BÀI HỌC 46
Hãy gìn giữ “cái khiên lớn là đức tin”
“Hãy cầm cái khiên lớn là đức tin”.—Ê-PHÊ 6:16.
BÀI HÁT 119 Chúng ta phải có đức tin
GIỚI THIỆUa
1, 2. (a) Theo Ê-phê-sô 6:16, tại sao chúng ta cần “cái khiên lớn là đức tin”? (b) Chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào?
Anh chị có “cái khiên lớn là đức tin” không? (Đọc Ê-phê-sô 6:16). Hẳn là có. Giống như một cái khiên lớn che được hầu như toàn bộ cơ thể của người lính, đức tin bảo vệ anh chị khỏi những điều vô luân, bạo lực và ảnh hưởng tai hại khác của thế gian đồi bại này.
2 Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng”, và đức tin của chúng ta sẽ tiếp tục bị thử thách (2 Ti 3:1). Làm thế nào anh chị có thể kiểm tra khiên đức tin để đảm bảo rằng nó luôn chắc chắn? Anh chị có thể nắm chắc khiên đức tin của mình bằng cách nào? Hãy cùng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này.
KIỂM TRA KỸ KHIÊN ĐỨC TIN CỦA ANH CHỊ
3. Người lính làm gì với khiên của mình, và tại sao?
3 Vào thời Kinh Thánh, khiên của người lính thường được bọc một lớp da. Người lính bôi dầu lên khiên để bảo vệ lớp da và giữ cho phần làm bằng kim loại của khiên không bị rỉ sét. Nếu thấy khiên bị hỏng ở chỗ nào đó thì người lính sẽ sửa để luôn sẵn sàng cho trận chiến tiếp theo. Minh họa này áp dụng cho đức tin của anh chị như thế nào?
4. Tại sao anh chị cần kiểm tra khiên đức tin, và anh chị làm thế bằng cách nào?
4 Giống như người lính vào thời xưa, anh chị cần đều đặn kiểm tra và gìn giữ khiên đức tin của mình để luôn sẵn sàng chiến đấu. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta tham gia một cuộc chiến về thiêng liêng, và kẻ thù của chúng ta gồm cả ác thần (Ê-phê 6:10-12). Không ai có thể gìn giữ đức tin thay cho anh chị. Vậy làm thế nào để đảm bảo rằng đức tin của mình đủ mạnh hầu đương đầu với thử thách? Trước hết, anh chị cần cầu xin Đức Chúa Trời trợ giúp. Sau đó, hãy dùng Lời Đức Chúa Trời để giúp mình nhìn bản thân theo cách của ngài (Hê 4:12). Kinh Thánh cho biết: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, đừng dựa vào sự hiểu biết của riêng mình” (Châm 3:5, 6). Hãy nghĩ về một số quyết định gần đây của anh chị. Chẳng hạn, anh chị có gặp vấn đề về tài chính không? Lúc đó, anh chị có nghĩ đến lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Hê-bơ-rơ 13:5 không? Câu này nói: “Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con”. Lời hứa ấy có giúp anh chị tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ trợ giúp mình không? Nếu có thì điều đó cho thấy anh chị đang giữ khiên đức tin của mình trong tình trạng tốt.
5. Có lẽ anh chị thấy điều gì khi kiểm tra kỹ đức tin của mình?
5 Có lẽ anh chị sẽ ngạc nhiên với điều mình nhận ra khi kiểm tra kỹ đức tin của mình. Anh chị có thể thấy điểm yếu mà mình không nhận ra trong thời gian qua. Chẳng hạn, anh chị nhận thấy đức tin của mình bị suy yếu bởi sự lo lắng thái quá, những lời dối trá của kẻ thù và sự nản lòng. Nếu điều đó xảy ra, làm thế nào anh chị có thể bảo vệ đức tin khỏi bị suy yếu thêm?
