“Bình-an cho các ngươi!”
“Chúa Giê-su đến đứng giữa các môn-đồ mà phàn rằng: Bình-an cho các ngươi!” (GIĂNG 20:19).
1. Tại sao mọi cố gắng của loài người nhằm đem lại hòa bình sẽ thất bại?
“Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Đó là sự thật trong thời Giăng, và ngày nay sự thật này còn rõ rệt nhiều hơn nữa, với sự gia tăng một cách đáng sợ trong các vấn đề bạo động cá nhân, khủng bố, chiến tranh và tham nhũng. Lời tuyên bố được soi dẫn của Giăng cũng gạt qua một bên mọi hy vọng đạt đến hòa bình thế giới bằng sự cố gắng của loài người, bất kể những cố gắng của giáo hoàng, của các quốc trưởng và của LHQ. Tại sao? “Đức Chúa Trời ta đã phán: Những kẻ gian-ác chẳng hưởng sự bình-an” (Ê-sai 57:21).
2. Chữ “bình-an” bao hàm điều gì, đặc biệt trong tiếng Hê-bơ-rơ và Hy-lạp?
2 Tuy nhiên, chữ “bình-an” có thể có nghĩa rộng hơn là chỉ không có chiến tranh. Sự bình an cũng có thể là “một trạng thái về tâm trí hay tâm thần không bợn dấu vết lo âu hoặc ý nghĩ hay cảm xúc áp chế: đó là sự bình tịnh của lòng và trí”. Tuy vậy, tiếng Hê-bơ-rơ dùng cho chữ “bình-an” (sha·lohmʹ) và tiếng Hy-lạp (ei·reʹne) còn có một nghĩa rộng hơn nữa. Các chữ đó cũng có nghĩa an lạc, như trong câu “Hãy đi bình-yên” (I Sa-mu-ên 1:17; 29:7; Lu-ca 7:50; 8:48). Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu sự lo lắng của Giê-su đối với các môn đồ trong giai đoạn khốc liệt trước và sau khi ngài chết.
3. Sau khi sống lại Giê-su tỏ ra chăm lo sâu đậm thế nào đối với các môn đồ, và với hiệu quả nào?
3 Giê-su chết ngày Thứ Sáu, 14 tháng Ni-san năm 33 tây lịch. Ngài được sống lại vào ngày Chủ nhật, 16 tháng Ni-san. Sau đó ngài đi tìm các môn đồ vì ngài luôn luôn chăm lo một cách sâu đậm đến sự an lạc của họ. Ngài gặp họ ở đâu? Họ ở trong nhà khóa chặt cửa lại, “vì sợ dân Giu-đa”. Dễ hiểu là họ lo âu, sợ sệt. Nhưng Giê-su nói: “Bình-an cho các ngươi!” (Giăng 20:19-21, 26). Sau đó, nhờ có thánh linh ban thêm sức họ phấn chí, đảm nhận trách nhiệm rao giảng cách dạn dĩ, giúp nhiều người nhận được sự bình an của Đức Chúa Trời.
Sự bình an của Đức Chúa Trời vào thời nay
4. Làm thế nào dân sự của Đức Giê-hô-va có thể giữ sự bình an trong lòng và trí trong những thời kỳ khó khăn này?
4 Chúng ta sống trong thời kỳ cuối cùng, trong “những thời-kỳ khó-khăn” (II Ti-mô-thê 3:1). Những người cỡi ngựa được tiên tri trong sách Khải-huyền đang cỡi ngựa đi khắp đất—như chúng ta có thể thấy qua các chiến tranh, đói kém và chết vì bệnh (Khải-huyền 6:3-8). Dân sự của Đức Giê-hô-va cũng chịu ảnh hưởng của tình hình chung quanh họ. Như thế thì làm sao bạn có thể giữ được sự bình an của Đức Chúa Trời trong lòng và trí? Bằng cách ở gần gũi Nguồn của sự an ủi và bình an. Như bài trước có cho thấy, điều này đòi hỏi phải thường thường dâng lời cầu nguyện và nài xin. Nhờ đó mà “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong [bởi] Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:6, 7).
