Chăm sóc người cao niên—Một trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ
“Cho đến chừng các ngươi già-cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi”.—Ê-SAI 46:4.
1, 2. Sự chăm sóc của Cha trên trời khác với cha mẹ trên đất như thế nào?
CHA MẸ tận tụy dưỡng dục con cái qua thời thơ ấu cho đến những năm vị thành niên. Cho dù những người trẻ đến tuổi trưởng thành và có gia đình riêng, cha mẹ vẫn tiếp tục lưu tâm giúp đỡ một cách yêu thương.
2 Cha mẹ trên đất bị giới hạn trong những gì họ có thể làm cho con cái, nhưng Cha trên trời của chúng ta luôn luôn có thể quan tâm và giúp đỡ những tôi tớ trung thành của Ngài một cách yêu thương. Nói với dân được Ngài chọn vào thời xưa, Đức Giê-hô-va phán: “Cho đến chừng các ngươi già-cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi”. (Ê-sai 46:4) Lời này khiến những tín đồ lớn tuổi yên tâm biết bao! Đức Giê-hô-va không bỏ những người tiếp tục trung thành với Ngài. Nhưng Ngài hứa sẽ giúp đỡ, ủng hộ, và hướng dẫn họ suốt đời, ngay cả trong tuổi già.—Thi-thiên 48:14.
3. Bài này sẽ xem xét điều gì?
3 Làm sao chúng ta có thể noi theo lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với những người cao niên? (Ê-phê-sô 5:1, 2) Chúng ta hãy xem xét những cách mà con cái, các giám thị hội thánh, và mỗi tín đồ có thể chăm lo cho nhu cầu những người lớn tuổi trong đoàn thể anh em của chúng ta.
Bổn phận làm con của chúng ta
4. Con cái tín đồ Đấng Christ có bổn phận nào đối với cha mẹ?
4 “Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi”. (Ê-phê-sô 6:2; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12) Qua lời trích dẫn đơn giản nhưng sâu sắc này trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở con cái về bổn phận đối với cha mẹ. Nhưng làm sao những lời này áp dụng cho việc chăm sóc những người cao niên? Gương ấm lòng vào trước thời đạo Đấng Christ sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.
5. (a) Điều gì cho thấy Giô-sép chưa quên bổn phận làm con của mình? (b) Tôn kính cha mẹ có nghĩa gì, và Giô-sép làm gương tốt thế nào về phương diện này?
5 Hơn 20 năm, Giô-sép không có liên lạc với cha già, tộc trưởng Gia-cốp. Tuy nhiên, Giô-sép chắc hẳn không mất đi lòng hiếu thảo đối với Gia-cốp. Quả thật, khi Giô-sép cho anh em biết mình là ai, ông hỏi: “Cha tôi còn sống chăng?” (Sáng-thế Ký 43:7, 27; 45:3) Lúc đó, xứ Ca-na-an bị nạn đói. Vì vậy, Giô-sép nhắn lời với cha rằng: “Cha hãy xuống với tôi; xin đừng chậm-trễ,... cha sẽ ở tại xứ Gô-sen gần tôi đây. Ở đó tôi sẽ nuôi cha”. (Sáng-thế Ký 45:9-11; 47:12) Đúng vậy, việc tôn kính cha mẹ già bao hàm sự che chở và cung cấp nhu cầu vật chất khi cha mẹ không thể tự lo liệu lấy. (1 Sa-mu-ên 22:1-4; Giăng 19:25-27) Giô-sép vui lòng chấp nhận bổn phận này.
6. Giô-sép tỏ lòng yêu thương chân thật đối với cha như thế nào, và làm sao chúng ta có thể noi theo gương ông?
6 Được Đức Giê-hô-va ban phước, Giô-sép đã trở thành một trong những người giàu có và thế lực nhất ở Ai Cập. (Sáng-thế Ký 41:40) Nhưng ông không xem mình quá quan trọng hoặc quá bận đến độ không báo hiếu cha lúc đó đã 130 tuổi. Khi biết Gia-cốp (tức Y-sơ-ra-ên) sắp đến, “Giô-sép thắng xe đi lên Gô-sen, đón Y-sơ-ra-ên, cha mình. Người ra mắt cha, ôm choàng lấy người và khóc một hồi lâu”. (Sáng-thế Ký 46:28, 29) Sự đón mừng này không chỉ là tôn kính theo phong tục. Giô-sép thành thật yêu kính cha già và không ngượng ngùng bày tỏ tình cảm mình. Nếu có cha mẹ già, chúng ta có rộng rãi bày tỏ sự trìu mến tương tự đối với họ không?
