Lựa chọn khôn ngoan để giữ gìn sản nghiệp
“Hãy ghê tởm điều ác và bám lấy điều lành”.—RÔ 12:9.
1, 2. (a) Điều gì đã giúp bạn quyết định phụng sự Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta có thể nêu lên những câu hỏi nào về sản nghiệp thiêng liêng?
Hàng triệu người đã khôn ngoan chọn phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời và theo sát dấu chân Chúa Giê-su (Mat 16:24; 1 Phi 2:21). Chúng ta không xem nhẹ quyết định dâng mình cho Đức Chúa Trời. Lựa chọn của chúng ta không dựa trên sự hiểu biết sơ sài về vài câu Kinh Thánh, nhưng dựa trên việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời kỹ lưỡng. Nhờ thế, chúng ta biết nhiều chi tiết làm vững mạnh đức tin nơi sản nghiệp Đức Giê-hô-va hứa ban cho những ai ‘tìm hiểu về ngài cùng đấng mà ngài đã phái đến là Giê-su Ki-tô’.—Giăng 17:3; Rô 12:2.
2 Để giữ vị thế tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta phải có những lựa chọn làm vui lòng Cha trên trời. Do đó, bài này sẽ xem xét những câu hỏi quan trọng sau: Sản nghiệp của chúng ta là gì? Chúng ta nên có quan điểm nào về sản nghiệp ấy? Chúng ta phải làm gì để bảo đảm là mình được nhận sản nghiệp? Điều gì giúp chúng ta biết lựa chọn khôn ngoan?
SẢN NGHIỆP CỦA CHÚNG TA LÀ GÌ?
3. (a) Những tín đồ được xức dầu sẽ nhận sản nghiệp nào? (b) “Các chiên khác” sẽ nhận sản nghiệp nào?
3 Một số ít tín đồ mong “nhận sản nghiệp không mục nát, không ô uế và không suy tàn”, tức là đặc ân vô giá được cùng Đấng Ki-tô cai trị trên trời (1 Phi 1:3, 4). Để nhận sản nghiệp ấy, những người này phải “sinh lại” (Giăng 3:1-3). Ngoài ra cũng có “các chiên khác” của Chúa Giê-su, là những người hợp tác với tín đồ được xức dầu trong công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời (Giăng 10:16). Họ sẽ nhận được sản nghiệp nào? Các chiên khác sẽ nhận sản nghiệp mà hai người tội lỗi A-đam và Ê-va không bao giờ nhận được, đó là sự sống vĩnh cửu trong địa đàng, nơi không còn đau đớn, chết chóc hay than van nữa (Khải 21:1-4). Thế nên, Chúa Giê-su có thể hứa với tên tội phạm bị xử tử cùng ngài: “Quả thật, hôm nay tôi nói với anh: Anh sẽ ở với tôi trong địa đàng”.—Lu 23:43.
4. Chúng ta đang hưởng những ân phước nào?
4 Nhưng sản nghiệp của chúng ta cũng bao gồm một số ân phước mà chúng ta đang hưởng ngay bây giờ. Vì thể hiện đức tin nơi “giá chuộc của Đấng Ki-tô Giê-su”, chúng ta có sự bình an nội tâm và mối quan hệ gần gũi với Đức Chúa Trời (Rô 3:23-25). Chúng ta có sự hiểu biết rõ ràng về những lời hứa quý giá trong Lời Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chúng ta vô cùng vui sướng khi thuộc về đoàn thể anh em quốc tế yêu thương. Và thật vinh dự khi được làm một Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì lẽ đó, chúng ta quý trọng sản nghiệp của mình!
5. Sa-tan cố làm gì dân Đức Chúa Trời? Điều gì giúp chúng ta đứng vững trước những mưu kế của hắn?
5 Tuy nhiên, để giữ chặt lấy sản nghiệp vô giá của mình, chúng ta phải không ngừng cảnh giác những thủ đoạn của Sa-tan. Sa-tan luôn cố dụ dỗ dân Đức Chúa Trời lựa chọn những điều mà họ phải đánh đổi bằng cả sản nghiệp (Dân 25:1-3, 9). Vì biết ngày tàn của hắn đã gần kề nên Sa-tan càng ra sức lừa gạt chúng ta. (Đọc Khải huyền 12:12, 17). Nếu muốn tiếp tục “đứng vững trước những mưu kế của Kẻ Quỷ Quyệt”, chúng ta phải luôn quý trọng sản nghiệp của mình (Ê-phê 6:11). Về điều này, chúng ta cần rút ra những bài học từ gương cảnh báo của con trai Y-sác là Ê-sau.
