Rao giảng tin mừng với lòng tin chắc
1 Vào đầu thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su Christ giao cho môn đồ sứ mệnh rao giảng tin mừng về Nước Trời và “đi đào tạo người từ các nước thành môn đồ”. (Mat 24:14; 28:19, 20, NW) Nhân Chứng Giê-hô-va xem trọng lời chỉ dạy của ngài, vì vậy đến cuối thế kỷ 20, hiệp hội anh em tín đồ Đấng Christ của chúng ta đã gia tăng đến hơn 5.900.000 môn đồ ở 234 xứ. Quả là tiếng ca ngợi vang dội dâng lên Cha chúng ta trên trời!
2 Nay chúng ta đã bước vào thế kỷ 21. Kẻ Thù của chúng ta quỉ quyệt tìm cách cản trở công việc chính của chúng ta là rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Hắn dùng những áp lực trong hệ thống này nhằm làm chúng ta bị phân tâm, lãng phí thời gian và làm hao mòn sức lực của chúng ta qua việc theo đuổi nhiều điều không cần thiết. Thay vì để cho hệ thống này quyết định điều gì thật sự quan trọng trong đời sống, chúng ta dùng Lời Đức Chúa Trời để chứng minh cho chính mình điều gì là quan trọng hơn hết—việc làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va. (Rô 12:2) Điều này có nghĩa là vâng theo lời khuyên trong Kinh Thánh là phải ‘rao giảng bất luận gặp thời hay không gặp thời và làm tròn thánh chức của chúng ta’.—2 Ti 4:2, 5, NW.
3 Vun trồng lòng tin chắc: Tín đồ Đấng Christ phải “tin chắc đầy-đủ mà đứng trọn-vẹn trong cả ý-chỉ của Đức Chúa Trời”. (Cô 4:12, Ghi-đê-ôn) Chữ “tin chắc” có nghĩa là “được thuyết phục để tin vững vàng nơi một điều gì đó”. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải tin chắc nơi lời tiên tri của Đức Chúa Trời và tin rằng chúng ta đang ở rất sâu trong thời kỳ cuối cùng. Niềm tin chúng ta phải vững vàng như của sứ đồ Phao-lô; ông nói rằng tin mừng “là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”.—Rô 1:16.
4 Ma-quỉ dùng những người hung ác và kẻ giả mạo để ảnh hưởng và làm lầm lạc người khác, và chính họ cũng bị lầm lạc nữa. (2 Ti 3:13) Vì biết trước điều này, chúng ta phải có biện pháp để củng cố niềm tin chắc rằng chúng ta có lẽ thật. Thay vì để những sự lo lắng đời này làm cho lòng nhiệt thành của chúng ta yếu đi, chúng ta luôn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. (Mat 6:33, 34) Chúng ta cũng không muốn quên rằng thời kỳ này rất cấp bách, có lẽ nghĩ rằng sự cuối cùng hệ thống này hãy còn xa. Càng ngày nó càng tiến gần. (1 Phi 4:7) Dù chúng ta có thể nghĩ rằng công việc rao giảng tin mừng đạt ít kết quả tại những nước đã nghe thông điệp này rồi, nhưng công việc cảnh báo phải tiếp tục.—Ê-xê 33:7-9.
5 Những câu hỏi chính vào thời điểm quyết liệt này là: ‘Tôi có xem trọng sứ mệnh đào tạo môn đồ mà Chúa Giê-su giao cho không? Khi rao giảng tin mừng, tôi có biểu lộ lòng tin chắc rằng Nước Trời có thật không? Tôi có quyết tâm tham gia trọn vẹn thánh chức cứu mạng này không?’ Hiểu rằng chúng ta đang ở rất sâu trong thời kỳ cuối cùng, chúng ta phải giữ chính mình cũng như coi trọng sứ mệnh rao giảng và dạy dỗ. Nhờ vậy mà chúng ta và những người nghe chúng ta sẽ được cứu. (1 Ti 4:16) Tất cả chúng ta có thể củng cố niềm tin chắc của người đi rao truyền như thế nào?
6 Noi gương người Tê-sa-lô-ni-ca: Sứ đồ Phao-lô nhớ lại công lao khó nhọc của anh chị ở Tê-sa-lô-ni-ca và nói với họ: “Đạo Tin-lành chúng tôi đã rao-truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền-phép, Đức Thánh-Linh và sức-mạnh của sự tin-quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu-thương đối với anh em là thể nào. Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui-vẻ của Đức Thánh-Linh mà tiếp-nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn-khó”. (1 Tê 1:5, 6) Vâng, Phao-lô khen hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca vì dù gặp nhiều khốn khó, họ vẫn rao giảng với lòng sốt sắng và niềm tin chắc. Điều gì đã giúp họ làm được điều này? Phần lớn, lòng sốt sắng và niềm tin chắc mà họ thấy nơi sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng hành của ông đã ảnh hưởng tích cực đến họ. Qua cách nào?
