Hãy tìm kiếm của cải chân chính
“Hãy lấy của bất chính mà kết bạn”.—LU 16:9.
1, 2. Tại sao sẽ luôn có một số người nghèo trong thế gian này?
Ngày nay, nền kinh tế vừa khó khăn vừa bất công. Người trẻ khó tìm được việc làm. Nhiều người liều mạng chuyển đến các nước giàu có hơn. Nạn nghèo đói rất phổ biến, ngay cả ở những nước phát triển. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Theo những ước tính gần đây, tài sản của 1% người giàu nhất thế giới bằng tổng số tài sản của 99% cư dân còn lại. Dù khó xác định con số đó, nhưng không ai phủ nhận rằng hàng tỉ người đang rất nghèo đói, trong khi có những người có đủ tài sản để nuôi nhiều thế hệ. Chúa Giê-su công nhận thực tế đáng buồn này khi nói: “Anh em luôn có người nghèo ở cùng mình” (Mác 14:7). Tại sao có sự bất bình đẳng như thế?
2 Chúa Giê-su hiểu rằng nền kinh tế hiện tại sẽ không thay đổi cho đến khi Nước Trời đến. Cũng như thành phần chính trị và tôn giáo, ngành thương mại tham lam được tượng trưng bởi “các nhà buôn” nơi Khải huyền 18:3 là một phần của thế gian Sa-tan. Dù dân Đức Chúa Trời hoàn toàn tách khỏi chính trị và tôn giáo sai lầm, nhưng phần lớn dân ngài không thể hoàn toàn tách khỏi thành phần thương mại của thế gian Sa-tan.
3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta nên xem xét quan điểm của mình về ngành thương mại ngày nay bằng cách tự hỏi những câu như: “Mình có thể dùng của cải vật chất như thế nào để cho thấy lòng trung tín với Đức Chúa Trời? Làm sao mình có thể hạn chế tham gia vào thế giới thương mại? Những kinh nghiệm nào cho thấy dân Đức Chúa Trời tuyệt đối tin cậy ngài trong môi trường đầy thử thách này?”.
MINH HỌA VỀ QUẢN GIA KHÔNG CÔNG CHÍNH
4, 5. (a) Trong minh họa của Chúa Giê-su, người quản gia ở trong tình thế nào? (b) Chúa Giê-su cho các môn đồ lời khuyên nào?
4 Đọc Lu-ca 16:1-9. Minh họa của Chúa Giê-su về quản gia không công chính rất đáng chú ý. Sau khi bị tố cáo là phung phí, quản gia đó đã hành động “khôn khéo” để “kết bạn” hầu được giúp khi mất chức quản gia.a Nhưng Chúa Giê-su không khuyến khích các môn đồ hành động bất chính để sống sót trong thế gian này. Ngài gọi người có hành vi như thế là “con cái của thế gian này”. Tuy nhiên, ngài dùng minh họa ấy để dạy một bài học quan trọng.
5 Chúa Giê-su biết rằng như người quản gia ở trong tình thế khó khăn, đa số môn đồ Chúa Giê-su sẽ phải vất vả kiếm sống trong thế giới thương mại bất công này. Vì thế, ngài khuyến giục họ: “Hãy lấy của bất chính mà kết bạn, để khi của cải không còn, họ [Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su] sẽ tiếp đón anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Chúng ta học được gì từ lời khuyên của Chúa Giê-su?
6. Làm sao chúng ta biết ngành thương mại ngày nay không nằm trong ý định của Đức Chúa Trời?
6 Dù Chúa Giê-su không giải thích lý do ngài gọi của cải là “bất chính”, nhưng Kinh Thánh cho thấy rõ ngành thương mại không nằm trong ý định của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va cung cấp cho A-đam và Ê-va dư dật những thứ cần thiết trong vườn Ê-đen (Sáng 2:15, 16). Sau này, khi thần khí thánh hoạt động trên hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất, “không ai nói những thứ mình có là của riêng, nhưng xem mọi thứ là của chung” (Công 4:32). Nhà tiên tri Ê-sai nói đến thời điểm mà cả nhân loại sẽ hưởng dư dật sản vật và tài nguyên của trái đất (Ê-sai 25:6-9; 65:21, 22). Nhưng trước khi thời điểm đó đến, môn đồ Chúa Giê-su cần “khôn khéo” để kiếm sống bằng “của bất chính” trong thế gian hiện tại, cũng như cố gắng làm hài lòng Đức Chúa Trời.
