Phải chăng thời kỳ này đúng là “ngày sau-rốt”?
THỜI KỲ mà Kinh Thánh gọi là ngày sau rốt được đánh dấu bằng những chuyển biến trên hai phương diện. Kinh Thánh báo trước những biến cố sẽ diễn ra trên thế giới trong thời kỳ kết liễu hệ thống xã hội hiện tại. (Ma-thi-ơ 24:3) Mặt khác, Kinh Thánh cũng nói đến những thay đổi trong hành vi và thái độ của người ta nơi “ngày sau-rốt”.—2 Ti-mô-thê 3:1.
Tình hình thế giới, cùng với hành vi và tính cách của người ta ngày nay là hai bằng chứng kết hợp cho thấy quả thật chúng ta đang sống trong ngày sau rốt, và chẳng bao lâu nữa, Nước Trời sẽ đem lại ân phước vĩnh viễn cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời. Trước hết, chúng ta hãy xem xét ba đặc điểm mà Chúa Giê-su cho biết sẽ đánh dấu ngày sau rốt.
“Đầu sự tai-hại”
Chúa Giê-su nói: “Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói-kém và động đất”. Sau đó, ngài nói thêm: “Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai-hại”. (Ma-thi-ơ 24:7, 8) Chúng ta hãy lần lượt xem xét những “điều đó”.
Trong suốt thế kỷ qua, vô số người đã bị tàn sát trong các cuộc chiến tranh và xung đột sắc tộc. Một báo cáo của các chuyên gia Viện Quan Sát Thế Giới (Worldwatch Institute) cho biết: “Các cuộc chiến trong thể kỷ [thế kỷ] [20] đã gây thiệt hại về nhân mạng hơn gấp ba lần tất cả các cuộc chiến từ thế kỷ thứ nhất CN tới năm 1899”. Cuốn Humanity —A Moral History of the Twentieth Century của nhà văn Jonathan Glover cũng viết: “Theo một ước tính, từ năm 1900 đến 1989, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của 86 triệu người... Sự chết chóc mà chiến tranh gây ra trong thế kỷ 20 thảm khốc đến mức không thể hình dung nổi. Đành rằng việc tính bình quân không bao giờ phản ánh đúng thực tế, vì đến hai phần ba con số này (58 triệu người) đã bị giết nội trong hai cuộc thế chiến. Nhưng nếu tính bình quân trong giai đoạn này, thì mỗi ngày chiến tranh đã cướp đi 2.500 sinh mạng, tức trên 100 người mỗi giờ, liên tục trong suốt chín mươi năm”. Hãy thử tưởng tượng nỗi đau và mất mát của người thân và bạn bè những người xấu số này!
Một đặc điểm khác của ngày sau rốt là sự đói kém, dù thế giới sản xuất rất nhiều lương thực. Theo các nhà nghiên cứu, lượng lương thực sản xuất trong 30 năm qua tăng nhanh hơn tỉ lệ gia tăng dân số. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, nạn đói kém vẫn diễn ra trên phạm vi rộng lớn vì nhiều người không có đủ đất để trồng trọt, hoặc không có tiền để mua thực phẩm. Ở các nước đang phát triển, khoảng 1, 2 tỉ người phải sống lây lất ở mức một Mỹ kim mỗi ngày, hoặc thấp hơn. Trong số này, khoảng 780 triệu người bị thiếu ăn kinh niên. Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết nạn suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho hơn 5 triệu trẻ em hàng năm.
Còn về nạn động đất đã được báo trước? Theo Viện Nghiên Cứu Địa Chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey), nếu chỉ tính từ năm 1990 đến nay, trung bình mỗi năm có 17 trận động đất đủ mạnh để phá hủy các tòa nhà. Còn các trận động đất có cường độ mạnh đến mức hủy phá gần như hoàn toàn các tòa nhà thì xảy ra mỗi năm một lần. Một nguồn khác cho biết: “Các trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trong 100 năm qua”. Một lý do là vì từ năm 1914, ngày càng có nhiều khu dân cư đông đúc mọc lên ở những khu vực thường bị động đất.
Những chuyển biến quan trọng khác
“Sẽ có... dịch-lệ trong nhiều nơi”, Chúa Giê-su đã nói như thế. (Lu-ca 21:11) Ngày nay, y học tiến bộ hơn bao giờ hết. Thế nhưng dịch bệnh, cả cũ lẫn mới, vẫn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Một tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ (U.S. National Intelligence Council) viết: “Từ năm 1973, có 20 căn bệnh quen thuộc—như lao phổi, sốt rét và dịch tả—đã tái xuất hiện hoặc lây lan nhiều nơi, thường là ở dưới dạng có độc tính và sức kháng thuốc cao hơn. Bên cạnh đó, ít nhất 30 tác nhân gây bệnh mới đã được xác định từ năm 1973 đến nay, trong đó có HIV, Ebola, viêm gan siêu vi C và siêu vi Nipah, là những bệnh chưa có cách điều trị”. Báo cáo ngày 28-6-2000 của Hội Chữ Thập Đỏ cho biết trong năm trước đó, số người chết vì dịch bệnh cao gấp 160 lần số người chết vì thiên tai.
