Của-lễ ca ngợi đẹp lòng Đức Giê-hô-va
“Anh em dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời”.—RÔ-MA 12:1.
1. Kinh Thánh nói gì về giá trị tương đối của của-lễ dưới Luật Pháp Môi-se?
“LUẬT-PHÁP chỉ là bóng của sự tốt-lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế-lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn-lành được”. (Hê-bơ-rơ 10:1) Trong một câu rõ rệt, sứ đồ Phao-lô xác định rằng nói về sự cứu rỗi của nhân loại, mọi của-lễ dâng lên theo Luật Pháp Môi-se không có giá trị lâu dài.—Cô-lô-se 2:16, 17.
2. Tại sao cố gắng hiểu những chi tiết trong Kinh Thánh về của-lễ hy sinh dưới Luật Pháp không phải là vô ích?
2 Điều này có nghĩa là những điều nói đến trong Ngũ Thư về của-lễ hy sinh không có giá trị gì cho tín đồ Đấng Christ ngày nay, phải vậy không? Thật ra, hơn một năm qua, những người tham gia vào Trường Thánh Chức Thần Quyền trong các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới vừa đọc qua năm sách đầu của Kinh Thánh. Một số người đã cố gắng đọc để hiểu mọi chi tiết trong đó. Có phải mọi cố gắng của họ chỉ là vô ích không? Chắc chắn không, vì “mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. (Rô-ma 15:4) Thế thì, câu hỏi là: Chúng ta có thể rút tỉa được sự “dạy-dỗ” và “yên-ủi” nào từ những gì Luật Pháp nói về của-lễ?
Cốt để dạy dỗ và an ủi chúng ta
3. Chúng ta có nhu cầu căn bản nào?
3 Dù không bị đòi hỏi phải dâng của-lễ theo những điều Luật Pháp đã định, nhưng chúng ta rất cần được tha thứ tội lỗi và hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời, điều mà những của-lễ đã làm cho người Y-sơ-ra-ên trong mức độ nào đó. Vì chúng ta không còn dâng của-lễ theo nghĩa đen, làm sao chúng ta có thể nhận được những lợi ích đó? Sau khi nêu rõ giới hạn của việc dâng thú vật làm của-lễ, Phao-lô tuyên bố: “Đấng Christ khi vào thế-gian, phán rằng: Chúa chẳng muốn hi-sinh, cũng chẳng muốn lễ-vật, nhưng Chúa đã sắm-sửa một thân-thể cho tôi. Chúa chẳng nhậm của-lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của-lễ chuộc tội. Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến—trong sách có chép về tôi—tôi đến để làm theo ý-muốn Chúa”.—Hê-bơ-rơ 10:5-7.
4. Phao-lô áp dụng Thi-thiên 40:6-8 cho Chúa Giê-su Christ như thế nào?
4 Trích lời Thi-thiên 40:6-8, Phao-lô nêu rõ rằng Chúa Giê-su đã không đến để làm ‘hi-sinh và lễ-vật’, ‘của-lễ thiêu và của-lễ chuộc tội’ tồn tại mãi mãi. Tất cả những của-lễ này đã không còn được Đức Chúa Trời chấp nhận vào lúc Phao-lô viết lời này. Thay vì vậy, Chúa Giê-su đến với một thân thể được Cha trên trời chuẩn bị, một thân thể tương ứng trong mọi khía cạnh với thân thể mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho A-đam khi Ngài dựng nên ông. (Sáng-thế Ký 2:7; Lu-ca 1:35; 1 Cô-rinh-tô 15:22, 45) Là Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su có vai trò làm “dòng-dõi” của người nữ, như Sáng-thế Ký 3:15 báo trước. Ngài sẽ có những biện pháp để ‘giày-đạp đầu Sa-tan’, mặc dù chính Chúa Giê-su sẽ bị “cắn gót chân”. Qua cách này, Chúa Giê-su trở thành phương tiện mà Đức Giê-hô-va cung cấp để cứu rỗi nhân loại, đây là điều mà những người có đức tin trông mong từ thời A-bên.
5, 6. Tín đồ Đấng Christ sẵn có cách nào tốt nhất để đến gần Đức Chúa Trời?
