Giơ tay trung thành cầu nguyện
“Ta muốn những người đàn-ông đều giơ tay thánh-sạch [trung thành, NW] lên trời, mà cầu-nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận-dữ và cãi-cọ”.—1 TI-MÔ-THÊ 2:8.
1, 2. (a) Câu 1 Ti-mô-thê 2:8 áp dụng như thế nào cho lời cầu nguyện của dân Đức Giê-hô-va? (b) Bây giờ chúng ta xem xét điều gì?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA mong muốn dân Ngài trung thành với Ngài và trung thành với nhau. Sứ đồ Phao-lô liên kết tính trung thành với việc cầu nguyện khi ông nói: “Ta muốn những người đàn-ông đều giơ tay thánh-sạch [trung thành, NW] lên trời, mà cầu-nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận-dữ và cãi-cọ”. (1 Ti-mô-thê 2:8) Rõ ràng là Phao-lô muốn nói tới sự cầu nguyện trước công chúng “khắp mọi nơi” mà tín đồ Đấng Christ nhóm lại. Ai sẽ đại diện dân của Đức Chúa Trời cầu nguyện tại buổi họp hội thánh? Chỉ có những người đàn ông thánh thiện, công bình và đáng trọng, cẩn thận vâng giữ mọi bổn phận đối với Đức Chúa Trời theo cách Kinh Thánh dạy. (Truyền-đạo 12:13, 14) Họ là những người thanh sạch về thiêng liêng và đạo đức và rõ ràng tận tụy với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
2 Nhất là các trưởng lão hội thánh nên ‘giơ tay trung thành lên trời mà cầu nguyện’. Lời cầu nguyện hết lòng qua trung gian Chúa Giê-su Christ biểu lộ lòng trung thành với Đức Chúa Trời và giúp họ tránh cãi cọ và tức giận. Thật vậy, bất cứ người nào có đặc ân đại diện hội thánh tín đồ Đấng Christ để cầu nguyện công cộng không được giận dữ, có ý xấu và bất trung với Đức Giê-hô-va và tổ chức của Ngài. (Gia-cơ 1:19, 20) Kinh Thánh có thêm những hướng dẫn nào cho những người được đặc ân đại diện người khác dâng lời cầu nguyện trước công chúng? Và một số nguyên tắc nào của Kinh Thánh mà chúng ta nên áp dụng khi cầu nguyện riêng và cầu nguyện với gia đình?
Suy nghĩ trước khi cầu nguyện
3, 4. (a) Tại sao suy nghĩ trước khi cầu nguyện trước công chúng là có lợi? (b) Kinh Thánh cho biết điều gì về lời cầu nguyện dài hay ngắn?
3 Nếu được mời cầu nguyện trước công chúng, có lẽ chúng ta có thì giờ suy nghĩ mình sẽ nói gì trước khi cầu nguyện. Làm vậy có thể giúp chúng ta nói những vấn đề quan trọng và thích hợp mà không cần dài dòng. Dĩ nhiên chúng ta cũng có thể nói lớn tiếng khi cầu nguyện riêng. Những lời này dài ngắn tùy ý. Chúa Giê-su đã dành nguyên đêm để cầu nguyện trước khi chọn 12 sứ đồ. Tuy nhiên, khi thiết lập Lễ Kỷ Niệm sự chết của ngài, dường như ngài cầu nguyện ngắn gọn về bánh và rượu. (Mác 14:22-24; Lu-ca 6:12-16) Và chúng ta biết rằng ngay cả lời cầu nguyện ngắn của Chúa Giê-su cũng được Đức Chúa Trời chấp nhận.
