Đức Giê-hô-va là sức mạnh của tôi
“Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va là sức-mạnh của tôi, lời ca-tụng của tôi” (Ê-SAI 12:2).
1. a) Tại sao các Nhân-chứng Giê-hô-va lại khác biệt? b) Ê-sai 12:2 trình bày thế nào điều mà Đức Giê-hô-va đã làm cho dân Ngài?
Bạn có tham dự vào các buổi nhóm họp tại Phòng Nước Trời của Nhân-chứng Giê-hô-va chưa? Nơi đó bạn sẽ thấy một dân tộc thật khác xa với những dân tộc khác! Thế những người này là ai, và tại sao họ lại khác biệt như vậy? Chúng tôi là dân riêng của Đức Chúa Trời, và chúng tôi khác biệt bởi vì chúng tôi được mang một danh hiệu vĩ đại nhất trên hết mọi danh khác: đó là danh vinh hiển của Đấng Tạo hóa làm ra mọi sự kỳ diệu trong vũ trụ xung quanh chúng ta. Danh Ngài được đặt trên chúng tôi. Chính qua danh Ngài mà chúng tôi vui mừng nhóm lại với nhau để nhận lấy đồ ăn thiêng liêng tốt lành mà Ngài đã cung cấp “đúng giờ” qua tổ chức của Ngài (Lu-ca 12:42). Với tư cách là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng tôi lấy lòng biết ơn mà tán tụng danh xưng vô địch của Ngài qua những lời của sách Ê-sai, đoạn 12, câu 2, như sau: “Nầy, Đức Chúa Trời là sự cứu-rỗi tôi; tôi sẽ tin-cậy và không sợ-hãi. Vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là sức-mạnh của tôi, lời ca-tụng của tôi; Ngài đã nên sự cứu-rỗi tôi”. Đức Chúa Trời của chúng ta đã đưa chúng ta vượt qua được nhiều thử thách. Giờ đây sự giải cứu cuối cùng của chúng ta đang đến gần—cũng như đang ở trong tay Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va vậy!
2. a) Danh xưng “Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va” xuất hiện bao nhiêu lần trong Kinh-thánh, và ở những câu nào? b) Chữ “thế lực” nơi Ê-sai 12:2 còn được dịch cách nào khác, và tại sao các chữ ấy cũng thích đáng?
2 Thành ngữ “Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va”, danh thánh của Đức Chúa Trời được lặp đi lặp lại hai lần liên tiếp chỉ thấy ở hai chỗ trong Kinh-thánh mà thôi, ở đây và trong Ê-sai 26:4. Ngay bản dịch của linh mục Nguyễn thế Thuấn cũng dịch “chính ĐỨC YAVÊ”. Trong phần phụ chú của bản Kinh-thánh New World Translation Reference Bible chữ “thế lực” trong câu Ê-sai 12:2 này còn có cách dịch khác là “bài hát” và “lời khen ngợi” nữa. Quả đúng là Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va toàn năng, là Đấng cung cấp cho những người thờ phượng Ngài năng lực mạnh mẽ, Ngài đáng để chúng ta ca ngợi Ngài bằng những âm điệu tuyệt vời biết bao! (Ê-sai 40:28-31).
3. a) Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va đã mở đường cho điều gì, và dựa trên căn bản nào? b) Những lời của Phao-lô nơi Rô-ma 11:33-36 có hiệu lực nào đối với các Nhân-chứng Giê-hô-va?
3 Quyền lực của Đức Giê-hô-va đã được phù hợp cân bằng với các đức tính khôn sáng, công bình và yêu thương của Ngài. Khi thực thi những đức tính thiên thượng này, Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, đã mở đường cứu rỗi cho loài người có lòng tin dựa trên căn bản là sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su. Nói về điều này, sứ đồ Phao-lô đã thốt lên rằng: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý-tưởng Chúa [Đức Giê-hô-va], ai là kẻ bàn-luận [cố vấn] của Ngài? Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy [điều] gì Ngài báo lại? Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh-hiển cho Ngài đời đời, vô-cùng. A-men” (Rô-ma 11:33-36). Thế thì, thật là thích đáng để chúng ta nương tựa vững chắc nơi Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, và công khai tuyên bố về sự tín nhiệm và tin cậy hoàn toàn của chúng ta đặt nơi Ngài, là Đức Chúa Trời toàn năng và là Chúa Thống trị của chúng ta! (So sánh Hê-bơ-rơ 3:14).
