Chiên khác và giao ước mới
“Các người dân ngoại..., tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô-uế, và cầm vững lời giao-ước ta, thì ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta” (Ê-SAI 56:6, 7).
1. a) Theo sự hiện thấy của Giăng, điều gì sẽ được thực hiện trong lúc cơn gió phán xét của Đức Giê-hô-va được cầm lại? b) Giăng đã nhìn thấy đám đông khác thường nào?
TRONG sự hiện thấy lần thứ tư trong sách Khải-huyền, sứ đồ Giăng thấy cơn gió hủy diệt của sự phán xét Đức Giê-hô-va được giữ lại trong lúc việc đóng ấn các thành viên thuộc “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” đang hoàn tất. Nhóm người này là những người đầu tiên được ban phước qua Chúa Giê-su là dõng dõi chính của Áp-ra-ham (Ga-la-ti 6:16; Sáng-thế Ký 22:18; Khải-huyền 7:1-4). Cũng trong sự hiện thấy này, Giăng thấy “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra..., cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con” (Khải-huyền 7:9, 10). Khi nói “Sự cứu-rỗi thuộc... về Chiên Con”, đám đông vô số người cho thấy họ cũng được ban phước nhờ Dòng Dõi Áp-ra-ham.
2. Đám đông vô số người lộ diện khi nào, và được nhận diện như thế nào?
2 Đám đông vô số người được nhận diện vào năm 1935, và ngày nay đám đông này lên tới hơn năm triệu người. Được đánh dấu để sống sót qua hoạn nạn lớn, những người thuộc nhóm này sẽ được tách riêng để nhận sự sống đời đời khi Chúa Giê-su phân chia “chiên” và “dê”. Các tín đồ đấng Christ thuộc đám đông vô số người nằm trong số các “chiên khác” trong ví dụ của Chúa Giê-su về chuồng chiên. Họ có hy vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất (Ma-thi-ơ 25:31-46; Giăng 10:16; Khải-huyền 21:3, 4).
3. Các tín đồ đấng Christ được xức dầu và các chiên khác có sự khác nhau như thế nào về giao ước mới?
3 Về phần 144.000 người, ân phước trong giao ước Áp-ra-ham được thực hiện qua giao ước mới. Là những người dự phần trong giao ước này, họ ở “dưới ân-điển” và “dưới luật-pháp của Đấng Christ” (Rô-ma 6:15; I Cô-rinh-tô 9:21). Vì vậy, chỉ 144.000 người thuộc Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời mới có quyền dùng các món biểu hiệu trong Lễ Kỷ Niệm sự chết của Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su chỉ lập giao ước về Nước Trời với họ mà thôi (Lu-ca 22:19, 20, 29). Những người thuộc đám đông vô số người không dự phần trong giao ước mới. Tuy nhiên, họ kết hợp với Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời và sống chung với nhóm này trong “nước” của họ (Ê-sai 66:8). Cho nên rất hợp lý để nói rằng đám đông vô số người cũng ở dưới ân điển của Đức Giê-hô-va và ở dưới luật pháp của đấng Christ. Dù không dự phần trong giao ước mới, nhưng họ vẫn hưởng lợi ích từ giao ước đó.
“Người dân ngoại” và “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”
4, 5. a) Theo Ê-sai, nhóm nào sẽ hầu việc Đức Giê-hô-va? b) Ê-sai 56:6, 7 đã được ứng nghiệm đối với đám đông vô số người như thế nào?
4 Nhà tiên tri Ê-sai đã viết: “Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu-việc Ngài, đặng yêu-mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi-tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô-uế, và cầm vững lời giao-ước ta, thì ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta, làm cho họ vui-mừng trong nhà cầu-nguyện ta. Của-lễ thiêu và hi-sinh họ dâng trên bàn-thờ ta, sẽ được nhận lấy” (Ê-sai 56:6, 7). Điều này có nghĩa là “người dân ngoại”, không phải là người Y-sơ-ra-ên nhưng lại sống trong xứ Y-sơ-ra-ên, sẽ thờ phượng Đức Giê-hô-va—yêu mến danh ngài, vâng theo các điều khoản của giao ước Luật Pháp, giữ ngày Sa-bát, và dâng của-lễ hy sinh tại đền thờ, tức là “nhà cầu-nguyện” của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 21:13).
