Đức Giê-hô-va có thể ban sức mạnh cho bạn
“Ngài ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức” (Ê-SAI 40:29).
1, 2. Hãy cho vài chứng cớ về quyền năng dư dật của Đức Giê-hô-va.
GIÊ-HÔ-VA là Đức Chúa Trời có “quyền-năng cả-thể”. Chúng ta có thể thấy chứng cớ về “quyền-phép đời đời và bổn-tánh của Ngài” qua công trình sáng tạo vật chất phi thường của Ngài. Những người từ chối không nhận biết chứng cớ về sự kiện Ngài là Đấng Tạo hóa không thể chạy tội được (Thi-thiên 147:5; Rô-ma 1:19, 20).
2 Quyền năng của Đức Giê-hô-va càng trở nên rõ ràng hơn khi các khoa học gia dò sâu vào vũ trụ, với vô số các dãy thiên hà ở cách xa hàng trăm triệu năm ánh sáng. Vào một đêm tối không mây, khi ngắm nhìn bầu trời, chắc hẳn bạn sẽ có cảm giác giống người viết Thi-thiên: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm-viếng nó?” (Thi-thiên 8:3, 4). Đức Giê-hô-va đã chăm sóc loài người chúng ta thật chu đáo biết bao! Ngài cho người đàn ông và đàn bà đầu tiên một chỗ ở đẹp đẽ trên đất. Ngay cả đất cũng có sức để sanh rau cỏ, cung cấp đồ ăn bổ dưỡng không bị ô nhiễm. Người và thú có được sức mạnh nhờ Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng này (Sáng-thế Ký 1:12; 4:12; I Sa-mu-ên 28:22).
3. Ngoài vũ trụ vật chất ra, có gì khác cho thấy quyền năng của Đức Chúa Trời?
3 Ngoài sự kiện các từng trời thật kỳ diệu và trái đất đầy cây cỏ và thú vật rất vui thích, tất cả bày tỏ cho chúng ta thấy quyền năng của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài” (Rô-ma 1:20). Nhưng có một chứng cớ khác cho thấy quyền năng của Đức Chúa Trời đáng cho chúng ta chú ý và quí trọng. Bạn có thể tự hỏi: ‘Còn gì cho thấy quyền năng của Đức Chúa Trời nhiều hơn là vũ trụ này?’ Câu trả lời là Giê-su Christ. Thật vậy, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn nói rằng đấng Christ bị đóng đinh là “quyền-phép của Đức Chúa Trời và sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 1:24). Bạn có thể hỏi: ‘Tại sao như thế? Và vấn đề đó có liên hệ gì đến đời sống của tôi ngay bây giờ?’
Quyền năng được thể hiện qua con Ngài
4. Đức Chúa Trời đã bày tỏ quyền năng liên quan đến Con Ngài như thế nào?
4 Đức Chúa Trời biểu lộ quyền năng của Ngài lần đầu tiên khi Ngài tạo nên Con độc sanh theo hình ảnh của Ngài. Người Con thần linh này phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là một “thợ cái” bằng cách dùng quyền năng dư dật của Đức Chúa Trời để tạo ra mọi vật khác (Châm-ngôn 8:22, 30). Phao-lô viết cho các anh em tín đồ đấng Christ tại Cô-lô-se: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được,... đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả” (Cô-lô-se 1:15, 16).
5-7. a) Trong quá khứ, việc Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng có liên hệ đến loài người như thế nào? b) Ta có lý do nào để tin rằng Đức Chúa Trời có thể bày tỏ quyền năng của Ngài trong trường hợp của tín đồ đấng Christ ngày nay?
5 Chúng ta thuộc về ‘muôn vật đã được dựng nên dưới đất’. Thế thì, loài người chúng ta có thể nào nhận được quyền năng của Đức Chúa Trời không? Trong suốt thời gian Đức Chúa Trời liên lạc với những người bất toàn, có những lúc Đức Giê-hô-va ban thêm sức cho tôi tớ Ngài để họ hoàn thành ý định của Ngài. Môi-se biết rằng người bất toàn nói chung thường chỉ sống 70 hoặc 80 năm (Thi-thiên 90:10). Nhưng về phần Môi-se thì sao? Ông sống đến 120 tuổi, nhưng “mắt người không làng, sức người không giảm” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:7). Trong khi điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời giúp cho mọi tôi tớ của Ngài sống dai như Môi-se hoặc giữ được sức khỏe như thế, nhưng điều này cho thấy Đức Giê-hô-va có thể ban sức mạnh cho loài người.
