Bạn có thể đối phó với cuộc sống bấp bênh
“CHẮC CHẮN rồi!” “Là cái chắc!” “Bảo đảm!” Rất có thể bạn đã nghe những câu nói như thế nhiều lần. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, ít có gì là chắc chắn. Cuộc sống khó tiên liệu đến nỗi chúng ta thường tự hỏi mình có thể tuyệt đối chắc chắn về bất cứ điều gì không. Dường như sự bấp bênh là một phần trong cuộc sống.
Điều dễ hiểu là đa số muốn chính họ và gia đình được sống yên ổn, hạnh phúc. Họ làm việc rất chăm chỉ để gom góp những thứ mà họ nghĩ rằng sẽ làm họ sống yên ổn, hạnh phúc—thường là tiền bạc và của cải vật chất. Tuy nhiên, những tài sản như thế có thể tức khắc tiêu tan trong một trận động đất, cuồng phong, tai nạn hoặc tội ác có bạo lực. Đời sống có thể thay đổi thình lình vì lâm bệnh trầm trọng, ly dị, hoặc thất nghiệp. Đúng là bạn có thể không thật sự lâm vào những cảnh ngộ như trên. Tuy nhiên, nội việc biết rằng một điều khủng khiếp có thể xảy ra bất cứ lúc nào cũng đủ gây ra cảm giác lo âu làm xáo động tâm trí. Nhưng không phải chỉ có thế.
Có thể định nghĩa “bấp bênh” là dễ thay đổi thất thường vì không có cơ sở vững chắc, thường gây trở ngại cho việc quyết định. Ngoài ra, theo sách Vận dụng tâm trí bạn (Anh ngữ), “không chắc chắn về một điều quan trọng là nguyên nhân chính gây ra băn khoăn lo lắng”. Sự bấp bênh không giải tỏa được có thể đưa đến lo lắng, bực bội và tức giận. Đúng thế, lo lắng về những điều có thể hoặc không thể xảy ra, tác hại đến tâm thần và thể chất chúng ta.
Do đó, một số người đi đến cực đoan khác. Họ giống như một thiếu niên người Ba Tây đã nói: “Việc gì phải lo về việc sẽ xảy ra? Hôm nay là hôm nay, ngày mai là ngày mai”. Thái độ “hãy ăn, hãy uống” như thế là một quan điểm theo thuyết định mệnh, chỉ có thể dẫn đến thất vọng, khổ não và rốt cuộc là cái chết. (1 Cô-rinh-tô 15:32) Tốt hơn hết là chúng ta hướng về Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói nơi Ngài “chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào”. (Gia-cơ 1:17) Nếu xem xét Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy lời khuyên và hướng dẫn hợp lý về cách đối phó với những bấp bênh trong cuộc sống. Kinh Thánh cũng có thể giúp chúng ta hiểu tại sao đời sống nhiều bấp bênh đến thế.
Nguyên nhân của sự bấp bênh
Kinh Thánh đưa ra quan điểm thực tế về đời sống và giúp chúng ta vun trồng thái độ đúng đắn đối với các tình huống bấp bênh và hay thay đổi. Mặc dù mối quan hệ gia đình, địa vị xã hội, trí thông minh, sức khỏe tốt, v.v... có thể mang lại phần nào yên ổn, nhưng Kinh Thánh cho thấy chúng ta không thể cho rằng những điều ấy cứ mãi như thế hoặc muốn đời sống luôn dễ dàng. Vị Vua khôn ngoan Sa-lô-môn nói: “Kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua, người mạnh sức chẳng được thắng trận, kẻ khôn-ngoan không đặng bánh, kẻ thông-sáng chẳng hưởng của-cải, và người khôn-khéo chẳng được ơn”. Tại sao thế? “Vì thời-thế và cơ-hội xảy đến cho mọi người”. Vì thế, Sa-lô-môn khuyến cáo: “Như cá mắc lưới, chim phải bẫy-dò thể nào, thì loài người cũng bị vấn vương trong thời tai-họa xảy đến thình lình thể ấy”.—Truyền-đạo 9:11, 12.
Chúa Giê-su Christ cũng nói sẽ có cả một thế hệ con người sống trong thời kỳ có nhiều lo âu và bấp bênh cực độ. Ngài diễn đạt bằng một ngôn ngữ sống động: “Sẽ có các điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao; còn dưới đất, dân các nước sầu-não rối-loạn vì biển nổi tiếng om-sòm và sóng-đào. Người ta nhân trong khi đợi việc hung-dữ xảy ra cho thế-gian, thì thất-kinh mất vía, vì các thế-lực trên trời sẽ rúng-động”. Song Chúa Giê-su chỉ ra một điều khích lệ cho những người có lòng ngay thẳng ngày nay: “Khi các ngươi thấy những điều ấy xảy ra, hãy biết nước Đức Chúa Trời gần đến”. (Lu-ca 21:25, 26, 31) Tương tự như thế, thay vì sợ hãi một tương lai bất định, đức tin nơi Đức Chúa Trời giúp chúng ta hướng đến một tương lai tuyệt vời, yên ổn.
