Tít—“Người cùng làm việc vì lợi ích của anh em”
HỘI THÁNH tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đôi khi gặp phải một số vấn đề. Những vấn đề này cần được giải quyết, và việc này đòi hỏi sự can đảm và tính vâng lời. Người đã hơn một lần thành công trong việc đối phó với thách thức như thế là Tít. Là người cùng làm việc với sứ đồ Phao-lô, ông đã nhiệt tâm gắng sức giúp đỡ người khác làm theo đường lối của Đức Giê-hô-va. Vì vậy, Phao-lô nói với tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô rằng Tít là “người cùng làm việc vì lợi ích của anh em” (2 Cô-rinh-tô 8:23, NW).
Tít là ai? Ông đã đóng vai trò gì trong việc giải quyết các vấn đề? Qua việc xem xét hạnh kiểm của ông, chúng ta có thể nhận được lợi ích nào?
Vấn đề cắt bì
Tít là người Hy Lạp không cắt bì (Ga-la-ti 2:3).a Vì lẽ Phao-lô gọi ông là “con thật ta trong đức-tin chung”, Tít có thể là một trong các con thiêng liêng của Phao-lô. (Tít 1:4; so sánh 1 Ti-mô-thê 1:2). Vào khoảng năm 49 CN, Tít đã đi cùng với Phao-lô, Ba-na-ba và những người khác từ An-ti-ốt, xứ Sy-ri đến Giê-ru-sa-lem để thảo luận về việc cắt bì (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1, 2; Ga-la-ti 2:1).
Có người giả định rằng vì vấn đề Dân Ngoại không cắt bì nhập đạo đang được thảo luận ở Giê-ru-sa-lem, Tít được cho đi theo để chứng tỏ người Do Thái và người không phải là dân Do Thái đều có thể nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời dù có cắt bì hay không. Một số thành viên hội thánh tại Giê-ru-sa-lem là người Pha-ri-si trước khi gia nhập đạo Đấng Christ biện luận rằng Dân Ngoại nhập đạo phải vâng giữ việc cắt bì và tuân thủ Luật Pháp, nhưng lập luận này đã bị phản đối. Bắt buộc Tít và những người Dân Ngoại khác phải cắt bì tức là phủ nhận sự kiện sự cứu rỗi tùy thuộc nơi ân điển của Đức Giê-hô-va và đức tin nơi Chúa Giê-su Christ chứ không tùy thuộc nơi việc làm theo Luật Pháp. Điều đó cũng có nghĩa bác bỏ chứng cớ Dân Ngoại, tức dân các nước, đã nhận được thánh linh của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 15:5-12).
Được phái đến Cô-rinh-tô
Khi vấn đề cắt bì đã giải quyết xong, Phao-lô và Ba-na-ba được trọn quyền rao giảng cho Dân Ngoại. Đồng thời, họ cũng nghĩ đến người nghèo (Ga-la-ti 2:9, 10). Thật thế, sáu năm sau, khi Tít được nhắc đến lần nữa trong lời tường thuật được soi dẫn, ông đang ở Cô-rinh-tô với tư cách là người đại diện của Phao-lô trong việc tổ chức quyên tiền cho thánh đồ. Nhưng khi thi hành công việc này, Tít rơi vào một tình thế đầy căng thẳng khác.
Việc Phao-lô liên lạc thư từ với hội thánh Cô-rinh-tô cho thấy rằng ông trước hết viết thư dặn họ “đừng làm bạn với kẻ gian-dâm”. Ông đã phải bảo họ trừ bỏ khỏi họ kẻ phạm tội tà dâm mà không chịu ăn năn. Đúng vậy, Phao-lô đã viết cho họ một lá thư đầy sức thuyết phục và làm thế “với nước mắt dầm-dề” (1 Cô-rinh-tô 5:9-13; 2 Cô-rinh-tô 2:4). Trong khi đó, Tít được phái đến Cô-rinh-tô để giúp quyên tiền cho các tín đồ bị túng thiếu ở Giu-đê. Có thể ông cũng được phái đi để thăm dò phản ứng của người Cô-rinh-tô đối với lá thư của Phao-lô (2 Cô-rinh-tô 8:1-6).
