CHƯƠNG 1
“Kìa! Ấy là Đức Chúa Trời chúng ta!”
1, 2. (a) Anh chị muốn hỏi Đức Chúa Trời điều gì? (b) Môi-se đã hỏi Đức Chúa Trời điều gì?
Anh chị có thể hình dung là mình được nói chuyện với Đức Chúa Trời không? Đấng Cai Trị Hoàn Vũ nói chuyện với mình! Chỉ ý tưởng này thôi cũng khiến anh chị kinh ngạc. Ban đầu anh chị do dự nhưng sau đó anh chị đáp lại. Ngài lắng nghe, đáp lời và thậm chí khiến anh chị cảm thấy thoải mái để hỏi ngài bất cứ điều gì. Vậy anh chị sẽ hỏi điều gì?
2 Vào thời xưa, có một người từng ở trong tình huống như thế. Ông tên là Môi-se. Nhưng câu hỏi mà ông đã hỏi Đức Chúa Trời có lẽ sẽ làm anh chị ngạc nhiên. Ông không hỏi về bản thân, tương lai của mình hoặc tại sao nhân loại chịu đau khổ. Thay vì thế, ông hỏi về danh của Đức Chúa Trời. Có lẽ anh chị cảm thấy lạ vì Môi-se đã biết danh của ngài rồi. Vậy hẳn câu hỏi của ông mang ý nghĩa sâu xa hơn. Thực tế, đó là câu hỏi quan trọng nhất mà Môi-se có thể hỏi. Câu trả lời của Đức Chúa Trời cũng rất quan trọng đối với mỗi chúng ta. Câu trả lời đó có thể giúp chúng ta đến gần ngài. Tại sao có thể nói vậy? Hãy cùng xem xét điều mà Đức Chúa Trời đã nói với Môi-se.
3, 4. Những sự kiện nào đã xảy ra trước khi Đức Chúa Trời nói chuyện với Môi-se, và nội dung của cuộc nói chuyện đó là gì?
3 Khi Môi-se 40 tuổi, ông phải chạy trốn khỏi Ai Cập, nơi mà dân của ông là dân Y-sơ-ra-ên đang làm nô lệ. Môi-se đã sống xa Ai Cập 40 năm. Lúc Môi-se 80 tuổi, khi đang chăn cừu cho cha vợ, ông thấy một hiện tượng lạ lùng. Một bụi gai đang cháy. Nó tiếp tục cháy nhưng không hề tàn. Môi-se đến gần để xem. Hẳn ông đã giật mình khi nghe có tiếng phát ra từ bụi gai! Qua thiên sứ, Đức Chúa Trời đã nói chuyện với Môi-se và cho ông biết là ngài muốn ông trở lại Ai Cập để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ.—Xuất Ai Cập 3:1-12.
4 Môi-se có thể hỏi Đức Chúa Trời bất kỳ câu hỏi nào, nhưng điều đáng chú ý là ông đã hỏi ngài: “Giả sử con đến với dân Y-sơ-ra-ên và nói: ‘Đức Chúa Trời của tổ phụ anh em đã phái tôi đến với anh em’, và họ hỏi: ‘Danh ngài là gì?’ thì con sẽ trả lời ra sao?”.—Xuất Ai Cập 3:13.
5, 6. (a) Câu hỏi của Môi-se cho chúng ta biết sự thật quan trọng nào? (b) Người ta đã làm điều tồi tệ nào với danh Đức Chúa Trời? (c) Việc Đức Chúa Trời tiết lộ danh ngài cho chúng ta thấy gì?
5 Trước hết, câu hỏi này cho chúng ta biết Đức Chúa Trời có một danh. Nhưng nhiều người nghĩ rằng việc biết danh ngài là điều không quan trọng. Vô số bản dịch Kinh Thánh đã loại bỏ danh Đức Chúa Trời và thay thế bằng những tước hiệu như “Chúa” và “Đức Chúa Trời”. Đây là một trong những điều tồi tệ nhất mà các tôn giáo đã làm. Suy cho cùng, chẳng phải điều đầu tiên mà anh chị làm khi gặp một người là hỏi tên của người ấy sao? Điều này cũng đúng khi mình muốn biết về Đức Chúa Trời. Ngài không phải là đấng vô danh, xa vời và không thể hiểu được. Dù vô hình nhưng ngài là đấng có thật và có danh riêng là Giê-hô-va.
