Bạn sẽ theo lời cảnh báo rõ ràng của Đức Giê-hô-va?
“Nầy là đường đây, hãy noi theo!”.—Ê-SAI 30:21.
1, 2. Sa-tan quyết tâm làm gì? Và Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta như thế nào?
Một bảng chỉ đường sai thì không những làm người ta lạc lối, mà còn có thể gây nguy hiểm. Hãy hình dung một người bạn cảnh báo bạn rằng có một kẻ gian cố tình đổi bảng chỉ đường để làm hại những du khách thiếu cảnh giác. Chẳng phải bạn sẽ nghe lời cảnh báo đó sao?
2 Tương tự thế, Sa-tan là kẻ thù nghịch độc ác quyết tâm làm chúng ta lầm đường lạc lối (Khải 12:9). Tất cả những ảnh hưởng xấu bàn trong bài trước đều đến từ hắn và có mục tiêu là khiến chúng ta rời bỏ con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Mat 7:13, 14). Đáng mừng thay, Đức Chúa Trời nhân từ của chúng ta đã cảnh báo đừng theo “bảng chỉ đường” sai của Sa-tan. Hãy thảo luận thêm ba ảnh hưởng xấu đến từ Sa-tan. Khi xem xét cách Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta tránh bị lầm lạc, chúng ta có thể hình dung rằng Đức Giê-hô-va đang ở phía sau và chỉ chúng ta đi hướng đúng. Ngài phán: “Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21). Khi suy ngẫm về những lời cảnh báo rõ ràng của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ củng cố quyết tâm làm theo những lời ấy.
Đừng theo “giáo-sư giả”
3, 4. (a) Các giáo sư giả giống như những giếng khô như thế nào? (b) Các giáo sư giả thường đến từ đâu, và muốn gì?
3 Hãy hình dung bạn đang làm chuyến hành trình trong một vùng đất khô cằn. Thấy một cái giếng từ xa, bạn chạy đến đó, hy vọng được uống nước để giải cơn khát. Nhưng khi đến nơi, bạn thấy đó là một cái giếng khô. Thật thất vọng biết bao! Các giáo sư giả cũng giống như những cái giếng khô. Ai đến với họ để được uống nước lẽ thật đều sẽ thất vọng đắng cay. Qua sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ, Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta về giáo sư giả. (Đọc Công-vụ 20:29, 30; 2 Phi-e-rơ 2:1-3). Họ là ai? Lời được soi dẫn của hai sứ đồ giúp chúng ta nhận biết giáo sư giả đến từ đâu và hoạt động như thế nào.
4 Phao-lô nói với các trưởng lão ở hội thánh Ê-phê-sô: “Giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác dấy lên”. Phi-e-rơ đã viết cho các anh em đồng đạo: “Cũng sẽ có giáo-sư giả trong anh em”. Vậy, các giáo sư giả đến từ đâu? Họ có thể nổi lên từ trong hội thánh. Đó là những kẻ bội đạoa. Họ muốn gì? Họ không chỉ rời bỏ tổ chức mà có lẽ họ đã từng yêu mến. Phao-lô giải thích họ có mục tiêu là “ráng sức dỗ môn-đồ theo họ”. Thay vì đào tạo người ngoài hội thánh trở thành môn đồ cho mình, những kẻ bội đạo tìm cách kéo theo các môn đồ của Chúa Giê-su. Như “muông-sói hay cắn-xé”, các giáo sư giả muốn nuốt chửng những thành viên dễ tin trong hội thánh, hủy hoại đức tin và kéo họ xa rời lẽ thật.—Mat 7:15; 2 Ti 2:18.
5. Kẻ bội đạo dùng những phương pháp gì?
5 Giáo sư giả hoạt động thế nào? Phương pháp của họ thể hiện tinh thần xảo quyệt. Kẻ bội đạo “truyền [“lén lút đưa vào”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]” những tư tưởng sai lầm. Như những kẻ buôn lậu, họ hoạt động lén lút, ngấm ngầm đưa vào hội thánh những quan điểm bội đạo. Như người khéo léo làm giấy tờ giả mạo, những kẻ bội đạo dùng “lời dối-trá”, hoặc lý luận sai lầm, để lan truyền những quan điểm bịa đặt như thể chúng có thật. Họ truyền “sự dối-trá”, “giải sai về các phần Kinh-thánh” để phù hợp với ý của mình (2 Phi 2:1, 3, 13; 3:16). Rõ ràng, những kẻ bội đạo không quan tâm đến lợi ích của chúng ta. Đi theo họ chỉ làm chúng ta trệch khỏi con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.