7. Tại sao Gia-cốp muốn được chôn ở Ca-na-an?
7 Gia-cốp hết lòng sùng kính Đức Giê-hô-va cho đến mãn đời ông. (Hê-bơ-rơ 11:21) Vì đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, Gia-cốp yêu cầu hài cốt mình được đem về Ca-na-an. Giô-sép tôn trọng cha bằng cách làm theo lời yêu cầu đó, bất chấp nhiều tốn kém và công sức.— Sáng-thế Ký 47:29-31; 50:7-14.
8. (a) Động lực chính yếu nào thúc đẩy chúng ta chăm sóc cha mẹ già? (b) Một tôi tớ trọn thời gian đã làm gì để có thể chăm sóc cha mẹ già? (Xem khung trang 17).
8 Động lực nào thúc đẩy Giô-sép chăm sóc cho cha già? Ngoài yếu tố là tình thương và lòng biết ơn đối với đấng sinh thành nuôi dưỡng mình, Giô-sép chắc chắn cũng tha thiết muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng nên như vậy. Phao-lô viết: “Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo-đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời”. (1 Ti-mô-thê 5:4) Thật vậy, tình yêu thương và kính sợ đối với Đức Giê-hô-va sẽ thúc đẩy chúng ta chăm nom cha mẹ già, dù gặp khó khăn.a
Cách trưởng lão bày tỏ lòng quan tâm
9. Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm ai để chăn bầy gồm cả những tín đồ cao niên?
9 Gần cuối cuộc đời, Gia-cốp vẫn xem Đức Giê-hô-va là ‘Đức Chúa Trời đã chăn-nuôi ông từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay’. (Sáng-thế Ký 48:15) Ngày nay, Đức Giê-hô-va chăn dắt tôi tớ trên đất của Ngài qua các giám thị tức trưởng lão đạo Đấng Christ, dưới sự hướng dẫn của Con Ngài là Chúa Giê-su Christ, “Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên”. (1 Phi-e-rơ 5:2-4) Làm sao các giám thị noi gương Đức Giê-hô-va chăm sóc những người lớn tuổi trong bầy?
10. Đã có sự sắp đặt nào để cung cấp sự giúp đỡ về vật chất cho những tín đồ cao niên? (Xem khung trang 19).
10 Chẳng bao lâu sau khi hội thánh Đấng Christ khởi đầu, các sứ đồ đã bổ nhiệm “bảy người có danh tốt, đầy-dẫy Đức Thánh-Linh và trí-khôn” để giám sát “sự cấp-phát hằng ngày” những thực phẩm cho góa phụ nghèo khó trong hội thánh. (Công-vụ 6:1-6) Sau đó, Phao-lô căn dặn giám thị Ti-mô-thê ghi tên vào sổ góa phụ già gương mẫu xứng đáng nhận sự giúp đỡ vật chất. (1 Ti-mô-thê 5:3, 9, 10) Cũng vậy, các giám thị hội thánh ngày nay sẵn sàng phối hợp sự giúp đỡ cụ thể cho những tín đồ cao niên khi cần. Tuy nhiên, việc chăm sóc cho những người cao niên trung thành còn bao hàm nhiều điều khác nữa.
11. Chúa Giê-su đã nói gì về góa phụ nghèo khó đóng góp số tiền nhỏ?
11 Gần cuối giai đoạn thánh chức trên đất, Chúa Giê-su ngồi tại đền thờ “đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân-chúng bỏ tiền vào thể nào”. Rồi một người đến khiến cho ngài phải chú ý. Lời tường thuật ghi: “Có một mụ góa nghèo kia đến bỏ hai đồng tiền ăn một phần tư xu”. Ngài kêu môn đồ lại rồi phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo-cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình”. (Mác 12:41-44) Nói về giá trị, phần đóng góp của góa phụ này thật nhỏ, nhưng Chúa Giê-su biết Cha trên trời xem trọng sự bày tỏ lòng sùng kính như thế đến độ nào. Bất kể tuổi của góa phụ nghèo, Chúa Giê-su không bỏ qua những gì bà đã làm.
