Thế gian không xứng đáng cho họ ở
“Họ đã bị ném đá, tra-tấn... thế-gian không xứng-đáng cho họ ở” (HÊ-BƠ-RƠ 11:37, 38).
1, 2. Nhân-chứng Giê-hô-va thuở xưa giữ sự trung thành trong những hoàn cảnh nào? và những hành động của họ có ảnh hưởng trên các tôi tớ thời nay của Đức Chúa Trời ra sao?
Nhân-chứng Giê-hô-va thuở xưa đã giữ sự trung thành với Đức Chúa Trời bất kể những thử thách đem đến cho họ bởi xã hội bất công của loài người. Thí dụ tôi tớ Đức Chúa Trời đã bị ném đá và giết bằng gươm. Họ chịu nhiều đau khổ bởi sự bạc đãi và bị hoạn nạn. Nhưng họ vẫn không bị lung lay trong đức tin. Thế thì chắc chắn như sứ đồ Phao-lô đã nói: “Thế-gian không xứng-đáng cho họ ở” (Hê-bơ-rơ 11:37, 38).
2 Những hành động đầy đức tin của những người trước thời Nước Lụt, các tộc trưởng và Môi-se thúc đẩy Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay phụng sự Đức Chúa Trời với đức tin. Nhưng về những người khác được nói tới trong Hê-bơ-rơ đoạn 11 và 12 thì sao? Làm thế nào chúng ta có được lợi ích trong việc xem xét những khía cạnh của đức tin của họ?
Đức tin của các quan xét, các vua và các đấng tiên tri
3. Các việc xảy ra liên quan đến Giê-ri-cô và Ra-háp cho thấy đức tin phải được chứng tỏ bằng việc làm như thế nào?
3 Đức tin không chỉ là tin tưởng mà thôi nhưng phải chứng tỏ bằng việc làm hay hành động. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:30, 31. Sau khi Môi-se chết, đức tin đem lại cho dân Y-sơ-ra-ên thắng lợi này sau thắng lợi khác tại xứ Ca-na-an, nhưng điều đó cũng cần sự cố gắng về phía họ. Thí dụ, bởi đức tin của Giô-suê và những người khác “các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày”. Nhưng “với đức-tin, kỵ-nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin”. Tại sao? “Vì nàng đã lấy ý tốt tiếp-rước các kẻ do-thám”, chứng tỏ đức tin của nàng bằng cách giấu họ khỏi những người Ca-na-an. Đức tin của Ra-háp đã có nền tảng vững chắc nơi lời báo cáo là “Đức Giê-hô-va đã khiến nước Biển-đỏ bày khô” trước mặt những người Y-sơ-ra-ên và cho họ chiến thắng trên các vua A-mô-rít là Si-hôn và Óc. Ra-háp đã làm những thay đổi về luân lý và đức tin tích cực của nàng được ban ơn vì nàng và cả nhà nàng được cứu khi thành Giê-ri-cô sụp đổ và nàng được trở thành tổ tiên của Giê-su Christ (Giô-suê 2:1-11; 6:20-23; Ma-thi-ơ 1:1, 5; Gia-cơ 2:24-26).
4. Những kinh nghiệm của Ghê-đê-ôn và Ba-rác nhấn mạnh gì về việc bày tỏ đức tin trong lúc lâm nguy?
4 Đức tin được bày tỏ bởi sự tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va trong lúc lâm nguy. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:32. Phao-lô công nhận sẽ không có đủ thì giờ nếu ông nói về “Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các đấng tiên-tri” mà những kỳ công của họ đã trưng bằng chứng dư dật về đức tin và sự tin cậy Đức Chúa Trời trong những tình thế nguy hiểm. Vì thế, bởi đức tin và với một nhóm vỏn vẹn chỉ có 300 người, quan xét Ghê-đê-ôn được Đức Chúa Trời cho sức mạnh để chà nát đoàn quân hùng hậu của người Ma-đi-an (Các Quan Xét 7:1-25). Được khuyến khích bởi nữ tiên tri Đê-bô-ra, quan xét Ba-rác và một đội quân gồm 10.000 người thiếu trang bị vậy mà đã chiến thắng một quân lực của vua Gia-bin hùng hậu hơn nhiều, có tới 900 xe bọc sắt và dưới sự thống lãnh của tướng Si-sê-ra (Các Quan Xét 4:1 đến 5:31).