4. a) Tại sao Ê-sai có lý do chính đáng để tuyên bố: «Tôi sẽ tin cậy và chẳng sợ hãi gì?» b) Tại sao dân sự của Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, trong thế kỷ 20 này?
4 Ê-sai đã có lý do chính đáng để thốt lên rằng: «Tôi sẽ tin cậy và chẳng sợ hãi gì». Nhà tiên tri sau này đã được hiểu biết tận tường các hành động giải cứu của Đức Chúa Trời. Ông được chứng kiến tận mắt lúc Đức Giê-hô-va thực hiện lời của Ngài bằng cách hạ nhục nước A-si-ri và ông vua kiêu căng, khoác lác của nước ấy là San-chê-ríp. Chỉ trong một đêm mà 185.000 quân lính người A-si-ri đã bị một thiên sứ duy nhất do Giê-hô-va Đức Chúa Trời Toàn năng sai đi giết sạch. Cuộc giải cứu vĩ đại này đã diễn ra chính bởi vì vua Ê-xê-chia cùng toàn thể nước Giu-đa đều đặt sự tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va (Ê-sai 37:6, 7, 21, 36-38). Trong thế kỷ 20 này, Đức Giê-hô-va cũng đã giải cứu dân Ngài khỏi sự áp bức, ngăn cấm, ngược đãi và trại tập trung. Giống như những người A-si-ri khoác lác thời Ê-sai, nhà cai trị Đức Quốc xã là Adolf Hitler đã buông lời nguyền rủa chống lại các Nhân-chứng Giê-hô-va; một dịp nọ hắn đã gào lên rằng: “Bè lũ này sẽ bị tuyệt diệt khỏi nước Đức!” Nhưng chính Hitler cùng phe Đức Quốc xã của hắn đã bị tuyệt diệt. Và một nhóm nhỏ các Nhân-chứng người Đức thời đó đặt sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va hiện đã phát triển lên tới trên 121.200 người! (Thi-thiên 27:1, 2; Rô-ma 8:31, 37).
5. Những lời nơi Ê-sai 12:3-5 được ứng nghiệm thế nào cho dân sự đầy lòng tin cậy của Đức Chúa Trời ngày nay?
5 Bất cứ ở đâu có sự ngược đãi nổi lên, dân sự đầy lòng tin cậy của Đức Giê-hô-va cũng đều được tẩm bổ và được tăng sức nhờ uống nước lẽ thật ban cho sự sống. Đúng như nhà tiên tri của Đức Chúa Trời đã nói nơi Ê-sai 12:3-5, “các ngươi sẽ vui-vẻ mà múc nước nơi các nguồn sự cứu; và trong ngày đó các ngươi sẽ nói rằng: Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va; hãy kêu-cầu danh Ngài; hãy rao mọi việc của Ngài ra trong các dân-tộc! Hãy xưng danh Ngài là tôn-trọng! Hãy ca-tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công-việc rực-rỡ: nên phô cho thế-gian đều biết!” Mong sao chúng ta có thể tiếp tục uống lẽ thật sâu nhiệm về Nước Trời và lấy lòng biết ơn mà ca tụng danh của Chúa Thống trị chúng ta là Đức Giê-hô-va. Với tấm lòng tin tưởng trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy “giảng đúng lời, chuyên trì làm việc đó một cách khẩn trương, khi gặp hoàn cảnh thuận tiện khi gặp khó khăn” (II Ti-mô-thê 4:2, NW). Dù cho những kẻ chống đối có làm gì đi nữa, Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, sẽ yêu thương dẫn dắt chúng ta đi trên con đường cứu rỗi!
“Thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi”
6, 7. a) Phù hợp với Ê-sai 25:1 thì những người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải tôn vinh Ngài về điều gì? b) Ê-sai 25:2, 3 đã mô tả thế nào về một cái thành? c) Dường như nhà tiên tri nói về thành nào, và tại sao?
