CHƯƠNG MƯỜI BA
Nếu hôn nhân đang lúc đổ vỡ
1, 2. Khi hôn nhân bị căng thẳng, người ta nêu ra câu hỏi nào?
VÀO năm 1988, một người đàn bà Ý tên Lucia rất là buồn nản.a Sau mười năm cuộc hôn nhân bà đã chấm dứt. Nhiều lần, bà cố hàn gắn với chồng, nhưng việc đó không thành. Vì vậy bà phải ly thân vì hai người không hợp nhau và bấy giờ bà phải đương đầu với việc một mình nuôi hai đứa con gái. Khi nhìn lại giai đoạn đó, Lucia nói: “Tôi nghĩ chắc chắn là không gì có thể cứu vãn cuộc hôn nhân của chúng tôi”.
2 Nếu bạn có vấn đề trong hôn nhân, bạn có thể thông cảm với Lucia. Hôn nhân bạn có thể đang lúc khó khăn và bạn có thể tự hỏi không biết có cứu vãn được chăng. Nếu ở trong trường hợp đó, bạn sẽ thấy có lợi khi xem xét câu hỏi này: Tôi có theo mọi lời khuyên tốt mà Đức Chúa Trời ban cho trong Kinh-thánh để giúp hôn nhân được thành công không? (Thi-thiên 119:105)
3. Trong khi ly dị trở nên thông thường, chúng ta nghe nói nhiều người ly dị và gia đình họ phản ứng thế nào?
3 Khi vợ chồng có nhiều căng thẳng, chấm dứt cuộc hôn nhân dường như là lối thoát dễ nhất. Nhưng tại nhiều nước, trong lúc con số của những gia đình bị đổ vỡ gia tăng đến mức độ đáng kinh ngạc, các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phần đông những người đàn ông và đàn bà đã ly dị cảm thấy ân hận về chuyện đổ vỡ ấy. Một số người gặp nhiều vấn đề sức khỏe, về cả tinh thần lẫn thể xác, hơn là những người tiếp tục sống với nhau. Con cái những người ly dị thường bị hoang mang và không có hạnh phúc trong nhiều năm. Cha mẹ và bạn bè của gia đình bị đổ vỡ cũng khổ lây. Còn Đức Chúa Trời, Đấng Sáng lập hôn nhân, nghĩ gì về tình trạng đó?
4. Những vấn đề trong hôn nhân nên được giải quyết thế nào?
4 Như đã đề cập trong các chương trước, Đức Chúa Trời có ý định làm hôn nhân bền chặt suốt đời (Sáng-thế Ký 2:24). Thế thì tại sao nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ? Việc này không xảy ra một sớm một chiều. Thường thì có những dấu hiệu báo trước. Những vấn đề nhỏ trong hôn nhân có thể càng ngày càng lớn đến độ dường như không thể vượt qua. Nhưng nếu những vấn đề này được giải quyết nhanh chóng với sự giúp đỡ của Kinh-thánh thì nhiều cuộc hôn nhân có thể tránh bị đổ vỡ.
PHẢI THỰC TẾ
5. Người ta phải đương đầu với tình trạng thực tế nào trong hôn nhân?
5 Một yếu tố đôi khi đưa đến vấn đề là một hoặc cả hai người hôn phối có thể có sự mong mỏi thiếu thực tế. Tiểu thuyết ái tình lãng mạn, tạp chí phổ biến rộng rãi, chương trình truyền hình và phim ảnh có thể tạo ra những hy vọng và mơ ước rất xa với thực tế. Khi những mơ ước đó không thành, người ta cảm thấy bị lừa, bất mãn, cả đến cay đắng hờn trách nữa. Vậy thì làm sao hai người bất toàn có thể tìm được hạnh phúc trong hôn nhân? Cần cố gắng mới có được tình nghĩa vuông tròn.
6. a) Kinh-thánh cho ta quan điểm thăng bằng nào về hôn nhân? b) Vài lý do nào gây ra sự bất đồng ý kiến trong hôn nhân?
