Cuốn sách cho muôn dân
“Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 10:34, 35).
1. Một giáo sư trả lời ra sao khi được hỏi ông nghĩ gì về Kinh-thánh, và ông đã quyết định làm gì?
VÀO một chiều Chủ Nhật, ông giáo sư đang ở nhà, không nghĩ là có khách nào đến thăm cả. Nhưng khi một tín đồ đấng Christ đến gõ cửa, ông tiếp chuyện với chị. Ông lắng nghe chị nói về nạn ô nhiễm đang xảy ra và tương lai của trái đất. Đó là những đề tài ông thích nghe. Tuy nhiên, khi chị đưa Kinh-thánh vào cuộc thảo luận, ông lộ vẻ hoài nghi. Vì vậy chị hỏi ông nghĩ sao về Kinh-thánh.
Ông đáp: “Đó là một cuốn sách hay, do một số người thông minh viết, nhưng chúng ta không nên xem trọng Kinh-thánh”.
Chị ấy hỏi: “Ông có bao giờ đọc Kinh-thánh chưa?”
Ông giáo sư giật mình và phải thú nhận là mình chưa đọc.
Rồi chị ấy hỏi: “Làm sao ông có thể quả quyết nói về một cuốn sách mà ông chưa từng đọc qua?”
Chị nói có lý. Ông giáo sư quyết định xem xét Kinh-thánh rồi mới có ý kiến.
2, 3. Tại sao nhiều người không biết Kinh-thánh, và điều này đem lại thử thách nào cho chúng ta?
2 Ông giáo sư này không phải là người duy nhất đã nghĩ như vậy. Nhiều người có định kiến về Kinh-thánh dù họ chưa bao giờ đọc Kinh-thánh. Họ có thể có một cuốn Kinh-thánh, và ngay cả nhận biết giá trị văn học và lịch sử của Kinh-thánh. Nhưng nhiều người chưa từng đọc Kinh-thánh. Một số người nói: ‘Tôi không có thì giờ đọc Kinh-thánh’. Một số khác tự hỏi: ‘Làm sao một sách xưa đến như thế lại có thể thích hợp với đời sống của tôi?’ Những quan điểm như thế thật sự là một thử thách cho chúng ta. Nhân-chứng Giê-hô-va tin chắc rằng Kinh-thánh “là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ” (II Ti-mô-thê 3:16, 17). Tuy vậy, làm sao chúng ta có thể thuyết phục người ta rằng bất kể họ thuộc chủng tộc, quốc gia, hay gốc dân nào, họ nên xem xét Kinh-thánh?
3 Chúng ta hãy thảo luận những lý do tại sao Kinh-thánh đáng cho mình xem xét. Sự thảo luận như thế có thể trang bị chúng ta để lý luận với những người mình gặp trong lúc đi rao giảng, có lẽ thuyết phục họ để xem xét những gì Kinh-thánh nói. Đồng thời việc ôn lại này giúp chúng ta tin chắc rằng Kinh-thánh quả là “lời của Đức Chúa Trời”, như lời Kinh-thánh tuyên bố (Hê-bơ-rơ 4:12).
Sách được phân phát rộng rãi nhất thế giới
4. Tại sao có thể nói rằng Kinh-thánh là sách được phân phát rộng rãi nhất thế giới?
4 Thứ nhất, Kinh-thánh đáng cho chúng ta xem xét bởi vì sách này được phân phát rộng rãi nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Cách đây hơn 500 năm, đợt Kinh-thánh đầu tiên được in bằng máy in sắp chữ của Johannes Gutenberg. Từ đó đến nay, người ta ước lượng có khoảng bốn tỉ Kinh-thánh, trọn bộ hay nhiều phần, đã được in ra. Đến năm 1996, trọn Kinh-thánh hay nhiều phần đã được dịch ra 2.167 ngôn ngữ và thổ ngữ.a Hơn 90 phần trăm gia đình nhân loại có thể đọc được ít nhất một phần Kinh-thánh trong tiếng mẹ đẻ của họ. Không sách nào khác, dù là sách tôn giáo hay những sách khác, có thể sánh bằng!
5. Tại sao chúng ta nghĩ rằng Kinh-thánh dễ đến tay người ta trên khắp thế giới?
5 Chỉ riêng số thống kê thôi không chứng tỏ được Kinh-thánh là Lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta chắc hẳn mong rằng một tài liệu được Đức Chúa Trời soi dẫn phải dễ đến tay mọi người trên khắp thế giới. Nói cho cùng, chính Kinh-thánh nói cho chúng ta biết: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35). Không giống những sách khác, Kinh-thánh đã vượt qua mọi ranh giới quốc gia, màu da và chủng tộc. Quả thật, Kinh-thánh là cuốn sách cho muôn dân!
