Sống theo Luật Pháp của Đấng Christ
“Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật-pháp của Đấng Christ” (GA-LA-TI 6:2).
1. Ngày nay tại sao chúng ta có thể nói rằng luật pháp của đấng Christ là một sức mạnh hướng thiện?
TẠI Rwanda, Nhân-chứng Giê-hô-va người Hutu và Tutsi liều mạng để che chở nhau trong cuộc tàn sát sắc tộc xảy ra gần đây. Nhân-chứng Giê-hô-va tại Kobe, Nhật Bản, mặc dầu lòng tan nát vì có thân nhân bị chết trong trận động đất tàn khốc, nhưng họ đã ra tay nhanh chóng để cứu những nạn nhân khác. Vâng, những gương làm ấm lòng như thế đến từ mọi nơi chứng tỏ rằng luật pháp của đấng Christ có hiệu quả. Đó là một sức mạnh hướng thiện.
2. Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã không hiểu ý nghĩa về luật pháp của đấng Christ như thế nào, và chúng ta có thể sống theo luật pháp đó ra sao?
2 Đồng thời, một lời tiên tri trong Kinh-thánh về thời kỳ khó khăn của “ngày sau-rốt” đang được ứng nghiệm. Nhiều người “bề ngoài giữ đều nhơn-đức” nhưng “chối-bỏ quyền-phép của nhơn-đức đó” (II Ti-mô-thê 3:1, 5). Đặc biệt trong các giáo hội tự xưng theo đấng Christ, tôn giáo thường chỉ là một hình thức bề ngoài chứ không phải là từ trong lòng. Phải chăng sống theo luật pháp của đấng Christ là quá khó? Không. Giê-su không thể nào ban một luật pháp cho chúng ta không thi hành được. Các giáo hội tự xưng theo đấng Christ chỉ không hiểu ý nghĩa của luật pháp đó thôi. Họ đã không làm theo những lời được soi dẫn này: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật-pháp của Đấng Christ” (Ga-la-ti 6:2). Chúng ta “làm trọn luật-pháp của Đấng Christ” bằng cách mang gánh nặng cho người khác chứ không bắt chước người Pha-ra-si mà thêm gánh nặng cho anh em một cách phi lý.
3. a) Luật pháp của đấng Christ gồm có một vài điều răn nào? b) Tại sao kết luận rằng hội thánh đấng Christ không nên có phép tắc nào ngoài những điều răn do đấng Christ trực tiếp ban cho là sai lầm?
3 Luật pháp của đấng Christ bao gồm tất cả lời răn của Giê-su Christ—từ việc rao giảng và dạy dỗ, giữ mắt trong sạch và đơn giản, giữ hòa khí với người hàng xóm cho đến việc loại bỏ sự ô uế khỏi hội thánh (Ma-thi-ơ 5:27-30; 18:15-17; 28:19, 20; Khải-huyền 2:14-16). Thật vậy, tín đồ đấng Christ bắt buộc phải tuân theo tất cả những điều răn trong Kinh-thánh dành cho môn đồ của đấng Christ. Và thêm nữa, tổ chức của Đức Giê-hô-va, cũng như từng hội thánh, phải lập ra các phép tắc và thủ tục cần thiết để gìn giữ trật tự (I Cô-rinh-tô 14:33, 40). Tín đồ đấng Christ không thể họp lại với nhau nếu họ không có phép tắc về giờ giấc, nơi chốn và thể thức nhóm họp! (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Hợp tác với những chỉ dẫn hợp lý do các anh có trách nhiệm trong tổ chức đề ra cũng là một phần của việc tuân theo luật pháp của đấng Christ (Hê-bơ-rơ 13:17).
4. Động lực nào thúc đẩy sự thờ phượng thanh sạch?