5 Vào thời chúng ta, “các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va” là đám đông vô số người. Những người này kết hợp với Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời đặng hầu việc Đức Giê-hô-va (Xa-cha-ri 8:23). Họ cũng dâng những của-lễ được Đức Chúa Trời chấp nhận giống như Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 13:15, 16). Họ thờ phượng trong đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời, “nhà cầu-nguyện” của ngài. (So sánh Khải-huyền 7:15). Họ có giữ ngày Sa-bát mỗi tuần không? Những người xức dầu cũng như các chiên khác không buộc phải làm điều này (Cô-lô-se 2:16, 17). Tuy nhiên, Phao-lô nói với các tín đồ người Hê-bơ-rơ được xức dầu: “Còn lại một ngày [Sa-bát, NW] yên-nghỉ cho dân Đức Chúa Trời. Vì ai vào sự yên-nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công-việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công-việc của Ngài vậy” (Hê-bơ-rơ 4:9, 10). Những người Hê-bơ-rơ đã đi vào “ngày [Sa-bát, NW] yên-nghỉ” khi họ vâng phục “sự công-bình của Đức Chúa Trời” và được yên nghỉ, không còn phải cố gắng tự bào chữa cho mình bằng những việc làm theo Luật Pháp nữa (Rô-ma 10:3, 4). Những tín đồ đấng Christ được xức dầu thuộc dân ngoại cũng hưởng được sự yên nghỉ bằng cách vâng phục sự công bình của Đức Giê-hô-va. Đám đông vô số người cũng cùng với họ hưởng sự yên nghỉ ấy.
6. Làm thế nào các chiên khác ngày nay tự đặt mình dưới giao ước mới?
6 Hơn nữa, nhóm chiên khác tự đặt mình dưới giao ước mới y như người dân ngoại hồi xưa đã làm với giao ước Luật Pháp. Như thế nào? Không phải bằng cách trở thành người dự phần trong giao ước nhưng bằng việc vâng theo các luật pháp liên quan đến giao ước và hưởng lợi ích từ các sự sắp đặt trong đó. (So sánh Giê-rê-mi 31:33, 34). Giống những người bạn được xức dầu của họ, nhóm chiên khác được luật pháp của Đức Giê-hô-va khắc ghi ‘ở trong lòng họ’. Họ thiết tha yêu mến và vâng giữ các điều răn và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 37:31; 119:97). Giống các tín đồ đấng Christ được xức dầu, họ biết rõ về Đức Giê-hô-va (Giăng 17:3). Còn về việc cắt bì thì sao? Khoảng 1.500 năm trước khi giao ước mới được thiết lập, Môi-se đã khuyên giục dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi hãy cắt bì lòng mình đi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:16, NW; Giê-rê-mi 4:4). Dù rằng luật cắt bì đã bị bãi bỏ chung với Luật Pháp, những người được xức dầu lẫn các chiên khác vẫn phải “cắt-bì” lòng của họ (Cô-lô-se 2:11). Cuối cùng, Đức Giê-hô-va tha tội cho các chiên khác dựa trên căn bản “huyết của sự giao-ước” của Chúa Giê-su đã đổ ra (Ma-thi-ơ 26:28; I Giăng 1:9; 2:2). Đức Chúa Trời không nhận họ làm con nuôi thiêng liêng, như ngài làm đối với 144.000 người. Nhưng ngài xưng nhóm chiên khác là công bình, cùng theo nghĩa mà Áp-ra-ham được xưng là công bình và là bạn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 25:46; Rô-ma 4:2, 3; Gia-cơ 2:23).
