“Hãy tiếp tục quí trọng hạng người như vậy”
“Hãy... quí-trọng những người... ấy” (1 CÔ-RINH-TÔ 16:18)
1. Sứ đồ Phao-lô đặc biệt quí trọng hạng người nào, và ông viết gì về một người như thế ấy?
Hạng người mà Phao-lô đặc biệt quí trọng là những người sẵn lòng dồn hết sức lực ra để phụng sự Đức Giê-hô-va và giúp đỡ anh em họ. Phao-lô viết về một người như thế trong những anh em cùng làm việc với ông: “Hãy lấy sự vui-mừng trọn-vẹn mà tiếp-rước người trong Chúa, và tiếp [tục quí trọng hạng] người như vậy; bởi, ấy là vì công-việc của đấng Christ mà người đã gần chết liều sự sống mình” (Phi-líp 2:29, 30).
2. Chúng ta nên đặc biệt quí trọng ai, và tại sao?
2 Ngày nay trong hơn 57.000 hội-thánh Nhân-chứng Giê-hô-va có nhiều anh em tín đồ đấng Christ mà chúng ta nên đặc biệt quí trọng vì công lao khó nhọc của họ ở giữa anh em. Để cho thấy rằng chúng ta nên quí trọng những người như thế ấy, Phao-lô tuyên bố: “Hỡi anh em, xin anh em kính-trọng kẻ có công-khó trong vòng anh em, là kẻ tuân-theo Chúa mà chỉ-dẫn và dạy-bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu-thương đối với họ vì cớ công-việc họ làm” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13).
3. a) Điều gì sẽ giúp chúng ta sống hòa thuận với nhau? b) Các trưởng lão nên làm gương dưới khía cạnh nào?
3 Chắc chắn một yếu tố quan trọng để sống hòa thuận với mọi người trong hội-thánh là biết quí trọng đúng cách tất cả anh chị em chúng ta, và đặc biệt đối với các trưởng lão làm việc khó nhọc. Dưới khía cạnh này cũng như trong tất cả các lãnh vực khác của đời sống tín đồ đấng Christ các trưởng lão nên “làm gương tốt cho cả bầy” (I Phi-e-rơ 5:2, 3). Tuy nhiên, trong khi các trưởng lão có thể đúng lý chờ đợi được các anh em quí trọng vì công lao khó nhọc của họ, họ cũng nên làm gương bằng cách tôn trọng lẫn nhau đúng cách.
“Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”
4, 5. a) Điều gì cho thấy rằng sứ đồ Phao-lô quí trọng các trưởng lão làm việc khó nhọc? b) Ông viết gì cho anh em tín đồ ở Rô-ma, và tại sao những lời của ông áp dụng trước hết cho các trưởng lão?
4 Sứ đồ Phao-lô làm gương tốt dưới khía cạnh này. Như chúng ta đã thấy trong bài trước, ông thường tìm kiếm những điểm tốt nơi các anh chị em. Và ông không chỉ khuyến khích tín đồ đấng Christ yêu thương và kính trọng các trưởng lão làm việc khó nhọc, nhưng chính ông cũng tỏ ra quí trọng đúng cách những người này nữa. Hiển nhiên ông đã quí trọng hạng người như vậy. (So sánh Phi-líp 2:19-25, 29; Cô-lô-se 4:12, 13; Tít 1:4, 5).
5 Trong thư gửi cho anh em tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô viết: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy [làm gương trong việc] kính-nhường nhau. Hãy siêng-năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt-sắng; phải hầu việc Chúa [Đức Giê-hô-va]” (Rô-ma 12:10, 11). Chắc chắn là những lời này áp dụng trước hết cho các trưởng lão tín đồ đấng Christ. Trong hết thảy các tín đồ, họ nên dẫn đầu trong việc kính nhường lẫn nhau.
6. a) Các trưởng lão nên tránh làm gì, và tại sao? b) Làm thế nào các trưởng lão có thể làm gia tăng sự tín nhiệm của hội-thánh nơi toàn bộ hội đồng trưởng lão?
6 Các trưởng lão nên đặc biệt cẩn thận tránh nói những lời hạ thấp những người cùng làm giám thị với mình. Không một trưởng lão nào có tất cả các đức tính của tín đồ đấng Christ ở trình độ siêu đẳng nhất, vì tất cả đều là bất toàn. Vài người xuất sắc ở một số đức tính nào đó, nhưng họ yếu hơn ở các đức tính khác. Nếu các trưởng lão có sự yêu thương anh em đúng cách và trìu mến dịu dàng với nhau, họ sẽ coi nhẹ cho nhau những sự yếu kém. Trong các cuộc nói chuyện với anh em, họ sẽ nêu cao các điểm mạnh của các trưởng lão khác. Nhờ dẫn đầu như vậy trong việc kính nhường nhau mà họ sẽ làm gia tăng sự tín nhiệm của hội-thánh nơi toàn bộ hội đồng trưởng lão.
