“Hãy tỉnh thức trong việc cầu nguyện”
“Hãy biết suy xét, hãy tỉnh thức trong việc cầu nguyện”.—1 PHI 4:7.
1, 2. (a) Tại sao “tỉnh thức trong việc cầu nguyện” là điều thiết yếu? (b) Về việc cầu nguyện, chúng ta nên tự hỏi điều gì?
“Thời điểm khó nhất để giữ tỉnh táo là lúc gần sáng”. Một anh từng làm ca đêm nhận xét như vậy, và hẳn những người từng phải thức đêm cũng đồng ý với anh. Ngày nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải đương đầu với thử thách tương tự, vì thế gian của Sa-tan sắp bị kết liễu. Chúng ta đang sống vào thời điểm đen tối nhất của đêm trường nhân loại (Rô 13:12). Thật nguy hiểm nếu chúng ta ngủ gật vào lúc này! Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần “biết suy xét” và làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là “tỉnh thức trong việc cầu nguyện”.—1 Phi 4:7.
2 Vì ý thức mình đang sống trong thời điểm nào của dòng thời gian, chúng ta hãy tự hỏi: “Mình có đang tỉnh thức trong việc cầu nguyện không? Mình có dùng đủ mọi hình thức cầu nguyện, và luôn cầu nguyện không? Mình có thói quen cầu nguyện cho người khác hay chỉ cầu nguyện cho bản thân? Lời cầu nguyện liên quan thế nào đến sự cứu rỗi của mình?”.
DÙNG ĐỦ MỌI HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN
3. Hãy nêu một số hình thức cầu nguyện.
3 Trong thư gửi cho anh em ở Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô nói đến “mọi hình thức cầu nguyện” (Ê-phê 6:18). Khi cầu nguyện, có thể chúng ta thường thỉnh cầu Đức Giê-hô-va giúp mình thỏa mãn các nhu cầu cá nhân và đương đầu với thử thách. “Đấng nghe lời cầu-nguyện” sẵn sàng lắng nghe khi chúng ta cầu xin ngài giúp đỡ (Thi 65:2). Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cố gắng dùng những hình thức cầu nguyện khác như ngợi khen, tạ ơn và nài xin.
4. Tại sao chúng ta nên thường xuyên ngợi khen Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện?
4 Có nhiều lý do để chúng ta ngợi khen Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. Chẳng hạn, chúng ta được thúc đẩy để ngợi khen ngài khi suy ngẫm về “các việc quyền-năng” và “sự oai-nghi cả-thể” của ngài. (Đọc Thi-thiên 150:1-6). Bài Thi-thiên 150 dù chỉ có sáu câu nhưng có đến mười lần khuyến khích chúng ta “ngợi-khen” hay “ca-tụng” Đức Giê-hô-va! Với lòng tôn kính sâu xa, một soạn giả Thi-thiên khác hát: “Mỗi ngày tôi ngợi-khen Chúa bảy lần, vì cớ mạng-lịnh công-bình của Chúa” (Thi 119:164). Chắc chắn, Đức Giê-hô-va xứng đáng được ngợi khen. Vì thế, như người viết Thi-thiên ngợi khen Đức Giê-hô-va ‘mỗi ngày bảy lần’, chúng ta cũng nên thường xuyên ngợi khen ngài trong lời cầu nguyện.
5. Tại sao bày tỏ lòng biết ơn trong lời cầu nguyện sẽ bảo vệ chúng ta?
5 Tạ ơn là một hình thức quan trọng khác của lời cầu nguyện. Phao-lô khuyên các tín đồ ở thành Phi-líp: “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6). Bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện sẽ bảo vệ chúng ta. Điều này đặc biệt quan trọng vì chúng ta đang sống trong những ngày sau cùng, xung quanh chúng ta có nhiều người “vô ơn” (2 Ti 3:1, 2). Thật vậy, tinh thần vô ơn bao trùm khắp nơi. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị nhiễm tinh thần ấy. Việc bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện sẽ giúp chúng ta thỏa lòng và tránh “cằn nhằn, phàn nàn về số phận mình” (Giu 16). Hơn nữa, khi những người chủ gia đình tạ ơn Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện cùng gia đình, anh giúp vợ con vun đắp lòng biết ơn.
