Khả năng thu hút quần chúng—Ca tụng loài người hay tôn vinh Đức Chúa Trời?
XENOPHON, một tướng lãnh Hy Lạp nổi tiếng, viết: “Một vị vua chúa mà chỉ tốt hơn thần dân thì chưa đủ, người đó phải bỏ bùa cho dân mê hoặc”. Ngày nay, nhiều người gọi một “bùa mê” như thế là “khả năng thu hút quần chúng”.
Đành rằng không phải tất cả các bậc vua chúa đều có khả năng thu hút quần chúng. Nhưng ai có được sức này thì dùng khả năng của họ để khiến người ta suy tôn, và để thao túng quần chúng hầu đạt đến cứu cánh riêng của mình. Có lẽ gương trứ danh nhất gần đây là Adolf Hitler. William L. Shirer viết trong sách The Rise and Fall of the Third Reich (Bình minh và hoàng hôn của Đệ Tam Đế Quốc): “[Vào năm 1933] đối với phần đông người dân Đức, Hitler đã có—hoặc sắp sửa nắm lấy—hào quang của một lãnh tụ có khả năng thu hút quần chúng. Họ đã mù quáng theo ông ta, làm như là ông ta có quyền phán xét của Thượng Đế, trong suốt 12 năm kế đó, đầy sóng gió”.
Lịch sử tôn giáo cũng đầy dẫy những lãnh tụ có khả năng thu hút quần chúng đã từng sách động dân suy tôn họ, nhưng rồi cũng đem tai họa cho đồ đệ họ. Chúa Giê-su cảnh cáo: “Hãy giữ, kẻo có kẻ dỗ-dành các ngươi. Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ-dành nhiều người” (Ma-thi-ơ 24:4, 5). Những kẻ có khả năng thu hút quần chúng, mạo danh đấng Christ không chỉ xuất hiện trong thế kỷ thứ nhất. Trong thập kỷ 1970, có Jim Jones tự tôn làm “đấng Mê-si của Đền Thờ các Dân Tộc”. Người ta tả ông ta là “một mục sư có khả năng thu hút quần chúng với một quyền phép khiến người ta suy phục”, và vào năm 1978 ông đã xúi giục một trong những cuộc tự sát tập thể lớn nhất trong lịch sử.a
Hiển nhiên, khả năng thu hút quần chúng có thể là một tài năng đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, Kinh-thánh nói về một loại tài năng khác đến từ Đức Chúa Trời, có sẵn cho mọi người vì lợi ích của mọi người. Từ Hy Lạp để diễn tả sự ban cho này là khaʹri·sma xuất hiện 17 lần trong Kinh-thánh. Một học giả Hy Lạp định nghĩa từ khaʹri·sma là ‘một món quà cho không, mà người nhận không đáng được, đó là một cái gì được ban cho một người không xứng đáng, một cái gì đến từ ân huệ Đức Chúa Trời và nếu chỉ với sức riêng của một người thì không thể có hoặc đạt được’.
Vậy theo quan điểm của Kinh-thánh thì khaʹri·sma là một món quà nhận được nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Một số món quà mà Đức Chúa Trời nhân từ ban cho chúng ta là gì? Và làm thế nào chúng ta có thể dùng chúng để ca ngợi ngài? Chúng ta hãy xem ba trong số những món quà do lòng nhân từ này.
Sự sống đời đời
Món quà lớn hơn hết chắc chắn là sự sống đời đời. Phao-lô viết cho hội thánh tại thành Rô-ma: “Tiền-công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho [khaʹri·sma] của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Đáng lưu ý là từ “tiền-công” (sự chết) là một cái gì chúng ta đã lãnh dẫu ngoài ý muốn, do tội lỗi bẩm sinh. Mặt khác, đối với sự sống đời đời mà Đức Chúa Trời ban cho, thì chúng ta hoàn toàn không xứng đáng nhận lãnh, và chúng ta cũng không bao giờ có thể đạt được nhờ công lao chúng ta.
Chúng ta nên quí chuộng và chia sẻ với người khác về món quà sự sống đời đời. Chúng ta có thể giúp đỡ người ta hiểu biết Đức Giê-hô-va, phụng sự ngài và rồi được ngài ban cho món quà sự sống đời đời. Khải-huyền 22:17 nói: “Thánh-Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng-không”.
Làm thế nào chúng ta dẫn người khác đến nguồn nước ban sự sống này? Cách chính yếu là dùng Kinh-thánh một cách hữu hiệu trong thánh chức rao giảng. Đành rằng tại nhiều nơi trên thế giới, người ta ít chịu đọc hoặc suy nghĩ về những điều thiêng liêng; tuy nhiên, luôn luôn có cơ hội để “đánh thức tai” của một người nào đó (Ê-sai 50:4). Về phương diện này, chúng ta có thể tin cậy nơi quyền lực thúc đẩy của Kinh-thánh, “vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12). Hoặc sự khôn ngoan thực dụng của Kinh-thánh, niềm an ủi và hy vọng, hay sự giải thích về mục đích của đời sống mà Kinh-thánh chứa đựng, có thể động lòng người đọc và lèo lái họ đến con đường sự sống (II Ti-mô-thê 3:16, 17).