“Tội-ác sẽ thêm nhiều” là một đặc điểm đáng chú ý khác của ngày sau rốt. (Ma-thi-ơ 24:12) Hầu như ở mọi nơi trên thế giới ngày nay, người ta không còn thấy an toàn khi ở ngoài đường vào ban đêm, và luôn phải khóa cửa nhà. Còn sự ô nhiễm không khí, nước và đất mà chúng ta thấy đang diễn ra thì sao? Tình trạng này thường do các hành động phi pháp gây ra. Đây cũng là một sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Sách Khải-huyền cho biết Đức Chúa Trời đã định một ngày để “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”, tức những kẻ hủy hoại trái đất.—Khải-huyền 11:18.
Tính cách của người ta trong ngày sau rốt
Mời bạn mở Kinh Thánh nơi 2 Ti-mô-thê 3:1-5 và đọc. Sứ đồ Phao-lô viết: “Trong ngày sau-rốt, sẽ có những thời-kỳ khó-khăn”. Sau đó, ông nêu lên 20 tính cách đặc trưng của phần đông người ta. Bạn có để ý thấy một số cá tính này nơi những người sống trong khu vực của bạn không? Hãy xem báo chí gần đây bình luận thế nào về con người thời nay.
“Tư-kỷ”. (2 Ti-mô-thê 3:2) “Chưa bao giờ [người ta] có thái độ khăng khăng, chỉ biết nghĩ đến mình như hiện nay. [Họ] xem mình là Thượng Đế, và đòi hỏi phải được đối xử như thế”.—Nhật báo Financial Times, Anh Quốc.
“Tham tiền”. (2 Ti-mô-thê 3:2) “Thời nay, chủ nghĩa duy vật đã làm cho tính ích kỷ lấn át tính khiêm tốn. Nếu không được xã hội xem là giàu có thì đời bạn kể như không đáng sống”.—Nhật báo Jakarta Post, Indonesia.
“Nghịch cha mẹ”. (2 Ti-mô-thê 3:2) “Nhiều phụ huynh lúng túng khi con họ mới 4 tuổi đã sai khiến họ như thể nó là Vua Louis XIV [của Pháp], hoặc khi một đứa con 8 tuổi hét lên: ‘Con ghét cha mẹ!’ ”—Tạp chí American Educator, Hoa Kỳ.
“Bội-bạc”. (2 Ti-mô-thê 3:2) “Sự thay đổi giá trị đạo đức lớn nhất trong [40 năm qua] có lẽ là tình trạng ngày càng có nhiều người đàn ông không ngần ngại ruồng bỏ vợ con”.—Tạp chí Wilson Quarterly, Hoa Kỳ.
“Vô-tình”, hay thiếu tình thương ruột thịt. (2 Ti-mô-thê 3:3) “Bạo hành trong gia đình là chuyện cơm bữa trong nhiều cộng đồng trên thế giới”.—Tạp chí Journal of the American Medical Association, Hoa Kỳ.
“Không tiết-độ”, hay thiếu tự chủ. (2 Ti-mô-thê 3:3) “Nhiều câu chuyện được đăng trên trang đầu của báo chí mỗi ngày cho thấy nhiều người thiếu tự chủ, vô lương tâm và thiếu lòng thương xót khi đối xử với đồng loại, và ngay cả với bản thân... Nếu xã hội tiếp tục dung túng thái độ hung hăng như hiện nay, thì chẳng bao lâu nền luân lý sẽ biến mất”.—Nhật báo Bangkok Post, Thái Lan.
“Dữ-tợn”. (2 Ti-mô-thê 3:3) “Những cơn giận dữ phi lý và thiếu kiểm soát là hiện tượng thường thấy trong các cuộc va chạm ngoài đường phố, bạo hành trong gia đình,... và các vụ hành hung dã man vô cớ của nhiều tội phạm. Vì sự bạo hành có thể xảy ra cho bất cứ ai và vào bất kỳ lúc nào, nên người ta trở nên dửng dưng, đồng thời cảm thấy đơn độc và bất an”.—Nhật báo Business Day, Nam Phi.
“Ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:4) “Phong trào đòi tự do tình dục giờ đây đã trở thành một cuộc đấu tranh chính nghĩa, mà trong đó tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh bị xem là kẻ thù”.—Tạp chí điện tử Boundless.
“Bề ngoài giữ điều nhân-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhân-đức đó”. (2 Ti-mô-thê 3:5) “[Một phụ nữ từng hành nghề mại dâm ở Hà Lan] cho biết giới chức tôn giáo là thành phần chính phản đối việc hợp pháp hóa [hoạt động mại dâm]. Cô cười khẩy, rồi cho biết thêm là một số khách hàng thường xuyên trước đây của cô lại thuộc giới tu sĩ. ‘Chúng tôi thường kháo nhau rằng thầy tu là những khách hạng nhất’, cô cười nói”.—Nhật báo National Catholic Reporter, Hoa Kỳ.
