Thực hành tôn giáo thanh sạch để được sống sót
“Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là:...giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (GIA-CƠ 1:27).
1. Tự điển định nghĩa tôn giáo như thế nào, và điều hợp lý là ai có quyền ấn định sự khác biệt giữa tôn giáo thật và tôn giáo giả?
TỰ ĐIỂN định nghĩa tôn giáo là “việc biểu lộ sự tin tưởng và sùng kính của con người đối với một quyền lực siêu phàm được thừa nhận là đấng tạo hóa và đấng cai quản vũ trụ”. Vậy thì điều hợp lý là ai có quyền ấn định sự khác biệt giữa tôn giáo thật và tôn giáo giả? Chắc chắn đó phải là Đấng được người ta tin đến và tôn kính, tức Đấng Tạo hóa. Trong Lời Ngài, Đức Giê-hô-va đã nêu ra rõ ràng lập trường của Ngài về tôn giáo thật và tôn giáo giả.
Chữ “tôn giáo” trong Kinh-thánh
2. Các tự điển giải thích thế nào về chữ Hy-lạp dịch ra là “hình thức thờ phượng” hoặc “tôn giáo”, và chữ đó có thể dùng cho loại thờ phượng nào?
2 Chữ “hình thức thờ phượng” hoặc “tôn giáo” trong tiếng Hy-lạp là thre·skeiʹa. Cuốn “Tự điển Hy-lạp-Anh về Tân ước” (A Greek-English Lexicon of the New Testament) định nghĩa chữ này là “thờ phượng Đức Chúa Trời, tôn giáo, đặc biệt được biểu lộ qua các buổi lễ có tính cách tôn giáo, hoặc sự cúng bái”. Cuốn “Tự điển Thần học Tân ước” (Theological Dictionary of the New Testament) cung cấp thêm chi tiết và nói: “Người ta còn đang tranh luận về nguồn gốc của chữ này;... các học giả hiện đại nghĩ rằng chữ này có liên hệ đến chữ therap- (‘hầu việc’)... Người ta cũng có thể phân biệt được hai nghĩa khác nhau. Nghĩa tốt là ‘sự nhiệt thành về tôn giáo’..., ‘thờ phượng Đức Chúa Trời’, ‘tôn giáo’...Nhưng cũng có nghĩa xấu, tức là ‘sự quá độ về tôn giáo’, ‘thờ phượng sai lầm’ ”. Vậy, người ta có thể dịch chữ thre·skeiʹa là “tôn giáo” hoặc “hình thức thờ phượng”, tốt hay xấu.
3. Sứ đồ Phao-lô dùng chữ dịch ra là “hình thức thờ phượng” như thế nào, và có lời nhận xét nào đáng chú ý về cách dịch chữ đó nơi Cô-lô-se 2:18?
3 Chữ này chỉ xuất hiện bốn lần trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp. Sứ đồ Phao-lô dùng chữ này hai lần để chỉ tôn giáo giả. Nơi Công-vụ các Sứ-đồ 26:5, Kinh-thánh nói ông nhìn nhận rằng trước khi trở thành tín đồ đấng Christ, “tôi đã sống theo phái nhặt nhiệm nhất trong tôn giáo chúng tôi, như một Biệt phái” (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Trong thư gửi người Cô-lô-se, ông cảnh cáo: “Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần-thưởng chạy thi, là kẻ giả-đò khiêm-nhượng mà muốn thờ-lạy các thiên-sứ” (Cô-lô-se 2:18). Sự thờ phượng thiên sứ đó rõ ràng thịnh hành trong miền Phi-ri-gi thời bấy giờ, nhưng đó lại là một hình thức tôn giáo giả.a Điều đáng lưu ý là trong khi một số bản dịch Kinh-thánh dịch chữ thre·skeiʹa là “tôn giáo”, nơi Cô-lô-se 2:18 phần đông dùng chữ “thờ-lạy”. “Bản dịch Thế giới Mới” (New World Translation) dịch một cách đồng nhất chữ thre·skeiʹa là “hình thức thờ phượng” và mỗi lần như vậy trong “Kinh-thánh dẫn chiếu” (Reference Bible) có một phụ chú bên dưới lưu ý rằng các bản dịch tiếng La-tinh dịch cách khác là “tôn giáo”.