7. Các chiên khác ngày nay có triển vọng nào, ai sẽ được Đức Chúa Trời cho là công bình giống như Áp-ra-ham?
7 Đối với 144.000 người, việc được Đức Chúa Trời xưng là công bình mở đường cho hy vọng được cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời (Rô-ma 8:16, 17; Ga-la-ti 2:16). Còn về phần các chiên khác thì nhờ được Đức Chúa Trời cho là công bình với tư cách là bạn của ngài, nên họ có hy vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất—hoặc ở trong số đám đông vô số người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn hoặc qua “sự sống lại của người công-bình” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Thật là một đặc ân khi có một hy vọng như thế và khi được làm bạn Đấng Thống Trị của vũ trụ, và được “làm khách trong lều của [ngài]”! (Thi-thiên 15:1, 2). Đúng vậy, cả những người được xức dầu lẫn các chiên khác được ban phước một cách kỳ diệu qua Chúa Giê-su, Dòng Dõi của Áp-ra-ham.
Ngày Lễ Chuộc Tội trọng đại hơn
8. Những của-lễ trong Ngày Lễ Chuộc Tội dưới Luật Pháp tượng trưng cho điều gì?
8 Khi bàn về giao ước mới, Phao-lô nhắc nhở người đọc về Ngày Lễ Chuộc Tội dưới giao ước Luật Pháp. Vào ngày đó, người ta dâng hai loại của-lễ khác nhau—một của-lễ cho chi phái Lê-vi giữ chức tế lễ và của-lễ kia thì cho 12 chi phái không thuộc ban tế lễ. Việc dâng của-lễ này đã được giải thích từ lâu là tượng trưng cho sự hy sinh vĩ đại của Chúa Giê-su, sẽ mang lại lợi ích cho cả 144.000 người có hy vọng lên trời lẫn hàng triệu người có hy vọng sống trên đất.a Phao-lô cho thấy, trong phần ứng nghiệm của Ngày Lễ Chuộc Tội, các lợi ích nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su sẽ được thực hiện trong Ngày Lễ Chuộc Tội lớn hơn dưới giao ước mới. Là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của ngày lễ trọng đại này, Chúa Giê-su hy sinh mạng sống hoàn toàn của ngài làm của-lễ chuộc tội hầu “chuộc tội đời đời” cho loài người (Hê-bơ-rơ 9:11-24).
9. Vì ở trong giao ước mới, các tín đồ xức dầu người Hê-bơ-rơ có thể đón nhận được điều gì?
9 Vào thế kỷ thứ nhất, nhiều tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ vẫn còn “sốt-sắng về luật-pháp [Môi-se]” (Công-vụ các Sứ-đồ 21:20). Vì thế, Phao-lô đã nhắc nhở họ một cách thích hợp: “[Chúa Giê-su] là Đấng trung-bảo của giao-ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao-ước cũ, thì những kẻ được kêu-gọi nhận-lãnh cơ-nghiệp đời đời đã hứa cho mình” (Hê-bơ-rơ 9:15). Giao ước mới giải thoát tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ khỏi giao ước cũ, một giao ước từng phơi bày tội lỗi của họ. Nhờ giao ước mới, họ có thể đón nhận “cơ-nghiệp đời đời [trên trời] đã hứa cho mình”.
10. Những người được xức dầu và các chiên khác cảm tạ Đức Chúa Trời về điều gì?
10 “Hễ ai tin Con” sẽ được lợi ích từ sự hy sinh làm giá chuộc (Giăng 3:16, 36). Phao-lô nói: “Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội-lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu-rỗi cho kẻ chờ-đợi Ngài” (Hê-bơ-rơ 9:28). Ngày nay, những người thành thật chờ đợi Chúa Giê-su gồm có các tín đồ đấng Christ được xức dầu còn sống thuộc Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời cùng hàng triệu người hợp thành đám đông vô số người là những người cũng đều thừa hưởng sự sống đời đời. Cả hai lớp người này đều cảm tạ Đức Chúa Trời về giao ước mới và về các ân phước đem lại sự sống từ giao ước đó. Các ân phước này cũng gồm có Ngày Lễ Chuộc Tội trọng đại hơn và thánh chức của Thầy Tế Lễ Thượng Thẩm là Chúa Giê-su ở nơi Chí Thánh trên trời.
