‘Hãy bước đi trong sự hợp nhất với Đấng Christ’
“Vậy, vì anh em đã nhận Giê-su Christ là Chúa, thì hãy bước đi trong sự hợp nhất với ngài” (CÔ-LÔ-SE 2:6, NW).
1, 2. a) Kinh-thánh miêu tả Hê-nóc trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va như thế nào? b) Theo Cô-lô-se 2:6, 7, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta như thế nào để bước đi với Ngài?
BẠN có bao giờ quan sát một bé trai bước đi cạnh cha bé chưa? Bé bắt chước từng động tác của cha, mặt bé đầy vẻ khâm phục; cha giúp bé bước, vẻ mặt cha lộ nét thương yêu và hài lòng. Rất là thích hợp khi Đức Giê-hô-va cũng dùng hình ảnh này để miêu tả về đời của một người trung thành phụng sự Ngài. Thí dụ, Lời Đức Chúa Trời nói về người trung thành Hê-nóc “đồng đi cùng Đức Chúa Trời [thật]” (Sáng-thế Ký 5:24; 6:9).
2 Giống như người cha ân cần giúp con thơ đi từng bước, Đức Giê-hô-va cũng ban cho chúng ta sự giúp đỡ tốt nhất. Ngài sai Con một Ngài xuống thế gian. Trong mỗi bước của đời sống trên đất, Chúa Giê-su Christ phản ảnh Cha trên trời một cách hoàn toàn (Giăng 14:9, 10; Hê-bơ-rơ 1:3). Vậy, để bước đi với Đức Chúa Trời, chúng ta cần bước đi với Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy, vì anh em đã nhận Giê-su Christ là Chúa, thì hãy bước đi trong sự hợp nhất với ngài, hãy đâm rễ và xây dựng trong ngài và được vững vàng trong đức tin, như anh em đã được dạy, tràn đầy đức tin trong sự cảm tạ” (Cô-lô-se 2:6, 7, NW).
3. Theo Cô-lô-se 2:6, 7, tại sao chúng ta có thể nói bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ bao hàm nhiều hơn là chỉ làm báp têm?
3 Vì muốn bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ, cố gắng noi theo bước hoàn toàn của ngài, những người học Kinh-thánh có lòng ngay thẳng làm báp têm (Lu-ca 3:21; Hê-bơ-rơ 10:7-9). Trên khắp thế giới, chỉ riêng năm 1997, có hơn 375.000 người đã làm bước quan trọng này—trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người. Sự gia tăng này thật thích thú! Tuy nhiên, lời Phao-lô ghi nơi Cô-lô-se 2:6, 7 cho thấy rằng bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ bao hàm nhiều hơn là chỉ làm báp têm. Động từ Hy Lạp dịch ra “bước đi” miêu tả một hành động cần phải tiếp tục, không ngừng. Ngoài ra, Phao-lô nói thêm là việc bước đi với đấng Christ liên hệ đến bốn điều: đâm rễ trong đấng Christ, xây dựng trong ngài, được vững vàng trong đức tin và tràn đầy sự cảm tạ. Chúng ta hãy xem xét mỗi câu và xem điều đó giúp chúng ta tiếp tục bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ như thế nào.
Bạn có ‘đâm rễ trong đấng Christ’ không?
4. ‘Đâm rễ trong đấng Christ’ có nghĩa gì?
4 Trước hết, Phao-lô viết rằng chúng ta cần ‘đâm rễ trong đấng Christ’. (So sánh Ma-thi-ơ 13:20, 21). Một người có thể cố gắng để đâm rễ trong đấng Christ như thế nào? Chúng ta không thấy được rễ cây, nhưng chúng cần thiết cho cây, giúp cây đứng vững và cung cấp chất bổ cho cây. Tương tự như thế, gương và sự dạy dỗ của đấng Christ lúc đầu ảnh hưởng chúng ta một cách vô hình, khắc sâu vào tâm trí chúng ta, và từ đó những điều ấy nuôi dưỡng và làm chúng ta vững mạnh. Khi chúng ta để những điều đó điều khiển lối suy nghĩ, hành động và quyết định của mình thì chúng ta được thúc đẩy để dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va (1 Phi-e-rơ 2:21).
