Giữ gìn đức tin và sức khỏe thiêng liêng của bạn
“Hãy lấy lòng tin và yêu trong Chúa Giê-su Christ mà giữ lấy mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” (II Ti-mô-thê 1:13)
1. Tại sao sức khỏe thể xác tốt là một tài sản quí báu cần phải giữ gìn?
SỨC KHỎE thể xác tốt là một tài sản quí báu. Khi khỏe mạnh, chúng ta có thể làm nhiều việc và hưởng thụ đời sống nhiều hơn. Khi bị bệnh kinh niên hay tàn tật, đời sống khó khăn nhiều hơn. Dĩ nhiên, cần phải giữ gìn cho sức khỏe được tốt. Nhiều người bỏ bê sức khỏe hoặc làm những chuyện sanh ra bệnh hoạn. Những người tự chăm sóc lấy mình thường có một trình độ sức khỏe khả quan và sức lực trong phần lớn quãng đời của họ.
2. a) Tại sao sức khỏe thiêng liêng quí hơn sức khỏe thể xác? b) Cần phải làm gì để giữ cho mình được khỏe mạnh trong đức tin?
2 Sức khỏe thiêng liêng lại càng quan trọng hơn sức khỏe thể xác nhiều. Sức khỏe thể xác tốt nhất không đem lại sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời. Sức khỏe thiêng liêng tốt là thành quả của sự thờ phượng trong sạch và đức tin dựa trên sự hiểu biết chính xác (Giăng 17:3; Hê-bơ-rơ 11:6; Gia-cơ 1:27). Sứ đồ Phao-lô nói: “Khuyên những người già-cả phải tiết-độ, nghiêm-trang, khôn-ngoan, có đức-tin, lòng yêu-thương và tánh nhịn-nhục vẹn-lành” (Tít 2:2). Bất cứ người nào muốn khỏe mạnh trong đức tin phải siêng năng cố gắng và luôn luôn giữ gìn cẩn thận. Mối đe dọa cho sức khỏe thiêng liêng lành mạnh có thể đến từ bên trong con người chúng ta hoặc từ bên ngoài. Chúng ta phải tỉnh thức đề phòng các mối đe dọa này nếu muốn giữ gìn đức tin và sức khỏe thiêng liêng tốt trong thế gian bệnh hoạn này.
Thế gian này bệnh hoạn ra sao?
3, 4. Sự bệnh hoạn về đạo đức được thấy rõ ra sao trong thế gian và trong các hành động của quần chúng?
3 Chắc chắn là thế gian rất bệnh hoạn về đạo đức. Chúng ta thấy tất cả mọi “cơ quan” của thế gian này—tôn giáo, hệ thống chính trị, cơ quan thương mại, thú tiêu khiển—đều mắc bệnh chết được. Ít người tôn trọng Đức Chúa Trời và luật pháp mà Ngài ban cho nhắm đến lợi ích của nhân loại. Và như lịch sử cho thấy, đạo đức suy đồi nhất thiết dẫn đến sự gia tăng của bệnh tật thể xác và sự phiền muộn. Mỉa mai thay, phần đông không muốn làm gì để chữa lành cho tình trạng đạo đức bệnh hoạn này bởi vì họ ưa thích các nguyên nhân gây ra tình trạng đó.
4 Thế gian này thật bệnh hoạn làm sao! Vì muốn tìm kiếm sự hào hứng cao độ hoặc cố thoát khỏi thực tại, nhiều người đâm ra dùng rượu mạnh và ma túy quá độ để rồi phá hủy đời họ. Sự hung bạo lan tràn khắp nơi, mạng người rẻ mạt và nhà giam đầy chật tội nhân. Tại nhiều nước, phân nửa tổng số các hôn nhân kết thúc trong ly dị. Trẻ con thiếu sự chăm sóc chu đáo của cha mẹ lớn lên thành phường phạm tội. Vì cớ tà dục lộng hành táo bạo, chứng bệnh miễn kháng (AIDS) và các bệnh khác do tình dục truyền nhiễm lan tràn nhanh chóng.