6 Một sự kiện khác cho thấy khả năng của Đức Chúa Trời để ban sức mạnh cho những người nam và nữ là qua điều mà Ngài đã làm cho vợ Áp-ra-ham. “Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con-cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành-tín”. Hoặc hãy xem Đức Chúa Trời đã ban sức mạnh như thế nào cho những quan xét và các người khác trong xứ Y-sơ-ra-ên: “Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các đấng tiên tri, những người... ở trong tình trạng yếu đuối được làm nên mạnh mẽ” (Hê-bơ-rơ 11:11, 32-34, NW).
7 Quyền năng như thế có thể hoạt động trong trường hợp của chúng ta. Ồ, có lẽ chúng ta không mong có một đứa con nhờ phép lạ, hoặc có lẽ chúng ta không thể bày tỏ sức mạnh như Sam-sôn. Nhưng chúng ta có thể được nên mạnh, như Phao-lô nói với những người bình thường tại Cô-lô-se. Đúng vậy, Phao-lô viết cho mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ con, giống những người chúng ta thấy trong hội thánh ngày nay, và ông nói họ được “sức-mạnh mọi bề” (Cô-lô-se 1:11).
8, 9. Trong thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va cho thấy rõ quyền năng Ngài liên quan đến loài người chúng ta như thế nào?
8 Trong lúc Giê-su làm thánh chức trên đất, Đức Giê-hô-va cho thấy rõ ràng là quyền năng của Ngài đang hoạt động qua Con Ngài. Thí dụ, trong lúc mà nhiều người lũ lượt đến với Giê-su tại Ca-bê-na-um, “quyền-phép Chúa ở trong Ngài để chữa lành các bịnh” (Lu-ca 5:17).
9 Sau khi được sống lại, Giê-su cam đoan với môn đồ ngài là họ sẽ ‘nhận lấy quyền-phép khi thánh linh giáng trên họ’ (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Điều này thật đúng làm sao! Một sử gia ghi lại về những tiến triển xảy ra vài ngày sau Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên: “Các sứ-đồ lại lấy quyền-phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jêsus-Christ” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:33). Chính Phao-lô là một người được làm nên mạnh để làm công việc mà Đức Chúa Trời giao cho ông làm. Sau khi ông đổi đạo và mắt ông thấy lại được, ông “lần lần càng thêm vững chí, bắt-bẻ những người Giu-đa ở tại thành Đa-mách, mà nói rõ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:22).
10. Quyền năng của Đức Chúa Trời giúp ích thế nào trong trường hợp của Phao-lô?
10 Khi chúng ta xem xét nghị lực thiêng liêng và tinh thần cần có để thực hiện ba chuyến hành trình làm giáo sĩ trải qua nhiều ngàn dặm thì biết chắc chắn Phao-lô cần có thêm sức. Ông cũng phải rán chịu mọi sự khó khăn, chịu tù đày và phải đương đầu với việc tử vì đạo. Làm sao ông làm được? Ông trả lời: “Nhưng Chúa đã giúp-đỡ ta và thêm sức cho ta, hầu cho Tin-lành bởi ta được rao-truyền đầy-dẫy” (II Ti-mô-thê 4:6-8, 17; II Cô-rinh-tô 11:23-27).
11. Nói về quyền năng của Đức Chúa Trời, Phao-lô nói về hy vọng nào với anh em tại Cô-lô-se?
11 Vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên khi Phao-lô viết thơ cho những “anh em hợp nhất với đấng Christ” tại Cô-lô-se, ông trấn an họ rằng họ có thể “nhờ quyền-phép vinh-hiển [của Đức Giê-hô-va], được có sức mạnh mọi bề, để nhịn-nhục vui-vẻ mà chịu mọi sự” (Cô-lô-se 1:2, 11). Mặc dù những lời này được nói trước hết cho các tín đồ đấng Christ được xức dầu, nhưng tất cả những ai theo dấu chân của đấng Christ có thể gặt được lợi ích rất nhiều qua những gì Phao-lô viết.
Được ban cho sức mạnh tại Cô-lô-se
12, 13. Bối cảnh của lá thư cho người Cô-lô-se là gì, và họ có lẽ đáp ứng thế nào?