5. Chúng ta có thể “tập ham thích” thức ăn thiêng liêng như thế nào?
5 Chúa Giê-su mến thích sự hiểu biết đến từ Đức Chúa Trời. Ngài còn ví nó như thức ăn (Ma-thi-ơ 4:4). Trong Bài Giảng trên Núi, ngài trích dẫn 21 lần từ tám sách khác nhau trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Để noi theo gương ngài, chúng ta phải làm theo lời sứ đồ Phi-e-rơ khuyên nhủ, là “hãy tập ham thích” thức ăn thiêng liêng “như trẻ con mới đẻ” (1 Phi-e-rơ 2:2, NW). Khi đứa bé sơ sinh muốn sữa, chắc hẳn nó để lộ ước muốn tha thiết đó. Nếu chúng ta trong lúc này không cảm thấy ham thích thức ăn thiêng liêng, lời Phi-e-rơ khuyến khích chúng ta “tập” ham thích điều đó. Như thế nào? Nguyên tắc nơi Thi-thiên 34:8 có thể giúp: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao”. Nếu chúng ta “nếm” đều đặn Lời Đức Giê-hô-va là Kinh-thánh, có lẽ đọc một phần mỗi ngày, chúng ta sẽ thấy rằng điều đó bổ dưỡng và tốt lành về thiêng liêng. Với thời gian, sự ham thích của chúng ta về điều thiêng liêng sẽ gia tăng.
6. Tại sao suy ngẫm những điều chúng ta đọc là quan trọng?
6 Tuy nhiên, điều quan trọng là tiêu hóa kỹ thức ăn sau khi ăn. Vậy chúng ta cần suy ngẫm những gì mình đọc (Thi-thiên 77:11, 12). Thí dụ, khi chúng ta đọc sách Người vĩ đại nhất đã từng sống, mỗi chương sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta ngừng đọc để tự hỏi: ‘Tôi thấy khía cạnh nào trong cá tính của đấng Christ ở phần tường thuật này, và tôi có thể bắt chước tính đó trong đời sống mình như thế nào?’ Suy ngẫm như thế sẽ giúp chúng ta áp dụng những gì mình học được. Rồi khi phải quyết định vấn đề gì, chúng ta có thể tự hỏi Chúa Giê-su làm gì nếu ở trong trường hợp này. Nếu chúng ta có quyết định phù hợp theo đó, chúng ta cho thấy mình thật sự đâm rễ trong đấng Christ.
7. Chúng ta nên nghĩ gì về đồ ăn thiêng liêng đặc?
7 Phao-lô cũng khuyên giục chúng ta ăn “đồ-ăn đặc”, tức là những lẽ thật sâu sắc của Lời Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 5:14). Đọc cả cuốn Kinh-thánh có thể là mục tiêu đầu tiên của chúng ta về phương diện này. Rồi có những đề tài đặc biệt cho chúng ta nghiên cứu, chẳng hạn như sự hy sinh làm giá chuộc của đấng Christ, những giao ước khác nhau mà Đức Giê-hô-va đã lập với dân Ngài, hay là một số thông điệp tiên tri trong Kinh-thánh. Có nhiều tài liệu giúp chúng ta hấp thụ và tiêu hóa đồ ăn thiêng liêng đặc. Mục tiêu của việc tiếp thụ sự hiểu biết đó là gì? Không phải cho chúng ta lý do để khoe khoang, nhưng để chúng ta bồi đắp tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và khiến chúng ta đến gần Ngài hơn (1 Cô-rinh-tô 8:1; Gia-cơ 4:8). Nếu chúng ta sốt sắng tiếp thụ sự hiểu biết này, áp dụng cho chính mình, và dùng để giúp người khác, thì chúng ta sẽ thật sự noi theo đấng Christ. Điều này giúp chúng ta đâm rễ trong ngài một cách đúng đắn.
Bạn có ‘xây dựng trong đấng Christ’ không?
8. ‘Xây dựng trong đấng Christ’ có nghĩa gì?
8 Nói về khía cạnh tiếp theo của việc bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ, Phao-lô nhanh chóng đổi từ hình ảnh sống động này sang hình sống động khác—từ một cây sang một tòa nhà. Khi chúng ta nghĩ đến một tòa nhà đang xây, chúng ta không chỉ nghĩ đến nền nhà mà còn cả tòa nhà hiện rõ trước mắt, qua nhiều công sức khó nhọc. Cũng vậy, chúng ta phải cố gắng nhiều để phát triển những đức tính và thói quen giống như đấng Christ. Sự cố gắng này không phải không được ai chú ý, như Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: ‘Hãy để thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con’ (1 Ti-mô-thê 4:15; Ma-thi-ơ 5:16). Những hoạt động nào của tín đồ đấng Christ xây dựng chúng ta?
