Hội thánh hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va
“Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi; và ngợi-khen Chúa ở giữa hội”.—HÊ-BƠ-RƠ 2:12.
1, 2. Tại sao hội thánh mang lại nhiều lợi ích, và nó có vai trò chủ yếu nào?
TỪ XƯA đến nay, người ta có được tình cảm thân thiết và sự an toàn trong gia đình, đơn vị cơ bản của xã hội. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói đến một đơn vị khác, trong đó rất nhiều người trên thế giới ngày nay đang hưởng tình bạn thân thiết và sự an toàn. Đó là hội thánh đạo đấng Christ. Dù có một gia đình đầm ấm hay không, bạn cũng nên biết ơn về những gì Đức Chúa Trời đã cung cấp qua hội thánh, sự sắp đặt của Ngài. Dĩ nhiên, nếu đã kết hợp với hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va, hẳn bạn cảm nghiệm được tình bạn nồng ấm và sự an toàn ấy.
2 Hội thánh không chỉ là một nhóm người như hội đoàn hay câu lạc bộ gồm những người có cùng gốc gác hoặc cùng sở thích về thể thao, thú tiêu khiển. Thay vì thế, hội thánh là sự sắp đặt chủ yếu để ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Từ thời xưa, các tôi tớ của Đức Chúa Trời đã hội hiệp với mục đích ấy, như được nhấn mạnh nơi sách Thi-thiên. Thi-thiên 35:18 viết: “Tôi sẽ cảm-tạ Chúa trong hội lớn, ngợi-khen Ngài giữa dân đông”. Tương tự thế, Thi-thiên 107:31, 32 khuyến khích chúng ta: “Nguyện người ta ngợi-khen Đức Giê-hô-va vì sự nhân-từ Ngài, và vì các công-việc lạ-lùng Ngài làm cho con loài người! Người ta cũng hãy tôn-cao Ngài trong hội dân-sự”.
3. Theo Phao-lô, hội thánh có vai trò nào?
3 Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh một vai trò trọng yếu khác của hội thánh khi ông nói đến “nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội-thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 3:15) Phao-lô nói về hội thánh nào? Kinh Thánh dùng từ “hội-thánh” theo nghĩa nào? Hội thánh ảnh hưởng thế nào đến đời sống và triển vọng của chúng ta? Để hiểu được, trước hết chúng ta hãy xem xét những cách mà từ “hội-thánh” được dùng trong Lời Đức Chúa Trời.
4. Từ “hội” hay “hội-chúng” thường được dùng như thế nào trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ?
4 Từ Hê-bơ-rơ thường được dịch là “hội” hay “hội-chúng”, có gốc từ nghĩa là “triệu tập” hay “nhóm hiệp”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:10; 9:10) Người viết Thi-thiên dùng từ Hê-bơ-rơ này để nói về các thiên sứ trên trời và cũng để nói đến bọn kẻ ác. (Thi-thiên 26:5; 89:5-7) Tuy nhiên, Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ thường dùng từ này khi nói đến dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời phán rằng dòng dõi Gia-cốp sẽ “thành một hội dân”, và điều này đã xảy ra. (Sáng-thế Ký 28:3; 35:11; 48:4) Dân Y-sơ-ra-ên được gọi ra, hoặc được chọn, làm “hội-chúng của Đức Giê-hô-va”, “hội của Đức Chúa Trời”.—Dân-số Ký 20:4; Nê-hê-mi 13:1; Giô-suê 8:35; Mi-chê 2:5.