6 Ngoài ra, Đức Chúa Trời cho chúng ta biết danh của ngài vì muốn ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời: Ngài muốn chúng ta biết về ngài và đến gần ngài; và đây là quyết định tốt nhất mà chúng ta có thể đưa ra. Vì thế, ngài không chỉ cho chúng ta biết về danh ngài mà còn cho biết ngài là đấng như thế nào.
Ý nghĩa của danh Đức Chúa Trời
7. (a) Danh Đức Chúa Trời có nghĩa là gì? (b) Khi hỏi danh của Đức Chúa Trời, Môi-se thật sự muốn biết điều gì?
7 Đức Giê-hô-va tự chọn cho mình một danh riêng, là danh có thể cho chúng ta biết nhiều điều về ngài. Hẳn danh “Giê-hô-va” có nghĩa là “Đấng làm cho trở thành”. Ngài là đấng có một không hai trong vũ trụ vì ngài tạo ra muôn vật. Ngài cũng làm cho tất cả ý định của ngài được thực hiện. Thậm chí Đức Giê-hô-va có thể khiến cho những tôi tớ bất toàn của ngài trở thành bất cứ điều gì ngài muốn. Nghĩ về những điều này cũng khiến chúng ta vô cùng thán phục ngài. Nhưng danh của Đức Chúa Trời còn cho chúng ta biết nhiều hơn về ngài. Rõ ràng Môi-se muốn biết thêm. Ông biết Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa và ông cũng biết danh ngài. Danh Đức Chúa Trời không phải là điều mới. Người ta đã dùng danh ấy hàng thế kỷ. Vậy khi hỏi về danh Đức Chúa Trời, dường như Môi-se đang muốn biết thêm về các phẩm chất của ngài. Như thể ông nói: “Con có thể nói gì với dân Y-sơ-ra-ên về ngài để giúp họ xây dựng đức tin nơi ngài và thuyết phục họ là ngài sẽ giải cứu họ?”.
8, 9. (a) Đức Giê-hô-va trả lời câu hỏi của Môi-se như thế nào? Câu trả lời của Đức Giê-hô-va thường được dịch ra sao, và tại sao cách dịch ấy không đúng? (b) Câu “Ta Sẽ Trở Thành Đấng Ta Chọn Trở Thành” có nghĩa gì?
8 Qua câu trả lời, Đức Giê-hô-va tiết lộ cho Môi-se một điều tuyệt vời về ngài, là điều liên quan đến ý nghĩa của danh ngài. Ngài phán với Môi-se: “Ta Sẽ Trở Thành Đấng Ta Chọn Trở Thành” (Xuất Ai Cập 3:14). Nhiều bản dịch Kinh Thánh dịch câu này như sau: “Ta là Đấng tự hữu hằng hữu”. Nhưng những bản dịch cẩn thận cho thấy ngài không chỉ đang xác nhận là ngài hiện hữu. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va đang cho Môi-se và tất cả chúng ta biết là ngài sẽ “chọn trở thành” bất cứ điều gì cần thiết để thực hiện các lời hứa của ngài. Bản dịch của ông Joseph Rotherham dịch câu này đơn giản như sau: “Ta sẽ trở thành bất cứ điều gì ta muốn”. Một chuyên gia về Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ giải thích câu ấy là: “Trước bất cứ hoàn cảnh hay nhu cầu nào,... Đức Chúa Trời sẽ ‘trở thành’ giải pháp cho nhu cầu đó”.
9 Đức Giê-hô-va muốn dân Y-sơ-ra-ên biết điều gì về ngài? Dù họ gặp bất cứ trở ngại nào và ở trong tình thế khó khăn ra sao thì Đức Giê-hô-va cũng có thể trở thành mọi điều cần thiết để giải cứu họ khỏi ách nô lệ và đưa họ vào Đất Hứa. Việc dân Y-sơ-ra-ên biết ý nghĩa của danh Đức Chúa Trời đã giúp họ tin cậy nơi ngài. Danh Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta như thế ngày nay (Thi thiên 9:10). Tại sao?
10, 11. Tại sao ý nghĩa của danh Giê-hô-va giúp chúng ta biết rằng ngài là Cha tốt nhất mà mình có thể có? Hãy minh họa.
