Cha mẹ và con cái: Hãy đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu!
“Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài” (TRUYỀN-ĐẠO 12:13).
1. Cha mẹ và con cái cần vun trồng sự sợ nào, và cảm giác này sẽ mang đến cho họ điều gì?
MỘT lời tiên tri về Giê-su Christ nói rằng ngài sẽ “lấy sự kính-sợ Đức Giê-hô-va làm vui” (Ê-sai 11:3). Sự sợ của ngài chính là sự khâm phục và kính trọng Đức Chúa Trời một cách sâu xa. Vì yêu thương Đức Chúa Trời, Giê-su sợ làm buồn lòng Ngài. Cha mẹ và con cái cần vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời giống như đấng Christ đã có, làm thế họ sẽ có được niềm vui như Giê-su đã có. Họ cần đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống bằng cách vâng theo các điều răn ngài. Theo một người viết Kinh-thánh, “ấy là trọn phận-sự của ngươi” (Truyền-đạo 12:13).
2. Điều răn nào quan trọng nhất trong Luật pháp, và điều răn đó được ban ra chủ yếu cho ai?
2 Điều răn quan trọng nhất của Luật pháp được ban chủ yếu cho các bậc cha mẹ, ấy là chúng ta nên ‘hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va’. Những lời tiếp theo trong Luật pháp cho thấy điều này: “Khá ân-cần dạy-dỗ [những lời yêu mến Đức Giê-hô-va] cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-7; Mác 12:28-30). Vậy, cha mẹ được khuyên dặn phải đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu bằng cách chính mình yêu thương ngài và cũng dạy con cái như thế.
Trách nhiệm của tín đồ đấng Christ
3. Giê-su cho thấy tầm quan trọng của việc chú ý đến con trẻ như thế nào?
3 Giê-su cho thấy tầm quan trọng của việc chú ý ngay cả các con trẻ. Vào khoảng cuối thánh chức rao giảng trên đất của Giê-su, có lần dân chúng bắt đầu đem con trẻ của họ đến cùng ngài. Rõ ràng là các môn đồ nghĩ rằng Giê-su quá bận rộn nên không muốn bị quấy rầy, vì vậy họ cố gắng ngăn cản dân chúng. Nhưng Giê-su khiển trách các môn đồ: “Hãy để cho con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó”. Giê-su lại còn “bồng những đứa trẻ ấy”, qua hành động cảm động đó, ngài cho chúng ta thấy việc chú ý đến người trẻ là quan trọng (Lu-ca 18:15-17; Mác 10:13-16).
4. Điều răn “dạy-dỗ muôn-dân” được ban ra cho ai, và điều này đòi hỏi họ phải làm gì?
4 Giê-su cũng nói rõ là môn đồ ngài có trách nhiệm dạy dỗ những người khác ngoài con cái của mình. Sau khi chết và sống lại, Giê-su “hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy”—kể cả một số cha mẹ (I Cô-rinh-tô 15:6). Điều này chắc đã xảy ra tại một núi ở Ga-li-lê, nơi mà 11 sứ đồ của ngài cũng nhóm lại. Tại đó Giê-su khuyến khích tất cả mọi người: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:16-20). Không một tín đồ nào của đấng Christ có thể đúng lý sao lãng điều răn này! Việc cha mẹ thi hành sứ mệnh đó đòi hỏi họ phải chăm lo cho con cái cũng như tham gia vào công việc rao giảng và dạy dỗ trước công chúng.
5. a) Điều gì cho thấy phần đông, hoặc tất cả các sứ đồ đều có gia đình và có lẽ có con cái? b) Những người làm đầu trong gia đình cần phải coi trọng lời khuyên nào?
5 Điều đáng chú ý là ngay cả các sứ đồ cũng phải giữ thăng bằng giữa trách nhiệm gia đình và bổn phận rao giảng cũng như chăn bầy của Đức Chúa Trời (Giăng 21:1-3, 15-17; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Đó là vì phần đông hoặc tất cả đều có gia đình. Do đó, sứ đồ Phao-lô giải thích: “Há không có phép dắt một người chị em làm vợ đi khắp nơi với chúng tôi như các sứ-đồ khác cùng các anh em Chúa và Sê-pha đã làm, hay sao?” (I Cô-rinh-tô 9:5; Ma-thi-ơ 8:14). Một vài sứ đồ có lẽ cũng có con cái. Những sử gia xưa, như Eusebius, nói rằng Phi-e-rơ có con. Tất cả các bậc cha mẹ tín đồ đấng Christ thời xưa cần phải nghe theo lời khuyên trong Kinh-thánh: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (I Ti-mô-thê 5:8).
