Phi-lê-môn và Ô-nê-sim—Hợp nhất trong tình anh em tín đồ Đấng Christ
MỘT trong các lá thư của Phao-lô được Đức Chúa Trời soi dẫn đề cập đến một vấn đề tế nhị liên quan đến hai người đàn ông. Một người là Phi-lê-môn và người kia là Ô-nê-sim. Hai người này là ai? Điều gì đã khiến Phao-lô chú ý đến tình thế của họ?
Phi-lê-môn, người nhận được lá thư, sống ở Cô-lô-se trong miền Tiểu Á. Khác với nhiều tín đồ đấng Christ sống trong cùng địa phương, Phi-lê-môn quen biết sứ đồ Phao-lô, vì đã đón nhận tin mừng nhờ hoạt động rao giảng của sứ đồ (Cô-lô-se 1:1; 2:1). Phao-lô từng biết ông là ‘người rất yêu-dấu và cùng làm việc’. Phi-lê-môn là một gương về đức tin và tình yêu thương. Ông hiếu khách và là nguồn khích lệ cho anh em tín đồ đấng Christ. Phi-lê-môn hiển nhiên cũng là một người khá giả, vì nhà ông đủ lớn để hội thánh địa phương có thể nhóm họp. Có người cho rằng Áp-bi và A-chíp, hai người khác được đề cập trong lá thư của Phao-lô, có lẽ là vợ ông và con trai ông. Phi-lê-môn cũng có ít nhất một người nô lệ tên là Ô-nê-sim (Phi-lê-môn 1, 2, 5, 7, 19b, 22).
Một người đào tẩu sống tại Rô-ma
Kinh-thánh không nói cho chúng ta biết tại sao Ô-nê-sim lại sống xa chủ tới hơn 1.400 kilômét và sống với Phao-lô ở Rô-ma, nơi mà Phao-lô viết lá thư gửi cho Phi-lê-môn vào khoảng năm 61 CN. Nhưng Phao-lô nói với Phi-lê-môn: “Nhược bằng người [Ô-nê-sim] có làm hại anh hoặc mắc nợ anh điều chi, thì hãy cứ kể cho tôi” (Phi-lê-môn 18). Những lời này cho thấy rõ rằng Ô-nê-sim gặp rắc rối với chủ là Phi-lê-môn. Lá thư của Phao-lô được viết ra với mục đích giải hòa hai người này.
Có người cho rằng Ô-nê-sim đã đào tẩu sau khi ăn cắp tiền của Phi-lê-môn và dùng số tiền này để trốn đi Rô-ma. Ở đó ông muốn trà trộn vào đám đông.a Trong thế giới Hy Lạp-La Mã, những kẻ nô lệ đào tẩu gây ra vấn đề không chỉ đối với chủ mà lại còn cho cả guồng máy hành chính nữa. Người ta bảo rằng Rô-ma từng “nổi tiếng là sào huyệt thường xuyên” của những kẻ nô lệ đào tẩu.
Làm sao Phao-lô đã gặp được Ô-nê-sim? Kinh-thánh không nói cho chúng ta biết. Tuy nhiên, sau khi nếm được mùi tự do được một thời gian rồi, Ô-nê-sim có lẽ cảm thấy rằng ông đã tự đặt mình vào một vị thế cực kỳ nguy hiểm. Ở trong thành Rô-ma có những toán cảnh sát đặc biệt chuyên truy nã những kẻ nô lệ đào tẩu, một tội nặng nhất trong luật cổ. Theo ông Gerhard Friedrich, “những kẻ đào tẩu nào bị bắt được thì thường bị đóng dấu trên trán bằng sắt nướng đỏ. Họ thường bị tra tấn..., bị quăng cho thú trong các đoàn xiếc ăn thịt, hoặc bị đóng đinh trên cây thập tự nhằm làm gương cho kẻ nô lệ khác sợ”. Friedrich cho rằng có thể sau khi Ô-nê-sim xài hết tiền đã ăn cắp và hoài công tìm kiếm một nơi ẩn náu hoặc việc làm, ông đã năn nỉ Phao-lô che chở và đứng ra can thiệp giùm vì đã nghe nhắc đến danh tánh của Phao-lô trong nhà của Phi-lê-môn.