Một quá trình bảo tồn độc nhất vô nhị
6, 7. Tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi những bản Kinh-thánh gốc không còn nữa, và điều này nêu lên câu hỏi nào?
6 Có một lý do khác cho thấy tại sao Kinh-thánh đáng được xem xét. Đó là Kinh-thánh vượt qua được những trở ngại thiên nhiên và nhân tạo. Quá trình của việc bảo tồn Kinh-thánh, bất chấp những trở ngại ghê gớm, thật là độc nhất vô nhị trong số các tài liệu ghi chép cổ xưa.
7 Các người viết Kinh-thánh dùng mực ghi chép lời họ trên giấy làm bằng cây chỉ thảo (loại cây ở Ai Cập) và trên giấy da (làm bằng da thú vật)b (Gióp 8:11, NW). Tuy nhiên, những vật liệu ghi chép này phải chịu sự tàn phá thiên nhiên. Học giả Oscar Paret giải thích: “Cả hai vật liệu này dùng để viết đều có thể bị sự ẩm thấp, mốc meo, và dòi bọ làm hư. Qua kinh nghiệm hàng ngày, chúng ta biết giấy và ngay cả da rất chắc cũng dễ mục nát khi để ngoài trời hay trong một phòng ẩm ướt”. Vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy những bản Kinh-thánh gốc không còn nữa; có lẽ đã bị mục nát cách đây lâu lắm rồi. Nhưng nếu các bản gốc bị sức tàn phá thiên nhiên làm hỏng, vậy thì làm sao Kinh-thánh tồn tại được?
8. Trải qua nhiều thế kỷ, những bản Kinh-thánh được bảo tồn như thế nào?
8 Chẳng bao lâu sau khi bản gốc được viết ra, người ta bắt đầu chép tay thêm nhiều bản. Thật vậy, ở nước Y-sơ-ra-ên xưa, việc sao chép Luật Pháp và các phần khác của Kinh-thánh đã trở thành một nghề chuyên môn. Thí dụ, thầy tế lễ E-xơ-ra được miêu tả là “một văn-sĩ thạo luật-pháp của Môi-se” (E-xơ-ra 7:6, 11; so sánh Thi-thiên 45:1). Nhưng những bản chép cũng bị hư; cuối cùng người ta lại phải thay thế bằng những bản chép tay khác. Qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn lấy những bản sao để chép thêm. Vì loài người không hoàn toàn, vậy những người sao chép có nhầm lẫn nhiều đến độ thay đổi văn bản của Kinh-thánh không? Vô số bằng chứng cho thấy câu trả lời là không!
9. Gương của người Masorete cho thấy gì về sự cẩn thận và chính xác những người sao chép Kinh-thánh?
9 Những người sao chép không những có tài năng mà họ còn xem trọng sâu xa những lời mà họ sao chép nữa. Chữ Hê-bơ-rơ được dịch là “nhà sao chép” có liên quan tới việc đếm và ghi chép. Để biết được sự cẩn thận và chính xác của các nhà sao chép, hãy xem nhóm người Masorete, những người sao chép Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sống vào giữa thế kỷ thứ sáu và thứ mười CN. Theo học giả Thomas Hartwell Horne, họ đếm “mỗi chữ cái [tiếng Hê-bơ-rơ] xuất hiện bao nhiêu lần trong cả Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ”. Hãy nghĩ xem điều đó có nghĩa gì! Để tránh chép sót, dù chỉ là một chữ cái, những người sao chép tận tụy này đã đếm không những từng chữ mà còn đếm từng chữ cái nữa. Theo lời kể lại thì họ đếm 815.140 chữ cái trong cả Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ! Sự siêng năng cố gắng của họ đã bảo đảm được rằng các bản sao rất chính xác.
10. Có bằng chứng vững chắc nào để tin là các văn bản tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, mà các bản dịch hiện đại căn cứ vào đó để dịch, rất trung thực với lời của người viết đầu tiên?