9. a) Để noi gương đấng Christ trong thánh chức rao giảng, chúng ta có thể đặt vài mục tiêu thực tế nào? b) Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va muốn chúng ta vui thích làm thánh chức?
9 Chúa Giê-su giao chúng ta trách nhiệm rao giảng và dạy dỗ về tin mừng (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Ngài để lại một gương hoàn toàn, làm chứng dạn dĩ và hữu hiệu. Dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ làm được như ngài. Tuy nhiên, sứ đồ Phi-e-rơ đặt mục tiêu này cho chúng ta: “Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em, song phải hiền-hòa và kính-sợ” (1 Phi-e-rơ 3:15). Nếu bạn không thấy mình “sẵn-sàng để trả lời” thì chớ thất vọng. Hãy đặt những mục tiêu vừa phải để giúp bạn tiến dần đến tiêu chuẩn đó. Sự chuẩn bị trước có thể giúp bạn thay đổi cách trình bày hay là thêm vào một hoặc hai câu Kinh-thánh. Bạn có thể đặt mục tiêu để phát hành thêm sách báo giúp hiểu Kinh-thánh, viếng thăm lại nhiều hơn, hoặc bắt đầu một học hỏi Kinh-thánh. Không chỉ nên nhấn mạnh đến số lượng—như là số giờ, số sách báo phát hành hay là số học hỏi—nhưng nên nhấn mạnh đến phẩm chất. Đặt mục tiêu vừa phải và cố đạt cho được thì điều đó có thể giúp bạn vui thích làm thánh chức. Đó là điều Đức Giê-hô-va muốn—tức là chúng ta phụng sự Ngài “cách vui-mừng” (Thi-thiên 100:2; so sánh 2 Cô-rinh-tô 9:7).
10. Chúng ta cần làm một số việc nào khác của tín đồ đấng Christ, và những việc đó giúp chúng ta thế nào?
10 Cũng có những việc chúng ta làm trong hội thánh giúp xây dựng trong đấng Christ. Điều quan trọng nhất là yêu thương nhau, vì đây là dấu hiệu giúp nhận ra tín đồ thật của đấng Christ (Giăng 13:34, 35). Trong khi đang học Kinh-thánh, đa số chúng ta trở nên thân thiết với người dạy mình, đó chỉ là điều tự nhiên. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta có thể theo lời khuyên của Phao-lô là “mở rộng lòng” bằng cách làm quen người khác trong hội thánh không? (2 Cô-rinh-tô 6:13). Các trưởng lão cũng cần chúng ta yêu thương và quý trọng. Bằng cách hợp tác với họ, tìm kiếm và chấp nhận lời họ khuyên dựa trên Kinh-thánh, chúng ta sẽ giúp công việc khó nhọc của họ trở nên dễ dàng hơn (Hê-bơ-rơ 13:17). Đồng thời điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng trong đấng Christ.
11. Chúng ta nên có quan điểm thực tế nào về việc báp têm?
11 Báp têm là một dịp thích thú! Tuy nhiên, chúng ta không nên mong rằng mỗi phút sau đó trong đời mình cũng đều hứng thú như vậy. Phần lớn việc chúng ta xây dựng trong đấng Christ bao hàm việc “bước đi đều đặn trong cùng lề thói đó” (Phi-líp 3:16, NW). Điều đó không có nghĩa là có lối sống buồn tẻ, nhàm chán, nhưng có nghĩa là cứ thẳng bước tiến tới—nói cách khác là bồi đắp thói quen tốt về thiêng liêng ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Hãy nhớ rằng “kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu” (Ma-thi-ơ 24:13).
Bạn có được “vững vàng trong đức tin” không?
12. “Vững vàng trong đức tin” có nghĩa gì?
12 Trong phần thứ ba miêu tả việc chúng ta bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ, Phao-lô khuyên giục chúng ta “vững vàng trong đức tin”. Một bản khác dịch là “làm chắc chắn về đức tin”, vì từ Hy Lạp Phao-lô dùng có thể có nghĩa là “làm chắc, bảo đảm, và chính thức không thay đổi được”. Khi gia tăng sự hiểu biết, chúng ta có thêm lý do để hiểu rằng đức tin mình nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời có nền tảng vững chắc, đúng vậy, được thiết lập chính thức. Kết quả là chúng ta có thêm sự vững vàng. Thế gian của Sa-tan càng khó làm lung lay chúng ta. Điều này nhắc chúng ta nhớ lời Phao-lô khuyên là “tiến đến sự thành thục” (Hê-bơ-rơ 6:1, NW). Sự thành thục và vững vàng đi đôi với nhau.