Những người khác thì tin rằng Ô-nê-sim đã cố ý chạy trốn đến nhà một người bạn của chủ, hy vọng rằng nhờ uy tín của người đó ông có thể nối lại mối giao hảo với chủ sau khi chủ đã có lý do chính đáng nào đó để giận ông. Các tài liệu lịch sử cho thấy rằng đó là “phương kế rất thường được những kẻ nô lệ dùng đến khi gặp rắc rối”. Nếu vậy thì theo học giả Brian Rapske, Ô-nê-sim có lẽ đã ăn cắp “để tiện bề đi đến với Phao-lô nhờ ông dàn xếp cho ổn thỏa với chủ hơn là đã lập mưu chạy thoát”.
Phao-lô tiếp tay
Dù cho Ô-nê-sim chạy trốn vì lý do gì đi chăng nữa, ông hiển nhiên đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Phao-lô để giảng hòa với chủ đang giận. Điều đó khiến Phao-lô thấy khó xử. Trước mặt ông là một người từng làm nô lệ không tin đạo đã trốn chủ và vi phạm tội hình. Sứ đồ có nên tìm cách giúp người đó và khuyên bạn ông là tín đồ đấng Christ đừng hành sử quyền hợp pháp của mình để trừng phạt nặng người đầy tớ hay không? Phao-lô phải làm gì đây?
Vào lúc Phao-lô viết thư cho Phi-lê-môn, kẻ đào tẩu hiển nhiên đã ở với sứ đồ được một thời gian rồi. Thời gian đó hẳn là khá lâu nên Phao-lô mới có thể nói rằng Ô-nê-sim đã trở thành một người ‘anh em rất yêu’ (Cô-lô-se 4:9). Phao-lô nói về mối liên hệ thiêng liêng với Ô-nê-sim: “Tôi vì con tôi đã sanh trong vòng xiềng-xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài-xin anh”. Chắc chắn Phi-lê-môn không thể nào ngờ được rằng sự can thiệp của Phao-lô sẽ dẫn tới kết quả này. Sứ đồ Phao-lô nói rằng kẻ nô lệ trước kia “không ích gì”, nay trở về nhà chủ với tư cách anh em tín đồ đấng Christ. Giờ đây Ô-nê-sim sẽ “ích lắm”, như vậy xứng đáng với ý nghĩa của tên mình (Phi-lê-môn 1, 10-12).
Ô-nê-sim đã trở nên rất hữu ích cho sứ đồ trong lúc sứ đồ bị cầm tù. Thật thế, Phao-lô muốn giữ Ô-nê-sim lại với mình lắm, nhưng ngoài việc làm như vậy là bất hợp pháp, còn có chuyện xâm phạm quyền lợi của Phi-lê-môn (Phi-lê-môn 13, 14). Trong một lá thư khác, viết vào khoảng cùng lúc với thư đó, được gửi đến hội thánh họp tại nhà Phi-lê-môn, Phao-lô gọi Ô-nê-sim là “anh em trung-tín và rất yêu của chúng tôi, tức là người đồng-xứ với anh em”. Điều này cho thấy rằng Ô-nê-sim đã chứng tỏ đáng tín nhiệm rồi (Cô-lô-se 4:7-9).b
Phao-lô khuyến khích Phi-lê-môn tiếp rước Ô-nê-sim tử tế nhưng ông không cậy quyền sứ đồ để ra lệnh cho Phi-lê-môn làm như thế hoặc để bắt Phi-lê-môn phải thả nô lệ của mình. Dựa trên tình bạn và tình thương hỗ tương, Phao-lô chắc chắn rằng Phi-lê-môn hẳn sẽ “làm quá” sự mà Phao-lô nhờ ông làm (Phi-lê-môn 21). “Làm quá” ở đây có thể có nghĩa mơ hồ bởi vì chỉ Phi-lê-môn mới có thể quyết định đối xử ra sao với Ô-nê-sim. Một số người biện giải những lời của Phao-lô như là một lời yêu cầu hiểu ngầm để người đào tẩu được ‘gửi trả lại hầu có thể tiếp tục giúp Phao-lô như Ô-nê-sim đã bắt đầu giúp rồi’.
Liệu Phi-lê-môn có chấp nhận lời Phao-lô khẩn khoản xin cho Ô-nê-sim không? Dường như ông đã bằng lòng, dù chuyện này có thể làm cho các chủ nô lệ khác ở Cô-lô-se bất bình, vì họ thích thấy Ô-nê-sim bị trừng phạt để làm gương và ngăn ngừa những nô lệ của họ bắt chước Ô-nê-sim.