4 Giả sử chúng ta có đặc ân đại diện những người trong gia đình cầu nguyện trước bữa ăn. Những lời cầu nguyện đó có thể tương đối ngắn—nhưng dù nói gì đi nữa, chúng ta cũng nên cám ơn về đồ ăn. Nếu cầu nguyện trước hoặc sau một buổi họp của đạo Đấng Christ, chúng ta không cần phải dâng lời cầu nguyện dài bao gồm nhiều điều. Chúa Giê-su chỉ trích các thầy thông giáo là những người “làm bộ đọc lời cầu-nguyện dài”. (Lu-ca 20:46, 47) Một người tin kính không bao giờ muốn làm như thế. Tuy nhiên, đôi khi lời cầu nguyện trước công chúng tương đối dài lại có thể thích hợp. Chẳng hạn như một trưởng lão được chọn để dâng lời cầu nguyện bế mạc tại một hội nghị nên suy nghĩ trước và có thể đề cập đến nhiều điểm. Nhưng ngay cả lời cầu nguyện đó không nên dài quá mức.
Lấy lòng tôn kính đến gần Đức Chúa Trời
5. (a) Chúng ta nên nhớ điều gì khi cầu nguyện trước công chúng? (b) Tại sao phải cầu nguyện một cách kính cẩn và trang nghiêm?
5 Khi cầu nguyện trước công chúng, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta không nói với loài người. Nhưng chúng ta là tạo vật tội lỗi đang nài xin Chúa Tối Thượng Giê-hô-va. (Thi-thiên 8:3-5, 9; 73:28) Thế thì chúng ta nên tỏ sự tôn kính không làm phật lòng Ngài qua những gì chúng ta nói và trình bày với Ngài. (Châm-ngôn 1:7) Đa-vít hát trong bài Thi-thiên: “Còn tôi, nhờ sự nhân-từ dư-dật của Chúa, tôi sẽ vào nhà Chúa, lấy lòng kính-sợ Chúa mà thờ-lạy trước đền thánh của Chúa”. (Thi-thiên 5:7) Nếu có tâm thần đó, chúng ta sẽ nói gì khi được mời dâng lời cầu nguyện trước công chúng tại buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va? Nếu chúng ta tâu cùng một vị vua trên đất, chúng ta phải có cung cách kính cẩn. Thế thì chẳng phải chúng ta lại càng nên kính cẩn hơn khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, ‘Vua Muôn Đời’, hay sao? (Khải-huyền 15:3) Vậy khi cầu nguyện, chúng ta nên tránh những câu như: “Chào Đức Giê-hô-va”, “Chúng con chuyển lời yêu thương đến Cha”, “Chúc Cha một ngày vui vẻ”. Kinh Thánh cho thấy rằng Con một của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, không bao giờ nói với Cha trên trời như thế.
6. Chúng ta nên nhớ gì khi “đến gần ngôi ân phước”?
6 Phao-lô nói: “Chúng ta hãy nói năng dạn dĩ khi đến gần ngôi ân phước”. (Hê-bơ-rơ 4:16, NW) Chúng ta có thể đến gần Đức Giê-hô-va và “nói năng dạn dĩ” dù còn ở trong tình trạng tội lỗi, bởi vì chúng ta có đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ. (Công-vụ các Sứ-đồ 10:42, 43; 20:20, 21) Nhưng “nói năng dạn dĩ” như thế không có nghĩa là tán gẫu với Đức Chúa Trời; và chúng ta cũng không nên nói những điều bất kính với Ngài. Nếu muốn lời cầu nguyện trước công chúng làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta phải dâng lên một cách kính cẩn và trang nghiêm. Và không thích hợp khi dùng lời cầu nguyện để thông báo điều gì, khuyên lơn người nào, hoặc khuyên bảo cử tọa.
Cầu nguyện với tinh thần khiêm nhường
7. Sa-lô-môn biểu lộ lòng khiêm nhường khi cầu nguyện vào dịp khánh thành đền thờ Đức Giê-hô-va như thế nào?
7 Dù cầu nguyện riêng tư hay trước công chúng, một nguyên tắc quan trọng của Kinh Thánh mà chúng ta nên nhớ là phải tỏ thái độ khiêm nhường trong lời cầu nguyện. (2 Sử-ký 7:13, 14) Vua Sa-lô-môn biểu lộ lòng khiêm nhường khi cầu nguyện trước công chúng vào dịp khánh thành đền thờ Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem. Sa-lô-môn vừa xây xong một trong những công trình nguy nga tráng lệ nhất trên đất. Nhưng vua khiêm nhường cầu nguyện: “Quả thật rằng Đức Chúa Trời ngự trên đất nầy chăng? Kìa, trời, dầu đến đỗi trời của các từng trời chẳng có thể chứa Ngài được thay, phương chi cái đền nầy tôi đã cất!”—1 Các Vua 8:27.
