Hãy vui hưởng lợi ích từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời
“Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích” (Ê-SAI 48:17).
1. Nếu áp dụng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống, chúng ta sẽ gặt hái kết quả nào?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI biết nhiều hơn ai hết. Ý tưởng, lời nói hay hành động của Ngài không ai sánh bằng. Với tư cách là Đấng Tạo Hóa, Ngài biết rõ các nhu cầu của chúng ta và luôn luôn thỏa mãn các nhu cầu ấy một cách dư dật. Chắc chắn Ngài biết cách hướng dẫn chúng ta. Và nếu áp dụng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được ích và có hạnh phúc thật sự.
2, 3. a) Dân sự thời xưa của Đức Chúa Trời có thể được ích như thế nào nếu tuân theo các điều răn của Ngài? b) Áp dụng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta ngày nay sẽ dẫn đến điều gì?
2 Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời cho thấy rằng Ngài mong muốn các tôi tớ Ngài tránh khỏi sự tai hại và vui hưởng đời sống bằng cách vâng theo luật lệ và nguyên tắc của Ngài. Nếu thời xưa dân sự của Đức Giê-hô-va vâng theo Ngài, họ đã có thể vui hưởng những ân phước dồi dào, vì Ngài nói với họ: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi. Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển” (Ê-sai 48:17, 18).
3 Dân sự của Đức Chúa Trời thời xưa đã có thể được ích nếu như họ chú tâm đến điều răn và sự hướng dẫn của Ngài. Thay vì chịu tai họa do tay người Ba-by-lôn, họ đã có thể vui hưởng sự bình an và thịnh vượng một cách tràn đầy, sâu xa và mãi mãi như nước dòng sông. Hơn nữa, muôn vàn việc tốt lành không đếm xuể của họ sẽ như sóng biển. Cũng vậy, nếu áp dụng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống, chúng ta có thể vui hưởng nhiều lợi ích. Một số các lợi ích này là gì?
Biến đổi đời sống
4. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người như thế nào?
4 Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời đem lại lợi ích cho nhiều người bằng cách cải thiện đời sống của họ. Những ai áp dụng sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va thì loại bỏ những “việc làm của xác-thịt”, như sự luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán và ghen ghét. Ngược lại, họ biểu lộ các bông trái thánh linh gồm có sự yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ (Ga-la-ti 5:19-23). Họ cũng nghe theo lời khuyên của Phao-lô nơi Ê-phê-sô 4:17-24, không ăn ở như người ngoại đạo, theo sự hư không của ý tưởng mình và ở trong sự tối tăm về trí khôn, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. Không chiều theo sự cứng cỏi của lòng mình, những người giống như đấng Christ ‘bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ, và được làm mới lại trong tâm trí mình’. Họ ‘mặc lấy người mới được dựng nên theo ý của Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật’.
5. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời ảnh hưởng cách hành động của người ta như thế nào?
5 Áp dụng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời mang lại lợi ích là chúng ta biết cách đồng đi với Ngài. Nếu chúng ta đồng đi với Đức Chúa Trời, như Nô-ê đã làm, chúng ta noi theo đường lối mà Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại đã vạch ra cho chúng ta trong đời sống (Sáng-thế Ký 6:9; Ê-sai 30:20, 21). Sứ đồ Phao-lô nói rằng người ngoại đạo “theo sự hư-không của ý-tưởng mình”. Và một số tác phẩm dựa trên các ý tưởng đó thật là hư không làm sao! Nhận xét về những lời người ta viết trên một bức tường tại Pompeii, một người nói: “Hỡi bức tường kia, thật lạ lùng là ngươi chưa sụp đổ dưới sức nặng của rất nhiều lời viết vô nghĩa”. Nhưng chẳng có điều gì vô nghĩa trong “sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va” và công việc rao giảng về Nước Trời căn cứ trên đó (Công-vụ các Sứ-đồ 13:12, NW). Qua công việc này, những người yêu mến lẽ thật được giúp đỡ hành động một cách sáng suốt. Họ được hướng dẫn làm thế nào để ngưng đi trong đường lối tội lỗi, trong sự không hiểu biết ý định Đức Chúa Trời. Họ không còn ở trong tối tăm nữa, cũng không nghe theo tấm lòng cứng cỏi xui họ theo đuổi những mục tiêu hư không.