5. Ê-sai mô tả thế nào về tình trạng trong dân Giu-đa xưa?
5 Đức Chúa Trời có thể nói về thế gian bệnh hoạn này bằng những lời Ngài đã soi dẫn Ê-sai tuyên bố về xứ Giu-đa ương ngạnh: “Ôi, nước mắc tội, dân mang lỗi nặng-nề, tông-giống độc-dữ, con-cái làm bậy-bạ kia! Chúng nó đã lìa-bỏ Đức Giê-hô-va, khinh-lờn Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, đã trở nên xa-lạ và lui đi. Các ngươi sao còn cứ bạn-nghịch, để bị đánh nữa? Đầu đều đau-đớn cả, lòng đều mòn-mỏi cả. Từ bàn chơn cho đến đỉnh đầu, chẳng có chỗ nào lành: rặt những vết thương, vít sưng cùng lằn mới, chưa rịt, chưa quấn, cũng chưa bôi dầu cho êm” (Ê-sai 1:4-6).
6. Trong dân Giu-đa xưa và thời chúng ta, người ta đã phản ứng thế nào trước lời Đức Giê-hô-va kêu gọi ăn năn và học làm lành?
6 Lời Đức Giê-hô-va kêu gọi ăn năn và “học làm lành” thường không được dân Giu-đa nghe theo (Ê-sai 1:16-20). Điều này sau cùng dẫn đến việc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt và dân Do-thái bị đưa đi lưu đày ở Ba-by-lôn. Chỉ có một ít người trung thành hưởng được ân phước của Đức Chúa Trời và được che chở ở giữa nước bệnh hoạn. Ngày nay cũng thế, trong thế gian này bị bệnh từ đầu tới chân, chỉ có ít người muốn học làm lành. Các tôi tớ trung thành này của Đức Giê-hô-va đang siêng năng cố gắng giữ gìn đức tin và sức khỏe thiêng liêng bây giờ với hy vọng đạt được sức khỏe thể xác hoàn toàn và sự sống đời đời trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa (II Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:1-4).
Các nguy hiểm thiêng liêng trong thế gian bệnh hoạn này
7. a) Các nguy hiểm nào đe dọa đức tin và sức khỏe thiêng liêng của chúng ta? b) Kinh-thánh nói gì về việc đối phó với ba yếu tố chính đe dọa đức tin và sức khỏe thiêng liêng?
7 Giữ gìn đức tin và sức khỏe thiêng liêng là một thách đố, vì cơn bệnh đạo đức của thế gian này rất dễ lây. Tín đồ đấng Christ cũng cần phải phấn đấu với sự bất toàn thừa hưởng (Rô-ma 7:21-25). Hơn nữa, Sa-tan “vua-chúa thế-gian nầy”, biết xác thịt yếu đuối thể nào và chuyên môn cám dỗ (Giăng 14:30; I Giăng 5:19). Ba mối nguy hiểm chính này đe dọa đức tin và sức khỏe thiêng liêng—xác thịt, thế gian và Ma-quỉ—thật là khủng khiếp. Nhưng dù sống trong thế gian, chúng ta có thể “không thuộc về thế-gian”. Chúng ta có thể “bước đi theo [thánh linh], chớ hề làm trọn những điều ưa-muốn của xác-thịt”. Và với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể “đứng-vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ” (Giăng 17:15, 16; Ga-la-ti 5:16; Ê-phê-sô 6:11; II Cô-rinh-tô 2:11). Nhưng bây giờ chúng ta hãy xem làm thế nào có thể đối phó với ba yếu tố chính này đe dọa đức tin và sức khỏe thiêng liêng.
8. Giê-su mô tả thế nào về các sức lực bên trong chúng ta thúc đẩy hành động nghịch lại sức khỏe thiêng liêng?
8 Bên trong bản thể bất toàn của con người chúng ta có những sức lực có thể dẫn đến tội lỗi và có thể làm cho chúng ta mắc bệnh về thiêng liêng (Gia-cơ 1:14, 15). Điều này đặc biệt đúng khi nói đến lòng người ta. Giê-su nói: “Tự trong, tự lòng người mà ra những ác-tưởng, sự dâm-dục, trộm-cướp, giết người, tà-dâm, tham-lam, hung-ác, gian-dối, hoang-đàng, con mắt ganh-đố, lộng-ngôn, kiêu-ngạo, điên-cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ-dáy người” (Mác 7:21-23).