6, 7. Nài xin là gì, và chúng ta có thể nài xin Đức Giê-hô-va điều gì?
6 Nài xin là cầu nguyện một cách rất tha thiết. Khi nào chúng ta có thể nài xin Đức Giê-hô-va? Chắc chắn, chúng ta có thể làm thế khi bị bắt bớ hoặc bị một căn bệnh đe dọa đến tính mạng. Trong những lúc như vậy, việc nài xin Đức Chúa Trời giúp đỡ là điều dễ hiểu. Nhưng có phải chúng ta chỉ nài xin ngài trong những trường hợp đó?
7 Hãy xem lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su và lưu ý những lời ngài nói về danh, Nước và ý muốn của Đức Chúa Trời. (Đọc Ma-thi-ơ 6:9, 10). Thế gian ngày nay đầy dẫy tội ác, và các chính phủ của con người không đảm bảo được ngay cả những nhu cầu cơ bản của người dân. Vì thế, chắc chắn chúng ta nên cầu xin cho danh Cha trên trời được nên thánh và Nước của ngài loại bỏ sự cai trị của Sa-tan. Đây cũng là lúc để nài xin Đức Giê-hô-va làm cho ý muốn ngài được thực hiện dưới đất như đang được thực hiện ở trên trời. Vậy, chúng ta hãy luôn tỉnh thức bằng cách sẵn sàng dùng đủ mọi hình thức cầu nguyện.
‘HÃY LUÔN CẦU NGUYỆN’
8, 9. Tại sao chúng ta không nên vội xét đoán Phi-e-rơ và các sứ đồ khác vì đã ngủ gục trong vườn Ghết-sê-ma-nê?
8 Dù sứ đồ Phi-e-rơ khuyên các tín đồ đạo Đấng Ki-tô “tỉnh thức trong việc cầu nguyện”, nhưng ít nhất một lần chính ông đã không làm được điều đó. Ông là một trong những môn đồ đã ngủ khi Chúa Giê-su cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Ngay cả sau khi Chúa Giê-su bảo họ “hãy luôn thức canh và cầu nguyện”, họ lại tiếp tục ngủ gục.—Đọc Ma-thi-ơ 26:40-45.
9 Tuy nhiên, thay vì xét đoán Phi-e-rơ và những sứ đồ khác vì đã không tỉnh thức, chúng ta hãy nhớ rằng họ đã trải qua một ngày bận rộn. Họ đã chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua và ăn lễ này vào buổi tối. Sau đó, Chúa Giê-su thiết lập Bữa Ăn Tối của Chúa, làm mẫu cho Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài trong tương lai (1 Cô 11:23-25). “Sau khi hát thánh ca”, họ đi bộ qua các con phố nhỏ của Giê-ru-sa-lem để đến núi Ô-liu (Mat 26:30, 36). Có lẽ quá nửa đêm họ mới đến nơi. Nếu chúng ta có mặt ở vườn Ghết-sê-ma-nê trong đêm đó, có lẽ chúng ta cũng ngủ gục. Thay vì chỉ trích các sứ đồ, Chúa Giê-su nói với lòng thông cảm: “Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối”.
10, 11. (a) Phi-e-rơ đã rút ra bài học nào từ kinh nghiệm của bản thân trong vườn Ghết-sê-ma-nê? (b) Kinh nghiệm của Phi-e-rơ tác động thế nào đến chúng ta?
10 Việc không tỉnh thức trong vườn Ghết-sê-ma-nê đã để lại cho Phi-e-rơ một bài học xương máu. Trước đó, Chúa Giê-su đã nói: “Những gì xảy ra cho tôi trong đêm nay sẽ làm hết thảy anh em vấp ngã”. Nghe vậy, Phi-e-rơ tuyên bố: “Dù những người kia vấp ngã vì điều xảy ra cho thầy, tôi sẽ không bao giờ vấp ngã!”. Chúa Giê-su đáp lại rằng ông sẽ chối bỏ ngài ba lần. Phi-e-rơ quả quyết: “Dù phải chết với thầy, tôi sẽ không bao giờ chối bỏ thầy” (Mat 26:31-35). Thế nhưng, Phi-e-rơ đã vấp ngã, đúng như lời Chúa Giê-su báo trước. Sau lần thứ ba chối bỏ Thầy mình, Phi-e-rơ thấy rất hối hận và “khóc lóc cay đắng”.—Lu 22:60-62.
