Chớ bỏ cuộc chạy đua đạt đến sự sống!
“Chúng ta [Hãy]... lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta” (HÊ-BƠ-RƠ 12:1).
1, 2. Các biến cố hào hứng nào khiến tôi tớ Đức Giê-hô-va thấy nô nức trong những ngày sau rốt này?
CHÚNG TA đang sống trong thời kỳ hào hứng nhưng đầy khó khăn. Vào năm 1914, tức là cách đây hơn 80 năm, Chúa Giê-su lên ngôi Vua Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. “Ngày của Chúa” đã bắt đầu cùng lúc với “kỳ cuối-cùng” của hệ thống mọi sự này (Khải-huyền 1:10; Đa-ni-ên 12:9). Kể từ đó, cuộc chạy đua để đạt sự sống của tín đồ đấng Christ càng ngày càng gay go. Tôi tớ Đức Chúa Trời cố gắng hết sức để theo kịp cỗ xe trên trời của Đức Giê-hô-va, tức là tổ chức thượng giới của ngài, đang di chuyển ào ạt, không gì ngăn cản nổi, để thực thi ý định Đức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên 1:4-28; I Cô-rinh-tô 9:24).
2 Dân tộc của Đức Chúa Trời có thấy vui khi ‘chạy đua’ nhắm đến sự sống đời đời không? Chắc chắn có! Họ nô nức nhìn xem cuộc thu nhóm những người thuộc lớp anh em của Chúa Giê-su còn sót lại, và họ vui mừng hiểu rằng sự đóng ấn sau cùng của những người còn sót lại trong số 144.000 người sắp kết thúc (Khải-huyền 7:3, 4). Hơn nữa, họ thích thú nhận ra rằng vị Vua được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm đã tra lưỡi hái để gặt “mùa-màng dưới đất” (Khải-huyền 14:15, 16). Và mùa gặt quả là trúng! (Ma-thi-ơ 9:37). Đến nay, có hơn năm triệu người đã được thu nhóm—một đám đông “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra” (Khải-huyền 7:9). Không ai có thể nói đám đông “vô-số người” rốt cuộc sẽ là bao nhiêu, vì không ai có thể đếm được con số đó.
3. Chúng ta phải luôn luôn cố gắng vun trồng một tinh thần vui vẻ bất kể những trở ngại nào?
3 Đành rằng Sa-tan tìm cách làm chúng ta vấp ngã hoặc chạy chậm lại trong cuộc đua mà chúng ta đang nỗ lực chạy (Khải-huyền 12:17). Việc tiếp tục cuộc chạy đua không phải là dễ trong hoàn cảnh có chiến tranh, đói kém, dịch lệ và tất cả những sự khó khăn khác đánh dấu thời kỳ cuối cùng (Ma-thi-ơ 24:3-9; Lu-ca 21:11; II Ti-mô-thê 3:1-5). Thế nhưng lòng chúng ta vui mừng rộn rã khi cuộc chạy đua gần kết thúc. Chúng ta cố gắng phản ảnh tinh thần mà Phao-lô khuyên anh em tín đồ thời ông nên có: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui-mừng đi” (Phi-líp 4:4).
4. Tín đồ đấng Christ ở thành Phi-líp đã biểu lộ loại tinh thần nào?
4 Chắc chắn các tín đồ đấng Christ vào lúc đó được Phao-lô viết cho những lời trên đã vui mừng trong đức tin bởi vì Phao-lô nói với họ: “Hãy [tiếp tục, NW] vui-mừng trong Chúa!” (Phi-líp 3:1). Anh em thuộc hội thánh thành Phi-líp hồi xưa thật rộng rãi, đầy yêu thương, phụng sự với lòng sốt sắng và nhiệt tình (Phi-líp 1:3-5; 4:10, 14-20). Nhưng không phải tất cả các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đều có tinh thần đó. Chẳng hạn, Phao-lô đã viết lá thư trong sách Hê-bơ-rơ cho một số tín đồ gốc Do Thái đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại.
