Ti-chi-cơ—Một bạn đồng sự được tín nhiệm
Ti-chi-cơ có nhiều dịp đi với sứ đồ Phao-lô và đóng vai sứ giả. Ông là một phái viên có thể được giao cho tiền bạc và trách nhiệm giám thị. Vì Kinh-thánh nhấn mạnh đến tính đáng được tín nhiệm của Ti-chi-cơ—một đức tính cần yếu cho tất cả tín đồ đấng Christ—có lẽ bạn thích biết thêm về ông.
Phao-lô miêu tả Ti-chi-cơ là “anh em rất yêu..., một người tôi-tớ trung-thành của Chúa và bạn cùng làm việc” với ông (Cô-lô-se 4:7). Tại sao sứ đồ đã xem Ti-chi-cơ cách ấy?
Nhiệm vụ cứu trợ Giê-ru-sa-lem
Vào khoảng năm 55 CN, tín đồ đấng Christ ở Giu-đê lâm vào cảnh túng thiếu vật chất. Với sự giúp đỡ của các hội thánh ở Âu Châu và Tiểu Á, Phao-lô lo việc lạc quyên tiền của để giúp họ. Ti-chi-cơ, quê ở xứ A-si, đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ cứu trợ này.
Sau khi chỉ dẫn về việc đóng góp tiền bạc, Phao-lô đề nghị phái những anh đáng tín cẩn đến Giê-ru-sa-lem hoặc cùng ông đi đến đó, đem theo tiền đã góp được (1 Cô-rinh-tô 16:1-4). Khi Phao-lô rời Hy Lạp đến Giê-ru-sa-lem, một cuộc hành trình khá xa, nhiều người cùng đi với ông, một trong những người đó hiển nhiên là Ti-chi-cơ (Công-vụ các Sứ-đồ 20:4). Có lẽ cần nhiều người cùng đi vì họ đem theo tiền do nhiều hội thánh ủy thác. Sự an ninh có lẽ là một yếu tố đáng kể, vì bọn cướp đường thường là mối đe dọa cho việc đi lại an toàn (2 Cô-rinh-tô 11:26).
Vì A-ri-tạc và Trô-phim đã về Giê-ru-sa-lem cùng Phao-lô, một số người nghĩ rằng rất có thể Ti-chi-cơ và những người khác cũng đi theo (Công-vụ các Sứ-đồ 21:29; 24:17; 27:1, 2). Vì Ti-chi-cơ có phần trong chương trình cứu trợ, người ta nghĩ rằng có thể ông chính là “người anh em” đã hợp tác với Tít ở Hy Lạp để thu xếp cuộc lạc quyên và là người “đã được các Hội-thánh chọn-lựa, để làm bạn đi đường cùng [Phao-lô] trong việc nhân-đức nầy” (2 Cô-rinh-tô 8:18, 19; 12:18). Nếu nhiệm vụ đầu tiên mà Ti-chi-cơ đã hoàn thành là một trọng trách, thì nhiệm vụ thứ hai cũng vậy.
Từ Rô-ma đến Cô-lô-se
Năm hoặc sáu năm sau (60-61 CN), Phao-lô hy vọng được thả ra sau khi bị giam lần thứ nhất ở Rô-ma. Ti-chi-cơ ở với ông, xa nhà hàng trăm kilômét. Rồi đến lúc Ti-chi-cơ trở lại A-si. Vì vậy, Phao-lô có thể nhờ ông đưa thư đến các hội thánh tín đồ đấng Christ trong vùng và gởi đầy tớ của Phi-lê-môn là Ô-nê-sim trở lại Cô-lô-se sau khi đã bỏ chủ ở đó mà trốn đi. Ti-chi-cơ và Ô-nê-sim mang ít nhất ba lá thư nay được cho vào bộ Kinh-thánh được công nhận—một gửi cho người Ê-phê-sô, một gửi cho người Cô-lô-se và một cho Phi-lê-môn. Có lẽ một lá thư cũng được gửi đến hội thánh Lao-đi-xê, một thành phố cách Cô-lô-se khoảng 18 kilômét (Ê-phê-sô 6:21; Cô-lô-se 4:7-9, 16; Phi-lê-môn 10-12).
