Giàu—Có mang lại hạnh phúc không?
Vua Sa-lô-môn biết giá trị của tiền bạc. Ông viết: “Người ta bày tiệc đặng vui chơi; rượu khiến cho đời vui; có tiền-bạc thì ứng cho mọi sự” (Truyền-đạo 10:19). Tiệc tùng với bạn bè có thể là điều rất vui thú, nhưng cần có tiền mới mua được bánh hay rượu. Vì tiền bạc là phương tiện để mua được vật chất, tiền bạc “ứng cho mọi sự”.
DÙ SA-LÔ-MÔN giàu không thể tưởng, ông biết rằng của cải có giới hạn của nó. Ông nhận thấy rằng một lối sống duy vật không dẫn đến hạnh phúc. Ông viết: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc; kẻ ham của-cải chẳng hề chán về huê-lợi” (Truyền-đạo 5:10).
Giả sử một người giàu được giàu thêm. Sa-lô-môn nói: “Hễ của-cải thêm nhiều chừng nào, kẻ ăn cũng thêm nhiều chừng nấy” (Truyền-đạo 5:11). Khi “của-cải” hoặc tài sản của một người càng gia tăng, thì càng cần nhiều người để trông nom, chẳng hạn như thợ sửa chữa, lao công, phục dịch, người canh gác và những người khác nữa. Tất cả đều cần phải được trả lương. Do đó, điều này đòi hỏi phải có nhiều tiền hơn.
Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của người ta. Sử gia Hy Lạp là Xenophon, sống vào thế kỷ thứ tư TCN, viết ra những lời bình luận của một người nghèo đã phát tài:
“Tại sao quí vị lại nghĩ càng có nhiều của tôi càng hạnh phúc?” Ông nói tiếp: “Quí vị đâu có biết rằng hiện tại nó chẳng khiến tôi ăn ngon, ngủ yên hơn tí nào so với lúc tôi còn hàn vi. Điều duy nhất mà tôi được là phải chăm sóc nhiều thứ hơn, phân phát nhiều của hơn cho người khác và gặp phiền toái trong việc trông nom nhiều của hơn xưa. Vì bây giờ nhiều gia nhân cậy vào tôi để có miếng ăn áo mặc, trong khi vài người cần thầy thuốc; người thì chạy lại kể chuyện chó sói tấn công đàn chiên, hoặc chuyện bò chết vì sụp chân xuống vực thẳm, hoặc để báo cho biết đàn gia súc bị lây bệnh. Nên bây giờ tôi thấy có vẻ... như là tôi khổ tâm nhiều hơn là lúc tôi ít của”.
Một lý do khác cho biết tại sao người ta càng đeo đuổi của cải hơn bao giờ hết là vì họ bị cái mà Chúa Giê-su Christ gọi là “sự mê-đắm về của-cải” đánh lừa (Ma-thi-ơ 13:22). Họ bị lừa vì sự giàu có mà họ đeo đuổi không bao giờ đem lại thỏa mãn và hạnh phúc như họ mong đợi. Họ lý luận rằng ít của chẳng làm nên trò trống gì, có nhiều hơn ắt sẽ làm được nhiều điều. Vậy người ta cứ mải miết kiếm thêm.
Sự tham tiền bạc không dẫn đến hạnh phúc
Việc quan tâm đến của cải có thể khiến cho một người giàu tối ngủ không yên. Sa-lô-môn viết: “Giấc ngủ của người làm việc là ngon, mặc dầu người ăn ít hay nhiều; nhưng sự chán-lắc làm cho người giàu không ngủ được” (Truyền-đạo 5:12).
Khi sợ mất của thái quá, thì một người không chỉ mất ngủ mà thôi. Miêu tả người say mê tiền bạc, Sa-lô-môn viết: “Lại trọn đời mình, mình ăn trong sự tối-tăm, phải nhiều sự buồn-rầu đau-đớn và phiền-não” (Truyền-đạo 5:17). Thay vì tìm thấy hạnh phúc trong sự giàu có, người đó ăn ‘trong sự buồn-rầu’, làm như là vừa ăn vừa xót ruột vì tiếc tiền mua thức ăn. Một quan điểm bệnh hoạn như thế có thể làm hại sức khỏe. Rồi sức khỏe kém khiến người bủn xỉn đó càng lo lắng nhiều hơn, vì người không thể thâu trữ nhiều của cải hơn nữa.