9. a) Những sự ham muốn nào bén rễ trong lòng? b) Theo Châm-ngôn 4:20-23, làm thế nào chúng ta có thể giữ gìn lòng chúng ta?
9 Dù lòng là nguồn của các ý muốn xấu, nơi những người tin kính thì đó cũng là trung tâm của sự sùng kính đối với Đức Giê-hô-va và sự yêu chuộng điều thiện (Ma-thi-ơ 22:37; Ê-phê-sô 4:20-24). Điều thiện hay điều ác sẽ thắng hơn trong người chúng ta tùy thuộc nơi sự nuôi dưỡng lòng chúng ta. Lời Đức Chúa Trời khuyên: “Hỡi con, hãy chăm-chỉ về các lời ta, khá nghiêng tai nghe những bài giảng-thuyết ta. Các lời ấy chớ để xa khỏi mắt con, hãy giữ lấy nơi lòng con. Vì lời ấy là sự sống cho người nào tìm được nó, và sự khỏe-mạnh cho toàn thân-thể của họ. Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm-ngôn 4:20-23).
10. Những sự yếu đuối của xác thịt ảnh hưởng thế nào trên tình cảm và những ham muốn của chúng ta?
10 Những sự yếu đuối của xác thịt ảnh hưởng trên tình cảm và những ham muốn của chúng ta. Ai lại không thỉnh thoảng bị chán nản, nóng nảy, cáu kỉnh? Nếu chúng ta nhanh chóng sửa chữa các khuynh hướng xác thịt này thì có thể giữ gìn sức khỏe thiêng liêng. Nhưng sự kiêu ngạo và tham vọng có thể mau mắn bén rễ trong lòng. Sự tham lam và ham muốn thú vui thái quá và ăn uống say sưa có thể lấn áp. Và sự ham muốn về tình dục, dù tự nhiên do cách Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta, có thể khéo léo dẫn chúng ta đi lạc. Để đề phòng bệnh hoạn thiêng liêng phát sinh bên trong chúng ta, chúng ta cần phải vun trồng bông trái thánh linh của Đức Chúa Trời trong đời sống hằng ngày của chúng ta, tự rèn luyện để “gớm sự dữ mà mến sự lành” (Rô-ma 12:9; Ga-la-ti 5:22, 23).
Nguồn từ bên ngoài gây bệnh hoạn thiêng liêng
11. a) Những thái độ và hành vi nào của thế gian này rất dễ lây? b) Theo Giê-su thì chúng ta nên quan tâm đến lòng chúng ta dưới khía cạnh nào?
11 Sự nhiễm độc về thiêng liêng có thể đến do các nguồn từ bên ngoài. Chúng ta có thể bị lây bệnh thiêng liêng từ những kẻ đã chết về thiêng liêng (Ê-phê-sô 2:1-3). Nếu chúng ta quá gần gũi với chúng, chúng ta có thể lây thái độ và lối sống của chúng. Thăng tiến trong sự nghiệp ngoài đời, ham tiền, thụ hưởng mọi đồ vật chất thượng hạng, vui đùa thỏa thích là những mục tiêu quan trọng trọng đời sống của những người thuộc thế gian này. Nhưng sự ham muốn có những sự ấy rất dễ lây và chỉ gần gũi giới hạn với chúng có thể cũng làm cho chúng ta trở nên lười biếng về thiêng liêng rồi. Giê-su cảnh giác: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy” (Lu-ca 21:34, 35).