6. Về các giáo sư giả, Kinh Thánh cho lời khuyên rõ ràng nào?
6 Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ mình khỏi các giáo sư giả? Kinh Thánh có lời khuyên rõ ràng về cách đối xử với họ. (Đọc Rô-ma 16:17; 2 Giăng 9-11). Lời Đức Chúa Trời nói: “Phải tránh xa họ”. Một bản dịch khác dịch như sau: “Hãy xa lánh họ”. Lời khuyên được soi dẫn này không có gì mơ hồ. Giả sử bác sĩ bảo bạn tránh tiếp xúc với một người mắc bệnh truyền nhiễm chết người. Bạn hiểu điều bác sĩ muốn nói, và nghiêm túc làm theo lời cảnh báo ấy. Tương tự, những kẻ bội đạo có “bịnh hay gạn-hỏi”, và tìm cách lan truyền những giáo lý sai lầm cho người khác (1 Ti 6:3, 4). Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bệnh đại tài, bảo chúng ta tránh tiếp xúc với họ. Chúng ta hiểu điều Ngài muốn nói, nhưng chúng ta có quyết tâm làm theo lời cảnh báo của Ngài một cách triệt để không?
7, 8. (a) Tránh xa các giáo sư giả bao hàm điều gì? (b) Tại sao bạn quyết tâm giữ vững lập trường kháng cự các giáo sư giả?
7 Tránh xa các giáo sư giả bao hàm điều gì? Chúng ta không mời họ vào nhà và cũng không chào hỏi họ. Ngoài ra, chúng ta không đọc các tài liệu, xem chương trình truyền hình có họ, vào trang web hoặc bình luận trên trang nhật ký điện tử (blog) của họ. Tại sao chúng ta giữ vững lập trường như thế? Vì tình yêu thương. Chúng ta yêu “Đức Chúa Trời chân-thật”, thế nên chúng ta không quan tâm đến những dạy dỗ bị bóp méo, trái với lẽ thật trong Lời Ngài (Thi 31:5; Giăng 17:17). Chúng ta cũng yêu tổ chức của Đức Giê-hô-va, qua đó chúng ta được dạy dỗ những lẽ thật tuyệt diệu—gồm danh Giê-hô-va và ý nghĩa của danh ấy, ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất, tình trạng người chết và hy vọng về sự sống lại. Bạn có nhớ cảm xúc lần đầu tiên khi học những điều này và những lẽ thật quý giá khác không? Vậy, sao lại để những lời dối trá của giáo sư giả khiến bạn quay lưng lại với tổ chức, nơi mà bạn học biết những lẽ thật này?—Giăng 6:66-69.
8 Dù các giáo sư giả nói gì đi nữa, chúng ta không theo họ! Tại sao chúng ta phải đi đến những giếng khô cạn để rồi bị lừa và thất vọng? Thay vì thế, hãy quyết tâm tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va và tổ chức mà từ lâu đã cung cấp nguồn nước lẽ thật tinh khiết và tươi mát từ Lời Đức Chúa Trời, thỏa mãn cơn khát của chúng ta.—Ê-sai 55:1-3; Mat 24:45-47.
Đừng theo “phù-ngôn”
9, 10. Phao-lô cho Ti-mô-thê lời cảnh báo nào về chuyện “phù-ngôn”? Và Phao-lô có lẽ đang nghĩ đến điều gì? (Cũng xem cước chú).
9 Một tấm bảng chỉ đường bị người nào đó xoay sai hướng có thể đánh lừa chúng ta. Có khi chúng ta dễ nhận ra điều đó, nhưng có khi thì không. Những ảnh hưởng tai hại của Sa-tan cũng thế, một số dễ nhận ra nhưng số khác thì không. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo chúng ta về một trong những âm mưu xảo quyệt của Sa-tan—chuyện “phù-ngôn”. (Đọc 1 Ti-mô-thê 1:3, 4). Để không bị trệch khỏi con đường dẫn đến sự sống, chúng ta cần biết: Chuyện phù ngôn là gì? Và làm thế nào để tránh chú tâm đến chúng?
