Sanh sản với tinh thần trách nhiệm trong thời kỳ cuối cùng này
“Phải khéo cai-trị con-cái” (I TI-MÔ-THÊ 3:12)
1. Đa số đàn bà có sự ham muốn tự nhiên nào, và điều này biểu lộ thế nào nơi các bé gái?
Không ai chối cãi làm cha mẹ thật vui sướng. Đàn bà có bản năng tự nhiên muốn làm mẹ, dù một số đàn bà có bản năng này mạnh hơn những đàn bà khác. Tại nhiều nước Tây phương các bé trai thích đồ chơi dính dáng đến máy móc, trong khi các bé gái thường thích có búp bê làm đồ chơi hơn, bởi vậy những người sản xuất đồ chơi cố gắng làm búp bê càng giống thật càng tốt. Nhiều cô gái chỉ ước ao mau tới ngày có thể ru ngủ con nhỏ bằng xương bằng thịt của chính mình, có hơi nóng và biết ríu rít, chứ không phải một con búp bê.
Sự vui sướng và các trách nhiệm
2. Cha mẹ nên xem con mới đẻ thế nào, và họ phải sẵn sàng gánh lấy điều gì?
2 Việc sanh sản với tinh thần trách nhiệm đòi hỏi cha mẹ phải xem con mới đẻ như một tạo vật và họ phải thưa trình trước Đấng Tạo hóa về đời sống và tương lai của nó, chứ không xem như là một món đồ chơi. Khi sanh con, cha mẹ phải sẵn sàng gánh lấy một trách nhiệm cao cả và biết tự thích nghi với hoàn cảnh. Họ bắt đầu một chương trình dài 20 năm để nuôi ăn, may mặc, chữa bệnh và giáo dục đứa con, mà không biết trước kết quả sẽ thế nào.
3. Tại sao Châm-ngôn 23:24, 25 có thể áp dụng cho nhiều tín đồ làm cha mẹ?
3 Sướng thay, nhiều tín đồ đấng Christ làm cha mẹ đã nuôi nấng con cái đến độ chúng trở nên những tôi tớ trung thành và tận tụy của Đức Giê-hô-va. Một số cha mẹ đã chứng kiến con cái lớn khôn và bắt đầu công việc trọn thời gian như làm người khai thác, giáo sĩ hay phụng sự ở nhà Bê-tên. Quả thật, người ta có thể nói về các cha mẹ ấy: “Cha người công-bình sẽ có sự vui-vẻ lớn, và người khôn-ngoan sẽ khoái-lạc nơi nó. Ước gì cha và mẹ con được hớn-hở, và người [mẹ] đã sanh con lấy làm vui-mừng” (Châm-ngôn 23:24, 25).
Những khổ tâm của cha mẹ
4, 5. a) Kinh-thánh đòi hỏi gì nơi các trưởng lão và tôi tớ chức vụ có con cái? b) Một số con cái đem lại “nghịch cảnh” thế nào cho cha chúng?
4 Nhưng không phải luôn luôn được vậy, ngay cả đối với các trưởng lão có con cái. Sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy, người [giám thị] cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi... phải khéo cai-trị nhà riêng mình, giữ con-cái mình cho vâng-phục và ngay-thật trọn-vẹn; vì nếu ai không biết cai-trị nhà riêng mình, thì làm sao cai-trị được Hội-thánh của Đức Chúa Trời?” Phao-lô nói tiếp: “Các chấp-sự [tôi tớ chức vụ] chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi, phải khéo cai-trị con-cái và nhà riêng mình” (I Ti-mô-thê 3:2-5, 12).
5 Dĩ nhiên, không thể qui trách nhiệm cho các trưởng lão và tôi tớ chức vụ nếu con cái khi trưởng thành từ chối không chịu tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va nữa. Nhưng họ phải chịu trách nhiệm về các con vị thành niên hoặc lớn tuổi hơn còn sống chung với họ. Một số trưởng lão và tôi tớ chức vụ đã mất đặc ân phụng sự quí giá vì sơ suất hoặc rõ ràng không giữ nổi các điều kiện ghi trong Kinh-thánh là “phải khéo cai-trị con-cái và nhà riêng mình”. Đối với những người ấy, và đối với nhiều người khác nữa, con cái đem lại buồn khổ nhiều hơn là sự vui mừng. Hẳn câu châm ngôn này đã tỏ ra đúng thật nhiều lần: “Con trai ngu-muội là tai-họa cho cha nó”! (Châm-ngôn 19:13).