10 Thật vậy, các bản dịch hiện đại căn cứ vào văn bản tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, và người ta có bằng chứng vững chắc để tin là những văn bản này rất trung thực với lời của người viết đầu tiên. Bằng chứng này gồm có hàng ngàn bản chép tay còn tồn tại đến ngày nay. Người ta ước lượng có khoảng 6.000 bản Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ trọn bộ hoặc từng phần, và khoảng 5.000 bản Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Việc phân tích kỹ lưỡng, so sánh nhiều bản chép tay hiện có, đã giúp các học giả về văn bản tìm ra bất cứ lỗi lầm nào của người sao chép và xác định bản gốc viết như thế nào. Bình luận về văn bản của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, học giả William H. Green có thể nói: “Người ta có thể vững tâm nói rằng không tài liệu cổ xưa nào đã được lưu truyền chính xác đến như vậy”. Chúng ta có thể có sự tin cậy tương tự như thế đối với văn bản của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp.
11. Theo I Phi-e-rơ 1:24, 25, tại sao Kinh-thánh tồn tại đến ngày nay?
11 Nếu không nhờ những bản chép tay thay thế các bản gốc, Kinh-thánh với thông điệp quí báu trong đó sẽ dễ tiêu mất biết bao! Chỉ có một lý do để Kinh-thánh tồn tại: Đức Giê-hô-va là Đấng Bảo Tồn và Che Chở Lời của Ngài. Như Kinh-thánh nói nơi I Phi-e-rơ 1:24, 25: “Mọi xác-thịt ví như cỏ, mọi sự vinh-hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Chúa còn lại đời đời”.
Dịch sang sinh ngữ của loài người
12. Ngoài việc sao đi chép lại trong nhiều thế kỷ, Kinh-thánh còn phải đương đầu với trở ngại nào khác?
12 Tồn tại qua hàng bao thế kỷ sao đi chép lại là cả một thử thách, vậy mà Kinh-thánh còn phải đương đầu với một trở ngại khác nữa. Đó là việc dịch sang những ngôn ngữ đương thời. Kinh-thánh phải nói được sinh ngữ của loài người để động tới lòng họ. Tuy nhiên, việc dịch Kinh-thánh—với hơn 1.100 đoạn và 31.000 câu—không phải là công việc dễ làm. Nhưng trải qua nhiều thế kỷ, các dịch giả tận tụy đã sẵn sàng đảm nhận công việc đầy thử thách này, đôi khi phải đương đầu với những trở ngại dường như không thể vượt qua được.
13, 14. a) Vào đầu thế kỷ 19, dịch giả Kinh-thánh Robert Moffat đã đương đầu với thử thách nào tại Phi Châu? b) Những người nói tiếng Tswana phản ứng thế nào khi có được quyển Phúc Âm của Lu-ca trong tiếng mẹ đẻ?
13 Thí dụ, chúng ta hãy xem xét việc Kinh-thánh được dịch sang những tiếng Phi Châu như thế nào. Vào năm 1800, khắp lục địa Phi Châu chỉ có khoảng một chục ngôn ngữ có chữ viết, còn hàng trăm thứ tiếng nói khác không có chữ viết. Đây là một thử thách mà dịch giả Kinh-thánh Robert Moffat phải đương đầu. Vào năm 1821, khi được 25 tuổi, ông Moffat lập một hội truyền giáo để giúp dân nói tiếng Tswana ở miền nam Phi Châu. Để học tiếng nói không có chữ viết của họ, ông giao du với dân chúng. Ông Moffat đã kiên trì, dù không có sách vỡ lòng hay tự điển, nhưng cuối cùng ông có thể nói thông thạo, chế ra chữ viết, và dạy một số người Tswana biết cách đọc chữ đó. Vào năm 1829, sau khi làm việc với dân Tswana được tám năm, ông Moffat dịch xong quyển Phúc Âm của Lu-ca. Sau này ông nói: “Tôi biết có những người đã lặn lội hàng trăm cây số để có được bản dịch sách Lu-ca... Tôi thấy họ nhận phần sách Lu-ca và rơi nước mắt, ôm chặt vào lòng với lệ tuôn trào vì biết ơn. Tôi phải nói với họ: ‘Nước mắt các bạn sẽ làm hư sách đó’ ”. Ông Moffat cũng kể lại là một người Phi Châu thấy một số người đọc cuốn Phúc Âm của Lu-ca, và ông hỏi họ có sách gì vậy. Họ trả lời: “Đây là lời Đức Chúa Trời”. Ông lại hỏi: “Lời đó có biết nói không?” Họ nói: “Biết chứ, nói động tới lòng chúng tôi”.