6. Tuân theo sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va ảnh hưởng thế nào đến hạnh phúc của chúng ta?
6 Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời cũng mang lợi ích là giúp chúng ta quen thuộc với Đức Giê-hô-va và cách cư xử của Ngài. Sự hiểu biết ấy thu hút chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn, yêu thương Ngài, và gia tăng lòng ước muốn vâng lời Ngài. I Giăng 5:3 nói: “Vì nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. Chúng ta cũng tuân theo những điều răn của Chúa Giê-su bởi vì chúng ta biết rằng sự dạy dỗ của ngài đến từ Đức Chúa Trời (Giăng 7:16-18). Khi vâng lời, chúng ta được che chở khỏi sự tai hại về thiêng liêng và khiến chúng ta được hạnh phúc.
Mục đích thật trong đời sống
7, 8. a) Chúng ta hiểu Thi-thiên 90:12 thế nào? b) Làm sao có được lòng khôn ngoan?
7 Sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va có ích khi cho chúng ta biết cách dùng đời sống cho có ý nghĩa. Thật ra, sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời cho chúng ta biết cách đặc biệt đếm các ngày. Một quãng đời dài 70 năm bao gồm khoảng 25.550 ngày. Một người 50 tuổi đã qua 18.250 ngày, và số 7.300 ngày còn lại có vẻ ngắn ngủi thay. Đặc biệt lúc đó người ấy hẳn hiểu thấm thía hơn lời cầu nguyện của nhà tiên tri Môi-se nơi Thi-thiên 90:12: “Cầu-xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày của chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn-ngoan”. Nhưng Môi-se muốn nói gì qua những lời này?
8 Môi-se không có ý muốn nói rằng Đức Chúa Trời sẽ tiết lộ rõ số ngày trong đời của mỗi người Y-sơ-ra-ên. Theo Thi-thiên 90 câu 9 và 10, nhà tiên tri Hê-bơ-rơ ấy nhận biết rằng một quãng đời có lẽ khoảng 70 hay 80 năm—thật là ngắn ngủi. Vậy hiển nhiên nơi Thi-thiên 90:12, Môi-se tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va chỉ dạy cho ông và dân sự của Ngài biết dùng sự khôn ngoan hầu quí trọng ‘các ngày của họ’, dùng các ngày ấy làm sao cho được Đức Chúa Trời chấp nhận. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết giá trị quí báu của mỗi ngày không? Chúng ta khôn ngoan cố gắng sử dụng tốt mỗi ngày để làm vinh hiển Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại của chúng ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời không? Sự dạy dỗ của Ngài sẽ giúp chúng ta làm đúng thế.
9. Nếu học cách đếm các ngày của chúng ta để làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chờ đợi điều gì?
9 Nếu chúng ta học cách đếm các ngày của chúng ta để làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, thì chúng ta có thể tiếp tục làm thế mãi, vì sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời cung cấp sự hiểu biết cần thiết cho sự sống đời đời. Chúa Giê-su nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Dĩ nhiên, nếu chúng ta thâu thập được tất cả sự hiểu biết của thế gian, điều này cũng không đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Nhưng chúng ta có thể sống đời đời nếu thâu thập và áp dụng sự hiểu biết chính xác về hai Đấng quan trọng nhất trong vũ trụ và thực hành đức tin cách thành thật.
10. Một bách khoa tự điển nói gì về sự giáo dục, và so với những lợi ích từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời thì sao?
10 Bất kể đã sống được bao lâu, chúng ta hãy ghi nhớ lợi ích đáng kể này đến từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời: Những ai áp dụng sự dạy dỗ của Ngài có được mục đích thật sự trong đời sống. Cuốn The World Book Encyclopedia nói: “Sự giáo dục phải giúp người ta trở nên thành phần hữu dụng trong xã hội. Sự giáo dục cũng phải giúp họ vun trồng lòng quí trọng đối với nền văn hóa của họ và có được cuộc sống thỏa nguyện hơn”. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời có ích trong việc giúp chúng ta có được cuộc sống thỏa nguyện. Sự dạy dỗ ấy giúp chúng ta vun trồng lòng quí trọng sâu xa đối với di sản thiêng liêng của chúng ta với tư cách là dân sự Đức Chúa Trời. Và chắc chắn, nhờ sự dạy dỗ này mà chúng ta trở nên những thành phần hữu dụng trong xã hội, vì nhờ đó mà chúng ta có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của người ta trên toàn cầu. Tại sao chúng ta có thể nói thế?