“Phải chú ý nhiều hơn mức bình thường”
5. a) Tín đồ người Hê-bơ-rơ đã từng có tinh thần nào khi hội thánh đấng Christ đầu tiên được thành lập? b) Xin miêu tả tinh thần của một số tín đồ Hê-bơ-rơ vào khoảng năm 60 CN.
5 Hội thánh tín đồ đấng Christ đầu tiên trong lịch sử thế giới gồm có người Do Thái chính gốc và người ngoại nhập đạo và được thành lập tại thành Giê-ru-sa-lem vào năm 33 CN. Hội thánh đó đã có tinh thần nào? Chúng ta chỉ cần đọc các đoạn đầu của sách Công-vụ các Sứ-đồ là biết được lòng nhiệt thành và vui mừng của họ ngay cả khi bị bắt bớ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:44-47; 4:32-34; 5:41; 6:7). Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, sự việc đã thay đổi. Nhiều tín đồ gốc Do Thái đã chạy chậm lại trong cuộc đua dẫn đến sự sống. Một sách tham khảo nói như sau về tình trạng vào khoảng năm 60 CN: “Một tình trạng suy nhược và uể oải, kỳ vọng không thành, hy vọng chưa toại, thất bại thấy rõ và hồ nghi đủ điều. Họ là tín đồ đấng Christ nhưng không mấy quí trọng sự vinh hiển của ơn trên trời gọi”. Làm sao tín đồ đấng Christ được xức dầu lại rơi vào một tình trạng như thế? Việc xem xét một phần lá thư Phao-lô gửi cho người Hê-bơ-rơ (viết vào khoảng năm 61 CN) giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó. Sự xem xét này sẽ giúp tất cả chúng ta ngày nay tránh rơi vào tình trạng yếu đuối về thiêng liêng tương tự.
6. Một số sự khác biệt giữa sự thờ phượng theo Luật Pháp Môi-se và sự thờ phượng dựa trên đức tin nơi Chúa Giê-su Christ là gì?
6 Tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ đã ra khỏi Do Thái giáo, một hệ thống tự cho là tuân thủ Luật Pháp Đức Giê-hô-va ban qua trung gian Môi-se. Luật Pháp ấy dường như vẫn tiếp tục có một hấp lực đối với nhiều tín đồ gốc Do Thái. Lý do có lẽ là vì qua nhiều thế kỷ, luật pháp là cách duy nhất để đến gần Đức Giê-hô-va và luật pháp ấy là một hệ thống thờ phượng có quy củ, gồm có chức tế lễ, các của-lễ và một đền thờ nổi tiếng thế giới tại Giê-ru-sa-lem. Đạo thật đấng Christ thì khác. Đạo này đòi hỏi một quan điểm thiêng liêng, giống như Môi-se là người đã từng “ngửa trông sự ban-thưởng [hãy còn vị lai]” và “đứng vững như thấy Đấng không thấy được” (Hê-bơ-rơ 11:26, 27). Nhiều tín đồ gốc Do Thái hiển nhiên đã thiếu quan điểm thiêng liêng ấy. Họ đi khập khiễng thay vì nhắm tới đích mà chạy.
7. Hệ thống mà chúng ta đã rời khỏi có thể ảnh hưởng thế nào đến cách chúng ta chạy trong cuộc đua để đạt sự sống?
7 Ngày nay có tình trạng nào tương tự như vậy không? Dĩ nhiên tình trạng không giống y hệt như vậy. Thế nhưng tín đồ đấng Christ đã ra khỏi một hệ thống đầy kiêu ngạo. Thế gian cống hiến các cơ hội hào hứng, nhưng đồng thời cũng đặt trên vai người ta những gánh nặng khổng lồ. Ngoài ra, nhiều người trong chúng ta sống tại những nước nơi mà người ta thường có thái độ hồ nghi và ích kỷ luôn coi mình là nhất. Nếu chúng ta để cho một hệ thống như thế ảnh hưởng đến mình, thì ‘con mắt của lòng chúng ta’ có thể dễ dàng bị mờ đi (Ê-phê-sô 1:18). Làm sao chúng ta có thể chạy giỏi trong cuộc đua để đạt sự sống nếu chúng ta không còn nhận định được rõ ràng chúng ta đang đi về đâu?