10 Hãy xem một ví dụ: Cha mẹ biết họ phải linh động và thích ứng như thế nào trong việc chăm sóc con cái. Trong một ngày, họ có thể phải trở thành y tá, đầu bếp, giáo viên, người thi hành kỷ luật, người phân xử và nhiều vai trò khác. Nhiều người cảm thấy choáng ngợp vì phải đảm nhận quá nhiều vai trò. Họ thấy con cái rất tin tưởng nơi họ. Chúng luôn tin rằng cha mẹ có thể làm vết thương đỡ đau, giải quyết các cuộc cãi vã, sửa đồ chơi và trả lời bất cứ câu hỏi tò mò nào của chúng. Một số cha mẹ cảm thấy thất vọng về bản thân vì không thể làm mọi điều cần thiết để chu toàn những vai trò này.
11 Đức Giê-hô-va cũng là một người Cha yêu thương. Nhưng Đức Giê-hô-va khác với cha mẹ loài người vì ngài luôn có khả năng trở thành và làm những điều cần thiết để chăm sóc tốt nhất cho các con của ngài. Danh ngài cho thấy ngài muốn chúng ta xem ngài là Cha tốt nhất mà mình có thể có (Gia-cơ 1:17). Không lâu sau, Môi-se và tất cả những người Y-sơ-ra-ên trung thành khác học được rằng Đức Giê-hô-va làm đúng như ý nghĩa của danh ngài. Họ kinh ngạc khi thấy Đức Giê-hô-va đã trở thành mọi điều họ cần. Ngài trở thành Đấng Chỉ Huy Quân Đội vô địch, đấng làm chủ tất cả các hiện tượng thiên nhiên, Đấng Lập Luật, Đấng Phán Xét, Kiến Trúc Sư, Đấng Cung Cấp thực phẩm và nước, Đấng Bảo Quản quần áo, giày dép và nhiều vai trò vô song khác.
12. Thái độ của Pha-ra-ôn đối với Đức Giê-hô-va khác với thái độ của Môi-se như thế nào?
12 Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho chúng ta biết danh và những điều tuyệt diệu về ngài, thậm chí ngài còn cho thấy những điều ngài nói về chính mình là chân thật. Rõ ràng, Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết về ngài. Vậy chúng ta có muốn biết về ngài không? Môi-se rất muốn biết về Đức Chúa Trời. Ước muốn đó đã chi phối đời sống của Môi-se và giúp ông đến gần hơn với Cha trên trời (Dân số 12:6-8; Hê-bơ-rơ 11:27). Đáng buồn là hầu hết những người sống cùng thời với Môi-se đã không có ước muốn giống như ông. Khi Môi-se cho Pha-ra-ôn biết về Đức Giê-hô-va thì vua Ai Cập kiêu ngạo ấy hỏi lại với thái độ bất kính: “Giê-hô-va là ai?” (Xuất Ai Cập 5:2). Pha-ra-ôn hỏi không phải vì muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, hắn cho rằng Đức Giê-hô-va không quan trọng và chẳng cần để ý đến. Quan điểm đó rất phổ biến ngày nay. Đó là lý do người ta không hiểu điều quan trọng nhất: Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng.
Chúa Tối Thượng Giê-hô-va
13, 14. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va có nhiều tước hiệu trong Kinh Thánh, và một số tước hiệu đó là gì? (Xem khung nơi trang 14). (b) Tại sao chỉ một mình Đức Giê-hô-va xứng đáng được gọi là “Chúa Tối Thượng”?
13 Đức Giê-hô-va có thể trở thành bất cứ điều gì, vì thế ngài có thể mang nhiều tước hiệu trong Kinh Thánh. Những tước hiệu này không quan trọng bằng danh ngài, nhưng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của danh ngài. Chẳng hạn, ngài được gọi là “Chúa Tối Thượng Giê-hô-va” (2 Sa-mu-ên 7:22). Tước hiệu cao cả này xuất hiện hàng trăm lần trong Kinh Thánh và cho biết địa vị của Đức Giê-hô-va. Chỉ mình ngài xứng đáng là Đấng Cai Trị cả vũ trụ. Hãy xem tại sao.
14 Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa có một không hai. Khải huyền 4:11 nói: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng con, ngài xứng đáng nhận sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng, vì ngài đã tạo nên muôn vật, và bởi ý muốn ngài mà muôn vật hiện hữu và được tạo nên”. Những lời này chỉ áp dụng cho Đức Giê-hô-va. Mọi vật trong vũ trụ hiện hữu là nhờ ngài! Vậy nên, Đức Giê-hô-va xứng đáng nhận sự tôn kính, quyền năng và vinh hiển vì ngài là Chúa Tối Thượng và Đấng Tạo Hóa của muôn vật.