12. Những ý tưởng và sự dạy dỗ sai lầm có thể nguy hiểm thế nào cho sức khỏe thiêng liêng?
12 Các ý tưởng và sự dạy dỗ sai lầm của thế gian này cũng có thể tiêm nhiễm chúng ta. Phao-lô cảnh giác: “Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư-dục mà nhóm họp các giáo-sư xung-quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:3, 4). Những sự dạy dỗ sai lầm giống như chứng thối thịt (II Ti-mô-thê 2:16, 17). Khi mắc phải bệnh đó rồi thì một phần thịt thối đi vì máu không còn lưu thông đến phần đó của cơ thể nữa.
13. Nên làm gì nếu mắc phải bệnh thiêng liêng giống như chứng thối thịt?
13 Chứng thối thịt ăn lan nhanh làm sao! Để bệnh nhân khỏi chết, bác sĩ có lẽ phải cắt bỏ đi phần đó của cơ thể. Vậy nếu có sự đe dọa bị nhiễm độc về thiêng liêng bởi những sự nghi ngờ, than vãn hoặc bội đạo, hãy mau mắn cắt bỏ những thứ đó và ném ra xa! (So sánh Ma-thi-ơ 5:29, 30). Hãy tìm sự giúp đỡ nơi các trưởng lão. Chớ trở nên giống như mấy kẻ mà Phao-lô tả là “có bịnh hay gạn-hỏi, cãi-lẫy” vì “không theo lời có ích” (I Ti-mô-thê 6:3, 4).
14. Các trưởng lão có lẽ thấy cần làm gì để che chở sức khỏe thiêng liêng của hội-thánh?
14 Để che chở sức khỏe thiêng liêng của hội-thánh, các trưởng lão cần “theo đạo lành mà khuyên-dỗ người ta và bác lại kẻ chống-trả” (Tít 1:9, 13, 16; 2:1). Có lẽ những người ấy có thể phục hồi được sức khỏe thiêng liêng (II Ti-mô-thê 2:23-26). Nhưng làm gì nếu chúng là những kẻ không chịu ăn năn cứ ngoan cố truyền bá sự dạy dỗ sai lầm? Thế thì phải tránh xa chúng như tránh bệnh dịch vậy. Chúng phải bị khai trừ, và chúng ta lánh xa những kẻ thể ấy hầu khỏi bị lây chất độc thiêng liêng từ nơi chúng. (Rô-ma 16:17, 18; I Cô-rinh-tô 5:9-13; Tít 3:9-11).
15. Trong mưu đồ làm hao mòn sức khỏe thiêng liêng của dân sự Đức Chúa Trời, Ma-quỉ dùng hai chiến thuật chính nào?
15 Nguồn nguy hiểm thứ ba cho đức tin và sức khỏe thiêng liêng là Ma-quỉ (Ê-phê-sô 6:11, 12). Ngay trong thời chúng ta, hắn đã cố gắng làm suy yếu đức tin của dân sự Đức Giê-hô-va bằng sự bắt bớ, kể cả hình thức xúi đám đông hành hung, đánh đập, bỏ tù và hăm giết chết (Khải-huyền 2:10). Vì lẽ Sa-tan ít khi thành công trong các chiến thuật này nhằm đánh tan sự trung thành của một tôi tớ Đức Chúa Trời, hắn dùng sự quyến rũ của thế gian này, vì hắn là chúa đời này, nhằm cố gắng làm cho một vài người vấp ngã (II Cô-rinh-tô 4:4; 11:3, 14).
16. Chúng ta có sự phòng vệ nào để đứng vững chống lại các cuộc tấn công của Ma-quỉ nhằm hủy hoại đức tin và sức khỏe thiêng liêng của chúng ta?
16 Làm sao chúng ta có thể đứng vững mà chống cự lại các cuộc tấn công của Ma-quỉ? Bằng cách mặc lấy nguyên bộ đồ trận thiêng liêng đến từ Đức Chúa Trời. Đặc biệt chúng ta phải “lấy thêm đức-tin làm thuẫn, nhờ đó chúng ta có thể dập tắt được các tên lửa” mà Sa-tan bắn về phía chúng ta. Chúng ta cũng phải cầu nguyện phù hợp với những lời của Giê-su: “Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác” (Ê-phê-sô 6:11-18; Ma-thi-ơ 6:13). Nếu chúng ta cầu nguyện cách này và hành động phù hợp với những lời cầu xin, chúng ta có thể chờ đợi sự giúp đỡ của Cha trên trời của chúng ta hầu dập tắt hết mọi tên lửa của Sa-tan.
