Ngày Chúa Giê-su đến sẽ đem lại những gì?
“KINH HOÀNG Ở SÃO PAULO”. Đó là lời miêu tả của tạp chí Veja về biến cố xảy ra trong bốn ngày vào tháng 5 năm 2006, khi một tội ác có tổ chức làm “rung chuyển” thành phố lớn nhất và phồn thịnh nhất Brazil. Khoảng 150 người, gồm nhân viên an ninh, tội phạm và thường dân, đã thiệt mạng trong “hơn 100 giờ kinh hoàng” đó.
Bạo động đã trở thành tin tức nóng bỏng trên khắp địa cầu. Các nhà lãnh đạo thế giới dường như không thể ngăn chặn làn sóng bạo động gia tăng. Thế giới đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Nhiều người cảm thấy chán nản vì nhìn đâu cũng thấy toàn tin xấu. Tuy nhiên, sự thay đổi đã gần kề.
Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện cho Nước Đức Chúa Trời được đến và ý Ngài được nên “ở đất như trời”. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Nước Trời là một chính phủ, trong đó Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm vua. Chính phủ này sẽ giải quyết mọi vấn đề của nhân loại. Tuy nhiên, để Nước Trời có thể thay đổi tình trạng trên đất, các chính thể loài người phải được thay thế bằng sự cai trị của Chúa Giê-su. Đó chính là điều sẽ xảy ra khi Chúa Giê-su đến.
Quyền lực sẽ được chuyển giao một cách hòa bình chăng?
Liệu các nước có sẵn sàng ưng thuận để Chúa Giê-su cai trị không? Bạn có thể tìm thấy câu trả lời qua một sự hiện thấy của sứ đồ Giăng. Ông viết: “Tôi lại thấy con thú [hệ thống chính trị hiện tại] và các vua thế-gian cùng những quân-đội mình nhóm lại đặng tranh-chiến với Đấng cưỡi ngựa [Chúa Giê-su], và với đạo binh của Ngài”. (Khải-huyền 19:19) Kết cuộc sẽ ra sao cho các vua thế gian? Kinh Thánh nói vị vua do Đức Chúa Trời bổ nhiệm “sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; [ngài] sẽ làm vỡ-nát chúng nó khác nào bình gốm”. (Thi-thiên 2:9) Hệ thống chính trị hiện tại sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn. Nước Đức Chúa Trời “sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”.—Đa-ni-ên 2:44.
Còn những ai chống lại Nước Trời thì sao? Kinh Thánh cho biết “khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng”, thì ngài sẽ “báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8) Còn những “kẻ gian-ác”, Châm-ngôn 2:22 nói họ “sẽ bị truất khỏi đất, và kẻ bất-trung sẽ bị nhổ rứt khỏi đó”.
Về ngày Chúa Giê-su đến, Kinh Thánh cũng cho biết như sau: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy”. (Khải-huyền 1:7) Người ta sẽ không thể nhìn thấy Chúa Giê-su bằng mắt thường. Từ khi về trời, Chúa Giê-su đã trở thành một thần linh “ở nơi sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài”.—1 Ti-mô-thê 6:16.
Chúa Giê-su không cần mặc xác phàm để những người trên đất “trông thấy”, cũng như Đức Giê-hô-va đã không phải làm thế khi giáng Mười Tai Vạ xuống Ai-Cập vào thời Môi-se. Dù vậy, lúc đó không ai nghi ngờ chính Đức Chúa Trời đã giáng các tai vạ ấy, và họ buộc phải công nhận quyền năng của Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:31) Cũng thế, khi Chúa Giê-su thay mặt Đức Chúa Trời thực thi sự phán xét, kẻ ác sẽ buộc phải “trông thấy”, hay thừa nhận rằng ngài được Đức Chúa Trời ban cho quyền phán xét. Họ sẽ nhận ra điều đó vì nhân loại sẽ được cảnh báo trước. Thật thế, “mọi mắt sẽ trông thấy [Chúa Giê-su]. . . hết thảy các chi họ trong thế-gian sẽ than-khóc vì cớ Ngài”.—Khải-huyền 1:7.