Cùng làm việc với nhau với tư cách hội đồng
7. Điều gì sẽ giúp các trưởng lão cùng làm việc với nhau trong sự hợp nhất, và họ sẽ bày tỏ điều này thế nào?
7 Sau khi nói về việc đấng Christ ban “những người” cho hội-thánh trên đất để giúp đỡ anh em và làm mọi việc trong hội-thánh, sứ đồ Phao-lô viết: “Trong mọi việc chúng ta [hãy lớn] thêm lên trong đấng làm đầu, tức là đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:7-15). Sự kiện nhìn nhận rằng đấng Christ là Đầu của hội-thánh và ngài hoạt động tích cực, và các trưởng lão phải phục tùng quyền phép nơi tay hữu ngài quả là một yếu tố hợp nhất bên trong mỗi hội đồng trưởng lão (Ê-phê-sô 1:22; Cô-lô-se 1:18; Khải-huyền 1:16, 20; 2:1). Họ sẽ tìm kiếm sự chỉ dẫn của thánh linh, của các nguyên tắc Kinh-thánh và sự dẫn dắt của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47; Công-vụ các Sứ-đồ 15:2, 28; 16:4, 5).
8. Tất cả các trưởng lão nên nhớ gì, và làm thế nào họ sẽ tỏ ra kính nhường lẫn nhau?
8 Các trưởng lão sẽ nhìn nhận rằng đấng Christ có thể dùng thánh linh điều khiển tâm trí của một trưởng lão trong hội đồng trưởng lão để nêu ra nguyên tắc Kinh-thánh cần yếu để đối phó với bất cứ tình thế nào hoặc làm bất cứ quyết định quan trọng nào (Công-vụ các Sứ-đồ 15:6-15). Không một trưởng lão nào có độc quyền nhận được thánh linh ban cho hội đồng trưởng lão. Các trưởng lão sẽ kính nhường lẫn nhau bằng cách lắng nghe cẩn thận khi bất cứ một người nào trong họ nêu ra một nguyên tắc Kinh-thánh hoặc một chỉ thị đến từ Hội đồng Lãnh đạo Trung ương liên quan đến vấn đề đang được thảo luận.
9. a) Các đức tính thiêng liêng nào sẽ giúp một giám thị tránh lấn át các trưởng lão khác? b) Làm thế nào một trưởng lão sẽ tỏ ra “mềm-mại hòa-nhã”, và hội đồng lãnh đạo trung ương hồi thế kỷ thứ nhất đã làm gương ra sao dưới khía cạnh này?
9 Sự khiêm tốn, nhu mì và khiêm nhường của tín đồ đấng Christ sẽ ngăn cản bất cứ một trưởng lão nào tìm cách lấn át anh em mình và ép theo ý kiến mình (Châm-ngôn 11:2; Cô-lô-se 3:12). Một giám thị tín đồ đấng Christ có thể có các quan điểm rất mạnh và thành thật về một vấn đề nào đó. Nhưng nếu anh thấy các anh em trưởng lão khác có lý do Kinh-thánh và thần quyền để nhìn sự việc khác mình, anh sẽ xử sự “như người nhỏ hơn” và tỏ ra “mềm-mại hòa-nhã” bằng cách nhường theo quan điểm của đa số.a (Lu-ca 9:48; I Ti-mô-thê 3:3). Anh sẽ theo gương tốt của hội đồng lãnh đạo trung ương hồi thế kỷ thứ nhất, họ đã đi đến chỗ “đồng lòng quyết ý” sau khi thảo luận về Kinh-thánh và phục tùng sự hướng dẫn của đấng Christ qua trung gian thánh linh (Công-vụ các Sứ-đồ 15:25).
10. a) Điều gì chứng tỏ việc bổ nhiệm một hội đồng trưởng lão trong mỗi hội-thánh là một sự sắp đặt dựa trên Kinh-thánh? b) Sách «Tổ chức để hoàn thành thánh chức rao giảng» (Organized to Accomplish Our Ministry) giải thích thế nào về các lợi ích của sự sắp đặt này?