Ti-chi-cơ không chỉ đưa thư. Ông là một sứ giả tín cẩn và thân cận, vì Phao-lô viết: “Ti-chi-cơ là anh em rất yêu của chúng tôi, một người tôi-tớ trung-thành của Chúa và bạn cùng làm việc với tôi, sẽ báo tin cho anh em về các việc của tôi. Tôi có ý sai người đến cùng anh em, hầu cho anh em biết tình-cảnh chúng tôi là thể nào, đặng người yên-ủi lòng anh em” (Cô-lô-se 4:7, 8).
Học giả E. Randolph Richards nêu ra rằng “ngoài lá thư, chính người đưa thư cũng là một phương tiện liên lạc giữa người gửi thư và người nhận thư... [Một lý do] cần đến một người đưa thư tín cẩn [là] người này thường đem theo tin tức phụ. Một lá thư có thể miêu tả vắn tắt tình hình, thường thì với những lời nhận định của tác giả, nhưng người ta mong đợi người đưa thư bổ sung thêm tất cả những chi tiết”. Dù một lá thư có thể bàn về những sự dạy dỗ và các vấn đề khẩn cấp, sứ giả tín cẩn sẽ truyền miệng những tin tức khác.
Các lá thư gửi người Ê-phê-sô, người Cô-lô-se và Phi-lê-môn ít cho biết về tình hình của Phao-lô. Vậy Ti-chi-cơ đã phải đích thân báo tin, giải thích hoàn cảnh của Phao-lô ở Rô-ma và am tường tình hình trong hội thánh khá rõ để khuyến khích họ. Các thông điệp và trách nhiệm loại này chỉ được giao phó cho những ai có thể đại diện cho người gửi thư một cách trung thành. Ti-chi-cơ là một người như thế.
Giám thị được phái đi xa
Sau khi được thả ra ở Rô-ma, Phao-lô định phái Ti-chi-cơ hoặc A-tê-ma đến gặp Tít trên đảo Cơ-rết (Tít 1:5; 3:12). Khi Phao-lô bị giam lần thứ hai (có thể vào khoảng năm 65 CN), lần nữa sứ đồ phái Ti-chi-cơ đến Ê-phê-sô, có thể là để thay thế Ti-mô-thê, để ông đến ở bên cạnh Phao-lô (2 Ti-mô-thê 4:9, 12).
Chúng ta không rõ Ti-chi-cơ có đi Cơ-rết và Ê-phê-sô trong giai đoạn này hay không. Dù sao, những câu như thế này gợi ý rằng ông đã ở lại với Phao-lô làm cộng sự viên thân cận cho đến những năm cuối sứ đồ làm thánh chức. Nếu Phao-lô định phái ông đi công vụ khó khăn và đầy trách nhiệm để thay thế Ti-mô-thê và Tít, hiển nhiên là Ti-chi-cơ đã trở thành một giám thị thành thục trong đạo đấng Christ. (So sánh 1 Ti-mô-thê 1:3; Tít 1:10-13). Sự sốt sắng đi công vụ và lòng sẵn sàng nhận nhiệm sở xa xôi đã khiến ông hữu dụng cho Phao-lô và cho cả hội thánh tín đồ đấng Christ.
Ngày nay, có những tín đồ đấng Christ sẵn lòng phụng sự Đức Chúa Trời ở các hội thánh địa phương của Nhân-chứng Giê-hô-va hoặc tình nguyện phát huy quyền lợi Nước Trời ở nơi khác. Hàng ngàn người vui mừng đón nhận nhiệm sở giáo sĩ, giám thị lưu động, các tôi tớ quốc tế trong những công trình xây cất, tại trụ sở trung ương quốc tế của Hội Tháp Canh hoặc tại một chi nhánh của Hội. Giống như Ti-chi-cơ, họ không tự phô trương mà là những người siêng năng làm việc, “tôi-tớ trung-thành” được Đức Chúa Trời và anh em tín đồ yêu quí với tư cách “bạn cùng làm việc” tín cẩn trong Chúa.