14 Những dịch giả tận tụy như ông Moffat đã giúp nhiều người Phi Châu có cơ hội thông tin bằng chữ viết lần đầu tiên. Nhưng các dịch giả này còn tặng cho dân Phi Châu một món quà quí giá hơn nữa: đó là Kinh-thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, ông Moffat là người đầu tiên cho dân Tswana biết danh Đức Chúa Trời, và ông dùng danh đó trong suốt bản dịch của ông.c Vì vậy mà dân Tswana gọi Kinh-thánh là “miệng của Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 83:18).
15. Tại sao Kinh-thánh còn nhiều ảnh hưởng ngày nay?
15 Những dịch giả ở các nơi khác trên thế giới đã đương đầu với những thử thách tương tự. Một số người còn liều mình để dịch Kinh-thánh nữa. Hãy suy nghĩ điều này: Nếu Kinh-thánh chỉ còn trong tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp xa xưa mà thôi thì có thể đã “chết” lâu rồi, vì những thứ tiếng đó hầu như bị quên lãng và nhiều nơi trên đất không bao giờ biết đến các tiếng đó. Nhưng Kinh-thánh còn sống, bởi vì không giống những sách khác, Kinh-thánh có thể “nói” với dân trên khắp thế giới bằng tiếng của họ. Kết quả là thông điệp Kinh-thánh vẫn “hành-động trong [những người] có lòng tin” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Bản Nguyễn thế Thuấn dịch là: “Lời ấy đang thi thố quyền năng nơi anh em là những kẻ tin”.
Đáng tin cậy
16, 17. a) Để tin cậy Kinh-thánh, người ta phải có bằng chứng gì? b) Hãy nêu ra một thí dụ cho thấy sự thành thật của người viết Kinh-thánh là Môi-se.
16 Một số người tự hỏi: ‘Chúng ta có thể thật sự tin cậy Kinh-thánh không? Cuốn sách này có nói đến những người, những nơi, và những biến cố có thật không?’ Nếu chúng ta tin Kinh-thánh thì cần phải có bằng chứng là sách này được những người thận trọng và ngay thật viết. Điều này cho chúng ta một lý do khác để xem xét Kinh-thánh: Có bằng chứng vững chắc cho thấy Kinh-thánh chính xác và đáng tin cậy.
17 Các người ghi chép ngay thật không những ghi lại sự thành công mà còn ghi sự thất bại, không những ưu điểm mà còn khuyết điểm nữa. Các người viết Kinh-thánh cho thấy là họ ngay thẳng. Thí dụ, hãy xem sự thẳng thắn của Môi-se. Trong số những điều ông thành thật ghi lại, ông kể về việc mình thiếu tài hùng biện, vì vậy mà ông cảm thấy không thích hợp với vai trò lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10). Ông thuật lại lỗi lầm nghiêm trọng của ông khiến ông không được vào Đất Hứa (Dân-số Ký 20:9-12; 27:12-14); sự lệch hướng của anh ông là A-rôn, vì đã hợp tác với dân Y-sơ-ra-ên phản loạn làm tượng bò vàng (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-6). Ông nói về sự phản nghịch của chị ông là Mi-ri-am và sự trừng phạt nhục nhã của bà (Dân-số Ký 12:1-3, 10); sự phạm thượng của cháu ông là Na-đáp và A-bi-hu (Lê-vi Ký 10:1, 2); và sự phàn nàn và lằm bằm nhiều lần của chính dân Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:11, 12; Dân-số Ký 14:1-10). Chẳng phải sự tường thuật thẳng thắn, cởi mở như thế cho thấy những người ghi chép thành thật quan tâm đến sự thật hay sao? Vì họ sẵn sàng ghi chép những điều bất lợi về những người thân, người đồng hương và ngay cả của chính họ nữa, chẳng phải đó là lý do chính đáng để tin lời ghi chép của họ hay sao?
18. Điều gì chứng minh lời của những người viết Kinh-thánh là đáng tin cậy?
18 Sự hòa hợp giữa các người viết Kinh-thánh cũng chứng minh cho thấy những điều họ viết là đáng tin cậy. Trải qua 1.600 năm, 40 người viết đều hòa hợp với nhau, cả đến những chi tiết nhỏ nhặt, điều này thật là phi thường. Tuy nhiên, sự hòa hợp này không được sắp đặt cẩn thận khiến người ta nghi ngờ là họ thông đồng với nhau. Trái lại, rõ ràng là họ không cố ý làm cho các chi tiết ăn khớp nhau; lắm khi sự hòa hợp đó rõ ràng là tình cờ mà thôi.