4 Tuy thế, tín đồ thật đấng Christ không để sự thờ phượng của họ trở thành một cơ cấu luật pháp vô nghĩa. Họ không phụng sự Đức Giê-hô-va chỉ vì một vài cá nhân hay tổ chức nói họ phải làm vậy. Thay vì thế, động lực thúc đẩy họ thờ phượng ngài là sự yêu thương. Như Phao-lô viết: “Tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động chúng tôi” (II Cô-rinh-tô 5:14). Giê-su dặn bảo môn đồ ngài yêu thương lẫn nhau (Giăng 15:12, 13). Tình yêu thương bất vị kỷ là căn bản cho luật pháp của đấng Christ và là động lực thúc đẩy hay động viên tinh thần của tín đồ thật đấng Christ ở khắp nơi, trong gia đình cũng như trong hội thánh. Chúng ta hãy xem điều này như thế nào.
Trong gia đình
5. a) Các bậc cha mẹ có thể làm trọn luật pháp của đấng Christ trong gia đình như thế nào? b) Con cái cần gì nơi bậc cha mẹ, và bậc cha mẹ phải vượt qua những trở ngại nào để đáp ứng nhu cầu này?
5 Sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:25). Khi một người chồng bắt chước đấng Christ lấy sự yêu thương và hiểu biết mà cư xử với vợ mình thì hẳn là người đã chu toàn một khía cạnh quan trọng của luật pháp của đấng Christ. Hơn nữa, Giê-su đã công khai tỏ ra yêu mến các em trẻ, bồng chúng vào lòng, đặt tay trên chúng và chúc phước cho (Mác 10:16). Các bậc cha mẹ thi hành luật pháp của đấng Christ cũng yêu mến con cái mình. Thật ra, đối với nhiều bậc cha mẹ, bắt chước Giê-su về phương diện này là một thử thách. Nhiều người tự nhiên không biểu lộ tình cảm của mình. Hỡi các bậc cha mẹ, đừng để khó khăn này ngăn cản bạn bày tỏ cho con cái thấy là bạn yêu thương chúng! Việc bạn biết bạn yêu thương con cái chưa đủ. Con cái bạn cũng phải biết điều này nữa. Chúng sẽ không biết được điều này trừ khi bạn tìm cách tỏ lòng yêu thương của bạn. (So sánh Mác 1:11).
6. a) Con cái có cần phép tắc do cha mẹ đặt ra không, và tại sao bạn trả lời như thế? b) Con cái cần hiểu lý lẽ nào của những tiêu chuẩn trong gia đình? c) Khi mọi người trong gia đình đề cao luật pháp của đấng Christ, họ có thể tránh được mối nguy cơ nào?
6 Đồng thời, con cái cần được hướng dẫn, điều này có nghĩa là cha mẹ phải đặt ra những phép tắc và đôi lúc phải dùng kỷ luật để bắt chúng làm theo (Hê-bơ-rơ 12:7, 9, 11). Dù vậy, con cái phải được giúp đỡ để dần dần nhận ra những lý do nằm trong những phép tắc này: cha mẹ yêu thương chúng. Và chúng phải hiểu được rằng tình yêu thương là lý do tốt nhất để cho chúng vâng phục cha mẹ (Ê-phê-sô 6:1; Cô-lô-se 3:20; I Giăng 5:3). Mục tiêu của cha mẹ biết suy xét là dạy cho con mình dùng “khả năng suy luận” để sau này chúng có thể tự mình quyết định đúng đắn. (Rô-ma 12:1; so sánh I Cô-rinh-tô 13:11). Mặt khác, phép tắc không nên rườm rà hay kỷ luật không nên quá khắt khe. Phao-lô nói: “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:21; Ê-phê-sô 6:4). Khi luật pháp của đấng Christ được đề cao trong gia đình thì cha mẹ sẽ không sửa trị trong lúc nóng giận quá độ hay có lời nói làm đau lòng con cái. Trong gia đình như thế, con cái cảm thấy an toàn và được nâng đỡ, chứ không phải bị đày đọa hay làm cho ngã lòng. (So sánh Thi-thiên 36:7).