Tương lai sẽ mang lại những gì?
Như Kinh Thánh báo trước, thế giới ngày nay đầy những sự bất ổn. Tuy nhiên, trong lời tiên tri về điềm chỉ sự hiện diện của Chúa Giê-su cùng sự kết liễu hệ thống xã hội này, cũng có một khía cạnh tích cực. Chúa Giê-su nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”. (Ma-thi-ơ 24:3, 14) Tin mừng về Nước Đức Chúa Trời đang được giảng ra trong hơn 230 xứ. Hơn sáu triệu người đến từ “mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng” đang tích cực tham gia công việc rao báo này. (Khải-huyền 7:9) Hoạt động sốt sắng của họ đã mang lại thành quả nào? Đó là hầu như mọi người trên đất đều có thể tiếp cận với thông điệp Nước Trời để hiểu Nước Trời là gì, nước ấy sẽ mang lại những ân phước nào, và làm thế nào để nhận được những ân phước đó. Quả thật, ‘sự học-thức đã được thêm lên trong kỳ cuối-cùng’.—Đa-ni-ên 12:4.
Bạn có mọi lý do để thu thập sự hiểu biết đó. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra sau khi tin mừng lan rộng đến mức Đức Giê-hô-va bằng lòng. Chúa Giê-su nói: “Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14) Đó là lúc Đức Chúa Trời sẽ quét sạch mọi sự gian ác khỏi mặt đất. Châm-ngôn 2:22 nói: “Kẻ gian-ác sẽ bị truất khỏi đất, và kẻ bất-trung sẽ bị nhổ rứt khỏi đó”. Còn Sa-tan cùng các quỉ sứ của hắn thì sao? Chúng sẽ bị quăng xuống vực và không còn đi lừa dối các dân được nữa. (Khải-huyền 20:1-3) Khi ấy, “người ngay-thẳng..., và người trọn-vẹn sẽ còn ở [trên đất] luôn luôn”. Và họ sẽ vui hưởng những ân phước tuyệt diệu của Nước Trời.—Châm-ngôn 2:21; Khải-huyền 21:3-5.
Bạn có thể làm gì?
Không còn gì nghi ngờ, sự kết liễu hệ thống của Sa-tan đã gần kề. Những ai làm ngơ trước bằng chứng về ngày sau rốt sẽ không sẵn sàng khi sự kết liễu ấy đến. (Ma-thi-ơ 24:37-39; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2) Do đó, Chúa Giê-su nói với những người nghe ngài: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người”.—Lu-ca 21:34-36.
Chỉ những người “đứng” trước mặt Con người, Chúa Giê-su, tức ở trong tình trạng được ngài chấp nhận, mới có cơ hội sống sót qua sự hủy diệt hệ thống xã hội này. Thật quan trọng biết bao khi dành thời gian còn lại để tìm kiếm sự chuẩn chấp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ! Trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Vì thế, điều khôn ngoan là bạn nên học biết thêm về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cùng ý muốn của Ngài đối với bạn. Các Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương sẽ vui mừng giúp bạn tìm hiểu sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Chúng tôi nhiệt thành mời bạn hãy liên lạc với họ, hoặc viết thư cho nhà xuất bản tạp chí này.
[Khung/Các hình nơi trang 7]
ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀY SAU RỐT
NHỮNG CHUYỂN BIẾN CHÍNH:
▪ Chiến tranh.—Ma-thi-ơ 24:6, 7.
▪ Đói kém.—Ma-thi-ơ 24:7.
▪ Động đất.—Ma-thi-ơ 24:7.
▪ Dịch lệ.—Lu-ca 21:11.
▪ Tội ác thêm nhiều.—Ma-thi-ơ 24:12.
▪ Trái đất bị hủy hoại.—Khải-huyền 11:18.
NGƯỜI TA:
▪ Tư kỷ.—2 Ti-mô-thê 3:2.
▪ Tham tiền.—2 Ti-mô-thê 3:2.
▪ Xấc xược.—2 Ti-mô-thê 3:2.
▪ Nghịch cha mẹ.—2 Ti-mô-thê 3:2.
▪ Không tin kính.—2 Ti-mô-thê 3:2.
▪ Bội bạc.—2 Ti-mô-thê 3:2.
▪ Vô tình, hay thiếu tình thương ruột thịt.—2 Ti-mô-thê 3:3.
▪ Không tiết độ, hay thiếu tự chủ.—2 Ti-mô-thê 3:3.
▪ Dữ tợn.—2 Ti-mô-thê 3:3.
▪ Ưa thích sự vui chơi.—2 Ti-mô-thê 3:4.
▪ Đạo đức giả.—2 Ti-mô-thê 3:5.
NHỮNG NGƯỜI THỜ PHƯỢNG THẬT:
▪ Có thêm tri thức .—Đa-ni-ên 12:4.
▪ Rao truyền tin mừng khắp đất.—Ma-thi-ơ 24:14.
[Nguồn tư liệu]
UNITED NATIONS/Photo by F. GRIFFING