10 Lời cảnh báo của Phao-lô về chuyện phù ngôn nằm trong lá thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, là một giám thị có trách nhiệm duy trì sự thanh sạch cho hội thánh và giúp anh em đồng đạo giữ trung thành (1 Ti 1:18, 19). Phao-lô dùng một từ Hy Lạp có thể nói đến chuyện hư cấu, hoang đường hoặc bịa đặt. Theo Bách khoa từ điển Kinh Thánh tiêu chuẩn quốc tế (The International Standard Bible Encyclopedia), từ này ám chỉ “một chuyện (mang tính tôn giáo) hoàn toàn không có thật”. Có lẽ Phao-lô đang nghĩ đến những ý tưởng sai lầm về tôn giáo trong các chuyện ly kỳ hoặc huyền thoạib. Những chuyện như thế chỉ “gây nên sự cãi-lẫy”—tức là nêu lên những thắc mắc viển vông dẫn đến những cuộc nghiên cứu vô ích. Chuyện phù ngôn là một mưu kế của kẻ lừa dối chính, Sa-tan. Hắn dùng các câu chuyện và ý tưởng sai lầm về tôn giáo để đánh lạc hướng những người thiếu cảnh giác. Lời khuyên của Phao-lô thật rõ ràng: Đừng chú ý đến chuyện phù ngôn!
11. Sa-tan đã khôn khéo dùng tôn giáo sai lầm để lừa gạt người ta như thế nào? Và làm theo lời cảnh báo nào sẽ giúp chúng ta không bị lầm lạc?
11 Một số chuyện phù ngôn nào có thể làm lầm lạc người thiếu cảnh giác? Về nguyên tắc, từ “phù-ngôn” có thể áp dụng cho bất cứ ý tưởng sai lầm nào về tôn giáo hoặc chuyện huyền thoại có thể khiến chúng ta “không nghe lẽ thật” (2 Ti 4:3, 4). Sa-tan, kẻ mạo làm “thiên-sứ sáng-láng”, đã khôn khéo dùng tôn giáo sai lầm để lừa gạt người ta (2 Cô 11:14). Mang danh môn đồ Chúa Giê-su, khối đạo tự xưng dạy những giáo lý—như Chúa Ba Ngôi, hỏa ngục và linh hồn bất tử—chứa đựng những huyền thoại và sự giả dối. Khối đạo tự xưng cũng ủng hộ những ngày lễ như Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, là những lễ có phong tục dường như vô hại nhưng thật sự bắt nguồn từ huyền thoại và ngoại giáo. Làm theo lời cảnh báo của Đức Chúa Trời về việc tách biệt và “đừng đá-động đến đồ ô-uế”, chúng ta sẽ không bị lầm lạc bởi những chuyện phù ngôn.—2 Cô 6:14-17.
12, 13. (a) Sa-tan cổ vũ những lời dối trá nào, nhưng sự thật về những lời nói dối ấy là gì? (b) Làm thế nào chúng ta có thể tránh bị lừa bởi những “chuyện khéo đặt-để” của Sa-tan?
12 Sa-tan cổ vũ những lời dối trá khác có thể làm chúng ta lầm lạc nếu không cẩn thận. Hãy xem một số thí dụ. Làm gì cũng được. Đúng hay sai là tùy cảm nghĩ của bạn. Quan điểm này được ngành giải trí và giới truyền thông cổ vũ. Vì thường xuyên nghe điều này, chúng ta dễ dàng bắt đầu suy nghĩ và làm theo các ý tưởng vô đạo đức của thế gian. Nhưng sự thật là chúng ta cần Đức Chúa Trời cho biết điều gì đúng và điều gì sai (Giê 10:23). Đức Chúa Trời sẽ không can thiệp vào các sự việc trên đất. Thái độ sống chẳng biết đến ngày mai có thể ảnh hưởng và khiến chúng ta “ở dưng hoặc không có kết quả” (2 Phi 1:8). Sự thật là ngày Đức Giê-hô-va đang đến rất nhanh, và chúng ta phải sẵn sàng (Mat 24:44). Đức Chúa Trời không quan tâm đến cá nhân bạn. Tin vào lời nói dối này của Sa-tan có thể làm chúng ta bỏ cuộc, cảm thấy mình không bao giờ xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Sự thật là Đức Giê-hô-va yêu thương và quý trọng mỗi người thờ phượng Ngài.—Mat 10:29-31.