19. Lời tường thuật của Phúc Âm về việc Chúa Giê-su bị bắt cho thấy có sự hòa hợp, điều này rõ ràng là tình cờ như thế nào?
19 Để thí dụ, hãy xem một chuyện xảy ra vào đêm Chúa Giê-su bị bắt. Cả bốn người viết các sách Phúc Âm đều ghi là một môn đồ rút gươm và đánh một đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt tai của hắn. Tuy nhiên, chỉ một mình Lu-ca cho biết là Chúa Giê-su “rờ tai đầy-tớ ấy, làm cho nó được lành” (Lu-ca 22:51). Vì Lu-ca là “thầy thuốc rất yêu-dấu”, lẽ nào ông lại không viết về chi tiết này hay sao? (Cô-lô-se 4:14). Lời tường thuật của Giăng cho chúng ta biết rằng trong tất cả các môn đồ có mặt lúc đó, người cầm gươm là Phi-e-rơ, sự kiện này không có gì ngạc nhiên vì Phi-e-rơ có khuynh hướng hành động thiếu suy nghĩ và liều lĩnh (Giăng 18:10; so sánh Ma-thi-ơ 16:22, 23 và Giăng 21:7, 8). Giăng ghi lại một chi tiết có vẻ không cần thiết: “Đầy-tớ đó tên là Man-chu”. Tại sao chỉ một mình Giăng cho biết tên người này? Một chi tiết nhỏ tình cờ được nói đến chỉ trong lời tường thuật của Giăng giải thích cho chúng ta biết: Giăng “có quen với thầy cả thượng-phẩm”. Ông cũng biết người nhà của thầy cả; các đầy tớ đều biết ông, và ông cũng biết họd (Giăng 18:10, 15, 16). Vậy rất dễ hiểu tại sao Giăng nêu tên người bị thương, trong khi ba người viết Phúc Âm kia thì không, vì rõ ràng là họ không quen người này. Sự hòa hợp của tất cả chi tiết này thật là phi thường, nhưng rõ ràng là tình cờ. Có rất nhiều thí dụ tương tự như thế trong cả Kinh-thánh.
20. Những người có lòng chân thật cần biết gì về Kinh-thánh?
20 Vậy thì chúng ta có thể tin Kinh-thánh không? Chắc chắn có! Tính ngay thẳng của những người viết và sự hòa hợp về nội dung của Kinh-thánh đều cho thấy rõ Kinh-thánh nói sự thật. Những người có lòng chân thật cần biết rằng họ có thể tin cậy Kinh-thánh, vì Kinh-thánh là Lời được “Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời chơn-thật” soi dẫn (Thi-thiên 31:5). Có thêm những lý do khác cho biết tại sao Kinh-thánh là cuốn sách cho muôn dân. Bài tiếp theo sẽ bàn luận những lý do đó.
[Chú thích]
a Dựa trên số thống kê của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội.
b Trong lúc bị tù lần thứ hai ở Rô-ma, Phao-lô bảo Ti-mô-thê đem “những sách-vở nữa, nhứt là những sách bằng giấy da” (II Ti-mô-thê 4:13). Có thể Phao-lô bảo đem một phần Kinh-thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ, để ông có thể nghiên cứu trong lúc bị giam. Câu “nhứt là những sách bằng giấy da” cho thấy ông muốn nói đến các cuộn bằng cả hai loại giấy chỉ thảo và giấy da.
c Vào năm 1838, ông Moffat dịch xong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Nhờ sự giúp đỡ của người bạn đồng nghiệp, ông dịch xong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ vào năm 1857.
d Việc Giăng quen biết với thầy cả thượng phẩm và người nhà ông được thấy trong lời tường thuật sau đó. Khi một đầy tớ khác của thầy cả thượng phẩm buộc tội Phi-e-rơ là môn đồ của Chúa Giê-su, Giăng giải thích rằng đầy tớ này là “bà-con với người mà Phi-e-rơ chém đứt tai” (Giăng 18:26).
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao chúng ta mong rằng Kinh-thánh phải là sách dễ đến tay người ta nhất?
◻ Có bằng chứng nào cho thấy Kinh-thánh được bảo tồn một cách chính xác?
◻ Những dịch giả Kinh-thánh phải đương đầu với những trở ngại nào?
◻ Điều gì chứng minh các sách của Kinh-thánh là đáng tin cậy?