Ngoài ra, các sách báo dựa trên Kinh-thánh có thể giúp chúng ta nói “Hãy đến!” Nhà tiên tri Ê-sai nói trước rằng vào thời kỳ tối tăm mù mịt về thiêng liêng ngày nay, ‘Đức Giê-hô-va sẽ soi sáng’ trên dân ngài (Ê-sai 60:2, Bản Diễn Ý). Các sách báo của Hội Tháp Canh phản ảnh sự ban phước này của Đức Giê-hô-va, và mỗi năm giúp được hằng ngàn người đến với Đức Giê-hô-va, Nguồn sự sáng thiêng liêng. Những sách báo này không đề cao một cá nhân nào. Như lời mở đầu của tạp chí Tháp Canh giải thích, “mục đích của tạp chí Tháp Canh là ngợi khen Đức Chúa Trời Giê-hô-va là Đấng Tối cao trong vũ trụ... Tạp chí Tháp Canh khuyên mọi người tin nơi Chúa Giê-su Christ, hiện đang làm Vua và là đấng đã hy sinh mạng sống để mở đường cho nhân loại, hầu đạt tới sự sống đời đời”.
Một nữ tín đồ đấng Christ truyền giáo trọn thời gian, qua nhiều năm đã thành công một cách đáng kể trong thánh chức của chị, đã bình luận về giá trị của các tạp chí Tháp Canh và Awake! trong việc giúp người ta đến gần Đức Chúa Trời: “Khi những người học hỏi Kinh-thánh với tôi bắt đầu đọc và thưởng thức Tháp Canh và Awake!, họ tiến bộ nhanh. Tôi xem tạp chí như một công cụ vô giá để giúp người ta quen biết với Đức Giê-hô-va”.
Các đặc ân phụng sự
Ti-mô-thê xưa là một môn đồ của đấng Christ, từng có sự ban cho khác đáng được đặc biệt chú ý. Sứ đồ Phao-lô nói với ông: “Đừng bỏ quên ơn [khaʹri·sma] ban trong lòng con, là ơn bởi lời tiên-tri, nhân hội trưởng-lão đặt tay mà đã ban cho con” (I Ti-mô-thê 4:14). Sự ban ơn đó là gì? Đó là sự kiện Ti-mô-thê được bổ nhiệm làm giám thị lưu động, một đặc ân phụng sự mà ông có trách nhiệm phải chu toàn. Trong cùng đoạn văn, Phao-lô khuyên nhủ Ti-mô-thê: “Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ. Hãy giữ chính mình con và sự dạy-dỗ của con; phải bền-đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu” (I Ti-mô-thê 4:13, 16).
Các trưởng lão ngày nay cũng cần phải quí chuộng đặc ân phụng sự của họ. Như Phao-lô nêu rõ, một cách để làm điều này là ‘giữ sự dạy-dỗ của họ’. Thay vì bắt chước những lãnh tụ có khả năng thu hút quần chúng của thế gian, họ muốn người ta chú ý đến Đức Chúa Trời, chứ không phải đến chính mình. Chúa Giê-su, Gương mẫu của họ, là một bậc thầy lỗi lạc và chắc chắn đã có một nhân cách hấp dẫn, nhưng ngài khiêm nhường dành sự vinh hiển cho Cha ngài. Ngài tuyên bố: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến” (Giăng 5:41; 7:16).
Chúa Giê-su tôn vinh Cha trên trời của ngài bằng cách dựa vào thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời để dạy dỗ (Ma-thi-ơ 19:4-6; 22:31, 32, 37-40). Cũng thế, Phao-lô nhấn mạnh việc các giám thị cần phải “hằng... theo đạo lành mà khuyên-dỗ người ta” (Tít 1:9). Thật thế, bằng cách nói bài giảng dựa vào Kinh-thánh, các trưởng lão sẽ nói giống như Chúa Giê-su: “Những lời ta nói với các ngươi, chẳng phải tự ta nói” (Giăng 14:10).