“Thanh-sạch không vết” theo quan điểm của Đức Chúa Trời
4, 5. a) Theo Gia-cơ thì lập trường của ai về tôn giáo mới là quan trọng nhất? b) Điều gì có thể làm cho hình thức thờ phượng của một người hóa ra vô ích, và chữ được dịch ra là “vô ích” có nghĩa gì?
4 Môn đồ Gia-cơ, một thành viên của hội đồng lãnh đạo trung ương của hội-thánh đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất, dùng chữ thre·skeiʹa hai lần khác nữa trong lá thư của ông. Ông viết: “Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo, mà không cầm-giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa-dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô-ích. Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia-cơ 1:26, 27).
5 Đúng, nếu muốn được Đức Giê-hô-va chấp nhận và muốn được sống sót để vào thế giới mới mà Ngài đã hứa, chúng ta rất cần phải nhận định lập trường của Ngài về tôn giáo (II Phi-e-rơ 3:13). Gia-cơ cho thấy một người có thể tự cho là mình thật sự sùng đạo nhưng hình thức thờ phượng của người đó có thể là vô ích. Chữ Hy-lạp dịch ra “vô-ích” ở đây cũng có nghĩa là “ăn không ngồi rồi, trống rỗng, không có kết quả, vô dụng, bất lực, thiếu lẽ thật”. Đây có thể là trường hợp của một người tự xưng là tín đồ đấng Christ nhưng không gìn giữ lời ăn tiếng nói và không dùng lưỡi để ngợi khen Đức Chúa Trời và xây dựng các anh em tín đồ. Người đó “lừa-dối lòng mình” và không thực hành “sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời”. Chính quan điểm của Đức Giê-hô-va mới là điều đáng kể.
6. a) Đề tài lá thư của Gia-cơ là gì? b) Gia-cơ nhấn mạnh đến điều kiện nào dành cho sự thờ phượng thanh sạch, và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thời nay nói gì về việc này?
6 Gia-cơ không kể ra tất cả những điều mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi liên hệ đến sự thờ phượng thanh sạch. Phù hợp với đề tài tổng quát của lá thư của ông—đề tài đó là đức tin chứng tỏ qua việc làm và cần phải giữ mình để không làm bạn với thế gian theo Sa-tan—ông chỉ nêu rõ hai sự đòi hỏi. Một là “thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ”. Điều này bao hàm tình yêu thương thật sự giữa tín đồ đấng Christ. Đức Giê-hô-va luôn luôn quan tâm một cách đầy yêu thương đến trẻ mồ côi và người góa bụa (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17, 18; Ma-la-chi 3:5). Một trong những hành động đầu tiên của hội đồng lãnh đạo trung ương của hội-thánh đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất là để giúp đỡ các tín đồ trong cảnh góa bụa (Công-vụ các Sứ-đồ 6:1-6). Sứ đồ Phao-lô chỉ dẫn tỉ mỉ về việc cấp dưỡng một cách đầy yêu thương cho các góa phụ lớn tuổi đã trung thành phụng sự nhiều năm, nay gặp cảnh túng thiếu mà không có thân nhân giúp đỡ (I Ti-mô-thê 5:3-16). Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thời nay của Nhân-chứng Giê-hô-va cũng đã nêu ra những lời chỉ dẫn chính xác tương tợ về việc “Chăm sóc người nghèo” như sau: “Sự thờ phượng thật bao gồm việc trông nom những người trung thành mà có thể đang bị túng thiếu vật chất”. (Xem sách “Tổ chức để hoàn thành thánh chức rao giảng” [Organized to Accomplish Our Ministry / Organisés pour bien remplir notre ministère], trang 122, 123). Các hội đồng trưởng lão hay cá nhân tín đồ đấng Christ nếu mà tỏ ra thiếu sót trên bình diện này tức là họ đang bỏ qua một khía cạnh quan trọng của hình thức thờ phượng thanh sạch và không vết theo quan điểm của Đức Chúa Trời và Cha chúng ta.