8. Đạo thật đấng Christ cao trọng hơn sự thờ phượng theo Luật Pháp Môi-se qua những cách nào?
8 Để kích thích tín đồ gốc Do Thái, Phao-lô nhắc nhở họ về sự cao trọng của đạo đấng Christ so với Luật Pháp Môi-se. Đành rằng khi dân Y-sơ-ra-ên xác thịt còn là dân tộc của Đức Giê-hô-va dưới Luật Pháp, Đức Giê-hô-va nói với dân tộc đó qua các tiên tri được soi dẫn, nhưng Phao-lô nói rằng ngày nay ngài nói “bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế-tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế-gian” (Hê-bơ-rơ 1:2). Hơn nữa, Chúa Giê-su lớn hơn tất cả các vua thuộc dòng dõi Đa-vít, tức là các “đồng-loại” của ngài. Ngài còn cao trọng hơn cả các thiên sứ nữa (Hê-bơ-rơ 1:5, 6, 9).
9. Tại sao, giống như tín đồ đấng Christ người Do Thái thời Phao-lô, chúng ta cần phải “chú ý nhiều hơn mức bình thường” đến những gì Đức Giê-hô-va nói?
9 Do đó, Phao-lô khuyên tín đồ đấng Christ người Do Thái: “Chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn mức bình thường đến những điều chúng ta nghe, hầu cho không bao giờ bị trôi giạt” (Hê-bơ-rơ 2:1, NW). Dù việc biết đến đấng Christ là một ân phước tuyệt diệu, nhưng cần phải làm nhiều hơn thế nữa. Họ cần phải chú ý kỹ càng đến Lời Đức Chúa Trời để kháng cự lại ảnh hưởng của thế gian Do Thái vây quanh họ. Chúng ta cũng cần phải “chú ý nhiều hơn mức bình thường” đến những gì Đức Giê-hô-va nói bởi lẽ chúng ta bị sự tuyên truyền từ thế gian này ảnh hưởng không ngừng. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tập thói quen học hỏi tốt và theo sát một chương trình đọc Kinh-thánh. Như Phao-lô nói sau đó trong lá thư gửi cho người Hê-bơ-rơ, điều ấy cũng có nghĩa là đều đặn đi nhóm họp và rao truyền đức tin cho người khác (Hê-bơ-rơ 10:23-25). Hoạt động như thế sẽ giúp chúng ta luôn cảnh giác về thiêng liêng hầu không quên đi hy vọng huy hoàng của chúng ta. Một khi để ý tưởng của Đức Giê-hô-va tràn ngập tâm trí, thì không điều gì thuộc thế gian này có thể đè bẹp chúng ta hoặc làm chúng ta mất thăng bằng (Thi-thiên 1:1-3; Châm-ngôn 3:1-6).
“Hãy tiếp tục khuyên-bảo lẫn nhau”
10. a) Điều gì có thể xảy ra cho một người không chú ý đến lời của Đức Giê-hô-va nhiều hơn mức bình thường? b) Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục “khuyên-bảo lẫn nhau”?
10 Nếu không chú ý kỹ càng đến những điều thiêng liêng thì lời hứa của Đức Chúa Trời dường như không tưởng. Điều này thậm chí đã xảy ra trong thế kỷ thứ nhất dù hội thánh toàn là tín đồ đấng Christ được xức dầu và một số sứ đồ vẫn còn sống. Phao-lô cảnh cáo người Hê-bơ-rơ: “Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng. Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên-bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là ‘Ngày nay,’ hầu cho trong anh em không ai bị tội-lỗi dỗ-dành mà cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 3:12, 13). Cụm từ “hãy giữ lấy” của Phao-lô nhấn mạnh việc cần phải đề cao cảnh giác. Mối nguy hiểm đang đe dọa! Việc thiếu đức tin—“tội-lỗi”—có thể nảy sinh ra trong lòng và chúng ta có thể rời xa Đức Chúa Trời thay vì đến gần ngài hơn (Gia-cơ 4:8). Phao-lô nhắc nhở chúng ta tiếp tục “khuyên-bảo lẫn nhau”. Chúng ta cần kết hợp đầm ấm với anh em. “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật” (Châm-ngôn 18:1). Nhu cầu kết hợp như thế thúc đẩy tín đồ đấng Christ ngày nay đều đặn đi dự các buổi họp hội thánh và hội nghị.