Việc tiêu diệt kẻ ác cùng những nhà cai trị đầy dã tâm chắc chắn là điều cần thiết để khôi phục tình trạng hòa bình và thịnh vượng trên đất. Chúa Giê-su sẽ thực hiện điều này và sẽ hoàn toàn kiểm soát mọi việc trên đất. Nhiều biến đổi lớn sẽ diễn ra sau đó.
Một sự đổi mới mang lại ân phước
Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói về “kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên-tri”. (Công-vụ 3:21) Sự đổi mới này bao gồm những thay đổi sẽ diễn ra trên đất trong suốt triều đại của Chúa Giê-su. Một trong những nhà tiên tri mà Đức Chúa Trời dùng để thông báo về “kỳ muôn vật đổi mới” là Ê-sai, sống vào thế kỷ thứ tám TCN. Ông báo trước Chúa Giê-su, tức “Chúa Bình-an”, sẽ khôi phục hòa bình trên đất. Nói về sự cai trị của Chúa Giê-su, nhà tiên tri Ê-sai viết: “Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi”. (Ê-sai 9:5, 6) Chúa Giê-su sẽ dạy các thần dân trên đất đường lối hòa bình, và họ sẽ “được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:11.
Tình trạng nghèo đói sẽ được giải quyết ra sao trong triều đại của Chúa Giê-su? Ê-sai nói: “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ ban cho mọi dân-tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon, đồ béo có tủy, rượu ngon lọc sạch”. (Ê-sai 25:6) Một người viết Thi-thiên hát: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”. (Thi-thiên 72:16) Về dân cư trên đất, Kinh Thánh cho biết: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trồng vườn nho cho người khác ăn; vì tuổi dân ta sẽ như tuổi cây, những kẻ lựa-chọn của ta sẽ hằng hưởng công-việc tay mình làm”.—Ê-sai 65:21, 22.
Theo lời tiên tri Ê-sai, bệnh tật và sự chết cũng sẽ chấm dứt. Qua nhà tiên tri này, Đức Chúa Trời phán: “Bấy giờ, những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát”. (Ê-sai 35:5, 6) Khi đó, “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. (Ê-sai 33:24) Đức Chúa Trời sẽ “nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt”.—Ê-sai 25:8.
Còn những người “ở trong mồ-mả” thì sao? (Giăng 5:28, 29) Ê-sai tiên tri: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống. . . [họ] đều chỗi-dậy!” (Ê-sai 26:19) Thật vậy, những người đã chết sẽ sống lại!
‘Đức Chúa Trời sẽ ban ngôi’ cho Chúa Giê-su
Khi Chúa Giê-su đến, địa cầu sẽ hoàn toàn đổi mới. Cả trái đất sẽ biến thành vườn địa đàng xinh đẹp và toàn nhân loại sẽ hợp nhất trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật. Chúng ta có thể tin là Chúa Giê-su sẽ loại bỏ mọi gian ác và xây dựng một xã hội công bình không?
Hãy xem quyền lực ngài đến từ đâu. Kinh Thánh cho biết: “Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài [Chúa Giê-su] ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài”. (Lu-ca 1:32) Ngôi Chúa Giê-su đến từ Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời chính là Đấng Sáng Lập và Đấng Ban quyền cai trị cho ngài. Sẽ không có vấn đề nào là quá khó đối với Chúa Giê-su.
Sau khi sống lại, Chúa Giê-su phán cùng môn đồ: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta”. (Ma-thi-ơ 28:18) Sách 1 Phi-e-rơ 3:22 nói: “Các thiên-sứ, các vương-hầu, các quyền-thế thảy đều phục Ngài”. Sẽ không có quyền lực nào đủ sức chống lại Chúa Giê-su. Và cũng không điều gì có thể ngăn cản ngài mang lại ân phước vĩnh cửu cho nhân loại.
Ngày Chúa Giê-su đến có ý nghĩa gì đối với nhân loại?
