Lẽ thật quý giá thế nào đối với bạn?
“Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi”.—GIĂNG 8:32.
1. Từ “lẽ thật” Phi-lát dùng dường như khác với “lẽ thật” mà Chúa Giê-su nói đến như thế nào?
“LẼ THẬT là cái gì?” Khi nêu lên câu hỏi này, Phi-lát hình như chỉ nghĩ đến lẽ thật hay sự thật nói chung. Tuy nhiên, trước đó Chúa Giê-su nói: “Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37, 38) Theo bản Kinh Thánh gốc tiếng Hy Lạp, Chúa Giê-su dùng mạo từ xác định khi nói đến “lẽ thật”. Ngài muốn nói đến lẽ thật đến từ Đức Chúa Trời.
Thái độ của thế gian đối với lẽ thật
2. Câu nói nào của Chúa Giê-su cho thấy giá trị của lẽ thật?
2 Phao-lô nói: “Chẳng phải hết thảy đều có đức-tin”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:2) Cũng có thể nói như thế về lẽ thật. Ngay cả khi có cơ hội được biết lẽ thật dựa trên Kinh Thánh, nhiều người vẫn cố ý lờ đi. Nhưng lẽ thật đó quý giá biết bao! Chúa Giê-su nói: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi”.—Giăng 8:32.
3. Chúng ta nên nghe theo lời cảnh cáo nào về sự dạy dỗ dối trá?
3 Sứ đồ Phao-lô nói lẽ thật không nằm trong triết học và truyền thuyết của loài người. (Cô-lô-se 2:8) Thật ra, những sự dạy dỗ đó là dối trá. Phao-lô cảnh cáo các tín hữu thành Ê-phê-sô rằng nếu tin tưởng vào những điều đó, họ sẽ như trẻ con về thiêng liêng, “bị người ta lừa-đảo, bị mưu-chước dỗ-dành làm cho lầm-lạc, mà day-động... theo chiều gió của đạo lạc”. (Ê-phê-sô 4:14) Ngày nay, ‘sự lừa-đảo của người ta’ được đẩy mạnh qua sự tuyên truyền của những người chống đối lẽ thật đến từ Đức Chúa Trời. Cuốn The New Encyclopædia Britannica (Tân bách khoa tự điển Anh Quốc) định nghĩa “tuyên truyền” là “nỗ lực có hệ thống nhằm điều khiển niềm tin, thái độ hay hành vi người khác”. Sự tuyên truyền như thế xảo quyệt bóp méo lẽ thật thành sự giả dối, và đề cao sự dối trá như chân lý. Dưới những áp lực ngấm ngầm đó, muốn tìm được lẽ thật chúng ta phải chăm chỉ tra cứu Kinh Thánh.
Tín đồ Đấng Christ và thế gian
4. Lẽ thật luôn dành sẵn cho ai, và những người chấp nhận lẽ thật có trách nhiệm nào?
4 Nói đến những người đã trở thành môn đồ ngài, Chúa Giê-su cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật”. (Giăng 17:17) Những người đó sẽ được nên thánh, tức được biệt riêng ra để phụng sự Đức Giê-hô-va và rao báo về danh và Nước Ngài. (Ma-thi-ơ 6:9, 10; 24:14) Mặc dù không phải mọi người đều có lẽ thật, nhưng lẽ thật của Đức Giê-hô-va là món quà luôn dành sẵn cho tất cả những ai tìm kiếm, bất kể quốc tịch, chủng tộc hay văn hóa. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:34, 35.
5. Tại sao tín đồ Đấng Christ thường bị ngược đãi?
5 Tín đồ Đấng Christ chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với người khác, nhưng không phải ở đâu họ cũng được tiếp đón. Chúa Giê-su cảnh báo: “Người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn-nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta”. (Ma-thi-ơ 24:9) Bình luận về câu này, ông John R. Cotter, một tu sĩ người Ireland đã viết như sau vào năm 1817: “Những nỗ lực [của tín đồ Đấng Christ] nhằm cải thiện đời sống nhân loại qua công việc rao giảng chẳng những không được người ta cảm kích, mà trên thực tế còn bị người ta ghét và ngược đãi vì các môn đồ đã phơi bày những thói xấu của họ”. Những kẻ ngược đãi đó không muốn “nhận-lãnh sự yêu-thương của lẽ thật để được cứu-rỗi”. Vì lẽ đó, “Đức Chúa Trời cho chúng nó mắc phải sự lầm-lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối-giả, hầu cho hết thảy những người không tin lẽ thật, song chuộng sự không công-bình, đều bị phục dưới sự phán-xét của Ngài”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:10-12.