12. Trưởng lão có thể tỏ lòng biết ơn về sự đóng góp của những tín đồ cao niên như thế nào?
12 Giống như Chúa Giê-su, giám thị đạo Đấng Christ không bỏ qua những gì người cao niên đang làm để phát huy sự thờ phượng thật. Trưởng lão có lý do để khen ngợi những anh chị cao niên đã góp phần vào thánh chức, tham gia vào buổi họp, về ảnh hưởng tích cực của họ trong hội thánh, và về sự nhẫn nại của họ. Lời khích lệ chân thật có thể giúp người cao niên tìm được lý do vui mừng trong thánh chức, nhờ đó họ không so sánh mình với những gì các tín đồ khác làm được hoặc với những gì họ đã thực hiện trong quá khứ, những so sánh như thế khiến họ nản lòng.—Ga-la-ti 6:4.
13. Các trưởng lão có thể học hỏi kinh nghiệm và tận dụng khả năng của những người cao niên bằng cách nào?
13 Các trưởng lão có thể thừa nhận sự đóng góp quý giá của những tín đồ lớn tuổi bằng cách học hỏi kinh nghiệm và tận dụng khả năng của họ. Đôi khi có thể dùng những người cao niên gương mẫu trong những trình diễn hoặc phỏng vấn. Một trưởng lão nhận xét: “Cử tọa thật sự chăm chú lắng nghe khi tôi phỏng vấn một anh hay chị lớn tuổi đã nuôi con cái trong lẽ thật”. Trưởng lão một hội thánh báo cáo là một chị tiên phong 71 tuổi đã thành công trong việc giúp những người công bố đi rao giảng đều đặn. Chị cũng khuyến khích họ làm những “điều cơ bản”, chẳng hạn như đọc Kinh Thánh, đoạn mỗi ngày và rồi suy ngẫm những gì họ đọc.
14. Một hội đồng trưởng lão đã bày tỏ lòng biết ơn một giám thị lớn tuổi như thế nào?
14 Các trưởng lão cũng quý trọng sự đóng góp của giám thị lớn tuổi. José, tuổi ngoài 70 và phục vụ với tư cách là trưởng lão trong nhiều thập niên, gần đây đã trải qua một cuộc giải phẫu nghiêm trọng. Vì phải dưỡng bệnh lâu dài, anh nghĩ đến việc từ bỏ đặc ân làm giám thị chủ tọa. Anh José nói: “Phản ứng của các trưởng lão khác làm tôi ngạc nhiên. Thay vì nhận lời đề nghị của tôi, họ hỏi tôi cần điều cụ thể nào để giúp tôi tiếp tục gánh vác trách nhiệm của mình”. Với sự giúp đỡ của một trưởng lão trẻ hơn, anh José có thể tiếp tục vui mừng phục vụ với tư cách là giám thị chủ tọa, và điều này đã là một ân phước cho hội thánh. Một trưởng lão khác nói: “Các anh em rất biết ơn công việc anh José làm với tư cách trưởng lão. Họ yêu thương và kính trọng anh vì kinh nghiệm và đức tin gương mẫu. Anh đã làm giàu hội thánh về mặt thiêng liêng”.
Chăm sóc lẫn nhau
15. Tại sao tất cả tín đồ Đấng Christ nên quan tâm đến phúc lợi của người cao niên trong vòng họ?
15 Không chỉ những người có cha mẹ già và tôi tớ được bổ nhiệm mới phải quan tâm đến người cao niên. Ví hội thánh tín đồ Đấng Christ với thân thể con người, Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời đã sắp-đặt thân người, để chi-thể nào thiếu-thốn thì được quí-trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân-rẽ, mà các chi-thể phải đồng lo-tưởng đến nhau”. (1 Cô-rinh-tô 12:24, 25) Một bản dịch khác ghi: “Các bộ phận vì ích chung mà đùm bọc lấy nhau”. (Nguyễn Thế Thuấn) Để hội thánh Đấng Christ hoạt động hòa hợp với nhau, mỗi người phải quan tâm đến phúc lợi của các anh em cùng đạo, kể cả những người lớn tuổi.—Ga-la-ti 6:2.