7. Gia đình Bê-tên đã nêu gương gì liên quan đến việc đặt ra những phép tắc trong gia đình?
7 Những ai đã từng đi thăm nhà Bê-tên trên khắp thế giới đều công nhận rằng đó là những gương tốt về phép tắc thăng bằng cho một gia đình. Mặc dù chỉ gồm có người lớn, cơ quan này sinh hoạt rất giống như một gia đình.a Việc điều hành nhà Bê-tên rất phức tạp và đòi hỏi nhiều phép tắc—chắc chắn nhiều hơn trong một gia đình bình thường. Tuy vậy, các trưởng lão có trách nhiệm trông coi trong cư xá, văn phòng và kho xưởng thuộc nhà Bê-tên cố gắng áp dụng luật pháp của đấng Christ. Họ coi bổn phận của họ không chỉ để sắp xếp công việc mà còn để cổ động sự tiến bộ về thiêng liêng và “sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va” nơi các anh em cùng làm việc với họ (Nê-hê-mi 8:10). Vì thế trong mọi việc, họ đều cố gắng làm việc một cách tích cực và khích lệ. Họ cố gắng ăn ở phải lẽ (Ê-phê-sô 4:31, 32). Việc gia đình Bê-tên nổi tiếng có một tinh thần vui vẻ hẳn không làm chúng ta ngạc nhiên!
Trong hội thánh
8. a) Chúng ta nên luôn luôn có một mục tiêu nào trong hội thánh? b) Có những trường hợp nào mà một số người đã hỏi hay tìm cách đặt ra phép tắc?
8 Cũng thế, trong hội thánh, mục tiêu của chúng ta là gây dựng lẫn nhau trong tinh thần yêu thương (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Vì thế tất cả tín đồ đấng Christ nên cẩn thận không làm cho người khác thêm gánh nặng bằng cách ép buộc họ theo ý mình trong các vấn đề có tính cách sở thích cá nhân. Thỉnh thoảng, có người viết cho Hội Tháp Canh hỏi về những phép tắc phải theo khi chọn lựa phim ảnh, sách báo hay cả đồ chơi. Tuy nhiên, Hội không có thẩm quyền phán định những điều này để rồi ra phán quyết. Hầu như trong mọi trường hợp, đây là điều mà mỗi cá nhân hay chủ gia đình phải quyết định, dựa theo lòng yêu mến của họ đối với những nguyên tắc của Kinh-thánh. Một số người khác có khuynh hướng muốn biến những đề nghị và chỉ dẫn của Hội thành luật lệ. Chẳng hạn, trong báo Tháp Canh số ra ngày 15-3-1996 có một bài rất hay khuyên các trưởng lão nên thường xuyên đi thăm chiên. Phải chăng bài đó có mục đích thiết lập một số luật lệ? Không. Mặc dù làm theo những lời đề nghị ấy có thể đem lại nhiều lợi ích, nhưng một số trưởng lão không thể làm được như thế. Tương tự như thế, bài “Câu hỏi của độc giả” trong Tháp Canh số ra ngày 1-4-1995 khuyên nên cẩn thận không làm mất vẻ trang nghiêm của dịp báp têm bằng những việc quá đáng như thết đãi linh đình để ăn mừng. Một số người đã đi quá trớn khi áp dụng lời khuyên khôn ngoan này, họ còn đặt ra luật lệ, bảo rằng việc gửi thiệp khuyến khích vào dịp này cũng là sai!