Trách nhiệm chính
6. a) Trưởng lão tín đồ đấng Christ có gia đình gặp thử thách nào? b) Trách nhiệm chính của trưởng lão là gì?
6 Ngày nay trưởng lão tín đồ đấng Christ có gia đình cũng ở trong tình trạng tương tự như các sứ đồ. Họ phải giữ thăng bằng giữa trách nhiệm chăm lo cho nhu cầu gia đình về mặt thể xác và thiêng liêng và bổn phận rao giảng trước công chúng và chăn bầy của Đức Chúa Trời. Hoạt động nào nên được ưu tiên hơn? Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-3-1964, nhận xét: “[Người cha] có bổn phận trước hết với gia đình mình, và thật ra ông không thể phục vụ một cách thích đáng nếu không chu toàn bổn phận này”.
7. Làm thế nào người cha theo đạo đấng Christ đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu?
7 Vậy những người làm cha phải đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu bằng cách nghe theo lời răn “hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Trách nhiệm đó không thể giao cho người nào khác, dù người cha cũng có thể có nhiệm vụ trông nom những hoạt động trong hội thánh tín đồ đấng Christ. Làm thế nào những người cha có thể chu toàn các trách nhiệm—lo cho gia đình về mặt thể xác, thiêng liêng và tình cảm—và đồng thời điều khiển và lo công việc giám thị trong hội thánh?
Sự ủng hộ cần thiết
8. Vợ của trưởng lão có thể ủng hộ chồng mình như thế nào?
8 Rõ ràng là những trưởng lão có trách nhiệm gia đình có thể được lợi ích nếu có sự ủng hộ. Tháp Canh trích ở trên nhận xét rằng một người vợ tín đồ đấng Christ có thể ủng hộ chồng mình. Tạp chí đó nói: “Vợ có thể làm hết sức mình để tạo hoàn cảnh thuận lợi để chồng chuẩn bị cho những công việc khác nhau được giao phó, và giúp tránh mất nhiều thì giờ quí báu của chồng và của chính mình bằng cách có thời khóa biểu tốt trong nhà, sửa soạn cơm nước đúng giờ, sẵn sàng và mau mắn đi dự những buổi họp của hội thánh... Dưới sự chỉ dẫn của chồng, người vợ tín đồ đấng Christ có thể làm nhiều điều để dạy con cái con đường chúng nên theo để làm vui lòng Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 22:6). Đúng vậy, người vợ được dựng nên để làm một người “giúp-đỡ”, và chồng chị sẽ khôn ngoan hoan nghênh sự trợ giúp đó (Sáng-thế Ký 2:18). Sự ủng hộ của chị có thể giúp chồng chăm lo trách nhiệm gia đình và hội thánh một cách hữu hiệu hơn.
9. Những người nào trong hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca được khuyến khích giúp đỡ những người khác trong hội thánh?
9 Tuy nhiên, không riêng người vợ trưởng lão tín đồ đấng Christ mới có thể góp phần vào việc ủng hộ một người giám thị để anh vừa “chăn-bầy của Đức Chúa Trời” vừa chăm lo cho gia đình mình (I Phi-e-rơ 5:2). Người nào khác có thể giúp? Sứ đồ Phao-lô khuyến khích các anh em tại Tê-sa-lô-ni-ca nên kính trọng những người “chỉ-dẫn” họ. Tuy nhiên, Phao-lô nói tiếp cũng với những người này—đặc biệt những người nào không làm giám thị—ông viết: “Hỡi anh em, xin anh em hãy răn-bảo những kẻ ăn-ở bậy-bạ, yên-ủi những kẻ ngã lòng, nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối, phải nhịn-nhục đối với mọi người” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12-14).
10. Sự giúp đỡ đầy yêu thương của tất cả anh em có ảnh hưởng tốt nào trên hội thánh?
10 Thật là tốt biết bao khi anh em trong hội thánh có được tình yêu thương thúc đẩy họ an ủi những người ngã lòng, nâng đỡ những người yếu đuối, răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ và nhịn nhục đối với mọi người! Dù chịu nhiều khốn khó, các anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca mới nắm lấy lẽ thật Kinh-thánh, đã áp dụng lời khuyên của Phao-lô để làm điều này (Công-vụ các Sứ-đồ 17:1-9; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:6; 2:14; 5:11). Hãy nghĩ đến thành quả tốt đẹp là cả hội thánh được vững mạnh và hợp nhất nhờ tinh thần hợp tác đầy yêu thương của họ! Tương tự như thế, ngày nay khi các anh em an ủi, ủng hộ và khuyên bảo lẫn nhau, điều này giúp cho các trưởng lão, thường thì họ cũng phải lo cho gia đình, dễ dàng thi hành trách nhiệm chăn chiên của họ.