5. Sam-sôn và Giép-thê đã bày tỏ đức tin cách thế nào để chứng tỏ có sự tin cậy trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va?
5 Một gương mẫu khác về đức tin trong thời các quan xét của dân Y-sơ-ra-ên là Sam-sôn, một kẻ thù đáng sợ của dân Phi-li-tin. Thật ra ông cuối cùng đã trở thành tù nhân mù lòa của họ. Nhưng Sam-sôn đã giết hại nhiều người Phi-li-tin khi ông xô sụp các cây cột nhà trong lúc họ đang dâng của-lễ cho thần giả Đa-gôn trong đó. Đúng vậy, Sam-sôn đã chết với những người Phi-li-tin nhưng không phải là một sự tự tử vì thất vọng. Bởi đức tin, ông tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và cầu nguyện xin Ngài cho ông đủ sức mạnh cần thiết để trả thù trên những kẻ địch lại Đức Chúa Trời và dân sự Ngài (Các Quan Xét 16:18-30). Giép-thê mà Đức Giê-hô-va đã cho chiến thắng người Am-môn cũng đã biểu lộ sự tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va. Chỉ bởi đức tin mà ông có thể làm tròn lời thề cùng Đức Chúa Trời bởi sự dâng con gái ông để phụng sự Đức Giê-hô-va suốt đời với tư cách một người nữ đồng trinh (Các Quan Xét 11:29-40).
6. Đa-vít đã bày tỏ đức tin thế nào?
6 Cũng nên lưu ý đến đức tin của Đa-vít. Lúc ông chỉ là một thanh niên trẻ, ông đã chiến đấu chống người Phi-li-tin khổng lồ là Gô-li-át. Đa-vít nói: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhơn danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến”. Đúng vậy, Đa-vít đã trông cậy nơi Đức Chúa Trời, giết được người Phi-li-tin khổng lồ và tiếp tục trở thành một vị vua dũng cảm chiến đấu cho quyền lợi của dân sự Đức Chúa Trời. Và bởi vì đức tin của Đa-vít, ông đã làm vừa lòng Đức Giê-hô-va (I Sa-mu-ên 17:4, 45-51; Công-vụ các Sứ-đồ 13:22). Suốt cuộc đời, Sa-mu-ên và các đấng tiên tri khác đã bày tỏ đức tin mạnh và lệ thuộc hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời (I Sa-mu-ên 1:19-28; 7:15-17). Thật là một gương mẫu tốt cho tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va, cả già lẫn trẻ!
7. a) Ai “bởi đức-tin đã thắng được các nước”? b) Ai “làm sự công-bình” bởi đức tin?
7 Bởi đức tin chúng ta có thể đương đầu một cách thành công với mọi thử thách về lòng trung kiên và có thể hoàn thành bất cứ việc gì phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:33, 34. Khi kể thêm về các công việc của đức tin, có lẽ Phao-lô đã nghĩ đến các quan xét, các vua và các đấng tiên tri người Hê-bơ-rơ, vì ông mới vừa kể tên của họ. “Bởi đức-tin” các quan xét như Ghê-đê-ôn và Giép-thê “đã thắng được các nước”. Vua Đa-vít cũng thế, đã chinh phục được dân Phi-li-tin, Mô-áp, Si-ri, Ê-đôm và các dân khác (II Sa-mu-ên 8:1-14). Cũng bởi đức tin, những quan xét ngay thẳng “làm sự công-bình” và các lời khuyên công bình của Sa-mu-ên và các đấng tiên tri khác ít ra cũng đã giúp một số người tránh hoặc bỏ việc làm sai quấy (I Sa-mu-ên 12:20-25; Ê-sai 1:10-20).
8. Đa-vít đã được lời hứa nào? và lời hứa đó đưa đến điều gì?
8 Đa-vít đã là một người bởi đức tin mà “được lời hứa”. Đức Giê-hô-va đã hứa với ông: “Ngôi ngươi sẽ được vững-lập đến mãi mãi” (II Sa-mu-ên 7:11-16). Và Đức Chúa Trời giữ lời hứa đó bằng cách thiết lập Nước Trời vào năm 1914 (Ê-sai 9:5, 6; Đa-ni-ên 7:13, 14).
