Tại sao người ta làm ác?
“Nhân vô thập toàn”, ai cũng công nhận điều này. Vì thế, chúng ta đều phạm lỗi và làm những việc khiến mình hối tiếc. Tuy nhiên, điều đó có giải thích được những hành vi phạm pháp, dù ở mức độ nào, mà hầu như mỗi ngày chúng ta chứng kiến hoặc biết qua phương tiện truyền thông không?
Dù bất toàn nhưng hầu hết người ta nhận thức rằng có những giới hạn về đạo đức không thể vượt qua, và con người có thể kiềm chế để không phạm tội. Đa số người ta cũng thừa nhận là có sự khác biệt giữa vô ý nói sai sự thật và cố tình vu khống, vô tình gây thương tích và cố ý giết người. Thế mà những hành vi tàn ác thường do những người bình thường sống xung quanh chúng ta gây ra. Tại sao thế? Vì sao người ta làm ác?
Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, đưa ra câu trả lời cho vấn đề trên. Sách này cho biết vì sao nhiều người làm những việc họ biết là xấu. Vậy, hãy xem Kinh Thánh nói gì.
▪ “Bị áp bức, người khôn hóa dại”.—TRUYỀN-ĐẠO 7:7, CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ.
Kinh Thánh cho biết đôi khi hoàn cảnh bức bách con người làm những điều mà bình thường họ không làm. Thậm chí, một số người sẵn sàng làm việc phi pháp vì nghĩ rằng đó là giải pháp cho sự gian khổ và bất công. Một cuốn sách nói về khủng bố (Urban Terrorism) nhận xét: “Trong nhiều trường hợp, động cơ chính khiến một người có hành vi khủng bố là do bất mãn với hệ thống chính trị, cơ cấu xã hội và kinh tế mà người đó cho là thối nát”.
▪ “Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác”.—1 TI-MÔ-THÊ 6:10.
Dân gian có câu: “Đồng tiền làm mờ con mắt”. Câu này ngụ ý rằng ngay cả người tốt cũng sẵn sàng vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức khi đứng trước đồng tiền. Một số người lúc bình thường thì tốt bụng và tử tế, nhưng khi động đến tiền bạc thì họ thay đổi, trở nên bỉ ổi và hung hăng. Có biết bao tội ác xuất phát từ lòng tham như tống tiền, lừa đảo, bắt cóc và giết người!
▪ “Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác”.—TRUYỀN-ĐẠO 8:11.
Theo câu Kinh Thánh này, con người thường nghĩ rằng nếu không bị người có uy quyền giám sát thì dù làm bất cứ điều gì, họ sẽ không bị phạt. Thế nên, nhiều người chạy xe quá tốc độ cho phép, gian lận trong thi cử, biển thủ công quỹ và làm những việc tồi tệ hơn nữa. Khi luật pháp không được thi hành chặt chẽ hay người ta không sợ bị bắt, những người thường tuân thủ luật pháp dễ phạm những điều mà bình thường họ không dám. Một tạp chí (Arguments and Facts) nhận xét: “Dân chúng bị tác động khi thấy nhiều tên tội phạm dễ thoát hình phạt. Dường như đây là lý do khiến một số công dân phạm những tội tàn ác”.
▪ “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác”.—GIA-CƠ 1:14, 15.
Là con người, ai cũng có lúc suy nghĩ sai trái. Ngoài ra, hằng ngày chúng ta phải đối phó với nhiều cám dỗ từ thế gian. Tuy nhiên, các môn đồ của Chúa Giê-su vào thời xưa được bảo rằng: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người đâu” (1 Cô-rinh-tô 10:13). Thế nên, một người phạm tội hay không là do sự lựa chọn của họ: nhanh chóng loại bỏ ý nghĩ xấu hay nuôi dưỡng nó và để nó phát triển. Nơi Gia-cơ 1:14, 15 cảnh báo rằng nếu một người “cưu-mang” ham muốn xấu thì sớm muộn gì cũng sẽ làm điều xấu.
▪ “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.—CHÂM-NGÔN 13:20.
Bạn bè có thể tác động tốt hoặc xấu đến chúng ta. Do đó, không nên xem nhẹ ảnh hưởng của họ. Rất nhiều trường hợp người ta làm những điều họ không định làm, chỉ vì áp lực của bạn bè hoặc vì giao du với bạn xấu, và hậu quả thật tai hại. Từ “điên-dại” trong câu trên không phải nói đến những người thiếu thông minh, nhưng nói về những người lờ đi lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh. Dù ở độ tuổi nào, nếu chúng ta không khéo chọn bạn, tức dựa trên tiêu chuẩn Kinh Thánh, thì sẽ “bị tàn-hại”.
Những câu này cùng các câu khác trong Kinh Thánh giải thích vắn tắt vì sao nhiều người, kể cả người bình thường, làm điều xấu, thậm chí những điều gây sửng sốt. Dù việc hiểu được nguyên do khiến con người làm những điều xấu xa như thế là hữu ích, nhưng có giải pháp nào để thay đổi tình trạng đó không? Có, vì Kinh Thánh chẳng những cho biết tại sao con người phạm tội ác mà còn hứa là những hành vi ấy sẽ không còn nữa. Đó là những lời hứa nào? Mọi sự gian ác có thật sự chấm dứt không? Bài tiếp theo sẽ cho biết lời giải đáp.