“Khỏi sự ô-uế của thế-gian”
7, 8. a) Gia-cơ nêu ra điều kiện thứ hai nào dành cho tôn giáo thật? b) Giới chức giáo phẩm và các tu sĩ có hội đủ điều kiện này không? c) Có thể nói gì về Nhân-chứng Giê-hô-va?
7 Gia-cơ nêu ra điều kiện thứ hai dành cho tôn giáo thật là “giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”. Giê-su nói: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”; bởi vậy các môn đồ thật của ngài nhất quyết “không thuộc về thế-gian” (Giăng 15:19; 18:36). Người ta có thể nào bảo rằng giới chức giáo phẩm và các tu sĩ của bất cứ tôn giáo nào của thế gian này không thuộc về thế gian không? Họ ủng hộ Liên Hiệp Quốc. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo của thế gian đã nhận lời mời của giáo hoàng để họp mặt tại Assisi, Ý-đại-lợi, vào tháng 10 năm 1986 để cùng nhau cầu nguyện cho sự thành công của “Năm Hòa bình Quốc tế” do LHQ đề xướng. Tuy nhiên, các cố gắng của họ chỉ hoài công vô ích vì người ta thấy nội trong năm đó và cho tới nay có hàng triệu người chết vì chiến tranh. Giới chức giáo phẩm thường kết thân với đảng phái chính trị đang nắm quyền, đồng thời lén lút liên minh với phe đối lập để bất cứ ai lên nắm chính quyền cũng đều xem họ là “bạn” (Gia-cơ 4:4).
8 Nhân-chứng Giê-hô-va có tiếng là các tín đồ đấng Christ giữ sự trung lập về chuyện chính trị và trong các cuộc xung đột của thế gian này. Họ giữ vững lập trường này trên tất cả các lục địa và trong tất cả các nước. Các phóng sự báo chí và lịch sử hiện đại ghi nhận về điều này trên khắp thế giới. Họ thật sự tránh “khỏi sự ô-uế của thế-gian”. Tôn giáo của họ là “đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 1:27).
Các dấu hiệu khác của tôn giáo thật
9. Điều kiện thứ ba dành cho tôn giáo thật là gì, và tại sao?
9 Nếu tôn giáo là “sự sùng kính đối với một quyền lực siêu phàm được thừa nhận là đấng tạo hóa và đấng cai quản vũ trụ”, chắc hẳn tôn giáo thật phải hướng sự thờ phượng về Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một và thật. Tôn giáo thật không được phép khiến cho người ta hiểu lờ mờ về Đức Chúa Trời bằng cách dạy dỗ các khái niệm tà giáo như thần ba ngôi. Giáo lý này trình bày Đức Chúa Cha chia xẻ sự toàn năng, vinh hiển và vô tận của Ngài với hai ngôi khác trong thuyết huyền bí về Chúa Ba Ngôi (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4; I Cô-rinh-tô 8:6). Tôn giáo thật cũng phải nói cho người ta biết Đức Giê-hô-va là danh vô song của Đức Chúa Trời và làm vinh hiển danh đó. Thật thế, tôn giáo thật phải mang danh Đức Chúa Trời với tư cách là một dân tộc có tổ chức (Thi-thiên 83:18; Công-vụ các Sứ-đồ 15:14). Trong vấn đề này, những người thực hành tôn giáo thật phải noi theo gương của Giê-su Christ (Giăng 17:6). Dân tộc nào ngày nay hội đủ điều kiện này nếu không phải là các tín đồ đấng Christ Nhân-chứng Giê-hô-va?
10. Một tôn giáo muốn dẫn đến sự sống sót để vào thế giới mới thì phải làm gì, và tại sao?
10 Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác [ngoài danh Giê-su Christ] ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:8-12). Do đó, tôn giáo thanh sạch dẫn đến sự sống sót để vào thế giới mới của Đức Chúa Trời phải giúp người ta tin nơi đấng Christ và nơi giá trị của sự hy sinh của ngài để làm giá chuộc (Giăng 3:16, 36; 17:3; Ê-phê-sô 1:7). Hơn nữa, tôn giáo thật phải giúp những người thờ phượng thật phục tùng đấng Christ là Vua đang trị vì do Đức Giê-hô-va đặt lên và là Thầy Tế lễ thượng phẩm được Ngài xức dầu (Thi-thiên 2:6-8; Phi-líp 2:9-11; Hê-bơ-rơ 4:14, 15).