DÙNG CỦA BẤT CHÍNH MỘT CÁCH KHÔN NGOAN
7. Nơi Lu-ca 16:10-13, Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên nào?
7 Đọc Lu-ca 16:10-13. Quản gia trong minh họa của Chúa Giê-su kết bạn vì lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, Chúa Giê-su khuyên các môn đồ “kết bạn” trên trời vì mục tiêu bất vị kỷ. Những câu Kinh Thánh tiếp theo minh họa ấy liên kết việc dùng “của cải bất chính” với việc trung tín cùng Đức Chúa Trời. Ý của Chúa Giê-su là chúng ta có thể “chứng tỏ mình trung tín” qua việc làm chủ của cải khi có được nó. Bằng cách nào?
8, 9. Hãy nêu ví dụ cho thấy cách một số anh chị chứng tỏ sự trung tín trong việc dùng của cải bất chính.
8 Một cách để chứng tỏ mình trung tín trong việc dùng của cải vật chất là đóng góp tài chính cho công việc rao giảng toàn cầu mà Chúa Giê-su báo trước là sẽ xảy ra (Mat 24:14). Một em gái ở Ấn Độ tích lũy các đồng xu trong một hộp nhỏ, thậm chí không mua đồ chơi để bỏ tiền vào hộp. Khi hộp đầy, em đóng góp số tiền ấy cho công việc rao giảng. Một anh ở Ấn Độ có vườn dừa và anh đã đóng góp dừa cho văn phòng dịch thuật từ xa trong tiếng Malayalam, vì lý luận rằng văn phòng cần mua dừa nên việc anh trực tiếp cung cấp dừa sẽ tốt hơn việc đóng góp tiền. Quả là khôn khéo! Tương tự, anh em ở Hy Lạp đều đặn đóng góp dầu ô-liu, phô mai và những thực phẩm khác cho gia đình Bê-tên.
9 Một anh từ Sri Lanka, hiện đang sống ở nước ngoài, sẵn sàng dùng đất và nhà của mình ở quê hương làm nơi nhóm họp, tổ chức hội nghị và nơi ở cho các tôi tớ phụng sự trọn thời gian. Sự hy sinh về tài chính của anh đã giúp nhiều cho những người công bố nghèo ở địa phương. Trong một nước mà công việc rao giảng bị hạn chế, các anh em sẵn sàng dùng nhà mình làm Phòng Nước Trời, nhờ thế nhiều tiên phong và những anh chị khó khăn về kinh tế có được nơi nhóm họp mà không bị nặng gánh về tài chính.
10. Khi tỏ lòng rộng rãi, chúng ta nhận được một số ân phước nào?
10 Những trường hợp trên cho thấy cách dân Đức Chúa Trời “trung tín trong việc nhỏ nhất”, tức là trung tín trong việc dùng của cải vật chất, là điều kém quan trọng hơn của cải thiêng liêng (Lu 16:10). Những người bạn này của Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những hy sinh của họ? Họ hiểu rằng việc tỏ lòng rộng rãi giúp họ có được của cải “chân chính” (Lu 16:11). Một chị đều đặn đóng góp cho công việc Nước Trời nói về ân phước chị nhận được: “Trong nhiều năm, khi rộng rãi về vật chất, tôi cảm nhận được một điều kỳ diệu. Tôi thấy khi càng đóng góp rộng rãi về vật chất thì tôi càng có tinh thần rộng rãi với người khác. Nhờ thế, tôi trở nên một người rộng lòng tha thứ, kiên nhẫn, dễ chấp nhận lời khuyên cũng như điều gây thất vọng”. Nhiều người nhận ra việc tỏ lòng rộng rãi giúp họ giàu có về thiêng liêng.—Thi 112:5; Châm 22:9.
11. (a) Làm thế nào việc rộng lòng ban cho thể hiện sự “khôn khéo”? (b) Sự cân bằng về tài chính diễn ra trong vòng dân Đức Chúa Trời như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).
11 Dùng tài chính để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời cho thấy sự “khôn khéo” theo một cách khác. Khi làm thế, chúng ta đang tận dụng hoàn cảnh của mình để giúp người khác. Nhiều anh chị có của cải trong thế gian nhưng không thể làm thánh chức trọn thời gian hay chuyển đến nơi khác. Họ cảm thấy thỏa nguyện khi biết rằng khoản đóng góp của mình hỗ trợ thánh chức của người khác (Châm 19:17). Những khoản đóng góp tình nguyện giúp cung cấp sách báo và ủng hộ công việc rao giảng trong những xứ nghèo nhưng có sự phát triển lớn về thiêng liêng. Trong nhiều năm tại những nước như Congo, Madagascar và Rwanda, anh em thường phải chọn giữa việc có thức ăn cho gia đình với việc có Kinh Thánh, là cuốn sách mà đôi khi có giá tương đương với một tuần hay một tháng lương. Bây giờ, nhờ sự đóng góp của nhiều anh chị và “sự cân bằng” về tài chính, tổ chức của Đức Giê-hô-va đã hỗ trợ việc dịch và phân phát Kinh Thánh cho mỗi thành viên gia đình cũng như những học viên Kinh Thánh khao khát về thiêng liêng. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 8:13-15). Nhờ thế, cả người cho và người nhận đều có tình bạn mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va.