6. Tín đồ Đấng Christ không nên nuôi dưỡng những ham muốn nào?
6 Sứ đồ Giăng khuyên các tín đồ Đấng Christ sống trong thế gian thù nghịch này: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa... Vì mọi sự trong thế-gian, như sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế-gian mà ra”. (1 Giăng 2:15, 16) Khi nói đến “mọi sự”, Giăng không loại trừ bất kỳ điều gì. Vì thế, chúng ta không được nuôi dưỡng lòng ham muốn đối với bất kỳ điều gì trong thế gian có thể khiến chúng ta xa rời lẽ thật. Nghe theo lời khuyên của Giăng sẽ có tác động mạnh mẽ trên đời sống chúng ta. Như thế nào?
7. Sự hiểu biết về lẽ thật thúc đẩy những người có lòng ngay thẳng làm gì?
7 Trong năm 2001, mỗi tháng Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới đã hướng dẫn hơn bốn triệu rưởi nhóm học Kinh Thánh tại nhà, giúp từng cá nhân hoặc nhóm biết về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời trong đời sống. Kết quả là 263.431 người đã làm báp têm. Ánh sáng lẽ thật đã trở nên quý giá đối với những môn đồ mới này, và họ đã từ bỏ những quan hệ không tốt, cùng lối sống vô đạo đức, làm ô danh Đức Chúa Trời đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Từ khi làm báp têm, họ tiếp tục sống theo tiêu chuẩn mà Đức Giê-hô-va đề ra cho mọi tín đồ Đấng Christ. (Ê-phê-sô 5:5) Đối với bạn, lẽ thật có quý giá đến thế không?
Đức Giê-hô-va chăm sóc chúng ta
8. Đức Giê-hô-va đáp lại sự dâng mình của chúng ta như thế nào, và tại sao ‘tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết’ là điều khôn ngoan?
8 Dù chúng ta bất toàn, Đức Giê-hô-va vẫn độ lượng chấp nhận sự dâng mình của chúng ta. Ngài như hạ mình xuống để kéo chúng ta đến gần Ngài, qua đó dạy chúng ta có những mục tiêu và ước vọng cao đẹp hơn. (Thi-thiên 113:6-8) Đồng thời, Đức Giê-hô-va cũng cho phép chúng ta có quan hệ cá nhân với Ngài, và hứa sẽ chăm sóc chúng ta nếu “tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”. Nếu chúng ta làm thế và giữ mình về thiêng liêng, Ngài hứa: “Sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.—Ma-thi-ơ 6:33.
9. Ai là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, và Đức Giê-hô-va chăm sóc chúng ta thế nào qua lớp “đầy-tớ” này?
9 Chúa Giê-su Christ đã chọn 12 sứ đồ và đặt làm nền tảng cho hội thánh tín đồ Đấng Christ được xức dầu, mà sau này được gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16; Khải-huyền 21:9, 14) Về sau, hội thánh này còn được mô tả là “Hội-thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 3:15) Chúa Giê-su gọi những thành viên của hội thánh đó là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và “người quản-gia ngay-thật khôn-ngoan”. Ngài nói đầy tớ trung tín đó sẽ có trách nhiệm cung cấp cho tín đồ Đấng Christ “đồ-ăn đúng giờ”. (Ma-thi-ơ 24:3, 45-47; Lu-ca 12:42) Không có thức ăn, chúng ta sẽ chết vì đói. Tương tự như thế, nếu không dùng thức ăn thiêng liêng, chúng ta sẽ yếu dần và chết về thiêng liêng. Vì thế, sự hiện diện của lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” là một bằng chứng khác nữa về sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta luôn quý trọng thức ăn thiêng liêng quý giá mà lớp “đầy-tớ” đó cung cấp.—Ma-thi-ơ 5:3, NW.
