Những người khuyên bảo khéo léo—một ân phước cho các anh em
“Ta sẽ lập lại các quan xét của ngươi như ngày trước, các người khuyên bảo của ngươi như lúc đầu” (Ê-SAI 1:26, NW).
1, 2. a) Châm-ngôn 12:15 và 19:20 cho thấy giá trị của lời khuyên bảo như thế nào? b) Điều gì là cần thiết trước nhất nếu chúng ta phải chấp nhận lời khuyên bảo, và kinh nghiệm nào cho thấy điều đó?
“Te-ri có cha mẹ là tín đồ đấng Christ. Ở trường học, Te-ri có một người bạn cũng “trong lẽ thật”. Song vào khoảng cuối cùng của bậc tiểu học, Te-ri để ý người bạn không còn hăng hái trong đức tin như hồi trước nữa. Đến khi sang bậc trung học, người bạn ít đi nhóm họp với hội-thánh và bắt đầu tìm cớ chỉ trích Hội Tháp Canh và hội-thánh. Te-ri cố gắng cầu nguyện cho bạn mình và không ngớt khuyên bảo bạn nên giữ vững mạnh đức tin của tín đồ đấng Christ. Với thời gian sự cố gắng của Te-ri mang lại kết quả tốt. Đến khi vào lớp 10, người bạn đã trở lại nhóm họp đều đều và cuối cùng đã làm báp têm. Thật là cả một ân phước cho cô này! Và một phần thưởng lớn thay cho Te-ri, cô bạn trẻ tuổi và trung thành!
2 Đọc xong kinh nghiệm này, hẳn chúng ta thấy sự cần thiết của lời khuyên bảo mà người tín đồ đầy yêu thương có thể dùng để giúp anh em mình, phải không? Kinh-thánh khuyến khích chúng ta: “Hãy nghe lời khuyên-dạy, và tiếp-nhận sự giáo-hối, Để con được khôn-ngoan trong lúc cuối-cùng” (Châm-ngôn 19:20; 12:15). Người bạn của Te-ri đã theo lời khuyên này. Song nếu Te-ri đã không có sự yêu thương, sự kiên trì và lòng can đảm để tiếp tục mấy năm liền giúp bạn mình thì sao? Vâng, để có thể “nghe lời khuyên-dạy”, trước hết chúng ta cần có người khuyên dạy. Ai có bổn phận làm công việc này?
Lời khuyên dạy—Bởi ai?
3. Ai là những người được Đức Giê-hô-va cung cấp để cho lời khuyên đúng lúc trong hội-thánh đấng Christ?
3 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã hứa sẽ cung cấp người khuyên bảo cho dân Ngài trong thời chúng ta. Ngài phán: “Ta sẽ lập lại... các người khuyên bảo của ngươi như lúc đầu” (Ê-sai 1:26, NW). Lời hứa này được ứng nghiệm phần chính là nơi các trưởng lão được bổ nhiệm trong hội-thánh của đấng Christ. Khuyên răn là một hình thức của sự dạy dỗ và bổn phận chính yếu của các trưởng lão là phải “khéo dạy-dỗ” (I Ti-mô-thê 3:2). Có lẽ sứ đồ Phao-lô đã nghĩ trước nhất đến các trưởng lão khi viết những lời này: “Ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có thánh-linh (có tư cách về mặt thiêng liêng, NW), hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại” (Ga-la-ti 6:1). Nhưng phải chăng chỉ có các trưởng lão mới cho lời khuyên được sao?
4, 5. a) Kinh-thánh có những ví dụ nào cho thấy không phải chỉ các trưởng lão mới có thể cho lời khuyên bảo? b) Ngày nay có những trường hợp điển hình nào cho thấy rằng, ngoài trưởng lão, các tín đồ đấng Christ có thể khuyên bảo nhau?