6 Kinh-thánh rất là thực tiễn. Sách này công nhận có những niềm vui trong hôn nhân, nhưng cũng báo trước rằng những ai kết hôn “sẽ có sự khó-khăn về xác-thịt” (I Cô-rinh-tô 7:28). Như đã nói trước, cả hai vợ chồng đều bất toàn và có khuynh hướng phạm tội. Sự cấu tạo về tinh thần và cảm xúc và sự dạy dỗ lúc nhỏ của mỗi người khác nhau. Đôi khi vợ chồng bất đồng ý kiến về tiền bạc, về con cái, về gia đình bên vợ hoặc chồng. Việc thiếu thì giờ hoạt động chung với nhau và vấn đề tình dục cũng có thể là manh mối sinh ra sự tranh cãi.b Cần thì giờ để đối phó với những vấn đề đó, nhưng chớ ngã lòng! Phần nhiều các cặp vợ chồng đối phó được với các vấn đề đó và tìm ra giải pháp mà cả hai đều thỏa thuận.
BÀN VỀ NHỮNG MỐI BẤT HÒA
7, 8. Nếu giữa vợ chồng có vấn đề chạm tự ái hoặc hiểu lầm thì theo Kinh-thánh họ nên giải quyết ra sao?
7 Nhiều người thấy khó giữ được sự bình tĩnh khi bàn về những vấn đề chạm tự ái, hiểu lầm hoặc thất bại cá nhân. Thay vì thẳng thắn nói: “Anh hiểu lầm em”, người hôn phối có thể bối rối xúc động và làm to chuyện. Nhiều người nói: “Anh chỉ lo cho anh mà thôi” hoặc “Anh không yêu em”. Vì không muốn cãi vã lôi thôi, người hôn phối kia có thể từ chối trả lời.
8 Cách tốt nhất là làm theo lời khuyên trong Kinh-thánh: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26). Một cặp vợ chồng sống hạnh phúc với nhau, và vào dịp kỷ niệm ngày cưới lần thứ 60, người ta xin họ cho biết bí quyết đã giúp họ thành công trong hôn nhân. Người chồng trả lời: “Chúng tôi cố giải quyết những mối bất hòa trước khi đi ngủ, dù các chuyện đó nhỏ đến đâu đi nữa”.
9. a) Kinh-thánh cho biết điều gì là phần thiết yếu trong việc trò chuyện với nhau? b) Vợ chồng thường cần phải làm gì, dù cho điều này đòi hỏi phải có can đảm và khiêm nhường?
9 Khi vợ chồng bất đồng ý kiến, mỗi người cần “phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Sau khi lắng nghe kỹ càng, cả hai người có thể thấy cần xin lỗi nhau (Gia-cơ 5:16). Cần có sự khiêm nhường và can đảm để chân thành nói câu “Xin lỗi, anh đã làm em đau lòng”. Nhưng cách này rất là hữu hiệu trong việc giúp vợ chồng không những giải quyết được vấn đề của họ mà còn phát triển sự mật thiết nồng nàn, nhờ đó mà họ vui thích ở cạnh bên nhau.
CHIỀU NHAU TRONG BỔN PHẬN VỢ CHỒNG
10. Phao-lô đề nghị điều gì để che chở cho tín đồ đấng Christ tại Cô-rinh-tô và cũng có thể áp dụng cho tín đồ thời nay?
10 Khi sứ đồ Phao-lô viết thư cho tín đồ ở Cô-rinh-tô, ông khuyên họ kết hôn để “tránh khỏi mọi sự dâm-dục” (I Cô-rinh-tô 7:2). Thế gian ngày nay xấu xa như thời ở thành Cô-rinh-tô xưa, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn thế nữa. Các đề tài vô luân mà người thế gian công khai bàn luận, những cách ăn mặc hở hang, và các câu chuyện gợi khoái cảm nhục dục trình bày qua sách báo, chương trình truyền hình, phim ảnh, tất cả hợp lại để kích thích sự ham muốn tình dục bất chính. Sứ đồ Phao-lô nói với những người Cô-rinh-tô sống trong môi trường tương tự như thế: “Thà cưới gả còn hơn để cho lửa tình un-đốt” (I Cô-rinh-tô 7:9).