15. Tại sao Đức Giê-hô-va được gọi là “Vua muôn đời”?
15 Một tước hiệu khác dành riêng cho Đức Giê-hô-va là “Vua muôn đời” (1 Ti-mô-thê 1:17; Khải huyền 15:3). Điều này có nghĩa gì? Thật khó để chúng ta có thể hiểu được, nhưng Đức Giê-hô-va là đấng trường tồn, có nghĩa là ngài luôn hiện hữu và sẽ mãi hiện hữu. Thi thiên 90:2 nói: “Từ trước vô cùng cho đến đời đời, ngài là Đức Chúa Trời”. Vậy Đức Giê-hô-va không có sự khởi đầu và luôn tồn tại. Ngài cũng được gọi là “Đấng Thượng Cổ”. Ngài hiện hữu từ trước vô cùng, trước bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì được tạo ra trong vũ trụ! (Đa-ni-ên 7:9, 13, 22). Không ai có thể đặt nghi vấn về quyền tối thượng của ngài.
16, 17. (a) Tại sao chúng ta không thể thấy Đức Giê-hô-va, và tại sao chúng ta không ngạc nhiên về điều đó? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va có thật hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể thấy hoặc chạm vào?
16 Tuy nhiên, có một số người ngày nay đặt nghi vấn giống như vua Pha-ra-ôn. Một phần là vì người bất toàn thường chỉ tin vào điều mà mắt họ thấy. Chúng ta không thể thấy Chúa Tối Thượng. Ngài là thần linh và là đấng vô hình (Giăng 4:24). Ngoài ra, nếu một người phàm đứng gần Đức Giê-hô-va thì người đó sẽ chết. Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Con không thể thấy mặt ta, vì không ai thấy ta mà còn sống”.—Xuất Ai Cập 33:20; Giăng 1:18.
17 Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này. Môi-se chỉ thấy một phần vinh hiển của Đức Giê-hô-va qua một thiên sứ đại diện. Rồi điều gì đã xảy ra sau đó? Mặt của Môi-se “phát ra các tia sáng” trong một thời gian. Dân Y-sơ-ra-ên sợ hãi và không dám nhìn thẳng vào mặt của Môi-se (Xuất Ai Cập 33:21-23; 34:5-7, 29, 30). Vậy không một người phàm nào có thể thấy Đức Giê-hô-va. Nhưng phải chăng việc chúng ta không thể thấy và chạm vào ngài thì có nghĩa là ngài không tồn tại? Không. Có những điều chúng ta không thể thấy bằng mắt thường nhưng phải thừa nhận nó thật sự tồn tại, chẳng hạn như gió, sóng vô tuyến và tư tưởng. Hơn nữa, những điều chúng ta có thể thấy hoặc chạm vào thì dần bị lão hóa và mục nát. Ngược lại, Đức Giê-hô-va thì không như thế. Vì vậy, ngài có thật hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể thấy hoặc chạm vào (Ma-thi-ơ 6:19). Tuy nhiên, chúng ta có nên nghĩ rằng ngài chỉ là một lực trừu tượng và vô cảm không? Hãy cùng xem.
Một Đức Chúa Trời có những phẩm chất tuyệt vời
18. Ê-xê-chi-ên nhận được khải tượng nào, và bốn mặt của những “sinh vật” xung quanh Đức Giê-hô-va tượng trưng cho điều gì?
18 Dù không thể thấy Đức Chúa Trời, nhưng có những đoạn Kinh Thánh rất hào hứng cho chúng ta có cái nhìn thoáng qua về một số điều trên trời. Chương 1 của sách Ê-xê-chi-ên là một ví dụ. Ê-xê-chi-ên đã nhận được một khải tượng về phần trên trời thuộc tổ chức hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Phần này trông giống như một cỗ xe khổng lồ. Ông đặc biệt ấn tượng về những tạo vật thần linh quyền năng xung quanh Đức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên 1:4-10). Những “sinh vật” này hợp tác chặt chẽ với Đức Giê-hô-va và diện mạo của họ cho chúng ta biết một số điều quan trọng về Đức Chúa Trời mà họ phụng sự. Mỗi sinh vật có bốn mặt, đó là mặt bò đực, sư tử, đại bàng và mặt người. Những mặt này tượng trưng cho bốn phẩm chất, là nền tảng của nhân cách tuyệt vời của Đức Giê-hô-va.—Khải huyền 4:6-8, 10.