‘Niềm hy vọng được thực hiện đầy đủ’
Mặc dù không thể chắc chắn về mọi điều chúng ta nghe, đọc hoặc thấy, nhưng chúng ta có lý do vững chắc để tin tưởng Đấng Tạo Hóa. Không những Ngài là Đấng Tối Cao mà còn là Cha đầy lòng yêu thương, chăm lo cho con cái Ngài dưới đất. Chính Đức Chúa Trời nói về lời Ngài: ‘Lời nói của ta... đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về với ta, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó’.—Ê-sai 55:11.
Chúa Giê-su Christ dạy lẽ thật của Đức Chúa Trời; nhiều người nghe ngài đã vững tâm tin chắc và chấp nhận lẽ thật ấy. Thí dụ, nhóm người Sa-ma-ri lòng dạ chân thật, nói với người đàn bà nghe Chúa Giê-su đầu tiên: “Ấy không còn phải vì điều ngươi đã nói với chúng ta mà chúng ta tin đâu; vì chính chúng ta đã nghe Ngài, và biết rằng chính Ngài thật là Cứu-Chúa của thế-gian”. (Giăng 4:42) Ngày nay cũng vậy, dù sống trong thời kỳ bất ổn, nhưng chúng ta không bắt buộc phải hoang mang về những gì mình tin.
Nói đến niềm tin tôn giáo, nhiều người có ý kiến là chỉ cần tin thay vì cố gắng hiểu. Tuy nhiên, Lu-ca, một trong những người viết Kinh Thánh, không tán thành quan điểm đó. Ông đã nghiên cứu và cung cấp thông tin chính xác để người khác có thể “biết những điều” ông viết “là chắc-chắn”. (Lu-ca 1:4) Bởi lẽ không có cùng niềm tin như chúng ta, gia đình và bạn hữu có thể sợ rằng cuối cùng chúng ta bị vỡ mộng và thất vọng, nên điều quan trọng là chúng ta có khả năng bênh vực đức tin mình. (1 Phi-e-rơ 3:15) Chỉ bằng cách biết đích xác lý do khiến chúng ta tin, mới có thể giúp người khác tin nơi Đức Chúa Trời. Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va bằng những lời này: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4.
Hãy xem xét câu cuối cùng trong lời trên: “Ngài là công-bình và chánh-trực”. Chúng ta có bằng chứng nào để chắc chắn về điều này? Sứ đồ Phi-e-rơ hoàn toàn tin chắc điều đó. Ông nói với một sĩ quan người La Mã và gia đình người ấy: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai [“không thiên vị người nào”, Tòa Tổng Giám Mục], nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Phi-e-rơ nói những lời này vì ông vừa chứng kiến bàn tay của Đức Chúa Trời điều khiển sự việc, khiến một gia đình dân ngoại trước kia bị xem là ô uế, không được chấp nhận mà nay lại được Ngài chấp nhận. Như Phi-e-rơ, chúng ta cũng có thể tin chắc Đức Chúa Trời công bình và không thiên vị khi chính mắt nhìn thấy đám đông “vô-số người”—hơn sáu triệu—từ hơn 230 xứ trên khắp trái đất, đã từ bỏ lối sống cũ và bước đi trên con đường công bình.—Khải-huyền 7:9; Ê-sai 2:2-4.
Là tín đồ thật của Đấng Christ, chúng ta muốn là người khiêm nhường và phải lẽ, chứ không cứng nhắc và võ đoán. Song chúng ta không hoang mang về những điều chúng ta tin và chờ đợi ở tương lai. Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất: “Chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng”. (Hê-bơ-rơ 6:11, TTGM) Tương tự như thế, tin mừng trong Kinh Thánh đã mang lại cho chúng ta “niềm hy vọng... được thực hiện đầy đủ”. Hy vọng ấy hoàn toàn dựa trên Lời Đức Chúa Trời và như Phao-lô cũng giải thích, sẽ không làm chúng ta “phải thất vọng”.—Rô-ma 5:5, TTGM.
Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn tin chắc rằng dạy người khác về tin mừng trong Kinh Thánh có thể mang lại cho họ sự yên ổn và niềm tin thiêng liêng chắc chắn, ngay cả yên ổn và chắc chắn về tình cảm và thể chất. Chúng ta có thể đồng tình với Phao-lô: “Đạo Tin-lành chúng tôi đã rao-truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền-phép, Đức Thánh-Linh và sức-mạnh của sự tin-quyết nữa”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5.
Ân phước hiện tại trong sự yên ổn thiêng liêng
Mặc dù không thể chờ đợi sự an toàn tuyệt đối trong đời sống ngày nay, nhưng có những điều chúng ta có thể làm để mang lại một đời sống tương đối an toàn và ổn định. Chẳng hạn như đều đặn tham dự các buổi nhóm họp với hội thánh tín đồ Đấng Christ. Điều này góp phần mang lại sự ổn định vì ở đó chúng ta học các nguyên tắc và giá trị đúng đắn, lành mạnh. Phao-lô viết: “Hãy răn-bảo kẻ giàu ở thế-gian nầy đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”. (1 Ti-mô-thê 6:17) Bằng cách tập tin cậy Đức Giê-hô-va, không tin cậy nơi của cải phù du hoặc theo đuổi thú vui, nhiều người đã trút bỏ được những lo âu và bực bội trước kia họ phải mang.—Ma-thi-ơ 6:19-21.