4 Không phải vậy. Te-ri không phải là một trưởng lão, song lời chị khuyên bạn mình đã có kết quả tốt. Xin cũng hãy nhớ trường hợp của quan tổng binh của vua Sy-ri tên là Na-a-man. Ông đã hành động theo tin tức tốt của một em gái nhỏ người Do-thái và lời khuyên của các tôi tớ của ông. Nhờ nghe theo lời khuyên đúng lúc của A-bi-ga-in, vợ của Na-banh, Đa-vít đã khỏi phạm tội đổ máu. Và Ê-li-hu, dù trẻ tuổi, đã cho lời khuyên đầy khôn ngoan cho Gióp và ba “người bạn đến an-ủi” ông (I Sa-mu-ên 25:23-35; II Các Vua 5:1-4, 13, 14; Gióp 32:1-6).
5 Ngày nay cũng vậy, không phải chỉ các trưởng lão mới có đặc quyền khuyên bảo. Các bậc cha mẹ thường khuyên bảo con mình. Người trẻ như Te-ri nhiều khi thành công trong việc khuyên bảo bạn cùng tuổi của mình. Và Kinh-thánh đặc biệt khuyến khích các chị thành thục nên “lấy điều khôn-ngoan dạy-bảo”, nhất là cho các chị trẻ trong hội-thánh (Tít 2:3-5). Như vậy, nói chung, tất cả chúng ta đều có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau bởi lời khuyên bảo. Sứ đồ Phao-lô nói: “Vậy thì anh em hãy khuyên-bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11).
Các mục tiêu của lời khuyên theo đấng Christ
6. Lời khuyên theo đấng Christ có vài mục tiêu nào?
6 Lời khuyên theo đấng Christ có vài mục tiêu nào? Đó là để giúp một người làm tiến bộ và tiếp tục đi trong đường lối đúng, giải quyết các vấn đề khó khăn, vượt qua những trở ngại, và có thể để sửa đổi một hướng đi sai lầm. Phao-lô đã đề cập một vài hình thức của lời khuyên bảo khi ông khuyến khích Ti-mô-thê “hãy đem lòng rất nhịn-nhục mà bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị, cứ dạy-dỗ chẳng thôi” (II Ti-mô-thê 4:1, 2). Thật cả là một nghệ thuật để khuyên bảo làm sao cho người ta hiểu mà không bị phật lòng.
7, 8. a) Trong vài trường hợp nào chúng ta có thể chờ đợi lời khuyên bảo trong hội-thánh đấng Christ? b) Trong những trường hợp nào một tín đồ đấng Christ không chờ đợi được khuyên bảo song cũng cần được khuyên bảo?
7 Khi nào ta nên cho lời khuyên bảo? Các cha mẹ thường có dịp khuyên bảo con cái và các con biết trước là cha mẹ sẽ làm như vậy (Châm-ngôn 6:20; Ê-phê-sô 6:4). Ở hội-thánh một học viên chờ đợi lời khuyên bảo sau khi nói xong bài giảng ở Trường học Chức vụ Thần quyền. Và một người tuyên bố mới có thể chờ đợi sự giúp đỡ và khuyên bảo hầu tiến bộ và trở nên một người giảng đạo thành thục hơn (I Ti-mô-thê 4:15). Có khi người cần sự giúp đỡ và khuyên bảo tìm đến các trưởng lão hoặc các anh em khác trong hội-thánh.
8 Thế nhưng cũng có khi cần phải khuyên bảo vài người dù họ không chờ đợi được khuyên hoặc không muốn được khuyên. Có thể một người mất sự hăng hái phụng sự Đức Giê-hô-va, từ từ “bị trôi-lạc” như bạn của Te-ri chẳng hạn (Hê-bơ-rơ 2:1). Một người có thể xích mích trầm trọng với một anh em khác trong hội-thánh (Phi-líp 4:2). Hoặc một người cần được khuyên bảo về cách chải chuốt, ăn mặc cho đàng hoàng, hoặc về việc lựa chọn bạn bè hay âm nhạc (I Cô-rinh-tô 15:33; I Ti-mô-thê 2:9).
9, 10. a) Tại sao cần phải can đảm để cho lời khuyên theo đấng Christ? b) Dầu vậy, tại sao người tín đồ đấng Christ nên khuyên bảo khi thấy cần đến?