5. Tại sao Phao-lô tin chắc rằng “sự bình-an của Đức Chúa Trời” có thể giữ gìn lòng chúng ta?
5 Người từng viết ra những lời ấy là sứ đồ Phao-lô đã đích thân chịu đựng nhiều sự nguy hiểm và khó khăn. Ông đã bị người Do-thái và La-mã bắt giam và đánh đòn. Ông đã bị ném đá và bị bỏ nằm vì tưởng đã chết. Vào thời ấy việc đi lại có phần nguy hiểm; Phao-lô đã bị chìm tàu ba lần, và thường gặp nguy hiểm với bọn cướp dọc đường. Nhiều đêm ông phải mất ngủ và thường bị khổ sở vì lạnh lẽo và đói khát. Ngoài mọi điều đó ra, hằng ngày ông lại cảm thấy “lo-lắng về hết thảy các Hội-thánh” (II Cô-rinh-tô 11:24-28). Vậy nhờ có từng trải nhiều kinh nghiệm cá nhân mà Phao-lô biết “sự bình-an của Đức Chúa Trời” quan trọng như thế nào, sự bình an có thể giữ gìn lòng chúng ta.
6. Tại sao việc thiết lập và giữ một sự liên lạc nồng nhiệt, mật thiết với Đấng Tạo hóa của chúng ta là trọng yếu?
6 “Sự bình-an của Đức Chúa Trời” có thể được giải thích là một cảm giác thanh tịnh và trầm lặng, phản ảnh một sự liên lạc tốt với Đức Chúa Trời. Điều này thật là quan trọng cho tín đồ đấng Christ, nhất là khi đối phó với sự bắt bớ hay hoạn nạn. Tại sao? Bởi vì tất cả chúng ta đều bất toàn; do đó, khi gặp phải các vấn đề khó khăn, áp lực mạnh, sự chống đối hoặc nhiều hình thức xao động khác nhau trong đời sống, chúng ta có thể dễ trở nên sợ sệt. Điều này có thể khiến chúng ta không giữ nổi sự trung thành, đem lại điều sỉ nhục cho danh Đức Giê-hô-va, để rồi chúng ta có thể mất đi ân huệ của Ngài và với hậu quả là mất sự sống đời đời. Vậy thì thật là quan trọng làm sao cố gắng đạt được “sự bình-an của Đức Chúa Trời” để giúp chúng ta đối phó tốt với những thử thách dường ấy. Sự bình an đó chắc hẳn là “sự ban-cho trọn-vẹn” đến từ Cha trên trời của chúng ta (Gia-cơ 1:17).
7, 8. a) “Sự bình-an của Đức Chúa Trời” dựa trên điều gì, và làm thế nào điều này “vượt-quá mọi sự hiểu-biết”? b) Trường hợp của một anh ở Phi châu là thí dụ điển hình thế nào cho một sự bình an như thế?
7 Có lẽ bạn đã thấy một số người đi trong đời với sự điềm tĩnh và tin cậy. Thường thì đó là do tài năng cá nhân, ảnh hưởng gia đình, tình trạng tài chánh, giáo dục hoặc các yếu tố khác nữa. “Sự bình-an của Đức Chúa Trời” thì lại rất khác. Điều này không tùy thuộc nơi hoàn cảnh thuận lợi, cũng không do năng khiếu cá nhân hoặc lý trí đem lại, mà đến từ Đức Chúa Trời và “vượt-quá mọi sự hiểu-biết” (Phi-líp 4:7). Những người thế gian thường ngạc nhiên thấy cách mà các tín đồ đấng Christ đối phó với các vấn đề khó khăn trầm trọng, thiệt hại thể chất, hoặc ngay cả sự chết.