6 Bây giờ chúng ta hãy mở sách Ê-sai nơi đoạn 25. Câu 1 nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời tôi! Tôi tôn-sùng Ngài, tôi ngợi-khen danh Ngài; vì Ngài đã làm những sự mới-lạ, là những mưu-định từ xưa, cách thành-tín chơn-thật”. Những người thờ phượng đầy lòng tin cậy của Đức Giê-hô-va tôn vinh Ngài về những công việc kỳ diệu mà Ngài đã thực hiện giữa họ. Nhưng rồi sau đó Ê-sai diễn tả một sự tương phản rõ rệt, nói với Đức Giê-hô-va: “Ngài đã làm cho thành trở nên gò-đống, thành bền-vững trở nên nơi đổ-nát. Đền-đài của dân ngoại chẳng phải là thành nữa, sẽ chẳng hề xây lại nữa... Thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi sẽ kính-sợ [Đức Giê-hô-va]” (Ê-sai 25:2, 3).
7 Thành cường bạo vô danh ở đây là thành nào? Có lẽ Ê-sai muốn nói đến thành A-rơ, kinh đô của xứ Mô-áp, luôn luôn là một xứ thù nghịch với dân Đức Chúa Trời. Nhưng các ý tưởng liên hệ trong đoạn văn này dường như thích hợp với một nhánh khác trong tổ chức của Sa-tan hơn: đó là xứ Ba-by-lôn, một kẻ thù lợi hại nhất. Khi giờ đã điểm thì Ba-by-lôn tàn phá nước Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem, hủy phá nhà thờ phượng của Đức Giê-hô-va và bắt những người còn sống sót trong dân sự để lưu đày. Ê-sai ghi lại những lời đầy kiêu căng của vua Ba-by-lôn: “Ta sẽ lên trời, nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội... Ta sẽ... làm ra mình bằng Đấng Rất-Cao”. Nhưng Đức Giê-hô-va đã dấy vua Si-ru của nước Phe-rơ-sơ lên để triệt hạ Ba-by-lôn và phục hồi dân Đức Chúa Trời tại quê quán của họ. Như đã được tiên tri, chẳng có gì còn sót lại, ngoài “gò-đống” và “nơi đổ-nát” tại chỗ mà xưa kia là xứ Ba-by-lôn (Ê-sai 14:12-14; 13:17-22).
8, 9. a) Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải đối phó với thành Ba-by-lôn nào khác, và thành này đã phát triển thế nào? b) Ê-sai đã mô tả thế nào về thành đó, và tại sao lời lẽ ấy lại thích đáng?
8 Tuy nhiên, hơn 2.500 năm sau khi Ba-by-lôn sụp đổ, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va vẫn còn phải đối phó với một thành Ba-by-lôn khác—“Ba-by-lôn Lớn, là mẹ kẻ tà-dâm và sự đáng gớm-ghê trong thế-gian” (Khải-huyền 17:5). Đây chính là cường quốc tôn giáo giả trên thế giới. Chỉ ít lâu sau trận Nước Lụt thời Nô-ê, nó đã khởi sự được thành hình, khi Nim-rốt xây cất thành Ba-by-lôn thời xưa, thành mà sau này trở nên trung tâm điểm của mọi nhánh tôn giáo giả. Sau khi đạo thật đấng Christ được Giê-su và các sứ đồ ngài thành lập thì những kẻ bội đạo đã bôi nhọ lẽ thật của Kinh-thánh bằng cách đem pha trộn với “những đạo-lý của quỉ dữ” bắt nguồn từ dân Ba-by-lôn ngoại giáo và hệ thống các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã được phát sinh từ đó (I Ti-mô-thê 4:1). Đạo đấng Christ giả hiệu này đã trở nên một thành phần chính yếu của “Ba-by-lôn Lớn” và đã lan rộng khắp đất, ăn sâu vào mọi nước. Ê-sai đã mô tả y thị là một “thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi”.
9 Hơn 4.000 năm qua, từ khi thành Ba-by-lôn thời xưa được dựng lên cho tới giờ, những nhà độc tài dã man đã dùng hàng ngũ giáo phẩm cường bạo làm một thứ tay sai để áp bức và kiểm soát dân chúng. Vậy thì “người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai-hại cho người ấy” (Truyền-đạo 8:9). Giê-su cảm thấy thương xót dân chúng “vì họ cùng-khốn, và tan-lạc” vì cớ những kẻ chăn dắt của các tôn giáo giả ấy. Ngày nay, nhóm người đáng trách nhất được nhận ra là “người tội-ác” gồm có hàng ngũ giáo phẩm tự tôn thuộc khối tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, chính là những kẻ dẫn đầu trong cuộc chống đối và ngược đãi các Nhân-chứng Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 9:36; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4).