8. Có vài cách nào để tỏ lòng khiêm nhường khi cầu nguyện trước công chúng?
8 Như Sa-lô-môn, chúng ta nên khiêm nhường khi đại diện người khác cầu nguyện trước công chúng. Mặc dù nên tránh nói những lời nghe như đạo đức giả, chúng ta có thể tỏ lòng khiêm nhường bằng giọng nói. Những lời cầu nguyện khiêm nhường không khoa trương hoặc thống thiết quá. Những lời ấy phải làm cho người ta chú ý đến Đấng mà mình cầu nguyện chứ không phải người đang cầu nguyện. (Ma-thi-ơ 6:5) Những gì chúng ta nói khi cầu nguyện cũng cho thấy mình có tính khiêm nhường. Nếu cầu nguyện một cách khiêm nhường, chúng ta sẽ không nói như thể là đòi hỏi Đức Chúa Trời phải làm theo ý mình. Trái lại, chúng ta sẽ nài xin Đức Giê-hô-va hành động theo cách phù hợp với ý muốn thánh của Ngài. Người viết Thi-thiên cho thấy ông có thái độ đúng khi nài xin: “Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy cứu; Đức Giê-hô-va ơi, xin ban cho chúng tôi được thới-thịnh”.—Thi-thiên 118:25; Lu-ca 18:9-14.
Cầu nguyện từ lòng
9. Chúa Giê-su cho lời khuyên tốt lành nào nơi Ma-thi-ơ 6:7, và chúng ta có thể áp dụng lời đó như thế nào?
9 Nếu muốn lời cầu nguyện của chúng ta, dù nói riêng hay trước công chúng, làm hài lòng Đức Giê-hô-va, những lời ấy phải xuất phát từ lòng. Vì vậy chúng ta không nên chỉ lặp đi lặp lại công thức cầu nguyện mà không suy nghĩ về những điều chúng ta nói. Chúa Giê-su khuyên trong Bài Giảng trên Núi: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng những lời lặp vô-ích như người ngoại; vì họ [lầm] tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm”. Nói cách khác, Chúa Giê-su bảo: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải”.—Ma-thi-ơ 6:7, Tòa Tổng Giám Mục.
10. Tại sao cầu nguyện nhiều lần về cùng một vấn đề là thích hợp?
10 Dĩ nhiên, chúng ta có thể cần cầu nguyện nhiều lần về cùng một vấn đề. Và điều này không có gì sai bởi vì Chúa Giê-su khuyên: “Hãy tiếp tục xin, sẽ được; hãy tiếp tục tìm, sẽ gặp; hãy tiếp tục gõ cửa, sẽ mở cho”. (Ma-thi-ơ 7:7, NW) Có lẽ chúng ta cần một Phòng Nước Trời mới bởi vì Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc rao giảng tại địa phương. (Ê-sai 60:22) Tiếp tục nói đến nhu cầu này khi cầu nguyện riêng hoặc khi cầu nguyện trước công chúng tại buổi họp của dân tộc Đức Giê-hô-va là điều thích hợp. Làm thế không có nghĩa là chúng ta “dùng những lời lặp vô-ích”.