11, 12. Tại sao chúng ta không nên thỏa mãn với sự hiểu biết sơ đẳng về đạo của đấng Christ?
11 Phần sau trong lá thư của ông, Phao-lô đưa ra lời khuyên khác thật quí giá: “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ-học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc... Đồ-ăn đặc là để cho kẻ thành-nhơn, cho kẻ hay dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ” (Hê-bơ-rơ 5:12-14). Hiển nhiên, một số tín đồ gốc Do Thái đã không tiến bộ trong sự am hiểu. Họ đã chậm chạp trong việc chấp nhận ánh sáng làm sáng tỏ Luật Pháp và sự cắt bì (Công-vụ các Sứ-đồ 15:27-29; Ga-la-ti 2:11-14; 6:12, 13). Một số người có thể vẫn còn quí trọng các thực hành theo truyền thống như việc giữ lễ Sa-bát hàng tuần và ngày Lễ Chuộc Tội trọng thể hàng năm (Cô-lô-se 2:16, 17; Hê-bơ-rơ 9:1-14).
12 Bởi vậy, Phao-lô nói: “Ấy vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ-học về Tin-lành của Đấng Christ, mà tấn-tới sự trọn-lành” (Hê-bơ-rơ 6:1). Một người chạy đua đường trường cẩn thận quan tâm đến việc ăn uống thì dễ dàng chịu đựng được cuộc chạy đua đầy mệt nhọc. Tương tự như thế, một tín đồ đấng Christ cẩn thận quan tâm đến việc dinh dưỡng thiêng liêng—không chỉ dừng lại ở những “điều sơ-học” và căn bản—sẽ dễ dàng chạy tiếp cuộc đua và chạy đến đích. (So sánh II Ti-mô-thê 4:7). Điều này có nghĩa là chúng ta phải phát triển sự chú ý về “bề rộng, bề dài, bề cao” của lẽ thật, như vậy mới tiến đến sự thành thục (Ê-phê-sô 3:18).
“Anh em cần phải nhịn-nhục”
13. Tín đồ Hê-bơ-rơ thời xưa đã chứng tỏ đức tin của họ như thế nào?
13 Trong giai đoạn tiếp theo Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, tín đồ gốc Do Thái đứng vững trong đức tin bất kể sự chống đối kịch liệt (Công-vụ các Sứ-đồ 8:1). Có lẽ Phao-lô nghĩ đến điều này khi ông viết: “Hãy nhớ lại những lúc ban đầu đó, anh em đã được soi-sáng rồi, bèn chịu cơn chiến-trận lớn về những sự đau-đớn” (Hê-bơ-rơ 10:32). Sự trung thành nhịn nhục như thế chứng tỏ họ yêu thương Đức Chúa Trời và khiến họ nói năng dạn dĩ trước mặt ngài (I Giăng 4:17). Phao-lô khuyên họ chớ bỏ đi lòng dạn dĩ đó vì thiếu đức tin. Ông khuyên họ: “Anh em cần phải nhịn-nhục, hầu cho khi đã làm theo ý-muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình. Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm-trễ đâu” (Hê-bơ-rơ 10:35-37).