9 Khi nhà tiên tri Ha-na-ni khuyên bảo vua A-sa của xứ Giu-đa, A-sa tức giận đến nỗi “đem cầm tù người”! (II Sử-ký 16:7-10). Vào thời ấy, một người cần phải có can đảm lắm mới dám khuyên bảo vua chúa như vậy. Ngày nay những người khuyên bảo cũng cần phải can đảm, bởi lẽ lời khuyên thoạt đầu có thể làm phật lòng. Một người tín đồ đấng Christ thành thục nọ đã nén lại, không cho lời khuyên bảo cần thiết cho một anh trẻ tuổi hơn. Tại sao vậy? Anh giải thích: “Chúng tôi hiện là bạn thân với nhau và tôi muốn giữ tình bè bạn như vậy”. Nhưng sự thật là khi một người cố tình không cho lời khuyên để giúp người khác thì không phải là dấu hiệu của người bạn tốt (Châm-ngôn 27:6; so sánh Gia-cơ 4:17).
10 Thật vậy, kinh nghiệm cho thấy là nếu một người cho lời khuyên cách khéo léo thì có thể hạn chế sự phật lòng của người kia và thường được thành công trong việc giúp đỡ khuyên bảo. Làm thế nào để trở nên một người khuyên bảo khéo léo? Hầu giải đáp câu hỏi này chúng ta hãy xem xét hai ví dụ, một tốt và một xấu.
Phao-lô—Một người khuyên bảo khéo léo
11. Tại sao hầu hết các anh em ở thành Cô-rinh-tô đã chấp nhận lời khuyên của Phao-lô mặc dầu lời ông dùng thật thẳng thắn?
11 Sứ đồ Phao-lô đã có nhiều dịp để khuyên bảo anh em, và có khi ông đã phải dùng đến lời mạnh mẽ (I Cô-rinh-tô 1:10-13; 3:1-4; Ga-la-ti 1:6; 3:1). Song le, lời khuyên của ông thật công hiệu vì những người mà ông khuyên bảo đều biết rằng Phao-lô rất yêu thương họ. Ông đã nói với các anh em ở Cô-rinh-tô: “Ấy là đương trong cơn khốn-nạn lớn, tấm lòng quặn-thắt, nước mắt dầm-dề, mà tôi đã viết thơ cho anh em, nào phải để cho anh em âu-sầu, nhưng để làm cho anh em biết tình yêu-dấu riêng của tôi đối với anh em vậy” (II Cô-rinh-tô 2:4). Hầu hết các anh em ở thành Cô-rinh-tô đã chấp nhận lời khuyên bảo của Phao-lô vì biết rằng không phải đến từ lòng tư kỷ, vì “tình yêu-thương... chẳng kiếm tư-lợi”. Hơn nữa, họ tin chắc rằng Phao-lô không phải nói vì có chuyện bực tức riêng tư nào, bởi “tình yêu-thương... chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ” (I Cô-rinh-tô 13:4, 5).
12. Đức tính nào sẽ giúp một tín đồ đấng Christ đứng ra khuyên bảo đạt được kết quả tốt một cách dễ dàng hơn? Xin cho thí dụ.
12 Ngày nay cũng vậy, chúng ta có thể chấp nhận ngay cả lời quở trách một cách dễ dàng hơn, nếu chúng ta biết rằng người khuyên bảo đó yêu thương chúng ta, chứ không phải nói vì cá nhân bị bực tức, và người đó không có một động lực tư kỷ nào. Ví dụ, nếu một trưởng lão chỉ nói chuyện với các thanh thiếu niên trong hội-thánh để khi nào anh có điều gì chỉ trích họ thì đám trẻ này dễ dàng cảm thấy bị bức hiếp. Song nếu anh trưởng lão có một liên lạc tốt với các em đó thì sao? Nếu anh thường dẫn các em đi rao giảng, tỏ ra hòa nhã, dễ nói chuyện ở Phòng Nước Trời và khuyến khích các em tỏ bày các vấn đề mình, các ước vọng hoặc các sự nghi ngờ của mình, và khi có lẽ anh cũng thỉnh thoảng mời các em đến nhà anh (với sự đồng ý của cha mẹ), thì các em sẽ nghĩ gì về anh trưởng lão đó? Nếu vậy thì khi anh này cần cho lời khuyên bảo, các anh em trẻ tuổi sẽ dễ dàng chấp nhận lời khuyên hơn, vì biết rằng đó là từ một người bạn.