Bận rộn với thánh chức
11. Với lương tâm được rửa sạch nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su, những người được xức dầu lẫn các chiên khác vui mừng làm điều gì?
11 Trong lá thư gởi cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô nhấn mạnh rằng sự hy sinh của Chúa Giê-su qua sự sắp đặt của giao ước mới có giá trị hơn so với của-lễ chuộc tội dưới giao ước cũ (Hê-bơ-rơ 9:13-15). Sự hy sinh cao cả của Chúa Giê-su có thể “làm sạch lương-tâm anh em khỏi công-việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống”. Đối với tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ, “công-việc chết” gồm có “tội đã phạm dưới giao-ước cũ”. Đối với các tín đồ đấng Christ thời nay, thì điều này gồm có các tội lỗi đã phạm trong quá khứ mà họ đã thật sự ăn năn và đã được Đức Chúa Trời tha thứ (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Với một lương tâm đã được rửa sạch, các tín đồ đấng Christ được xức dầu “hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống”. Và đám đông vô số người cũng giống như vậy. Nhờ có lương tâm được rửa sạch bằng “huyết Chiên Con”, họ hiện đang ở trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Chúa Trời, và “ngày đêm hầu việc Ngài” (Khải-huyền 7:14, 15).
12. Làm sao chúng ta có thể cho thấy rằng chúng ta có “đức-tin đầy-dẫy trọn-vẹn”?
12 Ngoài ra, Phao-lô còn nói: “Chúng ta hãy lấy lòng thật-thà với đức-tin đầy-dẫy trọn-vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương-tâm xấu, thân-thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa” (Hê-bơ-rơ 10:22). Làm thế nào chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta có “đức-tin đầy-dẫy trọn-vẹn”? Phao-lô khuyên giục tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ: “Hãy cầm-giữ sự làm chứng về đều trông-cậy [trên trời] chúng ta chẳng chuyển-lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành-tín. Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:23-25). Nếu đức tin của chúng ta sống động, thì chúng ta cũng không “bỏ sự nhóm lại”. Chúng ta sẽ vui mừng khuyên giục anh em của chúng ta và đồng thời cũng được họ khuyên giục lại về lòng yêu thương và việc tốt lành và được làm vững mạnh để thực hiện công việc tối quan trọng đó là công khai rao truyền niềm hy vọng của chúng ta, dù là hy vọng sống trên đất hoặc trên trời (Giăng 13:35).
“Giao-ước đời đời”
13, 14. Qua cách nào giao ước mới sẽ còn đời đời?
13 Điều gì sẽ xảy ra khi hy vọng lên trời của những người chót trong số 144.000 người thành hiện thực? Liệu giao ước mới sẽ không còn hiệu lực chăng? Vào lúc ấy, sẽ không có một thành viên nào thuộc Y-sơ-ra-ên Đức Chúa Trời còn sót lại trên đất. Tất cả những người dự phần trong giao ước sẽ ở cùng với Chúa Giê-su “trong nước của Cha [ngài]” (Ma-thi-ơ 26:29). Nhưng chúng ta nhớ đến lời của Phao-lô trong lá thư cho người Hê-bơ-rơ: “Đức Chúa Trời bình-an, là Đấng bởi huyết giao-ước đời đời mà đem Đấng chăn chiên lớn... ra khỏi từ trong kẻ chết” (Hê-bơ-rơ 13:20; Ê-sai 55:3). Giao ước mới kéo dài đời đời theo nghĩa nào?