Làm cha với tinh thần trách nhiệm
6. Người tín đồ làm chồng nên tự hỏi gì?
6 Tất cả những tín đồ đấng Christ làm chồng, dù có trách nhiệm hay không trong hội-thánh, nên xem xét việc chăm sóc con nhỏ có ảnh hưởng trên tình trạng thiêng liêng của vợ hay không. Nếu người vợ không mạnh về thiêng liêng, một con hay nhiều con nhỏ sẽ có ảnh hưởng thế nào đến việc nàng học Kinh-thánh cá nhân và tham gia vào công việc rao giảng?
7. Điều gì đã xảy ra cho một số nữ tín đồ làm vợ, và thường thì nguyên nhân của tình trạng này là gì?
7 Các người chồng có luôn luôn ý thức được rằng việc chăm sóc một trẻ sơ sinh hoặc một con trẻ thường ngăn cản vợ không thâu thập được hết tại các Buổi Học Cuốn Sách của Hội-thánh, các buổi họp ở Phòng Nước Trời, các hội nghị vòng quanh và địa hạt không? Một tình trạng thế ấy có thể kéo dài hằng tháng, và ngay cả nhiều năm, nếu cứ sanh con nối tiếp nhau. Về phương diện này, lẽ tự nhiên là người mẹ có gánh nặng lớn hơn người cha. Đôi khi có một số các anh tín đồ đấng Christ có tiến bộ về thiêng liêng, ngay cả đến độ nhận được đặc ân trong hội-thánh trong khi vợ của họ thì càng lúc càng yếu đi về thiêng liêng. Tại sao? Bởi vì các con nhỏ ngăn cản mẹ chúng tập trung tư tưởng ở các buổi nhóm họp, khi học hỏi Kinh-thánh cá nhân hoặc tham gia làm chứng rao giảng nhiều. Làm cha mà để cho tình trạng đi đến chỗ ấy thì làm sao có thể có tinh thần trách nhiệm được?
8. Nhiều người cha chia xẻ thế nào phần trách nhiệm chăm sóc cho con, như thế vợ của họ được lợi ích gì?
8 May thay, tình trạng này không luôn luôn xảy ra. Nhiều tín đồ đấng Christ làm cha cố gắng hết sức để chia xẻ phần trách nhiệm chăm sóc cho con. Họ làm hết phần của mình để cho các con giữ yên lặng trong các buổi nhóm họp của hội-thánh. Nếu con họ bắt đầu khóc hoặc làm ồn, họ thay vợ đem nó ra ngoài để sửa trị thích hợp. Tại sao lại để người mẹ luôn luôn phải mất phần trong các buổi nhóm họp? Ở nhà thì người chồng ân cần thường giúp vợ trong việc nhà và sửa soạn cho con cái đi ngủ để cả hai có thể cùng ngồi trong sự trầm lặng tập trung tư tưởng vào những vấn đề thiêng liêng.
9. Điều gì chứng tỏ con nhỏ không luôn luôn là một điều bất lợi?
9 Khi có tổ chức thích nghi trong một hội-thánh thì một số người mẹ có con nhỏ có thể tham gia vào công việc khai thác phụ trợ. Một số khác có thể làm ngay cả người khai thác đều đều. Vậy con nhỏ không luôn luôn là một việc bất lợi. Nhiều người tín đồ đấng Christ làm cha mẹ bày tỏ có tinh thần khai thác tốt.