11, 12. a) Vợ chồng nợ nhau điều gì, và nên làm bổn phận mình với thái độ nào? b) Nếu phải tạm hoãn chuyện chăn gối thì vợ chồng nên giải quyết tình trạng đó như thế nào?
11 Do đó, Kinh-thánh bảo những tín đồ đấng Christ đã kết hôn: “Chồng phải làm hết bổn-phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy” (I Cô-rinh-tô 7:3). Hãy chú ý Kinh-thánh nhấn mạnh đến việc ban cho—chứ không phải đòi hỏi. Việc ân ái trong hôn nhân thực sự được thỏa mãn chỉ khi nào người này quan tâm đến lợi ích của người kia. Thí dụ, Kinh-thánh bảo chồng “tỏ điều khôn-ngoan” trong việc ăn ở với vợ (I Phi-e-rơ 3:7). Điều này đặc biệt đúng trong việc cho và nhận khi làm bổn phận vợ chồng. Nếu chồng không đối xử dịu dàng với vợ, vợ có thể thấy khó thích thú khía cạnh này của hôn nhân.
12 Đôi lúc người này có lẽ phải thoái thác việc chăn gối với người kia. Đó là khi người vợ có kinh nguyệt hoặc cảm thấy rất mệt mỏi. (So sánh Lê-vi Ký 18:19). Đó có thể là lúc người chồng phải đối phó với vấn đề nghiêm trọng tại sở làm và cảm thấy khô khan tình cảm. Cách tốt nhất để giải quyết những trường hợp tạm thời hoãn lại chuyện chăn gối là cả hai thẳng thắn cho nhau biết vấn đề khó khăn và “hai bên ưng-thuận” (I Cô-rinh-tô 7:5). Việc này sẽ giúp vợ hoặc chồng tránh đi đến kết luận sai lầm. Nhưng nếu người vợ cố ý từ chối chồng hoặc chồng cố tình không yêu thương làm hết bổn phận với vợ thì người hôn phối có thể dễ bị cám dỗ. Trong tình trạng đó, những vấn đề có thể nảy sinh trong hôn nhân.
13. Làm sao tín đồ đấng Christ có thể giữ ý tưởng được trong sạch?
13 Như mọi tín đồ đấng Christ, các tôi tớ đã kết hôn của Đức Chúa Trời phải tránh sách báo và phim ảnh khiêu dâm vì các tài liệu này có thể gây ra những ham muốn ô uế và phản tự nhiên (Cô-lô-se 3:5). Họ cũng phải giữ gìn tư tưởng và hành động khi tiếp xúc với tất cả những người khác phái. Giê-su cảnh cáo: “Hễ ai ngó đờn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi” (Ma-thi-ơ 5:28). Bằng cách áp dụng lời khuyên trong Kinh-thánh về vấn đề tình dục, vợ chồng có thể tránh bị cám dỗ và phạm tội ngoại tình. Họ có thể tiếp tục hưởng khoái lạc ân ái trong hôn nhân và quí trọng việc chăn gối như một món quà tốt lành mà Đấng Sáng lập hôn nhân là Đức Giê-hô-va ban cho (Châm-ngôn 5:15-19).
LÝ DO LY DỊ DỰA TRÊN KINH-THÁNH
14. Đôi khi người ta thấy có tình trạng đáng buồn nào? Tại sao?
14 Điều đáng mừng là trong phần nhiều các cuộc hôn nhân của tín đồ đấng Christ, bất cứ vấn đề nào xảy ra đều có thể giải quyết được. Tuy nhiên, có lúc không giải quyết được. Vì loài người bất toàn và sống trong thế giới tội lỗi dưới sự kiểm soát của Sa-tan, vài cuộc hôn nhân đi đến đổ vỡ (I Giăng 5:19). Tín đồ đấng Christ nên đối phó với tình trạng căng thẳng đó như thế nào?
15. a) Lý do duy nhất nào trong Kinh-thánh cho phép ly dị và có thể tái hôn? b) Tại sao một số người quyết định không ly dị người hôn phối không chung thủy?
15 Như đã được đề cập nơi Chương 2, tội tà dâm là lý do duy nhất mà Kinh-thánh cho phép ly dị và có thể tái hônc (Ma-thi-ơ 19:9). Nếu bạn có bằng chứng rõ ràng là người hôn phối không chung thủy, thì bạn đứng trước một quyết định nan giải. Bạn sẽ tiếp tục ở với người đó hay là ly dị? Không có luật lệ nào nói về điều đó. Một số tín đồ đấng Christ hoàn toàn tha thứ người hôn phối thật lòng ăn năn, và cuộc hôn nhân của họ trở nên tốt đẹp. Những người khác quyết định không muốn ly dị vì nghĩ đến con cái.
16. a) Các yếu tố nào khiến một số người ly dị người hôn phối phạm tội? b) Khi người hôn phối vô tội quyết định ly dị hay không ly dị, tại sao không ai nên chỉ trích quyết định của người đó?
16 Mặt khác, hành động tội lỗi đó có thể đưa đến hậu quả là bị thụ thai hoặc mắc phải bệnh lây qua đường sinh dục. Hoặc có lẽ con cái cần được che chở khỏi bị cha hay mẹ sách nhiễu tình dục. Rõ ràng là có nhiều điều phải xem xét trước khi quyết định. Tuy nhiên, nếu biết người hôn phối không chung thủy và sau đó bạn tiếp tục lại chuyện chăn gối với người, tức là bạn cho thấy mình đã tha thứ người đó rồi, và muốn tiếp tục ở với người đó. Bạn không còn lý do để ly dị và tái hôn dựa trên Kinh-thánh nữa. Không ai nên xen vào chuyện này và cố ảnh hưởng đến quyết định của bạn, hoặc cũng không ai nên chỉ trích quyết định của bạn. Bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả của những gì bạn quyết định. “Vì ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy” (Ga-la-ti 6:5).
LÝ DO ĐỂ LY THÂN
17. Kinh-thánh đặt ra những giới hạn nào cho việc ly thân hay là ly dị nếu người hôn phối không phạm tội tà dâm?
17 Dù người hôn phối không phạm tội tà dâm, có trường hợp nào cho phép người ta ly thân hoặc có thể ly dị không? Có, nhưng trong trường hợp đó, tín đồ đấng Christ không được tự do tìm người khác để tái hôn (Ma-thi-ơ 5:32). Dù cho phép ly thân, nhưng Kinh-thánh qui định rõ ràng là người tách ra nên “ở vậy đừng lấy chồng khác; hay là phải lại hòa-thuận với chồng mình” (I Cô-rinh-tô 7:11). Có vài trường hợp quá đáng nào khiến một người có lẽ tốt hơn là nên ly thân?
18, 19. Có những tình trạng quá đáng nào khiến người hôn phối phải cân nhắc việc chính thức ly thân hay ly dị, dù biết mình không thể tái hôn?
18 Gia đình có thể trở nên thiếu thốn cùng cực vì người chồng quá lười biếng và có tật xấu.d Ông ta có thể bài bạc thua hết tiền của gia đình hoặc dùng tiền đó để nuôi tật ghiền ma túy hoặc rượu chè. Kinh-thánh nói: “Ví bằng có ai không săn-sóc... đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức-tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (I Ti-mô-thê 5:8). Nếu người đó không chịu thay đổi đường lối mình, có lẽ còn dùng tiền của vợ kiếm được để nuôi thói hư tật xấu, người vợ có thể chọn cách bảo vệ hạnh phúc của mình và của con cái bằng cách xin chính thức ly thân.
19 Một người cũng có thể xin ly thân nếu người hôn phối quá hung bạo với mình, có lẽ đánh đập nhiều lần đến độ làm nguy hại sức khỏe và ngay cả tính mạng mình. Ngoài ra, nếu một người cứ cố ép người hôn phối mình vi phạm điều răn Đức Chúa Trời về phương diện nào đó, người bị đe dọa cũng có thể tính chuyện ly thân, nhất là nếu vấn đề đó đi đến độ gây nguy hiểm cho đời sống thiêng liêng. Người hôn phối bị nguy cơ có thể kết luận rằng cách duy nhất để “vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” là xin chính thức ly thân (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29).