10 Việc bổ nhiệm một hội đồng trưởng lão trong mỗi hội-thánh để dẫn đầu được dựa trên gương mẫu do hội-thánh đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất nêu ra (Phi-líp 1:1; I Ti-mô-thê 4:14; Tít 1:5). Thừa nhận sự khôn ngoan của việc sắp đặt này, sách «Tổ chức để hoàn thành thánh chức rao giảng» (Organized to Accomplish Our Ministry) tuyên bố nơi trang 37: “Vài trưởng lão sẽ xuất sắc ở một đức tính này hơn ở một đức tính khác, trong khi những người khác trong hội đồng sẽ xuất sắc hơn ở các điểm nào đó mà người khác thì lại yếu hơn. Vậy nói chung thì tác dụng là toàn bộ hội đồng sẽ có tất cả các đức tính tốt cần thiết để thi hành công việc giám thị trong hội-thánh Đức Chúa Trời”.
Các hội đồng trưởng lão tôn trọng lẫn nhau
11, 12. a) Tại sao một hội đồng trưởng lão có thể thực hiện công việc tốt hơn là tổng cộng thành quả của những người riêng rẽ trong hội đồng? b) Giê-su Christ và sứ đồ Phao-lô đã đối xử ra sao với một số hội đồng trưởng lão với tư cách toàn thể hội đồng, và họ đã ban lời khuyên nào?
11 Vậy mỗi hội đồng trưởng lão là một thực thể theo Kinh-thánh, trong đó giá trị của toàn thể tượng trưng cho cái gì lớn hơn tổng số các giá trị của từng thành viên hợp lại. Khi hội đồng trưởng lão nhóm lại và cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn qua trung gian đấng Christ và thánh linh, họ có thể làm những quyết định có lẽ không thể có được nếu tham khảo riêng từng người. Khi các trưởng lão nhóm lại với nhau, các đức tính khác nhau của mỗi người góp phần đem lại kết quả thể hiện rõ sự kiện là đấng Christ điều khiển mọi việc. (So sánh Ma-thi-ơ 18:19, 20).
12 Chúng ta thấy sự kiện đấng Christ tích cực điều khiển các hội đồng trưởng lão với tư cách toàn thể hội đồng là do các thông điệp ngài gửi cho “bảy ngôi sao”, hoặc “các thiên-sứ của bảy Hội-thánh” ở Tiểu Á (Khải-huyền 1:11, 20). Thông điệp thứ nhất được gửi đến hội-thánh ở Ê-phê-sô qua trung gian «thiên sứ» của hội-thánh này tức hội đồng các giám thị được xức dầu. Khoảng 40 năm trước đó, sứ đồ Phao-lô đã cho vời hội đồng trưởng lão ở Ê-phê-sô đến thành Mi-lê để gặp ông trong một phiên nhóm đặc biệt. Ông đã nhắc nhở họ giữ lấy chính họ và chăn giữ hội-thánh Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 20:17, 28).
13. Tại sao các trưởng lão nên cố gắng gìn giữ tinh thần bày tỏ trong hội đồng trưởng lão địa phương và giữa hội đồng này với hội đồng khác?
13 Các hội đồng trưởng lão nên đặc biệt cố gắng gìn giữ một tinh thần tử tế và tích cực giữa họ và trong hội-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 20:30). Giống như một cá nhân tín đồ đấng Christ thể hiện một tinh thần nào đó, các hội đồng trưởng lão cũng có thể phát sinh một tinh thần đặc biệt (Phi-líp 4:23; II Ti-mô-thê 4:22; Phi-lê-môn 25). Đôi khi có xảy ra việc này: giữa các trưởng lão trong cùng một hội-thánh thì có sự tôn trọng lẫn nhau nhưng giữa hội đồng trưởng lão của hội-thánh này và hội đồng trưởng lão của hội-thánh khác thì lại thiếu sự thỏa thuận. Tại các thành phố nơi mà nhiều hội-thánh nhóm lại trong cùng một phòng họp, đôi khi có sự bất đồng ý kiến xảy ra giữa các hội đồng trưởng lão về giờ giấc nhóm họp, ranh giới các khu vực rao giảng, sự trang bị Phòng Nước Trời, v.v... Các nguyên tắc về sự khiêm tốn, nhu mì, khiêm nhường và hòa nhã áp dụng bởi các trưởng lão trong cùng một hội đồng cũng nên áp dụng trong các sự liên hệ giữa các hội đồng trưởng lão. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy làm hết thảy cho được gây-dựng” (I Cô-rinh-tô 14:26).