12 Hội thánh tại Cô-lô-se nằm trong một tỉnh của La Mã ở Á Châu, có lẽ được thành lập nhờ sự rao giảng của một tín đồ đấng Christ trung thành tên là Ê-pháp-ra. Dường như khi ông nghe tin Phao-lô bị tù ở La Mã vào khoảng 58 công nguyên, Ê-pháp-ra quyết định đến thăm sứ đồ và tường thuật những điều tốt lành về tình yêu thương và sự vững vàng của các anh em tại thành Cô-lô-se để khích lệ Phao-lô. Ê-pháp-ra có lẽ cũng báo cáo một cách trung thực về vài vấn đề trong hội thánh Cô-lô-se mà cần được chỉnh đốn. Vì vậy, Phao-lô cảm thấy cần phải viết cho hội thánh một lá thư để khích lệ và khuyên nhủ. Có lẽ bạn cũng rút tỉa được nhiều điều khích lệ qua Cô-lô-se đoạn 1 của lá thư đó, vì nó giúp cho chúng ta hiểu rõ Đức Giê-hô-va có thể làm cho các tôi tớ Ngài mạnh mẽ như thế nào.
13 Bạn có thể tưởng tượng các anh chị em ở hội thánh Cô-lô-se cảm thấy thế nào khi Phao-lô miêu tả họ là “anh em trung-tín hợp nhất với đấng Christ”. Họ đáng được khen ngợi vì ‘sự yêu thương của họ đối với mọi thánh đồ’ và vì họ sinh bông trái của tin mừng từ lúc họ trở thành tín đồ đấng Christ! Những lời này có thể dùng để nói về hội thánh của chúng ta hay là cá nhân mình không? (Cô-lô-se 1:2-8).
14. Phao-lô có ước muốn nào đối với người Cô-lô-se?
14 Phao-lô rất cảm động về báo cáo mà ông nhận được đến độ ông nói với anh em tại Cô-lô-se là ông không ngừng cầu nguyện cho họ và xin cho họ được “đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của Ngài, với mọi thứ khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng liêng nữa, hầu cho anh em ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa”. Ông cầu nguyện rằng họ “nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu-biết Đức Chúa Trời, nhờ quyền-phép vinh-hiển Ngài, được có sức-mạnh mọi bề, để nhịn-nhục vui-vẻ mà chịu mọi sự” (Cô-lô-se 1:9-11).
Được ban cho sức mạnh ngày nay
15. Chúng ta có thể bày tỏ cùng một thái độ như được phản ảnh qua những gì Phao-lô viết cho người Cô-lô-se như thế nào?
15 Phao-lô nêu gương tốt cho chúng ta biết bao! Các anh em trên khắp đất cần chúng ta cầu nguyện cho họ để họ nhịn nhục và giữ được niềm vui bất kể mọi sự đau khổ mà họ phải chịu. Như Phao-lô, khi chúng ta nhận được tin tức của anh em ở hội thánh khác, hoặc xứ khác, đang gặp khó khăn thì chúng ta nên nêu rõ vấn đề này trong lời cầu nguyện. Có lẽ một hội thánh gần chỗ bạn ở bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay gặp sự khó khăn về thiêng liêng nào đó. Hoặc có thể là các tín đồ đấng Christ phải chịu khổ trong xứ có nội chiến hay sự tàn sát giữa các bộ lạc. Khi cầu nguyện chúng ta nên xin Đức Chúa Trời giúp các anh em “ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa”, tiếp tục sinh ra bông trái của Nước Trời trong lúc họ nhịn nhục, và tăng thêm sự hiểu biết. Bằng cách này, tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ nhận được quyền lực của thánh linh Ngài, “được có sức-mạnh mọi bề”. Bạn có thể chắc chắn rằng Cha bạn sẽ nghe và đáp ứng lại lời cầu xin đó (I Giăng 5:14, 15).
16, 17. a) Như Phao-lô đã viết, chúng ta nên cảm tạ về điều gì? b) Dân sự Đức Chúa Trời được giải thoát và tha tội theo ý nghĩa nào?
16 Phao-lô viết rằng các anh em ở Cô-lô-se nên ‘tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến họ có thể dự phần cơ-nghiệp của các thánh trong sự sáng-láng’. Chúng ta cũng hãy cảm tạ Cha trên trời cho chúng ta một chỗ đứng trong sự sắp đặt của Ngài, dù là ở trên trời hay lãnh vực trên đất của Nước Trời. Làm sao mà Đức Chúa Trời cho những người bất toàn trở nên xứng đáng dưới mắt Ngài? Phao-lô viết cho các anh em được xức dầu: “Ngài đã giải-thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối-tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu-dấu Ngài, trong Con đó chúng ta có sự cứu-chuộc, là sự tha tội” (Cô-lô-se 1:12-14).