5. Từ Hy Lạp nào thường được dịch là “hội-thánh”, và từ này được dùng như thế nào?
5 Từ tương đương trong tiếng Hy Lạp là ek·kle·siʹa, có hai gốc từ nghĩa là “ra” và “gọi”. Từ này có thể được dùng để chỉ một nhóm người không theo đạo, chẳng hạn như “hội” mà Đê-mê-triu kích động để chống lại Phao-lô ở Ê-phê-sô. (Công-vụ 19:32, 39, 41) Thế nhưng, Kinh Thánh thường dùng từ này để nói đến hội thánh đạo Đấng Christ. Một số bản Kinh Thánh dịch từ này là “nhà thờ”, nhưng sách The Imperial Bible-Dictionary cho biết từ này “không bao giờ. . . chỉ về một tòa nhà, nơi tín đồ Đấng Christ nhóm lại để cùng nhau thờ phượng”. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp, chúng ta thấy từ “hội-thánh” được dùng theo ít nhất bốn nghĩa.
Hội thánh được xức dầu của Đức Chúa Trời
6. Đa-vít và Chúa Giê-su đã làm gì ở giữa hội?
6 Áp dụng lời của Đa-vít nơi Thi-thiên 22:22 cho Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi; và ngợi-khen Chúa ở giữa hội. Nhân đó, Ngài [Chúa Giê-su] phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế-lễ thượng-phẩm, hay thương-xót và trung-tín”. (Hê-bơ-rơ 2:12, 17) Đa-vít đã ngợi khen Đức Chúa Trời ở giữa hội dân Y-sơ-ra-ên. (Thi-thiên 40:9) Tuy nhiên, khi nói Chúa Giê-su ngợi khen Đức Chúa Trời “ở giữa hội”, Phao-lô muốn nói điều gì? Đó là hội nào?
7. Trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp, nghĩa chính của từ “hội-thánh” là gì?
7 Những gì chúng ta đọc nơi Hê-bơ-rơ 2:12, 17 có ý nghĩa quan trọng. Theo nghĩa rộng, câu đó cho thấy Đấng Christ là thành viên của hội thánh, nơi ngài truyền danh Đức Chúa Trời cho anh em ngài. Anh em đó là ai? Đó là những người thuộc “dòng-dõi của Áp-ra-ham”, anh em được xức dầu của Đấng Christ, “kẻ dự phần ơn trên trời gọi”. (Hê-bơ-rơ 2:16–3:1; Ma-thi-ơ 25:40) Đúng vậy, nghĩa chính của từ “hội-thánh” trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp là toàn thể nhóm tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh. Số 144.000 người được xức dầu này hợp thành “hội-thánh của những con trưởng được ghi tên trong các từng trời”.—Hê-bơ-rơ 12:23.
8. Chúa Giê-su cho thấy trước sự thành lập của hội thánh đạo Đấng Christ như thế nào?
8 Chúa Giê-su cho thấy trước sự thành lập của “hội-thánh” đạo Đấng Christ. Khoảng một năm trước khi chết, ngài phán với một sứ đồ: “Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội-thánh ta trên đá nầy, các cửa âm-phủ chẳng thắng được hội đó”. (Ma-thi-ơ 16:18) Cả Phi-e-rơ và Phao-lô hiểu rõ “đá” trong câu này chính là Chúa Giê-su. Phi-e-rơ viết rằng những người như “đá sống” được xây thành nhà thiêng liêng trên nền đá—Đấng Christ—là “dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu. . . rao-giảng nhân-đức” của Đấng đã gọi họ—1 Phi-e-rơ 2:4-9; Thi-thiên 118:22; Ê-sai 8:14; 1 Cô-rinh-tô 10:1-4.
