Luôn tin cậy Đức Giê-hô-va!
“Hỡi bá-tánh, khá nhờ-cậy nơi Ngài luôn luôn”.—THI 62:8.
1-3. Điều gì đã giúp Phao-lô củng cố lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài).
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô tại thành Rô-ma sống trong một thời kỳ đầy nguy hiểm. Vì bị buộc tội là gây ra vụ hỏa hoạn trong thành phố vào năm 64 CN và bị cáo buộc là thù ghét người đồng loại, các môn đồ Chúa Giê-su trở thành mục tiêu của sự chống đối gay gắt. Nếu là một tín đồ sống vào thời đó, mỗi ngày bạn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt và tra tấn. Một số anh chị em thiêng liêng của bạn có lẽ bị thú dữ xé xác hoặc bị đóng đinh trên một cây cột rồi thiêu sống để làm ngọn đuốc chiếu sáng ban đêm.
2 Rất có thể trong giai đoạn đầy cam go ấy, sứ đồ Phao-lô bị giam ở Rô-ma lần thứ hai. Liệu các anh em đồng đạo sẽ đến giúp đỡ ông không? Có lẽ lúc đầu Phao-lô lo lắng điều này, vì ông viết cho Ti-mô-thê: “Khi ta biện hộ cho mình lần thứ nhất, chẳng ai đứng về phía ta, hết thảy đều bỏ ta; nguyện Đức Chúa Trời không bắt họ chịu trách nhiệm về điều đó”. Dù vậy, Phao-lô nhận ra rằng mình không phải là hoàn toàn bị bỏ rơi. Ông viết: “Nhưng Chúa đứng gần ta, truyền sức mạnh cho ta”. Thật thế, Chúa Giê-su đã ban cho Phao-lô sức mạnh cần thiết. Sự giúp đỡ này có thực tế không? Hãy lưu ý những gì Phao-lô nói: “Ta đã được giải cứu khỏi miệng sư tử”.—2 Ti 4:16, 17.a
3 Nhớ lại trải nghiệm ấy hẳn đã củng cố tinh thần của Phao-lô, giúp ông tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ thêm sức để ông có thể chịu đựng những thử thách hiện tại và bất cứ khó khăn nào trong tương lai. Do đó, ông liền nói tiếp: “Chúa sẽ giải cứu ta khỏi mọi điều ác” (2 Ti 4:18). Phao-lô rút ra bài học là ngay cả khi con người không thể giúp đỡ, ông vẫn có thể tin cậy rằng sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va và Con ngài là có thật.
NHỮNG CƠ HỘI ĐỂ “TIN-CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”
4, 5. (a) Bạn luôn có thể nhận được sự giúp đỡ cần thiết từ ai? (b) Làm thế nào bạn có thể củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?
4 Đã bao giờ bạn cảm thấy đơn độc khi đứng trước một hoàn cảnh khó khăn chưa? Có lẽ bạn bị thất nghiệp, đối phó với áp lực tại trường học, có vấn đề sức khỏe, hoặc gặp những hoàn cảnh đau buồn khác. Có thể bạn nhờ người khác giúp đỡ nhưng họ lại khiến bạn thất vọng vì không đáp ứng được nhu cầu của bạn. Thực tế là một số vấn đề nằm ngoài khả năng của con người. Trong những hoàn cảnh như thế, lời khuyên của Kinh Thánh là “tin-cậy Đức Giê-hô-va” phải chăng vô nghĩa? (Châm 3:5, 6). Chắc chắn không! Sự giúp đỡ đến từ Đức Chúa Trời là có thật, như được thấy rõ qua nhiều lời tường thuật trong Kinh Thánh.
5 Do đó, thay vì nuôi lòng oán giận khi sự trợ giúp của con người có vẻ hạn chế, hãy có cái nhìn như sứ đồ Phao-lô, xem đó là cơ hội để hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va và trực tiếp cảm nghiệm sự chăm sóc đầy yêu thương của ngài. Điều này sẽ củng cố lòng tin cậy của bạn nơi ngài và làm cho mối quan hệ của bạn với ngài ngày càng bền chặt.