13, 14. a) Sự vững vàng của tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất ở Cô-lô-se bị điều gì đe dọa? b) Điều gì có lẽ làm sứ đồ Phao-lô quan tâm?
13 Sự vững vàng của tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất ở Cô-lô-se bị đe dọa. Phao-lô cảnh giác: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người, sơ-học của thế-gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng” (Cô-lô-se 2:8). Phao-lô không muốn người Cô-lô-se, những người được trở thành dân trong “nước của Con rất yêu-dấu [của Đức Chúa Trời]”, bị dẫn dụ, đi ra khỏi tình trạng thiêng liêng đầy ân phước của họ (Cô-lô-se 1:13). Điều gì khiến họ lầm lạc? Phao-lô nói đến “triết-học”, từ này xuất hiện chỉ một lần trong Kinh-thánh. Có phải ông nói đến những triết gia như Plato và Socrates không? Dù những người này tạo mối đe dọa cho tín đồ thật của đấng Christ, vào thời đó, từ “triết-học” được dùng rộng rãi hơn. Từ này thường nói đến nhiều nhóm và trường phái—ngay cả các giáo phái. Thí dụ, những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất như Josephus và Philo gọi đạo họ là triết học—có lẽ để có thêm sự thu hút.
14 Vài loại triết học có lẽ làm Phao-lô quan tâm là loại có tính chất tôn giáo. Sau đó, trong cùng một chương của lá thư gửi người Cô-lô-se, ông nói với những người dạy những điều như “Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ”, bằng cách ấy ông ám chỉ đến các đặc điểm của Luật Môi-se đã được chấm dứt bởi cái chết của đấng Christ (Rô-ma 10:4). Ngoài những triết học tà giáo, còn có thêm những ảnh hưởng khác làm đe dọa tình trạng thiêng liêng của hội thánh (Cô-lô-se 2:20-22). Phao-lô dặn họ đề phòng triết học thuộc về “sự sơ-học của thế-gian”. Những sự dạy dỗ sai lầm đó phát xuất từ loài người.
15. Làm thế nào chúng ta có thể tránh bị lung lay bởi sự suy nghĩ trái Kinh-thánh mà chúng ta thường gặp phải?
15 Cổ võ ý tưởng và tư tưởng của loài người không căn cứ vững chắc nơi Lời Đức Chúa Trời có thể tạo mối đe dọa cho sự vững vàng của tín đồ đấng Christ. Chúng ta ngày nay cần phải thận trọng trước những đe dọa đó. Sứ đồ Giăng khuyên giục: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, chớ tin-cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng” (1 Giăng 4:1). Vậy nếu một bạn học cố thuyết phục bạn tin rằng sống theo tiêu chuẩn Kinh-thánh là lỗi thời, hoặc nếu người hàng xóm hay ảnh hưởng bạn để có thái độ chú trọng vật chất, hoặc nếu một bạn đồng nghiệp khéo léo ép bạn làm trái với lương tâm được Kinh-thánh dạy dỗ, hoặc cho dù một người đồng đức tin có nói điều gì tiêu cực, chỉ trích người khác trong hội thánh theo quan điểm riêng, thì đừng nghe những gì họ nói. Hãy loại ra những điều không phù hợp với Lời Đức Chúa Trời. Khi làm thế, chúng ta sẽ giữ được sự vững vàng khi bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ.
“Tràn đầy đức tin trong sự cảm tạ”
16. Khía cạnh thứ tư của việc bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ là gì, và chúng ta có thể nêu ra câu hỏi nào?
16 Khía cạnh thứ tư của việc bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ mà Phao-lô đề cập là chúng ta được “tràn đầy đức tin trong sự cảm tạ” (Cô-lô-se 2:7, NW). Từ “tràn đầy” gợi chúng ta nhớ đến hình ảnh một con sông nước tràn đến bờ. Điều này cho thấy rằng với tư cách là tín đồ đấng Christ, chúng ta phải cảm tạ thường xuyên. Mỗi người chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi có biết ơn không?’
17. a) Tại sao có thể nói rằng tất cả chúng ta có nhiều điều để tạ ơn, ngay cả trong lúc khó khăn? b) Chúng ta đặc biệt biết ơn về những sự ban cho nào của Đức Giê-hô-va?