ĐỪNG NHƯ Ê-SAU
6, 7. Ê-sau là ai? Ông có cơ hội nhận sản nghiệp nào?
6 Gần 4.000 năm trước, Rê-bê-ca đã sinh ra hai anh em song sinh là Ê-sau và Gia-cốp. Khi hai người lớn lên, họ có tính khí và sở thích khác nhau. “Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường giong-ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền-lành cứ ở lại trại” (Sáng 25:27). Theo một dịch giả Kinh Thánh (Robert Alter), từ Hê-bơ-rơ được dịch là “hiền-lành” “nói đến sự trong sạch và ngay cả vô tội”.
7 Khi Ê-sau và Gia-cốp 15 tuổi, ông nội của họ là Áp-ra-ham qua đời, nhưng lời mà Đức Giê-hô-va hứa với ông thì vẫn còn. Sau đó, Đức Giê-hô-va nhắc lại lời hứa ấy với Y-sác rằng hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi Áp-ra-ham mà được phước. (Đọc Sáng-thế Ký 26:3-5). Lời hứa ấy tiết lộ rằng Đấng Mê-si, tức “dòng-dõi” trung thành được nói đến nơi Sáng-thế Ký 3:15, sẽ là một trong những con cháu của Áp-ra-ham. Vì là con trưởng của Y-sác nên Ê-sau có quyền chính đáng để hưởng lời hứa ấy. Một sản nghiệp vô giá đang đặt trước mắt Ê-sau! Ông có quý trọng sản nghiệp ấy không?
8, 9. (a) Ê-sau chọn điều gì liên quan đến sản nghiệp của ông? (b) Nhiều năm sau, Ê-sau nhận ra điều gì về lựa chọn của ông? Ông phản ứng ra sao?
8 Một ngày nọ, khi Ê-sau từ ngoài đồng về thì thấy Gia-cốp “đương nấu canh”. Ê-sau “liền nói cùng Gia-cốp rằng: Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với, vì anh mệt-mỏi lắm”. Gia-cốp đáp rằng: “Anh hãy bán quyền trưởng-nam cho tôi đi”. Ê-sau đã chọn điều gì? Thật khó tin là ông nói: “Quyền trưởng-nam để cho anh dùng làm chi?”. Đúng vậy, Ê-sau thà bỏ quyền trưởng nam để chọn một bát canh! Vì muốn hợp pháp hóa việc nhượng quyền trưởng nam, Gia-cốp đòi: “Anh hãy thề trước đi”. Không hề do dự, Ê-sau bỏ quyền trưởng nam của ông. “Rồi, Gia-cốp cho Ê-sau ăn bánh và canh phạn-đậu; ăn uống xong, người bèn đứng dậy đi. Vậy, Ê-sau khinh quyền trưởng-nam là thế”.—Sáng 25:29-34.
9 Nhiều năm sau, khi Y-sác nghĩ mình sắp qua đời thì Rê-bê-ca sắp xếp để Gia-cốp chắc chắn nhận được quyền trưởng nam mà Ê-sau đã đánh mất. Khi muộn màng nhận ra mình đã lựa chọn dại dột, Ê-sau van xin Y-sác: “Cha ơi! Xin hãy chúc phước cho con luôn nữa!... Cha chẳng có dành sự chúc phước chi cho tôi sao?”. Khi Y-sác nói rằng ông không thể thay đổi những ân phước đã được ban cho Gia-cốp, “Ê-sau cất tiếng lên khóc”.—Sáng 27:30-38.
10. Đức Giê-hô-va nghĩ gì về Ê-sau và Gia-cốp? Tại sao?
10 Qua lời tường thuật này, chúng ta học được gì về thái độ của Ê-sau? Ông cho thấy rằng thỏa mãn những ham muốn xác thịt quan trọng hơn được hưởng những ân phước tương lai do sản nghiệp mang lại. Ê-sau không quý quyền trưởng nam và rõ ràng không thật sự yêu thương Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Ê-sau không suy xét hậu quả của việc ông làm sẽ ảnh hưởng thế nào đến con cháu. Ngược lại, Gia-cốp vô cùng quý trọng sản nghiệp của ông. Chẳng hạn, Gia-cốp làm theo sự hướng dẫn của cha mẹ khi chọn vợ (Sáng 27:46–28:3). Dù lựa chọn này buộc Gia-cốp phải kiên nhẫn và hy sinh nhưng ông đã trở thành tổ phụ của Đấng Mê-si. Đức Chúa Trời nghĩ gì về Ê-sau và Gia-cốp? Qua nhà tiên tri Ma-la-chi, ngài nói: “Ta yêu Gia-cốp, mà ghét Ê-sau”.—Mal 1:3.
