Dân của Đức Giê-hô-va “từ bỏ sự bất chính”
“Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì hãy từ bỏ sự bất chính”.—2 TI 2:19.
1. Điều gì chiếm vị trí đặc biệt trong sự thờ phượng của chúng ta?
Có bao giờ bạn thấy danh của Đức Giê-hô-va khắc trên một tòa nhà công cộng hoặc trên mẫu vật trong viện bảo tàng không? Chắc chắn bạn vô cùng thích thú và phấn khởi. Vì là Nhân Chứng Giê-hô-va nên danh của Đức Chúa Trời chiếm vị trí đặc biệt trong sự thờ phượng của chúng ta. Trên toàn thế giới, ngày nay không ai gắn bó chặt chẽ với danh của Đức Chúa Trời như chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta biết đặc ân mang danh Đức Chúa Trời đi liền với trách nhiệm.
2. Đặc ân mang danh Đức Chúa Trời đi liền với trách nhiệm nào?
2 Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải làm nhiều hơn là việc chỉ dùng danh của ngài. Chúng ta phải sống phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức của ngài. Vì lý do đó, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta là dân của Đức Giê-hô-va phải “tránh sự ác” (Thi 34:14). Sứ đồ Phao-lô nói rõ nguyên tắc này khi viết: “Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì hãy từ bỏ sự bất chính”. (Đọc 2 Ti-mô-thê 2:19). Là Nhân Chứng của ngài, chúng ta thật sự được biết đến là những người kêu cầu danh Đức Giê-hô-va. Nhưng làm thế nào chúng ta từ bỏ sự bất chính?
“DANG RA” KHỎI SỰ ÁC
3, 4. Câu Kinh Thánh nào từ lâu đã khiến các học giả Kinh Thánh thắc mắc, và tại sao?
3 Nơi 2 Ti-mô-thê 2:19, Phao-lô nói đến “nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập”, sau đó đề cập đến hai thông điệp khắc trên đó. Thông điệp thứ nhất, “Đức Giê-hô-va biết những người thuộc về ngài”, rõ ràng được trích từ Dân-số Ký 16:5. (Xem bài trước). Thông điệp thứ hai, “Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì hãy từ bỏ sự bất chính” từ lâu đã khiến các học giả Kinh Thánh thắc mắc. Tại sao?
4 Những lời của Phao-lô gợi ý rằng ông đã trích từ một nguồn khác. Tuy nhiên, dường như trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ không có câu nào khớp với lời trích của Phao-lô. Thế nên, sứ đồ ám chỉ điều gì khi nói: “Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì hãy từ bỏ sự bất chính”? Ngay trước câu này, Phao-lô đã trích Dân-số Ký chương 16, kể lại lời tường thuật về cuộc phản nghịch của Cô-rê. Tương tự thế, có thể nào thông điệp thứ hai liên hệ với những sự kiện xoay quanh cuộc phản nghịch ấy không?
5-7. Những sự kiện nào trong thời Môi-se cung cấp nền tảng cho những lời của Phao-lô nơi 2 Ti-mô-thê 2:19? (Xem hình nơi đầu bài).
5 Kinh Thánh cho biết là Đa-than và A-bi-ram, con trai của Ê-li-áp, cấu kết với Cô-rê. Họ dẫn đầu cuộc phản nghịch chống lại Môi-se và A-rôn (Dân 16:1-5). Họ công khai tỏ ra bất kính với Môi-se và bác bỏ quyền mà Đức Chúa Trời ban cho ông. Những kẻ phản nghịch này tiếp tục ở giữa dân sự của Đức Chúa Trời, gây nguy hại cho sức khỏe thiêng liêng của những người trung thành. Khi đến ngày Đức Giê-hô-va phân biệt những người trung thành thờ phượng ngài với những người phản loạn, ngài đưa ra một mệnh lệnh rõ ràng.
6 Lời tường thuật cho biết: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy nói cùng hội-chúng mà rằng: Hãy dang ra khỏi chung-quanh chỗ ở của Cô-rê, Đa-than, và A-bi-ram. Môi-se đứng dậy, đi lại phía Đa-than và A-bi-ram; các trưởng-lão Y-sơ-ra-ên đi theo người. Người nói cùng hội-chúng rằng: Bây giờ, hãy dang ra khỏi trại của các người hung-ác nầy, và chớ đụng đến vật chi thuộc về họ, e các ngươi sẽ chết vì những tội của họ chăng. Vậy, dân-sự dang ra khỏi tứ phía chỗ ở của Cô-rê, Đa-than, và A-bi-ram” (Dân 16:23-27). Rồi Đức Giê-hô-va xử tử tất cả những kẻ phản nghịch. Trái lại, những người thờ phượng trung thành—những người dang ra xa cho thấy họ từ bỏ sự bất chính—được sống sót.