Làm sao các trưởng lão có thể ‘hằng theo đạo lành’? Bằng cách dùng Lời Đức Chúa Trời làm trọng tâm cho các bài giảng và các phần mà mình được giao phó trong các buổi họp, bằng cách giải thích và nhấn mạnh các câu Kinh-thánh mà họ dùng. Các minh họa dí dỏm hoặc chuyện khôi hài, đặc biệt nếu dùng quá đáng có thể khiến cử tọa bớt chú ý đến Lời Đức Chúa Trời và chú ý nhiều hơn đến tài năng riêng của diễn giả. Mặt khác, các câu Kinh-thánh mới động lòng và thúc đẩy cử tọa hành động. (Thi-thiên 19:7-9; 119:40; so sánh Lu-ca 24:32). Những bài diễn văn như thế bớt gây chú ý đến người ta mà tôn vinh Đức Chúa Trời nhiều hơn.
Một cách khác mà các trưởng lão có thể trở nên những người dạy dỗ hữu hiệu hơn là học lẫn nhau. Như Phao-lô đã từng giúp Ti-mô-thê thì các trưởng lão có thể giúp đỡ lẫn nhau. “Sắt mài nhọn sắt. Cũng vậy người bổ-dưỡng diện-mạo bạn-hữu mình” (Châm-ngôn 27:17; Phi-líp 2:3). Các trưởng lão được lợi ích khi trao đổi ý tưởng và đề nghị. Một trưởng lão mới được bổ nhiệm giải thích: “Một trưởng lão giàu kinh nghiệm dành ra thì giờ để chỉ cho tôi thấy bằng cách nào anh ấy sửa soạn một bài diễn văn công cộng. Trong khi chuẩn bị, anh ấy lồng thêm các câu hỏi gợi suy nghĩ, minh họa, thí dụ hoặc kinh nghiệm ngắn, cũng như các đoạn Kinh-thánh được tra cứu cẩn thận. Tôi học được nơi anh ấy về cách làm cho các bài diễn văn của tôi trở nên linh động, chứ không khô khan, nhàm chán”.
Những ai trong chúng ta được đặc ân phụng sự, dù là trưởng lão, tôi tớ thánh chức hoặc tiên phong, đều cần phải quí chuộng sự ban cho của chúng ta. Ít lâu trước khi chết, Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê “nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho [khaʹri·sma]”, mà trong trường hợp của Ti-mô-thê, đó là một sự ban cho đặc biệt của thánh linh (II Ti-mô-thê 1:6). Trong nhà người Y-sơ-ra-ên, người ta thường để than hồng. Người ta có thể thổi than hồng lên để ‘nhen’ lửa cho ấm hơn. Vậy chúng ta được khuyến khích dồn hết tâm trí và nghị lực vào nhiệm vụ được giao phó, nhen nhúm bất cứ sự ban cho thiêng liêng nào mà chúng ta được giao phó.
Cần chia sẻ sự ban cho thiêng liêng
Lòng yêu thương của Phao-lô đối với anh em của ông tại thành Rô-ma đã thúc giục ông viết: “Tôi rất mong-mỏi đến thăm anh em, đặng thông-đồng sự ban cho [khaʹri·sma] thiêng-liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững-vàng, tức là tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ bởi đức-tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi” (Rô-ma 1:11, 12). Phao-lô xem khả năng của chúng ta để củng cố đức tin người khác qua lời nói như là một sự ban cho thiêng liêng. Việc trao đổi những sự ban cho thiêng liêng như thế sẽ đem đến kết quả là nâng đỡ lẫn nhau trong đức tin và khích lệ lẫn nhau.
Và điều này chắc chắn là cần thiết. Trong hệ thống gian ác này mà chúng ta đang sống, tất cả chúng ta đều bị căng thẳng bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, nhờ đều đặn khích lệ lẫn nhau, chúng ta có thể kiên trì. Sự trao đổi—vừa cho vừa nhận—là điều quan trọng để giữ vững được sức lực thiêng liêng. Đành rằng thỉnh thoảng tất cả chúng ta đều cần được cổ võ, nhưng tất cả chúng ta cũng đều có thể xây dựng lẫn nhau nữa.
Nếu mau mắn để ý thấy những anh em nào cùng đạo bị nản lòng, chúng ta có thể ‘nhân sự yên-ủi mà Ngài đã yên-ủi chúng ta, thì chúng ta cũng có thể yên-ủi kẻ khác trong sự khốn-khó nào họ gặp’ (II Cô-rinh-tô 1:3-5). Từ Hy Lạp để chỉ sự an ủi (pa·raʹkle·sis) có nghĩa đen là “gọi một người đến cạnh mình”. Vậy, khi cần, chúng ta nên ở cạnh bên anh chị em để giúp đỡ, chắc chắn chính chúng ta cũng sẽ nhận được sự ủng hộ đầy yêu thương như vậy khi chúng ta cần. (Truyền-đạo 4:9, 10; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-41).