14 Trước nhất, khác với giao ước Luật Pháp, giao ước mới sẽ không bao giờ bị thay thế. Thứ hai, những thành tích do giao ước này đem lại là sẽ còn lại mãi mãi, giống như vương quyền của Chúa Giê-su. (So sánh Lu-ca 1:33 với I Cô-rinh-tô 15:27, 28). Nước Trời sẽ còn mãi trong ý định của Đức Giê-hô-va (Khải-huyền 22:5). Và thứ ba, các chiên khác sẽ tiếp tục được lợi ích từ sự sắp đặt của giao ước mới. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, loài người trung thành sẽ tiếp tục “ngày đêm hầu việc [Đức Giê-hô-va] trong đền Ngài” như họ hiện giờ đang làm. Đức Giê-hô-va sẽ không nhắc đến tội lỗi quá khứ của họ mà ngài đã tha thứ dựa trên căn bản “huyết của sự giao-ước” của Chúa Giê-su. Họ sẽ giữ một vị thế công bình với tư cách là bạn của Đức Giê-hô-va, và luật pháp của ngài sẽ vẫn được khắc ghi vào lòng họ.
15. Hãy miêu tả mối quan hệ của Đức Giê-hô-va với những người thờ phượng ngài trên đất trong thế giới mới.
15 ‘Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, và chúng nó sẽ làm dân ta’. Liệu lúc đó Đức Giê-hô-va có thể nói như vậy về những người tôi tớ này không? Có. “Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải-huyền 21:3). Họ sẽ trở thành “dinh thánh-đồ”, những người đại diện trên đất cho “thành yêu-dấu”, vợ mới cưới trên trời của Chúa Giê-su Christ (Khải-huyền 14:1; 20:9; 21:2). Tất cả những điều này có thể có được là vì họ có đức tin nơi “huyết của sự giao-ước” mà Chúa Giê-su đã đổ ra và do họ phục tùng các vua và thầy tế lễ trên trời là những người khi còn trên đất thuộc về Y-sơ-ra-ên thiêng liêng của Đức Chúa Trời (Khải-huyền 5:10).
16. a) Những người được sống lại trên đất có thể chờ đón điều gì? b) Loài người sẽ hưởng ân phước nào vào cuối một ngàn năm?
16 Còn về những người chết được sống lại trên đất thì sao? (Giăng 5:28, 29). Họ cũng có cơ hội “được phước” qua Chúa Giê-su, Dòng Dõi của Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 22:18). Họ cũng phải yêu mến danh Đức Giê-hô-va, phụng sự ngài, dâng những của-lễ đẹp lòng ngài, và hầu việc trong nhà cầu nguyện của ngài. Những ai làm như vậy thì sẽ được vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời (Ê-sai 56:6, 7). Vào cuối một ngàn năm, tất cả những người trung thành sẽ được đạt đến tình trạng hoàn toàn nhờ sự giúp đỡ của Chúa Giê-su Christ và 144.000 thầy tế lễ phụ. Họ sẽ trở thành người công bình, chớ không phải chỉ được xưng là công bình với tư cách là bạn của Đức Chúa Trời. Họ sẽ “được sống”, hoàn toàn thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết do A-đam truyền lại (Khải-huyền 20:5; 22:2). Thật là một ân phước làm sao! Theo quan điểm hiện tại của chúng ta, vào lúc ấy, công việc tế lễ của Chúa Giê-su và 144.000 người dường như hoàn tất. Các ân phước trong Ngày Lễ Chuộc Tội lớn hơn sẽ được thực hiện một cách trọn vẹn. Hơn nữa, Chúa Giê-su sẽ “giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha” (I Cô-rinh-tô 15:24). Sẽ có sự thử thách cuối cùng cho loài người, rồi sau đó Sa-tan và các quỉ sứ của hắn sẽ bị tiêu diệt đời đời (Khải-huyền 20:7, 10).