11. a) Tại sao chúng ta có thể kết luận hợp lý rằng những người nữ được kể trong số các “anh em”? b) Ngày nay, một nữ tín đồ thành thục có thể giúp những người nữ trẻ tuổi như thế nào?
11 Trong số “anh em” mà sứ đồ Phao-lô đề cập đến có bao gồm cả phái nữ không? Có, vì nhiều người nữ đã tin theo đạo (Công-vụ các Sứ-đồ 17:1, 4; I Phi-e-rơ 2:17; 5:9). Những người nữ đó có thể giúp như thế nào? Trong hội thánh có những người nữ trẻ tuổi khó kiềm chế được “tình dục” của mình hoặc trở nên “ngã lòng” (I Ti-mô-thê 5:11-13, bản dịch Trịnh Văn Căn). Một số người nữ ngày nay cũng có những vấn đề giống như thế. Điều mà họ cần nhất có thể đơn giản là có người lắng nghe với lòng thông cảm. Thường thường một chị tín đồ thành thục ở trong tư thế tốt nhất để giúp đỡ. Thí dụ, chị có thể nói đến những vấn đề cá nhân với một người đàn bà khác mà không thể thích hợp cho một nam tín đồ làm một mình. Cho thấy giá trị của sự giúp đỡ như thế, Phao-lô viết: “Các bà già... phải lấy điều khôn-ngoan dạy-bảo; phải dạy đờn-bà trẻ tuổi biết yêu chồng con mình, có nết-na, trinh-chánh, trông-nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng-phục chồng mình, hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê-bai nào” (Tít 2:3-5).
12. Sự chỉ dẫn của ai là quan trọng cho mọi người trong hội thánh nghe theo?
12 Thật là một ân phước cho hội thánh khi các chị khiêm nhường hợp tác và ủng hộ cả chồng họ lẫn các trưởng lão! (I Ti-mô-thê 2:11, 12; Hê-bơ-rơ 13:17). Các trưởng lão có trách nhiệm gia đình đặc biệt được lợi ích khi mọi người hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong tình yêu thương và khi mọi người vâng phục sự hướng dẫn của những người chăn được bổ nhiệm (I Phi-e-rơ 5:1, 2).
Các bậc cha mẹ, các bạn đặt ai lên hàng đầu?
13. Làm thế nào nhiều người cha không thành công trong gia đình?
13 Nhiều năm trước đây một diễn viên nổi tiếng nhận xét: “Tôi thấy những người đàn ông thành công quản lý công ty với hàng trăm người; họ biết cách đối phó với mọi tình thế, biết cách thi hành kỷ luật và tưởng thưởng trong thế giới thương mại. Nhưng công việc quan trọng nhất mà họ quản lý là gia đình họ thì họ lại thất bại”. Tại sao vậy? Chẳng phải là vì họ đặt công việc làm ăn và những điều khác lên hàng đầu và lờ đi lời khuyên của Đức Chúa Trời hay sao? Lời của ngài nói: “Các lời mà ta đã truyền,... khá ân-cần dạy-dỗ... cho con-cái ngươi”. Và điều này cần phải làm mỗi ngày. Cha mẹ cần dành nhiều thì giờ cho con cái—và đặc biệt phải tỏ tình yêu thương và lòng quan tâm sâu đậm (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9).
14. a) Cha mẹ nên chăm lo cho con cái họ như thế nào? b) Sự dạy dỗ con cái đúng đắn bao gồm điều gì?
14 Kinh-thánh nhắc nhở chúng ta rằng con cái là cơ nghiệp từ Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 127:3). Bạn có chăm lo cho con cái của bạn như là tài sản của Đức Chúa Trời, một món quà mà ngài giao phó cho bạn không? Chắc chắn con bạn sẽ đáp ứng nếu bạn ôm nó vào lòng, như thế cho thấy sự chăm lo và lòng quan tâm đầy yêu thương của bạn (Mác 10:16). Nhưng ‘dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo’ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ giản dị ôm và hôn nó. Để có được sự khôn ngoan hầu tránh những cạm bẫy trong cuộc sống, một đứa trẻ cũng cần sự sửa trị đầy yêu thương. Cha mẹ biểu lộ tình yêu thương chân thật bằng cách ‘cần lo sửa-trị nó’ (Châm-ngôn 13:1, 24; 22:6).