8 Một thí dụ thời nay về điều nói trên là việc xảy ra cho một Nhân-chứng Giê-hô-va khi đang điều khiển một buổi nhóm họp của tín đồ đấng Christ tại một xứ ở Phi châu, nơi mà các Nhân-chứng bị dân chúng tố cáo là quân khủng bố, phần đông bởi sự xúi giục của những người Công giáo địa phương. Thình lình có quân cảnh xuất hiện, tay cầm súng có gắn lưỡi lê. Họ cho những đàn bà và con nít đi về nhà nhưng khởi sự đánh đập các người đàn ông. Anh Nhân-chứng kể lại: “Tôi không có lời nào tả nổi cách họ đối xử với chúng tôi. Lúc đó viên hạ sĩ chỉ huy tuyên bố thẳng là chúng tôi sẽ bị đánh chết. Tôi đã bị đánh bằng cây gỗ nhiều đến độ sau đó tôi bị ho ra máu trong 90 ngày. Nhưng tôi lại lo lắng cho mạng sống của anh em. Tôi cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va chăm sóc cho sự sống của họ là chiên của Ngài”, và thảy đều sống sót cả. Thật là một tấm gương tốt về việc giữ bình tĩnh trước nghịch cảnh phũ phàng và sự ưu tư đầy yêu thương đối với người khác! Đúng, Cha trên trời đầy yêu thương của chúng ta đáp lại những lời cầu khẩn của các tôi tớ trung thành của Ngài, ban cho họ sự bình an. Một trong những người lính có mặt vào lúc ấy lấy làm ngạc nhiên, cho rằng Đức Chúa Trời của các Nhân-chứng “hẳn phải là Đức Chúa Trời thật”.
9. Đọc và nghiềm ngẫm Kinh-thánh có thể đem lại hiệu quả nào?
9 Trong thời kỳ khó khăn này nhiều tín đồ đấng Christ gặp phải các vấn đề khó khăn khiến cho họ cảm thấy chán chường và nản chí. Một cách thật tốt để giữ gìn sự bình an nội tâm là đọc và nghiền ngẫm Kinh-thánh. Việc này có thể ban cho ta sức lực và sự cương quyết tiến tới và đứng vững. “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12).
10. Làm thế nào việc nhớ lại các câu Kinh-thánh có thể là một ân phước?
10 Tuy nhiên, nói gì nếu nghịch cảnh xảy đến khi chúng ta không làm sao có được Kinh-thánh? Chẳng hạn, một tín đồ đấng Christ có thể bị bắt giam thình lình và không có được Kinh-thánh ở trong nhà giam. Trong trường hợp đó, nhớ lại được các đoạn Kinh-thánh như Phi-líp 4:6, 7; Châm-ngôn 3:5, 6; I Phi-e-rơ 5:6, 7 và Thi-thiên 23 có thể là một ân phước thật sự. Bạn sẽ không cảm thấy biết ơn thật sự khi có thể nhớ lại và suy nghĩ về các đoạn ấy hay sao? Trong cảnh tù đày rùng rợn làm được thế cũng giống như chính Đức Giê-hô-va đang nói chuyện với bạn. Lời Đức Chúa Trời có thể chữa lành tâm hồn đau đớn, làm vững lại lòng bị yếu đi và thay thế tâm trạng lo âu bằng sự bình an. (Xem Thi-thiên 119:165). Đúng, rất quan trọng là nên khắc sâu các câu Kinh-thánh vào trong trí chúng ta bây giờ, trong khi chúng ta còn có cơ hội làm vậy.
