Tôn trọng mọi hạng người
“Hãy tôn trọng mọi hạng người... kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua” (I PHI-E-RƠ 2:17, NW).
1. a) Ngoài Đức Chúa Trời và đấng Christ, ai cần được tôn trọng đúng cách? b) Theo I Phi-e-rơ 2:17, cần phải bày tỏ tôn trọng người khác trong các lãnh vực nào?
CHÚNG TA ĐÃ thấy chúng ta có bổn phận phải tôn kính Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ. Làm như vậy là đúng, khôn ngoan và yêu thương. Nhưng Lời Đức Chúa Trời cũng cho thấy chúng ta phải tôn trọng người đồng loại. Kinh-thánh nói: “Hãy tôn trọng mọi hạng người” (I Phi-e-rơ 2:17, NW). Bởi lẽ câu Kinh-thánh này kết thúc với mệnh lệnh “tôn-trọng vua”, điều này ngụ ý nói chúng ta nên tôn trọng những người có quyền được tôn trọng vì cớ chức vị của họ. Vậy chúng ta nên tôn trọng đúng cách những ai? Có lẽ con số những người đó đông hơn là nhiều người tưởng. Chúng ta có thể nói chúng ta phải tôn trọng người khác trong bốn lãnh vực.
Tôn trọng các nhà cầm quyền chính trị
2. Làm thế nào chúng ta biết “vua” nói đến nơi I Phi-e-rơ 2:17 là các vua loài người tức các nhà cầm quyền chính trị?
2 Lãnh vực đầu tiên liên hệ đến các chính phủ thế gian. Chúng ta cần phải tôn trọng các nhà cầm quyền chính trị. Khi Phi-e-rơ khuyên “tôn-trọng vua”, tại sao chúng ta nói Phi-e-rơ nghĩ đến các nhà cầm quyền chính trị? Bởi vì ông nói về những người ở ngoài hội-thánh đấng Christ. Ông vừa mới nói xong: “Hãy phục theo phép-tắc loài người lập nên, hoặc vua, như đấng cao [hơn mình], hoặc các quan, như người vua sai ra”. Cũng xin lưu ý là Phi-e-rơ đặt Đức Chúa Trời đối lập với “vua”; ông nói: “Hãy... kính-sợ Đức Chúa Trời; tôn-trọng vua” (I Phi-e-rơ 2:13, 14). Vậy “vua” mà Phi-e-rơ khuyên chúng ta tôn trọng đây là vua chúa loài người và các nhà cầm quyền chính trị.
3. “Các đấng cầm quyền trên mình” là ai, và họ đòi hỏi người ta làm gì cho họ?
3 Sứ đồ Phao-lô cũng khuyên răn: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình”. Các “đấng cầm quyền trên mình” đây không phải là Giê-hô-va Đức Chúa Trời hay Giê-su Christ, nhưng đó là các nhà cầm quyền thế gian, các công chức chính phủ. Nghĩ đến đó, Phao-lô nói tiếp: “Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc:... sợ kẻ mình đáng sợ; kính kẻ mình đáng kính”. Đúng, Đức Chúa Trời cho phép những người đó hành sử quyền chính trị và họ đáng được tôn trọng (Rô-ma 13:1, 7).
4. a) Có thể bày tỏ thế nào sự tôn trọng đối với các nhà cầm quyền chính trị? b) Phao-lô đặt ra gương mẫu nào trong việc tôn trọng vua chúa?
4 Chúng ta có thể tỏ ra tôn trọng thế nào đối với các nhà cầm quyền chính trị? Một cách là tỏ ra thật lễ phép đối với họ (So sánh I Phi-e-rơ 3:15). Và vì cớ địa vị của họ, chúng ta phải lễ phép đối với họ ngay cả khi họ là những kẻ ác. Sử gia La-mã Tacitus tả quan tổng trấn Phê-lít là một người “nghĩ mình có thể làm bất cứ chuyện ác nào mà không bị ai trừng phạt cả”. Thế nhưng Phao-lô khởi sự tự biện hộ cho mình trước mặt Phê-lít một cách lễ phép. Cũng thế, Phao-lô nói năng lễ độ với vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba II: “Tôi lấy làm may mà hôm nay được gỡ mình trước mặt vua”, dẫu cho Phao-lô biết Ạc-ríp-ba sống loạn luân. Tương tợ như thế, Phao-lô tỏ ra tôn trọng quan tổng trấn Phê-tu, gọi ông đó là “Quan lớn”, dù cho Phê-tu là người thờ hình tượng (Công-vụ các Sứ-đồ 24:10; 26:2, 3, 24, 25).