Người Cô-rinh-tô phản ứng ra sao trước lời khuyên của Phao-lô? Nóng lòng muốn biết sự việc, có lẽ Phao-lô đã phái Tít vượt biển Aegean từ Ê-phê-sô đến Cô-rinh-tô, và dặn Tít báo cáo cho ông biết sớm. Nếu nhiệm vụ như thế hoàn tất trước khi tàu bè ngưng vượt biển trong mùa đông (vào khoảng giữa tháng 11), Tít có thể đi đến thành Trô-ách bằng đường thủy hoặc dùng đường bộ xa hơn băng qua địa phận Hellespont. Có lẽ Phao-lô đến chỗ hẹn trước ở Trô-ách, vì cuộc gây rối của mấy người thợ bạc đã khiến ông phải rời khỏi Ê-phê-sô sớm hơn đã dự tính. Sau một thời gian nóng lòng chờ đợi ở Trô-ách, Phao-lô biết được rằng Tít hẳn không đến bằng đường biển. Bởi vậy, Phao-lô nhất định dùng đường bộ với hy vọng gặp Tít ở dọc đường. Khi đặt chân lên Âu Châu, Phao-lô đi theo đường Via Egnatia, và cuối cùng gặp Tít ở Ma-xê-đoan. Tin tức đến từ Cô-rinh-tô thật tốt, làm Phao-lô rất đỗi vui mừng và thấy nhẹ nhõm vô cùng. Hội thánh đã phản ứng thuận lợi trước lời khuyên của Phao-lô (2 Cô-rinh-tô 2:12, 13; 7:5-7).
Dù Phao-lô trước đó lo ngại về cách người đại diện ông sẽ được tiếp đón, Đức Chúa Trời đã giúp Tít hoàn thành nhiệm vụ. Tít đã được anh em đem lòng “sợ-sệt run-rẩy” mà tiếp đón (2 Cô-rinh-tô 7:8-15). Theo lời của nhà bình luận W. D. Thomas: “Chúng ta có thể cho rằng dù không làm giảm nhẹ lời khiển trách của Phao-lô, [Tít] đã biện luận một cách khéo léo và tế nhị với người Cô-rinh-tô, bảo đảm với họ rằng tuy Phao-lô viết mạnh mẽ như thế, nhưng trong thâm tâm ông chỉ nghĩ đến lợi ích thiêng liêng của họ mà thôi”. Khi thi hành nhiệm vụ, Tít đem lòng yêu mến tín đồ ở Cô-rinh-tô bởi tinh thần phục tùng và những thay đổi tích cực của họ. Thái độ đáng khen của họ thật là nguồn khích lệ cho ông.
Còn khía cạnh khác trong nhiệm vụ của Tít đi đến Cô-rinh-tô—quyên tiền giúp thánh đồ ở Giu-đê—thì sao? Tít cũng thi hành việc này, như ta có thể suy ra từ những điều ghi trong sách 2 Cô-rinh-tô. Có thể lá thư đó được viết từ xứ Ma-xê-đoan vào mùa thu năm 55 CN, ít lâu sau khi Tít gặp Phao-lô. Phao-lô viết rằng Tít, người khởi đầu công việc quyên tiền, giờ đây được phái về với hai trợ tá mà Kinh-thánh không nêu tên để hoàn tất công việc. Vì nhiệt tình quan tâm đến anh em ở Cô-rinh-tô nên Tít rất vui lòng trở lại. Khi trở lại Cô-rinh-tô, rất có thể Tít mang theo lá thư thứ hai của Phao-lô viết dưới sự soi dẫn cho anh em ở đó (2 Cô-rinh-tô 8:6, 17, 18, 22).
