Đức Chúa Trời chăm sóc người cao tuổi
NGÀY NAY việc ngược đãi người cao tuổi lan tràn không còn là điều đáng ngạc nhiên. Từ lâu, Kinh Thánh đã báo trước “trong ngày sau-rốt” của thế gian không kính sợ Thượng Đế như hiện nay, người ta “đều tư-kỷ,... vô-tình”. (2 Ti-mô-thê 3:1-3) Từ Hy Lạp dịch là “vô-tình” có thể bao hàm việc thiếu tình yêu thương tự nhiên giữa những người trong gia đình. Đúng như lời Kinh Thánh tiên tri, tình cảm ấy ngày nay thiếu trầm trọng.
Khác hẳn những ai đối xử tồi tệ với người cao tuổi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời quý trọng và chăm sóc người tóc bạc. Hãy xem xét Kinh Thánh cho thấy điều này như thế nào.
“Quan-xét của người góa-bụa”
Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ cung cấp bằng chứng Giê-hô-va Đức Chúa Trời chăm sóc người cao tuổi. Chẳng hạn, nơi Thi-thiên 68:5, ông Đa-vít gọi Đức Chúa Trời là “quan-xét của người góa-bụa”, thường là người lớn tuổi.a Trong một bản dịch khác, từ “quan-xét” được dịch là “Đấng bênh vực”, “Đấng bảo vệ” và “Đấng che chở”. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va chăm sóc những người góa bụa. Thật vậy, Kinh Thánh cho biết Ngài sẽ nổi cơn giận nếu những người ấy bị ngược đãi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22-24) Đức Chúa Trời và các tôi tớ Ngài quý trọng những người góa bụa, cũng như tất cả những người cao tuổi vẫn giữ lòng trung thành. Châm-ngôn 16:31 diễn đạt quan điểm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và của dân Ngài như sau: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình”.
Không có gì ngạc nhiên khi việc kính trọng người cao tuổi là một phần cơ bản của Luật Pháp mà Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Họ được lệnh: “Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già-cả, và kính-sợ Đức Chúa Trời ngươi. Ta là Đức Giê-hô-va”. (Lê-vi Ký 19:32) Vì vậy, trong dân Y-sơ-ra-ên, việc quan tâm đến người cao tuổi ảnh hưởng đến chính mối quan hệ của một người với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Một người không thể nói rằng mình yêu Đức Chúa Trời nhưng lại đối xử tồi tệ với người cao tuổi.
Tín đồ Đấng Christ không ở dưới Luật Pháp Môi-se. Tuy nhiên, họ tuân theo “luật-pháp của Đấng Christ”. Luật pháp này ảnh hưởng sâu xa đến hạnh kiểm và thái độ của họ, bao hàm việc biểu lộ tình yêu thương, lòng quan tâm đối với cha mẹ và người cao tuổi. (Ga-la-ti 6:2; Ê-phê-sô 6:1-3; 1 Ti-mô-thê 5:1-3) Tín đồ Đấng Christ biểu lộ tình yêu thương không những vì họ được lệnh làm thế mà còn vì sự thôi thúc từ trong lòng. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích: “Hãy yêu nhau sốt-sắng hết lòng”.—1 Phi-e-rơ 1:22.
Môn đồ Gia-cơ cung cấp thêm lý do tại sao chúng ta chăm sóc người cao tuổi. Ông viết: “Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”. (Gia-cơ 1:27) Gia-cơ đã nêu một điểm rất xúc động. Câu ấy lưu ý chúng ta rằng những người này đáng quý biết bao đối với Đức Giê-hô-va.
Vì thế, cố tránh việc ngược đãi người cao tuổi là chưa đủ. Thay vì thế, chúng ta nên biểu lộ mối quan tâm tích cực đối với họ bằng cách làm những việc có ích. (Xem khung “Thể hiện tình yêu thương qua hành động”, nơi trang 6, 7). Gia-cơ viết: “Đức-tin không có việc làm cũng chết”.—Gia-cơ 2:26.
An ủi “trong cơn khốn-khó của họ”
Chúng ta rút ra bài học khác từ lời của Gia-cơ. Hãy lưu ý, ông khuyên tín đồ Đấng Christ chăm sóc người góa bụa “trong cơn khốn-khó của họ”. Từ Hy Lạp được dịch là “cơn khốn-khó”, về cơ bản có nghĩa đau đớn, ưu phiền, hoặc đau khổ do những áp lực của cuộc sống gây ra. Rõ ràng là trong vòng những người cao tuổi, nhiều người từng trải qua nỗi khổ ấy. Một số người cảm thấy cô đơn. Những người khác thì nản lòng vì những giới hạn của tuổi tác. Ngay cả những người tích cực trong việc phụng sự Đức Chúa Trời cũng có thể cảm thấy chán nản. Hãy xem xét trường hợp của anh John,b một người trung thành rao truyền Nước Trời hơn 40 năm. Trong 30 năm sau, anh đã phụng sự đặc biệt trọn thời gian. Hiện nay đã ngoài 80 tuổi, anh John thú nhận rằng đôi khi anh cảm thấy ngã lòng. Anh nói: “Tôi thường ngẫm nghĩ về những năm qua, và nhớ lại những sai lầm của mình, rất nhiều sai lầm. Tôi luôn nghĩ rằng mình đã có thể làm tốt hơn”.
Những người ấy có thể cảm thấy được an ủi khi biết Đức Giê-hô-va, dù Ngài là hoàn toàn nhưng không đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn. Dù Ngài thấy hết những sai lầm của chúng ta, Kinh Thánh nói về Ngài: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! Ai sẽ còn sống?” (Thi-thiên 130:3) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va không chỉ thấy những sai lầm của chúng ta mà còn hiểu được những điều trong lòng. Làm sao chúng ta biết điều này?