Giữ cho khỏe mạnh trong đức tin
17. Trong việc giữ gìn sức khỏe thiêng liêng, dùng “đồ-ăn đúng giờ” và đều đặn tham gia các hoạt động của đạo đấng Christ là quan trọng thế nào?
17 Phòng bệnh là yếu tố quan trọng để giữ gìn sức khỏe thể xác tốt. Điều cần yếu là phải ăn uống bổ dưỡng, tập thể thao đúng mức và săn sóc tổng quát tâm trí và thân thể. Hệ thống tự vệ tự nhiên chống lại bệnh tật mạnh hơn nơi một thân thể khỏe mạnh. Cũng thế, muốn giữ gìn sức khỏe thiêng liêng, rất cần phải theo phương pháp dinh dưỡng do Đức Chúa Trời ấn định và quí trọng “đồ-ăn [thiêng liêng] đúng giờ” do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. Từ bỏ mọi đồ ăn tinh thần vô dụng của thế gian này, chúng ta phải học hỏi Kinh-thánh và các sách báo của đạo đấng Christ và đều đặn nhóm họp với dân sự của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 24:45-47; Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Chúng ta cũng cần phải tập luyện để đi đến chỗ “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn” trong thánh chức rao giảng và trong các hoạt động khác của đạo đấng Christ (I Cô-rinh-tô 15:58).
18. “Mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” là gì và tại sao chúng ta phải giữ lấy trong lòng và trí?
18 Để khỏe mạnh trong đức tin, hãy tận hưởng các sự cung cấp thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Hãy lấy lòng tin và yêu trong Chúa Giê-su Christ mà giữ lấy mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích, là sự con đã nhận-lãnh nơi ta. Hãy nhờ [thánh linh] ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó-thác tốt-lành” (II Ti-mô-thê 1:13, 14). Mỗi ngôn ngữ có các cách đặt câu riêng. Cũng thế, “môi-miếng [ngôn ngữ] thanh-sạch” của Kinh-thánh có kiểu mẫu (hay mẫu mực) phần lớn dựa trên đề tài sự biện minh cho Đức Giê-hô-va nhờ Nước Trời (Sô-phô-ni 3:9). Chúng ta phải giữ lấy kiểu mẫu với lời lẽ lành mạnh này trong lòng và trí nếu muốn giữ gìn đức tin và sức khỏe thiêng liêng. Nếu không thì kiểu mẫu đó sẽ dần dần mất đi ý nghĩa đối với chúng ta. Điều này hiển nhiên đã xảy ra cho hội-thánh Cô-rinh-tô, nơi mà khi xưa có vài người “tật-nguyền, đau-ốm” bởi vì thiếu sự hiểu biết thiêng liêng (I Cô-rinh-tô 11:29-32).
19. a) Nên làm gì nếu bị bệnh hoạn thiêng liêng? b) Các trưởng lão có thể làm gì nếu một người bị bệnh hoạn thiêng liêng?
19 Bạn nên làm gì nếu bị bệnh hoạn thiêng liêng? Nhất định là cần phải có sự giúp đỡ đầy yêu thương, và sự giúp đỡ này có sẵn, vì Gia-cơ nói: “Trong anh em có ai đau-ốm chăng? hãy mời các trưởng-lão Hội-thánh đến, sau khi nhơn danh Chúa [Đức Giê-hô-va] xức dầu cho người bịnh hoạn, thì các trưởng-lão hãy cầu-nguyện cho người” (Gia-cơ 5:14). Đúng, hãy gọi các trưởng lão đến. Với tư cách người chữa bệnh thiêng liêng, họ có thể giúp chữa tận gốc chứng bệnh thiêng liêng. Họ sẽ nhẹ nhàng nhưng hữu hiệu xoa dầu mát dịu bằng Lời Đức Chúa Trời. Nếu bạn có phạm tội nhưng ăn năn, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ thật sự tha thứ (Thi-thiên 103:8-14). Vì các trưởng lão cầu nguyện với bạn và vì bạn, bạn có thể chờ đợi gì? Gia-cơ trả lời: “Sự cầu-nguyện bởi đức-tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha” (Gia-cơ 5:15).