HẠN CHẾ THAM GIA “VIỆC LÀM ĂN BUÔN BÁN TRONG CUỘC SỐNG”
12. Làm thế nào Áp-ra-ham cho thấy ông tin cậy Đức Chúa Trời?
12 Một cách khác để có tình bạn với Đức Giê-hô-va là hạn chế tham gia vào thế giới thương mại, đồng thời tận dụng hoàn cảnh của mình để tìm kiếm của cải “chân chính”. Áp-ra-ham, một người có đức tin vào thời xưa, đã vâng lời và rời bỏ thành U-rơ phồn thịnh để sống trong lều cũng như theo đuổi tình bạn với Đức Giê-hô-va (Hê 11:8-10). Ông luôn hướng đến Đức Chúa Trời như Nguồn của cải chân chính. Ông không bao giờ tìm kiếm lợi lộc về vật chất, là điều cho thấy sự thiếu lòng tin cậy (Sáng 14:22, 23). Chúa Giê-su khuyến khích loại đức tin như thế khi nói với một người trai trẻ giàu có: “Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo, hãy đi bán của cải mà cho người nghèo, anh sẽ được của báu trên trời; và hãy đến làm môn đồ tôi” (Mat 19:21). Người trai trẻ ấy thiếu đức tin mà Áp-ra-ham có, nhưng vẫn có những người tỏ lòng tin cậy tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời.
13. (a) Phao-lô đưa ra lời khuyên nào cho Ti-mô-thê? (b) Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Phao-lô như thế nào?
13 Ti-mô-thê là một người có đức tin. Sau khi gọi Ti-mô-thê là “người lính tốt của Đấng Ki-tô Giê-su”, Phao-lô nói với ông: “Người nào đi lính thì không tham gia vào việc làm ăn buôn bán trong cuộc sống, hầu làm hài lòng người đã chiêu mộ mình” (2 Ti 2:3, 4). Môn đồ Chúa Giê-su ngày nay, kể cả đội quân hơn một triệu tôi tớ phụng sự trọn thời gian, áp dụng lời khuyên của Phao-lô và mở rộng thánh chức nếu hoàn cảnh cho phép. Khi kháng cự các áp lực của ngành quảng cáo và thế gian xung quanh, họ nhớ đến nguyên tắc: “Người vay làm tôi người cho vay” (Châm 22:7). Sa-tan chỉ muốn chúng ta dành hết thời gian và năng lực để làm nô lệ cho thế giới thương mại của hắn. Một số quyết định của chúng ta có thể khiến mình rơi vào cảnh nợ nần trong nhiều năm. Những khoản mua nhà trả góp, khoản vay sinh viên dài hạn, khoản mua xe trả góp, thậm chí chi phí cho tiệc cưới linh đình có thể gây áp lực nặng nề về tài chính. Chúng ta cho thấy sự khôn khéo khi đơn giản hóa đời sống, giảm thiểu nợ nần và các khoản chi tiêu, nhờ thế chúng ta được tự do để làm tôi cho Đức Chúa Trời thay vì thế giới thương mại ngày nay.—1 Ti 6:10.
14. Chúng ta cần có quyết tâm nào? Hãy nêu ví dụ.
14 Giữ đời sống đơn giản bao hàm việc đặt thứ tự ưu tiên. Một cặp vợ chồng sở hữu cơ sở kinh doanh phát đạt. Tuy nhiên, ước muốn được trở lại với thánh chức trọn thời gian thúc đẩy họ bán cơ sở kinh doanh, du thuyền và những tài sản khác. Sau đó, họ tình nguyện giúp công việc xây cất trụ sở trung ương ở Warwick, New York. Một ân phước đặc biệt họ nhận được là phụng sự tại nhà Bê-tên cùng với con gái và con rể, và trong vài tuần được cùng phụng sự với bố mẹ chồng trong dự án ở Warwick. Một chị tiên phong ở Colorado, Hoa Kỳ, tìm được công việc bán thời gian tại một ngân hàng. Vì đội ngũ nhân viên rất hài lòng về cách làm việc của chị, nên chị được đề bạt vào một vị trí làm việc trọn thời gian với mức lương gấp ba lần lương hiện tại của chị. Nhưng vì công việc ấy sẽ khiến chị không thể toàn tâm cho thánh chức nên chị đã từ chối. Đó chỉ là vài ví dụ về sự hy sinh bất vị kỷ của các tôi tớ Đức Giê-hô-va. Khi có quyết tâm như thế hầu đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, chúng ta cho thấy mình quý trọng tình bạn với Đức Chúa Trời và của cải thiêng liêng hơn những gì thế giới thương mại cung hiến.
