Phụng sự Đức Chúa Trời với tinh thần sẵn sàng
SỨ ĐỒ Phao-lô viết: “Tôi rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình tôi vì linh-hồn anh em”. (2 Cô-rinh-tô 12:15) Những lời này cho ta biết gì về quan điểm và thái độ mà tôi tớ Đức Giê-hô-va nên cố gắng vun trồng? Theo một học giả Kinh Thánh, khi viết những lời đó cho tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô muốn nói: “Tôi sẵn lòng dùng sức lực, thì giờ cùng đời sống và tất cả mọi điều tôi có vì lợi ích của anh em, như người cha vui lòng làm cho con cái mình”. Phao-lô sẵn sàng “phí trọn cả mình” hay là “chịu kiệt sức và hao mòn”, nếu cần, để làm tròn thánh chức của tín đồ Đấng Christ.
Ngoài ra, Phao-lô “rất vui lòng” làm hết mọi điều này. Ông “hoàn toàn sẵn sàng” làm như vậy, theo bản dịch The Jerusalem Bible. Nhưng về phần bạn thì sao? Bạn có sẵn sàng dùng thì giờ, năng lực, khả năng và của cải để phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời và vì quyền lợi của người khác, dù làm thế có nghĩa là đôi khi “chịu kiệt sức và hao mòn” không? Và bạn sẽ “rất vui lòng” làm điều này không?
Họ hoàn toàn không muốn phụng sự
Đa số người không những do dự mà còn hoàn toàn không muốn phụng sự Đức Chúa Trời. Họ có tinh thần vô ơn, độc lập ích kỷ, thậm chí phản nghịch nữa. Sa-tan dụ A-đam và Ê-va suy nghĩ như thế. Hắn dối gạt rằng họ sẽ “như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”—có thể tự quyết định điều đúng và sai. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Ngày nay những người có cùng tinh thần đó nghĩ rằng họ phải hoàn toàn được tự do để làm chính những điều họ muốn mà không chịu trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời hoặc bị Ngài cản trở. (Thi-thiên 81:11, 12) Họ muốn dùng tất cả những gì mình có để theo đuổi tư lợi.—Châm-ngôn 18:1.
Có lẽ bạn không có quan điểm cực đoan này. Có thể bạn thật lòng quý trọng món quà sự sống mà hiện nay bạn đang hưởng và cả đến triển vọng tuyệt diệu được sống đời đời trong địa đàng trên đất. (Thi-thiên 37:10, 11; Khải-huyền 21:1-4) Bạn có thể biết ơn Đức Giê-hô-va sâu đậm vì lòng tốt của Ngài đối với bạn. Nhưng tất cả chúng ta cần cảnh giác về nguy cơ Sa-tan có thể bóp méo tư tưởng chúng ta khiến việc phụng sự của chúng ta không thật sự được Đức Chúa Trời chấp nhận nữa. (2 Cô-rinh-tô 11:3) Điều này xảy ra như thế nào?
Cần phải sẵn sàng phụng sự
Đức Giê-hô-va muốn chúng ta sẵn sàng trọn lòng phụng sự. Ngài không hề buộc chúng ta làm theo ý muốn Ngài. Sa-tan chính là kẻ làm bất cứ điều gì để ép hoặc dụ người ta làm theo ý muốn của hắn. Công nhận là khi nhắc đến việc phụng sự Đức Chúa Trời, Kinh Thánh nói về bổn phận, điều răn, đòi hỏi, v.v... (Truyền-đạo 12:13; Lu-ca 1:6) Nhưng động lực chính vì sao chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời là vì yêu thương Ngài.—Xuất Ê-díp-tô Ký 35:21; Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:1.
Phao-lô biết rằng dù ông xả thân đến mấy trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, điều này cũng là vô nghĩa ‘nếu không có tình yêu-thương’. (1 Cô-rinh-tô 13:1-3) Khi những người viết Kinh Thánh nói tín đồ Đấng Christ làm nô lệ cho Đức Chúa Trời, họ không có ý nói về sự phục dịch khốn khó do bị ép buộc. (Rô-ma 12:11, NW; Cô-lô-se 3:24, NW) Họ có ý nói đến sự sẵn sàng vâng phục phát xuất từ tình yêu thương sâu đậm, tha thiết đối với Đức Chúa Trời và Con Ngài, Chúa Giê-su Christ.—Ma-thi-ơ 22:37; 2 Cô-rinh-tô 5:14; 1 Giăng 4:10, 11.