BẢO VỆ MÌNH KHỎI SỰ LO LẮNG THÁI QUÁ, NHỮNG LỜI DỐI TRÁ VÀ SỰ NẢN LÒNG
6. Hãy nêu một số ví dụ về mối lo lắng chính đáng.
6 Có một số mối lo lắng được xem là chính đáng. Chẳng hạn, chúng ta lo sao để làm Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su vui lòng (1 Cô 7:32). Nếu phạm tội trọng, chúng ta nóng lòng muốn hàn gắn tình bạn với Đức Chúa Trời (Thi 38:18). Chúng ta cũng lo sao cho người hôn phối đẹp lòng và chăm lo cho gia đình cũng như lợi ích của anh em đồng đạo.—1 Cô 7:33; 2 Cô 11:28.
7. Theo Châm ngôn 29:25, tại sao chúng ta không nên sợ loài người?
7 Tuy nhiên, sự lo lắng thái quá có thể làm suy yếu đức tin của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta luôn lo lắng về việc làm thế nào để có cơm ăn và áo mặc (Mat 6:31, 32). Để giải tỏa mối lo lắng ấy, có lẽ chúng ta chú tâm vào việc tích lũy của cải vật chất. Thậm chí chúng ta dần trở nên ham tiền. Nếu để điều ấy xảy ra, đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va sẽ bị xói mòn, và chúng ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng về thiêng liêng (Mác 4:19; 1 Ti 6:10). Trường hợp khác là chúng ta có thể rơi vào tình trạng lo lắng thái quá về việc làm thế nào để được người khác chấp nhận. Lúc ấy, có lẽ chúng ta sợ bị chê cười hoặc chống đối thay vì sợ làm Đức Giê-hô-va buồn lòng. Để tránh rơi vào bẫy này, chúng ta cần cầu xin ngài ban cho đức tin và sự can đảm cần thiết hầu đương đầu với thử thách đó.—Đọc Châm ngôn 29:25; Lu 17:5.
8. Chúng ta nên phản ứng thế nào trước những lời dối trá?
8 Sa-tan, “cha sự nói dối”, dùng những người mà hắn kiểm soát để lan truyền các lời dối trá về Đức Giê-hô-va và anh em chúng ta (Giăng 8:44). Chẳng hạn, những kẻ bội đạo lan truyền các lời giả dối hoặc bóp méo sự thật về tổ chức Đức Giê-hô-va trên các trang web, ti-vi và phương tiện truyền thông khác. Những lời dối trá này nằm trong số các mũi tên lửa của Sa-tan (Ê-phê 6:16). Chúng ta nên phản ứng thế nào khi ai đó nói với mình những lời dối trá như thế? Hãy lập tức bác bỏ. Tại sao? Vì chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo. Chúng ta muốn tránh xa kẻ bội đạo, và không để bất cứ ai hay điều gì, kể cả sự tò mò, lôi kéo mình vào những cuộc tranh luận với họ.
9. Sự nản lòng có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
9 Sự nản lòng có thể làm đức tin của chúng ta bị suy yếu. Đôi khi chúng ta cảm thấy nản lòng vì những vấn đề cá nhân, và dĩ nhiên chúng ta không muốn làm ngơ trước những vấn đề ấy. Nhưng đừng để vấn đề cá nhân chế ngự tâm trí mình. Nếu để điều đó xảy ra, hy vọng tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va ban sẽ trở nên lu mờ đối với chúng ta (Khải 21:3, 4). Cảm giác nản lòng có thể khiến chúng ta bị vắt kiệt sức và bỏ cuộc (Châm 24:10). Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh được tình trạng này.
10. Anh chị học được gì qua lá thư của một chị ở Hoa Kỳ?
10 Hãy xem một chị ở Hoa Kỳ đã làm gì để giữ vững đức tin trong khi chăm sóc người chồng bị bệnh nặng. Trong thư gửi trụ sở trung ương, chị chia sẻ: “Có lúc chúng tôi cảm thấy rất căng thẳng và nản lòng, nhưng vẫn tràn trề hy vọng về một tương lai tươi sáng. Tôi vô cùng biết ơn về thức ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va ban để giúp tôi củng cố đức tin và được lên tinh thần. Chúng tôi rất cần những lời khuyên và sự khích lệ như thế. Vì nhờ đó, chúng tôi có thể bước tiếp và chịu đựng thử thách mà Sa-tan gây ra”. Những lời tâm sự này cho thấy chúng ta có thể vượt qua được sự nản lòng. Bằng cách nào? Hãy xem thử thách mà mình gặp phải là cơ hội để thể hiện lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và chống lại Sa-tan. Hãy nhận biết rằng Đức Giê-hô-va là Nguồn của mọi sự an ủi. Cũng hãy quý trọng thức ăn thiêng liêng mà ngài cung cấp.