9. Hội thánh của Đức Chúa Trời được thành lập khi nào?
9 Khi nào “dân thuộc về Đức Chúa Trời” này hợp thành hội thánh đạo Đấng Christ? Đó là vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi Đức Chúa Trời đổ thánh linh trên các môn đồ hội hiệp tại Giê-ru-sa-lem. Ngày hôm đó, Phi-e-rơ nói một bài giảng hùng hồn trước một nhóm người Do Thái và người cải đạo. Nhiều người xúc động về cái chết của Chúa Giê-su; họ ăn năn và làm báp têm. Lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy có ba ngàn người đã làm thế; ngay sau đó họ gia nhập hội thánh mới của Đức Chúa Trời. (Công-vụ 2:1-4, 14, 37-47) Hội thánh đang phát triển vì ngày càng có nhiều người Do Thái và người cải đạo chấp nhận sự kiện dân tộc Y-sơ-ra-ên không còn là hội chúng của Đức Chúa Trời nữa. Thay vì thế, những tín đồ Đấng Christ được xức dầu hợp thành “dân Y-sơ-ra-ên [thiêng liêng] của Đức Chúa Trời”, đã trở thành hội thánh thật của Ngài.—Ga-la-ti 6:16; Công-vụ 20:28.
10. Chúa Giê-su có mối quan hệ nào với hội thánh của Đức Chúa Trời?
10 Kinh Thánh thường cho thấy có sự phân biệt giữa Chúa Giê-su và những người được xức dầu, chẳng hạn như trong nhóm từ “về Đấng Christ và Hội-thánh”. Chúa Giê-su là Đầu của hội thánh các tín đồ được xức dầu. Phao-lô viết rằng Đức Chúa Trời “ban cho Đấng Christ làm đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân-thể của Đấng Christ”. (Ê-phê-sô 1:22, 23; 5:23, 32; Cô-lô-se 1:18, 24) Ngày nay, trên đất chỉ còn một số ít người được xức dầu thuộc hội thánh này. Dù vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng họ được Chúa Giê-su, Đầu của họ, yêu mến. Tình cảm của ngài đối với họ được nói đến nơi Ê-phê-sô 5:25: “Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh”. Ngài yêu họ vì họ sốt sắng “dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”, như Chúa Giê-su đã làm khi ngài sống trên đất.—Hê-bơ-rơ 13:15.
Những nghĩa khác của từ “hội-thánh”
11. Trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp, nghĩa thứ hai của từ “hội-thánh” là gì?
11 Đôi khi, Kinh Thánh dùng từ “hội-thánh” theo nghĩa giới hạn hay cụ thể hơn, không áp dụng cho toàn thể 144.000 người được xức dầu hợp thành “hội-thánh của Đức Chúa Trời”. Chẳng hạn, Phao-lô viết cho một nhóm tín đồ Đấng Christ: “Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội-thánh của Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 10:32) Hiển nhiên, nếu một tín đồ ở thành Cô-rinh-tô xưa cư xử không đúng thì có thể làm gương xấu cho một số người. Liệu điều đó có thể làm gương xấu cho tất cả người Gờ-réc và Giu-đa hay người được xức dầu từ lúc ấy cho tới ngày nay không? Chắc chắn không. Vậy, dường như nhóm từ “hội-thánh của Đức Chúa Trời” trong câu này nói đến các tín đồ Đấng Christ sống cùng một thời. Như vậy, khi nói Đức Chúa Trời hướng dẫn, hỗ trợ hoặc ban phước cho hội thánh, thì hội thánh là tất cả các tín đồ Đấng Christ sống cùng một thời điểm, dù họ ở đâu. Hoặc khi nói hội thánh của Đức Chúa Trời ngày nay có hạnh phúc và bình an, nghĩa là chúng ta nói đến đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ.
12. Trong Kinh Thánh, nghĩa thứ ba của từ “hội-thánh” là gì?
12 Cách thứ ba Kinh Thánh dùng từ “hội-thánh” là để nói đến tất cả các tín đồ Đấng Christ sống trong một vùng nào đó. Sách Công-vụ viết: “Hội-thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình-an”. (Công-vụ 9:31) Trong vùng rộng lớn đó có nhiều nhóm tín đồ, nhưng tất cả các nhóm trong xứ Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri đều được gọi chung là “hội-thánh”. Xét đến số người làm báp têm vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN và ít lâu sau đó, thì hẳn có hơn một nhóm thường xuyên hội hiệp ở vùng Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 2:41, 46, 47; 4:4; 6:1, 7) Hê-rốt Ạc-ríp-ba I cai trị xứ Giu-đê cho đến khi ông qua đời vào năm 44 CN và 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:14 cho thấy rõ đến năm 50 CN thì ở xứ Giu-đê đã có một số hội thánh. Như vậy, khi chúng ta đọc rằng Hê-rốt “hà-hiếp một vài người trong Hội-thánh”, câu này có thể ám chỉ nhiều nhóm tín đồ, chứ không phải chỉ một nhóm ở Giê-ru-sa-lem mà thôi.—Công-vụ 12:1.