Không con nhưng vui sướng
10. Một số cặp vợ chồng đã quyết định làm gì, và họ đã được ban phước thế nào?
10 Một số cặp vợ chồng trẻ đã quyết định không có con. Cho dù người vợ cũng có bản năng muốn làm mẹ mạnh mẽ như mọi đàn bà khác, họ cùng với chồng quyết định đừng có con và phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Nhiều người trong họ đã làm khai thác hoặc giáo sĩ. Bây giờ thì họ có thể nhìn lại những năm đã qua với lòng đầy biết ơn. Chắc chắn họ không có con cái trong xác thịt. Nhưng họ đã tạo được các môn đồ mới; những người này đã tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách trung thành. Những người «con thật trong đức tin» này sẽ không bao giờ quên nhờ ai mà họ đã học biết được “đạo chơn-thật”. (I Ti-mô-thê 1:2; Ê-phê-sô 1:13; so sánh I Cô-rinh-tô 4:14, 17; I Giăng 2:1).
11. a) Nhiều cặp vợ chồng không con phụng sự Đức Giê-hô-va ở nơi nào, và tại sao họ không có nuối tiếc gì cả? b) Câu Kinh-thánh nào có thể áp dụng được cho tất cả những cặp vợ chồng không có con “vì cớ nước thiên-đàng”?
11 Nhiều cặp vợ chồng trên khắp thế giới đã từ bỏ sự vui sướng làm cha mẹ để có thể phụng sự Đức Giê-hô-va trong việc làm giám thị vòng quanh, giám thị địa hạt hoặc ở nhà Bê-tên. Những người này cũng cảm thấy mãn nguyện khi nhìn lại cuộc đời đã qua dành cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va và anh em họ trong những đặc ân đặc biệt này. Họ không có nuối tiếc gì cả. Dù không hưởng được sự vui sướng sanh ra con cái, họ góp phần trọng yếu vào việc xúc tiến quyền lợi của Nước Trời trong những lãnh vực hoạt động khác nhau. Câu Kinh-thánh sau đây chắc hẳn áp dụng được cho tất cả những cặp vợ chồng này không có con “vì cớ nước thiên-đàng”: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa” (Ma-thi-ơ 19:12; Hê-bơ-rơ 6:10).
Một vấn đề cá nhân
12. a) Tại sao việc sanh sản là một đặc ân duy nhất? b) Trong các thời kỳ nào sự sanh sản đã là một sứ mạng do Đức Chúa Trời giao phó?
12 Như chúng ta có nói ở phần nhập đề của bài thảo luận này, việc sanh sản là một sự ban cho của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 127:3). Đó là một đặc ân duy nhất và các tạo vật thần linh của Đức Giê-hô-va không có đặc ân nầy (Ma-thi-ơ 22:30). Đã có những thời kỳ trong đó việc sanh sản là một trong những sứ mạng mà Đức Giê-hô-va giao phó cho tôi tớ Ngài trên đất. Đó là trường hợp của A-đam và Ê-va (Sáng-thế Ký 1:28). Đối với những người sống sót qua trận Nước Lụt cũng vậy (Sáng-thế Ký 9:1). Đã có thời Đức Giê-hô-va muốn cho dân Y-sơ-ra-ên trở nên đông đảo qua sự sanh sản (Sáng-thế Ký 46:1-3; Xuất Ê-díp-tô Ký 1:7, 20; Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:10).
13, 14. a) Có thể nói gì về việc sanh sản ngày nay, và không nên chỉ trích gì? b) Trong khi việc sanh sản trong thời kỳ cuối cùng là một vấn đề cá nhân, có lời khuyên nào được nêu ra?
13 Ngày nay Đức Giê-hô-va không có giao cho dân của Ngài một sứ mạng đặc biệt nào liên quan đến việc sanh sản. Dù vậy, đây vẫn còn là một đặc ân mà Ngài ban cho những cặp vợ chồng nếu họ muốn thế. Do đó không ai nên chỉ trích các cặp vợ chồng tín đồ đấng Christ quyết định sanh con cái; cũng không nên chỉ trích những cặp vợ chồng không muốn có con.
14 Như thế thì việc sanh sản trong thời kỳ cuối cùng này là một vấn đề cá nhân mà mỗi cặp vợ chồng phải tự quyết định lấy. Tuy nhiên, vì “thì-giờ [còn lại là] ngắn-ngủi”, các cặp vợ chồng nên cầu nguyện cân nhắc kỹ lưỡng về các lợi hại của việc sanh sản (I Cô-rinh-tô 7:29). Những người chọn sanh con nên hoàn toàn ý thức đến không chỉ những sự vui sướng mà việc sanh sản có thể đem lại, nhưng cũng ý thức đến những trách nhiệm liên hệ và những vấn đề có thể xảy ra cho chính họ và cho con cái mà họ sanh ra nữa.