20. a) Trong trường hợp gia đình bị đổ vỡ, bạn bè và các trưởng lão thành thục có thể làm gì, và họ không nên làm gì? b) Những người đã kết hôn không nên dùng những điều Kinh-thánh nói về ly thân và ly dị như một cớ để làm gì?
20 Trong tất cả các trường hợp mà người hôn phối bị hành hung quá độ, không ai nên ép người vô tội phải ly thân hoặc ở lại với người kia. Trong lúc bạn bè và các trưởng lão thành thục có thể nâng đỡ và khuyên răn theo Kinh-thánh, họ không thể biết hết những gì xảy ra giữa hai vợ chồng. Chỉ có Đức Giê-hô-va mới biết được mà thôi. Dĩ nhiên, nếu người vợ tín đồ đấng Christ viện những cớ lỏng lẻo để thoát ra cuộc hôn nhân tức là chị không xem trọng sự sắp đặt về hôn nhân của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu tình trạng rất là nguy hiểm cứ kéo dài, không ai nên chỉ trích nếu chị chọn việc ly thân. Trường hợp người chồng theo đạo đấng Christ muốn ly thân cũng y như vậy. “Chúng ta hết thảy sẽ ứng-hầu trước tòa-án Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:10).
MỘT CUỘC HÔN NHÂN ĐỔ VỠ ĐÃ ĐƯỢC CỨU VÃN
21. Kinh nghiệm nào cho thấy lời khuyên của Kinh-thánh về hôn nhân đem lại kết quả tốt đẹp?
21 Sau khi ly thân với chồng được ba tháng, Lucia, người được đề cập ở phần đầu, đã gặp Nhân-chứng Giê-hô-va và bắt đầu học Kinh-thánh với họ. Chị giải thích: “Tôi rất ngạc nhiên vì Kinh-thánh cho biết những cách thực tiễn giúp giải quyết vấn đề của tôi. Chỉ một tuần sau khi học hỏi, tôi lập tức muốn làm hòa với chồng tôi. Giờ đây tôi có thể nói rằng Đức Giê-hô-va biết cách cứu vãn hôn nhân trong thời kỳ khủng hoảng vì sự dạy dỗ của ngài giúp vợ chồng biết cách tôn trọng lẫn nhau. Không như một số người cho là Nhân-chứng Giê-hô-va chia rẽ gia đình; trong trường hợp tôi, thì ngược lại”. Chị Lucia đã học cách áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh trong đời sống chị.
22. Tất cả các cặp vợ chồng nên tin cậy vào điều gì?
22 Trường hợp chị Lucia không phải là ngoại lệ. Hôn nhân đúng ra phải là một ân phước chứ không phải là một gánh nặng. Vì lẽ đó, Đức Giê-hô-va ban cho nguồn khuyên bảo tốt nhất về hôn nhân, tốt hơn mọi lời khuyên đã từng được viết ra. Đó là lời quí giá của ngài. Kinh-thánh có thể làm “kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan” (Thi-thiên 19:7-11). Kinh-thánh đã cứu vãn nhiều cuộc hôn nhân đang lúc đổ vỡ và cải thiện nhiều cuộc có những vấn đề nghiêm trọng. Mong sao tất cả các cặp vợ chồng đều hoàn toàn tin cậy nơi lời khuyên mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho. Lời ấy thật sự có hiệu quả!
a Tên đã được thay đổi.
b Một số vấn đề này đã được bàn luận trong các chương trước.
c Chữ trong Kinh-thánh được dịch là “tà dâm” bao hàm những hành động ngoại tình, đồng tính luyến ái, giao cấu với thú vật, và những hành động cố tình dùng bộ phận sinh dục làm chuyện bất chính khác.
d Điều này không kể những trường hợp mà người chồng, dù có ý tốt, không thể cung cấp cho gia đình vì những lý do ngoài quyền hạn của ông, chẳng hạn như bệnh tật hoặc thiếu việc làm.