11. Làm thế nào một anh ở Hòa-lan đã bày tỏ sự cần đến đồ ăn thiêng liêng?
11 Anh Arthur Winkler đã từng là một người quí trọng Kinh-thánh một cách sâu đậm, đặc biệt trong thời kỳ quân đội Quốc xã chiếm đóng nước Hòa-lan, khi ấy các Nhân-chứng Giê-hô-va đã phải hoạt động rao giảng cách thầm kín. Cảnh sát mật vụ (Gestapo) lúc ấy lùng bắt anh Arthur Winkler. Cuối cùng khi chúng bắt được anh, chúng tìm cách khiến anh hòa giải với chúng nhưng vô hiệu. Rồi thì chúng đánh đập anh tới bất tỉnh. Anh mất mấy cái răng, xương hàm dưới bị trẹo và mình mẩy thì bị đánh bầm dập và họ đã bỏ anh vào một phòng giam tối tăm. Nhưng người cai tù động lòng và thân thiện. Anh Winkler tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va bằng lời cầu nguyện. Anh cũng cảm thấy rất cần đến đồ ăn thiêng liêng và xin người cai tù giúp đỡ. Sau đó cửa phòng giam mở ra và có người quăng một cuốn Kinh-thánh vào bên trong. Anh Winkler kể lại: “Thật là một sự vui mừng lớn biết bao hưởng được những lời êm ái của lẽ thật mỗi ngày... Tôi đã cảm thấy mạnh mẽ hơn về thiêng liêng”.a
Sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ giữ gìn anh em
12. Tại sao đặc biệt cần phải giữ gìn sự mạnh mẽ của lòng và trí chúng ta?
12 Đức Giê-hô-va hứa là sự bình an của Ngài “sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em” (Phi-líp 4:7). Điều này thật hệ trọng làm sao! Lòng là trung tâm xuất phát các động lực và tình cảm. Trong những ngày sau rốt này lòng chúng ta có thể dễ dàng bị yếu đi vì lo sợ hay lo lắng, hoặc lòng cám dỗ chúng ta làm điều sai lầm. Đời sống con người càng ngày càng xấu đi nhanh chóng. Chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác đề phòng. Ngoài việc cần có lòng mạnh mẽ, chúng ta cũng cần phải có “ý-tưởng” được vững mạnh thêm và được Đức Chúa Trời hướng dẫn bởi Lời của Ngài và qua hội-thánh.
13. Giữ gìn ý tưởng của chúng ta có thể đem lại lợi ích gì?
13 Theo tác giả W. E. Vine thì chữ noʹe·ma trong tiếng Hy-lạp (dịch là “ý-tưởng”) có ý niệm về “ý định” hoặc “phương kế” (An Expository Dictionary of New Testament Words). Vậy sự bình an của Đức Chúa Trời có thể làm vững mạnh thêm ý định của tín đồ đấng Christ chúng ta và giữ gìn chúng ta khỏi mắc phải các khuynh hướng bị yếu đi hoặc đổi ý mà không có lý do chính đáng. Do đó sự chán nản hoặc vấn đề khó khăn sẽ không dễ dàng quật ngã chúng ta. Chẳng hạn, nếu chúng ta có ý định phụng sự Đức Giê-hô-va trong vài hình thức đặc biệt như làm người truyền giáo khai thác trọn thời gian hoặc di chuyển tới một nơi rất cần có những người truyền giáo thì “sự bình-an của Đức Chúa Trời” sẽ giúp chúng ta thật nhiều để bền chí hướng về mục tiêu đó. (So sánh Lu-ca 1:3; Công-vụ các Sứ-đồ 15:36; 19:21; Rô-ma 15:22-24, 28; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 18). Để làm vững mạnh ý tưởng của bạn thêm nữa, hãy dành nhiều thì giờ vào việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời và kết hợp với anh em tín đồ. Làm thế bạn sẽ nuôi dưỡng lòng và trí bạn với những tư tưởng trong sạch và xây dựng. Bạn có thể dành đủ thì giờ vào việc học hỏi Kinh-thánh, “lời” được soi dẫn của Đức Chúa Trời không? Bạn có nên chú ý nhiều hơn đến Kinh-thánh không?