Khi không dự tính mà có con
15, 16. a) Cần nên tránh thái độ nào khi sự thai nghén xảy đến bất ngờ, và tại sao? b) Nên xem đứa con sanh ra như thế nào, liên hệ đến trách nhiệm gì?
15 Một số người có lẽ nói: «Vậy thì hay lắm, nhưng nếu không dự tính mà lỡ có con thì sao?» Điều này đã xảy ra cho nhiều cặp vợ chồng dù họ biết rõ nay không phải là thời kỳ lý tưởng để sanh con ra. Nhiều người trong số họ đã phụng sự trọn thời gian được nhiều năm. Họ nên xem thế nào việc đứa con bất ngờ xen vào đời sống họ?
16 Đây là áp dụng việc làm cha mẹ với tinh thần trách nhiệm. Đành rằng có lẽ việc mang thai đến bất ngờ, nhưng cha mẹ tín đồ đấng Christ không thể coi đứa con sanh ra như không muốn. Dù việc sắp có con có thể buộc họ làm những sự thay đổi nào trong đời sống họ đi chăng nữa, chắc chắn họ không nên cảm thấy giận dỗi. Nghĩ cho cùng, họ chịu trách nhiệm về việc thụ thai. Hiện tại chuyện đã rồi, họ nên chấp nhận tình thế đổi mới, biết rằng bằng cách này hay cách khác “thời-thế và cơ-hội [việc bất ngờ] xảy đến cho” loài người (Truyền-đạo 9:11). Dù muốn dù không họ đã góp phần vào một hành vi sáng tạo có Tác giả là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Họ nên chấp nhận đứa con như một vật thánh được giao phó và đảm nhận một cách đầy yêu thương trách nhiệm làm “cha me.... trong Chúa” (Ê-phê-sô 6:1).
“Nhơn danh... Chúa... mà làm mọi điều”
17. Sứ đồ Phao-lô đã cho các tín đồ thành Cô-lô-se lời khuyên gì, và ngày nay có thể làm theo lời khuyên này như thế nào?
17 Ngay trước khi ban cho lời khuyên về vấn đề gia đình, sứ đồ Phao-lô viết: “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhơn danh Chúa Giê-su mà làm mọi điều, nhờ ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:17-21). Cho dù một tín đồ đấng Christ có thể ở trong tình trạng nào thì cũng nên biết ơn Đức Giê-hô-va và lợi dụng tình cảnh của mình để “nhơn danh... Chúa... mà làm mọi điều”.
18, 19. a) Làm thế nào các tín đồ đấng Christ sống độc thân và các cặp vợ chồng không con có thể “nhơn danh... Chúa... mà làm mọi điều”? b) Các tín đồ đấng Christ làm cha mẹ nên xem con cái họ thế nào, và họ nên tự đặt ra cho mình mục tiêu nào?
18 Người tín đồ đấng Christ một khi đã chọn sống độc thân sẽ dùng sự tự do của mình không phải để hưởng thụ nhưng để làm việc “hết lòng... như làm cho Chúa [Đức Giê-hô-va]”, nếu có thể được, với hình thức nào đó trong việc phụng sự trọn thời gian (Cô-lô-se 3:23; I Cô-rinh-tô 7:32). Tương tự như thế, một cặp vợ chồng sẽ không vị kỷ «[tận dụng] thế-gian» nhưng cứ phụng sự Nước Trời càng nhiều càng tốt trong đời sống họ (I Cô-rinh-tô 7:29-31).
