Các bạn trẻ—Hãy theo đuổi mục tiêu tôn vinh Đức Chúa Trời
“Hãy. . . tập-tành sự tin-kính”.—1 TI-MÔ-THÊ 4:7.
1, 2. (a) Tại sao Phao-lô khen ngợi Ti-mô-thê? (b) Những người trẻ ngày nay đang “tập-tành sự tin-kính” như thế nào?
“TÔI không có ai như người đồng-tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em. . . Người là trung-thành với tôi về việc Tin-lành, như con ở với cha vậy”. (Phi-líp 2:20, 22) Sứ đồ Phao-lô viết những lời khen nồng ấm này trong lá thư gửi cho các tín đồ Đấng Christ thế kỷ thứ nhất ở thành Phi-líp. Ông đang nói đến ai? Đó là Ti-mô-thê, người bạn đồng hành trẻ tuổi của ông. Hãy tưởng tượng những lời đầy tình cảm và tin cậy trong lá thư này làm ấm lòng Ti-mô-thê biết bao!
2 Những người trẻ đầy thiêng liêng tính như Ti-mô-thê luôn là những người quý báu trong dân sự của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 110:3) Ngày nay, tổ chức của Đức Chúa Trời được phước vì có nhiều người trẻ phục vụ với tư cách tiên phong, giáo sĩ, thành viên nhà Bê-tên và người xây cất tình nguyện. Ngoài ra, có những người trẻ sốt sắng trong các hoạt động của hội thánh trong khi phải chu toàn những trách nhiệm khác. Họ cũng thật đáng khen. Tất cả những người trẻ ấy cảm thấy mãn nguyện thật sự nhờ theo đuổi mục tiêu tôn vinh Cha trên trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va. Thật vậy, họ đang “tập-tành sự tin-kính”.—1 Ti-mô-thê 4:7, 8.
3. Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Là một người trẻ, bạn có đang vươn tới những mục tiêu thiêng liêng không? Nơi nào và những ai có thể giúp đỡ và khuyến khích bạn làm điều đó? Làm thế nào bạn có thể chống lại áp lực của thế gian đầy tinh thần vật chất này? Bạn có thể mong nhận được những ân phước nào nếu theo đuổi mục tiêu tôn vinh Đức Chúa Trời? Chúng ta hãy tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này bằng cách xem xét cuộc đời và sự nghiệp của Ti-mô-thê.
Lai lịch của Ti-mô-thê
4. Hãy vắn tắt kể lại sự nghiệp phục vụ của Ti-mô-thê.
4 Ti-mô-thê lớn lên ở Lít-trơ, một thị trấn nhỏ nằm trong tỉnh Ga-la-ti của La Mã. Rất có thể Ti-mô-thê bắt đầu biết đạo Đấng Christ lúc còn niên thiếu khi Phao-lô rao giảng tại Lít-trơ vào khoảng năm 47 CN. Ti-mô-thê nhanh chóng tạo được tiếng tốt với các anh trong hội thánh địa phương. Hai năm sau, khi trở lại Lít-trơ và biết sự tiến bộ của Ti-mô-thê, Phao-lô đã chọn Ti-mô-thê làm người bạn đồng hành trong công việc giáo sĩ. (Công-vụ 14:5-20; 16:1-3) Khi lớn tuổi hơn, Ti-mô-thê được giao nhiều trách nhiệm nặng nề, kể cả những nhiệm vụ quan trọng để củng cố anh em. Vào khoảng năm 65 CN, khi Phao-lô viết thư cho Ti-mô-thê từ nhà tù ở Rô-ma, Ti-mô-thê đang phục vụ với tư cách trưởng lão tại hội thánh ở Ê-phê-sô.
5. Theo 2 Ti-mô-thê 3:14, 15, hai yếu tố nào đã thúc đẩy Ti-mô-thê chọn theo đuổi mục tiêu thiêng liêng?
5 Rõ ràng, Ti-mô-thê đã chọn theo đuổi mục tiêu thiêng liêng. Nhưng điều gì thúc đẩy Ti-mô-thê làm thế? Trong lá thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô đã nêu lên hai yếu tố chính. Ông viết: “Hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh”. (2 Ti-mô-thê 3:14, 15) Trước hết chúng ta hãy xem xét vai trò của những tín đồ khác ảnh hưởng đến sự lựa chọn của Ti-mô-thê như thế nào.