Trong hội thánh, chúng ta cũng hưởng tình anh em nồng ấm, được giúp sức và nâng đỡ qua nhiều cách. Có một lần nọ trong thánh chức, sứ đồ Phao-lô và bạn đồng hành cảm thấy “bị đè-nén quá chừng” và “mất lòng trông-cậy giữ sự sống”. Phao-lô đã tìm được sự trợ giúp và khuây khỏa ở đâu? Dĩ nhiên, lòng tin cậy của ông nơi Đức Chúa Trời không hề suy suyển. Dù vậy, ông được khích lệ và an ủi nhờ anh em tín đồ Đấng Christ nâng đỡ. (2 Cô-rinh-tô 1:8, 9; 7:5-7) Ngày nay khi có thiên tai hoặc tai họa khác, nhiều lần các anh em của chúng ta là những người có mặt đầu tiên tại chỗ để cứu giúp, cung cấp nhu cầu vật chất và thiêng liêng cho anh em tín đồ Đấng Christ cũng như cho những người khác đang cần giúp đỡ.
Một phương tiện khác giúp chúng ta vượt qua những tình huống bấp bênh trong đời sống là sự cầu nguyện. Chúng ta luôn luôn có thể cầu xin Cha trên trời khi gặp áp lực bất ngờ. “Đức Giê-hô-va sẽ làm nơi náu-ẩn cao cho kẻ bị hà-hiếp, một nơi náu-ẩn cao trong thì gian-truân”. (Thi-thiên 9:9) Cha mẹ có thể không che chở được con cái mình. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẵn lòng giúp chúng ta đối phó với những nỗi lo sợ và cảm giác hoang mang. Cầu nguyện và trút các điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài “có thể làm trổi hơn vô-cùng mọi việc chúng ta cầu-xin hoặc suy-tưởng”.—Ê-phê-sô 3:20.
Bạn có thường xuyên cầu nguyện với Đức Chúa Trời không? Bạn có tin chắc lời cầu nguyện của bạn được Đức Chúa Trời nghe không? Một em gái ở São Paulo nói: “Mẹ bảo em phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Nhưng em tự hỏi: Sao lại nói với một người mình thậm chí không biết? Tuy nhiên Châm-ngôn 18:10 giúp em hiểu rằng chúng ta cần Đức Chúa Trời giúp và phải nói với Ngài qua lời cầu nguyện”. Câu Kinh Thánh ấy nói: “Danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên-cố; kẻ công-bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn-trú cao”. Thật vậy, làm sao có thể phát triển lòng tin cậy và tin chắc nơi Đức Giê-hô-va nếu chúng ta không tập thói quen nói với Ngài? Để hưởng sự an toàn thiêng liêng, chúng ta cần tập thói quen cầu nguyện chân thành mỗi ngày. Chúa Giê-su nói: “Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người”.—Lu-ca 21:36.
Chúng ta có thể chắc chắn về một điều khác: hy vọng của chúng ta về Nước Đức Chúa Trời. Hãy để ý những lời nơi Đa-ni-ên 2:44: “Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”. Hy vọng ấy vững vàng, một điều chúng ta có thể chắc chắn. Các lời hứa của con người thường không thành, nhưng chúng ta có thể luôn luôn tin cậy lời hứa của Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời giống như một tảng đá mà chúng ta có thể nương tựa vào. Chúng ta có thể nói như Đa-vít: “Đức Chúa Trời tôi là hòn đá tôi, nơi tôi sẽ nương-náu mình, là thuẫn-đỡ tôi, sừng chửng-cứu tôi, ngọn tháp cao và nơi nương-dựa của tôi; hỡi Đấng che-chở tôi! Ấy Ngài giải-cứu tôi khỏi sự hung-bạo”.—2 Sa-mu-ên 22:3.
Quyển sách nói trên Vận dụng tâm trí bạn nhận định thêm: “Càng nghĩ nhiều về những điều xấu có thể xảy ra, thì dường như càng dễ tin là chúng sẽ xảy ra và càng khó thấy cách đối phó hơn”. Vậy thì tại sao chúng ta lại để mình mang lấy sự lo lắng và bấp bênh của thế gian? Trái lại, hãy lấy lời hứa chắc chắn của Đức Chúa Trời thay thế những điều không chắc chắn của thế gian này. Vững tin nơi lời hứa không sai của Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận được lời bảo đảm này: “Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ-thẹn”.—Rô-ma 10:11.
[Câu nổi bật nơi trang 29]
Lời Đức Chúa Trời bảo đảm ân phước tương lai cho nhân loại
[Câu nổi bật nơi trang 30]
“Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ-thẹn”
[Hình nơi trang 31]
Tin mừng về Nước Trời mang lại sự yên ổn