9. Trong những hoàn cảnh nào mà “bởi đức-tin bịt mồm sư-tử”?
9 Đấng tiên tri Đa-ni-ên đã vượt qua một cách thành công cuộc thử thách về lòng trung kiên khi ông tiếp tục cầu nguyện Đức Chúa Trời theo thói quen hằng ngày bất kể sự cấm chỉ của vua. Bởi đức tin của một người trung thành, Đa-ni-ên đã “bịt mồm sư-tử”, bởi vì ông đã được Đức Giê-hô-va bảo toàn mạng sống ông khi ông bị ném vào hầm sư tử (Đa-ni-ên 6:4-23).
10. Ai đã “tắt ngọn lửa hừng” bởi đức tin? và đức tin tương tự như thế sẽ giúp chúng ta làm được gì?
10 Những người Hê-bơ-rơ làm bạn trung thành của Đa-ni-ên là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô đã “tắt ngọn lửa hừng”. Khi bị đe dọa bởi sự chết trong lò lửa hực, họ nói với vua Nê-bu-cát-nết-sa rằng dù Đức Chúa Trời của họ có giải cứu họ hay không, họ cũng không thể phục sự thần của vua Ba-by-lôn hay thờ hình tượng mà vua đã dựng nên. Đức Giê-hô-va đã không dập tắt ngọn lửa nhưng Ngài bảo vệ để lửa không hại đến ba người Hê-bơ-rơ (Đa-ni-ên 3:1-30). Đức tin tương tự như thế sẽ giúp chúng ta giữ sự trung thành đối với Đức Chúa Trời dù có thể chết trong tay kẻ thù (Khải-huyền 2:10).
11. a) Bởi đức tin, ai “đã lánh khỏi lưỡi gươm”? b) Ai đã «được làm nên mạnh» bởi đức tin? c) Ai “tỏ sự bạo-dạn nơi chiến-tranh” và “khiến đạo binh nước thù chạy trốn”?
11 Đa-vít “lánh khỏi lưỡi gươm” của các quân của vua Sau-lơ (I Sa-mu-ên 19:9-17). Các nhà tiên tri Ê-li và Ê-li-sê cũng đã thoát chết bởi lưỡi gươm (I Các Vua 19:1-3; II Các Vua 6:11-23). Nhưng ai «từ sự yếu đuối được làm nên mạnh bởi đức tin»? Ghê-đê-ôn xem chính ông và người của ông quá yếu để mà cứu được dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay người Ma-đi-an. Nhưng ông đã «được làm nên mạnh» bởi Đức Chúa Trời, Đấng đã cho ông được thắng trận—với chỉ vỏn vẹn 300 người! (Các Quan Xét 6:14-16; 7:2-7, 22). Cũng «từ sự yếu đuối» lúc bị cắt tóc, Sam-sôn đã «được làm nên mạnh» bởi Đức Giê-hô-va và giết được nhiều người Phi-li-tin (Các Quan Xét 16:19-21, 28-30; so sánh Các Quan Xét 15:13-19). Phao-lô có lẽ cũng nghĩ đến vua Ê-xê-chia là người «từ sự yếu đuối được làm nên mạnh» về mặt quân lực và cả thể xác nữa (Ê-sai 37:1 đến 38:22). Trong những tôi tớ Đức Chúa Trời đã “tỏ sự bạo-dạn nơi chiến-tranh” có quan xét Giép-thê và vua Đa-vít (Các Quan Xét 11:32, 33; II Sa-mu-ên 22:1, 2, 30-38). Và trong những người đã “khiến đạo binh nước thù chạy trốn” có quan xét Ba-rác (Các Quan Xét 4:14-16). Tất cả những kỳ công này khiến chúng ta tin chắc rằng bởi đức tin chúng ta có thể thành công đương đầu với mọi thử thách về lòng trung kiên và có thể hoàn thành bất cứ điều gì phù hợp với ý định của Đức Giê-hô-va.
Gương mẫu về đức tin của những người khác
12. a) Những “người đờn-bà” nào “đã được người nhà mình chết sống lại”? b) Sự sống lại của một số người có đức tin sẽ được “tốt hơn” như thế nào?