19. Phẩm chất nào được tượng trưng bởi (a) mặt bò đực? (b) mặt sư tử? (c) mặt đại bàng? (d) mặt người?
19 Trong Kinh Thánh, bò đực thường được tượng trưng cho quyền năng và điều này là thích hợp vì nó là con vật rất mạnh. Mặt khác, sư tử thường tượng trưng cho công lý vì công lý chân chính đòi hỏi sự can đảm, là đặc tính nổi bật của sư tử. Đại bàng được biết đến là có khả năng nhìn xa, chúng thấy được ngay cả những vật nhỏ xíu cách xa nhiều ki-lô-mét. Vì thế, mặt đại bàng tượng trưng cho sự khôn ngoan với khả năng nhìn xa trông rộng của Đức Chúa Trời. Còn mặt người thì sao? Chỉ có con người được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và có khả năng bắt chước phẩm chất quan trọng nhất của ngài là tình yêu thương (Sáng thế 1:26). Kinh Thánh thường nói về quyền năng, sự công bằng, sự khôn ngoan và tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Do đó, chúng ta có thể nói rằng đây là những phẩm chất nổi bật nhất của ngài.
20. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va không thay đổi?
20 Hàng ngàn năm đã trôi qua kể từ khi Kinh Thánh miêu tả về các phẩm chất đó của Đức Chúa Trời, vậy chúng ta có nên lo rằng ngài đã thay đổi không? Không. Ngài nói rằng: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi” (Ma-la-chi 3:6). Trái lại, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài là người Cha lý tưởng, vì trong mỗi hoàn cảnh, ngài thể hiện những phẩm chất cần thiết nhất để trợ giúp chúng ta. Trong tất cả những phẩm chất của Đức Chúa Trời thì tình yêu thương là phẩm chất nổi bật nhất. Chúng ta có thể thấy phẩm chất này trong mọi điều ngài làm. Ngài dùng quyền năng, sự khôn ngoan và thực thi công lý một cách yêu thương. Khi nói về Đức Chúa Trời và phẩm chất này, Kinh Thánh cho chúng ta biết một điều đáng chú ý: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Hãy để ý là Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời có tình yêu thương hoặc Đức Chúa Trời yêu thương. Thay vì thế, Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Yêu thương là bản chất của ngài và chi phối mọi điều ngài làm.
“Kìa! Ấy là Đức Chúa Trời chúng ta!”
21. Chúng ta cảm thấy thế nào khi hiểu rõ hơn về các phẩm chất của Đức Giê-hô-va?
21 Có lẽ anh chị đã từng thấy một đứa trẻ chỉ về phía cha mình, nở một nụ cười đầy tự hào và nói với các bạn: “Đó là ba của mình”. Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có mọi lý do để cảm thấy như vậy về ngài. Kinh Thánh báo trước về một thời kỳ mà những tôi tớ trung thành sẽ reo lên: “Kìa! Ấy là Đức Chúa Trời chúng ta!” (Ê-sai 25:8, 9). Càng hiểu rõ hơn về những phẩm chất của Đức Giê-hô-va, anh chị sẽ càng thấy mình có một người Cha tốt nhất trên đời.
22, 23. Kinh Thánh miêu tả Cha trên trời như thế nào, và làm sao chúng ta biết ngài muốn mình đến gần ngài?
22 Đức Chúa Trời không phải là người Cha lạnh lùng, vô tâm và xa cách như một số người nói. Chúng ta sẽ không muốn đến gần một Đức Chúa Trời lạnh lùng. Thay vì thế, Kinh Thánh miêu tả ngài là “Đức Chúa Trời hạnh phúc” (1 Ti-mô-thê 1:11). Ngài quan tâm đến hành động của chúng ta. Khi con người vi phạm luật pháp mà ngài ban vì lợi ích của họ, ngài cảm thấy “buồn rầu trong lòng” (Sáng thế 6:6; Thi thiên 78:41). Nhưng khi hành động khôn ngoan dựa trên Lời ngài, chúng ta làm cho lòng ngài vui mừng.—Châm ngôn 27:11.
23 Cha trên trời muốn chúng ta đến gần với ngài. Lời ngài khuyến khích chúng ta “mò mẫm và thật sự tìm được ngài, dù ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công vụ 17:27). Nhưng làm thế nào người phàm có thể đến gần Chúa Tối Thượng của vũ trụ được?