10. a) Phù hợp với Ê-sai 25:3, “thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi” bị bắt buộc thế nào phải khen và sợ Đức Giê-hô-va? b) Ê-sai 25:4, 5 nói thế nào về Đức Giê-hô-va khi nhắc đến cả những “kẻ nghèo” lẫn “những kẻ cường-bạo”?
10 Năm 1919 Đức Giê-hô-va giải cứu dân thật của Ngài ra khỏi vòng kiểm soát của “Ba-by-lôn Lớn”. “Thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi” đó đã buộc lòng phải khen Đức Giê-hô-va qua việc y thị ở trong vị thế phải quan sát một cách cay đắng “những sự mới-lạ [kỳ diệu]” mà Ngài đã hoàn thành trong việc phục hưng hoạt động mạnh mẽ cho những người thờ phượng Ngài. Những giới chức tôn giáo giả cũng đã bị buộc phải sợ Đức Giê-hô-va vì biết trước điều đã định sẵn cho họ. Trải qua bao thế kỷ, hàng giáo phẩm bạo ngược đã tự tôn mình lên địa vị cao trọng so với giáo dân. Nhưng bây giờ Ê-sai đã nói về Đức Giê-hô-va rằng: “Vì Ngài là nơi bền-vững cho kẻ nghèo, đồn-lũy cho kẻ thiếu-thốn trong lúc khó-khăn, chỗ đụt cho khỏi bão, chỗ bóng mát cho khỏi nắng, khi những kẻ cường-bạo thổi hơi ra như bão, xông vào tường-thành. Ngài sẽ dứt sự ồn-ào của dân ngoại, như trừ khí nóng trong nơi đất hạn; ngừng tiếng hát mừng của kẻ cường-bạo, như hơi nắng tan đi bởi bóng mây” (Ê-sai 25:4, 5).
Ở “Ba-by-lôn” chẳng còn tiếng hát mừng!
11. Tại sao không còn có tiếng hát mừng nữa trong khắp lãnh vực trực thuộc “Ba-by-lôn Lớn”, và điều này đã được hình dung rõ thế nào trong cuộc hội họp liên giáo tại Assisi, Ý-đại-lợi?
11 Quả thật, đó là tình trạng hiện nay trong lãnh vực trực thuộc “Ba-by-lôn Lớn”. Tại đó không còn tiếng hát mừng nữa. Giới lãnh đạo tôn giáo bị hoang mang về việc họ nên thờ thần nào. Điều này thấy rõ trong buổi hội họp liên giáo diễn ra tại Assisi, Ý-đại-lợi, ngày 27-10-1986. Tại đó, để hưởng ứng lời kêu gọi về Năm Hòa bình Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, Giáo hoàng Gioan Phao-lồ đệ nhị đã triệu tập các nhà lãnh đạo của những tôn giáo chính trong “Ba-by-lôn Lớn”. Tất cả đều cầu nguyện cho hòa bình, nhiều tăng lữ Phật giáo tụng kinh suốt 12 giờ. Nhưng họ cầu nguyện ai? Có phải cầu nguyện Ma-ri không? Hay Chúa Ba Ngôi của khối tôn giáo tự xưng theo đấng Christ? Hoặc ba ngôi của Ấn-độ giáo? Hay hàng ngàn thần thánh của Phật giáo? Hoặc là đấng A-la? Hay con vật thấp hèn kia tức con cáo mà những người theo Thần đạo Nhật bản tôn thờ? Hoặc lời cầu nguyện được chấp nhận nhiều nhất phải chăng là do người Mỹ Da Đỏ kia thuộc bộ lạc Crow thốt ra? Người ta thuật lại rằng y «đội mũ trông oai vệ, bảnh bao lắm», vừa châm lửa đốt thuốc trong ống điếu hòa bình vừa cất tiếng cầu nguyện vào “trong làn khói tỏa bốc lên như làn hương trong bầu không khí lạnh lẽo”.