7 Cả lối sống của Phao-lô và các bạn đồng hành của ông chứng tỏ rằng họ có thánh linh Đức Chúa Trời và họ hết lòng tin tưởng những điều họ giảng dạy. Trước khi đến Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô và Si-la bị sỉ nhục tại thành Phi-líp. Dù chưa được tòa xử, họ vẫn bị đánh đập, bỏ tù và cùm kẹp. Tuy nhiên, kinh nghiệm gay go này đã không làm yếu đi lòng sốt sắng của họ đối với tin mừng. Đức Chúa Trời can thiệp và giải thoát họ; điều này khiến người cai tù và cả nhà cải đạo, và mở đường cho hai người này tiếp tục làm thánh chức.—Công 16:19-34.
8 Nhờ thánh linh Đức Chúa Trời giúp đỡ, Phao-lô đã đặt chân đến Tê-sa-lô-ni-ca. Tại đó, ông làm việc khó nhọc để nuôi bản thân và rồi dốc sức giảng dạy lẽ thật cho người thành Tê-sa-lô-ni-ca. Ông đã không ngần ngại rao truyền tin mừng vào mọi dịp. (1 Tê 2:9) Sự kiện Phao-lô rao giảng với lòng tin chắc đã có tác dụng mạnh trên dân địa phương đến nỗi một số người bỏ việc thờ hình tượng và trở thành tôi tớ của Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va.—1 Tê 1:8-10.
9 Dù bị bắt bớ, những người mới tin đạo vẫn rao giảng tin mừng. Được đức tin mới thúc đẩy, và vì hoàn toàn tin tưởng rằng các ân phước đời đời sẽ đến với họ, nên những người Tê-sa-lô-ni-ca có động lực rao truyền lẽ thật mà chính họ đã nôn nả tiếp nhận. Hội thánh đó đã hoạt động hăng hái đến nỗi người ta xa gần ở Ma-xê-đoan và đến tận A-chai cũng nghe đến đức tin và lòng sốt sắng của họ. Vì vậy, vào lúc Phao-lô viết lá thư đầu tiên cho người Tê-sa-lô-ni-ca, mọi người đều biết đến công việc tốt lành của họ. (1 Tê 1:7) Quả là một tấm gương sáng ngời!
10 Thúc đẩy bởi lòng yêu thương Đức Chúa Trời và người ta: Như người Tê-sa-lô-ni-ca, ngày nay cá nhân chúng ta có thể duy trì lòng tin chắc khi rao giảng tin mừng như thế nào? Phao-lô viết về họ: “Chúng tôi không bao giờ quên công việc anh em thực hiện do đức tin, những thành quả tốt đẹp do tình yêu thương”. (1 Tê 1:3, Bản Diễn Ý) Rõ ràng là họ có lòng yêu thương sâu đậm, chân thành đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và những người họ rao giảng cho. Chính tình yêu thương này đã thúc đẩy Phao-lô và các bạn đồng hành của ông chia sẻ với người Tê-sa-lô-ni-ca “không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống [họ] nữa”.—1 Tê 2:8.
11 Tương tự như thế, lòng yêu thương sâu xa của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và người đồng loại thúc đẩy chúng ta muốn tham gia trọn vẹn công việc rao giảng mà Đức Chúa Trời giao cho chúng ta làm. Lòng yêu thương này giúp chúng ta hiểu rằng chính Đức Chúa Trời giao cho mỗi người chúng ta trách nhiệm phổ biến tin mừng. Nhờ suy ngẫm và biết ơn mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm để hướng chúng ta đến “sự sống thật”, chúng ta được thúc đẩy để chia sẻ với người khác những lẽ thật tuyệt diệu mà chính chúng ta hết lòng tin tưởng.—1 Ti 6:19.
12 Khi bận rộn trong thánh chức rao giảng, lòng yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và người ta phải luôn gia tăng. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ muốn tham gia trọn vẹn hơn vào thánh chức rao giảng từ nhà này sang nhà kia cũng như vào mọi hình thức rao giảng khác. Chúng ta sẽ lợi dụng cơ hội để làm chứng bán chính thức cho họ hàng, người láng giềng và người quen. Mặc dù đa số có thể bác bỏ tin mừng và một số sẽ tìm cách ngăn cản việc công bố Nước Trời, nhưng chúng ta có niềm vui trong lòng. Tại sao? Vì chúng ta biết rằng mình đã cố hết sức làm chứng về Nước Trời và giúp người ta đạt đến sự cứu rỗi. Và Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho các nỗ lực của chúng ta nhằm tìm kiếm những người có lòng ngay thẳng. Ngay cả khi áp lực của đời sống đè nặng trên chúng ta và Sa-tan tìm cách tước đi niềm vui, chúng ta vẫn duy trì niềm tin chắc và lòng sốt sắng khi rao giảng cho người khác. Khi mỗi người chúng ta làm phần mình, điều này sẽ góp phần tạo nên các hội thánh mạnh mẽ, sốt sắng như hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca vậy.