Được lợi ích nhờ ảnh hưởng tốt
6. Ti-mô-thê nhận được sự dạy dỗ nào, và đã phản ứng ra sao?
6 Ti-mô-thê lớn lên trong gia đình không cùng tôn giáo: cha là người Gờ-réc, còn mẹ là Ơ-nít và bà ngoại là Lô-ít đều là người gốc Do Thái. (Công-vụ 16:1) Từ thuở còn thơ ấu, Ti-mô-thê đã được bà và mẹ dạy lẽ thật từ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Sau khi đổi sang đạo Đấng Christ, họ hẳn đã giúp Ti-mô-thê tin vào các sự dạy dỗ mà họ đã học được. Rõ ràng, Ti-mô-thê tận dụng mọi cơ hội để nhận lợi ích từ sự dạy dỗ tuyệt vời này. Phao-lô nhận xét: “Ta cũng nhớ đến đức-tin thành-thật của con, là đức-tin trước đã ở trong Lô-ít, bà-ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa”.—2 Ti-mô-thê 1:5.
7. Nhiều người trẻ có được ân phước nào, và điều này mang lại lợi ích cho họ như thế nào?
7 Ngày nay, nhiều người trẻ có được ân phước vì có cha mẹ và ông bà kính sợ Đức Chúa Trời, những người nhận biết được tầm quan trọng của các mục tiêu thiêng liêng giống như Lô-ít và Ơ-nít. Chẳng hạn, Samira vẫn còn nhớ những buổi nói chuyện với cha mẹ khi còn niên thiếu. Chị nói: “Ba mẹ tôi dạy tôi phải có quan điểm của Đức Giê-hô-va và đặt công việc rao giảng lên hàng đầu. Họ luôn khuyến khích tôi theo đuổi thánh chức trọn thời gian”. Chị đã nghe theo lời cha mẹ và hiện nay có đặc ân phục vụ với tư cách là một thành viên gia đình Bê-tên tại quê hương của chị. Nếu cha mẹ khuyến khích bạn nhắm đến các mục tiêu thiêng liêng, bạn hãy suy nghĩ kỹ về lời khuyên đó. Cha mẹ bạn muốn bạn được hạnh phúc.—Châm-ngôn 1:5.
8. Ti-mô-thê đã nhận được lợi ích từ việc kết bạn với những người có tinh thần xây dựng như thế nào?
8 Kết bạn với những người có tinh thần xây dựng trong đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ cũng là điều quan trọng cho bạn. Các trưởng lão trong hội thánh ở Lít-trơ và cả ở Y-cô-ni, cách đó 30 kilômét, đều biết Ti-mô-thê. (Công-vụ 16:1, 2) Ti-mô-thê vun trồng mối quan hệ thân thiết với Phao-lô, một người hăng hái và sốt sắng. (Phi-líp 3:14) Những lá thư của Phao-lô cho thấy Ti-mô-thê luôn sẵn sàng lắng nghe lời khuyên và nhanh chóng noi theo gương của những người có đức tin. (1 Cô-rinh-tô 4:17; 1 Ti-mô-thê 4:6, 12-16) Phao-lô viết: “Con đã nói theo ta trong sự dạy-dỗ, tánh hạnh, ý-muốn, đức-tin, nhịn-nhục, yêu-thương, bền-đỗ của ta”. (2 Ti-mô-thê 3:10) Thật thế, Ti-mô-thê theo sát gương mẫu của Phao-lô. Tương tự, nếu bạn đến gần những anh chị mạnh mẽ về thiêng liêng trong hội thánh, họ sẽ giúp bạn có những mục tiêu thiêng liêng.—2 Ti-mô-thê 2:20-22.
Học “Kinh-thánh”
9. Ngoài việc chọn bạn tốt, bạn còn phải làm gì để “tập-tành sự tin-kính”?
9 Phải chăng đạt được các mục tiêu thiêng liêng là chỉ nhờ vào việc chọn đúng bạn? Không phải vậy. Như Ti-mô-thê, bạn cần xem xét “Kinh-thánh” một cách kỹ lưỡng. Đối với bạn, có lẽ việc học không phải là điều thú vị, nhưng hãy nhớ Ti-mô-thê đã phải “tập-tành sự tin-kính”. Các vận động viên thường phải gắng sức luyện tập suốt nhiều tháng để đạt được mục tiêu của mình. Tương tự thế, bạn cần phải hy sinh và thật sự cố gắng để đạt được mục tiêu thiêng liêng. (1 Ti-mô-thê 4:7, 8, 10) Bạn có thể tự hỏi: ‘Nhưng làm thế nào việc học Kinh Thánh có thể giúp tôi đạt được mục tiêu?’ Chúng ta hãy xem xét ba cách.