11. Tôn giáo thật phải dựa trên điều gì, và lập trường của Nhân-chứng Giê-hô-va về phương diện này là gì?
11 Tôn giáo thanh sạch phải dựa trên ý muốn được tiết lộ của Đức Chúa Trời có một và thật chứ không phải dựa trên truyền thống hay triết lý do loài người đặt ra. Nếu không có Kinh-thánh hẳn chúng ta không biết gì cả về Đức Giê-hô-va và các ý định tuyệt diệu của Ngài, và cũng không biết gì về Giê-su cùng sự hy sinh làm giá chuộc. Nhân-chứng Giê-hô-va giúp người ta đặt lòng tin cậy vững chắc nơi Kinh-thánh. Qua nếp sống hàng ngày của mình, họ cũng chứng tỏ là họ đồng ý với lời của sứ đồ Phao-lô: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị... hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm-sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17).
Tôn giáo thật—một lối sống
12. Ngoài đức tin ra, cần có điều gì khác để cho sự thờ phượng trở nên thật?
12 Giê-su công bố: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-lạy Ngài thì phải lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy” (Giăng 4:24). Do đó, tôn giáo thật hay hình thức thờ phượng thật không phải là một sự phô trương bề ngoài để tỏ sự tin kính bằng các nghi lễ kiểu cách. Sự thờ phượng thanh sạch có tính cách thiêng liêng, dựa trên đức tin (Hê-bơ-rơ 11:6). Tuy nhiên, đức tin cần phải đi đôi với việc làm (Gia-cơ 2:17). Tôn giáo thật gạt bỏ các khuynh hướng được người ta ưa chuộng. Tôn giáo thật theo sát các tiêu chuẩn của Kinh-thánh về đạo đức và lời nói trong sạch (I Cô-rinh-tô 6:9, 10; Ê-phê-sô 5:3-5). Những người thực hành tôn giáo thật chân thành cố gắng vun trồng bông trái của thánh linh Đức Chúa Trời trong đời sống gia đình, tại chỗ làm việc, ở trường học và ngay cả trong việc giải trí của họ (Ga-la-ti 5:22, 23). Nhân-chứng Giê-hô-va cố gắng để không bao giờ quên lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Vậy anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31). Tôn giáo của họ không chỉ là hình thức bề ngoài; đó là một lối sống.
13. Sự thờ phượng thật bao hàm điều gì, và tại sao người ta có thể nói rằng Nhân-chứng Giê-hô-va là những người thật sự thực hành theo đạo?
13 Dĩ nhiên, tôn giáo thật bao hàm các hoạt động thiêng liêng. Các hoạt động này gồm việc cầu nguyện cá nhân và cùng với gia đình, học hỏi đều đặn Lời Đức Chúa Trời và các sách báo giúp tìm hiểu Kinh-thánh và tham dự các buổi nhóm họp của hội-thánh thật của đấng Christ. Các buổi họp này mở đầu và kết thúc bằng những bài hát ngợi khen Đức Giê-hô-va và lời cầu nguyện (Ma-thi-ơ 26:30; Ê-phê-sô 5:19). Tại các buổi nhóm họp người ta xem xét các đề tài xây dựng về thiêng liêng qua các bài diễn văn và các cuộc thảo luận bằng lối vấn đáp dựa trên tài liệu in sẵn mà mọi người có thể có được. Các buổi nhóm họp như thế thường được tổ chức trong những Phòng Nước Trời tươm tất nhưng không trang trí quá rườm rà và được dành riêng cho mục đích thuần túy tôn giáo như các buổi nhóm họp thường lệ, hôn lễ và lễ mai táng. Nhân-chứng Giê-hô-va tôn trọng Phòng Nước Trời của họ và các Phòng Hội nghị rộng lớn hơn vì đó là những nơi dành cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khác với nhiều nhà thờ tự xưng theo đấng Christ, Phòng Nước Trời không phải là câu lạc bộ để gặp gỡ nhau.