10. Tại sao tham dự đều đặn các buổi họp là điều thiết yếu cho chúng ta?
10 Tiếp nhận đồ ăn thiêng liêng bao gồm học hỏi cá nhân. Nó cũng bao gồm việc kết hợp với các tín đồ Đấng Christ khác và tham dự các buổi họp của hội thánh. Bạn có nhớ chính xác mình đã ăn gì sáu tháng, hay thậm chí sáu tuần trước không? Có lẽ không. Nhưng dù ăn gì đi nữa, những thức ăn đó đã cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi sống bạn. Và có thể từ đó đến nay bạn đã ăn những món giống nhau. Thức ăn thiêng liêng được cung cấp tại các buổi nhóm họp tín đồ Đấng Christ cũng vậy. Có lẽ chúng ta không thể nhớ hết mọi điều mình nghe ở các buổi họp, và những thông tin tương tự thường được lặp lại. Tuy nhiên, đó là thức ăn thiêng liêng, thiết yếu cho hạnh phúc của chúng ta. Các buổi họp luôn cung cấp thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng đúng lúc.
11. Chúng ta có trách nhiệm nào khi tham dự các buổi họp?
11 Tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ cũng đặt cho chúng ta một trách nhiệm. Tín đồ Đấng Christ được khuyên phải “khuyên-bảo nhau”, khuyến giục anh em trong hội thánh về “lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. Sự chuẩn bị, hiện diện và góp phần của chúng ta trong tất cả các buổi họp làm vững mạnh đức tin của chính mình, đồng thời cũng khích lệ người khác. (Hê-bơ-rơ 10:23-25) Như trẻ con kén ăn, một số người có thể cần được thường xuyên khuyến khích hấp thu chất dinh dưỡng về thiêng liêng. (Ê-phê-sô 4:13) Chúng ta thể hiện tình yêu thương khi khuyến khích những người như thế, để họ có thể trở thành tín đồ Đấng Christ thành thục, mà sứ đồ Phao-lô nói đến khi ông viết: “Đồ-ăn đặc là để cho kẻ thành-nhân, cho kẻ hay dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ”.—Hê-bơ-rơ 5:14.
Chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của chính mình
12. Ai chịu trách nhiệm chính về việc giúp chúng ta tiếp tục theo lẽ thật? Hãy giải thích.
12 Người hôn phối hay cha mẹ có thể khuyến khích chúng ta trên con đường lẽ thật. Cũng vậy, các trưởng lão hội thánh có thể chăn dắt chúng ta như một thành viên trong bầy mà họ coi sóc. (Công-vụ 20:28) Trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai nếu chúng ta muốn kiên trì trong lối sống dựa trên lẽ thật? Thực sự đó là trách nhiệm của mỗi một người trong chúng ta, cả trong hoàn cảnh bình thường lẫn những lúc khó khăn. Hãy xem câu chuyện sau.
13, 14. Như được minh họa qua câu chuyện về chú cừu con, làm thế nào chúng ta tìm được sự giúp đỡ cần thiết về thiêng liêng?
13 Ở Scotland, trong khi một số cừu con đang gặm cỏ, có một con đi lạc về phía sườn đồi và ngã nhào xuống gờ đá phía dưới. Nó không bị thương gì, nhưng rất hoảng sợ và không thể tự leo lên được. Thế là nó bắt đầu kêu be be thảm thiết. Mẹ nó nghe được tiếng kêu đó, và cũng bắt đầu kêu be be cho tới khi người chăn cừu đến và cứu chú cừu con.
14 Hãy chú ý diễn biến câu chuyện. Chú cừu con cất tiếng kêu cứu, rồi cừu mẹ hòa thêm tiếng kêu, khiến người chăn cừu nghe thấy liền đến tiếp cứu. Một con thú nhỏ và mẹ nó còn cảm nhận được sự nguy hiểm và lập tức kêu cứu, lẽ nào chúng ta lại không làm thế khi lỡ vấp ngã về thiêng liêng, hoặc phải đương đầu với những nguy hiểm bất ngờ trong thế gian của Sa-tan? (Gia-cơ 5:14, 15; 1 Phi-e-rơ 5:8) Chúng ta nên làm thế, đặc biệt là khi còn thiếu kinh nghiệm do tuổi trẻ hoặc do mới biết lẽ thật.
Làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời mang lại hạnh phúc
15. Một cụ bà đã cảm thấy thế nào khi mới kết hợp với hội thánh tín đồ Đấng Christ?
15 Hãy xem xét giá trị của việc hiểu Kinh Thánh, và sự bình an tâm trí mà sự hiểu biết đó mang lại cho những người phụng sự Đức Chúa Trời của lẽ thật. Một cụ bà 70 tuổi, cả đời đi lễ nhà thờ Anh Giáo, đồng ý học Kinh Thánh riêng với một Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng lâu sau, bà biết được danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, và bắt đầu cùng nói “A-men” sau những lời cầu nguyện thành tâm tại Phòng Nước Trời địa phương. Bà rất cảm động nói: “Thay vì khắc họa Đức Chúa Trời như một Đấng quá xa cách loài người, quý vị dường như đã giúp chúng tôi đến gần Ngài như đến gần một người bạn thân thiết. Đó là điều trước đây tôi chưa bao giờ được cảm nghiệm”. Có lẽ người chú ý đáng mến đó sẽ không bao giờ quên ấn tượng đầu tiên khi mới biết lẽ thật. Cũng vậy, mong sao chúng ta chớ bao giờ quên lẽ thật quý giá thế nào đối với mình khi chúng ta mới chấp nhận lẽ thật.
16. (a) Điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta xem việc kiếm tiền là mục đích chính? (b) Làm thế nào tìm được hạnh phúc thật?
16 Nhiều người tin rằng họ sẽ hạnh phúc hơn nếu có nhiều tiền. Tuy nhiên, nếu xem việc kiếm tiền là mục đích chính trong đời sống, chúng ta có thể sẽ phải chịu “bao nỗi đớn đau xâu xé”. (1 Ti-mô-thê 6:10, Tòa Tổng Giám Mục) Hãy xem biết bao người mua vé số, đốt tiền nơi sòng bạc, hay liều lĩnh đầu tư vào thị trường chứng khoán với mộng phát tài. Nhưng mấy ai được thấy gia tài trong mộng đó. Thường ngay cả những người bất ngờ giàu có bằng cách đó cũng thấy tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Trái lại, làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, và cùng làm việc với hội thánh dưới sự hướng dẫn của thánh linh và sự trợ giúp của thiên sứ mang lại hạnh phúc lâu dài. (Thi-thiên 1:1-3; 84:4, 5; 89:15) Khi làm thế, chúng ta có thể nhận được những phước lành bất ngờ. Bạn có quý trọng lẽ thật đủ để được nhận lãnh những ân phước đó không?
17. Việc Phi-e-rơ ở lại nhà Si-môn, một người thợ thuộc da, cho thấy gì về thái độ của ông?
17 Hãy xem kinh nghiệm của sứ đồ Phi-e-rơ. Vào năm 36 CN, ông đến làm giáo sĩ tại đồng bằng Sa-rôn. Trên đường đi, ông dừng lại tại Ly-đa và chữa lành cho một người bị bại tên là Ê-nê. Sau đó, ông tiếp tục cuộc hành trình đến cảng Giốp-bê, nơi ông làm Đô-ca sống lại. Công-vụ 9:43 cho biết: “Phi-e-rơ ở lại thành Giốp-bê nhiều ngày, tại nhà người thợ thuộc da, tên là Si-môn”. Những lời vắn tắt này cho thấy Phi-e-rơ không có thành kiến khi rao giảng cho những người ở thành phố đó. Vì sao có thể nói như thế? Học giả Kinh Thánh Frederic W. Farrar viết: “Không ai có thể thuyết phục một người nghiêm khắc theo sát Luật Truyền Khẩu [Luật Môi-se] ở trọ tại nhà một người thợ thuộc da. Việc tiếp xúc hàng ngày với da thú, xác các loại thú vật, và những chất liệu cần thiết trong nghề khiến nghề này bị xem là ô uế và gớm ghiếc đối với những người theo luật pháp cách cứng nhắc”. Theo ông Farrar, cho dù ngôi nhà “ở gần biển” của Si-môn có cách xa nơi thuộc da chăng nữa, ông vẫn làm ‘một nghề bị xem là gớm ghiếc và điều đó thường khiến những người hành nghề cảm thấy hèn hạ’.—Công-vụ 10:6.
18, 19. (a) Tại sao Phi-e-rơ phân vân về sự hiện thấy mình nhận được? (b) Ân phước bất ngờ nào đã đến với Phi-e-rơ?