Tít không những là người có tài tổ chức, mà còn là người đáng tin cậy trong những nhiệm vụ đòi hỏi sự tinh tế trong các tình huống khó khăn. Ông là người can đảm, thành thục và kiên định. Hiển nhiên Phao-lô đã xem Tít có đủ khả năng để đối phó với thách thức của “các sứ-đồ... tôn-trọng” ở Cô-rinh-tô (2 Cô-rinh-tô 11:5). Ấn tượng này về Tít được khẳng định khi Kinh-thánh nhắc đến ông lần nữa, trong nhiệm vụ khác đòi hỏi nhiều khéo léo.
Trên đảo Cơ-rết
Có thể là Phao-lô đã viết cho Tít vào một thời điểm nào đó sau năm 61 và trước năm 64 CN, khi mà Tít đang phụng sự trên đảo Cơ-rết nằm trong Địa Trung Hải. Phao-lô đã để Tít ở lại đó đặng “sắp-đặt mọi việc chưa thu-xếp” và “lập nên những trưởng-lão trong mỗi thành”. Nói chung, những người Cơ-rết có tiếng “hay nói dối, là thú dữ, ham ăn mà làm biếng”. Do đó, ở Cơ-rết, một lần nữa Tít cần phải hành động một cách can đảm và kiên định (Tít 1:5, 10-12). Đó là một trọng trách bởi vì nó có thể quyết định tương lai của đạo Đấng Christ trên đảo. Dưới sự soi dẫn, Phao-lô đã giúp Tít bằng cách chỉ rõ làm thế nào để tìm kiếm những người có khả năng làm giám thị. Những tiêu chuẩn này vẫn còn được xem xét trong việc bổ nhiệm các trưởng lão trong hội thánh tín đồ Đấng Christ.
Kinh-thánh không nói rõ khi nào Tít rời đảo Cơ-rết. Ông đã ở đấy một thời gian đủ để Phao-lô yêu cầu ông cung cấp sự cần dùng cho Xê-na và A-bô-lô khi hai người tạm dừng chân trong cuộc hành trình vào thời điểm không được nêu rõ. Nhưng Tít đã không ở lâu trên đảo. Phao-lô định gửi A-tê-ma hoặc Ti-chi-cơ đến đó và Tít sẽ gặp sứ đồ ở Ni-cô-bô-li, rất có thể là thành phố nổi tiếng mang tên đó ở miền tây bắc Hy Lạp (Tít 3:12, 13).
Qua lần chót Kinh-thánh đề cập vắn tắt về Tít, chúng ta biết rằng có lẽ vào khoảng năm 65 CN, Phao-lô đã phái ông thi hành một nhiệm vụ khác. Ông đi Đa-ma-ti, một vùng phía đông biển Adriatic ngày nay là Croatia (2 Ti-mô-thê 4:10). Chúng ta không biết Tít làm gì ở đó, nhưng người ta nói rằng ông được phái đến để chỉnh đốn công việc của hội thánh và tham gia hoạt động giáo sĩ. Nếu thế, Tít đã hành động với khả năng tương tự như ông đã phụng sự ở Cơ-rết.
Chúng ta biết ơn xiết bao về những anh giám thị thành thục giống như Tít! Sự hiểu biết rõ ràng của họ về các nguyên tắc Kinh-thánh và việc họ can đảm áp dụng những nguyên tắc ấy giúp che chở hội thánh về phương diện thiêng liêng. Chúng ta hãy bắt chước đức tin của họ và tỏ ra giống như Tít bằng cách mưu cầu lợi ích thiêng liêng của anh em cùng đức tin (Hê-bơ-rơ 13:7).
[Chú thích]
a Ga-la-ti 2:3 mô tả Tít là một người Hy Lạp (Hel’len). Điều này có thể có nghĩa là Tít là người gốc Hy Lạp. Tuy nhiên, người ta nói rằng một số nhà văn Hy Lạp dùng dạng số nhiều (Helʹle·nes) khi nói đến những người tuy không phải là Hy Lạp nhưng nói tiếng Hy Lạp và chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp. Có thể Tít là người Hy Lạp theo nghĩa này.
[Hình nơi trang 29]
Tít là một người can đảm cùng làm việc vì lợi ích của tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô và ở nơi khác