10, 11. Tại sao Kinh Thánh giúp bạn có động lực để đạt được những mục tiêu thiêng liêng? Hãy cho một ví dụ.
10 Thứ nhất, Kinh Thánh sẽ giúp bạn có động lực đúng đắn. Kinh Thánh cho chúng ta biết về những đức tính tuyệt vời của Cha trên trời cùng hành động yêu thương cao cả nhất của Ngài vì lợi ích chúng ta. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết ân phước vô tận Ngài dành cho những tôi tớ trung thành. (A-mốt 3:7; Giăng 3:16; Rô-ma 15:4) Khi càng hiểu biết về Đức Giê-hô-va, bạn càng yêu quý Ngài hơn và càng mong muốn dâng đời sống mình cho Ngài.
11 Nhiều tín đồ trẻ nói rằng việc đều đặn học Kinh Thánh cá nhân là điều chính yếu giúp họ tự chọn theo lẽ thật. Hãy xem trường hợp của Adele. Chị lớn lên trong một gia đình đạo Đấng Christ nhưng trước đây, chị không bao giờ đặt cho mình mục tiêu thiêng liêng nào cả. Chị kể lại: “Cha mẹ dẫn tôi đi nhóm họp ở Phòng Nước Trời nhưng tôi không lắng nghe tại các buổi họp và cũng không học hỏi cá nhân”. Sau khi chị của Adele làm báp têm, Adele bắt đầu nghiêm túc xem xét lẽ thật. Chị nói tiếp: “Tôi bắt đầu đọc toàn thể cuốn Kinh Thánh. Tôi đọc vài câu, rồi ghi vài lời nhận xét về những điều tôi vừa đọc. Tôi vẫn còn giữ tất cả những lời ghi chú đó. Tôi đọc xong Kinh Thánh trong một năm”. Nhờ đó, Adele có động lực để dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Dù bị khuyết tật, Adele hiện giờ là một tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian.
12, 13. (a) Việc học hỏi Kinh Thánh sẽ giúp người trẻ cải thiện điều gì? Và họ làm thế bằng cách nào? (b) Hãy nêu vài câu Kinh Thánh cho thấy Kinh Thánh chứa đựng sự khôn ngoan thực tiễn.
12 Thứ hai, Kinh Thánh sẽ giúp bạn cải thiện nhân cách. Phao-lô nói với Ti-mô-thê rằng “Kinh-thánh. . . có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Bằng cách đều đặn suy ngẫm về những điều liên quan đến Lời Đức Chúa Trời và áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh, bạn để thánh linh Ngài cải thiện nhân cách của bạn. Nhờ đó, bạn có thể vun trồng những đức tính thiết yếu như khiêm nhường, kiên trì, siêng năng và tình yêu thương chân thật đối với anh chị em đồng đạo. (Thi-thiên 77:12; 1 Ti-mô-thê 4:15) Nhờ có những đức tính này, Ti-mô-thê trở thành người hữu dụng cho cả Phao-lô lẫn những hội thánh mà Ti-mô-thê phục vụ.—Phi-líp 2:20-22.
13 Thứ ba, Kinh Thánh là cuốn sách chứa đựng sự khôn ngoan thực tiễn. (Thi-thiên 1:1-3; 19:7; 2 Ti-mô-thê 2:7; 3:15) Kinh Thánh giúp bạn khôn ngoan lựa chọn bạn bè, những trò giải trí lành mạnh và đối phó với nhiều thử thách khác. (Sáng-thế Ký 34:1, 2; Thi-thiên 119:37; 1 Cô-rinh-tô 7:36a) Có những quyết định khôn ngoan ngay bây giờ là điều quan trọng để giúp bạn đạt được mục tiêu thiêng liêng.
‘Hãy đánh trận tốt-lành’
14. Tại sao không dễ để theo đuổi mục tiêu thiêng liêng?
14 Đặt những mục tiêu tôn vinh Đức Giê-hô-va lên hàng đầu là con đường khôn ngoan nhất nhưng không phải là dễ dàng. Thí dụ, khi chọn nghề nghiệp, bạn có lẽ gặp rất nhiều áp lực từ họ hàng, bạn bè và thầy cô có thiện ý. Họ tin rằng học cao và nghề nghiệp kiếm được nhiều tiền là bí quyết để đạt được thành công và hạnh phúc thật sự. (Rô-ma 12:2) Giống như Ti-mô-thê, bạn cần ‘vì đức-tin đánh trận tốt-lành’ để “bắt lấy sự sống đời đời” mà Đức Giê-hô-va muốn ban cho bạn.—1 Ti-mô-thê 6:12; 2 Ti-mô-thê 3:12.