15. Điều gì cho thấy sự sửa trị của cha mẹ là cần thiết?
15 Lời miêu tả của một cố vấn trường học về những người trẻ đến văn phòng bà cho thấy sự sửa trị của cha mẹ là cần thiết: “Chúng đáng thương, buồn nản và bất lực. Chúng vừa khóc vừa kể về tình cảnh thật sự như thế nào. Nhiều đứa—nhiều hơn là người ta nghĩ—toan tính tự tử, chẳng phải vì chúng quá hạnh phúc khiến chúng không chịu nổi; nhưng vì chúng cảm thấy quá khổ sở, bị bỏ bơ vơ và căng thẳng vì ở cái tuổi non nớt ấy mà chúng phải ‘tự xoay xở’ và điều này quá sức của chúng”. Bà nói tiếp: “Cảm thấy mình phải đảm trách sự việc là một mối sợ hãi đối với người trẻ”. Đành rằng con trẻ có thể cố lẩn tránh kỷ luật, nhưng chúng thực sự quí trọng sự hướng dẫn và giới hạn mà cha mẹ đặt ra. Chúng sung sướng là cha mẹ quan tâm đến độ đặt ra giới hạn cho mình. Một em trong tuổi vị thành niên có cha mẹ đã làm thế nói: “Điều này làm cho em thấy nhẹ nhỏm biết mấy”.
16. a) Điều gì xảy ra cho một số con cái được nuôi dưỡng trong gia đình tín đồ đấng Christ? b) Tại sao con đường ương ngạnh của đứa con không nhất thiết có nghĩa là sự dạy dỗ của cha mẹ là xấu?
16 Tuy nhiên, dù được cha mẹ yêu thương và dạy dỗ tốt, một số người trẻ giống như người con phá của trong lời ví dụ của Giê-su, bỏ lời hướng dẫn của cha mẹ và đi lầm đường (Lu-ca 15:11-16). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ đã không làm tròn trách nhiệm giáo huấn con cái một cách đúng đắn, như Châm-ngôn 22:6 chỉ bảo. Câu nói ‘dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo và nó không hề lìa-khỏi đó’ là một qui tắc chung. Đáng buồn thay, giống như người con phá của, sẽ có một số con cái ‘khinh sự vâng lời đối với cha mẹ mình’ (Châm-ngôn 30:17).
17. Cha mẹ của những người con ương ngạnh có thể tìm được sự an ủi từ đâu?
17 Cha của một đứa con ương ngạnh than van: “Tôi đã cố gắng hết sức để động lòng nó. Tôi không biết làm gì hơn vì tôi đã làm đủ mọi cách rồi. Tất cả đều vô ích”. Hy vọng với thời gian, những con ương ngạnh ấy sẽ nhớ lại sự giáo huấn đầy yêu thương mà chúng đã nhận được và trở về như người con phá của đã làm. Tuy vậy, sự kiện vẫn là một số con cái chống lại cha mẹ và phạm những điều vô luân làm cha mẹ của chúng đau lòng xé ruột. Các bậc mẹ có thể được an ủi khi biết rằng ngay cả thầy dạy vĩ đại nhất từng sống trên đất đã thấy học trò lâu năm của ngài là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản lại ngài. Và chính Đức Giê-hô-va chắc hẳn đã buồn bã khi nhiều con thần linh của ngài từ bỏ lời khuyên và tỏ ra phản loạn dù lỗi không phải tại ngài (Lu-ca 22:47, 48; Khải-huyền 12:9).
Con cái—Các bạn sẽ làm vui lòng ai?
18. Làm thế nào con cái có thể cho thấy rằng chúng đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu?
18 Đức Giê-hô-va khuyên những người trẻ: “Hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa” (Ê-phê-sô 6:1). Những người trẻ đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu khi làm theo điều này. Đừng ngu dại! Lời Đức Chúa Trời nói: “Kẻ ngu-dại khinh sự khuyên-dạy của cha mình”. Cũng đừng nên kiêu căng nghĩ rằng bạn có thể sống mà không cần kỷ luật. Sự thật là “có một dòng-dõi tư-tưởng mình thánh-sạch, song chưa được rửa sạch nhơ-bởn mình” (Châm-ngôn 15:5; 30: 12). Vậy hãy nghe theo lời hướng dẫn của Đức Chúa Trời—“nghe”, “đành-giữ”, “chớ quên”, “khá chú ý vào”, “giữ” và “chớ lìa-bỏ” điều răn và sự sửa trị của cha mẹ (Châm-ngôn 1:8; 2:1; 3:1; 4:1; 6:20).