14. Những sự kiện nào nên giúp chúng ta kiên trì ngay cả sau nhiều năm phụng sự Đức Giê-hô-va?
14 Còn chúng ta ngày nay thì sao? Phần đông chúng ta đã từng đầy nhiệt tình khi mới học biết lẽ thật về đạo đấng Christ. Liệu chúng ta vẫn còn lòng sốt sắng đó không? Hay là chúng ta “đã bỏ lòng kính-mến ban đầu” rồi? (Khải-huyền 2:4). Chúng ta có nguội lạnh đi, có lẽ đâm ra thất vọng đôi chút hoặc mệt mỏi trong việc chờ đợi ngày Ha-ma-ghê-đôn đến không? Nhưng hãy nghĩ lại. Lẽ thật vẫn không kém phần kỳ diệu. Chúa Giê-su vẫn là Vua của chúng ta ở trên trời. Chúng ta vẫn hy vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất và chúng ta vẫn có mối liên lạc với Đức Giê-hô-va. Và chớ bao giờ quên: “Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm-trễ đâu”.
15. Giống như Chúa Giê-su, một số tín đồ đấng Christ đã chịu đựng sự bắt bớ kịch liệt như thế nào?
15 Bởi vậy, những lời của Phao-lô ghi nơi Hê-bơ-rơ 12:1, 2 thật là thích hợp thay: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội-lỗi [thiếu đức tin] dễ vấn-vương ta, lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin, tức là Đấng vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”. Tôi tớ Đức Chúa Trời đã phải chịu đựng nhiều điều trong những ngày sau rốt này. Giống như Chúa Giê-su đã trung thành cho đến chết, một cái chết vô cùng đau đớn, một số anh chị em của chúng ta cũng đã trung thành chịu đựng sự bắt bớ tàn nhẫn nhất: bị tù đày, tra tấn, hãm hiếp, thậm chí bị giết nữa (I Phi-e-rơ 2:21). Chẳng phải là lòng chúng ta không tràn đầy yêu thương khi xem xét sự trung kiên của họ hay sao?
16, 17. a) Nói về đức tin, đa số tín đồ đấng Christ phấn đấu với những thách thức nào? b) Việc nhớ những điều gì giúp chúng ta tiếp tục cuộc chạy đua đạt đến sự sống?
16 Tuy nhiên, những lời kế tiếp của Phao-lô áp dụng cho phần đông các tín đồ đấng Christ: “Anh em chống-trả với tội-ác còn chưa đến nỗi đổ huyết” (Hê-bơ-rơ 12:4). Dầu vậy trong hệ thống này, con đường lẽ thật không phải là dễ đối với bất cứ người nào trong chúng ta. Một số người đâm ra chán nản vì “sự đối-nghịch [qua lời nói] của kẻ tội-lỗi” tại chỗ làm việc hoặc ở trường học, vì bị chế giễu hoặc phải kháng cự áp lực xúi phạm tội (Hê-bơ-rơ 12:3). Sự cám dỗ mãnh liệt đã làm lung lay lòng cương quyết của một số người trong việc giữ các tiêu chuẩn cao của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 13:4, 5). Những kẻ bội đạo gây tác hại đến sự thăng bằng thiêng liêng của một số người nhẹ dạ nghe lời tuyên truyền thâm độc của chúng (Hê-bơ-rơ 13:9). Sự khác biệt về cá tính đã cướp đi niềm vui của một số người khác. Một số tín đồ đấng Christ trở nên yếu đi vì quá đặt nặng việc giải trí và thú tiêu khiển riêng. Và phần đông đều cảm thấy áp lực của những vấn đề khó khăn trong cuộc sống ở hệ thống mọi sự này.
17 Đành rằng trong các tình thế nêu trên, không có cái nào tương đương với sự ‘chống-trả đến nỗi đổ huyết’. Và một số tình thế ấy có thể là do những quyết định sai lầm của chính chúng ta. Nhưng tất cả những tình thế này tạo ra một thử thách cho đức tin của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải chăm chú nhìn đến gương nhịn nhục dũng cảm của Chúa Giê-su. Mong sao chúng ta chớ bao giờ quên là niềm hy vọng của chúng ta thật là tuyệt diệu. Mong rằng chúng ta chớ bao giờ mất đi niềm tin chắc rằng Đức Giê-hô-va là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Và như vậy, chúng ta sẽ có sức lực thiêng liêng để tiếp tục cuộc chạy đua đạt đến sự sống.