TIN CẬY LÀ ĐIỀU THIẾT YẾU TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
6. Khi gặp khó khăn, tại sao tin cậy Đức Giê-hô-va có thể là một thách đố?
6 Có lẽ bạn gặp phải một vấn đề khó khăn khiến bạn lo lắng. Bạn đã làm hết những gì có thể và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Vậy giờ đây bạn có thể cảm thấy bình an, tin rằng ngài sẽ giải quyết phần còn lại không? Có, bạn có thể! (Đọc Thi-thiên 62:8; 1 Phi-e-rơ 5:7). Tập làm thế là điều quan trọng để vun đắp mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, việc tin cậy rằng ngài sẽ cung cấp những gì bạn cần có thể là một thách đố. Tại sao? Có lẽ một lý do là vì Đức Giê-hô-va không luôn đáp lời ngay.—Thi 13:1, 2; 74:10; 89:46; 90:13; Ha 1:2.
7. Tại sao Đức Giê-hô-va không luôn đáp lại ngay những lời cầu nguyện của chúng ta?
7 Tại sao Đức Giê-hô-va không đáp lại ngay mọi lời cầu xin của chúng ta? Hãy nhớ rằng ngài ví mối quan hệ của chúng ta với ngài như mối quan hệ của người con với cha (Thi 103:13). Người con không thể đòi hỏi cha đáp ứng mọi nguyện vọng của mình hay làm thế ngay lập tức. Một số nguyện vọng của con có thể chỉ là sở thích nhất thời. Số khác phải đợi đến đúng thời điểm. Số khác nữa có thể không đem lại lợi ích tốt nhất cho con hoặc cho những người liên quan. Hơn nữa, việc đáp ứng ngay mọi nguyện vọng của con sẽ biến mối quan hệ cha con thành mối quan hệ chủ tớ, con trở thành chủ. Tương tự, vì lợi ích tốt nhất của chúng ta, có thể Đức Giê-hô-va chờ một thời gian trước khi đáp lời cầu nguyện của chúng ta một cách rõ ràng. Ngài có quyền làm thế vì ngài là Đấng Tạo Hóa khôn ngoan, Chủ đầy yêu thương và Cha trên trời. Việc đáp ứng ngay mọi lời cầu xin của chúng ta sẽ làm đảo lộn mối quan hệ của chúng ta với ngài.—So sánh Ê-sai 29:16; 45:9.
8. Liên quan đến giới hạn cá nhân, Đức Giê-hô-va hứa với chúng ta điều gì?
8 Một yếu tố khác là Đức Giê-hô-va hiểu rõ giới hạn của mỗi người (Thi 103:14). Do đó, ngài không đòi hỏi chúng ta chịu đựng bằng sức riêng, nhưng giúp đỡ chúng ta như một người cha. Có lẽ đôi khi chúng ta cảm thấy không thể bước tiếp, nhưng Đức Giê-hô-va đảm bảo là không bao giờ để cho tôi tớ ngài phải chịu đựng quá sức. Thật thế, ngài sẽ “mở lối thoát”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:13). Vì vậy, chúng ta có lý do chính đáng để tin chắc rằng Đức Giê-hô-va biết rõ sức chịu đựng của chúng ta.
9. Chúng ta nên làm gì khi lời cầu xin sự giúp đỡ của chúng ta chưa được đáp lại ngay?
9 Khi lời cầu xin sự giúp đỡ của chúng ta chưa được đáp lại ngay, hãy chờ đợi Đức Chúa Trời, đấng biết rõ lúc nào là thời điểm để hành động vì lợi ích của chúng ta. Hãy nhớ rằng chính ngài cũng đang kiên nhẫn, vì ngài rất mong muốn giải cứu chúng ta. “Đức Giê-hô-va còn chờ-đợi để làm ơn cho các ngươi; Ngài sẽ được tôn lên mà thương-xót các ngươi; vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời công-nghĩa. Phước thay cho mọi kẻ trông-đợi Ngài!”.—Ê-sai 30:18.
“MIỆNG SƯ TỬ”
10-12. (a) Điều gì có thể khiến việc chăm sóc người thân mắc bệnh kinh niên trở nên khó khăn? (b) Việc tin cậy Đức Giê-hô-va trong giai đoạn khó khăn tác động thế nào đến mối quan hệ của một người với ngài? Hãy nêu ví dụ.