Sự kính trọng đúng cách đối với các giám thị lưu động
14. Có một loại trưởng lão nào khác đáng được quí trọng, và tại sao?
14 Một sự sắp đặt khác dựa trên Kinh-thánh có hiệu lực giữa các hội-thánh Nhân-chứng Giê-hô-va là việc họ được đều đặn viếng thăm bởi các trưởng lão lưu động, gọi là giám thị vòng quanh hay giám thị địa hạt (Công-vụ các Sứ-đồ 15:36; 16:4, 5). Những người này theo nghĩa đặc biệt là “các trưởng-lão khéo cai-trị [chủ tọa[”. Không kém gì các trưởng lão khác, họ nên được “kính-trọng bội-phần, nhứt là những người chịu chức rao-giảng và dạy-dỗ” (I Ti-mô-thê 5:17).
15. Sứ đồ Giăng khuyên gì liên quan đến những người lưu động rao giảng tin mừng?
15 Trong lá thư thứ ba của ông, sứ đồ Giăng chỉ trích Đi-ô-trép vì hắn từ chối “tiếp-rước anh em [đàng hoàng]” (III Giăng 10). Các anh em này là tín đồ lưu động được phái đi “vì danh [Đức Giê-hô-va]” (III Giăng 7). Dường như họ đã được phái đi làm người rao giảng tin mừng và xây dựng các hội-thánh trong những thành phố mà họ viếng thăm. Sứ đồ Giăng ra chỉ thị để những người rao giảng lưu động này làm việc khó nhọc được “giúp đỡ [để lên] đường... một cách xứng-đáng với Đức Chúa Trời” (III Giăng 6). Ông nói thêm: “Chúng ta cũng nên tiếp-đãi những người thể ấy, hầu cho chúng ta với họ đồng làm việc cho lẽ thật” (III Giăng 8). Họ đáng được tiếp đãi với sự kính trọng.
16. Làm thế nào các tín đồ đấng Christ ngày nay có thể noi gương Gai-út trong sự “ăn-ở trung-tín” đối với những người rao giảng tin mừng hồi thế kỷ thứ nhất, và tại sao làm thế là đúng?
16 Ngày nay cũng thế, các giám thị lưu động được Hội đồng Lãnh đạo Trung ương phái đi rao giảng tin mừng và giúp đỡ các hội-thánh nên được tiếp đãi niềm nở và với sự kính trọng. Các anh này và vợ họ (nếu có, như trường hợp của nhiều người) đã tình nguyện rời bỏ đời sống nơi cố định. Họ di chuyển từ nơi này sang nơi khác, thường phải tùy thuộc về đồ ăn và chỗ ngủ nơi lòng hiếu khách của các anh em. Về phần Gai-út là người đã tiếp rước với sự yêu thương những người lưu động rao giảng tin mừng trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Giăng viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, anh ăn-ở trung-tín trong mọi điều làm cho các anh em, và cũng cho các anh em ở trọ nữa” (III Giăng 5). Ngày nay cũng thế, những người di chuyển đây đó “vì danh [Đức Giê-hô-va]” đáng được quí mến và nhận được sự yêu thương và kính trọng.
17. Các trưởng lão địa phương nên tỏ ra kính trọng đúng cách thế nào đối với những người đại diện cho Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đến viếng thăm?
17 Đặc biệt là các trưởng lão nên tỏ sự kính trọng đúng cách đối với những người này đại diện cho Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đến viếng thăm. Họ được phái đến thăm hội-thánh vì cớ các khả năng thiêng liêng và kinh nghiệm của họ, thường rộng lớn hơn kinh nghiệm của nhiều trưởng lão địa phương. Một số các giám thị lưu động này có thể nhỏ tuổi hơn vài trưởng lão trong hội-thánh được viếng thăm. Nhưng đó không phải là lý do vững chắc để từ chối bày tỏ sự kính trọng đúng cách đối với họ. Họ có thể cảm thấy cần cản các trưởng lão địa phương để họ khỏi đề cử hấp tấp một anh làm tôi tớ chức vụ hoặc trưởng lão, vì nhớ lời cảnh giác của Phao-lô viết cho Ti-mô-thê (I Ti-mô-thê 5:22). Trong khi anh giám thị viếng thăm nên tôn trọng đúng cách các lập luận của các trưởng lão địa phương, những người này nên sẵn lòng lắng nghe anh và lợi dụng kinh nghiệm dồi dào của anh. Đúng, họ nên “tiếp [tục quí trọng hạng] người như vậy” (Phi-líp 2:29).