Sự mềm mại và tính nhu mì
13. a) Lời khuyên của tín đồ đấng Christ tốt nhất phải được căn cứ vào cái gì? b) Như vậy, người khuyên bảo trong hội-thánh phải tránh làm điều gì?
13 Có một lý do khác khiến cho lời khuyên bảo của Phao-lô được công hiệu. Ông hoàn toàn đặt tin cậy vào sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời, chứ không phải ý kiến riêng tư mình. Ông đã nhắc nhở người khuyên bảo tên Ti-mô-thê: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn; có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình” (II Ti-mô-thê 3:16; so sánh I Cô-rinh-tô 2:1, 2). Ngày nay cũng vậy, các tín đồ đấng Christ đứng ra khuyên bảo thì căn cứ vào Kinh-thánh để khuyên bảo. Trong phạm vi gia đình, sự thật là không phải mỗi lần khuyên bảo con cái là cha mẹ phải trích Kinh-thánh. Tuy nhiên, khi cha mẹ tín đồ đấng Christ khuyên bảo con, dù về sự vâng lời, cách ăn ở sạch sẽ, sự chú tâm đến người khác, tính đúng giờ hoặc điều gì đi nữa, thì cũng phải luôn luôn lấy Kinh-thánh làm nền tảng trong mọi vấn đề cha mẹ chỉ bảo cho con (Ê-phê-sô 6:1; II Cô-rinh-tô 7:1; Ma-thi-ơ 7:12; Truyền-đạo 3:1-8). Trong phạm vi hội-thánh, chúng ta cần phải cẩn thận không ép người khác theo ý riêng hoặc sở thích riêng của mình. Và các trưởng lão nên tránh bóp méo các câu Kinh-thánh để làm ra vẻ là Kinh-thánh ủng hộ các ý riêng của mình (So sánh Ma-thi-ơ 4:5, 6). Lời khuyên của trưởng lão phải thực sự căn cứ trên Kinh-thánh (Thi-thiên 119:105).
14, 15. a) Xin hãy kể một đức tính khác khiến lời khuyên dễ được chấp nhận? b) Tại sao việc người khuyên bảo nên trau dồi đức tính này lại quan trọng đến thế?
14 Lời khuyên bảo cũng sẽ công hiệu hơn nếu được cho với tinh thần mềm mại. Phao-lô biết rõ điều này. Vì vậy, khi đề cập đến trường hợp một người tình cờ phạm lỗi, Phao-lô nhắc nhở người khuyên bảo “hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại” (Ga-la-ti 6:1). Ông cũng khuyên Tít nhắc nhở các anh em khác “chớ nói xấu ai, chớ tranh-cạnh, hãy dong-thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn” (Tít 3:1, 2; I Ti-mô-thê 6:11).
15 Tại sao đức tính mềm mại là rất cần thiết? Bởi vì các xúc cảm nông nổi không kềm chế thì rất dễ lây. Lời giận dữ khiến có sự đáp lại tức tối, và khó lý luận khi hai bên tỏ ra nóng nảy tột độ. Ngay cả khi người được khuyên phản ứng cách giận dữ, người cho lời khuyên không có lý do gì để nổi nóng. Ngược lại, chính thái độ mềm mại của người khuyên có thể làm lắng dịu mọi việc. “Lời đáp êm-dịu làm nguôi cơn giận” (Châm-ngôn 15:1). Điều này thật đúng, dù người khuyên bảo là cha mẹ, trưởng lão hoặc ai khác.