9. Tại sao việc tránh quá khắt khe và xét đoán người khác là quan trọng?
9 Khi đề cao ‘luật pháp trọn-vẹn về tự-do’, chúng ta phải chấp nhận rằng không phải tất cả tín đồ đấng Christ đều có lương tâm giống nhau (Gia-cơ 1:25). Liệu chúng ta có mếch lòng nếu một người có một quyết định theo ý thích riêng của họ mà không vi phạm nguyên tắc của Kinh-thánh? Không. Nếu làm thế chúng ta sẽ gây chia rẽ (I Cô-rinh-tô 1:10). Khi cảnh cáo về việc xét đoán một anh em cùng đạo, Phao-lô nói: “Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó;—song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững-vàng” (Rô-ma 14:4). Chúng ta có thể làm buồn lòng Đức Chúa Trời nếu chúng ta chỉ trích người khác về những vấn đề tùy thuộc lương tâm cá nhân người ấy (Gia-cơ 4:10-12).
10. Ai được giao cho trách nhiệm trông nom hội thánh, và chúng ta có thể ủng hộ họ bằng cách nào?
10 Chúng ta cũng hãy nhớ rằng các trưởng lão có trách nhiệm coi sóc bầy của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28). Họ được bổ nhiệm để giúp đỡ. Chúng ta nên tự nhiên đến với họ khi cần được khuyên bảo, vì họ là học viên Kinh-thánh và quen thuộc với những gì được bàn luận trong sách báo của Hội Tháp Canh. Khi thấy ai có hạnh kiểm có thể dẫn đến việc vi phạm nguyên tắc Kinh-thánh thì các trưởng lão không ngần ngại đưa ra lời khuyên bảo cần thiết (Ga-la-ti 6:1). Những thành viên trong Hội thánh tuân theo luật pháp của đấng Christ bằng cách hợp tác với những người chăn chiên yêu quý này, là những người dẫn đầu trong vòng họ (Hê-bơ-rơ 13:7).
Các trưởng lão áp dụng luật pháp của đấng Christ
11. Các trưởng lão áp dụng luật pháp của đấng Christ trong hội thánh bằng cách nào?
11 Các trưởng lão sốt sắng làm trọn luật pháp của đấng Christ trong hội thánh. Họ dẫn đầu trong công việc rao giảng tin mừng, dùng Kinh-thánh để dạy dỗ sao cho động tới lòng mọi người và yên ủi những “kẻ ngã lòng” với tư cách là người chăn chiên đầy yêu thương và dịu dàng (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Họ tránh những thái độ đi ngược lại với đạo đấng Christ đang thịnh hành trong rất nhiều tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Thật vậy, thế giới này đang suy đồi nhanh chóng, nên giống như Phao-lô, các trưởng lão lo lắng cho bầy; nhưng họ giữ thăng bằng khi thi hành trách nhiệm (II Cô-rinh-tô 11:28).
12. Khi một tín đồ đấng Christ đến với trưởng lão để được giúp đỡ, trưởng lão có thể đáp ứng như thế nào?
12 Thí dụ, một tín đồ đấng Christ muốn hỏi ý kiến một trưởng lão về một vấn đề quan trọng mà Kinh-thánh không trực tiếp nói đến hay đòi hỏi một sự cân nhắc giữa các nguyên tắc khác nhau trong Kinh-thánh. Có thể là anh được đề nghị thăng chức với lương bổng cao hơn nhưng lại có nhiều trách nhiệm hơn. Hay một tín đồ trẻ có cha không tin đạo đòi hỏi một điều gì ảnh hưởng đến thánh chức của em. Trong những trường hợp như thế trưởng lão không nên đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Thay vì thế, anh nên mở Kinh-thánh và giúp cá nhân ấy suy luận về những nguyên tắc liên hệ. Anh có thể dùng cuốn Watch Tower Publications Index, nếu có, để tra xem lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” nói gì về đề tài này trong tạp chí Tháp Canh và những ấn phẩm khác (Ma-thi-ơ 24:45). Nếu sau đó tín đồ đấng Christ không có quyết định khôn ngoan theo nhận định của trưởng lão thì sao? Nếu quyết định đó không trực tiếp đi ngược lại nguyên tắc hay luật pháp của Kinh-thánh thì trưởng lão phải nhìn nhận quyền quyết định của cá nhân ấy, biết rằng “ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy”. Tuy nhiên, tín đồ đấng Christ nên nhớ rằng “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:5, 7).