11. Để kiểm tra đức tin của mình, chúng ta cần tự hỏi điều gì?
11 Anh chị có thấy khiên đức tin của mình cần được củng cố không? Trong những tháng qua, anh chị có tránh được tình trạng lo lắng thái quá không? Anh chị có kháng cự được việc nghe và tranh luận với kẻ bội đạo về những lời dối trá mà họ lan truyền không? Anh chị có đương đầu được với sự nản lòng không? Nếu câu trả lời là có thì đức tin của anh chị ở trong tình trạng tốt. Dù vậy chúng ta phải tiếp tục cảnh giác, vì Sa-tan cũng dùng các vũ khí khác để tấn công chúng ta. Hãy xem một trong những vũ khí ấy.
BẢO VỆ MÌNH KHỎI CHỦ NGHĨA VẬT CHẤT
12. Chủ nghĩa vật chất có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
12 Chủ nghĩa vật chất có thể khiến chúng ta bị phân tâm và không để ý đến khiên đức tin của mình. Sứ đồ Phao-lô cho biết: “Người nào đi lính thì không tham gia vào việc làm ăn buôn bán trong cuộc sống, hầu làm hài lòng người đã chiêu mộ mình” (2 Ti 2:4). Thực tế là người lính La Mã không được tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Chuyện gì có thể xảy ra nếu một người lính lờ đi đòi hỏi này?
13. Tại sao người lính không tham gia vào việc làm ăn buôn bán?
13 Hãy hình dung tình huống này. Một nhóm lính luyện gươm cả buổi sáng để sẵn sàng chiến đấu, nhưng một người lính vắng mặt. Người lính này tất bật với cửa hàng bán đồ ăn ở chợ. Đến đêm, trong khi những người lính khác dành thời gian để kiểm tra bộ khí giới và mài gươm, thì người lính ấy lại bận rộn chuẩn bị thức ăn để bán vào ngày hôm sau. Rồi khi trời sáng, quân thù bất ngờ tấn công. Người lính nào sẵn sàng chiến đấu và làm cho tướng chỉ huy vui lòng? Anh chị muốn đứng cạnh ai hơn, người lính sẵn sàng chiến đấu hay người lính bị phân tâm?
14. Là những người lính của Đấng Ki-tô, chúng ta quý trọng điều gì?
14 Giống như những người lính sẵn sàng ra trận, chúng ta cần chú tâm vào mục tiêu chính là làm hài lòng hai Đấng Chỉ Huy của chúng ta, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Chúng ta xem mục tiêu này quý giá hơn việc đạt được bất cứ thứ gì trong thế gian của Sa-tan. Chúng ta muốn đảm bảo là mình có thời gian và sức lực để phụng sự Đức Giê-hô-va và giữ cho khiên đức tin cũng như phần còn lại của bộ khí giới thiêng liêng luôn trong tình trạng tốt.
15. Phao-lô đưa ra lời cảnh báo nào, và tại sao?
15 Chúng ta cần luôn giữ tinh thần cảnh giác. Tại sao? Sứ đồ Phao-lô cảnh báo rằng “những ai quyết chí làm giàu” sẽ “bị lạc khỏi đức tin” (1 Ti 6:9, 10). Cụm từ “bị lạc khỏi” cho thấy chúng ta có thể bị phân tâm nếu tích lũy những của cải không cần thiết. Khi đó, trong lòng chúng ta sẽ có “nhiều ước muốn vô nghĩa tai hại”. Đừng để những ước muốn này ảnh hưởng đến lòng, nhưng hãy xem chúng là vũ khí mà Sa-tan dùng để làm suy yếu đức tin của mình.