Việc chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời cũng phải phản ảnh tình yêu thương sâu đậm đối với mọi người. Sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Chúng tôi đã ăn-ở nhu-mì giữa anh em, như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng vậy”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7) Trong nhiều nước ngày nay, luật pháp đòi hỏi những người mẹ có bổn phận chăm sóc con cái họ. Nhưng chắc chắn hầu hết các bà mẹ làm vậy không phải vì vâng phục luật pháp, phải không? Không. Họ làm vì yêu thương con cái mình. Người mẹ cho con bú vui lòng hy sinh thật nhiều cho con mình! Tương tự như thế, Phao-lô có “lòng rất yêu-thương” đối với những người ông phục vụ, nên ông “ước-ao” (“sẵn sàng”, Tòa Tổng Giám Mục; “rất vui lòng”, Ghi-đê-ôn) dùng chính đời sống mình để giúp họ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8) Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta noi theo gương của Phao-lô.—Ma-thi-ơ 22:39.
Nếu phụng sự một cách do dự thì sao?
Dĩ nhiên, chúng ta không được để lòng tư kỷ lấn át tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người khác. Nếu không, sẽ có nguy cơ là chúng ta phụng sự hời hợt, do dự. Thậm chí cảm giác bực bội có thể bắt đầu nảy sinh, chúng ta giận là không thể hoàn toàn sống theo ý muốn riêng. Điều này xảy ra cho một số người Y-sơ-ra-ên, dù không còn yêu thương Đức Chúa Trời nhưng vẫn phụng sự Ngài vì ý thức bổn phận. Hậu quả là gì? Phụng sự Đức Chúa Trời trở thành “việc khó-nhọc” cho họ.—Ma-la-chi 1:13.
Bất cứ của-lễ nào dâng cho Đức Chúa Trời lúc nào cũng phải “không tì-vít chi”, “tốt nhất”. (Lê-vi Ký 22:17-20; Xuất Ê-díp-tô Ký 23:19, NW) Tuy nhiên, thay vì dâng cho Đức Giê-hô-va những con vật tốt nhất mình có, những người trong thời Ma-la-chi lại dâng những con mà chính họ cũng không muốn giữ. Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao? Ngài nói với các thầy tế lễ: “Khi các ngươi dâng một con vật mù làm của-lễ, điều đó há chẳng phải là dữ sao? Khi các ngươi dâng một con vật què hoặc đau, điều đó há chẳng phải là dữ sao? Thử dâng nó cho quan trấn-thủ ngươi, thì người há đẹp lòng và vui nhận cho ngươi sao?... Các ngươi đem đến vật bị cướp, vật què và đau, đó là của các ngươi đem dâng cho ta. Ta há có thể nhận vật nầy nơi tay các ngươi sao?”—Ma-la-chi 1:8, 13.
Điều này có thể xảy ra cho chúng ta như thế nào? Những sự hy sinh của chúng ta có thể trở thành “việc khó-nhọc” nếu thiếu tâm thần sẵn sàng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:5, 21, 22; Lê-vi Ký 1:3; Thi-thiên 54:6; Hê-bơ-rơ 13:15, 16) Thí dụ, có phải Đức Giê-hô-va chỉ được thì giờ dư thừa của chúng ta không?
Có người nào thật sự nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ đẹp lòng nếu một người thân có thiện ý, hoặc một người Lê-vi sốt sắng, bằng cách này hay cách khác, ép một người Y-sơ-ra-ên chọn con vật tốt nhất để làm của-lễ khi mà người đó thật sự không muốn dâng? (Ê-sai 29:13; Ma-thi-ơ 15:7, 8) Đức Giê-hô-va không nhận những của-lễ đó và cuối cùng Ngài cũng không chấp nhận cả dân tộc đã đem dâng những của-lễ đó nữa.—Ô-sê 4:6; Ma-thi-ơ 21:43.
Vui mừng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời
Để phụng sự Đức Chúa Trời theo cách Ngài chấp nhận, chúng ta phải theo gương của Chúa Giê-su Christ. Ngài nói: “Ta chẳng tìm ý-muốn của ta, nhưng tìm ý-muốn của Đấng đã sai ta”. (Giăng 5:30) Chúa Giê-su tìm được niềm vui lớn trong việc sẵn sàng phụng sự Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su làm ứng nghiệm lời tiên tri của Đa-vít: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa”.—Thi-thiên 40:8.
Mặc dù Chúa Giê-su vui mừng làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, nhưng điều này không phải lúc nào cũng dễ. Hãy xem xét điều gì xảy ra vừa trước khi ngài bị bắt, ra tòa xử và hành quyết. Trong lúc ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su “buồn-bực” và “rất đau-thương”. Ngài xúc động cực độ đến nỗi trong lúc cầu nguyện “mồ-hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”.—Ma-thi-ơ 26:38; Lu-ca 22:44.