Chúng ta có thể chịu đựng
18, 19. Các biến cố lịch sử nào cho thấy rất có thể tín đồ người Hê-bơ-rơ tại thành Giê-ru-sa-lem đã nghe theo lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô?
18 Tín đồ gốc Do Thái đã hưởng ứng lá thư của Phao-lô như thế nào? Chừng sáu năm sau khi Phao-lô viết lá thư cho người Hê-bơ-rơ, miền Giu-đê lâm vào cảnh chiến tranh. Vào năm 66 CN, quân đội La Mã bao vây thành Giê-ru-sa-lem, đúng như lời tiên tri của Chúa Giê-su: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến” (Lu-ca 21:20). Tuy nhiên, vì lợi ích của các tín đồ đấng Christ sống trong thành Giê-ru-sa-lem vào lúc đó, Chúa Giê-su nói: “Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài; ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành” (Lu-ca 21:21). Bởi vậy, cuộc chiến tranh với La Mã đặt ra một thử thách: Liệu các tín đồ gốc Do Thái sẽ rời khỏi Giê-ru-sa-lem, trung tâm của sự thờ phượng Do Thái và địa điểm của đền thờ lộng lẫy không?
19 Bất thình lình và không rõ lý do, quân La Mã rút lui. Rất có thể, những người Do Thái sùng đạo xem đây là bằng chứng Đức Chúa Trời che chở thành thánh của họ. Nói gì về tín đồ đấng Christ? Lịch sử cho biết họ đã chạy trốn đi. Rồi, vào năm 70 CN, quân La Mã trở lại và hoàn toàn hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem, giết chết không biết bao nhiêu người. ‘Ngày của Đức Giê-hô-va’ do Giô-ên tiên tri đã đến trên thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng các tín đồ trung thành của đấng Christ không còn ở đó nữa. Họ đã “được cứu” (Giô-ên 2:30-32; Công-vụ các Sứ-đồ 2:16-21).
20. Việc biết ‘ngày lớn của Đức Giê-hô-va’ gần đến nên thúc đẩy chúng ta làm gì?
20 Ngày nay chúng ta biết có một ‘ngày lớn của Đức Giê-hô-va’—một ngày lớn khác—sắp ảnh hưởng đến toàn thể hệ thống mọi sự này (Giô-ên 3:12-14). Chúng ta không biết khi nào ngày đó sẽ đến. Nhưng Lời Đức Chúa Trời cam kết với chúng ta rằng ngày đó chắc chắn sẽ đến! Đức Giê-hô-va nói ngày đó sẽ đến, không chậm trễ (Ha-ba-cúc 2:3; II Phi-e-rơ 3:9, 10). Bởi vậy, chúng ta hãy “chú ý nhiều hơn mức bình thường về những gì chúng ta nghe”. Chớ thiếu đức tin vì ấy là “tội-lỗi dễ vấn-vương ta”. Hãy nhất quyết chịu đựng cho đến cùng. Hãy nhớ, tổ chức trên trời giống như cỗ xe vĩ đại của Đức Giê-hô-va đang tiến tới. Cỗ xe ấy sẽ hoàn tất mục tiêu. Vậy mong sao tất cả chúng ta tiếp tục chạy và không bỏ cuộc chạy đua đạt đến sự sống!
Bạn có nhớ không?
◻ Việc nghe theo lời khuyên nào của Phao-lô viết cho người thành Phi-líp sẽ giúp chúng ta kiên trì trong cuộc chạy đua đạt đến sự sống?
◻ Điều gì sẽ giúp chúng ta chống lại khuynh hướng của thế gian này khiến chúng ta sao lãng?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để kiên trì trong cuộc chạy đua?
◻ Một số điều gì có thể khiến một tín đồ đấng Christ chạy chậm lại?
◻ Gương của Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta kiên trì như thế nào?
[Hình nơi trang 9]
Giống như những người chạy đua, tín đồ đấng Christ không để cho điều gì làm họ sao lãng
[Hình nơi trang 10]
Không gì có thể ngăn cản cỗ xe vĩ đại trên trời của Đức Giê-hô-va hoàn tất mục tiêu của ngài