5 Nói về vai trò đặc biệt mà Chúa Giê-su có, Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội-lỗi trở nên tội-lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công-bình của Đức Chúa Trời”. (2 Cô-rinh-tô 5:21) Thành ngữ “trở nên tội-lỗi” có thể được dịch ‘được làm thành của-lễ chuộc tội’. Sứ đồ Giăng nói: “Ấy chính Ngài làm của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta, không những vì tội-lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội-lỗi cả thế-gian nữa”. (1 Giăng 2:2) Vì vậy, trong khi người Y-sơ-ra-ên đã có những phương tiện tạm thời để đến gần Đức Chúa Trời qua của-lễ, tín đồ Đấng Christ có căn bản tốt hơn để đến với Đức Chúa Trời: Sự hy sinh của Chúa Giê-su Christ. (Giăng 14:6; 1 Phi-e-rơ 3:18) Nếu thực hành đức tin nơi giá chuộc do Đức Chúa Trời cung cấp và vâng lời Ngài, chúng ta cũng có thể được tha tội và hưởng được ân huệ và ân phước của Đức Chúa Trời. (Giăng 3:17, 18) Chẳng phải điều này là một nguồn an ủi hay sao? Tuy nhiên, chúng ta có thể biểu lộ mình có đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc như thế nào?
6 Sau khi giải thích rằng tín đồ Đấng Christ có căn bản tốt hơn để đến gần Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô nêu ra, như chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ 10:22-25, ba cách mà chúng ta có thể biểu lộ đức tin và lòng biết ơn đối với sự cung cấp yêu thương của Đức Chúa Trời. Mặc dù lời khuyên của Phao-lô chủ yếu nhắm vào những người được “vào nơi rất thánh”, tức là những tín đồ Đấng Christ được xức dầu có hy vọng lên trời, chắc chắn tất cả những người khác cần phải chú ý đến những lời được soi dẫn của Phao-lô nếu họ muốn hưởng được lợi ích qua sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su.—Hê-bơ-rơ 10:19.
Dâng của-lễ thanh sạch
7. (a) Hê-bơ-rơ 10:22 phản ảnh những điều đã làm khi dâng của-lễ như thế nào? (b) Phải làm gì để chắc chắn của-lễ được Đức Chúa Trời chấp nhận?
7 Trước hết, Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “Chúng ta hãy lấy lòng thật-thà với đức-tin đầy-dẫy trọn-vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương-tâm xấu, thân-thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa”. (Hê-bơ-rơ 10:22) Những lời được dùng ở đây chắc chắn phản ảnh những gì được làm khi dâng của-lễ dưới Luật Pháp. Điều này thích hợp bởi vì nếu muốn của-lễ được chấp nhận thì phải dâng với động lực đúng và của-lễ phải thanh sạch. Con vật hy sinh phải là những con trong bầy tinh sạch và “không tì-vít”. Nếu của-lễ là loài chim, thì phải là con cu đất hay bồ câu con. Khi hội đủ những điều kiện này, thì con vật “sẽ được nhậm thế cho, hầu chuộc tội cho người”. (Lê-vi Ký 1:2-4, 10, 14; 22:19-25) Của-lễ chay không có men, vì men tượng trưng cho sự hư nát; và cũng không có mật, như là nước ngọt trái cây, vì nó dễ lên men. Khi những của-lễ—thú vật hoặc ngũ cốc—được dâng trên bàn thờ thì phải thêm muối, một chất bảo quản.—Lê-vi Ký 2:11-13.
8. (a) Người dâng của-lễ phải làm gì? (b) Làm sao chúng ta có thể chắc chắn sự thờ phượng của mình được Đức Giê-hô-va chấp nhận?
8 Về phần người dâng của-lễ thì sao? Luật Pháp ghi rõ là người nào đến với Đức Giê-hô-va thì phải thanh sạch. Một người bị ô uế vì bất cứ lý do nào trước hết phải dâng của-lễ chuộc tội hoặc chuộc sự mắc lỗi để phục hồi vị thế thanh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va hầu cho của-lễ thiêu hoặc của-lễ thù ân của người có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận. (Lê-vi Ký 5:1-6, 15, 17) Vì vậy, chúng ta có hiểu tầm quan trọng của việc luôn luôn giữ mình thanh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va không? Nếu muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận sự thờ phượng của mình, chúng ta phải sửa đổi ngay bất cứ vi phạm nào đối với luật pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ta nên nhận ngay sự giúp đỡ mà Đức Chúa Trời ban cho như “các trưởng-lão Hội-thánh” và “của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta”, Chúa Giê-su Christ.—Gia-cơ 5:14; 1 Giăng 2:1, 2.