KHI CỦA CẢI VẬT CHẤT KHÔNG CÒN
15. Sự giàu có nào mang lại niềm thỏa nguyện sâu xa nhất?
15 Của cải vật chất không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời ban phước. Đức Giê-hô-va ban phước cho những người “giàu có trong việc tốt”. (Đọc 1 Ti-mô-thê 6:17-19). Chẳng hạn, khi biết nước Albania cần thêm nhiều người rao giảng, chị Luciab ở Ý đã chuyển đến đó vào năm 1993 mà không có sự hỗ trợ nào về tài chính. Tuy nhiên, chị tin cậy tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va. Chị thành thạo tiếng Albania và giúp được hơn 60 người tiến đến bước dâng mình. Dù phần lớn dân Đức Chúa Trời không rao giảng ở những khu vực có kết quả tốt như vậy, nhưng bất cứ điều gì chúng ta làm để giúp người khác tìm thấy và bước đi trên con đường dẫn đến sự sống, thì cả chúng ta và họ đều sẽ mãi trân trọng.—Mat 6:20.
16. (a) Điều gì sắp xảy ra cho thế giới thương mại ngày nay? (b) Biết điều đó ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về vật chất?
16 Chúa Giê-su nói: “Khi của cải [bất chính] không còn”, chứ không nói: ‘Nếu của cải ấy không còn’ (Lu 16:9). Tình trạng ngân hàng phá sản và nền kinh tế suy thoái xảy ra trong những ngày sau cùng không là gì so với điều sẽ xảy ra trong tương lai trên bình diện toàn cầu. Toàn bộ thế gian Sa-tan, gồm chính trị, tôn giáo và thương mại, sắp chấm dứt. Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên và Xô-phô-ni báo trước rằng vàng và bạc, là những sản phẩm chính của thế giới thương mại trong nhiều thế kỷ, sẽ chẳng có giá trị gì (Ê-xê 7:19; Xô 1:18). Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu vào cuối cuộc đời trong thế giới này bỗng nhận ra mình đã đánh đổi của cải chân chính để lấy một kho đồ sộ “của bất chính”? Chúng ta có thể cảm thấy như một người vất vả cả đời để nhận được đống tiền, rồi biết đó chỉ là tiền giả (Châm 18:11). Những của cải như thế cuối cùng sẽ không còn, nên đừng bỏ lỡ cơ hội dùng chúng để “kết bạn” trên trời. Bất cứ điều gì chúng ta làm để đẩy mạnh quyền lợi của Nước Đức Giê-hô-va đều khiến mình giàu có về thiêng liêng.
17, 18. Điều gì đón đợi những người bạn của Đức Chúa Trời?
17 Khi Nước Trời đến thì tình trạng thuê nhà và mua nhà trả góp sẽ không còn, thức ăn sẽ dư dật và miễn phí, không còn dịch vụ chăm sóc sức khỏe nữa. Gia đình trên đất của Đức Giê-hô-va sẽ hưởng những điều tốt nhất của đất. Vàng, bạc và đá quý sẽ là đồ trang sức, chứ không phải để đầu tư hay tích trữ. Sẽ có dư dật gỗ, đá và kim loại chất lượng cao để xây những ngôi nhà đẹp mà không phải trả tiền. Bạn bè sẽ giúp đỡ chúng ta không phải vì tiền mà vì niềm vui. Chúng ta sẽ chia sẻ cho nhau mọi sản vật của đất.
18 Đó chỉ là một phần của di sản vô giá mà những người “kết bạn” trên trời nhận được. Những người thờ phượng trên đất của Đức Giê-hô-va sẽ reo mừng khi nghe lời sau của Chúa Giê-su: “Hỡi những người được Cha ta ban phước, hãy đến thừa hưởng Nước đã được chuẩn bị sẵn cho các ngươi từ khi thành lập thế gian”.—Mat 25:34.
a Chúa Giê-su không nói lời tố cáo đó là đúng hay sai. Từ Hy Lạp được dịch là “tố cáo” nơi Lu-ca 16:1 có thể có nghĩa là quản gia ấy bị vu khống. Tuy nhiên, Chúa Giê-su tập trung vào phản ứng của người quản gia, chứ không tập trung vào lý do người ấy bị sa thải.
b Tự truyện của chị Lucia Moussanett được đăng trong Tỉnh Thức! ngày 22-6-2003, trg 18-22 (Anh ngữ).