Ơ-nít và Lô-ít—Những người dạy gương mẫu
Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta biết rằng việc giáo dục con cái một cách hữu hiệu về tôn giáo là một trách nhiệm nghiêm trọng. Ngay cả trong những môi trường thuận lợi nhất, nhiệm vụ này có thể gặp phải đủ loại trở ngại và khó khăn. Điều này càng đúng đối với một cha hay mẹ tín đồ đấng Christ đương đầu với thử thách trong một gia đình không đồng nhất về tôn giáo. Một hoàn cảnh như thế không phải là điều mới mẻ. Kinh-thánh nói về một bà mẹ ở trong tình cảnh ấy trong thế kỷ thứ nhất CN.
Gia đình của bà Ơ-nít sống ở Lít-trơ, một thành phố nằm trong vùng Ly-cao-ni thuộc trung nam Tiểu Á. Lít-trơ là một thành phố tỉnh nhỏ không mấy quan trọng. Đó là một thuộc địa La Mã gọi là Julia Felix Gemina Lustra, do Sê-sa Au-gút-tơ sáng lập để diệt trừ hoạt động của các tên cướp trong những vùng lân cận. Bà Ơ-nít là tín đồ đấng Christ gốc Do Thái sống trong một gia đình không đồng nhất về tôn giáo, chồng bà là người Hy Lạp, con trai là Ti-mô-thê và mẹ là Lô-ít (Công-vụ các Sứ-đồ 16:1-3).
Rất có thể là tại Lít-trơ có ít người Do Thái vì Kinh-thánh không đề cập đến một nhà hội nào ở đó, dù có dân Do Thái sống ở Y-cô-ni, cách đó khoảng 30 kilômét (Công-vụ các Sứ-đồ 14:19). Vậy việc bà Ơ-nít thực hành đức tin không phải là chuyện dễ. Sự kiện Ti-mô-thê không cắt bì khi mới sinh ra khiến một số học giả phỏng đoán là chồng bà Ơ-nít hẳn đã chống đối việc này.
Tuy nhiên, bà Ơ-nít không phải một mình theo đạo. Dường như Ti-mô-thê đã được cả mẹ lẫn bà ngoại là Lô-ít giáo dục theo “Kinh-thánh”.a Sứ đồ Phao-lô khuyên nhủ Ti-mô-thê: “Hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc [được thuyết phục để tin, NW] mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh vốn có thể khiến con khôn-ngoan để được cứu bởi đức-tin trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (2 Ti-mô-thê 3:14, 15).
Giáo dục ‘từ khi còn thơ-ấu’
Khi Phao-lô nói Ti-mô-thê được dạy theo ‘Kinh-thánh từ khi còn thơ-ấu’, điều này hiển nhiên có nghĩa là từ thuở sơ sinh. Điều này phù hợp với cách ông dùng từ Hy Lạp (breʹphos) thường chỉ về một em bé sơ sinh. (So sánh Lu-ca 2:12, 16). Vậy bà Ơ-nít xem trọng bổn phận do Đức Chúa Trời ban cho bà, không lãng phí thời gian ban đầu trong việc giáo dục Ti-mô-thê để lớn lên làm tôi tớ tận tụy của Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9; Châm-ngôn 1:8).
Ti-mô-thê đã “được thuyết phục để tin” nơi lẽ thật Kinh-thánh. Theo một từ điển Hy Lạp, từ mà Phao-lô dùng ở đây có nghĩa là “được thuyết phục để tin chắc về; chắc chắn về” một điều gì. Chắc chắn mẹ của Ti-mô-thê đã cần nhiều thì giờ và nỗ lực để ghi khắc sự tin tưởng vững chắc ấy trong lòng Ti-mô-thê, giúp ông lý luận dựa trên Lời Đức Chúa Trời và thực hành đức tin nơi lời đó. Vậy hiển nhiên là cả bà Ơ-nít và Lô-ít đều đã chuyên cần dạy Kinh-thánh cho Ti-mô-thê. Và hai người đàn bà tin kính ấy đã nhận được phần thưởng lớn thay! Phao-lô đã có thể viết về Ti-mô-thê: “Ta cũng nhớ đến đức-tin thành-thật của con, là đức-tin trước đã ở trong Lô-ít, bà-ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (2 Ti-mô-thê 1:5).
Quả là bà Ơ-nít và Lô-ít đã đóng một vai trò trọng yếu trong đời sống của Ti-mô-thê! Văn sĩ David Read viết về điều này: “Nếu như sứ đồ nghĩ rằng chính kinh nghiệm riêng của Ti-mô-thê, chứ không phải yếu tố quan trọng nào khác, đã giúp ông cải đạo, ông đã có thể nhắc Ti-mô-thê ngay về điều đó rồi. Đàng này, chuyện đầu tiên mà sứ đồ nói về đức tin của Ti-mô-thê là đức tin đó đã ‘ở trong Lô-ít... và trong Ơ-nít’ trước đó rồi”. Việc Phao-lô đề cập đến đức tin của bà Lô-ít, bà Ơ-nít và Ti-mô-thê cho thấy thường thường việc cha mẹ và ngay cả ông bà dạy Kinh-thánh cho con trẻ trong nhà từ thuở thơ ấu là mấu chốt định đoạt triển vọng tương lai của một người trẻ về phương diện thiêng liêng. Chẳng lẽ điều đó không khiến những người trong gia đình suy nghĩ một cách chín chắn về những gì họ đang làm nhằm chu toàn trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời và đối với con cái của họ hay sao?