5. Có cách nào khác để tôn trọng các quan quyền của chính phủ, và Nhân-chứng Giê-hô-va đặt ra gương mẫu tốt thế nào về điều này?
5 Phao-lô chỉ cho thấy một cách khác để chúng ta bày tỏ sự tôn trọng đối với các công chức chính phủ khi ông viết về việc trả cho các nhà cầm quyền chính phủ những gì họ đòi người ta phải trả cho họ. Ông nói hãy “nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng-góp cho kẻ mình phải đóng-góp” (Rô-ma 13:7). Nhân-chứng Giê-hô-va nộp thuế và đóng góp trong bất cứ nước nào trên thế giới nơi họ sống. Tại Ý tờ báo La Stampa nhận xét: “Họ là những công dân trung thành nhất mà người ta có thể mong mỏi: họ không trốn thuế hoặc tránh né luật pháp không thuận lợi cho họ”. Và tờ The Post ở Palm Beach, tiểu bang Florida, Hoa-kỳ, nhận xét về Nhân-chứng Giê-hô-va: “Họ nộp thuế. Họ ở trong số những công dân lương thiện nhất trong nước Cộng hòa”.
Tôn trọng các chủ nhân
6. Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ nói nên tôn trọng ai khác nữa?
6 Một lãnh vực thứ hai cần phải tôn trọng người khác là tại chỗ làm việc. Cả hai sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ đều nhấn mạnh tầm quan trọng là tín đồ đấng Christ phải tôn trọng những người có quyền cao hơn họ tại chỗ làm việc. Phao-lô viết: “Hết thảy những kẻ dưới ách đầy-tớ phải coi chủ mình là đáng trọng mọi đàng, hầu cho danh-hiệu và đạo-lý của Đức Chúa Trời khỏi bị làm trò cho người phạm-thượng. Ai có chủ là tín-đồ, thì không nên lấy cớ anh em mà khinh-dể, nhưng phải càng hầu việc hơn”. Và Phi-e-rơ nói: “Hỡi kẻ làm tôi-tớ, hãy lấy lòng rất kính-sợ mà phục theo chủ mình, chẳng những phục người chủ hiền-lành mà thôi, lại phải phục người chủ khó tánh nữa” (I Ti-mô-thê 6:1, 2; I Phi-e-rơ 2:18; Ê-phê-sô 6:5; Cô-lô-se 3:22, 23).
7. a) Lời Kinh-thánh khuyên “đầy-tớ” kính trọng “chủ” áp dụng đúng cách thế nào ngày nay? b) Các tín đồ làm việc để lãnh lương nên cẩn thận tôn trọng điều gì nếu người trả lương là anh em tín đồ?
7 Dĩ nhiên, ngày nay chế độ nô lệ không mấy thịnh hành. Nhưng các nguyên tắc chỉ giáo cho tín đồ đấng Christ giữa chủ nhân và nô lệ cũng áp dụng được cho liên hệ giữa người trả lương và người lãnh lương. Vậy người tín đồ làm công để lãnh lương có trách nhiệm tỏ ra tôn trọng ngay cả người trả lương khó tính. Và nói gì nếu người trả lương cũng là anh em tín đồ nữa? Thay vì chờ đợi được ưu đãi hay tư vị, người lãnh lương nên sẵn lòng phục vụ người anh em trả lương cho mình nhiều hơn nữa, không bao giờ lợi dụng dưới bất cứ hình thức nào.
Tôn trọng trong khuôn khổ gia đình
8, 9. a) Con cái có bổn phận tôn kính ai? b) Tại sao con cái nên bày tỏ sự tôn kính này, và chúng có thể tôn kính thế nào?
8 Một phạm vi thứ ba cần phải tỏ ra tôn trọng người khác là trong khuôn khổ gia đình. Thí dụ, con cái có bổn phận tôn kính cha mẹ. Đây không chỉ là một đòi hỏi của Luật pháp Môi-se nhưng cũng là một bổn phận của tín đồ đấng Christ nữa. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó phải lắm. Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi” (Ê-phê-sô 6:1, 2; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).