10 Khi gặp thử thách cam go, có lẽ bạn cảm thấy giống Phao-lô, như thể mình đang ở trong hoặc ngay gần “miệng sư tử”. Trong những lúc ấy, việc tin cậy Đức Giê-hô-va là điều khó nhất, nhưng cũng là điều quan trọng nhất. Ví dụ, bạn đang chăm sóc một người thân yêu mắc bệnh kinh niên. Có lẽ bạn đã cầu nguyện để xin sự khôn ngoan và sức mạnh.b Sau khi làm hết những gì có thể, bạn có cảm thấy bình an phần nào vì biết rằng Đức Giê-hô-va dõi theo và ban những gì bạn cần để trung thành chịu đựng không?—Thi 32:8.
11 Nhưng hoàn cảnh có thể khiến bạn cảm thấy như thể Đức Giê-hô-va không giúp mình. Có lẽ bạn nhận được những ý kiến mâu thuẫn từ các bác sĩ. Hoặc bạn mong người thân sẽ an ủi mình nhưng dường như họ lại làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Nếu vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm sức mạnh nơi Đức Giê-hô-va và đến gần với ngài. (Đọc 1 Sa-mu-ên 30:3, 6). Khi bạn nhận ra cách Đức Giê-hô-va giúp đỡ mình, mối quan hệ của bạn với ngài sẽ càng bền chặt hơn.
12 Chị Lindac đã cảm nghiệm được sự thật này sau một thời gian dài chăm sóc cha mẹ đau yếu trước khi họ qua đời. Chị kể: “Hồi ấy, vợ chồng tôi và em trai nhiều khi không biết phải làm gì. Có những lúc chúng tôi cảm thấy bất lực. Nhưng giờ nhìn lại, chúng tôi thấy rõ Đức Giê-hô-va đã thật sự ở bên mình. Ngài thêm sức và ban cho chúng tôi đúng những gì mình cần, ngay cả khi chúng tôi dường như rơi vào bế tắc”.
13. Việc tin cậy Đức Giê-hô-va đã giúp một chị đương đầu với một loạt những trải nghiệm đau lòng như thế nào?
13 Việc hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va cũng có thể giúp chúng ta đương đầu với nghịch cảnh. Vào thời điểm người chồng không tin đạo của chị Rhonda làm thủ tục ly dị, em trai của chị bị chẩn đoán mắc bệnh lupus, một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Vài tháng sau, vợ của em trai chị qua đời. Khi thấy mình bắt đầu vực dậy được sau những trải nghiệm đau lòng ấy, chị Rhonda đăng ký làm tiên phong đều đều. Không lâu sau đó, mẹ chị qua đời. Điều gì đã giúp chị chịu đựng? Chị giải thích: “Tôi trò chuyện với Đức Giê-hô-va mỗi ngày, ngay cả khi đưa ra những quyết định nhỏ. Khi làm thế, tôi thấy Đức Giê-hô-va có thật đối với mình. Điều này giúp tôi nương cậy nơi ngài thay vì bản thân, hay ngay cả người khác. Ngài đã thật sự giúp đỡ tôi, mọi nhu cầu của tôi đều được đáp ứng. Kết quả là tôi cảm nghiệm mình được làm việc gần gũi với Đức Giê-hô-va”.
14. Một tín đồ trung thành có người thân bị khai trừ có thể tin chắc điều gì?
14 Hãy xem xét một hoàn cảnh khác. Giả sử một người thân yêu của bạn bị khai trừ. Qua những gì học được trong Kinh Thánh, bạn biết phải đối xử thế nào với người ấy (1 Cô 5:11; 2 Giăng 10). Tuy nhiên, việc ủng hộ quyết định liên quan đến người bị khai trừ đôi khi có vẻ rất khó, thậm chí không thể.d Bạn có tin chắc rằng Cha trên trời sẽ cho bạn dũng khí cần thiết để kiên quyết tuân theo chỉ dẫn của Kinh Thánh về việc khai trừ không? Bạn có xem đây là cơ hội để củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va bằng cách gắn bó với ngài hơn không?