Sức khỏe thiêng liêng dẫn đến sự sống đời đời
20. a) Hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất đã cho lời khuyên nào về việc giữ gìn sức khỏe thiêng liêng? b) Điều gì sẽ giúp chúng ta trong khi chờ đợi các ân phước của thế giới mới?
20 “Kính chúc bình-an!” Với những lời đó hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất của dân sự Đức Giê-hô-va đã kết thúc lá thư đề cập đến “những điều cần [thiết]” mà tín đồ đấng Christ phải vâng giữ. Những điều đó gồm “kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột, và chớ tà-dâm” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29). Lời răn bảo đó để có sức khỏe thiêng liêng tốt vẫn còn có hiệu lực. Và trong khi chờ đợi các ân phước trong thế giới mới, chúng ta có thể giữ gìn đức tin và sức khỏe thiêng liêng nếu tiếp tục hăng say rao giảng tin mừng này về Nước Trời và ủng hộ danh Đức Giê-hô-va trong thế gian bệnh hoạn này. Bận rộn làm thế sẽ giúp chúng ta tránh trở nên thiếu kiên nhẫn khi chưa nhận được ân phước của thế giới mới nay rất gần kề. Đành rằng “sự trông-cậy trì-hưỡn khiến lòng bị đau-đớn; nhưng khi sự ước-ao được thành, thì giống như một cây sự sống” (Châm-ngôn 13:12).
21. Các ân phước nào sẽ dành cho những người giữ vẹn đức tin và sức khỏe thiêng liêng trong thế gian bệnh hoạn này?
21 Chớ đánh mất cơ hội nhận được các ân phước mà Đức Giê-hô-va dành cho những người yêu mến Ngài. Mọi cố gắng cưỡng lại ảnh hưởng của thế gian, mọi sự phấn đấu chống các sự yếu đuối của xác thịt và mọi cuộc đẩy lui các tên lửa của Ma-quỉ sẽ không phải là vô ích. Trong thế giới mới của Đức Giê-hô-va, bạn sẽ thấy tận mắt thời kỳ mà “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau” (Ê-sai 33:24). Sẽ được như thế nhờ có sự sắp đặt của Đức Chúa Trời qua sự hy sinh của Giê-su Christ để chuộc tội cho chúng ta, ngài là đấng “mang sự đau-ốm của chúng ta, đã gánh sự [bệnh hoạn] của chúng ta” (Ma-thi-ơ 8:17; Ê-sai 53:4). Bạn sẽ có thể theo nghĩa tượng trưng uống được “sông nước sự sống” và ăn trái “cây sự sống” mà lá dùng “để chữa lành cho các dân” (Khải-huyền 22:1, 2). Bạn sẽ được thưởng bằng sự sống vô tận trong sự hoàn toàn và hạnh phúc bởi đã giữ gìn đức tin và sức khỏe thiêng liêng trong thế gian bệnh hoạn này.
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao việc khỏe mạnh trong đức tin là quan trọng hơn là có sức khỏe thể xác tốt?
◻ Có ba mối nguy hiểm chính nào cho đức tin và sức khỏe thiêng liêng?
◻ Lòng và sức khỏe thiêng liêng tốt có sự liên quan nào?
◻ Nếu bị bệnh hoạn thiêng liêng, một người nên làm gì?
[Các hình nơi trang 14]
Ngay cả trong một thế gian bệnh hoạn, cũng có thể giữ vững đức tin và sức khỏe thiêng liêng tốt
[Các hình nơi trang 16]
Sức khỏe thiêng liêng tốt tùy thuộc nơi hoạt động hăng say rao giảng và đều đặn tham gia nhận lấy đồ ăn thiêng liêng đúng giờ