19. a) Con cái có những lý do mạnh mẽ nào để vâng phục Đức Giê-hô-va? b) Làm sao những người trẻ có thể cho thấy rằng chúng biết ơn Đức Chúa Trời?
19 Bạn có lý do mạnh mẽ để vâng phục Đức Giê-hô-va. Ngài yêu thương bạn, và ngài ban cho những điều luật, kể cả điều luật bảo con cái phải vâng lời cha mẹ, để che chở bạn và giúp cho bạn vui hưởng một đời sống hạnh phúc (Ê-sai 48:17). Ngài cũng hy sinh Con ngài để chết cho bạn để bạn có thể được cứu khỏi tội lỗi và sự chết và hưởng được sự sống đời đời (Giăng 3:16). Bạn có biết ơn không? Đức Chúa Trời đang quan sát từ trên trời, dò xét lòng bạn để xem bạn có thật sự yêu thương ngài và quí trọng sự sắp đặt của ngài hay không (Thi-thiên 14:2). Sa-tan cũng đang quan sát, và hắn đã sỉ nhục Đức Chúa Trời, cho rằng bạn sẽ không vâng lời ngài. Bạn làm cho Sa-tan vui lòng và Đức Giê-hô-va “đau lòng” khi bạn không vâng lời ngài (Thi-thiên 78:40, 41, NW). Đức Giê-hô-va kêu gọi bạn: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha [bằng cách nghe lời cha], để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha” (Châm-ngôn 27:11). Vậy, câu hỏi là Bạn sẽ làm vui lòng ai, Sa-tan hay Đức Giê-hô-va?
20. Làm thế nào một em trẻ tiếp tục can đảm phụng sự Đức Giê-hô-va ngay cả khi em thấy sợ?
20 Không dễ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời khi đứng trước những áp lực mà Sa-tan và thế gian của hắn ép bạn phải chịu. Điều này có thể làm bạn sợ hãi. Một người trẻ nhận xét: “Bị sợ hãi cũng giống như bị lạnh vậy. Bạn có thể xoay xở được”. Em giải thích: “Khi bạn thấy lạnh, bạn mặc áo lạnh vào. Nếu còn thấy lạnh, bạn mặc thêm một cái nữa. Và bạn tiếp tục mặc vào cho đến chừng nào cái lạnh tan biến đi và bạn không còn thấy lạnh nữa. Vậy cầu nguyện Đức Giê-hô-va khi bạn sợ hãi cũng giống như là mặc áo lạnh vào khi bạn thấy lạnh. Nếu sau khi cầu nguyện một lần mà tôi còn thấy sợ, tôi cứ tiếp tục cầu nguyện nhiều lần cho đến chừng nào tôi không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Và điều này đã có hiệu quả. Nó đã giúp tôi tránh được khó khăn!”
21. Đức Giê-hô-va sẽ ủng hộ chúng ta như thế nào nếu chúng ta thật sự cố gắng đặt ngài lên hàng đầu trong đời sống của mình?
21 Nếu chúng ta thật sự cố gắng đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống, ngài sẽ ủng hộ chúng ta. Ngài sẽ tiếp sức cho chúng ta, khiến các thiên sứ giúp đỡ khi cần thiết, như ngài đã làm cho Con ngài (Ma-thi-ơ 18:10; Lu-ca 22:43). Hỡi tất cả các bậc cha mẹ và con cái, hãy can đảm lên. Hãy có sự kính sợ Đức Chúa Trời giống như đấng Christ đã có, và điều này sẽ mang lại cho bạn niềm vui (Ê-sai 11:3). Đúng vậy, “khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài, ấy là trọn phận-sự của ngươi” (Truyền-đạo 12:13).
Bạn có thể trả lời không?
◻ Các môn đồ thời ban đầu của Giê-su cần phải giữ thăng bằng giữa những trách nhiệm nào?
◻ Cha mẹ tín đồ đấng Christ phải làm tròn trách nhiệm nào?
◻ Trưởng lão tín đồ đấng Christ có gia đình được sự trợ giúp nào?
◻ Các chị có thể thực hiện công việc quí báu nào trong hội thánh?
◻ Lời khuyên và sự hướng dẫn nào là thiết yếu cho con cái nghe theo?
[Hình nơi trang 15]
Nhiều khi một chị tín đồ thành thục có thể giúp một chị trẻ tuổi cần được giúp đỡ
[Hình nơi trang 17]
Cha mẹ có con cái ương ngạnh có thể tìm được niềm an ủi nào trong Kinh-thánh?