14. Chúng ta nên cẩn thận vâng giữ lời khuyên được soi dẫn nào, và tại sao?
14 Bạn có thể thấy là cả lòng lẫn trí, hoặc ý tưởng, đều liên can đến việc có được “sự bình-an của Đức Chúa Trời” và hưởng được lợi ích của sự bình an đó. Lời khuyên sau đây của Đức Chúa Trời xác nhận điều này: “Hỡi con, hãy chăm-chỉ về các lời ta, Khá nghiêng tai nghe những bài giảng-thuyết ta. Các lời ấy chớ để xa khỏi mắt con, Hãy giữ lấy nơi lòng con. Vì lời ấy là sự sống cho người nào tìm được nó, Và sự khỏe-mạnh cho toàn thân-thể của họ. Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm-ngôn 4:20-23).
15. Giê-su có vai trò gì trong việc chúng ta có được “sự bình-an của Đức Chúa Trời”?
15 Nhờ có được một sự liên lạc nồng nhiệt và mật thiết với Đức Giê-hô-va, “sự bình-an của Đức Chúa Trời” giữ gìn lòng và ý tưởng chúng ta “[bởi] Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:7). Giê-su đóng vai trò gì trong việc này? Phao-lô giải thích: “Nguyền xin anh em được ân-điển và sự bình-an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha, và bởi Chúa Giê-su Christ, là Chúa chúng ta, là đấng phó mình vì tội-lỗi chúng ta, hầu cho cứu chúng ta khỏi đời ác nầy, y theo ý-muốn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta” (Ga-la-ti 1:3, 4). Đúng, Giê-su đã hy sinh mạng sống của ngài cách đầy yêu thương để cho chúng ta có thể được cứu chuộc (Ma-thi-ơ 20:28). Vậy thì “[bởi] Chúa Giê-su Christ” chúng ta có thể được Đức Giê-hô-va chấp nhận cho dâng mình làm tôi tớ của Ngài và có thể được Ngài ban cho sự bình an để giữ gìn chúng ta.
Các nguy hiểm đe dọa sự bình an của Đức Chúa Trời
16. Phao-lô cho lời khuyên gì có thể giúp chúng ta giữ được “sự bình-an của Đức Chúa Trời”?
16 Một khi nhận và hưởng được sự bình an từ Đức Chúa Trời, chúng ta phải thận trọng giữ gìn. Nhiều yếu tố có thể cướp mất sự bình an khỏi người tín đồ đấng Christ. Trong số các yếu tố thường thấy nhất, và chắc chắn nguy hiểm nhất, là sự ham muốn của tuổi trẻ. Trong lá thư thứ hai viết cho Ti-mô-thê, lúc ấy dường như mới trên 30 tuổi, Phao-lô cho lời khuyên này: “Cũng hãy tránh khỏi tình-dục trai-trẻ, mà tìm những điều công-bình, đức-tin, yêu-thương, hòa-thuận với kẻ lấy lòng tinh-sạch kêu-cầu Chúa” (II Ti-mô-thê 2:22).
17. Sự ham muốn về tình dục do Đức Giê-hô-va tạo ra nhiều khi đã đưa đến lạm dụng ra sao?
17 Các sự ham muốn này bao gồm cả sự ham muốn về tình dục. Điều này có lý do đáng trọng nếu là trong hôn nhân, nhưng trong suốt lịch sử, sự ham muốn về tình dục đã bộc lộ cách sai lầm qua việc giao hợp trước hôn nhân và ngoài vòng hôn nhân, cả hai hoạt động này đều không được Đấng Tạo hóa khôn sáng của chúng ta chấp nhận. Nguy hiểm buông lung vào thói tình dục vô luân đe dọa tín đồ đấng Christ ngày nay, dù còn trẻ hay đã lớn tuổi. Trong những ngày cuối cùng của thế gian trụy lạc này, đối với nhiều người tình dục chỉ là một phương tiện để thỏa mãn sự đam mê về xác thịt, thường thì bằng các sự thực hành thường thấy nơi những người đồng tính luyến ái, phái nam hay nữ (Rô-ma 1:24-27).