Hãy nhớ cảm tạ và ca ngợi
11. Phi-líp 4:6, 7 áp dụng cho lời cầu nguyện riêng và trước công chúng như thế nào?
11 Nhiều người cầu nguyện chỉ để xin một điều nào đó, nhưng tình yêu thương đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến chúng ta muốn cảm tạ và ca ngợi Ngài trong khi cầu nguyện riêng và trước công chúng. Phao-lô viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Đúng vậy, ngoài những lời cầu nguyện nài xin, chúng ta nên cảm tạ Đức Giê-hô-va về những ân phước thiêng liêng và vật chất. (Châm-ngôn 10:22) Người viết Thi-thiên hát: “Hãy dâng sự cảm-tạ làm của-lễ cho Đức Chúa Trời, và trả sự hứa-nguyện ngươi cho Đấng Chí-Cao”. (Thi-thiên 50:14) Và những bài hát chân thành của Đa-vít gồm có những lời này: “Tôi sẽ dùng bài hát mà ngợi-khen danh Đức Chúa Trời, và lấy sự cảm-tạ mà tôn-cao Ngài”. (Thi-thiên 69:30) Chẳng lẽ chúng ta lại không làm như thế khi cầu nguyện riêng và trước công chúng hay sao?
12. Thi-thiên 100:4, 5 được ứng nghiệm ngày nay như thế nào, và do đó chúng ta có thể cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa Trời về điều gì?
12 Người viết Thi-thiên hát về Đức Chúa Trời: “Hãy cảm-tạ mà vào các cửa Ngài. Hãy ngợi-khen mà vào hành-lang Ngài, khá cảm-tạ Ngài, chúc-tụng danh của Ngài. Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân-từ Ngài hằng có mãi mãi, và sự thành-tín Ngài còn đến đời đời”. (Thi-thiên 100:4, 5) Ngày nay, mọi dân đang vào hành lang của nơi thánh Đức Giê-hô-va, và chúng ta có thể cảm tạ và ca ngợi Ngài về điều này. Bạn có nói lên lòng biết ơn Đức Chúa Trời về Phòng Nước Trời địa phương và tỏ lòng biết ơn bằng cách đều đặn họp lại với những người yêu mến Ngài không? Tại đó, bạn có hết lòng cất tiếng ca hát ngợi khen và cảm tạ Cha yêu thương trên trời không?
Chớ bao giờ hổ thẹn cầu nguyện
13. Thí dụ nào trong Kinh Thánh cho thấy chúng ta nên van xin Đức Giê-hô-va dù tội lỗi khiến mình cảm thấy không xứng đáng?
13 Dù tội lỗi khiến mình cảm thấy không xứng đáng, chúng ta cũng nên đến với Đức Chúa Trời bằng cách tha thiết van xin. Khi những người Do Thái phạm tội vì đã lấy vợ ngoại, E-xơ-ra đã quì xuống, giơ tay trung thành lên và khiêm nhường cầu nguyện Đức Chúa Trời: “Ồ, Đức Chúa Trời tôi! tôi hổ ngươi thẹn mặt, chẳng dám ngước mặt lên Ngài, là Đức Chúa Trời tôi; vì gian-ác chúng tôi đã thêm nhiều quá đầu chúng tôi, và tội chúng tôi cao lớn tận trời. Từ ngày tổ-phụ chúng tôi cho đến ngày nay, chúng tôi đã cực-cùng phạm-tội... Vả, sau những tai-họa đã giáng trên chúng tôi, tại các sự hành-ác và tội trọng của chúng tôi,—mà lại, hỡi Đức Chúa Trời của chúng tôi ôi! thật Chúa chẳng có phạt chúng tôi cho đáng như tội chúng tôi, và đã ban cho chúng tôi được phần sót lại dường này;—vậy có lẽ nào chúng tôi lại phạm các điều-răn của Chúa nữa, kết-bạn [kết hôn, NW] với các dân-tộc vẫn làm những sự gớm-ghiếc nầy sao? Vậy thì cơn thạnh-nộ Chúa há sẽ chẳng nổi lên cùng chúng tôi, tiêu-diệt chúng tôi, đến đỗi chẳng còn phần sót lại, cũng không ai thoát-khỏi hay sao? Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên ôi! Chúa vốn là công-bình; còn chúng tôi, chỉ một số ít người được thoát-khỏi, như đã thấy ngày nay: nầy chúng tôi ở trước mặt Chúa, mắc tội-lỗi nhiều; nhân đó, chẳng ai có thể đứng nổi trước mặt Ngài”.—E-xơ-ra 9:1-15; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4.