13. Thay vì trả lời trực tiếp hay đưa ra ý kiến riêng, tại sao các trưởng lão có thể giúp những người khác lý luận về vấn đề đó?
13 Tại sao trưởng lão có kinh nghiệm lại hành động như thế? Ít nhất vì hai lý do. Trước tiên, Phao-lô từng nói với một hội thánh kia rằng ông không phải là người “cai-trị đức-tin” của họ (II Cô-rinh-tô 1:24). Khi giúp anh em suy luận dựa theo Kinh-thánh để đi đến quyết định với sự hiểu biết, trưởng lão đã bắt chước thái độ của Phao-lô. Anh nhận biết quyền hạn của mình, y như Giê-su nhận biết quyền hạn của ngài (Lu-ca 12:13, 14; Giu-đe 9). Đồng thời, các trưởng lão sẵn sàng dựa theo Kinh-thánh đưa ra những lời khuyên hữu ích, mạnh mẽ nếu cần. Thứ hai, làm như thế anh huấn luyện anh em cùng đạo của mình. Sứ đồ Phao-lô nói: “Nhưng đồ-ăn đặc là để cho kẻ thành-nhơn, cho kẻ hay dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt đều lành và dữ” (Hê-bơ-rơ 5:14). Vì thế, để trưởng thành, chúng ta phải dùng khả năng suy luận chứ không phải lúc nào cũng nhờ người khác quyết định giùm mình. Trưởng lão giúp cho anh em cùng đạo tiến bộ bằng cách chỉ cho họ cách suy luận dựa theo Kinh-thánh.
14. Những người thành thục có thể bày tỏ là họ tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va như thế nào?
14 Chúng ta tin rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ động lòng những người thờ phượng thật qua thánh linh của ngài. Vì thế tín đồ đấng Christ thành thục sẽ thu hút được lòng các anh chị em của họ và thúc giục họ như sứ đồ Phao-lô đã làm (II Cô-rinh-tô 8:8; 10:1; Phi-lê-môn 8, 9). Phao-lô biết rằng chính người không công bình chứ không phải người công bình cần những luật pháp chi tiết để giữ mình (I Ti-mô-thê 1:9). Ông bày tỏ lòng tin cậy anh em trong đạo thay vì ngờ vực hay không tin họ. Ông viết cho một hội thánh: “Chúng tôi có lòng tin-cậy trong Chúa [về] anh em” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:4). Sự tin cậy, tin tưởng và vững tâm của Phao-lô chắc chắn làm phấn khởi những tín đồ đấng Christ đó. Ngày nay các trưởng lão và các giám thị lưu động cũng có những mục tiêu tương tự. Những anh trung thành này quả là một nguồn khích lệ khi chăn chiên của Đức Chúa Trời một cách đầy yêu thương! (Ê-sai 32:1, 2; I Phi-e-rơ 5:1-3).
Sống theo luật pháp của đấng Christ
15. Chúng ta có thể tự đặt ra những câu hỏi nào để biết rằng mình đang áp dụng luật pháp của đấng Christ trong mối quan hệ với anh em của chúng ta?
15 Tất cả chúng ta cần tự kiểm điểm thường xuyên để xem chúng ta có sống theo và cổ động cho luật pháp của đấng Christ không (II Cô-rinh-tô 13:5). Thật vậy, tất cả chúng ta đều được lợi ích bằng cách đặt ra những câu hỏi: ‘Tôi đang gây dựng hay chỉ trích? Tôi thăng bằng hay quá khích? Tôi có chú ý đến người khác hay tôi cố chấp về quyền của tôi?’ Một tín đồ đấng Christ không tìm cách ép buộc anh em mình làm điều mà Kinh-thánh không nói là nên hay không nên làm (Rô-ma 12:1; I Cô-rinh-tô 4:6).