16. Tại sao người khuyên bảo luôn luôn cần tỏ sự kính nể?
16 Cuối cùng, hãy xem xét lời Phao-lô nói với anh trưởng lão trẻ tuổi Ti-mô-thê: “Chớ quở nặng người già-cả, nhưng hãy khuyên-dỗ họ như cha, còn kẻ trẻ thì như anh em, đờn-bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu-nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh-sạch trọn-vẹn” (I Ti-mô-thê 5:1, 2). Thật lời khuyên hay biết bao! Bạn hãy tưởng tượng một chị lớn tuổi sẽ cảm thấy thế nào khi một trưởng lão trẻ, có lẽ đáng làm con của chị, quở nặng chị hoặc thiếu sự kính nể trong sự khuyên bảo. Trong trường hợp đó người khuyên bảo sẽ làm tốt hơn nếu dừng lại một chốc để suy nghĩ: “Xét đến nhân cách và tuổi tác của người này, thế nào là cách tốt và đầy yêu thương nhất để khuyên bảo? Nếu mình ở trong địa vị của người đó thì mình sẽ muốn được khuyên bảo như thế nào?” (Lu-ca 6:31; Cô-lô-se 4:6).
Lời khuyên của những người Pha-ri-si
17, 18. Có một lý do nào cho thấy tại sao lời khuyên của người Pha-ri-si không có lợi ích?
17 Sau khi xem xét gương sáng của Phao-lô, chúng ta hãy bàn về một gương xấu—đó là gương của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái vào thời Giê-su. Họ cũng đưa ra nhiều lời khuyên, song ít khi dân chúng hưởng được lợi ích. Tại sao vậy?
18 Có nhiều lý do. Hãy xét một trường hợp, bạn hãy nhớ lại lúc các người Pha-ri-si quở trách Giê-su về các môn đồ ngài đã không rửa tay trước khi ăn. Chắc chắn hầu hết các người mẹ khuyên con nên rửa tay trước khi ăn và đó là một thói quen tốt về mặt vệ sinh. Nhưng các người Pha-ri-si ấy không hẳn lo lắng về vấn đề vệ sinh. Đối với họ việc rửa tay là một truyền thống, và họ tức giận khi thấy các môn đồ của Giê-su không làm theo truyền thống này. Song Giê-su đã cho họ thấy rằng có nhiều vấn đề hệ trọng hơn ở xứ Y-sơ-ra-ên mà họ cần phải chú ý đến. Ví dụ, có những người viện cớ họ theo truyền thống của người Pha-ri-si để tránh tuân theo điều răn thứ năm trong Mười Điều Răn nói rằng “Hãy hiếu-kính cha mẹ ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Ma-thi-ơ 15:1-11). Buồn thay, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã quá chú trọng đến các chi tiết nhỏ nhặt “mà bỏ điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín” (Ma-thi-ơ 23:23).
19. Bằng cách nào ngày nay các tín đồ đấng Christ có thể tránh lâm vào bẫy chỉ nhìn thấy chi tiết nhỏ nhặt?
19 Các người khuyên bảo ngày nay nên cẩn thận tránh lỗi lầm này. Họ nên tránh tính nhỏ nhặt, chỉ để ý đến chi tiết mà quên “điều hệ-trọng hơn”. Trong các vấn đề nhỏ nhặt chúng ta được khuyến khích “hãy nhường-nhịn nhau” trong tình yêu thương (Cô-lô-se 3:12, 13). Khả năng nhận biết lúc nào nên tránh làm lớn chuyện và khi nào sự khuyên bảo mới thật là cần thiết là một điều khiến cho một người “có đủ tư cách về mặt thiêng liêng” (Ga-la-ti 6:1, NW).