14. Như được chứng tỏ trong thời của E-xơ-ra, chúng ta phải làm gì để được Đức Chúa Trời tha thứ?
14 Muốn được Đức Chúa Trời tha thứ, chúng ta phải thú tội với Ngài và hối lỗi, sinh ra “kết-quả xứng-đáng với sự ăn-năn”. (Lu-ca 3:8; Gióp 42:1-6; Ê-sai 66:2) Trong thời của E-xơ-ra, những người tỏ thái độ ăn năn phải cố gắng sửa sai bằng cách bỏ những người vợ ngoại. (E-xơ-ra 10:44; so sánh 2 Cô-rinh-tô 7:8-13). Nếu muốn Đức Chúa Trời tha thứ tội trọng của chúng ta, hãy khiêm nhường cầu nguyện thú tội với Ngài và đồng thời sinh kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Một tâm thần ăn năn và mong muốn sửa sai cũng khiến chúng ta đến nhờ các trưởng lão đạo Đấng Christ giúp đỡ.—Gia-cơ 5:13-15.
Tìm an ủi qua lời cầu nguyện
15. Kinh nghiệm của An-ne cho thấy chúng ta có thể tìm an ủi qua lời cầu nguyện như thế nào?
15 Khi lòng chúng ta đau đớn vì lý do nào đó, chúng ta có thể tìm an ủi qua lời cầu nguyện. (Thi-thiên 51:17; Châm-ngôn 15:13) An-ne, một người trung thành, đã làm như thế. Bà sống vào thời gia đình Y-sơ-ra-ên thường có đông con, nhưng bà lại không con. Chồng bà là Ên-ca-na có con trai và con gái qua người vợ khác là Phê-ni-na, bà vợ này đã khiêu khích An-ne vì An-ne không con. An-ne cầu nguyện tha thiết và hứa rằng nếu được ban phước có một con trai thì ‘bà sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va’. Cảm thấy được an ủi nhờ cầu nguyện và nhờ lời của Thầy Tế Lễ Hê-li, An-ne ‘chẳng còn ra ưu-sầu nữa’. Bà sinh một con trai và đặt tên là Sa-mu-ên. Sau đó, bà đưa con đến phụng sự tại đền thờ Đức Giê-hô-va. (1 Sa-mu-ên 1:9-28) Biết ơn lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đối với bà, bà dâng lời cầu nguyện cảm tạ—một lời cầu nguyện ca ngợi Đức Giê-hô-va là một Đấng độc nhất vô nhị. (1 Sa-mu-ên 2:1-10) Như An-ne, chúng ta có thể tìm an ủi qua lời cầu nguyện, tin tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ nhậm mọi lời chúng ta xin phù hợp với ý muốn của Ngài. Khi trút nỗi lòng ra cho Ngài, chúng ta hãy cố “chẳng còn ra ưu-sầu nữa”, vì Ngài sẽ dẹp đi những gánh nặng hoặc giúp chúng ta chịu được.—Thi-thiên 55:22.
16. Như được chứng tỏ trong trường hợp của Gia-cốp, tại sao chúng ta nên cầu nguyện khi sợ hãi hoặc lo lắng?
16 Nếu có một tình thế làm mình sợ hãi, đau lòng, hoặc lo lắng, chúng ta hãy luôn đến với Đức Chúa Trời bằng lời cầu nguyện để được an ủi. (Thi-thiên 55:1-4) Gia-cốp rất lo sợ khi sắp gặp Ê-sau, người anh xa cách đã lâu. Nhưng Gia-cốp cầu nguyện: “Hỡi Đức Chúa Trời của tổ-phụ Áp-ra-ham tôi! Đức Chúa Trời của cha Y-sác tôi, tức là Đức Giê-hô-va! Ngài có phán dạy tôi rằng: Hãy trở về xứ ngươi và nơi bà-con ngươi, rồi ta sẽ làm ơn cho ngươi! Tôi lấy làm hèn-mọn không đáng chịu các ân-huệ và các điều thành-thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi-tớ Ngài; vì lúc trước khi qua sông Giô-đanh chỉ có cây gậy tôi, mà ngày nay tôi lại trở nên hai đội quân nầy. Vậy, cầu-xin Đức Chúa Trời giải-cứu tôi khỏi tay Ê-sau, anh tôi, vì e người đến đánh tôi và đánh luôn mẹ với con nữa. Vả, Ngài có nói rằng: Quả thật vậy, ta sẽ làm ơn cho ngươi, và làm cho dòng-dõi ngươi đông như cát bãi biển, người ta sẽ không biết sao đếm được, vì đông-đúc quá”. (Sáng-thế Ký 32:9-12) Ê-sau đã không đánh Gia-cốp và đoàn người đồng hành. Do đó, Đức Giê-hô-va đã “làm ơn” cho Gia-cốp vào dịp đó.