18. Tại sao một số người chưa có lòng cương quyết, và điều này có thể đưa đến việc gì?
18 Sự kiện chúng ta sống trong một bầu không khí như thế nhấn mạnh tầm quan trọng là chúng ta phải có lòng mạnh mẽ và cương quyết trung thành với Đức Giê-hô-va. Một số người đã chấp nhận thông điệp Nước Trời, tin vào những lẽ thật căn bản của Kinh-thánh và kết hợp đều đặn với dân tộc của Đức Giê-hô-va, nhưng không phát triển lòng biết ơn sâu đậm đối với Đức Giê-hô-va, Lời của Ngài và với hội-thánh của Ngài trên khắp thế giới. Lòng họ chưa cương quyết mấy. Họ có thể dễ bị “tình-dục trai-trẻ” kéo đi lạc hướng. Một số người trong họ có lẽ cưỡng lại được các sự cám dỗ phạm tội tà dâm hay ngoại tình, nhưng lại trở nên “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”, như Phao-lô có cảnh cáo (II Ti-mô-thê 3:4). Họ dành nhiều thì giờ để xem truyền hình, đọc tiểu thuyết, hay nghe nhạc khích động, hơn là cho việc học hỏi cá nhân, đi nhóm họp với tín đồ đấng Christ hoặc đi rao giảng về Nước Trời. Điều này có thể dễ đưa đến trạng thái nhu nhược thiêng liêng và rồi sẽ phạm tội nặng.
19. Chúng ta phải làm gì để tránh bị trôi lạc?
19 Những kẻ thể ấy, giống như một chiếc thuyền không có neo, cứ trôi giạt theo dòng nước chảy đi đến tai họa. Họ phải làm gì? Phao-lô khuyên: “Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy [lưu ý cách khác thường đến] điều mình đã nghe, e kẻo bị trôi lạc chăng” (Hê-bơ-rơ 2:1). Như vậy những người ở trong sự nguy hiểm nên “giữ vững lấy [lưu ý cách khác thường đến]” sự học hỏi Lời Đức Chúa Trời, sửa soạn cho các buổi nhóm họp cho tín đồ và chia xẻ các lẽ thật về Nước Trời với người khác. Dĩ nhiên, thật dễ nghĩ: ‹‹Lời khuyên này quả là hay, nhưng tôi đâu có ở trong tình trạng đó, vậy lời khuyên này không phải là cho tôi››. Khôn ngoan hơn biết bao là mỗi người trong chúng ta xem xét kỹ làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục tẩy sạch lòng chúng ta, các ý tưởng thâm sâu nhất và những sự ham muốn và “tìm những điều công-bình, đức-tin, yêu-thương, hòa-thuận với kẻ lấy lòng tinh-sạch kêu-cầu Chúa” (II Ti-mô-thê 2:22). Trên hết mọi sự, chúng ta nên xin Đức Chúa Trời hướng dẫn và làm mạnh thêm với sự giúp đỡ của thánh linh Ngài.
20. Người nào phạm tội nặng nên làm gì?
20 Nếu có người nào phạm tội nặng nhưng cố giấu kín việc đó, kẻ đó sẽ mất sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va và “sự bình-an của Đức Chúa Trời” mà trước kia có. Người đó cũng sẽ mất sự yên ổn tâm trí nữa. (So sánh II Sa-mu-ên 24:10; Ma-thi-ơ 6:22, 23). Vậy thì bạn có thể thấy rằng bất cứ tín đồ đấng Christ nào phạm tội nặng nhất định phải thú tội cùng Đức Giê-hô-va và với các trưởng lão đầy yêu thương, những người này có thể giúp chữa lành cho về phương diện thiêng liêng (Ê-sai 1:18, 19; 32:1, 2; Gia-cơ 5:14, 15). Khi một người đã mất thăng bằng về phương diện thiêng liêng và đang bước trên con đường trơn trợt của tội lỗi đến tìm sự giúp đỡ của các anh thành thục, người đó sẽ không tiếp tục có lương tâm bị cắn rứt hoặc mất hẳn sự bình an của Đức Chúa Trời.