Có lẽ điều này khiến bạn nhớ đến những gì sứ đồ Phao-lô viết: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà... chuốc lấy nhiều điều đau-đớn” (1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Chỉ vì chạy theo tiền bạc mà người ta gian lận, nói dối, ăn cắp, bán mình và ngay cả phạm tội giết người. Hậu quả là một người bị tổn thương về tình cảm, thể xác và thiêng liêng bởi tìm cách bám chặt vào của cải. Đó có phải là con đường dẫn đến hạnh phúc không? Chắc chắn là không!
Hài lòng với những gì mình có
Sa-lô-môn còn nhiều điều để nói về một quan điểm thăng bằng đối với của cải. Ông viết: “Mình lọt ra khỏi lòng mẹ trần-truồng thể nào, ắt sẽ trở về thể ấy, và về các huê-lợi của sự lao-khổ mình, chẳng có vật gì tay mình đem theo được. Kìa, ta đã nhìn thấy rằng ăn, uống, và hưởng phước của sự lao-khổ mình làm ở dưới mặt trời trọn trong những ngày mà Đức Chúa Trời ban cho, ấy thật là tốt và hay; vì đó là kỷ-phần mình” (Truyền-đạo 5:15, 18).
Những lời này cho thấy hạnh phúc không cốt ở việc tìm cách tích lũy của cải cho một ngày mà chúng ta có thể không còn nữa. Thật là tốt hơn biết bao khi cảm thấy mãn nguyện và vui hưởng công lao khó nhọc của mình. Sứ đồ Phao-lô diễn tả một ý tưởng tương tự trong lá thư được soi dẫn gửi cho Ti-mô-thê. Ông nói: “Chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”. (1 Ti-mô-thê 6:7, 8; so sánh Lu-ca 12:16-21).
Bí quyết dẫn đến hạnh phúc
Sa-lô-môn vừa giàu có dư dật vừa đầy dẫy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Nhưng ông liên kết hạnh phúc với sự khôn ngoan chứ không phải với tiền bạc. Ông nói: “Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan, và được sự thông-sáng, có phước thay! Vì thà được nó hơn là được tiền-bạc, hoa-lợi nó sanh ra tốt hơn vàng ròng. Sự khôn-ngoan quí-báu hơn châu-ngọc, chẳng một bửu-vật nào con ưa-thích mà sánh kịp nó được. Tay hữu nó cầm sự trường-thọ, còn trong tay tả, có sự giàu-có và vinh-hiển. Các nẻo nó vốn là nẻo khoái-lạc, và các lối nó cả đều bình-an. Nó là cây sự sống cho ai nắm lấy nó; người nào cầm-giữ nó đều được phước-hạnh” (Châm-ngôn 3:13-18).
Tại sao sự khôn ngoan trổi hơn của cải vật chất? Sa-lô-môn viết: “Sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy; nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó” (Truyền-đạo 7:12). Trong khi tiền bạc che chở một phần nào, giúp người có tiền mua sắm những gì mình cần, thì sự khôn ngoan có thể che chở một người khỏi liều lĩnh mà làm hại mạng sống mình. Sự khôn ngoan thật không những cứu người ta khỏi bị chết sớm mà còn dẫn đến sự sống đời đời nữa, vì nó dựa trên sự kính sợ đúng cách đối với Đức Chúa Trời.
Tại sao sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời dẫn đến hạnh phúc? Vì hạnh phúc thật chỉ có thể đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng hạnh phúc chân thật chỉ có thể tìm được qua sự vâng lời Đấng Chí Cao. Hạnh phúc lâu dài tùy thuộc vào việc có một vị thế được Đức Chúa Trời chấp nhận (Ma-thi-ơ 5:3-10). Bằng cách áp dụng những gì chúng ta học được qua Kinh-thánh, chúng ta sẽ vun trồng “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống” (Gia-cơ 3:17). Sự khôn ngoan ấy sẽ đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc mà của cải không bao giờ có thể đem lại được.
[Các hình nơi trang 5]
Vua Sa-lô-môn biết điều gì mang lại hạnh phúc cho một người. Còn bạn thì sao?