17 Dù chúng ta có hy vọng ở trên trời hoặc dưới đất, chúng ta cũng cảm tạ Đức Chúa Trời hằng ngày vì được giải cứu khỏi hệ thống tối tăm gian ác này, nhờ chúng ta có đức tin nơi sự sắp đặt quí giá về sự hy sinh làm giá chuộc của Con yêu dấu của Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 20:28). Giá chuộc áp dụng đặc biệt cho tín đồ đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh để họ có thể được dời qua ‘nước của Con rất yêu-dấu Ngài’ (Lu-ca 22:20, 29, 30). Nhưng các “chiên khác” cũng được hưởng lợi ích của giá chuộc ngay bây giờ (Giăng 10:16). Họ có thể được Đức Chúa Trời tha thứ để có được vị thế công bình trước mặt Ngài với tư cách là bạn của Ngài. Họ góp phần rất lớn trong việc công bố “tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời” trong thời kỳ cuối cùng này (Ma-thi-ơ 24:14). Thêm vào đó, họ còn có hy vọng tuyệt diệu là trở nên công bình trọn vẹn và có thân thể hoàn toàn, vào cuối Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ. Khi bạn đọc lời miêu tả trong Khải-huyền 7:13-17, chắc hẳn bạn sẽ đồng ý các điều này là bằng chứng của việc được giải thoát và ban phước.
18. Đức Chúa Trời vẫn còn thực hiện sự hòa thuận nào theo thư cho người Cô-lô-se?
18 Lá thư của Phao-lô giúp chúng ta nhận thấy mình mang ơn người vĩ đại nhất đã từng sống đến độ nào. Đức Chúa Trời đã hoàn thành được gì qua đấng Christ? “Bởi huyết Ngài trên thập-tự-giá, thì đã làm nên hòa-bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa-thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời”. Ý định của Đức Chúa Trời là đem muôn vật hoàn toàn hòa hợp lại với Ngài như là thời kỳ trước sự phản loạn ở vườn Ê-đen. Đấng được dùng để tạo ra muôn vật cũng là đấng mà ngày nay được dùng để hoàn thành sự hòa thuận này (Cô-lô-se 1:20).
Được ban cho sức mạnh để làm gì?
19, 20. Sự kiện chúng ta được thánh sạch và không vết tùy thuộc vào điều gì?
19 Chúng ta là những người đã hòa thuận với Đức Chúa Trời thì phải gánh lấy trách nhiệm. Trước đây chúng ta là người tội lỗi và xa cách Đức Chúa Trời, nhưng giờ đây khi đặt đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su và tâm trí của chúng ta không còn nghĩ đến những điều gian ác, chúng ta hầu như đứng trong vị thế “thánh sạch không vết, không chỗ trách được” (Cô-lô-se 1:21, 22). Hãy nghĩ xem, như Đức Chúa Trời không hổ thẹn về những nhân chứng trung thành ngày xưa thì Ngài cũng không hổ thẹn xưng Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta (Hê-bơ-rơ 11:16). Ngày nay không ai có thể buộc tội chúng ta là mang danh lừng lẫy của Đức Chúa Trời một cách sai lầm hoặc sợ rao truyền danh ấy trên khắp cùng trái đất!
20 Nhưng hãy lưu ý lời căn dặn của Phao-lô viết thêm ở nơi Cô-lô-se 1:23: “Miễn là anh em tin Chúa cách vững-vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông-cậy đã truyền ra bởi đạo Tin-lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”. Vậy thì mọi điều tùy thuộc nơi việc chúng ta giữ sự trung thành với Đức Giê-hô-va, bước theo dấu chân của Con yêu quí Ngài. Đức Giê-hô-va và Giê-su đã làm quá nhiều cho chúng ta rồi! Mong sao chúng ta bày tỏ tình yêu thương đối với hai Đấng ấy bằng cách nghe theo lời khuyên bảo của Phao-lô.
21. Tại sao chúng ta có lý do chính đáng để vui mừng ngày nay?
21 Những tín đồ ở Cô-lô-se chắc hẳn đã vui mừng khi nghe ‘tin mừng mà họ đã nghe’ được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô-lô-se 1:23). Ngày nay chúng ta càng được phấn khởi hơn nữa khi nghe tin mừng về Nước Trời được rao giảng bởi hơn bốn triệu rưởi Nhân-chứng trong hơn 230 xứ. Kìa, mỗi năm có gần 300.000 người từ mọi nước trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời! (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20).
