“Sách Chiến-trận của Đức Giê-hô-va” sắp sửa kết thúc
“Trong sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va có nói rằng:...” (DÂN-SỐ KÝ 21:14).
1, 2. Trong một cơ hội xa xưa nào Đức Giê-hô-va đã tỏ ra cho dân Ê-díp-tô biết Ngài là Đức Chúa Trời của chiến trận, và Ngài đã làm vậy thế nào?
NGÀY NAY nhiều người không biết Đức Chúa Trời của Kinh-thánh, Đức Giê-hô-va, là một chiến sĩ, một Đấng kiên cường trong chiến trận. Sự kiện nầy được thấy rõ khi Ngài giải thoát dân tộc thời xưa của Ngài ra khỏi sự áp chế của Ê-díp-tô. Sa-tan Ma-quỉ, kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên đã xúi giục Pha-ra-ôn bắt họ làm việc nặng nề cho đến chết. Nhưng bây giờ Pha-ra-ôn tiếc đã cho dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ê-díp-tô, nên ông và đoàn quân rượt đuổi theo.
2 Tuy nhiên, Pha-ra-ôn không biết là Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên có thể trở thành Đức Chúa Trời của chiến trận để giải thoát cho dân tộc của Ngài. Khi đoàn quân Ê-díp-tô chen nhau tiến vào đường rẽ khô ở Biển Đỏ để cố đuổi đánh báo thù thì Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên sắp bị lâm nguy nầy đã hành động và làm đắm cả xe ngựa và các người cỡi ngựa bằng cách làm nước lấp lại con đường nhờ phép lạ đã rẽ ra cho dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:14, 24-28).
3. Trong bài ca chiến thắng, dân Y-sơ-ra-ên đã mô tả đặc điểm của Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời như thế nào, nhưng các nước ngày nay làm ngơ trước sự kiện nào?
3 Dân Y-sơ-ra-ên nay an toàn trên bờ phía đông của Biển Đỏ vui mừng hát bài ca chiến thắng, ca ngợi Đấng Giải cứu ở trên trời của họ: “Tôi ca-tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài rất vinh-hiển oai-nghiêm. Ngài đã liệng xuống biển ngựa và người cỡi ngựa. Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca-tụng của tôi: Ngài đã trở nên Đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi-khen Ngài; Đức Chúa Trời của tổ-phụ tôi, tôi tôn-kính Ngài. Đức Giê-hô-va là một chiến-sĩ; Danh Ngài là Giê-hô-va. Ngài đã ném xuống biển binh-xa Pha-ra-ôn và cả đạo binh của người; Quan-tướng kén-chọn của người đã bị đắm nơi Biển-đỏ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1-4). Chính tại Biển Đỏ, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài là một chiến sĩ có thể làm những phép lạ tuyệt diệu. Nhiều nước thế gian làm ngơ trước sự kiện đó.
4, 5. Mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên vui mừng ca hát đó phát sinh từ cùng một tổ phụ nào, và người nầy trở thành bạn của ai nhờ có đức tính nào?
4 Nhà tiên tri Môi-se dẫn đầu hát bài ca được soi dẫn trên, đã gọi Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của tổ-phụ tôi”. Áp-ra-ham người Hê-bơ-rơ là tổ phụ đáng khâm phục của nước Y-sơ-ra-ên. Y-sác, Gia-cốp và 12 người con trai của Gia-cốp sinh ra 12 chi phái Y-sơ-ra-ên đều đến từ Áp-ra-ham. Ông tỏ ra là người gương mẫu trong sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ông có một đức tin mạnh đến nỗi khi Đức Giê-hô-va bảo ông lìa khỏi quê hương tại xứ U-rơ thuộc đất Canh-đê, ông đã không ngần ngại đi về xứ mà Đức Giê-hô-va sẽ chỉ cho ông với niềm tin cậy là Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa của Ngài, tức ban đất đó cho ông và dòng dõi của ông.
5 Bởi vì đức tin tuyệt diệu của Áp-ra-ham, Đức Giê-hô-va đã hứa ban cho ông một “dòng-dõi”, hay hậu tự, nhờ đó mà mọi gia đình trên đất, kể cả những gia đình ngày nay, sẽ được ban phước (Sáng-thế Ký 12:2, 3; 22:17, 18). Áp-ra-ham có một sự liên lạc chặt chẽ với Đức Chúa Trời đến nỗi ông được gọi là “bạn Đức Chúa Trời”, chính Đức Chúa Trời cũng gọi tổ phụ trung thành nầy là “bạn ta” (Gia-cơ 2:23; Ê-sai 41:8).