21. Điều gì khiến chúng ta cảm thấy biết ơn cách sâu đậm đối với Đức Giê-hô-va ngày nay, và chúng ta nên cương quyết làm gì?
21 Thật là một đặc ân lớn được làm Nhân-chứng trung thành của Đức Giê-hô-va ngày nay! Mọi sự chung quanh chúng ta, cả thế gian này theo Sa-tan đang sụp đổ và tan tác. Chẳng bao lâu nữa nó sẽ mất tiêu. Nhiều người “nhơn trong khi đợi việc hung-dữ xảy ra cho thế-gian, thì thất-kinh mất vía”. Nhưng chúng ta có thể ngước đầu lên vì chúng ta biết rằng “sự giải-cứu của [chúng ta] gần tới” (Lu-ca 21:25-28). Để chứng tỏ chúng ta biết ơn xiết bao đối với Đức Giê-hô-va về “sự bình-an của [Ngài] vượt-quá mọi sự hiểu-biết”, chúng ta hãy làm hết sức mình để trung thành phụng sự “Đức Chúa Trời [ban cho sự] bình-an” (Rô-ma 15:33; I Cô-rinh-tô 15:58).
[Chú thích]
a Xem cuốn ‹‹Niên giám của Nhân-chứng Giê-hô-va năm 1986›› (1986 Yearbook of Jehovah’s Witnesses), trang 154-157.
Những điểm để ôn lại
◻ “Sự bình-an của Đức Chúa Trời” có thể giúp chúng ta thế nào ngày nay, và làm sao “sự bình-an” đó “vượt-quá mọi sự hiểu-biết”?
◻ Những yếu tố nào khiến chúng ta có thể giữ được sự bình an trong tâm trí?
◻ Sự nguy hiểm thâm độc nào đe dọa nhiều tín đồ đấng Christ ngày nay, và có thể đưa đến điều gì?
◻ Nếu một tín đồ đấng Christ phạm tội nặng, người đó nên làm gì?
[Khung/Hình nơi trang 15]
Chị biết rằng quả thật là như vậy
Trong thời Thế Chiến thứ II chính quyền Quốc xã bắt giam chồng chị Elsa Abt vào trại tập trung ở Sachsenhausen vì anh ấy rao giảng với tư cách tín đồ đấng Christ. Rồi vào tháng 5 năm 1942, cảnh sát mật vụ (Gestapo) đến nhà chị bắt luôn con gái nhỏ của chị và bắt chị Elsa đi lao động và chịu khổ cực trong nhiều trại khác nhau. Chị kể lại lời chứng như sau:
“Sống nhiều năm trong các trại tập trung đã dạy tôi một bài học đặc sắc nhất. Đó là sự kiện thánh linh Đức Giê-hô-va có thể ban cho ta thêm sức thật nhiều vô kể khi ta bị thử thách đến cùng cực! Trước khi bị bắt, tôi có đọc lá thư của một chị nói rằng dưới thử thách gay go thánh linh Đức Giê-hô-va khiến cho ta được bình tĩnh. Lúc ấy tôi nghĩ chị kia nói quá lời. Nhưng khi chính tôi chịu thử thách, tôi biết rằng quả thật là như chị đã nói. Tôi cũng đã cảm thấy như thế. Thật khó mà tưởng tượng cho được nếu chính mình chưa từng trải qua cảnh ngộ ấy. Thế mà điều này đã thật sự xảy ra cho tôi. Đức Giê-hô-va giúp đỡ”.
[Hình nơi trang 13]
Phao-lô biết do kinh nghiệm riêng rằng sự bình an của Đức Chúa Trời có thể giữ gìn lòng chúng ta
[Hình nơi trang 16]
Bạn đang bị nguy hiểm trôi lạc về phương diện thiêng liêng không?