22. Dù cho chúng ta đang chịu đau khổ, Đức Chúa Trời có thể làm gì cho chúng ta?
22 Mặc dù Phao-lô đang ở tù lúc ông viết lá thư cho người Cô-lô-se, nhưng ông không than thở chút nào về số phận của mình. Ngược lại, ông nói: “Nay tôi lấy làm vui về sự tôi đã chịu khổ-sở vì anh em”. Phao-lô biết “nhịn-nhục vui-vẻ mà chịu mọi sự” có nghĩa gì (Cô-lô-se 1:11, 24). Nhưng ông biết rằng mình làm được điều đó không phải do sức mạnh riêng. Đức Giê-hô-va làm cho ông được mạnh mẽ! Ngày nay cũng vậy, hàng ngàn Nhân-chứng bị bỏ tù và bắt bớ không mất đi niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Ngược lại, họ càng quí trọng sự chân thật của lời Đức Chúa Trời nơi Ê-sai 40:29-31: “Ngài ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn... Nhưng ai trông-đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới”.
23, 24. Sự mầu nhiệm kín giấu nào được nói đến nơi Cô-lô-se 1:26?
23 Thánh chức rao giảng về tin mừng đặt trọng tâm vào đấng Christ rất quan trọng đối với Phao-lô. Ông muốn những người khác quí trọng giá trị của vai trò đấng Christ trong ý định của Đức Chúa Trời, vì vậy ông miêu tả đó là “sự mầu-nhiệm đã giấu-kín trải qua các đời các kiếp”. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng giấu kín. Phao-lô thêm: “Nay tỏ ra cho các thánh-đồ Ngài” (Cô-lô-se 1:26). Khi sự phản loạn xảy ra tại vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va có hứa về những điều tốt hơn sẽ đến, Ngài báo trước về ‘dòng dõi người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn’ (Sáng-thế Ký 3:15). Điều này có nghĩa gì? Trải qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ, điều này vẫn nằm trong vòng bí mật. Rồi Giê-su đến và ngài “dùng Tin-lành phô-bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ-ràng” (II Ti-mô-thê 1:10).
24 Đúng vậy, “sự mầu-nhiệm” đặt trọng tâm nơi đấng Christ và Nước Trời của đấng Mê-si. Phao-lô đề cập đến “muôn vật trên trời”, ông muốn nói về những người sẽ cùng cai trị Nước Trời với đấng Christ. Những người này sẽ được dùng để đem lại vô số ân phước cho “muôn vật dưới đất”, tức những người sẽ hưởng địa đàng đời đời trên đất. Thế thì bạn có thể thấy Phao-lô đề cập đến “sự giàu vinh-hiển của sự mầu-nhiệm đó” là thích hợp biết bao (Cô-lô-se 1:20, 27).
25. Theo Cô-lô-se 1:29, giờ đây chúng ta nên có thái độ nào?
25 Phao-lô trông mong được địa vị của ông trong Nước Trời. Nhưng ông nhận biết rằng ông không thể ngồi đó mà mong đợi nhưng không làm gì cả. “Ấy cũng là vì đó mà tôi làm việc, nhờ sức Ngài giúp-đỡ mà chiến-đấu, là sức hành-động cách có quyền trong tôi” (Cô-lô-se 1:29). Hãy lưu ý rằng Đức Giê-hô-va qua đấng Christ làm cho Phao-lô được mạnh sức để thực hiện thánh chức cứu người. Đức Giê-hô-va cũng có thể làm giống vậy cho chúng ta ngày nay. Nhưng chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi có tinh thần rao giảng như tôi đã có khi mới học lẽ thật không?’ Bạn trả lời như thế nào? Điều gì có thể giúp mỗi người chúng ta để tiếp tục ‘làm việc, nhờ sức của Đức Giê-hô-va giúp-đỡ mà chiến-đấu’? Bài tới sẽ bàn luận về vấn đề này.
Bạn có để ý không?
◻ Tại sao chúng ta biết chắc là Đức Giê-hô-va có thể bày tỏ quyền năng vì lợi ích của loài người?
◻ Lời của Phao-lô nơi Cô-lô-se đoạn 1 có bối cảnh nào?
◻ Làm sao Đức Chúa Trời thực hiện sự hòa thuận được đề cập nơi Cô-lô-se 1:20?
◻ Nhờ quyền năng Ngài, Đức Giê-hô-va có thể hoàn thành điều gì qua chúng ta?
[Bản đồ/Hình nơi trang 8]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
CÔ-LÔ-SE