6. Dù là người yêu chuộng hòa bình còn lang thang trong Đất Hứa, Áp-ra-ham đã tỏ ra thế nào là một chiến sĩ tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?
6 Dù đi như một người lạ trong Đất Hứa, Áp-ra-ham đã tỏ ra ông có thể hành động như một chiến sĩ. Có lần bốn vua từ bên ngoài xâm nhập vào Đất Hứa và bắt theo cháu của Áp-ra-ham là Lót cùng với gia đình của Lót. Vì tình nghĩa gia đình sâu đậm, Áp-ra-ham chiêu tập 318 gia nhân, phát cho họ khí giới, rồi cùng với ba đồng minh A-ne, Ếch-côn và Mam-rê, đã đuổi theo bọn cướp. Áp-ra-ham cùng với phe ông mở cuộc tấn công bất ngờ vào buổi tối và đánh bại bọn quân xâm lược dù chúng mạnh hơn ông rất nhiều. Ông đã “thắng-trận các vua” (Hê-bơ-rơ 7:1; Sáng-thế Ký 14:13-17). Áp-ra-ham đã giải cứu Lót và gia đình cùng thâu về đủ hết tài vật đã bị cướp.
7-9. a) Áp-ra-ham đã ra mắt thầy tế lễ nào và ông nhận được ân phước nào? b) Áp-ra-ham cho thấy thế nào ông chỉ muốn ân phước của Đức Chúa Trời Chí Cao? c) Như Mên-chi-xê-đéc đã xác định, ai đã cho Áp-ra-ham được chiến thắng?
7 Áp-ra-ham nhận biết sở dĩ ông đạt được thắng lợi quân sự là nhờ được Giê-hô-va Đức Chúa Trời giúp đỡ, và trong cuộc hành trình thắng trận trở về, ông có dịp tỏ điều đó ra cho mọi người biết. Ông biết là thầy tế lễ mà Đức Chúa Trời của ông chấp nhận ở tại Sa-lem, nên ông đã nhắm hướng đó mà đi. Phần sau của Sáng-thế Ký đoạn 14 cho chúng ta biết những gì đã xảy ra.
8 “Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem, sai đem bánh và rượu ra. Vả, vua nầy là thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời Chí-Cao, chúc phước cho Áp-ram và nói rằng: Nguyện Đức Chúa Trời Chí-Cao, là Đấng dựng nên trời và đất, ban phước cho Áp-ram! Đáng ngợi-khen thay Đức Chúa Trời Chí-Cao đã phó kẻ thù-nghịch vào tay ngươi! Đoạn, Áp-ram lấy một phần mười về cả của giặc mà dâng cho vua đó. Vua Sô-đôm bèn nói cùng Áp-ram rằng: Hãy giao người cho ta, còn của-cải, thì ngươi thâu lấy. Áp-ram đáp lại rằng: Tôi giơ tay lên trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí-Cao, Chúa-Tể của trời và đất, mà thề rằng: Hễ của chi thuộc về vua, dầu đến một sợi chỉ, hay là một sợi dây giày đi nữa, tôi cũng chẳng hề lấy; e vua nói được rằng: Nhờ ta làm cho Áp-ram giàu-có... chỉ món chi của những người trẻ đã ăn, và phần của các người cùng đi với tôi, là A-ne, Ếch-côn và Mam-rê; về phần họ, họ hãy lấy phần của họ đi” (Sáng-thế Ký 14:18-24).
9 Những câu trên chỉ rõ Mên-chi-xê-đéc là vua và thầy tế lễ của thành Sa-lem, và xác định sự tin tưởng của Áp-ra-ham là Đức Chúa Trời Chí Cao đã đánh trận giùm và ban cho ông cùng quân ông được chiến thắng. Vua và thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc đã không làm giảm công trạng của Đức Giê-hô-va trong chiến công đó.
Sách chiến trận của Đức Giê-hô-va
10. Trận chiến nào được nói đến đầu tiên trong Kinh-thánh, và tại sao đó chỉ là phần đầu trong những cuộc chiến thắng của Đức Giê-hô-va?
10 Lời miêu tả trong Sáng-thế Ký đoạn 14 về sự xâm chiếm Đất Hứa và việc Áp-ra-ham đánh bại quân xâm lược là trận chiến được nói đến đầu tiên trong Kinh-thánh. Như vậy là hơn bốn thế kỷ trước sự cả thắng tại Biển Đỏ, Đức Giê-hô-va đã tỏ mình là một “chiến-sĩ”. Nhưng đó chỉ là phần đầu. Sau đó còn có thêm những chiến thắng vang dội khác, kể cả sự chiến thắng cuối cùng trong “ngày tận-thế” (Ma-thi-ơ 24:3).