17 Thật vậy, mỗi ngày tất cả chúng ta có thừa lý do để tràn trề biết ơn Đức Giê-hô-va. Ngay cả trong lúc đau khổ nhất, có lẽ vài điều đơn giản giúp mình cảm thấy thoải mái. Chẳng hạn như một người bạn tỏ lòng thông cảm, một người thân vỗ về trấn an, một giấc ngủ ngon giúp mình lấy lại sức, một bữa ăn ngon miệng làm tan biến cơn đói, tiếng chim hót líu lo, tiếng cười hồn nhiên của đứa bé, bầu trời xanh trong sáng, ngọn gió mát rượi—tất cả những điều này và còn nhiều điều nữa có thể đến với chúng ta trong một ngày. Rất dễ cho chúng ta xem thường những sự ban cho đó. Chẳng phải tất cả những điều ấy đáng cho chúng ta cám ơn hay sao? Tất cả đều đến từ Đức Giê-hô-va, Nguồn của “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn” (Gia-cơ 1:17). Và Ngài còn cho chúng ta món quà còn to tát hơn những điều nói trên nữa—chẳng hạn như sự sống (Thi-thiên 36:9). Hơn nữa, Ngài cho chúng ta cơ hội để sống đời đời. Để ban cho món quà này, Đức Giê-hô-va đã hy sinh thật cao quí bằng cách sai Con một của Ngài xuống thế gian, người con này là “sự khoái-lạc Ngài” (Châm-ngôn 8:30; Giăng 3:16).
18. Chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn Đức Giê-hô-va như thế nào?
18 Vì vậy, lời người viết Thi-thiên thật đúng: “Phúc thay được cảm tạ Yavê” (Thi-thiên 92:1, Nguyễn thế Thuấn). Cũng vậy, Phao-lô nhắc nhở tín đồ đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18; Ê-phê-sô 5:20; Cô-lô-se 3:15). Mỗi người chúng ta có thể quyết tâm tỏ lòng biết ơn nhiều hơn. Lời cầu nguyện của chúng ta không phải chỉ gồm có lời nài xin Đức Chúa Trời ban cho những điều mình cần. Nài xin là điều thích hợp. Nhưng bạn nghĩ sao nếu một người bạn nói chuyện với bạn chỉ khi nào cần một điều gì đó? Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện Đức Giê-hô-va để cảm tạ và ca ngợi Ngài. Khi Ngài nhìn xuống thế gian vô ơn này thì những lời cầu nguyện đó hẳn làm vui lòng Ngài biết bao! Lợi ích thứ hai là những lời cầu nguyện đó có thể giúp chúng ta chú trọng đến khía cạnh lạc quan của đời sống, nhắc chúng ta nhớ mình thật sự được ban phước như thế nào.
19. Lời của Phao-lô nơi Cô-lô-se 2:6, 7 cho biết thế nào tất cả chúng ta có thể tiếp tục cải thiện trong việc bước đi với đấng Christ?
19 Biết bao sự hướng dẫn khôn ngoan có thể được rút tỉa chỉ trong một đoạn của Lời Đức Chúa Trời, chẳng phải điều này là đáng chú ý hay sao? Lời Phao-lô khuyên hãy tiếp tục bước đi với đấng Christ là điều mà mỗi người chúng ta nên nghe theo. Vậy chúng ta hãy quyết tâm ‘đâm rễ trong đấng Christ’, “xây dựng trong ngài”, “vững vàng trong đức tin” và ‘tràn đầy sự cảm tạ’. Lời khuyên đó rất quan trọng, nhất là cho những người mới làm báp têm. Nhưng lời đó cũng áp dụng cho tất cả chúng ta. Hãy nghĩ đến một rễ cái đâm thẳng xuống ngày càng sâu, và một tòa nhà đang được xây ngày càng cao. Vì vậy, việc chúng ta bước đi với đấng Christ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta cần lớn lên về thiêng liêng trong nhiều phương diện. Đức Giê-hô-va sẽ giúp và ban ơn chúng ta, vì Ngài muốn chúng ta tiếp tục bước đi với Ngài và với Con yêu quý của Ngài mãi mãi.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Bước đi trong sự hợp nhất với đấng Christ bao hàm điều gì?
◻ ‘Đâm rễ trong đấng Christ’ có nghĩa gì?
◻ Chúng ta có thể ‘xây dựng trong đấng Christ’ như thế nào?
◻ Tại sao việc “vững vàng trong đức tin” là quan trọng?
◻ Chúng ta có những lý do nào để ‘tràn đầy sự cảm tạ’?
[Hình nơi trang 10]
Rễ cây có thể không thấy được, nhưng chúng cung cấp đồ ăn cho cây và giúp cây đứng vững