15. Ti-mô-thê có lẽ đương đầu với sự chống đối nào?
15 Nếu gia đình có những người không cùng đức tin và phản đối sự lựa chọn của bạn, thì có lẽ bạn phải chịu áp lực rất nặng nề. Có lẽ Ti-mô-thê đã phải vượt qua sự chống đối như thế. Theo một tài liệu tham khảo, gia đình Ti-mô-thê rất có thể “thuộc tầng lớp có học thức và giàu có”. Cha của Ti-mô-thê hẳn đã muốn con mình học cao và tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình.b Hãy nghĩ xem cha của Ti-mô-thê đã phản ứng thế nào khi biết Ti-mô-thê chọn công việc giáo sĩ với Phao-lô, một công việc đầy nguy hiểm và bấp bênh về tài chính!
16. Một người trẻ đã đối phó với sự chống đối của cha mình như thế nào?
16 Các tín đồ trẻ ngày nay cũng đương đầu với những thử thách tương tự như thế. Matthew, người làm việc tại một văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, kể lại: “Khi tôi bắt đầu làm tiên phong, cha tôi vô cùng thất vọng. Cha cảm thấy tôi đã ‘bỏ phí’ nhiều năm trời học hành khi chọn việc lau chùi nhà cửa để nuôi thân và làm thánh chức. Cha chê cười tôi và nói rằng tôi có thể kiếm được nhiều tiền biết bao nhiêu nếu làm việc cả tuần”. Matthew đối phó với sự chống đối này như thế nào? Anh nói: “Tôi tiếp tục đọc Kinh Thánh đều đặn và thường xuyên cầu nguyện, đặc biệt vào những lúc tôi cảm thấy dễ nóng giận”. Nhờ cương quyết, Matthew nhận được nhiều ân phước. Với thời gian, hai người hòa thuận lại với nhau. Matthew cũng gần gũi với Đức Giê-hô-va hơn. Anh cho biết: “Tôi thấy Đức Giê-hô-va chăm sóc tôi, khuyến khích và che chở tôi khỏi những quyết định sai lầm. Nếu không vươn tới những mục tiêu thiêng liêng, chắc tôi đã không cảm nghiệm được tất cả những ân phước này”.
Tiếp tục nhắm đến mục tiêu thiêng liêng
17. Một vài người có thể vô tình ngăn cản những người muốn tham gia thánh chức trọn thời gian như thế nào? (Ma-thi-ơ 16:22)
17 Có một thử thách bạn khó nhận ra vì nó đến từ người bạn đồng đức tin. Thử thách này có thể ngăn cản bạn theo đuổi mục tiêu thiêng liêng. Một vài người có thể hỏi bạn: “Sao phải làm tiên phong? Cứ việc đi làm rồi đi rao giảng có sao đâu. Hãy kiếm một việc có lương cao để đời sống được bảo đảm”. Dường như đây là một lời khuyên có lý. Tuy nhiên, phải chăng bạn thật sự “tập-tành sự tin-kính” nếu nghe theo lời khuyên ấy?
18, 19. (a) Làm thế nào bạn có thể nhắm đến mục tiêu thiêng liêng? (b) Là một người trẻ, bạn hãy cho biết bạn đã hy sinh những gì vì Nước Trời.
18 Một số tín đồ thời Ti-mô-thê rõ ràng cũng có suy nghĩ như vậy. (1 Ti-mô-thê 6:17) Để giúp Ti-mô-thê nhắm đến mục tiêu thiêng liêng, Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê: “Khi một người đi ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy [“vương vấn”, Bản Dịch Mới] mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu-mộ mình”. (2 Ti-mô-thê 2:4) Một người lính đang thi hành nhiệm vụ không thể phân tâm theo đuổi những mục tiêu đời thường. Mạng sống của ông và của những người khác tùy thuộc vào việc ông luôn sẵn sàng hành động khi có lệnh của sĩ quan chỉ huy. Là một người lính dưới quyền Đấng Christ, bạn cũng phải chuyên tâm vào nhiệm vụ của mình và tránh vương vấn vào việc theo đuổi của cải vật chất, là điều có thể cản trở bạn hoàn tất thánh chức cứu người.—Ma-thi-ơ 6:24; 1 Ti-mô-thê 4:16; 2 Ti-mô-thê 4:2, 5.
19 Thay vì theo đuổi mục tiêu có một đời sống nhàn hạ, bạn hãy vun trồng tinh thần hy sinh. Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Hãy sẵn sàng sống thiếu tiện nghi như một người lính giỏi của Chúa Giê-su Christ”. (2 Ti-mô-thê 2:3, The English Bible in Basic English) Khi ở cùng Phao-lô, Ti-mô-thê học được bí quyết để có sự thỏa lòng ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. (Phi-líp 4:11, 12; 1 Ti-mô-thê 6:6-8) Bạn cũng có thể làm được như vậy. Bạn có sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình vì Nước Trời không?
Ân phước ngay bây giờ và trong tương lai
20, 21. (a) Hãy cho biết một số ân phước có được nhờ theo đuổi mục tiêu thiêng liêng. (b) Bạn quyết tâm làm gì?
20 Ti-mô-thê phụng sự chung vai sát cánh với Phao-lô trong khoảng 15 năm. Ti-mô-thê chứng kiến tận mắt nhiều hội thánh mới được thành lập khi tin mừng được giảng ra gần như khắp vùng bắc Địa Trung Hải. Đời sống của Ti-mô-thê không thể thích thú và thỏa lòng như thế nếu Ti-mô-thê chọn một cuộc đời “bình thường”. Khi theo đuổi mục tiêu thiêng liêng, bạn cũng có thể gặt hái được những ân phước thiêng liêng vô giá. Bạn sẽ đến gần Đức Giê-hô-va và được những anh em đồng đạo yêu quý. Thay vì phải chịu đau khổ và buồn bực khi theo đuổi sự giàu sang, bạn sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc thật sự qua việc giúp đỡ người khác một cách vô vụ lợi. Điều quý giá hơn hết là bạn sẽ “cầm lấy sự sống thật”, một đời sống vô tận trong địa đàng.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10, 17-19; Công-vụ 20:35.
21 Vì vậy, nếu bạn chưa “tập-tành sự tin-kính”, chúng tôi nhiệt thành khuyến khích bạn hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Hãy đến gần những anh chị đồng đạo, những người có thể giúp và hướng dẫn bạn vươn tới mục tiêu thiêng liêng. Hãy tự học hỏi Kinh Thánh đều đặn và đặt việc này lên hàng đầu. Hãy quyết tâm chống lại tinh thần vật chất của thế gian này. Và hãy luôn luôn nhớ rằng Đức Chúa Trời—‘Đấng ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng’—hứa là bạn có thể nhận được ân phước dồi dào ngay bây giờ và trong tương lai nếu bạn chọn mục tiêu tôn vinh Ngài.—1 Ti-mô-thê 6:17.
[Chú thích]
a Xã hội Hy Lạp coi trọng học vấn. Plutarch, người cùng thời với Ti-mô-thê, viết như sau: “Nền học vấn đầy đủ là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp. . . Theo tôi, đây là điều không những giúp mà còn dẫn đến sự hoàn thiện về đạo đức và cả hạnh phúc nữa. . . Tất cả những thứ khác đều chỉ là những điều tầm thường của con người, và không đáng cho chúng ta quan tâm”.—Moralia, tập I, “The Education of Children”.
Bạn có nhớ không?
• Nơi nào và những ai có thể giúp người trẻ vươn tới mục tiêu thiêng liêng?
• Tại sao việc học hỏi Kinh Thánh kỹ lưỡng là điều quan trọng?
• Làm thế nào người trẻ có thể chống lại ảnh hưởng vật chất trong thế gian này?
• Theo đuổi mục tiêu thiêng liêng đem lại những ân phước nào?
[Hình nơi trang 24]
Ti-mô-thê theo đuổi những mục tiêu cao quý
[Các hình nơi trang 25]
Ti-mô-thê được lợi ích nhờ ảnh hưởng của ai?
[Các hình nơi trang 26]
Bạn có đang vươn tới những mục tiêu thiêng liêng không?
[Chú thích]
b Bản New World Translation (Bản dịch Thế Giới Mới) dịch câu 1 Cô-rinh-tô 7:36 như sau: “Nhưng nếu có người nghĩ rằng mình hành động không thích đáng đối với sự trinh trắng của mình, và nếu mình đã quá thời kỳ bồng bột, thì đây là cách nên làm: hãy để người ấy làm theo ý mình muốn; người ấy không phạm tội. Hãy để họ lập gia đình”.