19 Còn người tín đồ có con cái thì nên chấp nhận ý thức trách nhiệm làm cha mẹ. Không mảy may xem con cái như một trở ngại cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va, họ nên xem chúng như một sự giao phó đặc biệt. Điều này sẽ đưa đến gì? Khi một tín đồ tận tụy gặp một người nào tỏ ra chú ý một chút đến lẽ thật thì liền bắt đầu học hỏi Kinh-thánh tại nhà đều đặn với người kia. Một khi bắt đầu việc học hỏi, người Nhân-chứng rất siêng năng, trở lại tuần này sang tuần khác để giúp người đó tiến bộ về phương diện thiêng liêng. Đối với con cái, người tín đồ cần phải cố gắng không kém. Cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt một sự học hỏi Kinh-thánh đứng đắn, được sửa soạn kỹ lưỡng và diễn ra rất đều đặn để giúp trẻ nhỏ lớn lên về phương diện thiêng liêng và học biết yêu thương Đấng Tạo hóa (II Ti-mô-thê 3:14, 15). Ngoài ra, cha mẹ sẽ cẩn thận làm gương tốt cho con cái về hạnh kiểm tín đồ đấng Christ ở tại nhà, cũng như tại Phòng Nước Trời. Và mỗi khi có thể được họ đảm trách việc huấn luyện con cái đi rao giảng. Bằng cách này, ngoài việc rao giảng cho mọi người, cha mẹ sẽ cố gắng đào tạo con cái của họ thành môn đồ với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 28:19).
Con cái trong cơn “đại nạn”
20. a) Chúng ta sắp sửa trải qua điều gì, và Giê-su có cảnh cáo trước về gì? b) Lời nói của Giê-su trong thời kỳ cuối cùng có liên quan gì đến việc nuôi nấng con cái?
20 Nay sắp đến kỳ “hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Ma-thi-ơ 24:21). Đó sẽ là một thời kỳ khó khăn cho cả người lớn lẫn trẻ nít. Trong lời tiên tri về sự cuối cùng của hệ thống mọi sự hiện tại, Giê-su báo trước về việc lẽ thật của đấng Christ sẽ chia rẽ các gia đình. Ngài nói: “Bấy giờ, anh sẽ nộp em cho phải chết, cha sẽ nộp con; con-cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mình mà làm cho phải chết” (Mác 13:12). Hiển nhiên, nuôi nấng con cái trong thời kỳ cuối cùng sẽ không luôn luôn là một sự vui sướng thuần túy. Như Giê-su có nói ở trên, việc nuôi con cái có thể đem lại sự khổ tâm, thất vọng và ngay cả nguy hiểm nữa.
21. a) Trong khi nhìn vào tương lai với óc thực tế, tại sao cha mẹ không nên lo lắng quá độ? b) Họ có thể hy vọng gì, cho chính họ và cho con cái?
21 Nhưng trong khi nhìn vào tương lai khó khăn với óc thực tế, những người có con nhỏ chớ nên lo lắng quá độ. Nếu họ giữ sự trung thành và làm hết sức mình để nuôi nấng con cái “bằng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa [Đức Giê-hô-va]”, họ có thể tin cậy rằng con cái biết vâng lời của họ sẽ được phước. (Ê-phê-sô 6:4; so sánh I Cô-rinh-tô 7:14). Thuộc về “[đám đông] vô số người”, họ và các con nhỏ có thể hy vọng được sống sót qua khỏi cơn “đại-nạn”. Nếu các con ấy lớn lên trở thành tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, chúng sẽ đời đời biết ơn Ngài vì cha mẹ chúng đã có tinh thần trách nhiệm (Khải-huyền 7:9, 14; Châm-ngôn 4:1, 3, 10).
Câu hỏi ôn lại
◻ Việc một đứa con sanh ra đòi hỏi một chương trình dài hạn nào?
◻ Tại sao một số trưởng lão và tôi tớ chức vụ đã mất đặc ân của họ?
◻ Người tín đồ làm chồng nên xem xét những yếu tố nào liên quan đến việc người vợ mang thai nghén?
◻ Điều gì chứng tỏ rằng một cặp vợ chồng có thể sung sướng dù không con?
◻ Cha mẹ nên xem việc một đứa con sanh ra như thế nào, và tại sao họ không cần phải lo lắng quá độ cho tương lai?
[Hình nơi trang 9]
Những người cha có thể chia xẻ trách nhiệm giữ cho con cái yên lặng trong các buổi nhóm họp