoan, đủ để cho chúng ta thán phục (Rô-ma 11:33). Khi suy ngẫm về giá chuộc với lòng biết ơn, chúng ta thấy cảm động và muốn đến gần hơn với Đức Chúa Trời của công lý. Giống như người viết Thi thiên, chúng ta có mọi lý do để ngợi khen Đức Giê-hô-va, đấng “yêu sự công chính và chuộng công lý”.—Thi thiên 33:5.
a A-đam và Ê-va sẽ không thể nhận được lợi ích từ giá chuộc. Luật pháp Môi-se nói đến một nguyên tắc về kẻ cố tình giết người: “Các ngươi không được nhận giá chuộc mạng sống của kẻ sát nhân đáng chết” (Dân số 35:31). Rõ ràng, A-đam và Ê-va đáng phải chết vì họ cố tình cãi lời Đức Chúa Trời. Thế nên, họ mất triển vọng được sống vĩnh cửu.
b Để cân xứng với tội mà A-đam gây ra thì Chúa Giê-su phải chết với tư cách là người đàn ông hoàn hảo chứ không phải là một em bé hoàn hảo. Hãy nhớ là A-đam đã chọn bất tuân với Đức Chúa Trời dù hiểu rõ sự nghiêm trọng và hậu quả của hành động ấy. Vậy để trở thành “A-đam sau cùng” và che phủ tội lỗi ấy, Chúa Giê-su phải đủ trưởng thành để hiểu rõ việc chọn giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va có nghĩa gì (1 Cô-rinh-tô 15:45, 47). Vì thế, cả cuộc đời trung thành của Chúa Giê-su, bao gồm việc ngài hy sinh làm giá chuộc, được Kinh Thánh miêu tả là “một việc làm công chính”.—Rô-ma 5:18, 19.