14. Sự thờ phượng có nghĩa gì đối với những người nói tiếng Hê-bơ-rơ, và hoạt động nào khiến cho Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay nổi bật hẳn?
14 Khi nãy chúng ta thấy là các học giả liên kết chữ Hy-lạp dịch ra là “hình thức thờ phượng” hay “tôn giáo” với động từ “hầu việc”. Điều đáng chú ý là chữ tương đương ‛avo·dhahʹ trong tiếng Hê-bơ-rơ có thể được dịch là “hầu việc” hay “thờ phượng”. (So sánh phụ chú bên dưới cho các câu Xuất Ê-díp-tô Ký 3:12 và 10:26 trong “Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới dẫn chiếu” [New World Translation of the Holy Scriptures—With References]). Đối với người Hê-bơ-rơ, thờ phượng có nghĩa là hầu việc. Đối với những người thờ phượng thật ngày nay thì cũng thế. Một dấu hiệu rất quan trọng và nổi bật của tôn giáo thật là tất cả những người thờ phượng thật đều tham gia rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời...ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân” (Ma-thi-ơ 24:14; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8; 5:42). Tôn giáo nào được biết đến trên khắp thế giới nhờ công việc rao giảng công khai về Nước Đức Chúa Trời là hy vọng duy nhất của nhân loại?
Một sức mạnh tích cực, đoàn kết
15. Một đặc điểm khác thường của tôn giáo thật là gì?
15 Tôn giáo giả gây chia rẽ. Nó đã và vẫn còn đang gây ra thù ghét và đổ máu. Ngược lại, tôn giáo thật thì hợp nhất. Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Tình yêu thương giúp các Nhân-chứng Giê-hô-va hợp nhất vượt qua được các ranh giới quốc gia, xã hội, kinh tế và chủng tộc, các yếu tố này gây chia rẽ giữa những người khác trong nhân loại. Các Nhân-chứng thì “một lòng đứng vững, đồng tâm chống-cự vì đức-tin [nơi] Tin-lành” (Phi-líp 1:27).
16. a) Nhân-chứng Giê-hô-va rao giảng “tin-lành” hay tin mừng nào? b) Những lời tiên tri nào đang được ứng nghiệm đối với dân sự của Đức Giê-hô-va, và các ân phước nào đến sau đó?
16 “Tin-lành” hay tin mừng mà họ rao giảng có nội dung là chẳng bao lâu nữa ý định không hề lay chuyển của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện. Ý định của Ngài sẽ được thành tựu “ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:10). Danh vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ nên thánh và trái đất sẽ trở thành một địa-đàng. Tại đó những người thờ phượng thật sẽ có thể sống đời đời (Thi-thiên 37:29). Ứng nghiệm lời tiên tri của Kinh-thánh, hàng triệu người trong tất cả các nước đang kết hợp với Nhân-chứng Giê-hô-va. Kinh-thánh nói: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (Xa-cha-ri 8:23). Đức Giê-hô-va đang ban phước cho dân Ngài. “Kẻ rất nhỏ” đã thật sự trở nên “một dân mạnh”. Đây là một hội-thánh thế giới hoàn toàn hợp nhất về mọi mặt—tư tưởng, việc làm và sự thờ phượng (Ê-sai 60:22). Đây là điều mà tôn giáo giả đã không bao giờ thực hiện được.
Sự chiến thắng của tôn giáo thanh sạch
17. Ba-by-lôn Lớn sẽ gặp phải số phận nào, và điều đó sẽ diễn ra như thế nào?
17 Lời Đức Chúa Trời tiên tri về sự hủy diệt đế quốc tôn giáo giả thế giới, gọi tượng trưng là “Ba-by-lôn lớn”. Cũng theo Kinh-thánh các “vua” hay nhà cầm quyền chính trị trên đất được tượng trưng bằng những cái sừng của một con thú dữ. Kinh-thánh nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ đặt vào lòng các nhà cầm quyền này ý định lật đổ và hủy diệt hoàn toàn cơ cấu giống như dâm phụ do Sa-tan Ma-quỉ lập ra. (Xem Khải-huyền 17:1, 2, 5, 6, 12, 13, 15-18).b
18. Kinh-thánh nêu ra lý do quan trọng nào khiến Ba-by-lôn Lớn sẽ bị hủy diệt, và khi nào tôn giáo giả đã bắt đầu đi vào con đường khủng khiếp đó?