16. Lời tường thuật nơi Mác 10:17-22 thúc đẩy chúng ta suy ngẫm những câu hỏi nào?
16 Giả sử chúng ta có đủ tiền để sắm nhiều đồ đạc. Việc mua những thứ không thật sự cần thiết có phải là sai không? Không hẳn. Nhưng hãy suy nghĩ đến những câu hỏi này: Ngay cả nếu có đủ tiền để mua một món đồ nào đó, liệu chúng ta có thời gian và sức lực để sử dụng và bảo dưỡng món đồ ấy không? Liệu chúng ta sẽ trở nên ham thích của cải vật chất không? Việc xem trọng của cải có khiến chúng ta hành động giống với chàng trai trẻ khi Chúa Giê-su mời anh ta phụng sự Đức Chúa Trời nhiều hơn không? (Đọc Mác 10:17-22). Thật tốt hơn biết bao nếu giữ một đời sống đơn giản và dùng thời gian cũng như sức lực để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời!
HÃY NẮM CHẮC KHIÊN ĐỨC TIN
17. Chúng ta cần luôn nhớ điều gì?
17 Hãy luôn nhớ rằng chúng ta đang tham gia một cuộc chiến và phải sẵn sàng chiến đấu mỗi ngày (Khải 12:17). Anh em đồng đạo không thể mang khiên đức tin thay cho chúng ta. Chúng ta cần tự mình nắm chắc cái khiên ấy.
18. Tại sao những người lính vào thời xưa cần nắm chắc khiên của mình?
18 Vào thời xưa, một người lính được tôn vinh vì thể hiện sự can đảm trên chiến trường. Nhưng người lính sẽ cảm thấy nhục nhã nếu từ chiến trận trở về mà lại không mang theo khiên. Sử gia người La Mã là Tacitus viết: “Bỏ khiên ngoài chiến trường là nỗi sỉ nhục lớn nhất”. Đó là một lý do mà những người lính cần đảm bảo rằng họ luôn nắm chắc khiên của mình.
19. Chúng ta có thể nắm chắc khiên đức tin bằng cách nào?
19 Chúng ta cần nắm chắc khiên đức tin bằng cách đều đặn tham dự các buổi nhóm họp, và nói cho người khác biết về danh Đức Chúa Trời cũng như Nước của ngài (Hê 10:23-25). Ngoài ra, chúng ta cần đọc Kinh Thánh hằng ngày và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình áp dụng những lời khuyên và sự hướng dẫn trong sách ấy (2 Ti 3:16, 17). Khi làm thế, không vũ khí nào của Sa-tan có thể khiến chúng ta bị thiệt hại lâu dài (Ê-sai 54:17). “Cái khiên lớn là đức tin” sẽ bảo vệ chúng ta. Chúng ta sẽ đứng vững, kề vai sát cánh cùng anh em đồng đạo. Chúng ta sẽ giành chiến thắng trong trận chiến diễn ra mỗi ngày. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta sẽ có niềm vinh dự được đứng về phía Chúa Giê-su khi ngài giành chiến thắng trong cuộc chiến với Sa-tan và những kẻ theo phe hắn.—Khải 17:14; 20:10.
BÀI HÁT 118 ‘Xin cho chúng con thêm đức tin’
a Vào thời xưa, người lính cần có khiên để bảo vệ mình khỏi nguy hiểm. Đức tin của chúng ta hoạt động giống với cái khiên. Và như cái khiên cần được gìn giữ thì đức tin cũng vậy. Bài này xem xét những điều chúng ta có thể làm để đảm bảo rằng “cái khiên lớn là đức tin” của mỗi chúng ta luôn trong tình trạng tốt.
b HÌNH ẢNH: Khi thấy trên ti-vi nói về những kẻ bội đạo lan truyền các lời dối trá về Nhân Chứng Giê-hô-va, một gia đình Nhân Chứng đã ngay lập tức tắt ti-vi.
c HÌNH ẢNH: Sau đó, trong buổi thờ phượng của gia đình, người cha dùng một đoạn Kinh Thánh để củng cố đức tin của gia đình mình.