Chương trình giáo dục toàn cầu
11. Thomas Jefferson nhấn mạnh nhu cầu về sự giáo dục đúng đắn như thế nào?
11 Khác với bất cứ chương trình huấn luyện nào, sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời đáp ứng nhu cầu được giáo dục của loài người. Thomas Jefferson, vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, đã lưu ý đến nhu cầu phải giáo dục dân chúng. Trong một bức thư đề ngày 13-8-1786 gởi cho George Wythe, người bạn cũng là một người ký Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, ông Jefferson viết: “Tôi nghĩ rằng luật tối quan trọng trong cả bộ luật của chúng ta là luật về sự phổ biến tri thức trong dân chúng. Không có nền tảng vững chắc nào khác có thể duy trì tự do và hạnh phúc... Hỡi anh bạn thân mến, hãy loan truyền một cuộc vận động chống sự dốt nát; thiết lập và cải tiến luật dành cho sự giáo dục dân chúng. Hãy cho đồng bào chúng ta biết... rằng thuế đóng nhằm mục đích [giáo dục] sẽ không hơn một phần ngàn tiền đóng cho các vua, tu sĩ và tầng lớp quí tộc, là những người sẽ dấy lên nếu chúng ta để mặc dân chúng trong sự dốt nát”.
12. Tại sao chúng ta có thể nói rằng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời là chương trình giáo dục thế giới thành công và bổ ích nhất?
12 Thay vì để mặc cho những người có lòng hướng về sự công bình sống trong sự dốt nát, sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va cung cấp chương trình giáo dục tốt nhất trên toàn cầu nhằm đem lợi ích cho họ. Trong khi Thế Chiến II đang hoành hành cách đây 50 năm, Ủy ban Tái thiết Giáo dục của Hoa Kỳ đã thấy một nhu cầu khẩn cấp là “sự giáo dục cho cả thế giới”. Nhu cầu ấy đến nay vẫn còn, nhưng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời là chương trình duy nhất thành công trong việc giáo dục cả thế giới. Chương trình này đem lại lợi ích lớn nhất vì đem người ta ra khỏi sự tuyệt vọng, nâng cao họ về phương diện đạo đức và thiêng liêng, giúp họ thoát khỏi sự kiêu ngạo và thành kiến của thế gian này, và cho họ sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Trên hết, ở khắp nơi chương trình này mang lợi ích cho mọi người bằng cách dạy họ cách phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
13. Ngày nay, Ê-sai 2:2-4 đang được ứng nghiệm thế nào?
13 Đám đông những người hiện đang bắt đầu phụng sự Đức Chúa Trời vui hưởng những lợi ích từ sự dạy dỗ của Ngài. Họ ý thức đến nhu cầu thiêng liêng của họ và biết rõ rằng ngày của Đức Giê-hô-va nay gần kề (Ma-thi-ơ 5:3, NW; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6). Ngay bây giờ, trong “những ngày sau-rốt”, những người này từ mọi dân tộc lũ lượt đến núi của Đức Giê-hô-va, sự thờ phượng thanh sạch. Sự thờ phượng này được thiết lập vững bền và được vượt lên khỏi mọi hình thức thờ phượng đi ngược lại ý định của Đức Chúa Trời (Ê-sai 2:2-4). Nếu bạn là Nhân-chứng đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chắc hẳn bạn vui sướng được có mặt trong đám đông người đang thờ phượng Ngài ngày càng gia tăng, được gặt hái những lợi ích từ sự dạy dỗ của Ngài, phải không? Thật tuyệt diệu làm sao được có mặt trong số những người thốt lên: “Hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va!” (Thi-thiên 150:6).