11. (a) Tại sao trường hợp của Ê-sau liên quan đến tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay? (b) Tại sao Phao-lô nói đến sự gian dâm khi miêu tả hành động của Ê-sau?
11 Những gì Kinh Thánh nói về Ê-sau có liên quan đến tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay không? Có. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo anh em đồng đạo phải cẩn thận để trong vòng họ “không được có kẻ gian dâm, hoặc kẻ chẳng biết quý trọng điều thánh như Ê-sau, là người chỉ vì một bữa ăn mà đánh đổi quyền trưởng nam” (Hê 12:16). Lời cảnh báo đó vẫn áp dụng cho chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục quý trọng điều thánh để không bị những ham muốn xác thịt khuất phục và mất đi sản nghiệp thiêng liêng của mình. Thế nhưng, tại sao Phao-lô nói đến sự gian dâm khi miêu tả hành động của Ê-sau? Vì nếu có ham muốn xác thịt như Ê-sau thì một người sẽ dễ từ bỏ điều thánh để theo đuổi thú vui sai trái, chẳng hạn như gian dâm.
CHUẨN BỊ LÒNG NGAY BÂY GIỜ
12. (a) Sa-tan ra sức cám dỗ chúng ta như thế nào? (b) Khi bị cám dỗ làm chuyện sai trái, chúng ta có thể nhớ tới những trường hợp nào trong Kinh Thánh?
12 Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, đương nhiên chúng ta không muốn rơi vào tình huống bị cám dỗ phạm tội vô luân. Chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình cưỡng lại cám dỗ (Mat 6:13). Dù chúng ta cố gắng giữ sự trong sạch trong thế gian suy đồi này nhưng lúc nào Sa-tan cũng ra sức làm suy yếu tình trạng thiêng liêng của chúng ta (Ê-phê 6:12). Là kẻ cai trị thế gian gian ác, Sa-tan biết cách cám dỗ con người bất toàn chiều theo những ham muốn xấu xa của họ (1 Cô 10:8, 13). Chẳng hạn, hãy hình dung một tình huống mà bạn bị lôi kéo làm chuyện vô luân để thỏa mãn ham muốn của mình. Bạn sẽ chọn làm gì? Bạn có như Ê-sau, nhanh chóng chiều theo cám dỗ không? Hay bạn sẽ kháng cự và thoát khỏi tình huống đó, như con trai Gia-cốp là Giô-sép đã làm khi bị vợ Phô-ti-pha cám dỗ?—Đọc Sáng-thế Ký 39:10-12.
13. (a) Ngày nay, nhiều người hành động như Giô-sép ra sao? Nhưng một số người hành động như Ê-sau thế nào? (b) Chúng ta phải làm gì để không hành động như Ê-sau?
13 Nhiều anh chị đã rơi vào tình huống khiến họ phải chọn hành động như Ê-sau hay Giô-sép. Hầu hết đã hành động khôn ngoan và làm Đức Giê-hô-va vui lòng (Châm 27:11). Tuy nhiên, một số người khác đã chọn hành động như Ê-sau và có nguy cơ đánh mất sản nghiệp thiêng liêng. Thật vậy, trong số những người bị ủy ban tư pháp xét xử và khai trừ mỗi năm, có nhiều người đã phạm tội vô luân. Chuẩn bị lòng ngay bây giờ thật quan trọng biết bao—trước khi chúng ta rơi vào tình huống bị cám dỗ! (Thi 78:8). Chúng ta có thể thực hiện ít nhất hai bước để xây bức tường chống lại cám dỗ và có những lựa chọn khôn ngoan sau này.