9 Tại sao con cái nên tôn kính cha mẹ chúng? Chúng phải tôn kính cha mẹ bởi vì uy quyền mà Đức Chúa Trời giao cho cha mẹ và cũng vì những gì cha mẹ chúng đã làm: sanh chúng ra, lo ăn lo mặc cho chúng và nuôi nấng chúng từ thuở thơ ấu. Con cái nên tôn kính cha mẹ chúng thế nào? Chúng nên đặc biệt tôn kính cha mẹ bằng cách vâng lời và phục tùng họ (Châm-ngôn 23:22, 25, 26; Cô-lô-se 3:20). Tôn kính cha mẹ như thế có thể đòi hỏi con cái khi lớn lên phải phụng dưỡng cha mẹ hoặc ông bà già yếu về mặt vật chất và thiêng liêng. Cần phải chu toàn khéo léo trách nhiệm này song song với các trách nhiệm khác sao cho có thăng bằng, nghĩa là vừa làm như thế, vừa săn sóc con cái và vừa tham gia đầy trọn trong sự kết hợp với hội-thánh và đi rao giảng (Ê-phê-sô 5:15-17; I Ti-mô-thê 5:8; I Giăng 3:17).
10. Vợ có bổn phận bày tỏ sự tôn trọng đối với ai, và họ có thể tôn trọng bằng những cách nào?
10 Thế nhưng không chỉ con cái trong gia đình có bổn phận tôn trọng người khác. Vợ phải tôn trọng chồng. Sứ đồ Phao-lô cũng nói “vợ thì phải kính chồng [cách sâu xa]” (Ê-phê-sô 5:33; I Phi-e-rơ 3:1, 2). Bày tỏ “kính chồng cách sâu xa” chắc hẳn gồm việc vợ nên tôn trọng chồng. Sa-ra tôn trọng chồng bà là Áp-ra-ham, khi bà gọi chồng bằng “chúa” (I Phi-e-rơ 3:6). Vậy, hỡi người làm vợ, hãy bắt chước Sa-ra. Hãy tôn trọng chồng bạn bằng cách chấp nhận các quyết định của người và làm cho các quyết định đó đi đến thành công. Bằng cách làm tất cả những gì bạn có thể làm để chia xẻ các gánh nặng với chồng thay vì tạo thêm gánh nặng cho người, bạn tỏ ra tôn trọng họ.
11. Chồng có bổn phận gì trong việc bày tỏ sự tôn trọng, và tại sao?
11 Còn về phần người chồng thì sao? Lời Đức Chúa Trời khuyên họ: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính-nể họ, hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em” (I Phi-e-rơ 3:7). Điều này hẳn làm cho mỗi người chồng phải suy nghĩ. Dường như người vợ có mang tấm bảng đề hàng chữ “Quí báu. Mỏng manh. Xin nhẹ tay! Đáng tôn trọng!” Vậy những người chồng hãy nhớ nếu không tỏ sự tôn trọng vợ đúng cách thì liên lạc giữa họ và Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ có khó khăn vì những lời cầu nguyện của họ sẽ bị cản trở. Thật vậy, tôn trọng lẫn nhau trong gia đình đem lại lợi ích cho nhau.
Trong hội-thánh
12. a) Ai có trách nhiệm bày tỏ sự tôn trọng trong hội-thánh? b) Giê-su chứng tỏ thế nào cho thấy để cho người khác tôn trọng mình là đúng?
12 Mỗi người trong hội-thánh cũng có trách nhiệm tôn trọng lẫn nhau. Kinh-thánh khuyên chúng ta: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10). Trong một ví dụ của Giê-su, ngài cho thấy để cho người khác tôn trọng mình là điều thích hợp. Ngài nói khi chúng ta được mời dự tiệc, chúng ta nên ngồi vào chỗ thấp nhất, vì như vậy chủ nhà sẽ mời chúng ta ngồi lên chỗ cao hơn và chúng ta sẽ được vinh hạnh trước mắt tất cả những người khách cùng dự tiệc (Lu-ca 14:10). Thế thì, bởi lẽ tất cả chúng ta thích người ta tôn trọng mình, hẳn chúng ta nên đặt mình vào địa vị người khác và tôn trọng lẫn nhau phải không? Chúng ta có thể làm điều đó thế nào?
13. Chúng ta có thể bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác trong hội-thánh bằng những cách nào?
13 Nói lời lẽ quí mến đối với một việc làm khéo là tỏ sự tôn trọng. Vậy chúng ta có thể tôn trọng lẫn nhau bằng cách khen ngợi, có lẽ về một bài giảng hay một lời bình luận nói trong hội-thánh. Ngoài ra, chúng ta có thể tôn trọng lẫn nhau bằng cách mặc lấy tinh thần khiêm nhường đối với anh chị em tín đồ, tỏ ra kính nể họ (I Phi-e-rơ 5:5). Như vậy chúng ta bày tỏ chúng ta xem họ là anh em khả kính cùng phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
14. a) Các anh trong hội-thánh có thể bày tỏ thế nào sự tôn trọng đúng cách đối với các chị? b) Điều gì chứng tỏ tặng quà là một cách để bày tỏ sự tôn trọng?