Ô-nê-sim—Một người đã đổi khác
Dù sao đi nữa, Ô-nê-sim trở về Cô-lô-se với một nhân cách mới. Lối suy nghĩ của ông đã biến đổi nhờ quyền lực của tin mừng. Chắc chắn ông đã trở thành một thành viên trung tín của hội thánh đấng Christ trong thành ấy. Kinh-thánh không cho biết Ô-nê-sim cuối cùng có được Phi-lê-môn phóng thích hay không. Tuy nhiên, theo một quan điểm thiêng liêng, người nô lệ đào tẩu trước kia đã trở thành một người tự do. (So sánh I Cô-rinh-tô 7:22). Ngày nay cũng có những sự biến đổi tương tự. Khi người ta áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh vào đời sống, thì tình thế và nhân cách sẽ thay đổi theo. Những người trước kia bị xem là vô tích sự cho xã hội, nay được giúp để trở thành công dân gương mẫu.c
Việc cải đạo vì đức tin thật đã đem lại một sự khác biệt lớn thay! Trong khi Ô-nê-sim trước kia “không ích gì” cho Phi-lê-môn, nhưng nay Ô-nê-sim chắc chắn sống xứng đáng với danh tánh mình là người “ích lắm”. Việc Phi-lê-môn và Ô-nê-sim được hợp nhất trong tình anh em tín đồ đấng Christ quả là một ân phước.
[Chú thích]
a Luật pháp La Mã định nghĩa servus fugitivus (nô lệ đào tẩu) là ‘một kẻ trốn chủ mà đi, với ý định không trở về với chủ nữa’.
b Trên đường trở lại Cô-lô-se, hiển nhiên Ô-nê-sim và Ti-chi-cơ đã được giao cho ba lá thư của Phao-lô, nay thuộc về bộ sách Kinh-thánh được công nhận. Ngoài lá thư viết cho Phi-lê-môn, cũng có thư của Phao-lô gửi người Ê-phê-sô và Cô-lô-se nữa.
c Để có thí dụ điển hình, xin xem Awake!, ngày 22-6-1996, trang 18-23; ngày 8-3-1997, trang 11-13; Tháp Canh, ngày 1-8-1989 (Anh ngữ), trang 30, 31; ngày 15-2-1997, trang 21-24.
[Khung nơi trang 30]
Chế độ nô lệ La Mã
Dưới pháp chế La Mã có hiệu lực trong thế kỷ thứ nhất CN, quyền sống chết của người nô lệ hoàn toàn nằm trong tay chủ; chủ có thể đãi đầy tớ tùy hứng, tùy tính khí của mình. Theo nhà bình luận Gerhard Friedrich, “xét về cơ bản và pháp lý, kẻ nô lệ không phải là một người, mà là một vật chủ có thể tự tiện sử dụng tùy ý... [Kẻ đó] bị đặt ngang hàng với loài gia súc và dụng cụ và không hề được luật pháp che chở”. Một kẻ nô lệ không thể thưa kiện về bất cứ sự bất công nào mình phải gánh chịu. Nói giản dị thì kẻ nô lệ phải thi hành mệnh lệnh của chủ. Hình phạt mà người chủ nổi giận muốn bày ra thì vô giới hạn. Thậm chí chỉ vì một lỗi nhẹ, chủ có toàn quyền cho sống hay bắt phải chết.*
Trong khi người giàu có thể có tới hàng trăm nô lệ, thì ngay cả những người tương đối khá giả cũng có thể có hai hoặc ba nô lệ. Học giả John Barclay nói: “Nô lệ hầu việc nhà phải làm đủ loại công chuyện. Có nô lệ làm người giữ nhà, người khác thì nấu ăn, người thì làm bồi bàn, quét dọn, đưa thư, giữ em, làm vú nuôi và hầu việc lặt vặt riêng cho chủ, ấy là chưa kể đến những nghề khác nhau có thể nghĩ ra trong một nhà rộng lớn và giàu có... Trên thực tế thì phẩm chất của đời sống kẻ nô lệ giúp việc trong nhà tùy thuộc rất nhiều vào tính tình của chủ. Nếu gặp chủ ác thì nô lệ phải chịu khổ sở cùng cực, nhưng nếu gặp chủ hiền và rộng lượng thì nô lệ được dễ chịu và có hy vọng. Đã có nhiều trường hợp nổi tiếng về cách đối xử tàn nhẫn ghi trong các sách văn chương cổ điển, nhưng cũng có đầy dẫy những văn tự làm chứng về cảm tình nồng hậu giữa một số chủ và tớ”.
*Bàn về chế độ nô lệ trong dân tộc của Đức Chúa Trời vào thời xưa, xin xem sách Insight on the Scriptures, Quyển 2, trang 977-979, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc., xuất bản.