18 Tại sao Ba-by-lôn Lớn đáng bị hủy diệt? Kinh-thánh trả lời: “Ấy chính trong thành nầy, mà đã tìm thấy huyết các đấng tiên-tri, các thánh-đồ, và hết thảy những kẻ đã bị giết trong thế-gian” (Khải-huyền 18:24). Để chứng tỏ tội gây đổ máu của tôn giáo giả khởi sự trước khi có thành Ba-by-lôn, Giê-su kết án các nhà lãnh đạo Do-thái giáo—đạo này gắn bó với Ba-by-lôn Lớn—khi ngài nói: “Hỡi loài rắn, dòng-dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán-phạt nơi địa-ngục được?... hết thảy máu vô-tội bị tràn ra trên mặt đất [sẽ] đổ về các ngươi, từ máu A-bên là người công-bình” (Ma-thi-ơ 23:33-35). Đúng, tôn giáo giả đã bắt đầu trên đất vào thời có sự phản loạn trong vườn Ê-đen, sẽ phải trả lời về tội đổ máu khủng khiếp.
19, 20. a) Những người thờ phượng thật sẽ làm gì sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hành quyết? b) Điều gì sẽ diễn ra khi đó, và tất cả những người thờ phượng thật sẽ đứng trước triển vọng nào?
19 Sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, những người thờ phượng thật sẽ hòa tiếng với các thiên sứ ở trên trời và cùng hát: “A-lê-lu-gia!... Ngài đã đoán-phạt đại dâm-phụ,... và Ngài đã báo thù huyết của các tôi-tớ Ngài đã bị tay con dâm-phụ đó làm đổ ra... Luồng khói nó bay lên đời đời” (Khải-huyền 19:1-3).
20 Rồi thì những phần tử khác của tổ chức hữu hình của Sa-tan sẽ bị hủy diệt (Khải-huyền 19:17-21). Tiếp theo, Sa-tan là kẻ sáng lập ra tất cả các tôn giáo giả cùng các quỉ sứ hắn sẽ bị quăng xuống vực sâu. Chúng sẽ không còn được tự do bắt bớ những người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va nữa (Khải-huyền 20:1-3). Tôn giáo thanh sạch sẽ chiến thắng tôn giáo giả. Những người trung thành vâng theo lời báo trước của Đức Chúa Trời là thoát ra khỏi Ba-by-lôn Lớn ngay bây giờ, sẽ có cơ hội sống sót và vào thế giới mới của Đức Chúa Trời. Nơi đó, họ sẽ có thể thực hành tôn giáo thật và phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng tôn kính mãi mãi.
[Chú thích]
a Muốn biết thêm về sự thờ phượng các thiên sứ ghi nơi Cô-lô-se 2:18, xin xem lời giải thích trong Tháp Canh, số ra ngày 1-5-1986, trang 15, 16.
b Muốn biết đầy đủ chi tiết về lời tiên tri này, xin xem lời giải thích của sách “Khải-huyền—Sắp đến cao điểm!” (Revelation—Its Grand Climax At Hand! hay La Révélation: le grand dénouement est proche!), do Hội Tháp Canh (Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc.) xuất bản, các chương 33-36.
Để thử trí nhớ của bạn
◻ Lập trường của ai về tôn giáo mới là quan trọng nhất, và tại sao?
◻ Gia-cơ nhấn mạnh đến hai điều kiện nào mà tôn giáo thật phải hội đủ?
◻ Sự thờ phượng thanh sạch phải hội đủ các điều kiện nào khác nữa?
◻ Nhân-chứng Giê-hô-va đang rao giảng “tin mừng” nào?
◻ Tôn giáo thật sẽ thắng tôn giáo giả thế nào?
[Hình nơi trang 17]
Các nhà lãnh đạo tôn giáo họp mặt tại Assisi, Ý-đại-lợi, vào tháng 10 năm 1986
[Hình nơi trang 19]
Tôn giáo thật bao gồm việc nhóm lại với nhau để thờ phượng