NGẪM NGHĨ VÀ CỦNG CỐ
14. Chúng ta sẽ “ghê tởm điều ác và bám lấy điều lành” khi ngẫm nghĩ những câu hỏi nào?
14 Bước đầu tiên là ngẫm nghĩ hậu quả của việc mình làm. Càng yêu thương Đức Giê-hô-va bao nhiêu, chúng ta càng quý trọng sản nghiệp thiêng liêng bấy nhiêu. Suy cho cùng, nếu yêu thương người nào đó, chúng ta sẽ không muốn làm tổn thương người ấy. Thay vì thế, chúng ta cố gắng làm người ấy hài lòng. Do đó, chúng ta nên dành thời gian ngẫm nghĩ hậu quả sẽ ra sao cho mình và người khác nếu mình chiều theo ham muốn xác thịt. Chúng ta nên tự hỏi: “Hành động ích kỷ của tôi sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của tôi với Đức Giê-hô-va? Hành động sai trái của tôi sẽ ảnh hưởng thế nào đến gia đình? Nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến anh chị trong hội thánh? Tôi có làm người khác vấp ngã không?” (Phi-líp 1:10). Chúng ta cũng có thể tự hỏi: “Những khoảnh khắc thỏa mãn thú vui sai trái có đáng để tôi phải trả giá về sau không? Tôi thật sự muốn có kết cục như Ê-sau, phải khóc lóc cay đắng khi nhận ra những gì mình đã làm ư?” (Hê 12:17). Khi ngẫm nghĩ những câu hỏi như thế, chúng ta sẽ “ghê tởm điều ác và bám lấy điều lành” (Rô 12:9). Đặc biệt là tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va sẽ thôi thúc chúng ta giữ chặt lấy sản nghiệp của mình.—Thi 73:28.
15. Điều gì giúp chúng ta củng cố sức phòng thủ?
15 Bước thứ hai là củng cố sức phòng thủ. Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều điều giúp chúng ta củng cố sức phòng thủ. Nhờ thế, chúng ta có thể chống lại những cám dỗ trong thế gian và bảo vệ tình trạng thiêng liêng của mình. Những điều ngài cung cấp bao gồm việc học hỏi Kinh Thánh, các buổi nhóm họp, thánh chức và cầu nguyện (1 Cô 15:58). Mỗi lần trải lòng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và sốt sắng tham gia thánh chức là chúng ta củng cố bức tường chống lại cám dỗ. (Đọc 1 Ti-mô-thê 6:12, 19). Sức mạnh phòng thủ tùy thuộc phần lớn vào nỗ lực của chính chúng ta (Ga 6:7). Điều này được nêu bật nơi sách Châm-ngôn chương 2.
TIẾP TỤC TÌM KIẾM
16, 17. Điều gì giúp chúng ta biết lựa chọn khôn ngoan?
16 Sách Châm-ngôn chương 2 khuyến khích chúng ta nỗ lực để có được sự khôn ngoan và khả năng suy xét. Những khả năng này giúp chúng ta biết lựa chọn giữa điều đúng và sai, giữa tự chủ và buông thả. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm thế nếu sẵn sàng nỗ lực. Kinh Thánh nhấn mạnh điều này như sau: “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, dành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng; phải, nếu con kêu-cầu sự phân-biện, và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng, nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí, bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời. Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri-thức và thông-sáng”.—Châm 2:1-6.
17 Rõ ràng, để biết lựa chọn khôn ngoan, chúng ta phải làm theo những gì được nói đến trong Châm-ngôn. Chúng ta có thể đứng vững trước những cám dỗ nếu để Lời Đức Chúa Trời uốn nắn con người bề trong, nếu kiên trì cầu xin sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, và nếu tiếp tục tìm kiếm sự hiểu biết của ngài như tìm báu vật ẩn bí.
18. Bạn quyết tâm tiếp tục làm gì, và tại sao?
18 Những ai nỗ lực tìm kiếm sự tri thức, hiểu biết, thông sáng và khôn ngoan thì sẽ được Đức Giê-hô-va ban cho. Càng tìm kiếm và sử dụng những khả năng đó, chúng ta càng đến gần Đấng Ban Cho là Đức Chúa Trời. Rồi mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ chúng ta khi đương đầu với cám dỗ. Nếu đến gần Đức Giê-hô-va và kính sợ ngài, chúng ta sẽ được bảo vệ để không mắc phải những việc làm sai quấy (Thi 25:14; Gia 4:8). Mong sao tình bạn với Đức Giê-hô-va và sự khôn ngoan ngài ban cho sẽ giúp chúng ta tiếp tục có những lựa chọn khôn ngoan để làm ngài vui lòng và giữ gìn sản nghiệp của mình.