9. Chúng ta thấy có điểm khác biệt chủ yếu nào giữa những của-lễ dâng cho Đức Giê-hô-va và những của-lễ dâng cho các thần giả?
9 Thật vậy, việc nhấn mạnh đến sự thanh sạch của người và thú là điểm khác biệt chủ yếu giữa của-lễ dâng cho Đức Giê-hô-va và của-lễ mà nước xung quanh Y-sơ-ra-ên dâng cho những thần giả của họ. Bình luận về đặc điểm rõ rệt này của những của-lễ dưới Luật Pháp Môi-se, một sách tham khảo nhận xét: “Chúng ta có thể nhận thấy rằng những của-lễ dưới Luật Pháp Môi-se không liên hệ đến bói toán và điềm báo; không có những sự điên cuồng tôn giáo, tự làm tổn thương thân thể, hoặc hành dâm trong đền thờ, những nghi lễ về sinh sản đầy truy hoan nhục dục hoàn toàn bị cấm đoán; không có việc dâng người tế thần; không cúng bái người chết”. Tất cả những điều này lưu ý chúng ta đến một sự thật: Đức Giê-hô-va là thánh, và Ngài không dung túng hoặc chấp nhận tội lỗi hoặc bất cứ sự bại hoại nào. (Ha-ba-cúc 1:13) Sự thờ phượng và của-lễ dâng lên cho Ngài phải thanh sạch về thể xác, luân lý và thiêng liêng.—Lê-vi Ký 19:2; 1 Phi-e-rơ 1:14-16.
10. Phù hợp với lời khuyên của Phao-lô ghi nơi Rô-ma 12:1, 2, chúng ta nên tự kiểm điểm điều gì?
10 Vì vậy, chúng ta phải tự kiểm điểm về mọi phương diện trong đời sống để chắc chắn Đức Giê-hô-va chấp nhận việc chúng ta phụng sự Ngài. Chúng ta không bao giờ nên nghĩ rằng miễn là mình có phần nào đó trong buổi họp và công việc rao giảng thì chúng ta làm gì trong đời sống riêng cũng không quan trọng. Cũng không nên cảm thấy rằng chúng ta đã tham gia vào các hoạt động của tín đồ Đấng Christ thì khỏi cần phải theo luật pháp của Đức Chúa Trời trong những phương diện khác của đời sống. (Rô-ma 2:21, 22) Chúng ta không thể mong nhận được ân phước và ân huệ của Đức Chúa Trời nếu để cho những điều Ngài xem là không thanh sạch làm ô uế ý tưởng hoặc hành động của chúng ta. Hãy nhớ lời của Phao-lô: “Hỡi anh em, tôi lấy sự thương-xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”.—Rô-ma 12:1, 2.
Hết lòng dâng của-lễ ca ngợi
11. Nơi Hê-bơ-rơ 10:23, từ ngữ “làm chứng” bao hàm điều gì?
11 Khi viết cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô lưu ý đến khía cạnh quan trọng của sự thờ phượng thật: “Hãy cầm-giữ sự làm chứng về điều trông-cậy chúng ta chẳng chuyển-lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành-tín”. (Hê-bơ-rơ 10:23) Từ ngữ “làm chứng” theo nghĩa đen có nghĩa là “thú thật”, và Phao-lô cũng nói đến “tế-lễ bằng lời ngợi-khen”. (Hê-bơ-rơ 13:15) Điều này nhắc cho chúng ta nhớ đến những loại của-lễ mà những người như A-bên, Nô-ê và Áp-ra-ham đã dâng.
12, 13. Người Y-sơ-ra-ên nhận biết điều gì khi dâng của-lễ thiêu và chúng ta có thể làm gì để phản ảnh tinh thần giống như họ?