Ảnh hưởng bổ ích cho tâm thần
14. Vâng theo lời khuyên của Phao-lô nơi I Cô-rinh-tô 14:20 sẽ đem lại lợi ích nào?
14 Một trong những lợi ích đến từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời là ảnh hưởng tốt trên lối suy nghĩ và trên tâm thần của chúng ta. Sự dạy dỗ này khiến chúng ta suy ngẫm về những điều công bình, thanh sạch và nhân đức đáng khen (Phi-líp 4:8). Sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta nghe theo lời khuyên của Phao-lô: “Về sự gian-ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn-sáng, hãy nên như kẻ thành-nhơn” (I Cô-rinh-tô 14:20). Nếu áp dụng lời khuyên này, chúng ta sẽ không tìm kiếm sự hiểu biết về những điều gian ác. Phao-lô cũng viết: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc, cùng mọi đều hung-ác” (Ê-phê-sô 4:31). Vâng theo lời khuyên như thế sẽ giúp chúng ta tránh khỏi sự vô luân cùng những tội nặng khác. Trong khi điều này có thể đem lại lợi ích cho chúng ta về thể xác và tâm thần, chúng ta đặc biệt sẽ có được niềm vui khi biết rằng chúng ta làm Đức Chúa Trời hài lòng.
15. Điều gì có thể giúp chúng ta giữ mình thanh sạch trong lối suy nghĩ?
15 Muốn giữ mình thanh sạch trong lối suy nghĩ, điều hữu ích là chúng ta phải tránh ‘bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt’ (I Cô-rinh-tô 15:33). Là tín đồ đấng Christ, chúng ta sẽ không giao thiệp với kẻ tà dâm, ngoại tình và những kẻ phạm tội khác. Như vậy, điều hợp lý là chúng ta không giao du với những người như thế bằng cách đọc về họ để thỏa mãn thú vui nhục dục hoặc xem những chương trình truyền hình hay phim ảnh về họ. Lòng con người thật dối trá, có thể dễ ham muốn điều xấu, và có thể bị cám dỗ để làm những điều này (Giê-rê-mi 17:9). Do đó, chúng ta hãy tránh những cám dỗ như thế bằng cách theo sát sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Sự dạy dỗ này có thể ảnh hưởng bổ ích trên những người “yêu-mến Đức Giê-hô-va” đến nỗi họ “ghét sự ác” (Thi-thiên 97:10).
16. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời có thể ảnh hưởng thế nào đến tinh thần mà chúng ta biểu lộ?
16 Phao-lô nói với người cùng làm việc với ông là Ti-mô-thê: “Nguyền xin Chúa ở cùng tâm-thần con! Cầu-xin ân-điển ở cùng các anh em” (II Ti-mô-thê 4:22). Sứ đồ mong rằng Đức Chúa Trời, qua Chúa Giê-su Christ, chấp nhận tâm thần thúc đẩy Ti-mô-thê và các tín đồ đấng Christ khác. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời giúp chúng ta biểu lộ một tinh thần đầy yêu thương, nhân từ và mềm mại (Cô-lô-se 3:9-14). Và tinh thần này khác hẳn với thái độ của nhiều người trong những ngày sau rốt này biết bao! Họ xấc xược, bội bạc, vô tình, khó hòa thuận, hay nóng giận, ham mê sự vui chơi và không tin kính (II Ti-mô-thê 3:1-5). Tuy nhiên, khi tiếp tục áp dụng những lợi ích từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống, tinh thần mà chúng ta biểu lộ khiến chúng ta được lòng Đức Chúa Trời và loài người.
Bổ ích trong mối liên lạc giữa người và người
17. Tại sao hợp tác một cách khiêm nhường lại quan trọng đến thế?
17 Sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta hiểu được lợi ích của việc hợp tác một cách khiêm nhường với người cùng đạo (Thi-thiên 138:6). Khác với rất nhiều người ngày nay, chúng ta không vi phạm những nguyên tắc công bình, nhưng sẵn sàng hòa thuận. Thí dụ, việc những anh giám thị được bổ nhiệm sẵn sàng hợp tác trong các phiên họp trưởng lão đem lại nhiều kết quả tốt. Vì quyền lợi lẽ thật, những người này có thể nói một cách bình tĩnh, không để các xúc cảm cản trở mình suy nghĩ một cách hợp lý hoặc gây chia rẽ. Mọi người trong hội thánh sẽ được lợi ích từ tinh thần hợp nhất nếu như mọi người chúng ta đều tiếp tục áp dụng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 133:1-3).
18. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời giúp chúng ta có quan điểm nào về anh em cùng đạo?
18 Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời cũng mang lại lợi ích là giúp chúng ta có một quan điểm đúng về anh em cùng đạo. Chúa Giê-su nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta” (Giăng 6:44). Đặc biệt kể từ năm 1919, Đức Giê-hô-va đã dùng tôi tớ Ngài để công bố về sự phán xét của Ngài, và làm rúng động hệ thống thế gian của Sa-tan bởi lời cảnh cáo trên toàn cầu này. Đồng thời, những người kính sợ Đức Chúa Trời—“những sự ao-ước”—đã được kéo đến Đức Chúa Trời để tách rời khỏi các nước và tham gia với tín đồ đấng Christ được xức dầu làm vinh hiển nhà thờ phượng của Đức Giê-hô-va (A-ghê 2:7). Chắc chắn, chúng ta nên xem những người đáng chuộng được Đức Chúa Trời kéo đến như là những người kết hợp đáng yêu quí.
19. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời cho biết điều gì về việc giải quyết mối bất hòa cá nhân giữa tín đồ đấng Christ?
19 Dĩ nhiên, bởi vì mỗi người chúng ta đều bất toàn, sự việc sẽ không luôn luôn trôi chảy. Khi Phao-lô sắp sửa bắt đầu chuyến rao giảng thứ hai, Ba-na-ba nhất định đem Mác đi theo. Phao-lô không đồng ý vì Mác “đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với”. Sau đó, “có sự cãi-lẫy nhau dữ-dội”. Ba-na-ba đem Mác đi đến Chíp-rơ, trong khi đó Phao-lô đi với Si-la qua xứ Sy-ri và Si-li-si (Công-vụ các Sứ-đồ 15:36-41). Sau này thì hiển nhiên sự bất đồng ý kiến đã được giảng hòa, vì Mác có mặt ở Rô-ma với Phao-lô, và sứ đồ nói tốt về người (Cô-lô-se 4:10). Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời mang lợi ích là cho chúng ta biết cách giải quyết mối bất hòa cá nhân giữa tín đồ đấng Christ bằng cách nghe theo lời khuyên của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 5:23, 24 và Ma-thi-ơ 18:15-17.
Luôn luôn bổ ích và chiến thắng vẻ vang
20, 21. Sau khi xem xét sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, chúng ta nên được thúc đẩy làm điều gì?
20 Chỉ qua việc xem xét vắn tắt về một số lợi ích và những chiến thắng vẻ vang từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, chắc hẳn mọi người chúng ta đều có thể nhận thấy sự cần thiết để tiếp tục áp dụng sự dạy dỗ này trong đời sống. Vậy, với tinh thần khẩn nguyện, chúng ta hãy tiếp tục học từ Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại. Không bao lâu nữa, sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời sẽ chiến thắng vẻ vang như chưa từng thấy. Khi đó những kẻ tri thức của thế gian này sẽ bị hủy diệt. (So sánh I Cô-rinh-tô 1:19). Hơn nữa, khi hàng triệu người khác nữa học và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy trái đất như các dòng nước che lấp biển (Ê-sai 11:9). Đây sẽ là một lợi ích lớn lao cho loài người biết vâng lời và sẽ tôn vinh Đức Giê-hô-va là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ!
21 Sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va sẽ luôn luôn mang lại lợi ích và chiến thắng vẻ vang. Bạn sẽ tiếp tục hưởng lợi ích với tư cách là một người siêng năng học Sách Giáo Khoa vĩ đại của Đức Chúa Trời không? Bạn có đang sống phù hợp với Kinh-thánh và chia sẻ các lẽ thật chứa đựng trong đó với người khác không? Nếu có, bạn có thể chờ đợi thấy kết quả của sự chiến thắng vẻ vang toàn diện từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, là đem lại sự vinh hiển cho Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Bạn đã học được gì?
◻ Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời có thể anh hưởng đời sống chúng ta thế nào?
◻ Sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va đang đáp ứng nhu cầu được giáo huấn như thế nào?
◻ Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời có thể có ảnh hưởng bổ ích trên lối suy nghĩ và thái độ của chúng ta như thế nào?
◻ Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời có ích trong các mối liên lạc giữa người và người như thế nào?