13. Trong Kinh Thánh, từ “hội-thánh” thường được dùng theo nghĩa thứ tư nào?
13 Thứ tư, từ “hội-thánh” thường được dùng theo nghĩa còn giới hạn hơn để chỉ các tín đồ Đấng Christ hợp thành một hội thánh địa phương, có thể nhóm họp tại nhà riêng. Phao-lô đề cập đến “các Hội-thánh ở xứ Ga-la-ti”. Trong tỉnh La Mã rộng lớn ấy có nhiều hội thánh. Phao-lô hai lần dùng từ “các Hội-thánh” khi nói đến xứ Ga-la-ti, bao gồm An-ti-ốt, Đẹt-bơ, Lít-trơ và Y-cô-ni. Các trưởng lão, hay giám thị, được bổ nhiệm phục vụ trong những hội thánh địa phương này. (1 Cô-rinh-tô 16:1; Ga-la-ti 1:2; Công-vụ 14:19-23) Theo Kinh Thánh, tất cả hội thánh này đều là “các Hội-thánh của Đức Chúa Trời”.—1 Cô-rinh-tô 11:16; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:4.
14. Qua một số câu Kinh Thánh, chúng ta có thể kết luận điều gì về cách dùng từ “hội-thánh”?
14 Trong một số trường hợp, các buổi họp đạo Đấng Christ chỉ là một nhóm nhỏ, có thể họp tại nhà riêng. Dù vậy, từ “hội-thánh” cũng được dùng để chỉ những nhóm này, chẳng hạn như hội thánh trong nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin, Nim-pha, và Phi-lê-môn (Rô-ma 16:3-5; Cô-lô-se 4:15; Phi-lê-môn 2) Ngày nay, điều này là nguồn khích lệ cho các hội thánh nhỏ ở địa phương, dù chỉ nhóm thường xuyên tại nhà riêng. Như thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va cũng công nhận những hội thánh nhỏ ngày nay, và Ngài ban phước cho các hội thánh qua thánh linh.
Hội thánh ngợi khen Đức Giê-hô-va
15. Thánh linh hoạt động như thế nào trong một số hội thánh thời ban đầu?
15 Như chúng ta đã lưu ý về sự ứng nghiệm của lời tiên tri nơi Thi-thiên 22:22, Chúa Giê-su ngợi khen Đức Chúa Trời giữa hội chúng. (Hê-bơ-rơ 2:12) Môn đồ trung thành của ngài cũng làm thế. Vào thế kỷ thứ nhất, khi các tín đồ Đấng Christ chân chính được xức dầu bằng thánh linh để trở thành con cái Đức Chúa Trời và anh em Đấng Christ, thánh linh bắt đầu hoạt động cách đặc biệt trên một số người. Họ nhận được các ơn kỳ diệu, chẳng hạn như khả năng nói lời khôn ngoan hay tri thức, chữa tật bệnh, nói tiên tri, ngay cả khả năng nói nhiều thứ tiếng.—1 Cô-rinh-tô 12:4-11.