7 Đức Giê-hô-va đọc được lòng! Ngài nhận biết sự trung thành của những người thuộc về ngài. Tuy nhiên, những người trung thành phải cương quyết hành động, tách biệt khỏi những kẻ bất chính. Vậy, rất có thể Phao-lô đề cập đến lời tường thuật nơi Dân-số Ký 16:5, 23-27 khi viết: “Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì hãy từ bỏ sự bất chính”. Kết luận như thế sẽ hòa hợp với những lời của Phao-lô là “Đức Giê-hô-va biết những người thuộc về ngài”.—2 Ti 2:19.
“TRÁNH NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN NGỚ NGẨN VÀ VÔ NGHĨA”
8. Tại sao việc dùng danh của Đức Giê-hô-va hoặc thuộc về hội thánh đạo Đấng Ki-tô là không đủ?
8 Qua việc nói đến những sự kiện vào thời Môi-se, Phao-lô nhắc Ti-mô-thê cần cương quyết hành động nhằm bảo vệ mối quan hệ quý giá với Đức Giê-hô-va. Việc thuộc về hội thánh đạo Đấng Ki-tô, cũng như việc chỉ kêu cầu danh của Đức Giê-hô-va vào thời của Môi-se là không đủ. Những người thờ phượng trung thành phải cương quyết từ bỏ sự bất chính. Điều này có nghĩa gì đối với Ti-mô-thê? Và dân của Đức Giê-hô-va ngày nay có thể rút ra bài học nào từ lời khuyên mà Phao-lô được Đức Chúa Trời hướng dẫn?
9. Làm thế nào “những cuộc tranh luận ngớ ngẩn và vô nghĩa” ảnh hưởng đến hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu?
9 Lời Đức Chúa Trời đưa ra lời khuyên cụ thể liên quan đến các loại bất chính mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải từ bỏ hoặc kháng cự. Chẳng hạn, trong bối cảnh của câu 2 Ti-mô-thê 2:19, Phao-lô khuyên Ti-mô-thê “đừng tranh cãi về từ ngữ” và “tránh những lời sáo rỗng”. (Đọc 2 Ti-mô-thê 2:14, 16, 23). Một số thành viên của hội thánh đã đẩy mạnh những giáo lý bội đạo. Dường như những người khác cũng đưa ra những tư tưởng gây tranh cãi. Dù những tư tưởng ấy không trực tiếp đi ngược lại Kinh Thánh, nhưng chúng gây chia rẽ. Kết quả là người ta cãi nhau và tranh luận về từ ngữ, tạo bầu không khí không lành mạnh trong hội thánh. Vì vậy, Phao-lô nhấn mạnh đến việc cần “tránh những cuộc tranh luận ngớ ngẩn và vô nghĩa”.
10. Chúng ta nên phản ứng thế nào khi đối mặt với sự bội đạo?
10 Ngày nay, dân của Đức Giê-hô-va hiếm khi đối mặt với sự bội đạo trong hội thánh. Nhưng khi gặp những dạy dỗ không đến từ Kinh Thánh, cho dù bắt nguồn từ đâu, chúng ta phải cương quyết không nghe. Thật không khôn ngoan khi tham gia vào cuộc tranh cãi với những người bội đạo, dù trực tiếp, qua việc trả lời trên mạng hoặc bất cứ hình thức liên lạc nào. Ngay cả khi có mục đích giúp đỡ người đó, chúng ta sẽ không vâng lời Đức Chúa Trời nếu có cuộc nói chuyện như thế. Với tư cách là dân Đức Chúa Trời, chúng ta phải từ bỏ, tức tuyệt đối tránh sự bội đạo.
11. Điều gì có thể gây ra “những cuộc tranh luận ngớ ngẩn”, và làm sao các trưởng lão nêu gương tốt?