12. Các giới chức tôn giáo đó đã không tán thành những lời nào của Mi-chê và Ê-sai?
12 Có một điều chắc chắn là: Không ai trong số các nhà tôn giáo kia, từ ông Đạt Lai Lạt Ma của Phật giáo cho tới “Đức ông” Giáo chủ của Giáo hội chính thống Hy Lạp, là người tán thành những lời của Kinh-thánh ghi nơi Mi-chê 4:5: “[Về phần chúng ta thì] chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng”. Họ không tán thành lời lẽ thật đã được soi dẫn và ghi chép nơi Ê-sai 42:5, 8: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đấng đã dựng nên các từng trời và giương ra, đã trải đất với mọi sự ra bởi nó, đã ban hơi sống cho dân trên nó, và thần-linh cho mọi loài đi trên nó, có phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta, Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn-trọng ta cho những tượng chạm!”
13. Điều gì đã thật sự diễn ra tại Assisi, và khi Giê-su còn ở trên đất thì ngài đã kết án điều đó ra sao?
13 Tại Assisi thì nghi lễ rềnh rang, y phục lộng lẫy và những lời cầu nguyện lặp đi lặp lại đều là phương cách phô trương rầm rộ trước công chúng. Giê-su là Con Đức Giê-hô-va đã lên án chính điều ấy khi ngài ở trên đất. Ngài nói về những nhà lãnh đạo tôn giáo thời ngài: “Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy”, và ngài còn nói thẳng với họ rằng: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! vì các ngươi đóng nước thiên-đàng trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn cản”. (Ma-thi-ơ 23:5, 13; cũng xem Ma-thi-ơ 6:1-8). Đối với Đức Chúa Trời thì Ngài chẳng xem việc phô diễn bề ngoài hoặc các nơi chốn để thờ phượng là điều quan trọng. Như Giê-su nói thì “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-lạy Ngài thì phải lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy” (Giăng 4:21, 24).
Nơi xuất phát hòa bình thật sự
14. a) Tại sao những lời cầu nguyện cho sự hòa bình của các tôn giáo trên thế giới là giả hình? b) Sự phán xét nào của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên khối tôn giáo tự xưng theo đấng Christ?
14 Nhìn xem sự hỗn độn trong các tôn giáo trên thế giới, còn ai có thể ngây thơ mà nghĩ rằng lời cầu nguyện của các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể đem lại hòa bình trên thế giới không? Trải qua hằng ngàn năm họ đã không ngớt vừa phô bày bộ mặt giả hình ra để cầu nguyện, vừa tham gia hết mình vào những cuộc chiến tranh giữa các nước, dự vào các cuộc Thập tự chiến và các cuộc ngược đãi ghê tởm. Một nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va hỏi: “Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được” (Giê-rê-mi 13:23). Là một thành phần nổi bật của “Ba-by-lôn Lớn”—đế quốc tôn giáo giả thế giới—đặc biệt là khối tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã bị đưa lên cán cân công lý của Đức Chúa Trời và cân thiếu một cách thảm khốc. Nó đã bị tận số! (Giê-rê-mi 2:34, 35, 37; 5:29-31; Đa-ni-ên 5:27).
15. Làm thế nào Đức Giê-hô-va sẽ đem lại sự hòa bình lâu dài, và những người đặt sự tin cậy nơi Ngài đã phục vụ chính nghĩa hòa bình ra sao?
15 Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời của sự bình-an” sẽ đem lại hòa bình lâu dài bằng cách hủy diệt mọi kẻ mang nợ máu và Ngài làm cho trái đất đầy dẫy những người thực sự yêu chuộng lẽ thật và sự công bình (Phi-líp 4:9). Theo vua Đa-vít, chính những người nhu mì “tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm [điều] lành” thì “sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp” và “sẽ được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:3, 11). Những người «hằng tin-cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành» sẽ phục vụ chính nghĩa hòa bình theo một cách mà những kẻ từng dâng các lời cầu nguyện hỗn độn tập thể cho thần thánh, hình tượng và tranh ảnh xung khắc với nhau không bao giờ có được (Thi-thiên 115:2-8; Ê-sai 44:14-20).
16. Đức Giê-hô-va ban bữa tiệc yến nào cho những người nhu mì đã được thâu nhóm lại và thoát ra khỏi “thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi”?