16. Chúng ta tỏ lòng quan tâm như thế nào đối với người cao niên khi tham dự buổi họp đạo Đấng Christ?
16 Buổi họp đạo Đấng Christ là một cơ hội tốt để bày tỏ lòng quan tâm với người cao niên. (Phi-líp 2:4; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Chúng ta có dành thì giờ để nói chuyện với người lớn tuổi vào những dịp đó không? Hỏi về sức khỏe của họ là điều thích hợp, nhưng chúng ta có thể nào “thông-đồng sự ban-cho thiêng-liêng” có lẽ bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng hoặc một ý tưởng khích lệ trong Kinh Thánh không? Vì một số những người cao niên không đi đứng được nhiều, tốt hơn là chúng ta đến với họ thay vì đợi họ đến với chúng ta. Nếu họ bị nặng tai, chúng ta có thể cần phải nói chậm hơn và phát âm rõ ràng. Và để “cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ”, chúng ta phải chăm chú lắng nghe những gì người cao niên nói.—Rô-ma 1:11, 12.
17. Chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm đối với những tín đồ cao niên chỉ quanh quẩn trong nhà như thế nào?
17 Nếu những người lớn tuổi nào đó không thể đến dự buổi họp thì sao? Gia-cơ 1:27 cho biết chúng ta có bổn phận “thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ”. (Công-vụ 15:36) Và những người cao niên biết ơn sự viếng thăm của chúng ta biết mấy! Trong lúc bị tù ở Rô-ma khoảng năm 65 CN, sứ đồ Phao-lô lúc bấy giờ “đã già”, không có ai bên cạnh. Mong muốn được gặp người bạn cùng làm việc là Ti-mô-thê, ông viết: “Hãy cố-gắng đến cùng ta cho kíp”. (Phi-lê-môn 9; 2 Ti-mô-thê 1:3, 4; 4:9) Mặc dù không thật sự bị giam cầm, một số người lớn tuổi chỉ quanh quẩn trong nhà vì lý do sức khỏe. Như thể họ nói: ‘Xin cố gắng sớm đến thăm tôi nhé’. Chúng ta có đáp lại lời yêu cầu ấy không?
18. Việc viếng thăm người cao niên mang lại lợi ích nào cho họ?
18 Đừng bao giờ xem thường ảnh hưởng ích lợi của việc viếng thăm các anh chị em thiêng liêng cao niên. Trong lúc ở Rô-ma, một tín đồ Đấng Christ tên Ô-nê-si-phô-rơ hết sức tìm kiếm Phao-lô, sau khi tìm được ông thường “nhiều phen yên-ủi” Phao-lô. (2 Ti-mô-thê 1:16, 17) Một chị cao niên nói: “Tôi thích dành thời gian với những người trẻ. Điều mà tôi thích nhất là họ đối xử với tôi như người trong gia đình. Điều đó đã làm tôi lên tinh thần”. Một tín đồ lớn tuổi khác nói: “Tôi thật sự biết ơn khi có ai gửi thiệp, gọi điện thoại chỉ vài phút, hoặc viếng thăm tôi một lúc. Điều đó khiến tôi cảm thấy khoan khoái”.
Đức Giê-hô-va thưởng cho những người có lòng quan tâm
19. Việc chăm sóc người cao niên mang lại ân phước nào?
19 Chăm sóc những người lớn tuổi đem lại nhiều ân phước. Kết hợp với những người cao niên và tận dụng sự hiểu biết cũng như kinh nghiệm của họ là một đặc ân. Những người chăm sóc được nhiều hạnh phúc hơn vì đã giúp người khác, cũng như có cảm giác thực hiện được điều tốt và có bình an nội tâm vì đã làm tròn trách nhiệm Kinh Thánh đòi hỏi. (Công-vụ 20:35) Ngoài ra, những người chăm lo cho nhu cầu người cao niên không sợ rằng họ sẽ bị bỏ rơi khi về già. Lời Đức Chúa Trời trấn an chúng ta: “Lòng rộng-rãi sẽ được no-nê; còn ai nhuần-gội, chính người sẽ được nhuần-gội”.—Châm-ngôn 11:25.
20, 21. Đức Giê-hô-va nghĩ gì về những người chăm sóc người cao niên, và chúng ta nên cương quyết làm gì?