Vua Đa-vít—chính ông từng phạm tội và làm nhiều việc sai lầm—được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết những lời nơi Thi-thiên 139:1-3: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò-xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi. Chúa xét-nét nẻo-đàng và sự nằm-ngủ tôi, quen-biết các đường-lối tôi”. Nơi đây, từ được dịch “xét-nét” có nghĩa đen là “sàng”, rất giống công việc người nông dân sàng trấu để giữ lại hạt gạo. Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, Đa-vít trấn an chúng ta rằng Đức Giê-hô-va biết làm thế nào để sàng lọc và gìn giữ trong ký ức Ngài những công việc tốt lành của chúng ta.
Cha trên trời đầy lòng thương xót ghi nhớ—và quý trọng—những công việc tốt lành của chúng ta, miễn là chúng ta trung thành với Ngài. Thật thế, Kinh Thánh nói nếu Đức Chúa Trời quên công việc và tình yêu thương mà chúng ta đã tỏ ra vì danh Ngài, thì Ngài xem đó là một hành động không công bình.—Hê-bơ-rơ 6:10.
“Những sự thứ nhất đã qua rồi”
Kinh Thánh cho biết, vấn đề tuổi già không nằm trong ý định của Đức Chúa đối với nhân loại. Chỉ sau khi thủy tổ của chúng ta, người đàn ông và đàn bà đầu tiên, phản nghịch Đấng Tạo Hóa thì con người mới phải chịu hậu quả tai hại của tuổi già. (Sáng-thế Ký 3:17-19; Rô-ma 5:12) Điều này sẽ không tiếp tục mãi.
Như đã đề cập ở trên, nhiều hoàn cảnh tồi tệ ngày nay chúng ta phải chịu, kể cả việc ngược đãi người cao tuổi, là bằng chứng chúng ta đang sống trong “ngày sau-rốt” của hệ thống này. (2 Ti-mô-thê 3:1) Đức Chúa Trời có ý định xóa sạch ảnh hưởng của tội lỗi, kể cả hậu quả tai hại của tuổi già và sự chết. Kinh Thánh nói: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.—Khải-huyền 21:4.
Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, những nhức mỏi và đau đớn của tuổi già sẽ không còn nữa. Cũng sẽ không còn việc đối xử tồi tệ với người cao tuổi. (Mi-chê 4:4) Ngay cả những người đã chết và được giữ trong ký ức của Đức Chúa Trời sẽ được sống lại, nhờ thế họ cũng sẽ có cơ hội sống mãi mãi trong địa đàng. (Giăng 5:28, 29) Lúc bấy giờ, sẽ có nhiều bằng chứng hơn bao giờ hết, cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời chăm sóc không những cho người cao tuổi mà còn cho tất cả những ai vâng lời Ngài.
[Chú thích]
a Dĩ nhiên, một số phụ nữ góa bụa khi tuổi còn trẻ. Việc Đức Chúa Trời cũng chăm sóc đến những góa phụ trẻ được ghi nơi Lê-vi Ký 22:13.
b Không phải tên thật.
[Khung/Các hình nơi trang 6, 7]
Thể hiện tình yêu thương qua hành động
Trong các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, các trưởng lão dẫn đầu về việc thể hiện lòng quan tâm đối với người cao tuổi. Họ nghiêm túc làm theo lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em”. (1 Phi-e-rơ 5:2) Chăm sóc người cao tuổi qua những cách thiết thực là một phần của công việc chăn bầy. Vậy, công việc này bao hàm những gì?
Cần phải kiên nhẫn và có thể phải thăm viếng nhiều lần, trò chuyện thân tình, để biết chắc nhu cầu của người cao tuổi. Có lẽ họ cần giúp đỡ để đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, chở đi dự các buổi họp, đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm của đạo Đấng Christ, và nhiều việc khác nữa. Nếu có thể được, nên có những sắp đặt hợp lý và thiết thực.c
Nếu anh chị cao tuổi trong hội thánh ở vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, chẳng hạn cần được giúp đỡ về tài chính thì sao? Trước tiên, tìm xem người đó có con cái hoặc người thân nào khác có thể giúp đỡ hay không. Điều này phù hợp với lời được ghi nơi 1 Ti-mô-thê 5:4: “Nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo-đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời”.
Có thể anh hay chị cao tuổi cần được giúp đỡ để xét xem họ có hội đủ điều kiện để nhận sự tài trợ nào đó của chính phủ không. Vài người trong hội thánh có thể giúp đỡ về mặt thủ tục. Nếu những cách trên không áp dụng được, thì các trưởng lão có thể quyết định xem anh hay chị đó đủ điều kiện nhận sự trợ giúp của hội thánh không. Vào thế kỷ thứ nhất, có vài trường hợp được hội thánh cho phép làm việc này. Sứ đồ Phao-lô đã viết cho người đồng sự Ti-mô-thê: “Cho được ghi tên vào sổ đàn-bà góa, thì người đàn-bà phải đủ sáu mươi tuổi, vốn chỉ có một chồng mà thôi, phải là người được tiếng khen vì việc phước-đức mình, như đã nuôi con-cái, đãi-đằng khách lạ, rửa chân thánh-đồ, cứu-giúp kẻ khốn-nạn, và làm đủ các việc phước-đức”.—1 Ti-mô-thê 5:9, 10.
[Chú thích]
c Để biết thêm, xin xem bài “Chăm sóc người cao niên—Một trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ”, Tháp Canh ngày 15-5-2004.
[Hình nơi trang 5]
Đô-ca chăm sóc những người góa bụa thiếu thốn.—Công-vụ 9:36-39