12 Đức tin gồm sự tin tưởng nơi sự sống lại, niềm hy vọng này sẽ giúp chúng ta giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:35. Vì đức tin “có người đờn-bà đã được người nhà mình chết sống lại”. Bởi đức tin và quyền năng Đức Chúa Trời, Ê-li làm sống lại con trai của một bà góa ở Sa-rép-ta và Ê-li-sê làm sống lại con của một người đàn bà Su-nem (I Các Vua 17:17-24; II Các Vua 4:17-37). Nhưng “có kẻ bị hình khổ dữ-tợn [nghĩa đen là: bị đánh bằng roi] mà không chịu giải-cứu, để được sự sống lại tốt hơn”. Những Nhân-chứng này của Đức Giê-hô-va không được nêu tên trong Kinh-thánh có thể đã bị đánh chết vì từ chối chấp nhận sự giải cứu đòi hỏi sự hòa giải về đức tin họ. Sự sống lại của họ sẽ được “tốt hơn”, bởi vì họ sẽ không cần phải chết nữa (khác những người được Ê-li và Ê-li-sê làm sống lại), và sẽ xảy ra dưới sự cai trị của Giê-su trong Nước Trời, “Cha Đời đời” đã cung cấp giá chuộc hầu cho loài người có cơ hội được sống bất tận trên đất (Ê-sai 9:5; Giăng 5:28, 29).
13. a) Ai đã bị đau khổ bởi “nhạo-cười, roi-vọt”? b) Ai trải qua sự “xiềng-xích lao-tù”?
13 Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta có thể chịu đựng sự bắt bớ. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:36-38. Khi chúng ta bị bắt bớ, chúng ta cần nhớ đến niềm hy vọng về sự sống lại và nhận biết rằng Đức Chúa Trời có thể gìn giữ chúng ta như Ngài đã gìn giữ những “kẻ khác chịu nhạo-cười, roi-vọt, lại cũng chịu xiềng-xích lao-tù nữa”. Dân Y-sơ-ra-ên “cười-nhạo những tiên-tri của Ngài, cho đến đỗi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài” (II Sử-ký 36:15, 16). Bởi đức tin Mi-chê, Ê-li-sê và những tôi tớ khác của Đức Chúa Trời đã nhịn chịu “sự nhạo-báng” (I Các Vua 22:24; II Các Vua 2:23, 24; Thi-thiên 42:3). “Roi-vọt” được xử dụng trong thời các vua và các tiên tri của dân Y-sơ-ra-ên và các kẻ thù “đánh đòn” Giê-rê-mi, không phải chỉ là tát vào mặt để sỉ vả mà thôi. “Xiềng-xích lao-tù” có thể nhắc nhở chúng ta đến kinh nghiệm của ông cũng như của các nhà tiên tri Mi-chê và Ha-na-ni (Giê-rê-mi 20:1, 2; 37:15; I Các Vua 12:11; 22:26, 27; II Sử-ký 16:7, 10). Bởi nhờ có đức tin tương tự thế mà các tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va có thể chịu đựng những sự đau khổ tương đương “vì sự công-bình” (I Phi-e-rơ 3:14).
14. a) Ai ở trong những kẻ bị “ném đá”? b) Ai có thể đã bị “cưa-xẻ”?
14 Phao-lô nói “họ đã bị ném đá”. Một người có được đức tin như thế là Xa-cha-ri, con trai thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa. Được che phủ bởi thánh linh của Đức Chúa Trời, ông nói thẳng chống lại sự bội đạo của dân Giu-đa. Kết quả là gì? Theo lệnh của vua Giô-ách, những kẻ phản nghịch đã ném đá ông đến chết trong hành lang của đền Đức Giê-hô-va (II Sử-ký 24;20-22; Ma-thi-ơ 23:33-35). Phao-lô thêm: “Họ đã bị... tra-tấn, cưa-xẻ”. Có lẽ ông nghĩ đến nhà tiên tri Mi-chê là một trong những người “đã bị tra-tấn” và theo lời truyền khẩu của người Do-thái thì Ê-sai đã bị cưa làm hai dưới thời trị vì của vua Ma-na-se (I Các Vua 22:24-28).