Trong thư gửi hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, sứ đồ Phao-lô viết: “Trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công-việc của đức-tin anh em, công-lao của lòng yêu-thương anh em, sự bền-đỗ về sự trông-cậy của anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3) Phao-lô cho thấy niềm hy vọng nơi Chúa Giê-su giúp chúng ta bền đỗ và làm những việc hữu ích. Niềm hy vọng ấy bao gồm việc tin chắc là ngài sẽ đến và làm đổi mới muôn vật. Nhờ có niềm hy vọng như thế, các tín đồ thật của Đấng Christ được gìn giữ hoặc thêm sức để tiếp tục chịu đựng mọi gian nan, thử thách.
Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh Carlos, sống ở São Paulo, Brazil. Kể từ khi biết mình bị bệnh ung thư vào tháng 8 năm 2003, anh đã trải qua tám cuộc phẫu thuật rất đau đớn và gây nhiều phản ứng phụ khiến anh yếu hẳn. Dù thế, anh vẫn luôn là nguồn động viên, khích lệ đối với người khác. Có lần trong khi đang rao giảng ngoài đường phố, trước cổng một bệnh viện lớn, anh gặp một chị Nhân Chứng Giê-hô-va có chồng cũng bị ung thư và đang được hóa trị. Hiểu được nỗi khổ của căn bệnh, anh đã khuyến khích và an ủi cặp vợ chồng. Sau đó, hai anh chị này cho biết rằng cuộc trò chuyện ấy là một liều thuốc bổ cho họ. Anh Carlos đã cảm nghiệm được những lời này của sứ đồ Phao-lô: “Ngài [Đức Chúa Trời] yên-ủi chúng tôi trong mọi sự khốn-nạn, hầu cho nhân sự yên-ủi mà Ngài đã yên-ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên-ủi kẻ khác trong sự khốn-nạn nào họ gặp!”—2 Cô-rinh-tô 1:4.
Điều gì đã giúp anh Carlos có tinh thần mạnh mẽ đến độ có thể tiếp tục khích lệ người khác, bất kể bệnh tật của mình? Chính niềm hy vọng về ngày Chúa Giê-su đến và những điều ngài sẽ làm đã giúp anh tiếp tục “làm lành”.—Ga-la-ti 6:9.
Cũng hãy xem trường hợp của Samuel có người anh trai bị giết cách nhà cha mình chỉ chừng 50 mét. Anh trai của Samuel bị bắn mười phát đạn, và thi thể bị để nằm bên đường suốt tám tiếng trong khi chờ cảnh sát kiểm tra hiện trường. Samuel không thể nào quên những điều đã xảy ra hôm ấy. Tuy nhiên, anh được an ủi và thêm sức khi nghĩ đến niềm hy vọng tương lai, khi Chúa Giê-su sẽ xóa sạch mọi sự gian ác trên đất và mang lại ân phước cho nhân loại qua sự cai trị công bình của ngài. Anh thường hình dung cảnh tượng được ôm chầm anh trai trong Địa Đàng, sau khi anh ấy sống lại.—Công-vụ 24:15.
Bạn phải làm gì?
Ngày Chúa Giê-su đến và những gì ngài thực hiện khi ấy sẽ mang lại cho bạn nhiều điều an ủi. Ngài chắc chắn sẽ giải quyết căn nguyên của mọi vấn đề và xóa sạch mọi sự gian ác khiến chúng ta đau khổ.
Bạn phải làm gì để được hưởng những ân phước mà chính phủ của Chúa Giê-su sẽ mang lại cho nhân loại? Hãy cẩn thận học hỏi Lời Đức Chúa Trời, là Kinh Thánh. Trong một lần cầu nguyện với Cha ngài, Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Hãy đặt mục tiêu xem xét những sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Nhân Chứng Giê-hô-va nơi bạn cư ngụ sẽ vui mừng giúp đỡ bạn. Chúng tôi chân thành mời bạn hãy liên lạc với họ, hoặc viết thư cho nhà xuất bản của tạp chí này.
[Các hình nơi trang 7]
Khi Chúa Giê-su đến, địa cầu sẽ hoàn toàn đổi mới
[Nguồn tư liệu]
Hình nhỏ, phần nền: Rhino and Lion Park, Gauteng, Nam Phi