11 Ngoài sự bội đạo, còn có các điều khác có nguy cơ phá vỡ sự bình an trong hội thánh. Chẳng hạn, sự bất đồng ý kiến liên quan đến việc giải trí có thể dẫn đến “những cuộc tranh luận ngớ ngẩn và vô nghĩa”. Dĩ nhiên, khi một người nào đó cổ vũ loại hình giải trí vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va, các trưởng lão đạo Đấng Ki-tô không nên dung túng hành vi như thế chỉ vì muốn tránh sự tranh cãi (Thi 11:5; Ê-phê 5:3-5). Tuy nhiên, trưởng lão thận trọng không khuyến khích người khác theo quan điểm riêng của anh. Họ trung thành theo sát lời khuyên của Kinh Thánh dành cho các giám thị đạo Đấng Ki-tô: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã được giao cho anh em... không làm như thể cai trị những người thuộc về sản nghiệp của Đức Chúa Trời, nhưng nêu gương cho cả bầy”.—1 Phi 5:2, 3; đọc 2 Cô-rinh-tô 1:24.
12, 13. (a) Quan điểm của Nhân Chứng Giê-hô-va về việc chọn lựa hình thức giải trí là gì, và họ áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh nào? (b) Làm sao những nguyên tắc được thảo luận trong đoạn 12 áp dụng cho một số vấn đề cá nhân?
12 Về lĩnh vực giải trí, tổ chức của chúng ta không đưa ra lời phê bình về các phim ảnh, trò chơi điện tử, sách hoặc bài hát cụ thể nào nhằm bắt buộc chúng ta nên tránh. Tại sao? Kinh Thánh khuyến khích mỗi người luyện tập “khả năng nhận thức... để phân biệt điều đúng, điều sai” (Hê 5:14). Kinh Thánh đưa ra những nguyên tắc cơ bản mà một tín đồ có thể cân nhắc khi chọn lựa loại hình giải trí. Trong mọi khía cạnh của đời sống, mục tiêu của chúng ta là “luôn xét xem điều gì đẹp lòng Chúa” (Ê-phê 5:10). Kinh Thánh dạy rằng người chủ gia đình có một số quyền hành nhất định, nên họ có thể chọn loại hình giải trí cụ thể nào cho gia đình.a—1 Cô 11:3; Ê-phê 6:1-4.
13 Các nguyên tắc Kinh Thánh thảo luận ở trên không chỉ áp dụng cho việc chúng ta chọn loại hình giải trí. Các ý kiến về ngoại diện, sức khỏe, dinh dưỡng và những vấn đề cá nhân có lẽ cũng gây tranh cãi. Vì thế, nếu không vi phạm nguyên tắc Kinh Thánh, dân của Đức Giê-hô-va khôn ngoan tránh tranh cãi những chuyện như thế “vì tôi tớ của Chúa không cần phải cãi cọ, nhưng cần phải mềm mại với mọi người”.—2 Ti 2:24.
TRÁNH BẠN BÈ XẤU!
14. Phao-lô dùng minh họa nào để nhấn mạnh việc phải tránh bạn bè xấu?
14 Những người “kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì hãy từ bỏ sự bất chính” bằng cách nào khác? Qua việc tránh kết thân với những người thực hành sự bất chính. Điều đáng chú ý là tiếp theo minh họa về “nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập”, Phao-lô đưa ra một minh họa khác. Ông viết về “một căn nhà rộng lớn, không chỉ có những bình bằng vàng, bằng bạc mà còn có bình bằng gỗ và đất; một số dùng cho việc sang trọng, số khác dùng cho việc hèn mọn” (2 Ti 2:20, 21). Rồi ông khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô “tách khỏi” những bình được dùng cho việc “hèn mọn”.
15, 16. Chúng ta rút ra bài học nào từ minh họa về “một căn nhà rộng lớn”?
15 Minh họa này có ý nghĩa gì? Phao-lô dùng lối ẩn dụ để ví hội thánh đạo Đấng Ki-tô như “một căn nhà rộng lớn”, các thành viên trong hội thánh là “bình” hay đồ dùng trong nhà. Một số đồ dùng có thể bị nhiễm các chất nguy hiểm hoặc điều kiện vệ sinh kém. Chủ nhà sẽ tách đồ dùng này khỏi những đồ dùng sạch, như dụng cụ dùng để nấu ăn.