18 Phi-e-rơ không có thành kiến nên đã đón nhận lòng hiếu khách của Si-môn, và chính tại đó ông đã nhận được một chỉ thị bất ngờ từ Đức Chúa Trời. Trong một sự hiện thấy, ông được lệnh phải ăn những sinh vật ô uế theo luật pháp Do Thái. Phi-e-rơ phản đối rằng ông chẳng ăn “giống gì dơ-dáy chẳng sạch bao giờ”. Nhưng ông được bảo đến ba lần: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ-dáy”. Có thể hiểu tại sao ‘Phi-e-rơ nghi-ngờ [“phân vân”, Tòa Tổng Giám Mục] về ý-nghĩa của sự hiện-thấy mình đã thấy’.—Công-vụ 10:5-17; 11:7-10.
19 Phi-e-rơ đâu biết rằng ngày hôm trước tại thành Sê-sa-rê, cách đó 50 kilômét, một người ngoại tên là Cọt-nây cũng có một sự hiện thấy. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã bảo Cọt-nây sai đầy tớ đến tìm Phi-e-rơ tại nhà Si-môn, thợ thuộc da. Cọt-nây sai đầy tớ đến nhà Si-môn, và Phi-e-rơ đã theo họ về Sê-sa-rê. Ở đó, ông đã giảng cho Cọt-nây và thân bằng quyến thuộc của người. Kết quả là họ trở thành những tín đồ đầu tiên thuộc gốc Dân Ngoại không cắt bì được nhận lãnh thánh linh như những người thừa kế Nước Trời. Mặc dù trong số những người hiện diện để nghe Phi-e-rơ giảng có những người đàn ông không cắt bì, nhưng tất cả họ đều được làm báp têm. Sự kiện đó mở đường cho mọi dân ngoại vốn bị xem là không thanh sạch theo quan điểm của người Do Thái, có cơ hội trở nên thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ 10:1-48; 11:18) Thật là một đặc ân lớn cho Phi-e-rơ—tất cả là nhờ ông đã quý trọng lẽ thật, và để lẽ thật hướng dẫn ông làm theo chỉ thị của Đức Giê-hô-va và hành động theo đức tin!
20. Chúng ta được Đức Chúa Trời ban cho sự giúp đỡ nào khi đặt lẽ thật lên hàng đầu trong đời sống?
20 Phao-lô khuyến giục: “[Hãy] lấy lòng yêu-thương nói ra lẽ chân-thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ”. (Ê-phê-sô 4:15, chúng tôi viết nghiêng). Đúng vậy, ngay bây giờ lẽ thật sẽ mang lại hạnh phúc không gì sánh bằng nếu chúng ta đặt lẽ thật lên hàng đầu trong đời sống và để Đức Giê-hô-va dẫn dắt bước mình qua thánh linh của Ngài. Cũng hãy luôn nhớ rằng chúng ta có sự trợ giúp của các thiên sứ thánh trong việc rao truyền tin mừng. (Khải-huyền 14:6, 7; 22:6) Thật vinh dự cho chúng ta khi được hỗ trợ như thế trong công việc mà Đức Giê-hô-va ủy thác! Khi giữ vững lòng trung kiên, chúng ta sẽ mãi mãi ngợi khen Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của lẽ thật. Còn có điều gì đáng quý hơn?—Giăng 17:3.
Chúng ta học được gì?
• Tại sao nhiều người không chấp nhận lẽ thật?
• Tín đồ Đấng Christ nên có quan điểm nào về những thứ trong thế gian của Sa-tan?
• Chúng ta nên có thái độ nào đối với các buổi họp, và tại sao?
• Chúng ta có trách nhiệm nào trong việc chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của chính mình?
[Bản đồ/Hình nơi trang 18]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
BIỂN LỚN
Sê-sa-rê
ĐỒNG BẰNG SA-RÔN
Giốp-bê
Ly-đa
Giê-ru-sa-lem
[Hình]
Phi-e-rơ làm theo chỉ thị của Đức Chúa Trời và nhận được những ân phước bất ngờ
[Nguồn tư liệu]
Bản đồ: Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.
[Hình nơi trang 13]
Chúa Giê-su làm chứng cho lẽ thật
[Hình nơi trang 15]
Giống như đồ ăn vật chất, đồ ăn thiêng liêng rất thiết yếu cho hạnh phúc của chúng ta