12 Khi một người Y-sơ-ra-ên dâng của-lễ thiêu, thì người ấy dâng “tự nguyện trước mặt Đức Giê-hô-va”. (Lê-vi Ký 1:3, NW) Qua của-lễ này, người ấy tự nguyện làm chứng, hoặc nhận biết công khai những ân phước dồi dào của Đức Giê-hô-va và lòng yêu thương nhân từ của Ngài đối với dân Ngài. Hãy nhớ lại một đặc điểm rõ rệt của của-lễ thiêu là toàn thể con vật đem dâng trên bàn thờ—một điều tượng trưng thích hợp cho sự dâng hiến và lòng tin kính trọn vẹn. Cũng vậy, chúng ta biểu lộ đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc và tỏ lòng biết ơn về sự cung cấp đó khi sẵn sàng và hết lòng dâng “tế-lễ bằng lời ngợi-khen..., nghĩa là bông-trái của môi-miếng” cho Đức Giê-hô-va.
13 Dù tín đồ Đấng Christ không dâng tế-lễ theo nghĩa đen như thú vật hoặc rau trái, nhưng họ có trách nhiệm làm chứng về tin mừng Nước Trời và đào tạo môn đồ của Chúa Giê-su Christ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Bạn có tận dụng cơ hội để dự phần vào việc công khai rao báo tin mừng về Nước Đức Chúa Trời để nhiều người hơn nữa biết được những điều tuyệt diệu Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho những người biết vâng lời hay không? Bạn có sẵn sàng dùng thì giờ và năng lực để dạy dỗ những người chú ý và giúp họ trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ không? Sự tham gia sốt sắng của chúng ta trong thánh chức cũng giống như mùi thơm của của-lễ thiêu, làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 15:58.
Vui mừng kết hợp với Đức Chúa Trời và người khác
14. Lời Phao-lô nơi Hê-bơ-rơ 10:24, 25 tương tự với khái niệm về của-lễ thù ân như thế nào?
14 Cuối cùng, Phao-lô lưu ý chúng ta đến mối quan hệ với anh em tín đồ Đấng Christ khi chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời. “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Tất cả những thành ngữ “khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”, “sự nhóm lại” và “khuyên-bảo nhau” đều nhắc nhở chúng ta đến việc dâng của-lễ thù ân trong Y-sơ-ra-ên đã làm được những gì cho dân của Đức Chúa Trời.
15. Chúng ta thấy việc dâng của-lễ thù ân và buổi họp đạo Đấng Christ giống nhau như thế nào?
15 Từ “của-lễ thù ân” đôi khi được dịch là “của-lễ hòa bình”. Chữ “hòa bình” trong tiếng Hê-bơ-rơ ở đây là số nhiều, có lẽ tiêu biểu cho sự tham gia vào việc dâng của-lễ đem lại kết quả là hòa bình với Đức Chúa Trời và hòa bình với những người cùng thờ phượng. Bàn về của-lễ thù ân, một học giả nhận xét: “Quả thật, đây là thời kỳ kết hợp vui vẻ với Đức Chúa Trời của Giao Ước, khi Ngài hạ mình xuống để làm Người Khách của Y-sơ-ra-ên trong bữa ăn tế lễ, dù bình thường lúc nào Ngài cũng là Chủ của họ”. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến lời hứa của Chúa Giê-su: “Nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ”. (Ma-thi-ơ 18:20) Mỗi lần chúng ta dự buổi họp đạo Đấng Christ, chúng ta được lợi ích qua sự kết hợp xây dựng, qua những lời dạy dỗ khích lệ và qua sự kiện là Chúa Giê-su Christ có mặt ở đó với chúng ta. Điều này giúp cho buổi họp tín đồ Đấng Christ thật là một dịp vui mừng và củng cố đức tin.