“Hãy biết quí-trọng những người dường ấy”
18, 19. a) Phao-lô biểu lộ sự quí trọng ra sao đối với những người cùng làm việc với ông? b) Trường hợp nào cho thấy Phao-lô không chứa chấp sự hờn giận nhỏ nhen đối với các anh em?
18 Phao-lô viết trong lá thư thứ nhất gửi người ở Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em, còn một lời nữa: anh em biết rằng nhà Sê-pha-na là trái đầu mùa của xứ A-chai, và biết rằng nhà ấy hết lòng hầu việc thánh-đồ. Vậy, hãy kính-phục những người thể ấy, và kính-phục cả mọi người cùng làm việc, cùng khó-nhọc với chúng ta. Sê-pha-na, Phốt-tu-na và A-chai-cơ đến đây, tôi lấy làm vui-mừng lắm; các người ấy đã bù lại sự anh em thiếu-thốn, vì các người ấy đã làm cho yên-lặng tâm-thần của tôi và của anh em. Hãy biết quí-trọng những người dường ấy” (I Cô-rinh-tô 16:15-18).
19 Thật là Phao-lô có thái độ tử tế và rộng lượng làm sao đối với các anh em, một số người trong họ ít được biết đến! Nhưng Phao-lô yêu thương họ bởi vì họ “cùng làm việc” và “cùng khó-nhọc” trong các cố gắng giúp đỡ các thánh đồ. Phao-lô cũng làm gương tốt trong việc quên đi những chuyện đã qua. Dù Giăng Mác trước kia làm ông thất vọng phần nào trong chuyến hành trình giảng đạo lần thứ nhất, sau đó Phao-lô nồng nhiệt gởi gắm người cho hội-thánh tại Cô-lô-se (Công-vụ các Sứ-đồ 13:13; 15:37, 38; Cô-lô-se 4:10). Khi bị cầm tù tại Rô-ma, Phao-lô muốn Mác có mặt nơi đó vì, theo lời ông nói “[Mác] thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm” (II Ti-mô-thê 4:11). Không có chút gì cả về sự hờn giận nhỏ nhen!
20. Làm thế nào tín đồ đấng Christ nói chung, và đặc biệt các trưởng lão, bày tỏ sự quí trọng đối với các giám thị trung thành và “tiếp tục quí trọng hạng người như vậy”?
20 Ngày nay giữa dân sự Đức Chúa Trời có nhiều giám thị tận tụy, họ giúp việc cho anh em giống như Sê-pha-na xưa. Chắc chắn họ có những khuyết điểm và thiếu sót. Tuy nhiên họ “cùng làm việc” với “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương và “cùng khó-nhọc” trong công việc rao giảng và giúp đỡ anh em. Chúng ta nên “kính-phục những người thể ấy”, quí trọng họ vì các đức tính của họ chứ không tìm kiếm các sự thiếu sót của họ. Các trưởng lão nên dẫn đầu trong việc bày tỏ sự quí mến và tôn trọng đúng mực đối với các trưởng lão khác. Các trưởng lão nên hợp tác với nhau trong tinh thần yêu thương và hợp nhất. Mọi người sẽ nhìn biết giá trị của những người anh trung thành như thế và “tiếp tục quí trọng hạng người như vậy” (Phi-líp 2:29).
[Chú thích]
a Một phụ chú bên dưới của «Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới có qui chiếu» (New World Translation Reference Bible) cho thấy chữ “mềm-mại hòa-nhã” nơi I Ti-mô-thê 3:3 được dịch từ chữ Hy-lạp có nghĩa đen là “nhường theo”.
Các điểm để ôn lại
◻ Phao-lô đặc biệt quí mến hạng người nào, và ai xứng đáng được chúng ta đặc biệt quí trọng ngày nay?
◻ Các trưởng lão nên tỏ ra kính trọng lẫn nhau ra sao?
◻ Tại sao một hội đồng trưởng lão có thể thực hiện công việc tốt hơn là tổng cộng thành quả của những người riêng rẽ trong hội đồng?
◻ Một hội đồng trưởng lão sẽ tỏ ra tôn trọng hội đồng trưởng lão khác trong các lãnh vực nào?
◻ Loại giám thị nào đáng được đặc biệt quí mến, và làm sao chúng ta có thể bày tỏ sự kính trọng đúng cách?
[Hình nơi trang 13]
Các trưởng lão nên tỏ ra quí trọng lẫn nhau đúng cách
[Hình nơi trang 16]
Hãy tỏ ra yêu thương và kính trọng các giám thị lưu động