16 Quả là một sự tương phản giữa những lời cầu nguyện và hy vọng của dân riêng của Đức Chúa Trời và của những kẻ ủng hộ “Ba-by-lôn Lớn”! Chúng ta hiểu rõ biết bao là “tiếng hát mừng của kẻ cường-bạo... tan đi”! (Ê-sai 25:5). Nhưng Ê-sai nói tiếp về những người nhu mì được thâu nhóm lại tránh khỏi “thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi” rằng: “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ ban cho mọi dân-tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon,... lọc sạch” (Ê-sai 25:6). Bữa tiệc thiêng liêng mà những người ngày nay đến thờ phượng Đức Giê-hô-va đang được dự quả là bữa tiệc thịnh soạn, thỏa lòng! Tâm hồn chúng ta được vững mạnh thêm để bền bỉ chịu đựng và sự vui mừng của chúng ta đầy tràn khi chúng ta nhiệt thành phụng sự Đức Giê-hô-va, mắt hướng về kỳ muôn vật đổi mới và bữa tiệc đồ ngon mà Đức Giê-hô-va đã hứa là sẽ cho trong đất mới (Thi-thiên 104:1, 14, 15; Ma-thi-ơ 19:28).
17. Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện “những sự mới-lạ [kỳ diệu]” nào, đem lại điều vui mừng nào?
17 Chẳng bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, sẽ làm “những sự mới-lạ [kỳ diệu]” để loại bỏ không chỉ “Ba-by-lôn Lớn”, nhưng cũng để diệt luôn cả “cái màn che-phủ”, lời kết án bao trùm nhân loại vì tội lỗi của A-đam (Ê-sai 25:7). Đúng, dựa trên căn bản sự hy sinh của Giê-su, Đức Chúa Trời chúng ta sẽ làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ê-sai 25:8: “Ngài [sẽ] nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt, và trừ-bỏ sự xấu-hổ của dân Ngài khỏi cả thế-gian; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy”. Thật là một điều vui mừng lớn biết bao khi thấy rằng tội lỗi và sự chết đến từ A-đam bị loại bỏ và có dịp chào đón những người thân yêu trở lại từ sự giam cầm của sự chết! Thật là một sự thích thú lớn làm sao, biết rằng các nhân-chứng trung thành của Đức Giê-hô-va đã đối đáp lại được một cách trọn vẹn cho Kẻ Nhạo báng lố bịch là Sa-tan Ma-quỉ! (Châm-ngôn 27:11). Không còn ai sẽ giở trò sỉ nhục họ nữa, vì họ sẽ đắc thắng nhờ lòng trung kiên của họ. Nhờ sự “thành-tín chơn-thật” chính Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện những điều đã được tiên tri—“những mưu đã định từ xưa” của Ngài. Toàn diện trái đất sẽ biến thành một địa-đàng công bình, đầy dẫy những người công bình. Quả là một triển vọng to tát!
18. Dù gặp phải áp lực, chúng ta nhất quyết làm gì, phù hợp với Ê-sai 25:9?
18 Lòng hằng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va của chúng ta qua suốt những ngày đen tối sẽ đạt được giải thưởng chắc chắn. Dù phải phấn đấu với bất cứ áp lực nào trong đời sống hằng ngày—hoặc để nuôi sống gia đình, hoặc để giữ vẹn các nguyên tắc của Kinh-thánh ở trường học, hay để làm chứng rao giảng tại những khu vực khó khăn—mong rằng chúng ta hãy luôn luôn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Việc chúng ta duy trì được một liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” sẽ giúp chúng ta bảo đảm được sự cứu rỗi (Thi-thiên 65:2). Bởi thế, chúng ta hãy nhất quyết giữ vững tư thế của những người mượn lời ghi nơi Ê-sai 25:9 để nói như sau: “Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta; chúng ta đã mong-đợi Ngài, và Ngài sẽ cứu chúng ta. Ấy là Đức Giê-hô-va; chúng ta sẽ nức lòng mừng-rỡ và đồng vui về sự cứu-rỗi của Ngài!”
Câu hỏi ôn lại
◻ Làm thế nào Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va là sức mạnh và thế lực của chúng ta?
◻ “Thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi” là gì?
◻ Làm thế nào mà “thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi” lại bị bắt buộc phải khen cũng như phải sợ Đức Giê-hô-va?
◻ Điều gì chứng tỏ không còn tiếng hát mừng ở trong “Ba-by-lôn Lớn” nữa?
◻ Đức Giê-hô-va sẽ còn thực hiện “những sự mới-lạ [kỳ diệu]” nào nữa cho dân Ngài?