11. “Sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” là gì, nhưng ở đâu cũng tường thuật rất nhiều chiến thắng quân sự của Ngài?
11 Theo điều Dân-số Ký 21:14 nói, “sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” đã được viết ra. Sự ghi chép đáng tin cậy, tức lịch sử, về những trận chiến mà Đức Chúa Trời đã ra tay vì dân tộc Ngài, có lẽ đã bắt đầu với trận chiến vì người trung thành Áp-ra-ham. Môi-se đã biết về sách nầy nhưng ông không cho biết thêm chi tiết nào nữa. Vì thế chúng ta không biết tất cả những cách nào mà Đức Giê-hô-va đã tỏ mình là một “chiến-sĩ” trong khoảng thời gian viết trong “sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, từ khi sách đó được đề cập, phần lớn Kinh-thánh đã được viết và tường thuật cho chúng ta biết đến rất nhiều chiến thắng quân sự của Đức Giê-hô-va.
Mên-chi-xê-đéc Lớn—Một chiến sĩ
12. Mên-chi-xê-đéc tượng trưng cho đấng cao hơn nào của Đấng Chí Cao, và Đa-vít đã soạn bài Thi-thiên nào để nói về đấng vừa là thầy tế lễ, vừa là một chiến sĩ đó?
12 Sau khi Áp-ra-ham đánh bại Kết-rô-Lao-me và các vua cùng phe hắn, Mên-chi-xê-đéc đã chúc phước cho ông. Vua và thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc tượng trưng cho một đấng được nói tiên tri sẽ là thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời Chí Cao và cũng là một chiến sĩ đầy quyền năng được Đấng Chí Cao ủng hộ. Vua Đa-vít được soi dẫn để soạn bài Thi-thiên số 110 có nói về đấng lớn hơn Mên-chi-xê-đéc của thành Sa-lem rằng: “Đức Giê-hô-va từ Si-ôn sẽ sai đến cây phủ-việt về sự năng-lực ngươi: Hãy cai-trị giữa các thù-nghịch ngươi. Đức Giê-hô-va đã thề, không hề đổi ý, rằng: Ngươi là thầy tế-lễ đời đời, tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc. Chúa ở bên hữu ngươi sẽ chà-nát các vua trong ngày Ngài nổi giận” (Thi-thiên 110:2, 4, 5).
13. Theo Hê-bơ-rơ đoạn 7 và 8, ai là đấng lớn hơn Mên-chi-xê-đéc khi xưa, và đấng nầy đã vào nơi cao nào và đã dâng loại của-lễ nào?
13 Người được soi dẫn viết sách Hê-bơ-rơ tiết lộ danh tánh của đấng mà lời Thi-thiên đã thật sự nói đến: “Chúa Giê-su đã vào như Đấng đi trước của chúng ta, vì đã trở nên thầy tế-lễ thượng-phẩm đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc” (Hê-bơ-rơ 6:20). Các đoạn kế tiếp của sách Hê-bơ-rơ giải thích về sự cao cả của Mên-chi-xê-đéc ngày xưa. Tuy nhiên, đấng mà Mên-chi-xê-đéc tượng trưng có chức vụ tế lễ cao cả hơn, đấng đó chính là Giê-su Christ đã sống lại và vinh hiển [lên trời], ngài đã trình diện trước Đức Giê-hô-va với của-lễ có giá trị cao cả hơn bất cứ của-lễ nào mà vua và thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc ở Sa-lem đã dâng khi xưa (Hê-bơ-rơ 7:1 đến 8:2).
14. Mên-chi-xê-đéc Lớn có bao giờ cho phép các giới chức giáo phẩm các đạo tự xưng theo đấng Christ dự phần vào các hoạt động quân sự của những nước tự gọi theo đạo đấng Christ không?
14 Thầy tế lễ và vua Mên-chi-xê-đéc đã chúc phước cho một chiến sĩ, Áp-ra-ham thắng trận. Nhưng về phần đấng lớn hơn Mên-chi-xê-đéc, đấng sáng lập đạo thật Đấng Christ thì sao? Hàng giới chức giáo phẩm các đạo tự xưng theo đấng Christ cho là chúng đại diện Giê-su Christ để ban ơn và cầu nguyện cho các đoàn quân của những nước tự xưng theo đấng Christ. Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời trên trời có ủng hộ các giới chức giáo phẩm đó không? Ngài có trách nhiệm về tất cả những sự đổ máu đã xảy ra trong cái gọi là kỷ nguyên đạo đấng Christ nầy, kể cả sự đổ máu trong các Thế Chiến thứ I và thứ II không? Tuyệt đối không! Không bao giờ ngài cho phép các môn đồ thật của ngài dự phần vào thế gian nầy và tham gia trong các hoạt động quân sự làm đổ máu.