Tại sao Chúa Giê-su trải qua cơn đau thương như thế? Chắc chắn là không phải vì tư lợi hoặc do dự làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ngài sẵn sàng chết, thậm chí phản ứng mạnh trước lời can gián của Phi-e-rơ: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” (Ma-thi-ơ 16:21-23) Điều làm Chúa Giê-su lo lắng là sự chết của ngài như một tội phạm đáng khinh sẽ ảnh hưởng đến Đức Giê-hô-va và danh thánh của Ngài như thế nào. Chúa Giê-su biết rằng Cha ngài sẽ đau đớn nhiều khi thấy Con yêu dấu bị đối xử một cách dã man.
Chúa Giê-su cũng hiểu rằng lúc đó sắp đến thời điểm trọng đại của việc ngài thực hiện ý định Đức Giê-hô-va. Trung thành gắn bó với luật pháp Đức Chúa Trời cho thấy chắc chắn A-đam đã có thể lựa chọn giống như vậy. Lòng trung thành của Chúa Giê-su cho thấy rõ điều Sa-tan quả quyết là hoàn toàn sai, hắn cho rằng khi bị thử thách người ta sẽ không sẵn sàng trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va cuối cùng sẽ đạp đầu Sa-tan và trừ đi hậu quả phản nghịch của hắn.—Sáng-thế Ký 3:15.
Quả là một trọng trách đặt trên vai Chúa Giê-su! Danh của Cha ngài, hòa bình vũ trụ và sự cứu rỗi cho cả gia đình nhân loại tất cả đều tùy thuộc vào sự trung thành của Chúa Giê-su. Nhận biết điều này, ngài cầu nguyện: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý-muốn Con, mà theo ý-muốn Cha”. (Ma-thi-ơ 26:39) Thậm chí trước sự căng thẳng trầm trọng nhất, Chúa Giê-su không hề chùn bước trong việc sẵn sàng vâng phục ý muốn của Cha.
“Tâm-thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối”
Vì Chúa Giê-su chịu sự căng thẳng cao độ về cảm xúc khi phụng sự Đức Giê-hô-va, nên chúng ta là tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể tin rằng Sa-tan cũng sẽ cố sức gây áp lực cho chúng ta. (Giăng 15:20; 1 Phi-e-rơ 5:8) Ngoài ra, chúng ta là những người bất toàn. Vì vậy, dù sẵn lòng phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta không dễ gì hoàn tất được điều này. Chúa Giê-su thấy các sứ đồ phải phấn đấu như thế nào để làm mọi điều ngài phán dặn. Vì vậy mà ngài nói: “Tâm-thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối”. (Ma-thi-ơ 26:41) Thân thể hoàn toàn của ngài không có chút gì yếu đuối cả. Tuy nhiên, ngài nghĩ đến sự yếu đuối của các môn đồ, sự bất toàn họ gánh chịu từ A-đam. Chúa Giê-su biết rằng vì sự bất toàn vốn có và giới hạn của con người, họ phải phấn đấu lắm mới làm hết những điều họ muốn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.
Thế thì chúng ta có thể cùng chung cảm xúc với sứ đồ Phao-lô, ông rất buồn khi sự bất toàn hạn chế khả năng ông phụng sự Đức Chúa Trời trọn vẹn. Phao-lô viết: “Tôi có ý-muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn”. (Rô-ma 7:18) Chúng ta cũng thấy rằng mình không thể thực hiện hết mọi điều lành mình muốn làm. (Rô-ma 7:19) Đây không phải là chúng ta do dự nhưng chỉ vì sự yếu đuối ngăn trở sự cố gắng tối đa của chúng ta.
Chúng ta chớ tuyệt vọng. Nếu chúng ta sẵn sàng hết mình làm mọi điều có thể làm, Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ chấp nhận việc phụng sự của chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 8:12) Mong sao chúng ta “chuyên tâm” noi theo tâm thần của Đấng Christ, vâng phục trọn vẹn ý muốn Đức Chúa Trời. (2 Ti-mô-thê 2:15; Phi-líp 2:5-7; 1 Phi-e-rơ 4:1, 2) Đức Giê-hô-va sẽ thưởng và nâng đỡ một tâm thần sẵn sàng như thế. Ngài sẽ cho chúng ta “sức lực vượt quá mức bình thường” để bù đắp sự yếu đuối của chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 4:7-10, NW) Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, như Phao-lô, chúng ta sẽ “rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình” trong công việc phụng sự cao quý.
[Hình nơi trang 21]
Phao-lô sẵn sàng phụng sự Đức Chúa Trời hết khả năng mình
[Hình nơi trang 23]
Dù bị căng thẳng trầm trọng, Chúa Giê-su vẫn làm theo ý muốn Cha ngài