16. Chúng ta có thể giúp đỡ những ai có quan điểm tiêu cực về chính mình như thế nào, nhờ vậy chúng ta đã làm trọn một khía cạnh quan trọng của luật pháp của đấng Christ?
16 Trong thời buổi khó khăn này, tìm cách khuyến khích lẫn nhau là điều quan trọng. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25; so sánh Ma-thi-ơ 7:1-5). Khi nhìn vào anh chị em, phải chăng đối với chúng ta, những đức tính tốt của họ có nhiều ý nghĩa hơn là những sự yếu kém của họ? Đối với Đức Giê-hô-va, mỗi người đều quý báu. Đáng buồn thay, không phải ai cũng nghĩ như vậy, ngay cả khi nghĩ về chính mình. Nhiều người có khuynh hướng chỉ nhìn thấy lầm lỗi và bất toàn của mình thôi. Để khuyến khích những người như thế—và những người khác—chúng ta hãy tìm cách nói chuyện với một hay hai người vào mỗi buổi họp, cho họ biết tại sao chúng ta quý trọng sự hiện diện và những đóng góp quan trọng của họ trong hội thánh. Làm bớt gánh nặng cho họ như thế quả là một sự vui sướng và khi làm thế chúng ta làm trọn luật pháp của đấng Christ! (Ga-la-ti 6:2).
Luật pháp của đấng Christ đang được thi hành!
17. Bạn thấy rằng luật pháp của đấng Christ đang được áp dụng trong hội thánh qua những cách khác nhau nào?
17 Luật pháp của đấng Christ đang được áp dụng trong hội thánh. Chúng ta thấy điều này hàng ngày—khi các Nhân-chứng sốt sắng chia sẻ tin mừng, khi họ an ủi nhau và khuyến khích lẫn nhau, khi họ cố hết sức để phụng sự Đức Giê-hô-va mặc dù có những vấn đề khó khăn nhất, khi các bậc cha mẹ cố gắng nuôi nấng con cái để chúng thương yêu Đức Giê-hô-va với lòng vui mừng, khi các giám thị dạy lời của Đức Chúa Trời với lòng yêu thương và nồng ấm, khuyên giục bầy chiên phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng sốt sắng (Ma-thi-ơ 28:19, 20; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11, 14). Khi mỗi cá nhân chúng ta sống theo luật pháp của đấng Christ, Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng biết bao! (Châm-ngôn 23:15). Ngài muốn tất cả những ai yêu mến luật pháp vẹn toàn của ngài được sống mãi mãi. Trong Địa đàng sắp tới, chúng ta sẽ chứng kiến lúc mà loài người được hoàn toàn, lúc không có người phạm pháp, lúc chúng ta làm chủ được các khuynh hướng của lòng mình. Thật là một phần thưởng huy hoàng cho những ai sống theo luật pháp của đấng Christ!
[Chú thích]
a Những gia đình như thế không giống các chủng viện của các đạo tự xưng theo đấng Christ. Ở đây không có những “abbot”, hay các “cha” (Ma-thi-ơ 23:9). Các anh có trách nhiệm được kính trọng, nhưng việc làm của các anh được hướng dẫn bởi cùng những nguyên tắc mà tất cả trưởng lão phải noi theo.
Bạn nghĩ sao?
◻ Tại sao các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ không hiểu ý luật pháp của đấng Christ?
◻ Làm sao chúng ta có thể áp dụng luật pháp của đấng Christ trong gia đình?
◻ Để áp dụng luật pháp của đấng Christ trong hội thánh, chúng ta phải tránh điều gì và chúng ta phải làm điều gì?
◻ Các trưởng lão tuân theo luật pháp của đấng Christ trong việc điều hành hội thánh như thế nào?
[Hình nơi trang 23]
Con bạn rất cần tình yêu thương
[Hình nơi trang 24]
Những người chăn chiên một cách yêu thương làm chúng ta thoải mái thay!