14 Sứ đồ Phao-lô khuyên người trẻ Ti-mô-thê nên đối xử với các chị tín đồ lớn tuổi như mẹ và các chị trẻ như chị ruột thịt, “cách thanh-sạch trọn-vẹn”. Đúng, khi các anh cẩn thận không quá đường đột với các chị tín đồ chẳng hạn như tỏ ra thân mật quá trớn với họ, thì các anh tôn trọng các chị. Phao-lô viết tiếp: “Hãy kính những người đờn-bà góa thật là góa”. Một cách để kính một góa phụ thiếu thốn là giúp đỡ vật chất. Nhưng muốn xứng đáng nhận sự giúp đỡ, góa phụ đó phải “là người được tiếng khen vì việc phước-đức mình” (I Ti-mô-thê 5:2-10). Bàn đến các quà tặng vật chất, Lu-ca viết về thổ dân đảo Man-tơ: “Họ cũng tôn-trọng chúng ta lắm, và lúc chúng ta đi, thì sửa-soạn mọi đồ cần-dùng cho chúng ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 28:10). Như vậy người ta có thể tôn trọng người khác bằng cách tặng đồ vật.
15. a) Chúng ta đặc biệt có bổn phận bày tỏ sự tôn trọng đối với ai? b) Chúng ta có thể bày tỏ sự tôn trọng đối với những người dẫn dắt chúng ta bằng một cách nào?
15 Phao-lô viết tiếp cho Ti-mô-thê: “Các trưởng-lão khéo cai-trị Hội-thánh thì mình phải kính-trọng bội-phần, nhứt là những người chịu chức rao-giảng và dạy-dỗ” (I Ti-mô-thê 5:17). Chúng ta có thể kính trọng các trưởng lão hoặc giám thị bằng những cách nào? Phao-lô nói: “Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước đấng Christ vậy” (I Cô-rinh-tô 11:1). Khi chúng ta nghe theo lời của Phao-lô mà bắt chước ông, chúng ta kính trọng ông. Điều này áp dụng cho những người dẫn dắt chúng ta ngày nay. Khi bắt chước làm theo gương mẫu của họ thì có nghĩa chúng ta tỏ sự kính trọng họ.
16. Ta có thể bày tỏ sự tôn trọng đối với những người dẫn dắt bằng những cách nào khác nữa?
16 Một cách khác để chúng ta kính trọng các giám thị là nghe theo lời khuyên: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình” (Hê-bơ-rơ 13:17). Giống như con cái kính trọng cha mẹ bằng cách nghe lời họ, chúng ta kính trọng những người dẫn dắt chúng ta bằng cách vâng lời và phục tùng họ. Và, như thổ dân tử tế đảo Man-tơ tôn trọng Phao-lô và các bạn đồng hành của ông bằng cách tặng đồ vật cho họ, nhiều người thỉnh thoảng tặng quà cho các đại diện lưu động của Hội để tỏ ra quí trọng họ. Nhưng, dĩ nhiên, họ chớ bao giờ ngỏ lời xin các tặng vật ấy, cũng đừng để cho người khác hiểu ngầm là họ ao ước hay cần đến các quà tặng ấy.
17. Những người giữ đặc ân làm giám thị có bổn phận gì trong việc bày tỏ sự tôn trọng?
17 Mặt khác, tất cả những người có địa vị giám thị trong tổ chức thần quyền—dù tại hội-thánh địa phương, trong một vòng quanh hay địa hạt với tư cách giám thị lưu động, tại một trụ sở chi nhánh của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society), hoặc trong khuôn khổ gia đình—có bổn phận tôn trọng những người ở dưới quyền mình. Điều này đòi hỏi họ tự đặt mình vào địa vị của người khác cũng như bày tỏ tình tương thân tương ái. Họ cần phải luôn luôn làm người khác thấy dễ đến gần, bằng cách tỏ ra mềm mại và khiêm nhường, giống như Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 11:29, 30).
Cố gắng tôn trọng lẫn nhau
18. a) Điều gì có thể ngăn cản chúng ta bày tỏ sự tôn trọng đối với những người đáng tôn trọng? b) Tại sao không bao giờ nên có tinh thần tiêu cực và khắt khe?