15. Tại sao A-đam không tuân theo mạng lệnh của Đức Giê-hô-va trong vườn Ê-đen?
15 Liên quan đến điều này, hãy dành ít phút để nghĩ đến trường hợp của người đàn ông đầu tiên là A-đam. Có thật là ông tin rằng mình có thể tiếp tục sống dù bất tuân với Đức Giê-hô-va không? Không, vì Kinh Thánh nói rằng A-đam ‘không bị lừa’ (1 Ti 2:14). Vậy thì tại sao ông bất tuân? Hẳn A-đam ăn trái mà Ê-va đưa cho vì muốn làm hài lòng vợ. Ông lắng nghe tiếng của vợ thay vì tiếng của Đức Giê-hô-va.—Sáng 3:6, 17.
16. Chúng ta nên yêu thương ai nhiều hơn hết, và tại sao?
16 Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta không nên yêu mến người thân một cách sâu đậm? Dĩ nhiên là không! Nhưng chúng ta phải yêu thương Đức Giê-hô-va nhiều hơn hết. (Đọc Ma-thi-ơ 22:37, 38). Thật ra điều này đem lại lợi ích tốt nhất cho người thân của bạn, dù họ có đang phụng sự Đức Giê-hô-va hay không. Vậy hãy tiếp tục củng cố tình yêu thương và lòng tin cậy đối với Đức Giê-hô-va. Đặc biệt nếu bạn đang lo lắng về một người thân bị khai trừ, hãy dốc đổ lòng mình với ngài qua lời cầu nguyệne (Rô 12:12; Phi-líp 4:6, 7). Hãy tận dụng hoàn cảnh đau lòng này để làm cho mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va trở nên vững chắc hơn. Làm điều này sẽ giúp bạn tin cậy Đức Giê-hô-va và biết rằng việc vâng lời ngài đem lại kết quả tốt nhất.
TRONG KHI CHỜ ĐỢI
17. Tại sao khi bận rộn rao giảng về Nước Trời, chúng ta cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va?
17 Tại sao Phao-lô “được giải cứu khỏi miệng sư tử”? Ông cho biết: “Hầu qua ta mà công việc rao giảng được thực hiện trọn vẹn và mọi dân đều được nghe” (2 Ti 4:17). Như Phao-lô, khi bận rộn trong công việc rao giảng, chúng ta tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta mọi thứ cần thiết (Mat 6:33). Là người rao truyền Nước Trời, chúng ta được “giao cho tin mừng” và được Đức Giê-hô-va xem là “bạn cùng làm việc” với ngài (1 Tê 2:4; 1 Cô 3:9). Khi nỗ lực hết sức để tham gia công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ dễ chờ đợi ngài đáp lời cầu nguyện của mình hơn.
18. Bằng cách nào chúng ta có thể vun đắp lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và thắt chặt mối quan hệ với ngài?
18 Vậy hãy tận dụng khoảng thời gian hiện tại để thắt chặt mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Nếu bất cứ hoàn cảnh nào khiến chúng ta lo lắng, hãy dùng đó làm cơ hội để gắn bó hơn với Đức Giê-hô-va. Hãy hấp thu Lời Đức Chúa Trời, thường xuyên cầu nguyện và bận rộn trong các hoạt động thiêng liêng. Khi làm thế, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể và sẽ giúp chúng ta đương đầu với hoàn cảnh hiện tại cũng như bất cứ khó khăn nào trong tương lai.
a “Miệng sư tử” mà Phao-lô được giải cứu khỏi có thể mang nghĩa đen hoặc nghĩa bóng.
b Có những bài được biên soạn để giúp các tín đồ đạo Đấng Ki-tô đang phải đương đầu với bệnh tật, cũng như những người chăm sóc. Xin xem Tháp Canh ngày 15-5-2010, trang 17-19; ngày 15-12-2011, trang 27-30; và Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-2-1994; ngày 8-2-1997; ngày 22-5-2000; ngày 22-1-2001.
c Các tên đã được thay đổi.
d Xin xem bài “Tại sao khai trừ là một sắp đặt yêu thương?”, trong số này.
e Có những bài được biên soạn để giúp các thành viên trung thành trong gia đình đương đầu với việc một người thân lìa bỏ Đức Giê-hô-va. Xin xem Tháp Canh ngày 1-9-2006, trang 17-21 và ngày 15-1-2007, trang 17-20.