16. Nghĩ đến của-lễ thù ân, điều gì làm cho buổi họp tín đồ Đấng Christ đặc biệt vui mừng?
16 Khi dâng của-lễ thù ân, tất cả mỡ—phần chung quanh ruột, thận và phần phụ trên gan, phần lưng cũng như đuôi chiên đầy mỡ—được dâng cho Đức Giê-hô-va bằng cách thiêu trên bàn thờ. (Lê-vi Ký 3:3-16) Phần mỡ được xem là béo bổ nhất và là phần tốt nhất của con vật. Dâng mỡ trên bàn thờ tiêu biểu cho việc dâng cái tốt nhất cho Đức Giê-hô-va. Điều làm cho buổi họp đạo Đấng Christ đặc biệt vui mừng là chúng ta không những nhận được sự dạy dỗ mà còn dâng lời ca ngợi cho Đức Giê-hô-va nữa. Chúng ta làm điều này bằng cách hết lòng ca hát, chăm chú lắng nghe và tham gia bình luận khi có thể được. Người viết Thi-thiên tuyên bố: “Ha-lê-lu-gia! Hãy hát-xướng cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới! Hãy hát ngợi-khen Ngài trong hội các thánh Ngài”.—Thi-thiên 149:1.
Những ân phước dồi dào của Đức Giê-hô-va đang chờ đợi chúng ta
17, 18. (a) Sa-lô-môn đã dâng của-lễ to lớn nào trong lễ khánh thành đền thờ tại Giê-ru-sa-lem? (b) Dân chúng đã được các ân phước nào qua buổi lễ khánh thành?
17 Trong dịp lễ khánh thành đền thờ Giê-ru-sa-lem, vào tháng 7 năm 1026 TCN, Vua Sa-lô-môn đã dâng “của-lễ tại trước mặt Đức Giê-hô-va”, gồm có “của-lễ thiêu, của-lễ chay, và mỡ về của-lễ thù-ân”. Ngoài những thứ đã dâng trong của-lễ chay, còn có tổng cộng 22.000 con bò và 120.000 con chiên đã được dâng vào dịp đó.—1 Các Vua 8:62-65.
18 Bạn có thể tưởng tượng biết bao phí tổn và việc làm liên hệ đến buổi lễ to lớn đó không? Tuy nhiên, các ân phước mà Y-sơ-ra-ên nhận được chắc chắn rất nhiều, hơn hẳn những phí tổn. Vào cuối những lễ đó, Sa-lô-môn “cho dân-sự về; dân chúc phước cho vua, đi trở về trại mình, lấy làm mừng-rỡ vui lòng về mọi sự tốt-lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho Đa-vít, kẻ tôi-tớ Ngài, và cho Y-sơ-ra-ên, dân-sự của Ngài”. (1 Các Vua 8:66) Quả thật, như Sa-lô-môn đã nói, “phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”.—Châm-ngôn 10:22.
19. Chúng ta có thể làm gì để nhận được những ân phước vĩ đại của Đức Giê-hô-va bây giờ và mãi mãi?
19 Chúng ta sống trong thời kỳ mà “bóng của sự tốt-lành ngày sau” đã được thay thế bởi “hình thật của các vật”. (Hê-bơ-rơ 10:1) Chúa Giê-su Christ, trong vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn, đã vào chính trong trời và dâng giá trị của chính huyết ngài để chuộc tội cho tất cả những người thực hành đức tin nơi sự hy sinh đó. (Hê-bơ-rơ 9:10, 11, 24-26) Trên căn bản của sự hy sinh vĩ đại đó và bằng cách hết lòng dâng cho Đức Chúa Trời những của-lễ ca ngợi thanh sạch, chúng ta cũng có thể tiếp tục “mừng-rỡ vui lòng”, trông mong đến những ân phước dồi dào đến từ Đức Giê-hô-va.—Ma-la-chi 3:10.
Bạn trả lời thế nào?
• Chúng ta có thể thu lượm được sự dạy dỗ và an ủi nào qua những điều trong Luật Pháp về việc dâng của-lễ hy sinh?
• Điều kiện tiên quyết để cho của-lễ được chấp nhận là gì, và điều đó có nghĩa gì cho chúng ta?
• Chúng ta có thể dâng điều gì tương đương với việc tự nguyện dâng của-lễ thiêu?
• Những buổi họp của tín đồ Đấng Christ có thể được so sánh với việc dâng của-lễ thù ân như thế nào?
[Hình nơi trang 18]
Đức Giê-hô-va cung cấp sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su để cứu rỗi nhân loại
[Hình nơi trang 20]
Muốn việc phụng sự của chúng ta làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta phải tránh bất cứ sự ô uế nào
[Hình nơi trang 21]
Chúng ta công khai nhận biết lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va khi tham gia vào việc rao giảng