Các cuộc thăm chiên đầy yêu thương của trưởng lão cũng đem lại lợi ích lớn. Dù có khi trưởng lão đến thăm, dùng Kinh-thánh để khuyên bảo về một vấn đề nào đó cần được quan tâm, hầu hết các cuộc thăm chiên đều là những dịp để khuyến khích, ‘cho lòng được yên-ủi’ (Cô-lô-se 2:2). Khi thực hiện các cuộc thăm viếng nhằm củng cố đức tin như vậy, các giám thị thật sự đem đến một món quà thiêng liêng. Cũng như Phao-lô, họ sẽ thấy hình thức tặng quà có một không hai này là bổ ích, và họ sẽ “mong-mỏi” được đi thăm anh em (Rô-ma 1:11).
Đây là trường hợp của một trưởng lão tại Tây Ban Nha. Anh kể lại kinh nghiệm sau đây: “Em Ricardo, 11 tuổi, dường như ít chú ý đến các buổi họp và hội thánh nói chung. Bởi vậy tôi xin phép cha mẹ em để thăm em, và họ đồng ý ngay. Họ sống trên núi cách nhà tôi khoảng một giờ lái xe. Hiển nhiên em Ricardo mừng khi thấy tôi chú ý đến em và em hưởng ứng ngay từ lúc đầu. Chẳng bao lâu sau em trở thành người công bố chưa báp têm và tích cực tham gia vào các hoạt động của hội thánh. Bản tính rụt rè của em được thay thế bằng một nhân cách hoạt bát, vui vẻ hơn. Vài người trong hội thánh hỏi: ‘Em Ricardo thấy khác quá nhỉ?’ Dường như lần đầu tiên họ chú ý đến em. Nghĩ lại chuyến đi thăm chiên quan trọng ấy, tôi cảm thấy tôi được lợi ích hơn em Ricardo nữa. Khi em đặt chân vào Phòng Nước Trời, mặt em hớn hở và em chạy tới chào tôi. Thật là vui khi chứng kiến sự tiến bộ về thiêng liêng của em”.
Chắc chắn, các cuộc thăm chiên, chẳng hạn như cuộc thăm chiên này, được ban phước dồi dào. Những cuộc thăm chiên ấy phù hợp với lời kêu gọi của Chúa Giê-su: “Hãy chăn chiên ta” (Giăng 21:16). Dĩ nhiên, các trưởng lão không phải là những người duy nhất tặng những món quà thiêng liêng như thế. Mỗi người trong hội thánh có thể khích lệ người khác về tình yêu thương và việc lành (Hê-bơ-rơ 10:23, 24). Cũng giống như những người leo núi cột dây lại với nhau, chúng ta được ràng buộc lại với nhau bằng những sợi dây thiêng liêng. Hành động và lời nói của chúng ta không khỏi ảnh hưởng đến người khác. Một lời phê bình gay gắt, hoặc lời chỉ trích khắt khe có thể làm các sợi dây ràng buộc chúng ta bị yếu đi (Ê-phê-sô 4:29; Gia-cơ 3:8). Mặt khác, những lời khích lệ khéo chọn và sự trợ lực đầy yêu thương có thể giúp đỡ anh em vượt qua những khó khăn của họ. Bằng cách này chúng ta chia sẻ những món quà thiêng liêng có giá trị lâu dài (Châm-ngôn 12:25).
Phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở mức độ trọn vẹn hơn nữa
Rõ ràng là mỗi tín đồ đấng Christ đều được sự ban cho không ít thì nhiều. Chúng ta được ban cho hy vọng vô giá về sự sống đời đời. Chúng ta cũng có những món quà thiêng liêng để chia sẻ với nhau. Và chúng ta có thể cố gắng ảnh hưởng hoặc thúc đẩy người khác hướng đến một mục tiêu chính đáng. Một số người có sự ban cho khác dưới hình thức đặc ân phụng sự. Tất cả các món quà này đều là bằng chứng của ân điển của Đức Chúa Trời. Và bởi vì bất cứ món quà nào mà chúng ta có đều do Đức Chúa Trời ban cho, chắc chắn chúng ta không có lý do nào để khoe khoang (I Cô-rinh-tô 4:7).
Là tín đồ đấng Christ, chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi sẽ dùng chút ít những món quà mà tôi có được để làm rạng danh Đức Giê-hô-va, Đấng ban mỗi “sự ban-cho trọn-vẹn” không? (Gia-cơ 1:17). Tôi sẽ noi gương Chúa Giê-su và phục vụ người khác tùy theo khả năng và hoàn cảnh của tôi không?’
Sứ đồ Phi-e-rơ tóm lược trách nhiệm của chúng ta về phương diện này: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn [khaʹri·sma] mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng-luận, thì hãy giảng như rao lời sấm-truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus-Christ” (I Phi-e-rơ 4:10, 11).
[Chú thích]
a Tổng cộng có 913 người chết, kể cả chính Jim Jones.
[Nguồn hình ảnh nơi trang 23]
Corbis-Bettmann
UPI/Corbis-Bettmann