11 Qua kinh nghiệm bản thân, Phi-e-rơ đã rút ra bài học là không nên quá tự tin. Hẳn việc cầu nguyện đã giúp Phi-e-rơ khắc phục thái độ này. Điều đáng chú ý là chính ông đã đưa ra lời khuyên “hãy tỉnh thức trong việc cầu nguyện”. Chúng ta có đang làm theo lời khuyên này không? Chúng ta có cho thấy mình nương cậy Đức Giê-hô-va qua việc ‘luôn cầu nguyện’ không? Cũng hãy ghi nhớ lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Ai nghĩ mình đang đứng thì phải coi chừng kẻo ngã”.—1 Cô 10:12.
NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NÊ-HÊ-MI ĐƯỢC ĐÁP LẠI
12. Nê-hê-mi nêu gương tốt nào cho chúng ta?
12 Hãy xem trường hợp của Nê-hê-mi, quan dâng rượu cho vua của Phe-rơ-sơ là Ạt-ta-xét-xe vào thế kỷ thứ năm TCN. Nê-hê-mi nêu gương xuất sắc về việc tha thiết cầu nguyện. Nhiều ngày, ông đã “cữ ăn và cầu-nguyện” với Đức Chúa Trời về tình cảnh của người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem (Nê 1:4). Khi Ạt-ta-xét-xe hỏi tại sao vẻ mặt ông u sầu, Nê-hê-mi “bèn cầu-nguyện cùng Đức Chúa của các từng trời” (Nê 2:2-4). Kết quả là gì? Đức Giê-hô-va đáp lời cầu xin của ông và lèo lái sự việc theo chiều hướng có lợi cho dân ngài (Nê 2:5, 6). Hẳn điều này củng cố đức tin của Nê-hê-mi!
13, 14. Chúng ta nên làm gì để giữ vững đức tin và kháng cự những nỗ lực của Sa-tan nhằm khiến chúng ta nhụt chí?
13 Việc luôn cầu nguyện như Nê-hê-mi có thể giúp chúng ta giữ đức tin mạnh. Sa-tan nhẫn tâm và thường tấn công vào lúc chúng ta suy yếu. Chẳng hạn, nếu đang đối phó với bệnh tật hoặc trầm cảm, có thể chúng ta bắt đầu cảm thấy thời gian mỗi tháng mình dành cho thánh chức chẳng nghĩa lý gì với Đức Chúa Trời. Một số trong chúng ta không thể thoát khỏi những mối lo âu hay nỗi ám ảnh, có lẽ do trải nghiệm trong quá khứ. Sa-tan muốn chúng ta xem mình vô giá trị. Hắn cố lợi dụng những cảm xúc tiêu cực của chúng ta để khiến chúng ta suy yếu đức tin. Tuy nhiên, khi “tỉnh thức trong việc cầu nguyện”, chúng ta có thể giữ vững đức tin. Thật vậy, ‘cái khiên lớn là đức tin có thể dập tắt mọi mũi tên lửa của Kẻ Ác’.—Ê-phê 6:16.
14 Nếu “tỉnh thức trong việc cầu nguyện” thì khi thử thách thình lình xảy đến, chúng ta sẽ không bị bất ngờ và thỏa hiệp về đức tin. Khi đối mặt với thử thách, hãy nhớ đến gương của Nê-hê-mi và cầu nguyện ngay với Đức Chúa Trời. Chỉ với sự trợ giúp của ngài, chúng ta mới có thể kháng cự thành công những cám dỗ và chịu đựng được các thử thách về đức tin.
CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI KHÁC
15. Chúng ta nên tự hỏi điều gì liên quan đến việc cầu nguyện cho người khác?
15 Chúa Giê-su tha thiết cầu nguyện cho Phi-e-rơ để ông không mất đức tin (Lu 22:32). Noi gương Chúa Giê-su, một tín đồ trung thành vào thế kỷ thứ nhất là Ê-pháp-ra đã tha thiết cầu nguyện cho anh em ở Cô-lô-se. Phao-lô viết: “Anh ấy luôn tha thiết cầu nguyện cho anh em, hầu cuối cùng anh em được trọn vẹn và có lòng tin chắc trong mọi điều liên quan đến ý muốn Đức Chúa Trời” (Cô 4:12). Chúng ta nên tự hỏi: “Mình có tha thiết cầu nguyện cho anh em trên khắp thế giới không? Mình có thường cầu nguyện cho những anh em trong vùng xảy ra thiên tai không? Lần gần đây nhất mình cầu nguyện cho những anh có trọng trách trong tổ chức của Đức Giê-hô-va là khi nào? Gần đây, mình có cầu nguyện cho các anh chị trong hội thánh đang đương đầu với khó khăn không?”.
16. Cầu nguyện cho người khác có thật sự giúp ích không? Hãy giải thích.
16 Những lời cầu nguyện của chúng ta cho anh em thật sự có thể giúp ích cho họ. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:11). Khi nhiều tôi tớ cầu xin nhiều lần về một điều nào đó, Đức Giê-hô-va không buộc phải đáp lời. Tuy nhiên, lòng quan tâm chân thành của chúng ta đối với anh em đồng đạo có thể là một yếu tố khiến ngài đáp lời. Vì thế, chúng ta không nên xem nhẹ việc cầu nguyện cho người khác, nhưng xem đó là đặc ân và trách nhiệm. Như Ê-pháp-ra, chúng ta nên thể hiện tình yêu thương và lòng quan tâm chân thành với anh em đồng đạo qua việc tha thiết cầu nguyện cho họ. Khi làm thế, chúng ta sẽ càng hạnh phúc, vì “cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công 20:35.
‘SỰ CỨU RỖI CỦA CHÚNG TA ĐÃ GẦN’
17, 18. “Tỉnh thức trong việc cầu nguyện” mang lại lợi ích nào cho chúng ta?
17 Trước khi nói “đêm đã tàn, ngày sắp đến”, Phao-lô viết: “Anh em biết mình đang sống trong thời kỳ nào. Bây giờ là thời điểm anh em phải tỉnh thức, vì sự cứu rỗi của chúng ta gần hơn lúc chúng ta mới tin Chúa” (Rô 13:11, 12). Thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa sắp đến, và sự cứu rỗi của chúng ta có lẽ gần hơn mình tưởng. Do đó, chúng ta không được ngủ về thiêng liêng, và không bao giờ để cho những điều trong thế gian làm chúng ta không còn thì giờ để cầu nguyện riêng với Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, chúng ta “hãy tỉnh thức trong việc cầu nguyện”. Làm vậy sẽ giúp chúng ta “có cách ăn ở thánh khiết và thể hiện lòng sùng kính” trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va (2 Phi 3:11, 12). Khi có lối sống đó, chúng ta cho thấy mình đang tỉnh thức về thiêng liêng và thật sự tin rằng thế gian này sắp bị kết liễu. Vậy mong sao chúng ta “không ngừng cầu nguyện” (1 Tê 5:17). Cũng hãy noi gương Chúa Giê-su trong việc tìm một nơi riêng tư để cầu nguyện. Khi dành ra nhiều thời gian để cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ đến gần ngài hơn (Gia 4:7, 8). Được đến gần ngài quả là một ân phước!
18 Kinh Thánh cho biết: “Trong thời gian sống trên đất, Đấng Ki-tô đã cất tiếng lớn dâng những lời nài xin và thỉnh cầu đầy nước mắt cho đấng có thể cứu mình khỏi cái chết, và ngài đã được đáp lời nhờ kính sợ Đức Chúa Trời” (Hê 5:7). Chúa Giê-su đã dâng lời nài xin và thỉnh cầu, cũng như giữ vững lòng trung thành với Đức Chúa Trời cho đến khi kết thúc đời sống trên đất. Kết quả là ngài được Đức Giê-hô-va cứu rỗi và ban phần thưởng là sự sống bất tử ở trên trời. Chúng ta cũng có thể trung thành với Cha trên trời bất kể cám dỗ và thử thách nào có thể gặp trong tương lai. Thật vậy, chúng ta có thể nhận được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu nếu tiếp tục “tỉnh thức trong việc cầu nguyện”.