18 Tất cả chúng ta cần phải cố gắng trong việc tôn trọng lẫn nhau, bởi vì chúng ta có một trở ngại lớn là lòng bất toàn của chúng ta. Kinh-thánh nói: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ” (Sáng-thế Ký 8:21). Một trong các khuynh hướng của loài người có thể cản trở chúng ta tôn trọng người khác là tinh thần tiêu cực, khắt khe. Tất cả chúng ta đều là những người yếu ớt, bất toàn, cần đến sự thương xót và ân điển vô biên của Đức Giê-hô-va (Rô-ma 3:23, 24). Ý thức được điều đó, chúng ta hãy thận trọng để không chú tâm đến các yếu kém của anh em chúng ta hoặc nghi ngờ động lực của họ.
19. Điều gì sẽ giúp chúng ta chống lại bất cứ khuynh hướng tiêu cực?
19 Liều thuốc hay cho mọi khuynh hướng tiêu cực thể ấy là sự yêu thương và tự chủ. Chúng ta cần phải có thái độ thông cảm, tin cậy, tích cực đối với anh em chúng ta, lưu ý đến các đức tính tốt của họ. Nếu có gì chúng ta không hiểu, chúng ta hãy luôn luôn sẵn lòng khoan dung đối với anh em chúng ta và nghe theo lời khuyên của Phi-e-rơ: “Nhứt là trong vòng anh em phải có tình yêu-thương sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi” (I Phi-e-rơ 4:8). Nếu muốn tôn trọng đúng mức anh em chúng ta, chúng ta phải có loại yêu thương đó.
20, 21. a) Một khuynh hướng khác có thể ngăn cản chúng ta bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau là gì? b) Điều gì sẽ giúp chúng ta chống lại khuynh hướng này?
20 Một nét tính khác có thể cản trở chúng ta tôn trọng người khác là khuynh hướng hay hờn dỗi, hoặc nhạy cảm quá lố. Nhạy cảm là điều tự nhiên. Các nghệ sĩ nhạy cảm trước âm thanh, màu sắc mới có thể sáng tác. Nhưng nhạy cảm quá lố, hoặc dễ hờn dỗi đối với người khác là một hình thức ích kỷ có thể khiến chúng ta mất sự bình an và ngăn cản chúng ta tôn trọng người khác.
21 Truyền-đạo 7:9 chứa đựng những lời khuyên tốt cho chúng ta: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội”. Vậy tỏ ra nhạy cảm quá lố hoặc vội giận là dấu hiệu của việc thiếu khôn ngoan và suy xét, cũng như thiếu yêu thương. Chúng ta phải cảnh giác đề phòng e rằng các khuynh hướng tội lỗi của chúng ta như khuynh hướng tiêu cực, quá khắt khe, hoặc nhạy cảm quá lố, ngăn cản chúng ta tỏ ra tôn trọng tất cả những người đáng tôn trọng.
22. Có thể tóm lược thế nào cho thấy chúng ta có bổn phận bày tỏ sự tôn trọng?
22 Quả thật chúng ta có nhiều lý do để tôn trọng người khác. Và, như chúng ta đã thấy như trên, chúng ta có thể có rất nhiều phương cách để bày tỏ sự tôn trọng như thế. Chúng ta cần phải luôn luôn đề phòng e rằng một thái độ ích kỷ hoặc tiêu cực ngăn cản chúng ta bày tỏ sự tôn trọng. Đặc biệt chúng ta cần phải quan tâm đến việc tôn trọng những người trong gia đình, vợ chồng tôn trọng lẫn nhau và con cái kính trọng cha mẹ. Và trong hội-thánh, chúng ta có bổn phận bày tỏ sự tôn trọng đối với anh em cùng đạo và đặc biệt đối với các giám thị làm việc khó nhọc giữa chúng ta. Trong tất cả các lãnh vực này tỏ ra tôn trọng đúng cách cho những hạng người nêu trên đem lại lợi ích cho chúng ta, như Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tại sao chúng ta phải tôn trọng các nhà cầm quyền và tôn trọng thế nào?
◻ Lời khuyên của Kinh-thánh có thể áp dụng thế nào giữa chủ nhân và người làm?
◻ Nên bày tỏ thế nào sự tôn trọng trong khuôn khổ gia đình?
◻ Có thể bày tỏ sự tôn trọng đặc biệt nào trong hội-thánh, và tại sao?
◻ Có thể vượt qua thế nào những sự yếu kém của loài người ngăn cản tôn trọng người khác?