13 Chớ bỏ cuộc khi bị thử thách: Chúng ta cũng cần lòng tin chắc khi gặp đủ loại thử thách. (1 Phi 1:6, 7) Chúa Giê-su nói rõ với môn đồ là nếu theo ngài, họ sẽ bị “mọi dân ghen-ghét”. (Mat 24:9) Phao-lô và Si-la đã trải qua kinh nghiệm này ở Phi-líp. Lời tường thuật nơi Công-vụ các Sứ-đồ chương 16 cho biết rằng Phao-lô và Si-la bị ném vào ngục tối và bị cùm kẹp. Nói chung thì nhà tù giống như cái sân hay tiền sảnh có các xà lim sáng sủa và thoáng khí. Còn ngục trong thì không có ánh sáng và ngột ngạt. Phao-lô và Si-la bị nhốt trong nơi tối, nóng và hôi này. Bạn có thể tưởng tượng họ khổ sở như thế nào trong nhiều giờ bị cùm kẹp, bị trầy lưng chảy máu sau khi bị tra tấn không?
14 Dù gặp những thử thách này, Phao-lô và Si-la vẫn trung thành. Họ biểu lộ lòng tin chắc, nhờ vậy họ có sức phụng sự Đức Giê-hô-va dù gặp thử thách nào đi nữa. Lòng tin chắc của họ được nêu rõ nơi câu 25 chương 16, câu này nói rằng Phao-lô và Si-la “cầu-nguyện, hát ngợi-khen Đức Chúa Trời”. Thật vậy, dù bị nhốt ở ngục trong, họ biết chắc mình được Đức Chúa Trời chấp nhận nên họ hát lớn tiếng đến nỗi các tù nhân khác đều nghe! Ngày nay chúng ta phải có lòng tin chắc tương tự khi gặp thử thách về đức tin.
15 Ma-quỉ gây đủ loại thử thách cho chúng ta. Một số người có thể bị gia đình chống đối. Nhiều anh bị đưa ra trước tòa án. Người khác bị những kẻ bội đạo chống đối. Nhiều người gặp vấn đề tài chính và lo sợ không kiếm được đủ ăn. Người trẻ gặp phải áp lực của bạn học cùng trường. Làm sao đối phó một cách thành công với các thử thách này? Muốn biểu lộ lòng tin chắc, chúng ta cần có gì?
16 Trước tiên và quan trọng hơn hết, chúng ta phải duy trì mối liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va. Khi Phao-lô và Si-la bị nhốt trong ngục tối, họ không dùng thì giờ đó để than thân trách phận hay tủi thân. Họ lập tức quay về Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện và hát ngợi khen Ngài. Tại sao? Bởi vì họ có mối liên lạc mật thiết với Cha trên trời. Họ hiểu rằng họ chịu khổ vì sự công bình và sự cứu rỗi của họ ở trong tay Đức Giê-hô-va.—Thi 3:8.
17 Ngày nay khi gặp thử thách, chúng ta cũng phải trông cậy vào Đức Giê-hô-va. Phao-lô khuyến khích chúng ta là tín đồ Đấng Christ ‘trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng chúng ta’. (Phi-líp 4:6, 7) Thật là an ủi biết bao khi biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ không để mặc chúng ta phải chịu thử thách một mình! (Ê-sai 41:10) Miễn là chúng ta phụng sự Ngài với lòng tin chắc thì Ngài luôn luôn ở cùng chúng ta.—Thi 46:7.
18 Một điều tối cần khác giúp chúng ta biểu lộ lòng tin chắc là việc bận rộn phụng sự Đức Giê-hô-va. (1 Cô 15:58) Phao-lô và Si-la bị bỏ tù vì họ bận rộn rao giảng tin mừng. Họ có ngừng rao giảng khi gặp thử thách không? Không, họ tiếp tục rao giảng ngay cả trong nhà tù, và sau khi được thả, họ đi đến nhà hội của người Do Thái ở Tê-sa-lô-ni-ca và ‘dùng Kinh-thánh mà biện-luận với họ’. (Công 17:1-3) Khi tin tưởng triệt để nơi Đức Giê-hô-va và biết chắc chúng ta có lẽ thật, không điều gì “có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”.—Rô 8:35-39.
19 Những gương tân thời về lòng tin chắc: Ngày nay có nhiều người như Phao-lô và Si-la, đã nêu gương sáng về lòng tin chắc. Một chị sống sót qua trại tập trung ở Auschwitz kể về đức tin và lòng tin chắc không lay chuyển của anh chị ở đó. Chị kể: “Có lần tôi bị tra hỏi và sĩ quan siết chặt nắm tay tiến về phía tôi. Ông hét lên: ‘Bọn tao phải làm gì với tụi bây đây? Bắt giam thì các ngươi bất cần. Nhốt vào tù cũng không thấm thía vào đâu. Đày đi trại tập trung cũng không sao. Khi nhận án tử hình, các ngươi cứ đứng trơ trơ không e sợ. Bọn tao phải làm gì đây?’ ” Đức tin chúng ta được củng cố biết bao khi thấy anh em biểu lộ đức tin trong những hoàn cảnh gay go như thế này! Họ luôn luôn quay về Đức Giê-hô-va để Ngài giúp họ chịu đựng.
20 Chúng ta hẳn còn nhớ lòng tin chắc của nhiều anh em chúng ta trong những năm gần đây khi phải đương đầu với sự thù ghét chủng tộc. Dù lâm vào những hoàn cảnh nguy hiểm, các anh hữu trách kiên quyết lo sao để anh chị em được nuôi dưỡng về thiêng liêng. Tất cả đều giữ trung thành với lòng tin chắc rằng ‘phàm binh-khí chế ra nghịch cùng họ sẽ chẳng thạnh-lợi’.—Ê-sai 54:17.
21 Nhiều anh chị em có người hôn phối không tin đạo cũng biểu lộ lòng tin chắc và kiên trì chịu đựng. Một anh ở đảo Guadeloupe bị vợ không tin đạo chống đối dữ dội. Vì muốn làm anh nản lòng và cản trở anh đi dự buổi họp đạo Đấng Christ, nên bà đã không nấu cơm, giặt ủi hay may vá quần áo cho anh. Bà còn không nói chuyện với anh trong nhiều ngày liền. Nhưng bằng cách biểu lộ lòng tin chắc từ đáy lòng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va và cầu xin Ngài giúp đỡ, anh này đã chịu đựng được. Đến bao lâu? Trong vòng 20 năm—sau thời gian đó vợ anh đã dần dần đổi ý. Cuối cùng, anh đã vui mừng khôn xiết khi bà chấp nhận hy vọng về Nước Đức Chúa Trời.
22 Cuối cùng, chúng ta chớ nên quên lòng tin chắc mà các em Nhân Chứng trẻ biểu lộ mỗi ngày khi đi học và phải đương đầu với áp lực của bạn bè cùng với những thử thách khác. Một em Nhân Chứng nói về áp lực phải giống như bạn bè ở trường: “Trong trường, ai cũng khuyến khích bạn ngỗ nghịch một chút. Những đứa trẻ khác sẽ nể bạn hơn nếu bạn làm một cái gì hơi ngỗ nghịch”. Những người trẻ gặp phải áp lực thật nặng nề! Họ phải cương quyết trong lòng và trí để kháng cự cám dỗ.
23 Nhiều Nhân Chứng trẻ đang thành công trong việc giữ lòng trung kiên dù gặp thử thách. Đó là trường hợp của một chị trẻ sống ở Pháp. Một ngày nọ sau giờ ăn trưa, mấy cậu trai tìm cách ép em hôn chúng, nhưng em cầu nguyện và mạnh dạn kháng cự, vậy các cậu trai để em yên. Sau này, một cậu trở lại và nói rằng cậu khâm phục lòng can đảm của em. Em đã có dịp làm chứng với cậu về Nước Trời, giải thích về các tiêu chuẩn cao mà Đức Giê-hô-va đặt ra cho tất cả những ai muốn nhận lãnh ân phước của Nước Trời. Trong niên học đó, em cũng có cơ hội giải thích niềm tin cho cả lớp.
24 Quả là một đặc ân quí báu được ở trong số người mà Đức Giê-hô-va vui lòng dùng để loan báo ý muốn của Ngài với lòng tin chắc! (Cô 4:12) Ngoài ra, chúng ta có cơ hội tuyệt diệu để chứng minh lòng trung kiên của chúng ta trước những cuộc tấn công của Kẻ Thù dữ như con sư tử, Sa-tan Ma-quỉ. (1 Phi 5:8, 9) Chớ bao giờ quên rằng Đức Giê-hô-va đang dùng thông điệp Nước Trời để mang lại sự cứu rỗi cho chúng ta, là những người rao giảng thông điệp, cũng như cho những ai nghe. Mong sao các quyết định và lối sống hằng ngày của chúng ta chứng tỏ chúng ta đặt Nước Trời lên hàng đầu. Chúng ta hãy tiếp tục rao giảng tin mừng với lòng tin chắc!