16. Một trong những mục tiêu của các ơn kỳ diệu của thánh linh là gì?
16 Về khả năng nói nhiều thứ tiếng, Phao-lô viết: “Tôi sẽ ca ngợi bằng tâm linh nhưng cũng ca ngợi bằng tâm trí nữa”. (1 Cô-rinh-tô 14:15, Bản Dịch Mới) Ông nhận thức rằng người khác phải hiểu được lời của ông thì mới nhận được lợi ích của sự dạy dỗ. Mục tiêu của Phao-lô là ngợi khen Đức Giê-hô-va trong hội thánh. Ông khuyên giục những người đã nhận các ơn của thánh linh: “Hãy tìm cho được dư-dật đặng gây-dựng Hội-thánh”, tức hội thánh địa phương của họ. (1 Cô-rinh-tô 14:4, 5, 12, 23) Rõ ràng, Phao-lô chú ý đến các hội thánh địa phương. Ông biết tín đồ Đấng Christ trong mỗi hội thánh đều có cơ hội ngợi khen Đức Chúa Trời.
17. Về hội thánh địa phương ngày nay, chúng ta có thể tin chắc điều gì?
17 Đức Giê-hô-va tiếp tục dùng và hỗ trợ hội thánh Ngài. Ngài ban phước cho lớp tín đồ được xức dầu sống trên đất ngày nay. Điều này có thể thấy rõ qua việc dân Đức Chúa Trời nhận được thức ăn thiêng liêng dồi dào. (Lu-ca 12:42) Ngài ban phước cho đoàn thể anh em quốc tế. Ngài cũng ban phước cho các hội thánh địa phương, nơi chúng ta ngợi khen Đấng Tạo Hóa bằng việc làm và lời bình luận xây dựng về thiêng liêng. Nơi đây chúng ta cũng được giáo dục và huấn luyện để ngợi khen Đức Chúa Trời vào những lúc chúng ta không ở giữa hội thánh địa phương.
18, 19. Các tín đồ chân thành trong hội thánh địa phương muốn làm điều gì?
18 Hãy nhớ lại sứ đồ Phao-lô khuyên giục các tín đồ thuộc hội thánh tại Phi-líp, Ma-xê-đoan: “Điều tôi xin trong khi cầu-nguyện, ấy là. . . [anh em] được đầy trái công-bình đến bởi Đức Chúa Jêsus-Christ, làm cho sáng danh và khen-ngợi Đức Chúa Trời”. Điều đó bao gồm việc nói với người khác về niềm tin nơi Chúa Giê-su và về hy vọng tuyệt diệu của họ. (Phi-líp 1:9-11; 3:8-11) Do đó, Phao-lô khuyến giục các tín hữu: “Hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”.—Hê-bơ-rơ 13:15.
19 Bạn có vui mừng ngợi khen Đức Chúa Trời “ở giữa hội” như Chúa Giê-su đã làm không? Bạn có thích ngợi khen Đức Giê-hô-va ở giữa những người chưa biết và chưa ngợi khen Ngài không? (Hê-bơ-rơ 2:12; Rô-ma 15:9-11) Câu trả lời tùy thuộc phần nào vào cảm nghĩ của chúng ta về vai trò của hội thánh địa phương trong ý định Đức Chúa Trời. Trong bài tiếp theo, chúng ta hãy xem xét cách Đức Giê-hô-va hướng dẫn và dùng hội thánh địa phương. Ngoài ra, cũng hãy xem xét vai trò của hội thánh trong đời sống chúng ta ngày nay.
Bạn có nhớ không?
• “Hội-thánh của Đức Chúa Trời” gồm các tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã được thành lập như thế nào?
• Kinh Thánh cũng dùng từ “hội-thánh” theo ba cách khác, hãy giải thích.
• Đa-vít, Chúa Giê-su và các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất muốn làm gì giữa hội thánh, và điều này tác động đến chúng ta như thế nào?
[Hình nơi trang 21]
Chúa Giê-su là nền tảng của hội thánh nào?
[Hình nơi trang 23]
Các nhóm tín đồ tại địa phương là “các Hội-thánh của Đức Chúa Trời”
[Hình nơi trang 24]
Như tín đồ Đấng Christ tại Benin, chúng ta có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va giữa các hội chúng