20 Đức Giê-hô-va thưởng cho những người con kính sợ Đức Chúa Trời, các giám thị và những tín đồ Đấng Christ có lòng quan tâm vì quên mình phục vụ cho nhu cầu của anh chị cao niên. Tinh thần đó phù hợp với câu châm ngôn này: “Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người”. (Châm-ngôn 19:17) Nếu tình yêu thương thúc đẩy chúng ta giúp đỡ những người nghèo khó, Đức Chúa Trời sẽ xem hành động đó như là cho Ngài mượn và Ngài sẽ trả bằng phước lành. Ngài cũng sẽ trả cho chúng ta vì trìu mến chăm sóc những anh chị cao niên, nhiều người trong số họ là ‘kẻ nghèo theo đời nầy nhưng giàu trong đức-tin’.—Gia-cơ 2:5.
21 Đức Chúa Trời trả lại nhiều biết bao! Điều ấy bao hàm sự sống đời đời. Đối với đại đa số tôi tớ Đức Giê-hô-va, phần thưởng sẽ là sự sống vĩnh cửu trên địa đàng, nơi mà những tác hại của tội lỗi di truyền bị loại trừ và những người trung thành cao niên sẽ được phục hồi tuổi xuân. (Khải-huyền 21:3-5) Trong khi chờ đợi thời kỳ ân phước đó, mong rằng chúng ta tiếp tục làm tròn bổn phận của tín đồ Đấng Christ là chăm sóc người cao niên.
[Chú thích]
a Để biết những đề nghị thực tế về cách chăm sóc cha mẹ già, xem sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc chương 15, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Bạn trả lời thế nào?
• Con cái tôn kính cha mẹ già bằng cách nào?
• Các trưởng lão bày tỏ lòng biết ơn với những người lớn tuổi trong hội thánh như thế nào?
• Mỗi một tín đồ Đấng Christ có thể làm gì để bày tỏ lòng quan tâm chân thật với những người già?
• Chăm sóc những tín đồ cao niên đem lại ân phước nào?
[Khung nơi trang 17]
Khi cha mẹ cần giúp đỡ
Vào năm 1999, khi Philip đang phục vụ với tư cách là một tình nguyện viên xây cất ở Liberia, anh nhận tin cha bị bệnh nặng. Đinh ninh là mẹ không thể nào đối phó một mình, anh quyết định về nhà sắp đặt việc chăm sóc chữa trị cho cha.
Philip kể lại: “Quyết định trở về nhà không dễ, nhưng tôi cảm thấy mình có bổn phận trước tiên đối với cha mẹ”. Trong khoảng thời gian ba năm sau đó, anh dời cha mẹ về một chỗ ở thích hợp hơn và với sự giúp đỡ của anh em tín đồ địa phương, anh đã sửa lại chỗ ở cho thích ứng với nhu cầu đặc biệt của cha.
Mẹ Philip bây giờ sẵn sàng hơn để đối phó với bệnh tình nghiêm trọng của cha anh. Cách đây không lâu, Philip đã có thể nhận lời mời đến làm việc tình nguyện tại trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Macedonia.
[Khung nơi trang 19]
Hội thánh đáp ứng nhu cầu của một cụ già
Khi cụ Ada, một tín đồ 85 tuổi ở Úc, vì sức khỏe kém không thể rời nhà, các trưởng lão sắp đặt chương trình để giúp cụ. Họ tổ chức một nhóm anh chị em trong đạo giúp đỡ cụ. Các anh chị này sẵn lòng giúp quét dọn, giặt giũ, nấu ăn và làm các việc vặt cho cụ.
Sự sắp đặt ấy đã bắt đầu cách đây gần mười năm. Đến nay, hơn 30 anh chị Nhân Chứng Giê-hô-va đã giúp chăm sóc cụ Ada. Họ tiếp tục đến thăm, đọc cho cụ nghe ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, cho cụ biết tiến bộ về thiêng liêng của anh em trong hội thánh và thường xuyên cầu nguyện với cụ.
Một trưởng lão địa phương bình luận: “Những anh chị em chăm sóc cụ nói rằng giúp cụ là một đặc ân. Nhiều người được khích lệ qua việc cụ trung thành phụng sự Đức Chúa Trời nhiều thập niên, và họ không thể nào làm ngơ trước những nhu cầu của cụ”.
[Hình nơi trang 16]
Chúng ta có rộng rãi bày tỏ lòng yêu mến đối với cha mẹ già không?
[Các hình nơi trang 18]
Tất cả mọi người trong hội thánh có thể bày tỏ lòng yêu thương đối với những anh chị cao niên