20. Tại sao gương cá nhân là quan trọng trong vấn đề khuyên bảo?
20 Một điều khác đã khiến lời khuyên của những nhà lãnh đạo tôn giáo ở thế kỷ đầu tiên này không có hiệu quả. Họ đã dùng phương sách “hãy làm gì tôi nói, đừng làm gì tôi làm”. Giê-su đã nói về họ: “Khốn cho các ngươi nữa, là thầy dạy luật, vì các ngươi chất cho người ta gánh nặng khó mang, mà tự mình thì không động ngón tay đến!” (Lu-ca 11:46). Thật thiếu sự yêu thương biết bao! Ngày nay, khi các cha mẹ, trưởng lão hoặc anh em khác cho lời khuyên bảo thì họ nên nhớ rằng chính họ phải thực hành điều họ bảo người khác phải làm. Làm sao chúng ta có thể khuyến khích anh em đi rao giảng nhiều trong khi chính chúng ta không làm gương tốt trước? Hoặc làm sao chúng ta có thể khuyến cáo anh em đừng yêu của cải vật chất nếu các đồ vật chất chiếm chỗ quan trọng trong chính đời sống chúng ta? (Rô-ma 2:21, 22; Hê-bơ-rơ 13:7).
21. a) Các người Pha-ri-si đã hiếp đáp dân sự như thế nào? b) Phương sách của người Pha-ri-si là một cảnh cáo như thế nào cho các tín đồ đấng Christ đứng ra khuyên bảo?
21 Các nhà lãnh đạo Do-thái cũng đã thất bại trong việc khuyên bảo vì họ dùng phương cách bức hiếp. Có lần họ đã sai lính đi bắt Giê-su. Khi những người này trở về tay không vì họ quá kính phục cách dạy dỗ của Giê-su, các người Pha-ri-si đã quở trách họ: “Các ngươi cũng đã bị phỉnh-dỗ sao? Có một người nào trong các quan hay là trong những người Pha-ri-si tin đến người đó chăng? Song lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!” (Giăng 7:45-49). Họ có lý do chính đáng nào để quở trách không? Họ lạm dụng uy quyền và chưởi rủa. Mong sao các tín đồ đấng Christ đứng ra khuyên bảo không bao giờ cư xử như vậy! Họ phải nhất quyết tránh hiếp đáp kẻ khác hoặc khiến có cảm tưởng: «Phải nghe theo tôi, vì tôi là trưởng lão!» Hoặc khi nói với một chị, họ phải tránh cho hiểu ngầm: «Chị phải nghe theo tôi, vì tôi là một anh».
22. a) Tín đồ đấng Christ nên cho lời khuyên bảo như thế nào và tại sao? b) Vấn đề nào khác nữa cần được bàn đến?
22 Vâng, khuyên bảo là một hành động đầy yêu thương mà tất cả chúng ta—nhất là các trưởng lão được bổ nhiệm—thỉnh thoảng có bổn phận phải làm để giúp các anh em tín đồ khác. Không nên cho lời khuyên bảo cách bừa bãi. Nhưng khi cần thì phải khuyên bảo một cách can đảm. Lời khuyên phải căn cứ trên Kinh-thánh và đầy lòng mềm mại. Hơn nữa, ta dễ dàng chấp nhận lời khuyên hơn khi người khuyên yêu thương chúng ta. Dầu vậy, có khi thật khó để biết phải nói gì cho đúng khi cho lời khuyên. Vậy làm thế nào chúng ta có thể cho lời khuyên cách hiệu nghiệm? Bài trong số tới sẽ bàn về điều này.
Bạn giải thích được không?
◻ Ai có đặc ân và trách nhiệm cho lời khuyên bảo theo đấng Christ?
◻ Tại sao có thể cần phải can đảm để khuyên bảo?
◻ Tại sao sự kiện Phao-lô yêu thương các tín đồ thành Cô-rinh-tô đã khiến họ dễ dàng chấp nhận lời khuyên của ông hơn?
◻ Tại sao mọt tín đồ đấng Christ đứng ra khuyên bảo cần phải vừa mềm mại vừa khiêm nhường?
◻ Làm sao một tín đồ đấng Christ có thể tránh cho lời khuyên có vẻ áp bức?
[Hình nơi trang 13]
Phao-lô khuyến khích Tít hãy nhắc nhở các anh em khác “hãy dong-thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn”