BÀI HỌC 44
Hãy giữ cho hy vọng vững mạnh
“Hãy trông cậy Đức Giê-hô-va”.—THI 27:14.
BÀI HÁT 144 Hãy đặt phần thưởng trước mặt luôn!
GIỚI THIỆUa
1. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta hy vọng nào?
Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta hy vọng tuyệt diệu là sự sống vĩnh cửu. Một số người có hy vọng sống đời đời trên trời với tư cách là tạo vật thần linh bất tử (1 Cô 15:50, 53). Nhưng đa số chúng ta có hy vọng sống đời đời trên đất với niềm hạnh phúc và sức khỏe hoàn hảo (Khải 21:3, 4). Dù chúng ta trông mong sống đời đời trên trời hay trên đất, niềm hy vọng đó rất quý giá với chúng ta.
2. Hy vọng của chúng ta dựa trên điều gì, và tại sao có thể nói thế?
2 Theo cách dùng trong Kinh Thánh, từ “hy vọng” có thể được định nghĩa là “trông mong những điều tốt đẹp sẽ xảy ra”. Hy vọng của chúng ta về tương lai là điều chắc chắn vì hy vọng ấy đến từ Đức Giê-hô-va (Rô 15:13). Chúng ta biết ngài đã hứa điều gì, và cũng biết ngài luôn giữ lời (Dân 23:19). Chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có cả ước muốn lẫn quyền năng để thực hiện mọi điều ngài hứa. Vì thế, hy vọng của chúng ta không dựa trên sự tưởng tượng hoặc suy nghĩ viển vông, mà dựa trên bằng chứng và những điều có thật.
3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này? (Thi thiên 27:14)
3 Cha trên trời yêu thương chúng ta, và ngài muốn chúng ta tin cậy nơi ngài. (Đọc Thi thiên 27:14). Khi hết lòng trông cậy Đức Giê-hô-va và tin chắc hy vọng của mình sẽ thành hiện thực, chúng ta có thể chịu đựng thử thách cũng như đối mặt với tương lai với lòng can đảm và niềm vui. Chúng ta sẽ xem niềm hy vọng bảo vệ mình ra sao. Trước hết, hãy xem hy vọng giống như cái neo và mũ trận như thế nào. Rồi chúng ta sẽ thảo luận cách để làm vững mạnh niềm hy vọng của mình.
HY VỌNG GIỐNG NHƯ CÁI NEO
4. Hy vọng giống cái neo như thế nào? (Hê-bơ-rơ 6:19)
4 Trong lá thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô ví hy vọng của chúng ta với cái neo. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:19). Vì thường di chuyển bằng đường biển, Phao-lô biết cái neo được dùng để giữ cho con thuyền khỏi trôi giạt. Lần nọ, khi ông đang đi trên thuyền thì một cơn bão lớn ập đến. Khi cơn bão vẫn đang diễn ra, ông thấy thủy thủ thả neo xuống biển để thuyền không bị thổi vào những bãi đá nguy hiểm (Công 27:29, 39-41). Như cái neo giúp con thuyền đứng vững, hy vọng giúp chúng ta vững vàng để không trôi giạt khỏi Đức Giê-hô-va khi đối mặt với thử thách. Hy vọng vững chắc giúp chúng ta chịu đựng sóng gió trong cuộc đời vì tin chắc ngày mai trời lại sáng. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su báo trước là chúng ta sẽ bị ngược đãi (Giăng 15:20). Vì thế, suy ngẫm về phần thưởng trong tương lai giúp chúng ta vững vàng và tiếp tục ở trên con đường của tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
5. Hy vọng giúp Chúa Giê-su như thế nào khi đối mặt với cái chết?
5 Hãy xem hy vọng giúp Chúa Giê-su vững vàng như thế nào dù ngài biết mình sẽ phải chịu một cái chết đau đớn. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ trích một lời tiên tri từ sách Thi thiên miêu tả sự điềm tĩnh và lòng tin chắc của Chúa Giê-su: “Thân con sẽ sống trong hy vọng, bởi ngài sẽ không bỏ mặc con trong mồ, cũng chẳng để người trung thành của ngài nếm trải sự mục nát. Ngài… sẽ khiến con tràn đầy vui sướng trước mặt ngài” (Công 2:25-28; Thi 16:8-11). Dù biết mình sẽ chết, Chúa Giê-su tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ làm ngài sống lại và ngài sẽ có niềm vui được đoàn tụ với Cha ở trên trời.—Hê 12:2, 3.
6. Một anh đã nói gì về hy vọng?
6 Hy vọng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã giúp nhiều anh chị chịu đựng. Hãy xem gương của anh Leonard Chinn, một anh trung thành sống ở Anh Quốc. Trong Thế Chiến I, anh bị tù vì từ chối nhập ngũ. Anh bị biệt giam trong hai tháng, và sau đó phải lao động khổ sai. Sau này anh viết: “Những trải nghiệm ấy giúp tôi nhận ra chúng ta cần hy vọng đến mức nào để chịu đựng. Chúng ta có gương mẫu của Chúa Giê-su, các sứ đồ và các nhà tiên tri, và cũng có những lời hứa quý báu trong Kinh Thánh. Tất cả những điều này giúp chúng ta có hy vọng vững chắc cho tương lai và thêm sức để chúng ta chịu đựng”. Hy vọng là cái neo cho anh Leonard, và cũng có thể là cái neo cho chúng ta.
7. Thử thách làm vững mạnh hy vọng của chúng ta như thế nào? (Rô-ma 5:3-5; Gia-cơ 1:12)
7 Hy vọng của chúng ta sẽ vững mạnh hơn sau khi chịu đựng thử thách và cảm nghiệm Đức Giê-hô-va giúp đỡ cũng như chấp nhận mình. (Đọc Rô-ma 5:3-5; Gia-cơ 1:12). Vì thế, hy vọng của chúng ta giờ đây mạnh mẽ hơn lúc mới chấp nhận tin mừng. Sa-tan muốn các thử thách khiến chúng ta choáng ngợp, nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chịu đựng thành công trước mỗi thử thách.
HY VỌNG GIỐNG NHƯ MŨ TRẬN
8. Hy vọng giống mũ trận như thế nào? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8)
8 Kinh Thánh cũng ví hy vọng của chúng ta với mũ trận. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8). Một người lính đội mũ trận để bảo vệ đầu khỏi những đòn tấn công của kẻ thù. Trong trận chiến thiêng liêng, chúng ta cần bảo vệ tâm trí khỏi sự tấn công của Sa-tan. Hắn dùng đủ loại cám dỗ và tư tưởng để làm bại hoại lối suy nghĩ của chúng ta. Như mũ trận bảo vệ đầu người lính, hy vọng bảo vệ lối suy nghĩ để chúng ta có thể giữ trung thành với Đức Giê-hô-va.
9. Người không có hy vọng thì có đời sống thế nào?
9 Hy vọng về sự sống vĩnh cửu sẽ giúp chúng ta hành động một cách khôn ngoan và thông sáng. Trái lại, nếu hy vọng suy yếu và chúng ta để cho lối suy nghĩ xác thịt chi phối tâm trí, chúng ta sẽ không còn tập trung vào hy vọng về sự sống vĩnh cửu. Hãy xem trường hợp của một số tín đồ ở thành Cô-rinh-tô xưa. Họ không còn tin nơi một lời hứa quan trọng của Đức Chúa Trời, đó là hy vọng về sự sống lại (1 Cô 15:12). Phao-lô lý luận rằng người không có hy vọng về sự sống lại thì chỉ sống cho hiện tại (1 Cô 15:32). Ngày nay, nhiều người không có hy vọng nơi lời hứa của Đức Chúa Trời thì chỉ sống cho hôm nay và nắm lấy bất cứ cơ hội nào để vui hưởng lạc thú. Tuy nhiên, chúng ta tin cậy nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về tương lai. Hy vọng ấy là mũ trận theo nghĩa bóng, bảo vệ lối suy nghĩ của chúng ta và giúp chúng ta tránh lối sống hưởng thụ, là điều gây tổn hại cho mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.—1 Cô 15:33, 34.
10. Làm thế nào hy vọng có thể bảo vệ chúng ta khỏi những lập luận giả dối?
10 Hy vọng cũng có thể bảo vệ chúng ta khỏi lối suy nghĩ là dù cố gắng đến đâu, mình cũng không thể nào làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, một số người có thể lý luận: “Mình không bao giờ ở trong số những người sẽ được sống đời đời. Mình không xứng đáng và sẽ không bao giờ hội đủ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời”. Hãy nhớ kẻ an ủi giả tạo là Ê-li-pha đã dùng cách lý luận tương tự như thế với Gióp khi nói: “Phàm nhân là gì mà được thanh sạch?”. Ngoài ra, ông còn nói về Đức Chúa Trời: “Kìa! Ngài chẳng tin tưởng các đấng thánh, cả các tầng trời cũng không trong sạch dưới mắt ngài” (Gióp 15:14, 15). Đúng là những lời nói dối trắng trợn! Hãy nhớ ai ở đằng sau lối suy nghĩ đó, chính là Sa-tan. Hắn biết nếu anh chị tiếp tục suy nghĩ như thế, hy vọng của anh chị sẽ lu mờ. Vậy, hãy bác bỏ những lời nói dối ấy và tập trung vào các lời hứa của Đức Giê-hô-va. Hãy luôn tin chắc là ngài muốn anh chị sống đời đời và sẽ giúp anh chị đạt được mục tiêu đó.—1 Ti 2:3, 4.
GIỮ CHO HY VỌNG VỮNG MẠNH
11. Tại sao chúng ta nên kiên nhẫn trong khi chờ đợi hy vọng của mình trở thành hiện thực?
11 Không phải lúc nào cũng dễ để giữ cho hy vọng vững mạnh. Chúng ta có thể trở nên mất kiên nhẫn trong khi chờ đợi Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va là đấng hằng hữu, và cái nhìn của ngài về thời gian khác với chúng ta (2 Phi 3:8, 9). Ngài sẽ thực hiện ý định của ngài theo cách tốt nhất, nhưng có lẽ ngài không hành động vào lúc chúng ta mong đợi. Điều gì giúp chúng ta giữ cho hy vọng vững mạnh trong khi kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa của ngài?—Gia 5:7, 8.
12. Theo Hê-bơ-rơ 11:1, 6, có mối liên kết nào giữa hy vọng và đức tin?
12 Chúng ta sẽ giữ cho hy vọng vững mạnh nếu tiếp tục có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, là đấng đảm bảo rằng hy vọng của chúng ta sẽ thành hiện thực. Thực tế, Kinh Thánh liên kết chặt chẽ hy vọng với niềm tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hiện hữu và ngài là “đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm ngài”. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:1, 6). Đức Giê-hô-va càng có thật với chúng ta thì chúng ta sẽ càng tin chắc ngài sẽ thực hiện mọi điều ngài hứa. Hãy xem những cách thực tế để củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, nhờ thế giữ cho hy vọng vững mạnh.
13. Làm thế nào để đến gần Đức Chúa Trời?
13 Cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và đọc Lời ngài. Dù không thể nhìn thấy Đức Giê-hô-va, chúng ta vẫn có thể đến gần ngài. Chúng ta có thể nói chuyện với ngài qua lời cầu nguyện, tin chắc ngài sẽ nghe chúng ta (Giê 29:11, 12). Chúng ta có thể lắng nghe Đức Chúa Trời bằng cách đọc và suy ngẫm Lời ngài. Khi đọc về cách Đức Giê-hô-va chăm sóc những người trung thành trong quá khứ, hy vọng của chúng ta sẽ càng vững mạnh hơn. Mọi điều trong Lời Đức Chúa Trời “được viết… để chỉ dạy chúng ta, hầu cho bởi sự chịu đựng của chúng ta và sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng”.—Rô 15:4.
14. Tại sao chúng ta nên suy ngẫm về những điều Đức Giê-hô-va làm cho người khác?
14 Suy ngẫm về việc Đức Giê-hô-va luôn giữ lời hứa. Hãy xem điều Đức Chúa Trời làm cho Áp-ra-ham và Sa-ra. Họ đã lớn tuổi và không thể sinh con. Nhưng Đức Chúa Trời hứa rằng họ sẽ có một người con (Sáng 18:10). Áp-ra-ham đã phản ứng thế nào? Kinh Thánh nói: ‘Ông có đức tin là mình sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc’ (Rô 4:18). Theo quan điểm của con người, tình cảnh đó dường như vô vọng, nhưng Áp-ra-ham tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời hứa của ngài. Người đàn ông trung thành ấy đã không phải thất vọng (Rô 4:19-21). Những lời tường thuật như thế dạy chúng ta rằng chúng ta có thể tin cậy là Đức Giê-hô-va luôn thực hiện lời hứa của ngài, dù tình cảnh có vẻ vô vọng thế nào đi nữa.