17. Khi nghĩ đến niềm vui đang chờ đón chúng ta, mỗi người trong chúng ta nên quyết tâm làm gì?
17 “Giao-ước đời đời” sẽ có vai trò trong thời đại hào hứng sẽ khởi đầu vào lúc ấy hay không, và nếu có thì vai trò sẽ như thế nào? Chúng ta không trả lời được câu hỏi đó. Trong hiện tại những gì mà Đức Giê-hô-va đã tiết lộ thì đã đủ cho chúng ta một cảm giác kinh ngạc rồi. Hãy thử nghĩ—sự sống đời đời là điều thực tại trong “trời mới đất mới”! (II Phi-e-rơ 3:13). Mong sao không có điều gì làm giảm đi lòng ham muốn của chúng ta được thừa hưởng lời hứa đó. Có lẽ đứng vững không phải là dễ dàng. Phao-lô nói: “Anh em cần phải nhịn-nhục, hầu cho khi đã làm theo ý-muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình” (Hê-bơ-rơ 10:36). Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bất cứ vấn đề nào chúng ta phải vượt qua, bất cứ sự chống đối nào chúng ta phải khắc phục, không đáng kể gì khi so với niềm vui đang đón chờ chúng ta (II Cô-rinh-tô 4:17). Vì vậy, mong sao không một ai trong chúng ta là “kẻ lui đi cho hư-mất đâu”. Trái lại, mong sao chúng ta chứng tỏ là “kẻ giữ đức-tin cho linh-hồn được cứu-rỗi” (Hê-bơ-rơ 10:39). Mong rằng tất cả chúng ta đều tin cậy hoàn toàn nơi Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của giao ước, đấng ban ân phước đời đời cho mỗi người chúng ta.
[Chú thích]
a Xin xem cuốn Survival Into a New Earth, chương 13, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
Bạn có hiểu không?
◻ Ngoài những tín đồ đấng Christ được xức dầu, những ai khác được phước nhờ Dòng Dõi của Áp-ra-ham?
◻ Khi được ban phước nhờ giao ước mới, các chiên khác giống những người ngoại theo đạo dưới giao ước cũ như thế nào?
◻ Các chiên khác được phước qua sự sắp đặt của Ngày Lễ Chuộc Tội lớn hơn như thế nào?
◻ Tại sao Phao-lô gọi giao ước mới là “giao-ước đời đời”?
[Khung nơi trang 21]
Hầu Việc Trong Đền Thờ
Đám đông vô số người thờ phượng với các tín đồ đấng Christ được xức dầu trong hành lang trên đất của đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va (Khải-huyền 7:14, 15; 11:2). Không có lý do nào để kết luận rằng họ ở trong Hành Lang dành riêng cho dân ngoại. Khi Chúa Giê-su còn trên đất, có một Hành Lang trong đền thờ được dành riêng cho dân ngoại. Tuy nhiên, trong sơ đồ đền thờ của Sa-lô-môn và Ê-xê-chi-ên được Đức Chúa Trời soi dẫn, không có dự trù một Hành Lang cho dân ngoại. Trong đền thờ Sa-lô-môn, có một hành lang bên ngoài nơi mà người Y-sơ-ra-ên và người ngoại theo đạo, đàn ông và đàn bà thờ phượng chung với nhau. Đây chính là hình bóng tiên tri về hành lang trên đất của đền thờ thiêng liêng nơi Giăng đã nhìn thấy đám đông vô số người hầu việc.
Tuy nhiên, chỉ có các thầy tế lễ và người Lê-vi mới có thể vào hành lang bên trong, nơi có bàn thờ lớn; chỉ các thầy tế lễ mới được vào nơi Thánh; và chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới được vào nơi Chí Thánh. Hành lang bên trong và nơi Thánh chúng ta được hiểu là hình bóng cho tình trạng thiêng liêng đặc biệt của các tín đồ đấng Christ được xức dầu trên đất. Và nơi Chí Thánh tượng trưng cho trên trời, nơi mà các tín đồ đấng Christ được xức dầu nhận sự sống bất tử cùng với Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trên trời (Hê-bơ-rơ 10:19, 20).
[Hình nơi trang 23]
Khi nghĩ đến niềm vui đang chờ đón chúng ta, chúng ta hãy nên có “đức-tin cho linh-hồn được cứu-rỗi”