17. Phù hợp với Thi-thiên 119:52, lời cầu nguyện có thể đem lại sự an ủi như thế nào khi chúng ta bị thử thách gay go?
17 Trong khi nài xin, chúng ta có thể được an ủi bằng cách nhớ lại những điều ghi trong Lời Đức Chúa Trời. Trong bài Thi-thiên dài nhất—lời cầu nguyện hay đã được phổ nhạc—có lẽ Hoàng Tử Ê-xê-chia đã hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi đã nhớ lại mạng-lịnh Ngài khi xưa, nên tôi được an-ủi”. (Thi-thiên 119:52) Trong lúc cầu nguyện khiêm nhường khi bị thử thách gay go, chúng ta có thể nhớ lại một nguyên tắc hoặc luật pháp trong Kinh Thánh giúp chúng ta theo đuổi đường lối bảo đảm làm hài lòng Cha trên trời, và nhờ đó có được sự an ủi.
Những người trung thành bền lòng cầu nguyện
18. Tại sao có thể nói rằng “người nhân-đức đều cầu-nguyện cùng Chúa”?
18 Tất cả những người trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ “bền lòng mà cầu-nguyện”. (Rô-ma 12:12) Trong bài Thi-thiên 32, có lẽ được viết ra sau khi Đa-vít phạm tội với Bát-Sê-ba, ông miêu tả lòng đau đớn cực độ khi không tìm sự tha thứ của Đức Chúa Trời và cảm giác trút được nỗi khổ khi ăn năn và thú tội với Đức Chúa Trời. Rồi Đa-vít hát: “Bởi cớ ấy [vì Đức Giê-hô-va sẵn tha thứ cho người thật lòng ăn năn] phàm người nhân-đức đều cầu-nguyện cùng Chúa trong khi có thế gặp Ngài”.—Thi-thiên 32:6.
19. Tại sao chúng ta nên giơ tay trung thành cầu nguyện?
19 Nếu quí trọng mối quan hệ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ cầu nguyện để được Ngài thương xót dựa vào sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Chúng ta tin rằng mình có thể nói năng dạn dĩ khi đến gần ngôi ân phước để được Đức Chúa Trời thương xót và giúp đỡ đúng lúc. (Hê-bơ-rơ 4:16, NW) Nhưng chúng ta có nhiều lý do để cầu nguyện! Do đó, chúng ta hãy “cầu-nguyện không thôi”—thường nói lên những lời ca ngợi và biết ơn Đức Chúa Trời từ trong lòng. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17) Chúng ta hãy giơ tay trung thành cầu nguyện ngày đêm.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Suy nghĩ trước khi cầu nguyện trước công chúng có lợi ích nào?
◻ Tại sao chúng ta nên cầu nguyện một cách kính cẩn và trang nghiêm?
◻ Chúng ta nên biểu lộ tinh thần nào khi cầu nguyện?
◻ Khi cầu nguyện, tại sao chúng ta nên nhớ cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa Trời?
◻ Kinh Thánh cho thấy chúng ta có thể tìm an ủi qua lời cầu nguyện như thế nào?
[Hình nơi trang 17]
Vua Sa-lô-môn biểu lộ lòng khiêm nhường khi cầu nguyện trước công chúng vào dịp khánh thành đền thờ của Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 18]
Như An-ne, chúng ta có thể tìm an ủi qua lời cầu nguyện