Đức Chúa Trời chiến trận làm vinh hiển chính danh Ngài
15, 16. Đức Giê-hô-va đã làm gì cho chính Ngài khi Ngài chiến đấu để giải thoát dân Ngài ra khỏi xứ Ê-díp-tô?
15 Nê-hê-mi 9:10 nói đến việc Đức Giê-hô-va giải thoát 12 chi phái Y-sơ-ra-ên khỏi Ê-díp-tô: “[Chúa] làm những dấu kỳ phép lạ nơi Pha-ra-ôn, nơi đầy-tớ người và nơi toàn dân-sự của nước người; vì Chúa biết rằng họ có đối-đãi tổ-phụ chúng tôi cách kiêu-căng, và Chúa có làm nổi danh Chúa như thể ngày nay”. (So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 14:18).
16 Nhà tiên tri Ê-sai nói về phẩm giá của danh Đức Giê-hô-va khi ông nói về Ngài “là Đấng lấy cánh tay vinh-hiển đi bên tay hữu Môi-se; là Đấng đã rẽ nước ra trước mặt họ, đặng rạng danh vô-cùng”. Ông nói cùng Đức Giê-hô-va: “Ngài đã dắt dân mình đi đường, để rạng danh vinh-hiển mình” (Ê-sai 63:12-14). Kêu cầu Đức Giê-hô-va hành động cho dân Ngài lần nữa, Đa-ni-ên nói cùng Ngài: “Ngài đã lấy tay mạnh đem dân Ngài ra khỏi đất Ê-díp-tô, đã làm nên cho mình một danh-tiếng như ngày nay” (Đa-ni-ên 9:15; Giê-rê-mi 32:20).
17. Đức Giê-hô-va sẽ cho ai xuất trận chiến đấu cho danh Ngài, và như thế Ngài sẽ cho mọi nước hiện nay biết gì?
17 Đến kỳ định Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ cho xuất trận Giê-su Christ, Mên-chi-xê-đéc Lớn, là một chiến sĩ đầy quyền năng. Qua Giê-su, Đức Giê-hô-va sẽ làm danh Ngài vinh hiển hơn hẳn tất cả những lần trong quá khứ mà “sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” và Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có miêu tả. Trong đoạn cuối cùng của sách áp chót trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có tiên tri về các nước tấn công Giê-ru-sa-lem. Khi đó, theo Xa-cha-ri 14:3, “bấy giờ Đức Giê-hô-va sẽ ra đánh cùng các nước đó, như Ngài đã đánh trong ngày chiến-trận”. Bằng cách nầy Đức Chúa Trời của Kinh-thánh sẽ tỏ ra cho mọi nước hiện nay biết Ngài vẫn là Đức Chúa Trời của chiến trận, cũng giống như vào thời của Y-sơ-ra-ên ngày xưa.
18, 19. Thành Giê-ru-sa-lem nào sẽ bị các nước tổng tấn công?
18 Đây là triển vọng ở trước mặt chúng ta. Nhưng thành Giê-ru-sa-lem nào bị sự tổng tấn công đó? Lời tiên tri không ứng nghiệm trên thành Giê-ru-sa-lem vào thời của Xa-cha-ri. Thành đó bị quân La-mã hủy phá vào năm 70 tây lịch. Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem đã được xây lại, và ngày nay các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và dân Do-thái xem thành đó là thánh. Trong trận chiến 6 ngày vào năm 1967, nước Do-thái đã chiếm lại thành Giê-ru-sa-lem đã được xây lại đó. Tuy nhiên không có gì là bằng chứng Đức Giê-hô-va đã tham gia trong trận đánh nhau đó. Vua Giê-su Christ đã lên ngôi không cai trị tại thành Giê-ru-sa-lem trên đất và thành nầy không còn là “thành của Vua lớn” tức là Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 5:35).