Có lẽ Phao-lô cũng nghĩ đến bầu không khí gia đình mà bà Lô-ít và bà Ơ-nít đã tạo ra. Sứ đồ có thể đã đến thăm họ trong chuyến đầu đến Lít-trơ, khoảng năm 47 / 48 CN. Có thể là cả hai bà đã cải đạo để trở thành tín đồ đấng Christ vào thời đó (Công-vụ các Sứ-đồ 14:8-20). Có lẽ mối liên lạc ấm cúng, hạnh phúc trong gia đình đó đã ảnh hưởng đến cách chọn từ của Phao-lô khi gọi bà Lô-ít là “bà-ngoại” của Ti-mô-thê. Theo học giả Ceslas Spicq, từ Hy Lạp mà ông dùng (mamʹme, tương phản với từ cổ điển và cung kính là teʹthe) là “một từ âu yếm của một đứa cháu” dùng để gọi bà ngoại, và trong văn cảnh này nói lên “sự thân thiết và trìu mến”.
Ti-mô-thê ra đi
Tình cảnh gia đình của bà Ơ-nít ra sao khi Phao-lô viếng thăm Lít-trơ lần thứ hai (khoảng năm 50 CN), thì không ai rõ cho lắm. Nhiều học giả cho rằng lúc bấy giờ bà đã góa chồng. Dù sao đi nữa, dưới sự hướng dẫn của mẹ và bà ngoại, Ti-mô-thê đã lớn lên thành một thanh niên gương mẫu, có lẽ khoảng 20 tuổi vào lúc đó. Ông đã được “anh em ở thành Lít-trơ và thành Y-cô-ni đều làm chứng tốt” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:2). Hiển nhiên, Ti-mô-thê đã được gieo vào lòng ước muốn truyền bá tin mừng về Nước Trời, vì ông nhận lời mời để cùng đi với Phao-lô và Si-la trong chuyến rao giảng.
Hãy tưởng tượng nỗi lòng của bà Ơ-nít và Lô-ít khi Ti-mô-thê sắp lên đường! Họ biết rằng khi Phao-lô viếng thăm thành lần đầu tiên, sứ đồ đã bị ném đá và bỏ mặc cho chết (Công-vụ các Sứ-đồ 14:19). Vậy cho con trẻ Ti-mô-thê ra đi ắt không phải là chuyện dễ đối với họ. Rất có thể họ tự hỏi không biết Ti-mô-thê xa nhà trong bao lâu và có được trở về nhà bình an hay không. Mặc dù có những sự lo âu ấy, mẹ và bà ngoại ông chắc chắn đã khuyến khích ông nhận lấy đặc ân này vì sẽ giúp ông phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn.
Những bài học quí báu
Chúng ta có thể học được nhiều bài học qua việc xem xét kỹ lưỡng gương mẫu của bà Ơ-nít và bà Lô-ít. Đức tin đã thúc đẩy họ nuôi nấng Ti-mô-thê trong một môi trường lành mạnh về thiêng liêng. Gương tin kính, thành thục và vững chãi mà ông bà nêu ra cho con cháu và người khác chắc chắn có thể giúp ích cho cả hội thánh tín đồ đấng Christ (Tít 2:3-5). Cũng thế, gương của bà Ơ-nít nhắc nhở những người mẹ có chồng không tin đạo về trách nhiệm và phần thưởng của việc dạy con cái về thiêng liêng. Làm điều này đôi khi có thể đòi hỏi phải có nhiều can đảm, đặc biệt nếu người chồng không có thiện cảm với tín ngưỡng của vợ. Việc này cũng đòi hỏi sự tế nhị, bởi vì người vợ là tín đồ đấng Christ phải tôn trọng quyền làm đầu của chồng.
Đức tin, nỗ lực và sự hy sinh của bà Lô-ít và bà Ơ-nít được tưởng thưởng khi họ chứng kiến Ti-mô-thê tiến bộ về mặt thiêng liêng đến độ trở thành giáo sĩ và giám thị xuất sắc (Phi-líp 2:19-22). Ngày nay cũng thế, việc dạy dỗ lẽ thật trong Kinh-thánh cho con cái đòi hỏi thì giờ, sự nhẫn nại và kiên quyết, nhưng thật đáng công khó khi nghĩ đến kết cuộc tốt đẹp. Nhiều người trẻ tín đồ đấng Christ gương mẫu đã được dạy dỗ về ‘Kinh-thánh từ khi còn thơ-ấu’ trong một gia đình không đồng nhất về tôn giáo đã đem lại niềm vui lớn cho cha hay mẹ tin kính. Và câu châm ngôn này nói thật đúng: ‘Người mẹ nào đã sanh con khôn-ngoan lấy làm vui-mừng’! (Châm-ngôn 23:23-25).
Sứ đồ Giăng nói về con cái thiêng liêng của ông: “Tôi nghe con-cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng hơn nữa” (3 Giăng 4). Chắc chắn, nhiều người đã tỏ ra giống như bà Ơ-nít và bà Lô-ít, hai người dạy gương mẫu, đã có cùng cảm nghĩ ấy.
[Chú thích]
a Sự kiện bà Lô-ít không phải là bà nội của Ti-mô-thê được thấy qua cách dịch trong tiếng Syriac là “mẹ của mẹ con” nơi 2 Ti-mô-thê 1:5.