13 Chúng ta phải cảnh giác, vì đôi khi lối suy nghĩ và thái độ của thế gian theo Sa-tan bề ngoài có vẻ đúng. Nhưng hãy nhớ rằng Sa-tan là bậc thầy trong việc lừa dối. Chỉ khi làm theo lời khuyên và lời nhắc nhở của Kinh Thánh, chúng ta mới có thể tránh bị lừa bởi “những chuyện khéo đặt-để” của Sa-tan.—2 Phi 1:16.
Đừng “theo quỉ Sa-tan”
14. Phao-lô đưa ra lời cảnh báo nào với những đàn bà góa trẻ? Và tại sao tất cả chúng ta cần chú ý đến lời ông?
14 Hãy hình dung một tấm bảng chỉ đường ghi “Đường này theo Sa-tan”. Ai trong chúng ta muốn đi theo tấm bảng ấy? Nhưng Phao-lô cảnh báo chúng ta về vài cách mà các tín đồ đã dâng mình có thể “bội đi mà theo quỉ Sa-tan”. (Đọc 1 Ti-mô-thê 5:11-15). Đối tượng mà Phao-lô nói đến là một số “đàn-bà góa còn trẻ”, nhưng những nguyên tắc trong đó cũng áp dụng cho tất cả chúng ta. Các nữ tín đồ vào thế kỷ thứ nhất có lẽ không nghĩ rằng họ theo Sa-tan, nhưng hành động của họ cho thấy điều đó. Làm thế nào chúng ta có thể cảnh giác để không vô tình đi theo Sa-tan? Hãy xem lời cảnh báo của Phao-lô về việc thóc mách độc hại.
15. Mục tiêu của Sa-tan là gì? Và Phao-lô chỉ rõ những mưu kế của Sa-tan như thế nào?
15 Mục tiêu của Sa-tan là làm chúng ta không nói lên đức tin của mình—khiến chúng ta ngưng công việc rao giảng tin mừng (Khải 12:17). Để thực hiện mục tiêu đó, hắn cố gắng làm cho chúng ta theo đuổi những hoạt động mất nhiều thời gian hoặc khiến chúng ta bị chia rẽ. Hãy lưu ý Phao-lô chỉ rõ những mưu kế của Sa-tan như thế nào. “Hay ở không, quen thói chạy nhà nầy sang nhà khác”. Trong thời đại kỹ thuật này, chúng ta rất dễ phí phạm thì giờ của mình và của người khác, chẳng hạn qua việc gửi chuyển tiếp những thư điện tử không cần thiết hoặc thậm chí không đúng sự thật. “Thóc-mách”. Chuyện thóc mách độc hại có thể dẫn đến việc vu khống, thường gây tranh cãi (Châm 26:20). Dù ý thức được hay không, những người vu khống độc ác đang bắt chước Sa-tan Ma-quỉc. “Thày-lay”. Chúng ta không có quyền bảo người khác phải giải quyết chuyện riêng của họ như thế nào. Hành vi nhàn rỗi và gây phiền hà ấy có thể làm chúng ta không còn chú tâm vào công việc rao giảng về Nước Trời. Khi ngưng tích cực ủng hộ công việc của Đức Chúa Trời, đó là lúc chúng ta bắt đầu theo Sa-tan. Chúng ta không thể đứng chính giữa.—Mat 12:30.