19 Không, lời tiên tri của Xa-cha-ri không đề cập đến thành Giê-ru-sa-lem là thủ đô chính thức của Do-thái, nước hội viên của Liên Hiệp Quốc. Thật ra, Xa-cha-ri nói đến thành Giê-ru-sa-lem mà chúng ta đọc trong sách Hê-bơ-rơ. Sứ đồ Phao-lô nói cùng với các tín đồ xức dầu: “Anh em đã tới gần núi Si-ôn, gần thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên-sứ nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 12:22). Thành Giê-ru-sa-lem trên trời nầy không gì khác hơn là Nước Trời của đấng Mê-si, được đại diện trên đất ngày nay bởi một nhóm nhỏ tín đồ xức dầu có hy vọng đồng cai trị với Giê-su trong Nước Trời. Những người nầy chính là nhóm người được nói tiên tri là sẽ bị tấn công.
20. Vua Ê-xê-chia nói những lời nào để khuyến khích dân sự bị đe dọa, và Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay tin tưởng nơi lời nào của vị Vua lớn hơn Ê-xê-chia?
20 Tuy nhiên, các tín đồ xức dầu nầy và cả “đám đông” với hy vọng sống trên đất đã ra từ mọi nước và đến kết hợp với họ trong sự thờ phượng thật, không cần phải sợ hậu quả của cuộc tấn công đó. Khi đoàn quân hùng mạnh đáng sợ của San-chê-ríp, vua xứ A-si-ri, đến đánh Giê-ru-sa-lem trong đời trị vì của vua Ê-xê-chia, dân Y-sơ-ra-ên bị lâm nguy đã giữ được trạng thái bình tĩnh khi vua Ê-xê-chia nói với họ: “Với người chỉ một cánh tay xác-thịt; còn với chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta đặng giúp-đỡ và chiến-tranh thế cho chúng ta”. Kết quả là “dân-sự bèn nương-cậy nơi lời của Ê-xê-chia, vua Giu-đa” (II Sử-ký 32:8). Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay khi bị lực lượng các nước thế gian đe dọa có thể tin tưởng nơi những lời tương tợ của một vị Vua lớn hơn Ê-xê-chia, tức Giê-su Christ.
21. a) Tại sao lời của Gia-ha-xi-ên nên nhớ lại khi “Giê-ru-sa-lem trên trời” bị tấn công sắp tới? b) Trận chiến sắp diễn ra sẽ có kết quả là gì?
21 Lúc đó họ sẽ nhớ lại lời nói đầy đức tin của Gia-ha-xi-ên người Lê-vi: “Trong trận nầy các ngươi sẽ chẳng cần gì tranh-chiến; hãy dàn ra, đứng yên-lặng mà xem thấy sự giải-cứu của Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi. Hỡi Giu-đa và Giê-ru-sa-lem! Chớ sợ, chớ kinh-hãi; ngày mai, hãy đi ra đón chúng nó, vì Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (II Sử-ký 20:17). Đúng vậy, trong suốt thời kỳ nguy hiểm đó Đức Giê-hô-va sẽ ở với dân tộc Ngài. Sự an toàn và bảo toàn mạng sống của họ tùy thuộc nơi Đức Giê-hô-va chiến đấu cho họ. Và Ngài sẽ chiến đấu, dùng Vua và chiến sĩ Giê-su Christ của Ngài! Kết quả là gì? Tổ chức hữu hình trên đất của Ma-quỉ sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn (Khải-huyền 19:11-21).
22. a) “Sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” sẽ có một kết thúc vẻ vang nào, và nhờ đó Đức Giê-hô-va sẽ làm gì cho chính Ngài? b) Chiến thắng của Đức Giê-hô-va sẽ khiến những người yêu mến danh Ngài làm gì?
22 Qua chiến thắng huy hoàng trong “ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” tại Ha-ma-ghê-đôn, Đức Chúa Trời sẽ làm danh Ngài vinh hiển biết bao! (Khải-huyền 16:14, 16). Như là một chương mới sẽ được thêm vào cuốn “sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” vậy. Đó sẽ là một kết cuộc đầy thắng lợi, phần tột đỉnh kết thúc hệ thống mọi sự nầy. Cả cuốn sách sẽ cho thấy Đức Chúa Trời toàn năng đã không bao giờ thất trận. Những người yêu mến danh Đức Giê-hô-va sẽ vui mừng ca ngợi Ngài mãi mãi về sau! Lúc đó câu chót của sách Thi-thiên thật sự sẽ được thực hiện trọn vẹn: “Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia!” (Thi-thiên 150:6).
Câu hỏi ôn lại
◻ Người ta ngày nay ít biết đến điều gì về Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Kinh-thánh?
◻ Áp-ra-ham đã đánh trận nào, và ai đã cho ông thắng trận?
◻ “Sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” là gì?
◻ “Sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” sẽ có phần kết thúc thế nào, và kết quả sẽ là gì?