16 Tương tự thế, dân Đức Giê-hô-va ngày nay cố gắng có đời sống thanh sạch, nên tránh kết thân với những người trong hội thánh luôn xem thường các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:33). Nếu điều này là đúng đối với một số người trong hội thánh, chúng ta càng nên “tránh xa” việc kết thân với người ngoài hội thánh. Nhiều người trong số họ ‘ham tiền, không vâng lời cha mẹ, bất trung, vu khống, hung dữ, không yêu chuộng điều nhân đức, phản bội, và ham mê lạc thú thay vì yêu mến Đức Chúa Trời’.—2 Ti 3:1-5.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN PHƯỚC CHO CHÚNG TA VỀ TÍNH KIÊN QUYẾT
17. Những người Y-sơ-ra-ên trung thành đã thận trọng đến mức độ nào khi chống lại sự bất chính?
17 Kinh Thánh đề cập cụ thể về cách hành động kiên quyết của dân Y-sơ-ra-ên khi được bảo “hãy dang ra khỏi chung-quanh chỗ ở của Cô-rê, Đa-than, và A-bi-ram”. Lời tường thuật cho biết “[“ngay lập tức”, NW], dân-sự dang ra khỏi” (Dân 16:24, 27). Họ không do dự hay chần chừ. Câu Kinh Thánh cũng ám chỉ đến mức độ thận trọng trước điều họ đã làm. Họ “dang ra khỏi tứ phía”. Những người trung thành đã không hành động cách liều lĩnh. Sự vâng lời của họ không nửa vời hay không hết lòng. Họ cho thấy lập trường rõ ràng khi đứng về phía Đức Giê-hô-va và chống lại sự bất chính. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ trường hợp này?
18. Khi Phao-lô khuyên Ti-mô-thê “tránh khỏi những đam mê của tuổi trẻ” thì tinh thần nằm đằng sau những lời này là gì?
18 Về việc bảo vệ tình bạn với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải hành động nhanh chóng và kiên quyết. Đây là tinh thần nằm đằng sau lời Phao-lô khuyên Ti-mô-thê “tránh [“chạy trốn”] khỏi những đam mê của tuổi trẻ” (2 Ti 2:22, cước chú). Lúc đó Ti-mô-thê đã là người trưởng thành, có lẽ ở độ tuổi 30. Nhưng, sự “đam mê của tuổi trẻ” cách ngu dại không bị giới hạn bởi độ tuổi nào. Khi đứng trước những ham muốn như thế, Ti-mô-thê phải “chạy trốn” khỏi chúng. Nói cách khác, Ti-mô-thê phải “từ bỏ sự bất chính”. Chúa Giê-su đã truyền đạt thông điệp tương tự khi nói: “Nếu con mắt khiến anh em phạm tội, hãy móc nó ra và ném đi” (Mat 18:9). Ngày nay, những tín đồ đạo Đấng Ki-tô lưu ý đến lời khuyên này phải kiên quyết kháng cự những mối nguy hại về thiêng liêng, không do dự hay chần chừ.
19. Một số người ngày nay đã hành động kiên quyết như thế nào để bảo vệ mình khỏi những mối nguy hại về thiêng liêng?
19 Một số người có vấn đề với rượu trước khi trở thành Nhân Chứng đã quyết định tránh xa các thức uống có cồn. Người khác thì tránh các loại hình giải trí với nội dung không có gì là sai nhưng có thể gợi dậy những ước muốn sai trái mà bản thân người đó đang phấn đấu (Thi 101:3). Chẳng hạn, trước khi trở thành Nhân Chứng, một anh thích bầu không khí vô luân tại những bữa tiệc khiêu vũ anh thường lui tới. Nhưng sau khi học sự thật, anh tuyệt đối tránh việc khiêu vũ ngay cả tại những nơi họp mặt của Nhân Chứng vì sợ sẽ gợi dậy lòng ham muốn hoặc ý nghĩ sai trái trong quá khứ. Dĩ nhiên, tín đồ đạo Đấng Ki-tô không buộc phải hoàn toàn tránh xa khỏi rượu, khiêu vũ, hoặc những điều mà thực chất của chúng không có gì sai trái. Nhưng tất cả chúng ta nên hành động kiên quyết và thận trọng để bảo vệ mình khỏi những mối nguy hại về thiêng liêng.
20. Dù có lẽ không dễ để “từ bỏ sự bất chính”, nhưng nhờ điều gì chúng ta có lòng tin chắc và sự an ủi?
20 Đặc ân được mang danh Đức Chúa Trời đi kèm trách nhiệm. Chúng ta phải “từ bỏ sự bất chính” và “tránh sự ác” (Thi 34:14). Đúng là làm thế không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng thật an ủi biết bao khi biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ luôn yêu thương “những người thuộc về ngài” và theo sát đường lối công chính của ngài.—2 Ti 2:19; đọc 2 Sử-ký 16:9a.
a Xem bài trên jw.org/vi “Có một số phim ảnh, sách báo hoặc bài hát nào mà tổ chức không cho phép xem hoặc nghe?” dưới mục VỀ CHÚNG TÔI > CÂU HỎI THƯỜNG GẶP.