15. Ai đã bị “hà-hiếp, ngược-đãi” và phải “lưu-lạc trong đồng-vắng”?
15 Những kẻ khác “bị giết bằng lưỡi gươm”, thí dụ như các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời làm cùng với Ê-li đã bị “giết bởi lưỡi gươm” trong thời của vua A-háp độc ác (I Các Vua 19:9, 10). Ê-li và Ê-li-sê ở trong số những người có đức tin đã “lưu-lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu-thốn mọi đường, bị hà-hiếp, ngược-đãi” (I Các Vua 19:5-8, 19; II Các Vua 1:8; 2:13; so sánh Giê-rê-mi 38:6). Những người đó “phải lưu-lạc trong đồng-vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất” vì bị ngược đãi và trong số họ không phải chỉ có Ê-li và Ê-li-sê mà còn 100 đấng tiên tri mà Áp-đia đã giấu trong mỗi hang 50 người, nuôi họ bằng bánh và nước khi hoàng hậu Giê-sa-bên thờ hình tượng bắt đầu “diệt hết các đấng tiên-tri của Đức Giê-hô-va” (I Các Vua 18:4, 13; II Các Vua 2:13; 6:13, 30, 31). Biết bao nhiêu người giữ vững sự trung thành! Không lạ gì khi Phao-lô nói: “Thế-gian [xã hội loài người bất công] không xứng-đáng cho họ ở”!
16. a) Tại sao các nhân-chứng Giê-hô-va trước thời đấng Christ chưa nhận lãnh “điều đã được hứa”? b) Về các nhân-chứng Giê-hô-va trước thời đấng Christ thì việc “đạt đến sự trọn-vẹn” liên quan đến sự gì?
16 Đức tin làm chúng ta tin chắc rằng đến thời điểm của Đức Chúa Trời tất cả những người yêu thương Ngài sẽ “nhận-lãnh điều đã được hứa”. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:39. 40. Những người trung thành trước thời đấng Christ “nhơn đức-tin đã được chứng tốt” và nay được ghi lại trong Kinh-thánh. Nhưng họ chưa nhận lãnh “điều đã được hứa cho mình” là Đức Chúa Trời làm cho họ được sống lại trên đất với triển vọng sống đời đời dưới sự cai trị của Nước Trời. Tại sao? Hầu cho “họ không đạt đến sự trọn-vẹn được” ngoài những người xức dầu theo Giê-su, cho những người đó “Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn”—sự sống bất tử trên trời và đặc ân đồng được cai trị với Giê-su Christ. Bắt đầu sau khi Nước Trời được thiết lập năm 1914, các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã được sống lại và “đạt đến sự trọn-vẹn” trên trời trước khi những nhân-chứng của Đức Giê-hô-va trước thời đấng Christ sẽ được sống lại trên đất (I Cô-rinh-tô 15:50-57; Khải-huyền 12:1-5). Về các nhân-chứng thuở xưa, việc “đạt đến sự trọn-vẹn” liên quan đến sự sống lại của họ trên đất để rồi sẽ “được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát”, và họ đạt đến sự hoàn toàn qua sự giúp đỡ của Thầy tế lễ thượng phẩm Giê-su Christ và 144.000 thầy tế lễ phụ ở trên trời trong kỳ 1.000 năm cai trị của ngài (Rô-ma 8:20, 21; Hê-bơ-rơ 7:26; Khải-huyền 14:1; 20:4-6).
Hãy chăm nhìn đấng làm đức tin của chúng ta được trọn vẹn
17, 18. a) Để thành công trong cuộc chạy đua cho sự sống đời đời chúng ta phải làm gì? b) Giê-su Christ là «đấng làm đức tin của chúng ta được trọn vẹn» như thế nào?
17 Sau khi bàn về hành động của các nhân-chứng Giê-hô-va trước thời đấng Christ, Phao-lô chỉ tới gương mẫu chính về đức tin. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 12:1-3. Thật là khích lệ để được “các nhân-chứng vây quanh như đám mây rất lớn” (NW)! Điều này thúc đẩy chúng ta bỏ đi mọi gánh nặng có thể làm cản trở sự tiến bộ thiêng liêng của chúng ta. Điều này giúp chúng ta tránh được tội thiếu hay mất đức tin và chạy với lòng nhịn nhục trong cuộc chạy đua cho sự sống đời đời. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa. Nhưng làm gì?