16. Làm theo lời khuyên nào có thể giúp chúng ta tránh “bội đi mà theo quỉ Sa-tan”?
16 Làm theo lời khuyên của Kinh Thánh có thể giúp chúng ta tránh “bội đi mà theo quỉ Sa-tan”. Hãy xem vài lời khuyên khôn ngoan của Phao-lô. “Hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn” (1 Cô 15:58). Bận rộn trong các hoạt động Nước Trời sẽ che chở chúng ta khỏi mối nguy hiểm của sự nhàn rỗi và chạy theo những việc phí phạm thời gian (Mat 6:33). “Hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho” (Ê-phê 4:29). Hãy quyết tâm không nghe những lời thóc mách gây hại và lan truyền chúngd. Hãy vun trồng lòng tin cậy và tôn trọng anh em đồng đạo. Nhờ thế chúng ta sẽ nói những lời xây dựng thay vì phá đổ. “Ráng tập... săn-sóc việc riêng mình” (1 Tê 4:11). Hãy quan tâm đến người khác, nhưng tôn trọng sự riêng tư của họ và không xem thường phẩm giá của họ. Cũng hãy nhớ rằng chúng ta không áp đặt quan điểm của mình trên người khác về những vấn đề mà họ cần tự quyết định.—Ga 6:5.
17. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta về những điều không nên theo? (b) Về con đường Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đi, bạn quyết tâm làm gì?
17 Thật biết ơn khi Đức Giê-hô-va cho chúng ta biết rõ những điều không nên theo! Đừng bao giờ quên rằng lời cảnh báo của Đức Giê-hô-va trong bài này cũng như bài trước là đến từ tình yêu thương sâu đậm của Ngài dành cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta tránh khổ sở và đau buồn vì theo “bảng chỉ đường” sai của Sa-tan. Con đường Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đi thì hẹp, nhưng dẫn tới đích đến tốt nhất—sự sống vĩnh cửu (Mat 7:14). Mong sao chúng ta đừng bao giờ giảm quyết tâm lắng nghe lời khuyên này của Đức Giê-hô-va: “Nầy là đường đây, hãy noi theo!”.—Ê-sai 30:21.
[Chú thích]
a “Sự bội đạo” là ly khai, phản nghịch, từ bỏ, tách khỏi sự thờ phượng thật.
b Chẳng hạn, ngụy thư Tobit (Tobias), được viết vào thế kỷ thứ ba TCN và vì thế vẫn còn vào thời Phao-lô, đầy những điều mê tín và những chuyện vô lý về ma thuật và phù phép nhưng được trình bày như sự thật.—Xem Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 122.
c Từ Hy Lạp di·aʹbo·los được dịch là “ma-quỉ”, có nghĩa là “kẻ vu khống”. Từ này được dùng như một tước hiệu khác của Sa-tan, kẻ vu khống độc ác nhất.—Giăng 8:44; Khải 12:9, 10.
d Xin xem khung “Thả lông vũ bay trong gió”.
Bạn trả lời thế nào?
Làm thế nào bạn có thể áp dụng cho mình những lời cảnh báo trong các câu Kinh Thánh sau đây:
[Khung/Hình nơi trang 19]
Thả lông vũ bay trong gió
Một câu chuyện Do Thái cổ minh họa rất hay về hậu quả của việc lan truyền chuyện thóc mách gây hại. Người ta thường kể nhiều cách khác nhau, nhưng nội dung chính như sau:
Một người nọ vu khống người thông thái của làng với nhiều người trong làng ấy. Sau này, kẻ thóc mách độc ác đó nhận ra mình đã sai và đến gặp người thông thái xin tha thứ. Hắn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để sửa chữa. Người thông thái đưa ra một yêu cầu: Kẻ thóc mách đi lấy một cái gối bằng lông vũ và cắt ra, thả lông vũ bay trong gió. Dù không hiểu yêu cầu ấy, kẻ thóc mách vẫn làm đúng theo đề nghị và quay lại gặp người thông thái.
Hắn hỏi: “Bây giờ ông tha thứ cho tôi chưa?”.
Người thông thái trả lời: “Trước tiên, anh hãy đi gom lại tất cả các lông vũ”.
“Nhưng làm sao được? Chúng đã bay hết trong gió rồi”.
“Xóa bỏ tổn hại mà lời nói anh gây ra cũng khó như việc gom lại các lông vũ”.
Bài học rất rõ ràng. Một khi đã nói ra, lời nói không thể lấy lại, và có lẽ không thể khôi phục sự tổn thương mà nó gây ra. Trước khi lan truyền một mẩu chuyện phiếm, chúng ta nên khôn ngoan nhớ rằng thật ra chúng ta sắp thả lông vũ bay trong gió.
[Hình nơi trang 16]
Một số người có thể mời kẻ bội đạo vào nhà như thế nào?