15. Tại sao chúng ta nên suy ngẫm về những điều Đức Chúa Trời đã làm cho mình?
15 Nghĩ đến những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho anh chị. Hãy nghĩ xem các lời hứa trong Kinh Thánh đã trở thành hiện thực như thế nào trong đời sống của mình. Chẳng hạn, Chúa Giê-su hứa rằng Cha ngài sẽ cung cấp cho anh chị những điều cần thiết trong đời sống (Mat 6:32, 33). Chúa Giê-su cũng đảm bảo là Đức Giê-hô-va sẽ ban thần khí thánh khi anh chị cầu xin (Lu 11:13). Đức Giê-hô-va đã giữ những lời hứa ấy. Hẳn anh chị cũng nghĩ đến những lời hứa khác mà Đức Chúa Trời đã thực hiện cho mình. Chẳng hạn, ngài hứa sẽ tha thứ, an ủi và nuôi dưỡng anh chị về thiêng liêng (Mat 6:14; 24:45; 2 Cô 1:3). Khi suy ngẫm về những điều Đức Chúa Trời đã làm cho mình, anh chị sẽ củng cố niềm hy vọng nơi những điều ngài sẽ làm cho mình trong tương lai.
HÃY VUI MỪNG TRONG HY VỌNG
16. Tại sao hy vọng là món quà quý báu?
16 Hy vọng về sự sống vĩnh cửu là món quà quý báu từ Đức Chúa Trời. Chúng ta trông mong một tương lai tuyệt vời, là tương lai mà chúng ta tin chắc sẽ đến. Hy vọng ấy giống như cái neo, giúp chúng ta vững vàng để chịu đựng thử thách, đứng vững trước sự ngược đãi, thậm chí đối mặt với cái chết. Hy vọng ấy giống như mũ trận, bảo vệ lối suy nghĩ để chúng ta có thể bác bỏ điều sai và làm điều đúng. Hy vọng dựa trên Kinh Thánh giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Chúa Trời và cho thấy tình yêu thương sâu đậm mà ngài dành cho chúng ta. Chúng ta nhận được rất nhiều lợi ích khi giữ cho hy vọng bừng sáng và vững mạnh.
17. Tại sao hy vọng của chúng ta dẫn đến vui mừng?
17 Trong lá thư gửi cho các tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô khuyến giục: “Hãy vui mừng trong hy vọng” (Rô 12:12). Phao-lô có thể vui mừng vì tin chắc nếu giữ lòng trung thành, ông sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu trên trời. Chúng ta cũng có thể vui mừng trong hy vọng vì tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giữ lời hứa của ngài. Như người viết Thi thiên nói, “hạnh phúc cho người… trông cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình,… là đấng vẫn luôn trung tín”.—Thi 146:5, 6.
BÀI HÁT 139 Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới
a Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta hy vọng tuyệt vời về tương lai. Hy vọng ấy khích lệ chúng ta và giúp chúng ta nhìn xa hơn thử thách hiện tại. Hy vọng ấy cho chúng ta sức mạnh để giữ trung thành bất kể khó khăn mà mình phải đối mặt và có thể bảo vệ chúng ta khỏi những tư tưởng làm bại hoại lối suy nghĩ của mình. Đó là những lý do chính đáng để giữ cho hy vọng của chúng ta vững mạnh, như bài này sẽ cho thấy.
b HÌNH ẢNH: Như mũ trận bảo vệ đầu người lính và cái neo giúp con thuyền đứng vững, hy vọng bảo vệ lối suy nghĩ của chúng ta và giúp chúng ta vững vàng trước thử thách. Một chị cầu nguyện Đức Giê-hô-va với lòng tin chắc. Một anh suy ngẫm về việc Đức Chúa Trời giữ lời hứa với Áp-ra-ham. Một anh khác suy ngẫm về cách anh được ban phước.