18 Nếu chúng ta muốn thành công trong cuộc chạy đua cho sự sống đời đời trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời, chúng ta cần “[chăm chú] nhìn xem Đức Chúa Giê-su, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin (đấng làm đức tin chúng ta được trọn vẹn, NW)”. Áp-ra-ham và những người trung thành sống trước thời Giê-su Christ làm thánh chức trên đất có đức tin không hoàn toàn, không trọn vẹn là bởi vì họ không hiểu rõ những lời tiên tri lúc đó chưa được ứng nghiệm về đấng Mê-si. (So sánh I Phi-e-rơ 1:10-12). Nhưng Giê-su đã sanh ra, làm chức vụ, chịu chết và được sống lại, do đó rất nhiều lời tiên tri về ngài đã được ứng nghiệm. Vậy đức tin với ý nghĩa trọn vẹn “đã đến” qua Giê-su Christ (Ga-la-ti 3:24, 25). Hơn nữa, Giê-su từ vị thế ở trên trời đã tiếp tục là đấng làm trọn vẹn đức tin của các môn đồ ngài, khi đổ thánh linh trên họ trong ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch và bằng cách bày tỏ nhiều sự kín nhiệm đã làm đức tin họ dần dần gia tăng thêm (Công-vụ các Sứ-đồ 2:32, 33; Rô-ma 10:17; Khải-huyền 1:1, 2; 22:16). Chúng ta siết bao cám ơn “đấng làm chứng thành-tín”, đấng Lãnh đạo này của Nhân-chứng Giê-hô-va! (Khải-huyền 1:5; Ma-thi-ơ 23:10).
19. Tại sao chúng ta nên “[chăm chú] nhìn xem” Giê-su?
19 Vì lẽ nhịn nhục sự trách mắng của những kẻ chẳng tin không phải là dễ gì, Phao-lô khuyên giục: “Anh em hãy nghĩ đến (Giê-su) đấng đã chịu sự đối-nghịch của kẻ tội-lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi-mệt sờn lòng”. Quả thật, nếu chúng ta chăm nhìn “đấng làm chứng thành-tín” Giê-su Christ, chúng ta sẽ không bao giờ mỏi mệt làm theo ý định của Đức Chúa Trời (Giăng 4:34).
20. Bạn đã học được những gì về đức tin bằng cách xem xét Hê-bơ-rơ 11:1 đến 12:3?
20 Chúng ta đã học được nhiều khía cạnh của đức tin qua những «nhân-chứng vây quanh như đám mây rất lớn» (NW). Thi dụ, đức tin như của A-bên làm tăng lòng biết ơn của chúng ta đối với sự hy sinh của Giê-su. Đức tin thật làm chúng ta trở thành những nhân-chứng can đảm, ngay cả giống như Hê-nóc đã dạn dĩ rao thông điệp của Đức Giê-hô-va. Như Nô-ê, đức tin chúng ta khiến chúng ta cẩn thận làm theo những chỉ thị của Đức Chúa Trời và làm người giảng đạo công bình. Đức tin của Áp-ra-ham cho chúng ta thấy sự cần thiết vâng lời Đức Chúa Trời và trông cậy nơi lời hứa của Ngài, mặc dù vài lời hứa chưa được ứng nghiệm. Gương của Môi-se cho thấy đức tin có thể giúp chúng ta giữ cho khỏi mọi nhơ bẩn của thế gian này và trung thành đứng cạnh dân sự của Đức Chúa Trời. Những kỳ công của các quan xét, các vua và các đấng tiên tri của dân Y-sơ-ra-ên chứng tỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời có thể gìn giữ chúng ta trong sự bắt bớ và thử thách. Và chúng ta biết ơn biết bao về gương mẫu tuyệt đối của Giê-su Christ làm cho đức tin chúng ta vững vàng và không gì rúng động nổi! Vì thế, với Giê-su là đấng Lãnh đạo của chúng ta và với sức mạnh của Đức Chúa Trời, chúng ta hãy tiếp tục bày tỏ đức tin vững bền với tư cách là Nhân-chứng Giê-hô-va!
Bạn trả lời ra sao?
◻ Những hành động nào của các nhân-chứng Giê-hô-va trước thời đấng Christ chứng tỏ đức tin có thể bày tỏ bằng cách hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời trong lúc gặp nguy hiểm?
◻ Tại sao có thể nói rằng bởi đức tin chúng ta có thể đương đầu một cách thành công với mọi sự thử thách về lòng trung thành của chúng ta?
◻ Có bằng cớ nào cho thấy đức tin giúp chúng ta nhịn nhục trong sự bắt bớ (bạc hành)?
◻ Tại sao Giê-su được gọi là «đấng làm trọn vẹn đức tin»?
◻ Một số khía cạnh của đức tin là gì?
[Hình nơi trang 18, 19]
Đa-vít đã bày tỏ đức tin bằng cách đặt hết tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va. Thật là một gương mẫu tốt cho dân tộc của Đức Giê-hô-va thời nay!
[Hình nơi trang 20]
“Có người đờn-bà đã được người nhà mình chết sống lại”. Đức tin nơi sự sống lại giúp chúng ta giữ sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va.